.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
ĐỂ GIẢNG LỄ TỐT HƠN

những đề nghị thiết thực cho người giảng lễ 

 

Lm. Lê Công Đức dịch và hiệu đính

từ nguyên tác: PREACHING BETTER – Practical Suggestions for Homilists

của: Ken Untener, Giám Mục Saginaw

do nhà

Jesuit Communications Foundation, Inc. xuất bản, 1999. 

                                     -------------------------------------------------------------

Giảng lễ là ‘nghề’ số một của linh mục. Và bất cứ linh mục nào, dù đã giảng tốt đến mấy, cũng vẫn có thể trau giồi để giảng tốt hơn.  

Quyển sách nhỏ này là kết tinh của một dự án lớn về giảng lễ được khởi xướng bởi Đức Cha Ken Untener, giám mục Saginaw (Michigan, USA) cách đây 16 năm – và được trung thành theo đuổi bởi chính ngài và các giáo sĩ trong giáo phận của ngài. Đối tượng trước hết của sách này không phải là các đại chủng sinh đang tập giảng ở những năm cuối thần học, dù chắc chắn cũng rất bổ ích cho họ. Sách nhắm trước hết các linh mục đang làm tác vụ Lời Chúa và đã có, ít hay nhiều, kinh nghiệm liên quan đến giảng lễ. Vì thế, hy vọng rằng quyển sách này có một giá trị thường huấn – thậm chí tự thường huấn – cho các linh mục.

 

Một số trang không chỉ được dịch mà còn được hiệu đính, để phù hợp với tiếng Việt.  

                                   Những ngày đầu năm Kỷ Sửu 2009 

                                                        Người dịch

 

 

 

Nội Dung

- Giới thiệu: Quyển sách hình thành như thế nào?                     

1. Một “thái độ”                                                                            

2. Bài giảng là gì?                                                                           

3. Không phải là bài giảng                                                              

4. Phần mở đầu bài giảng                                                               

5. Phần kết bài giảng                                                                      

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi                                      

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh                               

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!                

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra                                                         

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa                                                   

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình                     

12. Chiều sâu                                                                                

13. Nối kết với đời sống thực tế                                                     

14. Những câu chuyện                                                                   

15. Nên giảng dài hay ngắn?                                                          

16. Thông tin bên lề                                                                       

17. Dùng từ                                                                                   

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!                            

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi                                              

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường                   

21. Dùng các vật minh hoạ                                                             

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói                   

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng                                 

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi                                                      

25. Giảng về tội                                                                             

26. Mười con quỉ                                                                           

27. Một bài giảng cho các nhà giảng  thuyết                                    

Đôi dòng về tác giả                                                                        

 

 

GIỚI THIỆU

 

QUYỂN SÁCH NÀY HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?

 

Quyển sách này bắt đầu từ sát đất. Tưởng nên nói qua về bối cảnh của nó.

 

Giai Đoạn I: Ghi lại ý kiến của dân chúng 

Năm 1975, tôi bắt đầu nhận dạy môn Giảng Lễ tại Chủng Viện Saint John’s ở ngoại ô Detroit. Vốn liếng của tôi chỉ vỏn vẹn một tấm bằng thần học và ... mười hai năm giảng lễ. 

Tôi mua một quyển sổ tay và bắt đầu hỏi người ta về những gì liên quan tới các bài giảng lễ mà họ thích và không thích. Tôi chỉ hỏi các ‘giáo dân trơn’ thôi, nghĩa là những người không có vai trò chuyên biệt trong cộng đoàn và – có thể nói – họ hoàn toàn thuộc về ‘đại chúng’. Tôi hỏi bất cứ khi nào tôi có dịp: với người quen, với người lạ, tại bàn ăn tối, tại các đám tiệc, trên máy bay... Họ nói; tôi ghi chép.

Thật thú vị là người ta rất sẵn sàng nói chuyện về đề tài này. Có những người tình cờ nghe chuyện cũng xen vào.

Tôi tiếp tục làm thế. Và cho tới nay, tôi đã thu thập được hàng ngàn ý kiến. Bên cạnh đó, tôi cũng phân các ý kiến thành 25 loại căn bản. Sự trùng hợp giữa các ý kiến thật đáng ngạc nhiên.[1] (Chẳng mấy chốc, một trong số 25 loại ý kiến ấy bắt đầu vượt trội các loại kia, chiếm lĩnh vị trí ‘số một’. Tôi sẽ dành một chương của quyển sách để đề cập đến loại ý kiến này.)

Bộ sưu tập ý kiến nói trên, cộng với các suy tư của tôi về các ý kiến ấy, chính là cốt lõi của quyển sách này. Nhưng không phải tất cả chỉ có vậy.

