Ngụ ngôn 86
Dây điện thoại nói với dây điện đèn: “Anh chỉ âm thầm tải điện, có nghe ai nói gì đâu! Người ta chê anh, anh cũng chẳng biết. Còn tôi, tôi nghe biết bao nhiêu chuyện của con người. Ai mà phê bình, góp ý gì là tôi chặn ngay”.
Dây điện đèn bảo: “Này anh, bây giờ người ta dùng điện thoại di động, họ quăng anh đi từ từ vì anh nghe lóm nhiều chuyện quá. Đi đâu anh cũng cứ như con cú vọ, lấm lét nhìn người này người nọ, làm như sợ họ nói hết sự thật. Vài năm nữa anh sẽ thành phế liệu thôi. Còn tôi đây, chẳng tò mò tọc mạch, chỉ lo thắp sáng cho đời nên ai cũng cần dùng hoài”.
Ngụ ngôn 87
Rừng Nam bỗng xôn xao vì một chú chim bồ câu bị cấm bay ra khỏi khu rừng, còn một chú khác đã bay ra thung lũng, bây giờ lại bị cấm bay về rừng.
Chim én là trưởng ban truyền thông đến hỏi thẳng chúa sơn lâm tại sao có điều bất công ấy. Chúa sơn lâm liếc xéo không trả lời. Loài cọp ấy có quyền mà, muốn nói thì nói, muốn im thì im.
Buổi chiều mấy lão nai vàng chống gậy đến thăm tổ én. Các cụ nai bảo:
- Các anh bồ câu rõ ngây thơ. Người ta bảo cứ nói công lý, lẽ ra nên im. Bay ra thung lũng mà ca hát thì bị cấm bay về là đúng rồi, lỡ về rừng rồi còn hát bài ca thung lũng thì sao hợp với rừng. Còn ở trong rừng mà hát bài ca về thung lũng thì dĩ nhiên không được bay ra, ra ngoài ấy nói chuyện rừng thì thung lũng nó cười cho ấy à?
Én nghe dài dòng như vậy cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Nhưng khi én kể lại với bồ câu, bồ câu thở dài:
- Im lặng là vàng. Nhưng một khu rừng mà muôn loài đều câm cả thì im lặng lại chỉ là lá vàng úa rụng thôi.
Ngụ ngôn 88
Khỉ mở lớp dạy học. Khỉ hỏi học trò:
- Nói mà không làm, nói một đường làm một nẻo, nói thẳng mà làm quanh, cái nào có lợi nhất?
Học trò im lặng. Bỗng một cánh tay đưa lên. Khỉ bảo nói. Cánh tay ấy vẫn đưa lên nhưng không trả lời. Khỉ giận dữ quát lớn: “Nói”.
Đứa học trò giơ tay ấy cười:
- Thưa thầy, những kiểu nói như thầy là xưa rồi, bây giờ kiểu hay nhất là cứ giơ tay mà không nói, ấy mới là thông minh!
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs