Mới đây, khi một vài bạn sinh viên Công giáo ở Sàigòn được hỏi có quan tâm gì đến xã hội và các vấn đề mà Giáo Hội đang phải đương đầu không, họ bình thản trả lời: “Tôi đi lễ các ngày Chúa nhật, và thỉnh thoảng làm việc bác ái giúp trẻ em nghèo. Vậy là đủ rồi”.
Tôi đùa với các bạn ấy: “Các bạn có suy nghĩ giống các bà cụ đạo đức ở nhà quê cuối thế kỷ 19” và mọi người cùng cười. Riêng tôi, cái cười vẫn có nhiều xót xa, vì tôi nhận thấy trong câu trả lời của các bạn ấy thiếu một điều cực kỳ quan trọng: đó là thực hành Giáo huấn Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo. Điều này cũng giống như trường hợp một trang Facebook mang danh Giới Trẻ Công Giáo mà luôn xoá các lời kêu gọi cầu nguyện cho Công Lý.
Nếu xem Giáo huấn Xã Hội là việc Giáo Hội nhìn vào các vấn đề cụ thể của thời đại để khuyên dạy con cái mình suy tư và hành động cho thích hợp, thì rõ ràng người Công Giáo ngày hôm nay không thể dễ dãi chọn lựa cách sống xa lạ với anh em mình, nhất là những anh em nghèo đói hay đang bị đối xử bất công.
Còn nếu nhìn sâu xa hơn để thấy Giáo huấn Xã Hội bắt nguồn từ ngày Đức Kytô rao giảng Tin Mừng, khi Người quan tâm đến từng phận người, khi Người truyền dạy các môn đệ chăm lo cho những kẻ đi theo nghe Người giảng, thì người Công giáo càng cần phải tích cực quan tâm đến mọi ngóc ngách của cuộc đời và của người đời.
Khi các bạn trẻ Công giáo học giáo lý về Hội Thánh, chắc chắn các bạn gặp chân lý này: Hội Thánh vừa có đặc tính trần thế vừa có đặc tính thần linh. Mang thân phận lữ hành giữa thế gian, Hội Thánh không đi ra ngoài vận mạng con người thời đại. Hội Thánh quan tâm và hội nhập vào trong văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật và mọi khía cạnh khác liên quan đến con người.
Bản tóm lược Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (sáng kiến của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) đã trình bày đầy đủ và rõ ràng bổn phận người Kitô hữu trong những lãnh vực cụ thề ấy, để dẫn đến kết luận: vì một nền văn minh tình yêu.
Điều ấy có nghĩa là gì nếu không phải là nền văn minh tình yêu của Kitô giáo phải khởi đầu và kết thúc nơi chính phận người cùng mọi vấn đề liên quan đến phận người ấy, mà trên hết là nhân vị và phẩm giá của con người là hình ảnh Thiên Chúa Đấng tạo dựng nên mình.
Do vậy mà chúng ta không thể nói rằng mình chỉ cần đi Lễ và làm việc bác ái theo nghĩa cho người nghèo ít tiền vào dịp đặc biệt nào đó. Thời đại này cùng những vấn nạn của nó, trong đó có khoa học kỹ thuật và những hệ luỵ, lao động và bất công, phải là niềm thao thức của người tìn hữu giáo dân, nhất là người trẻ.
Đức Thánh Cha là người Cha chung của Hội Thánh đã nhận thấy sự thụ động và lẩn tránh của những người con của mình, nhất là giới trẻ, nên ngài đã chọn chủ đề cho Sứ điệp ngày Hoà Bình thế giới 01/01/2012 sắp tới là “Giáo dục người trẻ về Công Lý và Hoà Bình”.
Trong Sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh những giá trị mà người trẻ cần được đào luyện: Sự Thật, Tự Do, Công Lý và Hoà Bình.
Để đạt được những giá trị ấy, nhân vị và phẩm giá con người cần phải được nhận ra và tôn trọng. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhà giáo dục phải “quan tâm sao cho phẩm giá mỗi người luôn luôn được tôn trọng và đề cao”. Vấn đề là ngày nay trong nền giáo dục này, người ta mấy khi nói đến phẩm giá, nhân vị, cho nên sinh viên học sinh thờ ơ với vấn đề con người là điều khó tránh khỏi.
Giữa lúc nhiều người lớn không còn là gương mẫu về việc đi tìm kiếm những nguyên tắc và giá trị của Giáo huấn Xã Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha đòi hỏi các bạn trẻ phải là tấm gương cho người lớn. Ngài viết: “Hãy ý thức rằng chính các con là tấm gương và niềm cảm hứng cho người lớn, và hễ các con càng cố gắng vượt thắng những bất công và tham ô, càng mong ước một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy, thì các con càng là những tấm gương cho người lớn.”
Để giúp phổ biến Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh, một nhóm tín hữu giáo dân ở Sàigòn đang âm thầm cộng tác để “đơn giản hoá” nội dung của Giáo Huấn này. Xin cùng cầu nguyện cho công cuộc có kết quả tốt đẹp, giúp mọi người cùng thực hiện lời Cha chung: “Thông truyền cho người trẻ sự quí chuộng giá trị tích cực của cuộc sống, khơi lên nơi họ ước muốn dành cuộc sống để phục vụ Sự Thiện. Đây là một nghĩa vụ mà tất cả chúng ta phải đích thân dấn thân.”
Trong một lần lắng nghe Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Vinh sơn Phạm Trung Thành, tôi được ngài nhắc nhở đại ý: Chỉ có lời cầu nguyện mới có sức mạnh biến đổi thế giới và Giáo Hội. Thánh Têrêsa đã cầu nguyện và đã có kết quả tốt đẹp.
Đức Thánh Cha trong Sứ điệp này nhắn nhủ chúng ta: ”Không phải các ý thức hệ cứu vãn thế giới, nhưng là nhờ qui hướng về Thiên Chúa hằng sống, Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta, là người bảo đảm tự do của chúng ta, người bảo đảm những gì thực là tốt và chân thực.”
Khi đã nghe tiếng người Cha chung trong vấn đề hệ trọng này, hẳn là sẽ không ai trong chúng ta còn nói: đi Lễ và bố thí là đủ. Hội Thánh còn đòi chúng ta dấn thân để Sự Thật, Tự Do, Công Lý và Hoà Bình được xuất hiện để con người được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.
Và như thế, sẽ không còn có chuyện lên tiếng hay không lên tiếng, mà phải nói như Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng tại Công Nghị tổng giáo phận Sàigòn: “Vấn đề không phải là “ lên tiếng hay không lên tiếng” mà là “phải lên tiếng, lên tiếng như thế nào, và sống Tin Mừng như thế nào”
Gioan Lê Quang Vinh