Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Lê Quang Uy, DCCT
Bài Viết Của
Lm. Lê Quang Uy, DCCT
CHUYỆN BÉ ĐẶNG MAI SƯƠNG ĐÌNH
"NHƯ GÀ MẸ Ủ ẤP CON DƯỚI CÁNH…"
700 SỐ BÁO – 700 HẠT MẦM NỞ HOA
CỨU TRỢ BÀ CON MIỀN TRUNG ĐANG CHỊU THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG
DỌN NHÀ, DỌN LÒNG…
KHÓA "VUI SỐNG TIN MỪNG"
ĐẦU NĂM MỪNG TUỔI… “NHÓM TOBIA”
THÔNG BÁO GHI DANH KHÓA GIÁO LÝ HÔN NHÂN AGAPE 26 CỦA TRUNG TÂM MỤC VỤ DCCT
MỜI GỌI GHI DANH THEO KHÓA KỂ CHUYỆN GIÁO LÝ TỔ CHỨC TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ DCCT
MỤC TỬ NHƯ LÒNG… DÂN MONG ƯỚC !
TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI... ?
MẸ HẰNG CỨU GIÚP, XIN CỨU GIÚP CHÚNG CON
LỜI TUYÊN TÍN VÀO CHÚA GIÊSU CỨU THẾ
LỄ CHÚA CỨU THẾ - TIN HOẶC KHÔNG TIN
“TRÁNH QUA BÊN KIA MÀ ĐI...”
NẺO ĐƯỜNG HỒN NHIÊN CỦA TIN MỪNG ( Kỳ 12 ): Tờ lịch Tin Mừng
“TRỜI HÀNH CƠN LỤT MỖI NĂM…”
CẦU SIÊU, CẦU AN, VÀ CẦU NGUYỆN NỮA !
“HỠI ÔI, BÀ LÀ CHÚA BÀU CHÚNG CON…”
PHÉP LẠ “BÌNH AN HÓA NHIỀU” CHO TAM TÒA, CHO CẢ HỘI THÁNH VIỆT NAM
ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC !”
VÌ TÔI LÀ LINH MỤC…
MÓN NỢ KHỔNG LỒ VÀ KINH KHỦNG VỚI CÁC THAI NHI
NGÀY GHI ƠN BỐ – FATHER’S DAY
CUỘC “TRƯỜNG CHINH” BẢO VỆ SỰ SỐNG
“THÁNH THẦN, KHẤN XIN NGỰ ĐẾN...”
“CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG VỚI...”
“YÊU NHƯ THẦY YÊU...”
CHÚA LÀ CÂY - CON LÀ CÀNH - CHÚA LÀ BIỂN XANH - CON LÀ DÒNG SUỐI NHỎ
“TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI, VÀ CHIÊN CỦA TÔI BIẾT TÔI”
“HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ”
DÒNG SÔNG DÀI, BÊN LỞ BÊN BỒI...
“CON KIẾN MÀ KIỆN CỦ KHOAI !”
“XIN CHO CHÚNG CON HẰNG NGÀY... THẤT NGHIỆP !”
NHỚ “CỤ HỒNG” CỦA CHÚNG CON
ĐỔ MỒ HÔI – SÔI NƯỚC MĂT
“LÌ XÌ CHO... CHÚA GIÊSU”
MỘT ĐẤT NƯỚC CÓ RẤT NHIỀU ĐÊM THẮP NẾN NGUYỆN CẦU
BUỒN VUI LỄ GIÁNG SINH
“NGÀI ĐÃ ĐẾN NƠI NHÀ MÌNH, NHƯNG NGƯỜI NHÀ...”
“TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI, VÀ CHIÊN CỦA TÔI BIẾT TÔI”

Quý độc giả Ephata và Công Giáo Việt Nam thân mến,

Những ngày vừa qua, sau khi viết bài “HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN...”, chúng tôi mang một tâm trạng rất lạ, vừa vui vừa buồn, vừa phấn khích lại vừa lo âu. Tuy nhiên, thú thật, chúng tôi tự đọc lòng mình thì không thấy có nỗi sợ, dù là một thoáng. Tôi xin phép được bộc bạch chân thành.

