.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
15. NÊN GIẢNG DÀI HAY NGẮN?

Dù bài giảng (hay bài nói chuyện) có hay đến mấy, bạn đừng nghĩ rằng dân chúng cũng thích thú với nó nhiều như bạn vậy.

 

Chiều dài là cái gì rất tương đối. Một số bài giảng ngắn có thể thấy như rất dài, và một số bài giảng dài có thể được thấy là ngắn.

Cũng như hệ số gió / lạnh: Gió càng mạnh thì ta càng cảm thấy lạnh. Trong các bài giảng, có một cái gì đó có tính loại suy có thể được gọi là hệ số chất / lượng: Chất càng thấp thì ta càng cảm thấy lượng.

Khi tôi lần đầu tiên bắt đầu xin ý kiến phản hồi của dân chúng, tôi chắc mẩm rằng họ sẽ phàn nàn nhiều về các bài giảng dài. Hoá ra không phải vậy. Chiều dài của bài giảng thậm chí cũng không phải là mối phàn nàn cao thứ nhì hay thứ ba.[1]

Nhưng cũng không phải người ta hoàn toàn thinh lặng về chiều dài. Sau đây là một số phát biểu của họ.[2]

 

Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng

 

  • “Cha sở chúng tôi biết cách nói nhiều điều mà mất ít thời gian.”
  • “Vị giảng thuyết ấy luôn mất nhiều thời giờ để diễn đạt một điều gì đó.”
  • “Dài hay ngắn, miễn là bài giảng phải hàm súc.”
  • “Giá mà ngài đừng vượt quá 10 phút.”
  • “Điều quan trọng không phải là ông ấy nói được bao nhiêu – nhưng là rốt cục tôi mang được bao nhiêu về nhà.”
  • “Đa số các bài giảng quá lê thê.”
  • “Bạn có thể nói lâu mấy cũng được, miễn sao bạn nói về đời sống của tôi.”

 

Một Bài Giảng Nên Dài Bao Nhiêu?

 

Thực sự là không có một chiều dài ấn định nào cho bài giảng. Nó không giống như thời lượng cố định phân bố cho một chương trình truyền hình. Nếu đôi lúc, bài giảng của chúng ta ngắn hơn hay dài hơn thường, chúng ta cũng không chừa khoảng trống nào hay chiếm mất chỗ của phần nào khác trong Thánh Lễ. Nếu trong một trường hợp nào đó bài giảng cần ngắn hơn hay dài hơn bình thường, chúng ta nên cảm thấy thoải mái để linh động độ dài phù hợp với nội dung bài giảng và với hoàn cảnh.

Dĩ nhiên, bất cứ bài giảng nào, ngắn hay dài, nếu có quá nhiều ý hay thiếu chiều sâu thì không phải là một bài giảng tốt.

Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa rằng chiều dài không phải là một yếu tố quan trọng: Các nhà giảng thuyết phải quan tâm đến chiều dài. Trong lễ tang của một người đã nhận một cái chết bi thảm, một bài giảng 2 phút sẽ là không phù hợp; các bài giảng lễ tang nên giúp cộng đoàn đi qua nỗi đau thương để đến niềm hy vọng, và có những điều mà bạn không thể nói hết chỉ trong 2 phút. Đàng khác, tại một Thánh Lễ Chủ Nhật có 6 người lãnh Phép Rửa, một bài giảng 15 phút có thể phù hợp.

Cũng còn vấn đề tỉ lệ tương đối với toàn bộ cử hành phụng vụ nữa. Ngay cả một bài giảng được viết rất tốt và bám chặt một ý tưởng cũng có thể quá dài. Bài giảng thường là một trong những phần dài nhất của Thánh Lễ. Đa số các bài giảng dài hơn tổng chiều dài của tất cả các bài đọc Thánh Kinh, dài hơn Kinh Nguyện Thánh Thể dài nhất, và đôi khi dài hơn toàn bộ phần rước lễ. Nếu bài giảng dài hơn quá nhiều so với bất cứ phần nào nói trên, thì đó có thể là thiếu cân đối – làm như thể bài giảng là trung tâm của Thánh Lễ vậy.

Sau khi tham dự một lễ cưới, có người mới đây bình phẩm với tôi: “Nội dung của bài giảng thì cũng hay như các bài giảng tôi từng nghe tại lễ cưới. Vị linh mục rõ ràng là bạn thân của đôi tân hôn, và đã chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng. Nhưng ông cứ giảng hoài, giảng hoài, giảng hoài. Ông không lặp đi lặp lại, cũng không nói những lời sáo rỗng – nội dung bài giảng quả rất hay. Chỉ có điều là ông kéo bài giảng ra quá dài.”