 

Giai Đoạn II: Chương trình Saginaw 

Năm 1993, rốt cục tôi triển khai được một kế hoạch vốn đã dự tính từ vài năm trước đó. Hội Đồng Linh Mục Saginaw nhất trí với kế hoạch này, ngay cả tình nguyện làm những người tiên phong.

Công việc như sau:

Tôi rà qua danh sách các linh mục và chọn bốn người, cộng với một phó tế hay một tác viên giáo dân. Rồi tôi gửi mỗi người một lá thư yêu cầu ghi âm trực tiếp bài giảng lễ Chủ Nhật của tuần ấy và gửi lại cho tôi.[2] Đây là việc bắt buộc chứ không tuỳ ý. Tôi cũng ghi âm một trong các bài giảng ngày Chủ Nhật ấy của mình và đặt vào chung với các băng ghi âm kia.

Nhận được mỗi băng ghi âm bài giảng, thư ký của tôi làm các băng bản sao, đánh thành văn bản, rồi gửi cho mỗi người tất cả các bản sao của các băng ghi âm cũng như tất cả các bản văn ghi lại các bài giảng. (Người thư ký của tôi phải cày đến nín thở!)

Một buổi hẹn được định ra cho mọi người gặp nhau tại văn phòng tôi trong hai tiếng đồng hồ. Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, mỗi người nghe trước tất cả các băng và ghi chú.

Tại buổi gặp gỡ, chúng tôi làm cái công việc mà những người chơi gôn thường làm sau một trận đấu. Chúng tôi đưa ra những lời khen ngợi, khích lệ, những lời khuyên, và cố gắng nghĩ cách để cải thiện các bài giảng. Rồi chúng tôi cũng thảo luận rộng hơn về những vui buồn xung quanh việc giảng thuyết, về những cái đạt được và những bế tắc, và nhất là về câu hỏi: Bài giảng là gì trước hết? Tôi không phải là thầy dạy của nhóm. Tôi chỉ là người qui tụ các thành viên – và bài giảng của tôi cũng nằm trong số sáu bài giảng được mổ xẻ.[3]

Ở đây sự thành thật là chìa khoá. Tôi nhắc mọi người rằng đây là cơ hội ngàn năm một thuở để nghe được những đóng góp thẳng thắn của các đồng sự giàu kinh nghiệm của mình. Nói chung, mọi người đều chân thành phát biểu, và chúng tôi đã có những cuộc trao đổi tuyệt vời, nhiều khi chúng tôi chia sẻ thật sâu xa tận đáy lòng mình. Chúng tôi cũng chia sẻ về cốt lõi của sứ vụ chúng tôi, sứ vụ xây dựng cộng đoàn nhờ Lời Chúa.

Khi chúng tôi kết thúc buổi gặp gỡ hai tiếng đồng hồ đó, mỗi nguời nhận một băng (cassette) trắng để ghi âm bài giảng khác của mình vào Chủ Nhật kế tiếp. Mọi người ra về, và toàn bộ tiến trình lại bắt đầu một lần nữa. Mỗi nhóm làm bốn lần như vậy.[4]

Chúng tôi không hề tham vọng rằng sau mỗi buổi gặp gỡ mình sẽ có được ngay những sự cải thiện. Điều chúng tôi nhắm đến, đó là bốn buổi gặp gỡ ấy sẽ vạch một lộ trình theo đó chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các bài giảng của mình trong tương lai.

Khi nhóm này sắp họp mặt buổi thứ tư (tức buổi cuối cùng), tôi gửi các thư mời để qui tụ một nhóm khác, rồi lại một nhóm khác, và cứ thế... Đến nay công việc đã đều đặn diễn ra được bốn năm. Khoảng hai năm nữa sẽ xong một lượt cho mọi linh mục trong giáo phận, khi ấy chúng tôi sẽ lại bắt đầu một lượt khác.

Trên đây chỉ là đại lược những nét chính của chương trình. Thật ra còn có sự đóng góp của vài khuôn mặt khác nữa.

Vị giám đốc truyền thông của chúng tôi, một nhà báo nữ kỳ cựu, cũng tham gia với chúng tôi trong một phần của mỗi buổi gặp gỡ. Trước mỗi buổi gặp, chị chọn ra hai bản văn bài giảng và biên tập chúng, dựa vào kinh nghiệm của chị vốn là biên tập viên của một tờ nhật báo. Tại buổi gặp, chị trao cho mọi người bản sao của những bản văn đã được biên tập trực tiếp trên bản gốc, và chị rà lại từ đầu đến cuối mỗi bài, giải thích lý do của những thay đổi.

Dĩ nhiên văn viết thì khác với văn nói. Chị lưu ý điều này, nên trước khi biên tập chị luôn nghe chính bài giảng ấy trên băng ghi âm. Chị không tự nhận mình là nhà giảng thuyết hay nhà thần học; chị là một nhà báo và chị áp dụng kỹ năng của một nhà báo để giúp cải thiện các bài giảng của chúng tôi ngần nào có thể.

