Vào lúc 9h00 sáng Chúa nhật, 29 tháng 11 năm 2009, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 Giáo hội Việt Nam tại điểm hành hương là Nhà thờ Chính Tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh, Cha quản hạt và quý Cha trong giáo hạt Hà Nội.
Ngôi nhà thờ chính tòa đã trở nên chật hẹp nhưng hết sức ấm cúng, trang nghiêm bởi hàng ngàn anh chị em giáo dân từ khắp nơi về đây tham dự
Đặc biệt, cùng đồng tế với Đức Tổng Giuse có Cha Jean Baptiste Etcharren – Bề trên Tổng quyền Hội thừa sai Balê (Pháp). Đây là một sự hiện diện nhiều ý nghĩa vì như Đức Tổng Giuse đã ngỏ lời với cộng đoàn: năm nay chúng ta kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam và kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, hai vị Giám mục đầu tiên coi sóc hai địa phận đó chính là hai vị sáng lập Hội thừa sai Balê. Liên tục 350 năm nay, Hội thừa sai Balê luôn hiện diện và đồng hành với Giáo hội tại Việt Nam qua mọi biến cố khi an bình cũng như những lúc thăng trầm, có những đóng góp vô cùng to lớn cho giáo hội Việt Nam, cách riêng cho Tổng Giáo phận Hà nội mà ngôi nhà thờ chính tòa cổ kính xinh đẹp này cũng là công sức xây dựng của các vị trong Hội thừa sai Balê.
Trong bài giảng lễ, Cha Jean Baptiste Etcharren – vị linh mục Pháp quốc nhưng có một giọng nói tiếng Việt hết sức trôi chảy và truyền cảm – đã chia sẻ với cộng đoàn về hành trình hơn 400 năm lịch sử từ khi Tin Mừng được loan truyền trên đất nước Việt Nam này. Mở đầy bài chia sẻ, ngài đã khiến cộng đoàn hết sức vui mừng, không phải chỉ vì được nghe một giọng nói với tâm hồn rất Việt Nam mà vui vì được lắng nghe những tâm sự của ngài: “Xin anh chị em coi những giây phút này là sự chia sẻ thân mật trong tình gia đình”
Cha Jean Baptiste Etcharren nhấn mạnh: Chúng ta vào mùa Vọng, hôm nay là một ngày rất quan trọng. nhớ lại xưa khi Chúa Giêsu chưa đến làm người trên trần gian này, chúng ta cũng nhớ lại khi Chúa Giêsu chưa đến với đất nước của chúng ta, chúng ta nhớ lại khi Chúa Giêsu chưa đến với mỗi người chúng ta, và dù chúng ta xưng mình là người Kitô hữu, có khi chúng ta chưa đón nhận đầy đủ ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Vì vậy, Chúa kêu mời chúng ta hãy tỉnh thức, mở lòng mở trí để đón nhận ơn Chúa một cách trọn vẹn hơn.
Hôm nay cũng là một ngày quan trọng, vì chúng ta bước vào Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam – một Năm Thánh để “chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh giáo hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho chúng ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt Đức Tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội Việt Nam”.
Sau khi trình bày về hành trình lịch sử từ khi cha Đắc Lộ đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng, đến khi hạt giống Tin Mừng ấy trổ sinh hoa trái dồi dào, Cha đã kết luận: Giáo hội Việt Nam đã lớn lên, đã vững mạnh qua bao biến cố và thử thách nhưng luôn được Chúa giữ gìn. Quả thực đây là một Giáo hội trung thành, mạnh mẽ và ý thức nhiệm vụ đem Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người.
Để kết thúc, tôi xin trích lại một đoạn trong tài liệu của Ban Tổ Chức Năm Thánh: nhìn lại lịch sử hơn 400 năm, như Mẹ Maria, người tín hữu Việt Nam cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa, vì khi quay nhìn quá khứ với cặp mắt đức tin, ta nhận ra Chúa hằng hiện diện và đồng hành với Giáo hội trong từng bước đi, dù khi thành công hay thất bại, dù khi chan hòa ánh sáng hay bóng tối đong đầy. Nhìn lại lịch sử hơn 400 năm đó, người tín hữu Việt Nam cũng ý thức rằng đức tin mà mình lãnh nhận đã được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi và nước mắt, hơn nữa, bằng cả máu đào của tiền nhân. Vì thế, phải hết sức trân trọng gìn giữ và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời. Hơn thế nữa, nếu đức tin là hồng ân đã lãnh nhận xuyên qua gian khổcủa tiền nhân, người tín hữu Việt Nam hôm nay phải tiếp tục công trình của cha ông, trong nỗ lực truyền giáo để tinh thần Phúc Âm được thấm nhuần vào mọi thực tại xã hội, và quê hương Việt Nam thân yêu được phát triển theo hướng đi của Nước Trời – Nước công chính, yêu thương và an bình.
Tôi xin chúc cho tất cả anh chị em sống một mùa Vọng và một Năm Thánh sốt sắng, thánh thiện và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi nữa.