Từ một góc nhìn thực tiễn, một bài giảng trở nên quá dài khi dân chúng bắt đầu ngừng lắng nghe. Một thành viên trong nhóm làm việc của chúng tôi góp ý với một thành viên khác: “Bài giảng của cậu thật tốt. Nhưng khi cậu đi tới phần ấy, mình nghĩ cậu nên ngừng ở đó. Chính mình đã làm như vậy.”

Ý kiến trên cho thấy lúc mà bài giảng trở nên quá dài. Nếu dân chúng cảm thấy muốn ngừng tại một điểm nào đó, họ sẽ ngừng, mà không cần có một quyết định của ý thức.

Chúng ta có thể chống chế: “Nhưng vấn đề ở chỗ dân chúng không được huấn luyện cho biết lắng nghe. Họ phải thay đổi và phải học biết nhẩn nha chứ không nôn nóng như thế.” Vâng, hẳn đúng như vậy, nhưng điều ấy cần phải có thời gian, và chúng ta phải làm cho các bài giảng của mình có sức thuyết phục đến nỗi dân chúng sẽ học biết cách lắng nghe. Trong khi đó, chúng ta không thể sống trong thế giới phi thực, tức trong những gì đáng lẽ nên xảy ra. Bài giảng là truyền thông, và cái được truyền thông không phải là cái được nói hay được viết. Đó là cái được đón nhận. 

 

Kỷ Luật Về Độ Dài Ngắn

 

Ở đây tôi không đề ra một giới hạn thời gian cố định nào cho các bài giảng, song một qui định như thế có thể giúp đem lại những bài giảng tốt hơn.

Từ quan điểm của dân chúng, các nhà giảng thuyết dường như thường phạm sai lầm không phải ở chỗ giảng quá ngắn, mà là ở chỗ giảng quá dài. Ta không ngạc nhiên khi nhận ra rằng ngay cả khi có chất liệu tốt, thì giảng dài vẫn dễ hơn là giảng ngắn. Bạn hãy nhớ nhận xét nổi tiếng của Mark Twain khi ông gửi một lá thư dài cho một người bạn: Ông xin lỗi vì phải viết dài, và nói rằng lá thư có thể được viết ngắn hơn, nhưng rất tiếc ông không có đủ thời gian.

Mục tiêu của chúng ta là nói được nhiều trong một thời gian ngắn nhất có thể. Có một kỷ luật nào đó trong chuyện này: Bài giảng ngắn buộc ta phải có chiều sâu, có tiêu điểm và có sự rõ ràng. Chúng ta phải đi thẳng vào trung tâm chủ điểm của mình và dừng lại ở đó. Chúng ta không cố làm cho bài giảng ngắn chỉ để mà ... ngắn. Nhưng bài giảng ngắn là một cách thúc đẩy chúng ta đưa ra một bài giảng tốt hơn. Nó thúc đẩy ta trau chuốt bài giảng với chất liệu ‘chất lượng cao’, và không bao giờ dùng chất liệu xoàng. Việc cố giữ cho bài giảng ngắn sẽ buộc ta lựa lọc ý tưởng, từ ngữ và cách diễn đạt của mình, và điều này đương nhiên sẽ đem lại cho ta một bài giảng tốt hơn.

Mới đây tôi có hứa thực hiện 4 phút nói chuyện ghi âm về lý do tại sao người Công Giáo chống lại việc ‘tự tử được hỗ trợ’. Bản làm nháp của tôi dài 7 phút. Cuối cùng, khi tôi cắt xuống còn 4 phút, bài nói chuyện không những khớp với thời lượng cho phép mà còn được thấy là hay hơn nhiều.

 

Mấy Điều Nên Nhớ

 

1. Thỉnh thoảng hãy nhờ một người tính giờ cho bài giảng của bạn

Đối với người đang nói, thời gian thường trôi qua nhanh hơn: Khi có ai đó bảo: “Tôi sẽ phát biểu trong 2 phút,” thì cuối cùng người ấy thường mất gần 5 phút; khi ai đó nói rằng mình sẽ nói trong 5 phút, hãy sẵn sàng nghe anh ta khoảng 10 hay 15 phút. Bởi vì người nói không thấy vậy là lâu, chỉ có người nghe mới thấy lâu.[3]

Vì các bài giảng trong các nhóm Saginaw của chúng tôi được ghi băng, chúng tôi rất dễ nhận ra thời lượng của chúng. Khi các nhà giảng thuyết lần đầu tiên nghe thời lượng bài giảng của mình, họ thường ngạc nhiên: Họ vốn nghĩ nó ngắn hơn thế.