Và chị đã giúp được rất nhiều. Thật đó. Quả là một kinh nghiệm khai trí khi bạn đọc bài giảng của chính mình đã được biên tập.[5]

Mỗi nhóm chúng tôi còn có sự tham dự của một phụ nữ vừa là một nhà thần học hệ thống vừa là một nhà linh hướng từng trải. Chị có đảm nhận việc giảng thuyết và phụ trách phụng vụ nhưng không thường xuyên; chị tự xem mình là một trong số những người nghe giảng và chị đóng góp cho các buổi thảo luận của chúng tôi bằng năng lực thần học và linh đạo của chị. Sự hiện diện của hai nữ chuyên viên ‘phi giảng thuyết’ này thật quí báu cho các nhóm chúng tôi.

Ngoài ra, chúng tôi còn có một đối tác nữa trong tiến trình. Một người ở giáo phận láng giềng vận động được một nhóm giáo dân sẵn lòng tham gia bằng thư tín. Trước mỗi buổi gặp của chúng tôi, sáu người trong số các giáo dân này sẽ nhận các băng ghi âm bài giảng, mỗi nguời một bài, để nghe và gửi các nhận xét phản hồi của mình trên một mẫu phiếu trả lời được cung cấp sẵn.

Bởi vì họ chưa bao giờ nghe các vị giảng thuyết này trước đó, nên các ý kiến phản hồi của họ đặc biệt gây ấn tượng khi chúng âm vang một số ý kiến được nêu lên trong nhóm của chúng tôi.

Đó là “chương trình Saginaw” của chúng tôi. Đó không phải là một khoá vỡ lòng dành cho những kẻ mới nhập cuộc. Đó là một khoá thực hành của những nhà giảng thuyết dày kinh nghiệm muốn giúp nhau cải thiện nghệ thuật giảng thuyết của mình. 

 

Giúp Nhau Ngay Trong Thực Hành

 

Không có ai giảng thuyết bằng tất cả tiềm năng của mình, và không ai trong chúng ta cải thiện bài giảng của mình duy chỉ bằng cách cứ lặp đi lặp lại hoài. Thực hành không làm cho người ta nên hoàn hảo, bởi vì ta vẫn luôn cần tập tành để có thể làm tốt hơn.

Những người chuyên nghiệp trong hầu như mọi lãnh vực đều có kinh nghiệm tương tự như vậy. Các nhạc công chuyên nghiệp vẫn luôn giúp nhau chơi tốt hơn; các tay chơi gôn cũng thế. Các tác giả luôn nhận sự phê bình về việc viết lách của mình, dù muốn hay không muốn. Sau mỗi trận cầu, Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Gia sử dụng các băng video để xem lại cách làm việc của các trọng tài và các giám biên.           Câu chuyện của các phi công dân sự là ví dụ thú vị nhất. Mỗi năm một lần, mỗi phi công tham gia với một số đồng nghiệp khác trong một chương trình ôn luyện và cải thiện khả năng bay của mình. Một phần của việc này là thực hành với một chuyến bay giả, nhưng trong năm, họ còn có một cuộc ôn tập khác mang ý nghĩa thực hành thật sự. Không hề được báo trước, một “phi công kiểm tra” sẽ leo vào buồng lái và nói: “Tôi sẽ cùng bay với cậu. Cậu cứ làm những gì bình thường cậu vẫn làm.”[6]

Một phi công dân sự lần kia cho tôi biết rằng còn có một động lực mạnh hơn thế nữa thúc đẩy sự cải thiện. Luôn luôn có hai phi công trong buồng lái, và thường hai người luân phiên thay nhau điều khiển chuyến bay. “Các phi công rất tự hào về khả năng bay của mình,” anh ta nói, “và sự hiện diện của một phi công khác sẽ làm cho bạn muốn thể hiện tốt nhất khả năng ấy. Hơn nữa, chúng tôi cố gắng giúp nhau.”

Vâng, đó cũng là điều chúng tôi cố gắng làm trong các nhóm của chúng tôi: giúp nhau giảng tốt hơn ngần nào có thể và không ngừng cải thiện.

Tôi không phản đối các khoá hội thảo về giảng thuyết. Mở càng nhiều khóa càng tốt. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần việc trao đổi kinh nghiệm trong thực hành. Việc phê bình một bài giảng ‘diễn tập’ trên băng video có thể hữu ích; nhưng việc phê bình một bài giảng thực sự diễn ra tại giáo xứ trong những điều kiện thực tế thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.[7]

Vì tôi là thành viên của tất cả các nhóm, nên tôi đã nghe rất nhiều bài giảng ghi âm và đã tham gia thảo luận rất nhiều về các bài giảng. (Cho tới nay, đã có đến 85 bài giảng của chính tôi được đem ra mổ xẻ.) Và tôi đã học hỏi được rất nhiều, đồng thời cũng cố gắng truyền đạt cho các nhóm những điều bổ ích nhất mà tôi thu lượm được trong tiến trình.