Vui và phấn khích là vì, hoá ra anh chị em đồng đạo với mình, không chỉ đồng đạo mà còn đồng tâm nhất trí với nhau rất cao trong nỗi xót xa trăn trở quê hương bị dày xéo, trong nỗi giận quốc thể bị xúc phạm. Không phải dăm ba chục người, hay vài trăm người, mà là hàng ngàn người khắp mọi nơi, Bắc Trung Nam, trong nước ngoài nước, đủ mọi thành phần, già trẻ lớn bé, từ bà nội trợ đến những cô giáo, từ anh xe ôm đến ông bác sĩ, từ chị tiếp thị đến cụ già hưu trí, từ chú công nhân đến bạn sinh viên...

Ấy đấy, sát nghĩa của từ “quần chúng nhân dân”, ai cũng bật lên tiếng kêu: may quá, đã có một ai đó liều lĩnh dám la toáng lên để họ được dịp cùng la theo, thành một tiếng “la vang”, đại diện cho khối mấy triệu người Công Giáo, một phần mười của quốc dân đồng bào chứ ít ỏi gì đâu. Mà bất ngờ lắm, một số chức sắc và không ít tín đồ các tôn giáo bạn, cả những người vô thần, cũng không tị hiềm mà tiến lại đứng bên cạnh, cùng la, cùng kêu.

Không phải hô hoán linh tinh nhộn nhạo, mà là “chúng khẩu đồng thanh”, một tiếng lòng, tiếng của Sự Thật. Cứ tưởng họ mải mê chuyện sinh nhai, cứ tưởng họ thờ ơ với thời sự đất nước, cứ tưởng họ khiếp sợ nem nép trước cường quyền, đâu ngờ, chỉ cần một hiệu triệu, họ đến ngay. Và đây là lần tập họp sơ bộ, như là thố lộ, như là biểu dương, nhưng chưa phải thế mà xong, họ chờ một “Diên Hồng” từ cấp cao hơn, lớn hơn.

Chúng tôi lại cũng không giấu giếm một nỗi buồn và rất nhiều lo âu. Xin nói cái lo âu trước, bởi rõ ràng không sợ hãi là may rồi, chứ làm gì mà không lo ? Người ta nhao nhao lên xỉa xói, chửi rủa, gán ghép chụp mũ đủ thứ tội danh nghiêm trọng để đòi trừng trị bỏ tù. Cường quyền này đã từng và vẫn luôn là bạo quyền, nên đã từng có bao lớp người phải trả giá đau xót.

Lo là lo người ta quen chơi trò bóng tối, không chịu ra đòn công khai, nhưng cứ rình dịp mà “hàm huyết phún nhân”, nhẹ thì gây tai nạn như thể chuyện tình cờ rủi ro, mà nặng thì tung hoả mù bôi nhọ danh dự, gây hoang mang dao động cho quần chúng đang yêu mến ủng hộ cá nhân và tập thể Nhà Dòng chúng tôi.

Nhưng ngẫm nghĩ mấy cái chiêu này cũng đã cũ rích, không khéo họ đã phát kiến chiêu khác mờ ám hơn, hiểm độc hơn. Chúng tôi phục vụ chương trình Bảo Vệ Sự Sống nên vẫn hay tự nhủ và căn dặn nhau phải cẩn thận: một khi người ta đã thản nhiên chủ trương cổ võ chuyện phá thai để kế hoạch hoá dân số thì người ta dám làm mọi chuyện gian ác tàn nhẫn khác.

Nhưng cái lo như thế thật ra không nặng nề bằng nỗi buồn. Cái lo ấy nó dội lên ngay lúc bài viết chúng tôi vừa tung ra đã bị báo chí phản ứng dữ dội, nhưng rồi nó dịu xuống. Cái buồn mới ghê, nó âm ỉ, dai dẳng từ lâu rồi, từ trước vụ “Bauxite Đỏ” này cơ. Bây giờ thì nó chỉ cộng thêm, dồn nén, làm mình rũ ra, kiệt sức, lắm khi cám dỗ mình tuyệt vọng, bế tắc, mất lòng tin. Bao nhiêu chuyện chấn động trong hơn một năm qua, chỉ tính riêng bên nội bộ Công Giáo: Toà Khâm Sứ, Thái Hà, các Dòng Tu và các Giáo Xứ trong Nam, ngoài Bắc. Vậy mà... Chúng tôi xin đành viết như thế rồi bỏ lửng...

