.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
25. GIẢNG VỀ TỘI

                           Chúng ta là một Giáo Hội “đầy Tin Mừng.”

 

Tin Mừng đôi khi là tin không vui, và nếu chúng ta không tránh né những đoạn Thánh Kinh được công bố, thì có những lúc chúng ta phải giảng một sứ điệp gay gắt về tội lỗi.

Thật lạ, phản hồi của dân chúng qua nhiều năm đã không đề cập nhiều đến điều này. Có lẽ đó là một phản ứng lại đối với quá nhiều bài giảng ‘lên lớp’ trong quá khứ vốn luôn luôn qui về tội lỗi.

Năm thì mười hoạ, tôi nghe người ta nói một cách tích cực về một bài giảng nào đó đề cập một cách vừa đầy cảm thông vừa rất mạnh mẽ đến tình trạng tội lỗi mà chúng ta nghiêng chiều về hiện nay. Phải thú nhận rằng tôi không thường nghe những bài giảng như thế. (Và tôi cũng phải thú nhận rằng tôi không thường giảng như thế.) Nhưng khi những bài giảng ấy được làm tốt, các phản hồi được thấy là rất tích cực.[1]

Trong chương trước, chúng ta đã nói về các bài giảng nhắm an ủi người ta. Cũng có những lúc cần có các bài giảng nhắm thách đố người ta. Giảng dựa trên các bài đọc được ấn định là một lợi thế cho việc này mà ta không nên bỏ qua. Chúng ta giảng toàn vẹn Lời Thiên Chúa, không phải chỉ những bản văn mà mình thích riêng. Chúng ta được hướng dẫn bởi Thánh Kinh, không phải bởi tính khí hay xu hướng riêng của mình.

 

Tin Mừng Đôi Khi Là Tin Không Vui

 

Tất cả Thánh Kinh chung qui là Tin Mừng. Cựu Ước, chẳng hạn, chuyên chở trong nó một tinh thần lạc quan vô tận rằng Giavê cách nào đó sẽ đến ngày xếp đặt lại trật tự mọi sự; Tân Ước – vốn qui về cái chết, sự sống lại và lên trời của Đức Giêsu – là chính Tin Mừng.

Đàng khác, Thánh Kinh không dạy rằng mọi sự đều đang đúng hướng và tội lỗi không mang theo nó những hậu quả. Thiên Chúa cung ứng cho tội nhân ơn cứu độ, nhưng để nhận lãnh được ơn cứu độ này, chúng ta phải sẵn sàng thay đổi. Thánh Kinh thách đố chúng ta thống hối và canh tân. Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu, chứ không phải vô cùng phóng túng.

Có lần một người nhận xét với tôi rằng Chúa mở rộng vòng tay nhân ái. Ngài sẵn lòng tha thứ cho bất cứ ai: những người thu thuế, một phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình, ngay cả những kẻ hành quyết Ngài.[2] Nhưng Ngài cũng mở rộng vòng tay trong những đòi hỏi của Ngài nữa. Ngài đòi hỏi mọi sự: Ngài đòi ta bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cha, bỏ mẹ.

Ở đây các nhà giảng thuyết cần nhớ rằng chúng ta phải giảng Tin Mừng trọn vẹn và liệu sao để không bỏ qua cả khía cạnh an ủi lẫn thách đố. Giảng rằng Chúa thứ tha tất cả mà không đưa ra những đòi hỏi, đó cũng là bắt hụt Tin Mừng. Điều ngược lại cũng là một thất bại: trình bày Chúa như Đấng ưa đòi hỏi và dè sẻn sự thứ tha.

Giáo Hội căng thẳng trong chuyện này. Cách đây 50 năm, những cánh tay chúng ta đã mở rộng để đòi hỏi mọi sự, và không rộng lắm trong việc diễn tả sự tha thứ của Thiên Chúa (chúng ta không an táng theo phép đạo những người tự tử). Ngày nay, chúng ta mở rộng cánh tay nhân ái, nhưng tôi băn khoăn không biết chúng ta có nhấn mạnh thích đáng những đòi hỏi của tinh thần môn đệ hay không. Ta phải làm cả hai.

 

Giảng Tin Không Vui

 

Trong bài viết khuyên các nhà giảng thuyết, nhà thần học Catherine Mowry LaCugna đã viết những dòng sau đây về việc đề cập đến tội lỗi và sự thống hối.