Đấy cũng chính là điều mà quyển sách này muốn làm với tất cả bạn đọc.[8] 

Phần đông các nhà giảng thuyết rất cần mẫn làm công việc của mình, và điều này thật đáng khen ngợi. Chỉ những ai giảng mới biết công việc này khó khăn đến mức nào. Tôi hiểu rõ thách đố này từ những cuộc vật lộn và những va vấp của chính tôi. Chỉ mong sao những chương sách này, xuất phát từ kinh nghiệm của hàng trăm người cùng đi chung một chiếc thuyền, sẽ đem lại những ích lợi thiết thực nào đó.  


 

[1] Bạn đọc có thể muốn tự mình thí nghiệm việc này. Rất dễ làm trong bất cứ khung cảnh thân mật nào. Chỉ cần hỏi “Nè, cậu thích nhất hay ghét nhất điều gì về bài giảng lễ?” Câu hỏi ấy có thể mở ra cả một cuộc chuyện... 

[2] Các linh mục được lấy phiên theo thứ tự A,B,C... với một vài điều chỉnh để có được tính hỗn hợp trong các nhóm. 

[3] Chúng tôi không nghe lại các băng ghi âm trong 2 tiếng đồng hồ này. Vì điều đó sẽ tốn nhiều thời gian. Chúng tôi đã có các ghi chú khi nghe các băng ấy trước đó, và chúng tôi cũng có sẵn các bản văn của mỗi bài giảng. 

[4] Có người sẽ thắc mắc tại sao chúng tôi không dùng băng vidéo thay vì băng audio. Vidéo có một số lợi điểm, nhưng việc thực hiện, việc nhân bản và việc xem băng vidéo sẽ trở thành phức tạp. Chúng tôi không muốn điều tốt nhất trở thành địch thủ của điều tốt. Như Chesterton nói: “Nếu một việc gì đó đáng làm, thì nó đáng làm một cách không hoàn hảo.” 

[5] Ở buổi gặp đầu tiên của mỗi nhóm, bài giảng của tôi luôn luôn là ‘nạn nhân’ đầu tiên. Nhà biên tập và tôi hiểu ngầm với nhau rằng bài giảng của tôi sẽ được mổ xẻ cách ‘tàn bạo’ nhất. Điều này thường giúp đánh tan mọi ức chế trong nhóm để có được bầu khí chân thành, thẳng thắn. 

[6] Cũng nên nhớ rằng viên phi công kiểm tra này được bầu chọn vào vai trò của mình do chính các phi công đồng sự. 

[7] Khi kết thúc buổi làm việc cuối cùng của mỗi nhóm, tôi yêu cầu mọi người cho ý kiến phản hồi về cả tiến trình. Việc này diễn ra rất tích cực và rất hữu ích. Nói chung mọi người đều đồng ý rằng sự thành công hệ tại ở 3 yếu tố chính: (1) công việc phải có tính bắt buộc; (2) các băng ghi âm phải ghi những bài giảng thực tại giảng đài; (3) người hướng dẫn nhóm phải là một người giảng thuyết thường xuyên và phải nộp băng ghi âm của mình để được mổ xẻ như mọi thành viên khác. 

[8] Nhóm giảng thuyết của chúng tôi làm việc tốt nhất khi mọi người ăn nói thẳng thắn với nhau. Quyển sách này là một câu chuyện nói thẳng dành cho những người giảng thuyết có kinh nghiệm. Những người lọc lõi có thể tự quyết định mình nhắm đến mục tiêu gì. Nếu có lúc nào tôi có vẻ như đang đề ra những nguyên tắc tuyệt đối, thì xin nhớ rằng chúng chỉ được đề ra như vậy để khẳng định giá trị của chúng. Sứ vụ giảng thuyết là một nghệ thuật, và không có nhiều nguyên tắc tuyệt đối trong nghệ thuật.

                                                     ************************

đôi dòng về tác giả

 

Ken Untener là giám mục Giáo Phận Saginaw, Michigan. Ngài dạy môn Giảng Thuyết tại Chủng Viện Saint John gần Detroit, và tiếp tục tham gia trong dự án luyện giảng với các giáo sĩ thuộc giáo phận của ngài. Ngài đã lấy tiến sĩ thần học tín lý tại Đại Học Gregorian ở Rôma và đã được trao một số văn bằng danh dự, cũng như huy chương DeSmet của Đại Học Gonzaga. Để giải trí, ngài chơi hockey, gôn và quần vợt.



Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!