Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Hoàng Thị Đáo Tiệp
Bài Viết Của
Hoàng Thị Đáo Tiệp
LÀ GIẾT ĐỜI NHAU
CON NGOAN
MẤT NHÀ
Đường Lên THIÊN QUỐC
ĂN CHAY
VÀO THĂM NHỮNG GIAN MÁI ẤM
Yêu Chúa
Đi Xuống
Nợ Lòng
Sợ Chồng
Truyền Giáo
Ngôn Ngữ Của Bàn Tay
ĐỨC MẸ KHÔNG CÓ ĐEO NỮ TRANG
TĨNH TÂM TRONG CHÚA THÁNH THẦN
NGƯỜI ĐẠO ĐỨC
DÂNG NGÀY CHO CHÚA
ĐI LỄ
NẾU TÔI TRẺ LẠI
Khôn Khéo Với Khôn Ngoan
KHÔNG CÓ NƠI GỐI ĐẦU
CẦU NGUYỆN
CÁM ƠN ... TICKET
Bác Ái Đường Xa – Bác Ái Đường Gần
NGÔN NGỮ CỦA BÀN TAY

Tối hôm ấy, sau khi đóng cửa tiệm, trên đường về tôi ghé chợ thực phẩm mua rau, cá, thịt... và các thứ linh tinh, định sẽ nấu ăn trong khoảng một tuần.

Cho xe vào garage và thu dọn những thứ mình vừa mua đem vô nhà, tôi thấy cái túi nylon nho nhỏ có hình những vòng tròn màu đỏ (ký hiệu của chợ "Target") nằm dưới sàn xe ngay bên hông chân ghế trước. Nghĩ rằng ông xã mua thuốc dán "Salonpas" ở chợ Target cho mình. Vì mấy hôm nay cánh tay trái tôi bị đau đau, nên "quơ" luôn đem vô và lấy ra một miếng để dán.

Ơ kìa... sao chẳng có thuốc dán "Salonpas" hay "WellPatch" như ông xã thường mua?! Eo ơi, hộp "e.p.t. Pregnancy Test" để thử xem có mang thai không?!!! Ngạc nhiên nhưng tôi lập tức hiểu ra...

***********

… Sự việc thoáng xảy ra lúc xế trưa... Tiệm vắng khách, tôi thả bộ ngoài hàng hiên trước sân vừa cho gân cốt vận động, vừa hít thở khí trời. Tôi thấy một cô bé dáng dấp á Đông: hớt hải và xăm xăm từ phía chợ Target đi qua phía tiệm tôi (vì cùng chung khu thương mại và chợ Target). Cô bé càng đến gần, tôi càng đoán chắc cô là người Việt nên nói:

- Trông cháu vội và có vẻ lo lắng là biết không phải đến tiệm cô làm tóc hay làm tay rồi!

Một tay cô đưa lên ngực để nén xúc động, còn tay kia cầm cái túi nylon nho nhỏ (có những vòng tròn đỏ) chắc mới mua ở chợ Target, mừng rỡ nói:

- Thấy tiệm "Hair & Nail" cháu đoán của người Việt mình thì đúng ngay! Vì má cháu cũng có cái tiệm nhưng chỉ làm "nail" thôi.

Tôi buột miệng khen:

- Cháu nói tiếng Việt quá giỏi!

- Cháu học hết lớp Ba bên Việt Nam mới qua đây mà cô! Cô ơi... cô...

Cô gái ngại nói tiếp. Nhớ dáng vẻ xăm xăm hớt hải khi nãy của cô, tôi động viên:

- Việc chi cháu cứ nói. Hễ giúp được, cô sẵn sàng.

- Thật hả cô? Không giấu gì cô, cháu phải tới ngay tiệm ăn... để kịp giờ làm. Cháu mới xin được việc làm ở đấy hồi tuần trước và đã đi trễ hết một lần, trễ nữa cháu lo bị đuổi. Cháu và bạn cháu vừa đi học ra thì bạn chở cháu ghé chợ Target, còn bạn cháu lo đi đổ xăng để sẽ trở lại đón cháu đưa tới chỗ làm. Nhưng, bạn cháu vừa gọi, nói là chạy nhanh bị cảnh sát giữ, chờ lập biên bản mới được thả cho đi. Cô ơi, giúp đưa cháu tới chỗ làm, kẻo trễ mất!

Tôi đang rảnh và nơi cháu làm cũng khá gần đây, đương nhiên tôi giúp. Tuy nhiên tôi nói:

- Lần sau nếu gặp chuyện như thế này, cháu nên nhờ ba má, anh chị hoặc người thân quen. Nhờ người lạ cho dù là người Việt cũng không mấy an toàn đâu.