Trời ơi, khi kêu gọi mọi người hưởng ứng cứu lấy Tây Nguyên, cùng với tên họ người ghi danh gửi về, không ít lần chúng tôi xúc động thấy bà con mình can đảm lắm, nhất là anh chị em đang sống ngay trên quê hương đầy bất trắc này. Họ kê ra hơn chúng tôi yêu cầu rất nhiều: đầy đủ chi tiết, số nhà, tên đường, phường, quận, ấp, xã, tỉnh thành, cứ như khai lý lịch. Nhiều người nêu ra công việc và cụ thể cơ sở, công ty, văn phòng, bệnh viện, trường học mình đang làm việc, chẳng e sợ bị theo dõi đầy đoạ gì. Các bạn học sinh ghi rõ cả lớp, các em sinh viên cho biết khoa, trường đại học của mình. Chúng tôi đã định đánh bạo gửi Mail hỏi lại sao anh chị em liều thế, không sợ ư, nhưng rồi thôi không dám, e như thế là xúc phạm đến lòng quả cảm đầy tự trọng của họ khi họ quyết định lên tiếng “chống Bauxite Đỏ”.

Trời ơi, có người ghi tên trọn vẹn cả gia đình, vợ chồng, con cái, dâu rể, cả tên những em bé mà họ ghi rõ “chưa đi học”. Chúng tôi thoáng băn khoăn, ơ hay, “chưa đi học” thì đâu đã ý thức gì mà bảo là ủng hộ với lại chống đối một chuyện tày đình của đất nước ? Nhưng rồi chúng tôi kịp hiểu ngay: đây là chuyện ảnh hưởng cả dân tộc, cả thế hệ. Em bé tý xíu chưa biết gì, nhưng cha mẹ bé kiên quyết không muốn con cháu mình phải gánh chịu hậu quả bi đát do sự hèn nhát câm lặng của thế hệ đi trước.

Trời ơi, có người đi vận động bạn bè quen biết mình, rồi đứng ra lập danh sách gửi về. Đọc ghi chú về nghề nghiệp là hiểu ngay họ là những người hết sức bình dân, ngoài xã hội không có chức tước danh phận gì, đúng là thân “con sâu cái kiến” so với cái quyền lực khổng lồ của các “đầy tớ nhân dân” mà họ phải gánh vác trên lưng trên cổ. Họ là ông xe ôm, là bà nội trợ, là chị tiểu thương, là anh bốc vác, là mấy bạn công nhân Xa Quê. Rõ ràng họ cùng sống một xã, một phường, một Giáo Xứ. Họ chẳng phải là bị dụ dỗ lôi kéo vào hùa với nhau đâu, bởi có được lãnh “năm chục nghìn bồi dưỡng”, có được hưởng cái gì đâu ngoài những rắc rối có thể lãnh đủ sau khi tên mình được tung lên trên mạng ? ! ?

Trời ơi, có nơi xa xôi tít mù tận Bắc Âu, người Giáo Dân Việt chỉ là thiểu số nhưng vẫn vào trao đổi với cha xứ người địa phương để bàn bạc, và họ cùng đề nghị chúng tôi cố gắng có được văn bản bài viết “HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN...” bằng tiếng Anh để cha xứ sẽ tìm ra cách để vấn đề được nêu lên rộng hơn, sâu hơn, đánh động cả những người Giáo Dân mắt xanh tóc vàng sở tại, bởi ngài bảo: đâu phải chỉ là chuyện của riêng Việt Nam, đây là vấn nạn môi trường chung của cả thế giới, của toàn nhân loại. Thế là chúng tôi tìm hỏi xem ai bên Việt Nam có thể dịch bản văn sang tiếng Anh, không đầy 15 phút gọi điện thoại, có ngay một cô gái trong Nhóm BVSS ở Sàigòn nhận lời. Nay mai chúng tôi sẽ vừa gửi sang Bắc Âu vừa post lên Web để các nơi có thể vận dụng.

