Quý độc giả Ephata và Công Giáo Việt Nam thân mến,
Xin thưa ngay là chúng tôi, nhiều bạn trẻ, nhiều anh chị em tông đồ trung niên, cả nhiều Linh Mục và Nữ Tu chúng tôi vẫn thầm cầu nguyện hoặc cầu nguyện chung với nhau bằng Kinh Lạy Cha đúng thật là vậy: “Xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp”.
Ơ, sao lại thế ? Chuyện gì lạ vậy ?
Cũng cần nhắc lại là cách nay khoảng ba chục năm ngược về trước, Kinh Lạy Cha của chúng ta được đọc trong cả thế kỷ là: “Xin Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ...” chứ không phải đọc như bây giờ là: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày...” ( dịch từ bản Latinh: “Panem nostrum quotidianum da nobis hodie” ). “Lương thực hằng ngày” là kiểu nói không ra Tây mà lại hoàn toàn xa lạ với cách năm bình thường của người Việt Nam. Ngẫm nghĩ thấy con cái trong gia đình chúng ta nó hay níu áo ba nó mà kêu: “Bố ơi, cho con xin chiếc bánh...”; “Bố ơi, cho con xin bát cơm...” chứ ai lại văn chương kềnh càng đến mức: “Cha ơi, cho con xin lương thực...”
Nhưng thôi, chúng tôi không có ý viết bài này để phân tích, phê bình và tranh luận về các bản dịch Kinh Lạy Cha, nhưng chúng tôi muốn nhắm đến chuyện khác, cũng là xin, xin với Chúa là Cha, và xin một điều cũng hết sức thiết thực như xin cơm ăn áo mặc hằng ngày. Đó là chuyện Bảo Vệ Sự Sống !
Chúng tôi muốn nói đến một nghề mới hình thành ở Việt Nam cách đây không lâu, khoảng 17 năm nếu tính Huế là nơi ra đời Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đầu tiên. Gọi tạm là nghề vậy thôi, chứ nghề gì mà không ăn lương, nghề gì mà không cần huấn luyện và đào tạo, nghề gì mà chẳng thấy ghi trong Tự Điển Bách Khoa Nghề Nghiệp ?
Tuy nhiên vẫn có thể gọi đây là nghề, vì người làm nghề này cần phải trung thành làm một công việc đều đặn mỗi ngày, đúng giờ, đúng nơi, đúng chỗ, lại phải thinh lặng mà làm, không bô lô ba la ồn ào. Nghề này, xét ra, gặp rất nhiều rủi ro, có thể bị ngộ nhận, bị gây khó dễ, lại có thể bị nhiễm độc mà chẳng cơ quan nào chịu trả phụ cấp độc hại và bồi thường bằng bảo hiểm y tế !
Vâng, ấy là “nghề” đi góp nhặt và quy tập các... thai nhi bị giết mỗi ngày tại các điểm phá thai, y tế công cũng như phòng mạch tư.
Các địa chỉ “sát sinh” này bây giờ ngày càng tăng, nhiều lắm, ở cấp thành phố đương nhiên là nhan nhản, có khi tập trung thành cả dãy phố như ở Hà Nội, có khi được thông tin giới thiệu công khai như ở Sài-gòn, có khi treo bảng to đùng ngoài cổng như ở các tỉnh. Xuống đến cấp huyện, cấp quận, cả đến cấp xã, cấp phường cũng có, núp bóng trạm xá. Dưới đồng bằng và duyên hải cũng có, mà cũng có cả trên cao nguyên. Và đừng quên các loại phòng khám, phòng mạch các bác sĩ và cả bọn... lang băm !
Các địa chỉ “Văn Hóa Sự Chết” ấy cứ mọc lên, hoạt động một thời gian là y như rằng cũng hình thành luôn nghề đi thu gom xác thai nhi để đem về lo hậu sự, tẩm liệm rồi chôn cất hoặc đem thiêu rồi táng vào một nơi như một cái lăng, một nghĩa trang, một “Đất Thánh” hẳn hoi. Nghĩa tử – nghĩa tận !
Nhưng tại sao lại “xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp” ? Ai làm nghề gì thì cũng mong có công ăn việc làm, buôn may bán đắt, nhất là cầu sa o cho có việc làm đều đặn, cứ tăng trưởng dần dần để thu nhập ngày càng nhiều hơn. Chứ ai lại đi cầu nguyện sao cho... sớm được thất nghiệp bao giờ ? Vậy mà, với nghề nhặt xác các em bé bị giết thì mọi sự đảo ngược, lộn nhào.