Trước khi ban phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá trong Năm Thánh, Đức Tổng Giám mục Giuse ngỏ lời với cộng đồng dân Chúa. Đức Tổng đã bày tỏ lòng cảm phục và tri ân của dân Chúa Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung đối với công lao của các thừa sai, đặc biệt hội thừa sai Bale – những người mang trái tim và tâm hồn Việt Nam – như Cha Bề trên Etcharren hiện diện trong Thánh lễ hôm nay. Các ngài mong muốn được sống và hiến dâng trọn vẹn cả mạng sống mình cho Việt Nam – nơi các ngài đã chọn làm quê hương thứ hai với trọn niềm thương mến của mình. Đức Tổng mời gọi cộng đoàn dân Chúa tiếp tục cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho nhà cầm quyền biết nhìn nhận công lao của các vị thừa sai Công Giáo và hy vọng một ngày gần đây, các vị lại được hiện diện trở lại trên quê hương Việt Nam này để phục vụ dân Chúa và đóng góp xây dựng xã hội Việt Nam. Đức Tổng nói lê thao thức của ngài: “Dù nhà nước có không hiểu các ngài đến đâu, nhưng với tấm lòng thiện chí và tinh thần xây dựng của các ngài thì hy vọng một ngày gần đây, nhà nước sẽ xét lại và mở rộng đón nhận các thừa sai trở lại để xây dựng giáo hội và xã hội tại Việt Nam”.
Đức Tổng Giuse cũng đã chia sẻ với cộng đoàn về ý nghĩa của việc chọn Nhà thờ Chính Tòa làm một trong bốn điểm hành hương của Tổng Giáo phận: Nhà thờ Chính Tòa được chọn làm điểm hành hương chính trong Năm Thánh, không phải chỉ vì đây là nhà thờ Mẹ của các nhà thờ trong Tổng Giáo phận, nhưng còn vì biết bao sự kiện lịch sử đã diễn ra chung quanh nhà thờ và ở trong thành phố Hà nội này. Trước hết, ở đây chúng ta đã được đón Cha Đắc Lộ đến kinh đô Kẻ Chợ này vào năm 1637, ngài đã mang Tin Mừng đến cho miền đất này – một biến cố thật đáng ghi nhớ trong Năm Thánh. Ở trong thành phố này, chúng ta cũng có nhiều đấng tử đạo ở đây: Cha Thánh Ven bị giam cầm trong thành Cửa Bắc và chịu chết vì đạo tại một địa điểm gần cầu Long Biên hiện nay; Cha Thánh Dũng Lạc, tuy sinh ra ở Bắc Ninh nhưng cũng đến Hà nội sinh sống, theo đạo ở đây và chịu tử đạo tại ô Cầu Giấy, ngày trước đã có một nhà nguyện tại phố Sơn Tây nhưng tiếc là giờ không còn nữa. Tương truyền, Cha Đắc Lộ đã lập ra một nhà nguyện ở gần hồ Hoàn Kiếm, có lẽ ở cạnh đền Bà Kiệu hiện này, trước đây đã có một tấm bia ghi nhớ sự kiện đó nhưng sau này, vì những vấn đề tế nhị, người ta đã dẹp bỏ, nhưng vui vì hiện này nhà nước đã bắt đầu ghi nhận công lao của Cha Đắc Lộ vào việc hình thành chữ quốc ngữ và nền văn hóa Việt Nam, cố thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu dựng tượng ghi nhớ công ơn Cha Đắc Lộ ở Hà Nội này, hy vọng tấm bia đó cũng sẽ được trả lại đúng vị trí đáng ghi nhớ đó. Tại Tòa Khâm Sứ trước Tòa Tổng Giám mục, xưa kia các đấng cũng đã dựng một nhà nguyện bằng tre lá để kính các Thánh Tử Đạo, nhưng nhà nguyện đó đã bị quân Cờ Đen đốt phá,sau đó Đức Cha đã cho xây một núi đá Đức Mẹ Lộ Đức để ghi nhận biến cố đó. Khu nhà nguyện Fatima của Tòa Tổng Giám mục hiện nay chính là ngôi nhà đầu tiên mà Đức Cha Phước đã cư ngụ.
Kết thúc bài diễn từ, Đức Tổng nhấn mạnh: Với tất cả những sự kiện đó, chính ta có điểm hành hương là Nhà thờ Chính Tòa này, nhắc nhớ chúng ta về lịch sử truyền giáo, về các Đấng Tử vì Đạo, về gương của các vị thừa sai, tấm gương kiên trung Đức Tin của Tổ Tiên. Khi đến hành hương ở nơi đây, chúng ta hướng về lịch sử để tưởng nhớ tổ tiên và cảm tạ Chúa đồng thời xin Chúa ban cho chúng ta muôn ơn lành.
Trong Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, nhà thờ chính tòa Hà Nội được chọn làm một trong bốn trung tâm hành hương chính của Tổng Giáo phận Hà Nội, cách riêng dành cho các giáo xứ trong giáo hạt Hà Nội. Trong suốt năm Thánh này, mọi thành phần dân Chúa sẽ hành hương về đây để cảm tạ Chúa, tri ân các vị tiền nhân và xin Chúa ban xuống muôn hồng phúc qua phép lành Tòa Thánh ban.
Giuse Trần Ngọc Huấn