 

2. Không có gì trục trặc với một bài giảng ngắn

Việc nhận ra rằng không có thời lượng ấn định cho một bài giảng giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và không sợ rằng bài giảng của mình quá ngắn. Đôi khi nói càng ít thì càng tốt hơn.

Khi tôi đang loay hoay với một bài giảng và sắp hết thời gian để chuẩn bị, tôi thấy hai việc có thể hữu ích đáng kể: (1) Cắt bỏ hết, chỉ giữ lại trọng tâm; và (2) nắm vững cái trọng tâm này. (Việc thứ nhất giúp tôi tập trung vào những chất liệu tốt nhất; còn việc thứ hai cho phép tôi ăn nói cách thoải mái.)

Đây là một thực hành mà bạn nên thử lúc này lúc khác: Khi bạn đã chuẩn bị xong một bài giảng với độ dài bình thường, hãy rút ngắn còn một nửa (nghĩa là phải viết lại nó). Việc này không khó làm, chỉ tiếc rẻ một chút. Song kết quả sẽ là một bài giảng với chất lượng cao.

Tôi nhớ có lần lắng nghe các băng ghi âm của một cuộc hội thảo, trong đó diễn giả có 4 bài nói chuyện, mỗi bài dài 50 phút. Tôi lắng nghe bài thứ nhất và nhận ra mình không nắm bắt rõ trọng tâm, mặc dù bài nói chuyện có chất liệu tốt. Vào lúc bắt đầu bài nói chuyện thứ hai, diễn giả nhận ra rằng một số người hiện diện đã đến trễ khi nãy và đã không nghe được bài thứ nhất, vì thế ông dành 10 phút để tóm tắt bài đó. Ông đã tóm tắt cách tuyệt vời, và tôi đã nắm bắt bài 10 phút này tốt hơn bài 50 phút trước đó.

 

3. Sự kiện càng lớn, bài giảng càng ngắn

Đầu óc chúng ta hay nghĩ ngược lại: Đây là một sự kiện lớn, vì thế tôi cần có một bài giảng lớn. Vấn đề ở chỗ là ta thường nghĩ bài giảng lớn có nghĩa là bài giảng dài. Hãy nghĩ đến những dịp như kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ, tựu chức giám mục, lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, những đám tang quan trọng... Các bài giảng trong các dịp này thường dài và thường chẳng được ai ghi nhớ.

Chúng ta ít khi nghĩ theo chiều ngược lại. Mọi sự xung quanh sự kiện này đều lớn hơn thường, vậy thì bài giảng cũng phải lớn hơn thường. Dường như ta nghĩ rằng sẽ không ổn nếu bài giảng của mình ngắn.

Sự kiện càng lớn, bài giảng càng ngắn - lý do của nguyên tắc này không phải vì chúng ta gấp rút; nhưng bởi vì thực sự những sự kiện có kích thước lớn không đòi hỏi một bài giảng có kích thước lớn. Các nghi thức và các yếu tố khác của sự kiện cũng có vai trò của một bài giảng, và tất cả điều chúng ta cần làm là giúp cho ‘dòng chảy’.

Nhưng thật khó tự thuyết phục mình về điều này. Người ta kỳ vọng bài giảng lớn hơn, và chúng ta cảm thấy mình phải đáp ứng sự kỳ vọng của họ. (Hãy ghi nhận rằng kỳ vọng một bài giảng lớn hơn không hẳn là muốn một bài giảng lớn hơn.)

Một lý do khác, đó là chúng ta muốn làm thật tốt trong những dịp này. Nhiều nhân vật quan trọng và một số bạn bè có mặt ở đấy. Cỏ vẻ như lớn hơn là tốt hơn và ấn tượng hơn – vì thế chúng ta cố gắng giảng một bài cho ra trò. Một lần nữa, ở đây cái tôi đang xía vào.

Sự thật là chúng ta không cần phải thông thái hơn, văn hoa hơn để giảng một bài cho ra trò. Tất cả điều ta cần là chiều sâu.