 

[Cuối cùng] – và đây là vấn đề thật tế nhị – bài giảng, vì là một phương tiện gặp gỡ Lời Thiên Chúa, nên cũng phải là một cơ hội để mời gọi người ta thống hối về tội lỗi mình. Và tội lỗi phải luôn luôn được đặt trong quan hệ với ân sủng. Tội lỗi chắc chắn không phải là một chủ đề được ưa thích, và rất nhiều thứ trong nền văn hoá chúng ta muốn chúng ta cảm thấy an ổn về chính mình, thậm chí rất là an ổn, đến nỗi ta không thấy gì là bất ổn về chính mình hay về những chọn lựa của mình cả. Ta không phủ nhận rằng trong quá khứ, tội lỗi được hiểu cách chật hẹp, và có quá nhiều cái nhìn tiêu cực về con người, nhất là liên quan đến tính dục, đã lan tràn ra từ các bục giảng của chúng ta. Nhưng dường như chúng ta đã chuyển qua chiều hướng ngược lại, đến nỗi những căng thẳng thâm sâu giữa tội lỗi và ân sủng ít khi được đề cập. Chắc chắn chúng ta tin mãnh liệt rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và Ngài yêu thương ta như sự thật của ta, và có nhiều Kitô hữu không được nghe về điều này cho đủ. Nhưng điều này phải được nối kết với niềm tin quan trọng không kém rằng, đối chiếu với sự thánh thiện và với tình yêu thuần khiết của Thiên Chúa, chúng ta thực sự là những tội nhân. Lời Thiên Chúa được công bố, bởi vì đó là lời của Thiên Chúa, là thước đo duy nhất đáng tin cậy cho biết đời sống chúng ta có chân thực, ngay thẳng và thánh thiện hay không - hay chỉ là tự dối mình và ích kỷ.[3]

 

Đây có thể là chìa khoá: “những căng thẳng thâm sâu giữa tội lỗi và ân sủng ít khi được đề cập.” Nếu chúng ta rất sáng tỏ về ân sủng nhưng không sáng tỏ về tội lỗi, thì chẳng có gì là căng thẳng cả, và nếu chúng ta pha trộn chúng thành một hỗn hợp, thì kết quả là một bài giảng nghe có vẻ nửa vời về cả hai. Chúng ta không thách đố cũng chẳng an ủi, và rốt cục là một sứ điệp nhạt phèo vì thiếu lửa.

Tội lỗi là một thực tại trong đời sống mọi người – thực đến nỗi nó gây xao xuyến. Nếu điều này dễ dàng bị loại bỏ, thì những gì chúng ta nói sẽ rất nông cạn, không nối kết, và có chăng chỉ là thứ tội lỗi rẻ tiền và thứ ân sủng rẻ tiền.

Chúng ta phải dừng lại, suy nghĩ về điều này và tự vấn: Đâu là lần gần đây nhất tôi trung thành với sứ điệp Thánh Kinh và đã giảng về thống hối và canh tân – loại nội dung có tính quấy rầy?

Ở đây tôi không đang chỉ nói đến một sứ điệp bao quát về tội lỗi của xã hội ngày nay hay của “thế giới” nói chung chung; tôi đang muốn bao hàm cả những tội lỗi trong chính cuộc sống của chúng ta, rất gần.

Dĩ nhiên, điều cần cảnh giác là phải liệu sao ta giảng như một tội nhân nói với tội nhân. Chúng ta là những thừa tác viên, không phải những vị cứu tinh, và tác vụ đích thực thì làm việc theo chiều ngang, không phải theo chiều đứng.

Cũng hãy nhớ rằng bài giảng chảy vào phần còn lại của phụng vụ và giúp chuẩn bị chúng ta đi vào tâm tình tri ân chúc tụng của Kinh Nguyện Thánh Thể. Phải đề cập tội lỗi, nhưng là luôn luôn trong liên hệ với ân sủng.


 

 
[1] Ở đây tôi không muốn nói đến những bài giảng về công bằng xã hội. Chúng ta đã giảng về đề tài này ngày càng nhiều. Ở đây tôi chỉ muốn nói cách riêng về những tội nằm trong khả năng trực tiếp của chúng ta để đương đầu và giải quyết.

 

[2]Những lời của Đức Giêsu trên thập giá theo Tin Mừng Luca (“Xin Cha tha cho họ...”) bị bỏ sót trong một số bản thảo ban đầu. Các nhà nghiên cứu thời nay dựa vào tính xác thực của những lời ấy và giải thích việc bỏ sót là do sự ngần ngại trong việc khắc hoạ Đức Kitô là mẫu mực của lòng thương xót bao la. (Cf. Raymond Brown, The Death of the Messiah [New York: Doubleday, 1994, Vol. II, tr. 971-81].)
[3] America, March 19, 1994, tr. 5.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!