Ngay sau khi nhận về khoảng vài chục E-Mails ghi danh hưởng ứng đầu tiên, chúng tôi có nằm mơ cũng không ngờ rồi sẽ có lúc lên đến con số 2.000 và có thể còn hơn thế nữa. Rồi chúng tôi nẩy ra ý phải thống nhất cách ghi các dữ liệu để từ đó có thể thống kê. Nhiều anh em cho là làm như thế mất thì giờ, lại có vẻ khoe khoang phô trương lực lượng. Nhưng rồi lại hoá hay, cứ xem bảng thống kê từng chặng sơ kết, ta đọc được tình hình chung, tinh thần chung. Dẫu kết quả cũng chỉ tương đối đi nữa thì cũng đủ vẽ lên một dáng vẻ “đàn chiên” nhà mình đã và đang khao khát thế nào, nhờ vậy các Giám Mục, nghĩa là các vị Mục Tử cấp cao càng thấy thấm thía và khích lệ để lên tiếng và hành động chung.

Này nhé, có bao nhiêu Linh Mục, bao nhiêu Tu Sĩ nam nữ tham gia bên cạnh anh chị em Giáo Dân của mình ? Thành phần của anh chị em là những chức danh trí thức, nghề nghiệp bình dân nào trong xã hội ? Sinh viên học sinh là đối tượng giới trẻ được kỳ vọng thì như thế nào bên cạnh các cụ hưu trí ? Lại có thể thấy anh chị em kiều bào khắp nơi luôn gắn bó với quê nhà ruột thịt ra sao ? Ngay trên đất Mỹ, tiểu bang nào có đông người Việt là thấy rõ tỷ lệ tham gia lên tiếng ngay. Còn tại Việt Nam, các tỉnh Đăknông và Lâm Đồng, các Giáo Phận Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, nơi đang bị đào xới tang thương, đang bị nhuốm một thứ màu đỏ nhớp nhúa, sẽ có được bao nhiêu người dân lên tiếng so với các tỉnh thành khác ! ? !

Lại có rất nhiều anh chị em gửi Mail hoặc gọi phone cật vấn chúng tôi trong tinh thần quý mến đồng cảm: “Cha kêu gọi ghi danh rầm rộ như thế này để làm gì ? Rồi ra có rơi vào cõi mênh mông thinh lặng chăng ? Sau bước này, kế tiếp cha sẽ là gì ? Có đánh trống rồi lại bị... tước mất dùi hay không ?”

Rõ ràng chúng ta chẳng có hy vọng gì đối với phía “thế gian”. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nghĩ: có “kiến” mấy cũng chẳng được “nghị” gì đâu. Nên chuyện này là chuyện kêu lên với nhau và kêu từ dưới lên trên trong giới Công Giáo.

Ít ra người ngoài Công Giáo họ không trách chúng ta vô tâm vô cảm, bàng quan đi bên lề những chuyện nhân sinh nóng bỏng của đất nước. Nhưng nhiều hơn, chúng ta mong đợi từng vị Mục Tử, và ước gì, toàn Hội Đồng các vị Mục Tử nhà mình, với tầm nhìn xa, với tấm lòng chạnh thương cũng sẽ hiểu được thao thức của đàn lũ hàng triệu con chiên con cừu, hay nói theo kiểu “Việt Nam hoá” thì là hàng triệu... con trâu, con nghé đang vểnh tai, dõi mắt đến gần như mòn mỏi !