 

4. Dù bài giảng (hay bài nói chuyện) có hay đến mấy, bạn cũng đừng nghĩ người ta sẽ thích nó nhiều như bạn

Tất cả chúng ta đều ở phía bên này của một bài nói chuyện ứng khẩu không ý thức được cái nguyên tắc thử bằng thời gian này. Diễn giả thì căng thẳng, ‘phá rào’ cái nguyên tắc ấy, bắt đầu thích thú, và áp đặt sự thích thú của mình trên những người còn lại. Những diễn giả dày dạn nên hiểu biết nhiều hơn. 

------------------------------------

 

Có lần tôi nghe ai đó nói rằng “Hãy chỉ nói bao lâu mà việc bạn nói được thấy là tốt hơn thinh lặng.” Đó là một tiêu chuẩn tốt để ấn định chiều dài cho một bài giảng. Chúng ta không dễ nói gì hay hơn là thinh lặng trước những mầu nhiệm cao cả mà chúng ta đang cử hành trong Thánh Lễ. Hơn nữa, thinh lặng ngày càng hiếm hoi trong thế giới hiện đại, vì thế chúng ta đừng nghĩ rằng lời nói đương nhiên là cái gì đem lại ích lợi.[4]
 


 
[1] Như đã đề cập trong chương 8, điều dân chúng quan tâm số một là chúng ta bám lấy một cốt ý. Vấn đề chiều dài có liên hệ rất gần với vấn đề quá nhiều ý tưởng. Khi chúng ta đưa ra một ý tưởng đáng giá và rồi tiếp tục chuyển sang ý khác, thì dân chúng vẫn đang nghĩ về điều chúng ta vừa nói. Họ muốn nghiền ngẫm ý tưởng ấy. Điều họ cần là sự thinh lặng sau bài giảng, chứ không phải một ý khác. Khi chúng ta tiếp tục nói tràn lan là chính khi chúng ta phá hỏng cái kết quả tốt nhất mà bài giảng có thể đạt được – giống như một anh bồi bàn phá hỏng một bữa ăn ngon. Ngay cả dù điều chúng ta nói thêm là điều tốt, thì ở đây nó không còn tốt nữa; nó chống lại tất cả những món ngon mà chúng ta đã phục vụ.

 

[2] Phản hồi chung chung từ dân chúng cho thấy rằng một bài giảng tệ là một trong hai điều có thể gây hậu quả đáng tiếc trên toàn Thánh Lễ; điều kia là âm nhạc tệ. Mặc dù bài giảng và âm nhạc tự chúng không phải là những phần quan trọng nhất của Thánh Lễ, đôi khi chúng là những ‘cớ vấp phạm’ lớn nhất cho cộng đoàn nếu chúng không được làm tốt.
[3] Tại một bữa chiêu đãi, tôi là người phải có bài nói chuyện chính. Tôi biết rằng với tất cả những chuyện khác đang diễn ra, bài nói chuyện chính của mình tốt nhất nên thật cô đọng. Trước bữa tiệc, tôi hỏi một người sắp nhận một bằng khen xem anh ta sẽ nói lời cám ơn trong mấy phút; anh trả lời rằng sẽ mất chừng 2 phút. Tôi tính giờ, và thấy anh đã nói hết 5 phút rưỡi. Bài nói chuyện của tôi, là bài chính, mất 8 phút rưỡi. Người kia có lẽ nghĩ rằng bài của tôi dài 20 phút và ‘bài’ của anh 2 phút!

                Khi mời những người không có kinh nghiệm nói trước đám đông “nói vài lời,” tôi thấy rằng tốt nhất là hãy trao cho họ không phải một ‘giới hạn thời gian’ nhưng là một ‘giới hạn không gian’, chẳng hạn, “Anh hãy viết ra ít cảm tưởng trên nửa trang A4.” Không gian là một cái gì họ có thể hiểu; vì không quen nói trước công chúng, họ không có một cảm thức tốt về thời gian.

[4]Chuẩn bị bài giảng cho một Thánh Lễ tốt nghiệp đại học, tôi khai triển một ý tưởng mà tôi nghĩ là đáng giá, nhưng bài giảng xem ra ngắn (chỉ 4 phút rưỡi). Tôi gọi cho vị chủ tịch và bảo ông rằng tôi muốn giảng một bài ngắn nhưng không muốn nó ngắn một cách không tương xứng. Một khoảng thinh lặng ở đầu dây bên kia (ông ta đang ngẫm nghĩ cái ý tưởng về một bài giảng ngắn cho Thánh Lễ tốt nghiệp). Rồi ông nói: “Thật khó tưởng tượng cái gọi là ‘ngắn một cách không tương xứng’.”

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!