Có hôm một bạn giáo viên sau khi từ trường về, ghé đến bệnh viện, âm thầm kín đáo xách lấy chiếc túi nylon màu đen rồi đem về Góc Xót Thương ở cuối hành lang Trung Tâm Mục Vụ DCCT Sài-gòn. Xong xuôi bạn ấy ghé vào văn phòng. Bạn ấy ngồi xụp xuống ghế, dáng vẻ mệt mỏi, rũ rượi, khuôn mặt buồn xo, xin một cốc nước lọc rồi buột miệng than thở: “Hôm nay con buồn quá bố ơi, các em bị phá nhiều quá, có lẽ cả túi phải đến 3 ký với hàng trăm em...” Hôm khác, cũng bạn ấy, đẩy cửa vào là reo to vui vẻ: “Hôm nay con mừng quá bố ơi, chỉ có vỏn vẹn 5 cháu !”
Lại có chuyện một bạn trẻ của chúng tôi tối nào lúc 20g30, mưa gió hay không, cũng đều về Nhà Dòng chúng tôi để thu tập toàn bộ các túi nylon đựng thai đã được các anh chị em khác góp nhặt từ nhiều địa chỉ phá thai nội ngoại thành Sài-gòn. Em ấy lom khom ở góc Xót Thương, bỏ tất cả vào một cái balô to, ôm trên tay xuống lầu, cặm cụi một người một xe gắn máy đem về cho một thầy DCCT chúng tôi sẽ lo hậu sự vào nửa đêm.
Công việc tận tụy suốt mấy 4, 5 năm nay rồi, bỗng một hôm vô tình trên đường về, bạn gái ấy gặp một tu huynh trẻ. Thầy ấy hỏi thăm đi đâu, làm gì, chở cái bọc chi mà to thế ? Cô bé trả lời: Dạ thưa thầy xác các bé thai nhi ạ. Ông thầy cười ồ lên vẻ chế nhạo: Ơ sao mày ngu thế ? Người ta ăn ốc, mình lại đi đổ vỏ ! Chỉ một câu thế thôi, cô bé sụp đổ, khủng hoảng hoàn toàn ! Nghe bố mẹ em thuật lại, chúng tôi giận lắm, định đi tìm cái anh tu huynh một Dòng nào đấy để “xử lý” chứ không thì tức lắm. Không ngờ cô bé đã vượt qua được cơn sốc ấy rồi, thôi không muốn to chuyện làm gì. Chúng tôi ra về, ngẫm nghĩ: Ừ, tội nghiệp cô bé, tội nghiệp cả nhóm các anh chị Tông Đồ Giáo Dân nữa, cái nghề chi mà kỳ cục thật ! Mong sao có ngày nào đó thôi không còn phải làm như thế này nữa. Thất nghiệp là mừng !
Mới đây, trên đường từ Nam Định về lại Hà Nội để bay vào Nam, chúng tôi được ghé vào một xã thuôc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, thăm một nghĩa trang anh Hài mới hình thành chỉ vỏn vẹn 40 ngày thôi mà nơi đây đã chôn cất được hơn 200 thai nhi. Một nhóm các anh chị lo thu nhặt tại thành phố, chuyển dần về vùng nông thôn này, cách xa mấy chục cây số đường nhựa và thêm 4, 5 cây đường đất đá đầy ổ gà. Đến phiên các anh chị ở đây xúm lại lo tẩm liệm chôn cất thật ân cần chu đáo, cứ như đang lo hậu sự cho chính một thi hài người thân trong gia đình mình.
Khi cùng nhau đứng bên ngôi mộ tập thể các thai nhi, tự nhiên chúng tôi bật lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, thật lòng anh chị em chúng con làm cái nghề BVSS này ai cũng mong rồi đến lúc chúng con được... thất nghiệp. Bao giờ thưa Chúa ?”
Mà thôi, chắc cái ngày ấy còn xa. Trước mắt, cứ xin cho riêng việc nhặt xác thai nhi mỗi ngày được giảm dần số lượng chứ đừng có tăng lên. Thỉnh thoảng mà lại có ngày đi về tay không, thì coi như ngày ấy thất nghiệp, mừng mừng tủi tủi vì bớt đi được một số cháu bé nào đó không bị giết !
Chuyến đi miền Bắc giảng Đại Phúc lần này, ngoài tin tỉnh Nam Định đã có được Nghĩa Trang Anh Hài từ ngày 10 tháng 2 năm nay, chúng tôi còn biết một Nghĩa Trang khác vùng quê nghèo tỉnh Thái Nguyên cũng vừa mới hình thành vào Chúa Nhật 15 tháng 3 vừa qua. Đến khi vừa trở vào Nam hôm 20 tháng 3, các bạn trẻ Nhóm Fiat đến hẹn với chúng tôi đến Chúa Nhật 19 tháng 3 này về một tỉnh miền biển để dâng Lễ “khánh thành” một ngôi mộ tập thể của các cháu.
Trời ơi, vui buồn lẫn lộn. Mà buồn có lẽ nhiều hơn !
“Lạy Cha chúng con ở trên Trời... Xin Cha cho chúng con hằng ngày thất nghiệp... Amen !”
Lm. QUANG UY, DCCT, Sài-gòn Chúa Nhật 22.3.2009