Chúng tôi lục lại trong kho data máy vi tính của mình các truyện kể minh hoạ Giáo Lý Tin Mừng, thấy có mấy cậu truyện hay quá, có liên quan đến mục đích và đối tượng tiên quyết của chuyện ghi danh “chống Bauxite Đỏ” này. Xin phép kể:

Thời Đường Thái Tông bên Trung Quốc ngày xưa là một giai đoạn đất nước cường thịnh. Nhà vua có một cô công chúa tài sắc vẹn toàn, vì thế, có nhiều vị vua chư hầu muốn đến cầu hôn. Cuối cùng, nhà vua đề ra một cuộc thi tài, nếu ai vượt qua được thì sẽ được chọn làm phò mã.

Chặng thi sau hết là chặng khó nhất, chỉ còn có mấy chàng trai tài giỏi lọt lại. Vua Đường Thái Tông cho nhốt chung 100 con ngựa mẹ và 100 con ngựa con mới đẻ. Làm sao để có thể phân biệt được con ngựa con nào là con của con ngựa mẹ nào ?

Tất cả đều vò đầu bứt tai xin chịu thua. Chỉ có một anh vua trẻ nước Thổ Phồn, vốn bị mọi người coi thường nhất, đã nghĩ ra một cách. Anh xin nhốt riêng ngựa mẹ, tách hẳn khỏi chuồng nhốt ngựa con, bắt lũ ngựa con phải nhịn bú sữa trong một ngày. Hôm sau, anh lại đề nghị cho tất cả ngựa con ngựa mẹ vào chung một chuồng lớn. Thế là lũ ngựa con đói quá đã lao xao chạy đi tìm đúng ngựa mẹ của nó để bú. Thế là chính cái anh rất trẻ, vua của một xứ được coi là man di này đã thắng cuộc...

Ấy là truyện xưa tích cũ hồi nảo hồi nào. Bây giờ chúng tôi xin kể tiếp một truyện khác, hiện đại. Trong một bộ phim Bảo Vệ Sự Sống của đài truyền hình TV5 nước Pháp, tên là “Le bébé est une personne”, chúng tôi bắt gặp được một trường đoạn hết sức dễ thương và xúc động đến nao lòng:

Tại một bệnh viện phụ sản thủ đô Paris, người ta chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm bằng cách mời gọi một bà mẹ đặt tên trước cho đứa bé trai tuổi thai mới được 5 tháng. Thằng cu được chọn tên là Nicolas. Trong suốt mấy tháng trời, ngày nào bà mẹ cũng vừa xoa nhẹ trên bụng mà gọi tên con, trò chuyện với con.

Đến ngày sinh, đứa bé được cho cách ly, nằm riêng trong một cái nôi, ngủ say giấc thiên thần. Người ta chọn thêm 3 người phụ nữ có âm giọng tương tự như bà mẹ đẻ của em bé. Tất cả ngồi trong căn phòng, vòng quanh chiếc nôi, cách em bé một khoảng bằng nhau. Thế rồi, lần lượt, ba phụ nữ kia gọi tên Nicolas nhiều lần cách quãng nhau, chú bé vẫn tỉnh bơ như không. Đến đúng bà mẹ đẻ lên tiếng: “Nicolas !” thì thằng c u liền cựa quậy, rồi mở mắt, rồi khóc ré lên đòi mẹ cho bằng được.

Cuộc thí nghiệm được lập lại nhiều lần, kết quả đều y như thế ! Hơi mẹ, sữa mẹ, và nhất là tiếng mẹ đã khiến cho đứa con nhận ngay ra sự hiện diện của mẹ mình.

Chúa Nhật 3.5.2009 này, Hội Thánh mừng kính vị Hôn Phu đã Phục Sinh vinh quang, cũng là vị Mục Tử Nhân Lành của mình, chúng tôi xin được kết thúc bài viết tâm huyết này bằng chính Lời Chúa Giêsu, Đấng là Mục Tử, đã nhân lành lắm nên cũng yêu thương gắn bó lắm, và cũng sẵn sàng can đảm đứng ra bảo vệ lấy đàn chiên của mình lắm, Ngài bảo như một lời trấn an phủ dụ với “đàn ngựa con” đang khát sữa, mà đồng thời vẫn là một lời cam kết xác quyết:

“Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” ( Ga 10, 27 )

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, thứ năm 30.4.2009

Tác giả: Lm. Lê Quang Uy, DCCT

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!