Cô cười nghịch:

- Không an toàn cho cháu và cả cho cô nữa chớ gì? Chắc cô cũng lo lên xe rủi bị cháu la làng rằng cô bắt cóc...

Thôi thì cô đã trót bỏ quên, mình sớm trả lại cho cô vậy! Tôi "quơ" vội túi xách đựng giấy tờ của mình và cầm luôn "của nợ" này, lao ra xe. Trên đường phóng tới tiệm cô làm, tôi rối bời trong dạ vì lo cho cô và cho cả má cô nếu biết con gái mình... Đến tiệm cô làm, nhìn sâu vào trong không thấy cô, lúc này tôi mới thật sự lúng túng, chẳng biết hỏi han thế nào để được gặp vì đâu đã biết tên cô! Lúc đưa cô đi, tôi chỉ mới hỏi thêm: "Cháu trông nhỏ lắm! Học được tới lớp mười chưa đã vội lo đi làm sớm vậy?" thì cô buồn buồn cho biết: "Không đi làm, cháu không có tiền tiêu. Hơn nữa cháu sắp mười bảy tuổi và đang học lớp mười một". Tôi cũng định hỏi han này nọ nhưng điện thoại di động của cô reo. Quãng đường chỉ có mấy phút xe, nên đưa cô đến chỗ làm mà cô với ai đấy bên kia đầu điện thoại chưa dứt cãi nhau bằng tiếng Anh...

Tôi đành chọn chiếc bàn ngồi vào, gọi tạm một món để trong khi chờ đợi hoặc đang lúc mình ăn hy vọng sẽ được gặp cô. Còn không, chắc tôi cũng có dịp chuyện trò với mấy người tiếp bàn, dò tin về cô vậy.

Thế rồi, cũng chẳng thấy cô bước ra! Nhưng cô tiếp bàn mang thức ăn cho tôi là một cô Mỹ khá vui tánh và cũng ở lứa tuổi học trò. Tôi tả dáng người, liền được cô Mỹ reo tên cô lên, cho biết cô bị nôn mửa, chủ cho về sớm và bạn trai đã đến đón. Tôi nghe mà rụng rời! Chắc cô có thai và đang sống với bạn trai?! Có thể cả hai học chung trường chung lớp?! Hồi xế trưa nghe cô nói "bạn cháu", tôi đinh ninh là "bạn gái" nên đâu có ngờ!... Cô Mỹ thấy vẻ mất bình tĩnh của tôi, hỏi có làm sao không? Tôi vờ chẳng nghe để khỏi phải trả lời. Tôi cũng không dám đưa cái túi nylon có hộp "e.p.t. Pregnancy Test" để nhờ trao lại, vì cảm nhận bao nỗi lo ngại... Hỏi xin số điện thoại của cô, cô Mỹ không chịu cho, bù lại cô ta ghi số điện thoại của tôi với lời hứa: sẽ lập tức gọi báo cô hay có người hồi xế chiều giúp chở cô đến tiệm muốn gặp gấp. Cô Mỹ quả y lời. Trên đường về nhà, điện thoại di động của tôi vụt reo. Cô muốn tôi chỉ đường để bạn đưa đến lấy.

Trời đêm lạnh, cô mặc phong phanh mà không chịu vào nhà, chỉ đứng ngoài cửa chờ lấy lại cái túi, vì bạn ngồi trên xe đợi. Tôi xin số phone cô không cho. Trao lại cái túi, tôi đi theo tiễn cô ra xe để được dặn đôi điều:

- Về thử nếu thấy mang bầu cháu nhớ: đừng có giết người. Cháu có dự tính gì hãy nói cho mẹ cháu biết, còn không thì cho cô biết để cô giúp cháu.

Cô dạ dạ, không giấu được xúc động, vừa quẹt nước mắt vừa chui vô chiếc xe cộc cạch của cậu bạn. Cậu bạn mặt mũi non choẹt, khẽ chào tôi rồi phóng xe đi. Cậu có vẻ như người Lào, và hởi ơi cả hai cùng "con nít"! Tôi đứng như trời trồng ở ngoài sân, hướng lòng lên CáC ĐấNG MìNH YÊU, thống thiết cầu xin cho cô gọi mình và cho mình sáng suốt để khuyên bảo được cô chịu nghe.

Hơn một giờ sau cô gọi, khóc:

- Cô ơi cháu bị... bị có bầu rồi!

Mừng được cô gọi, tôi an ủi:

- Bình tĩnh đi cháu! Cháu đã báo cho má cháu biết chưa?

- Chưa, và không bao giờ cháu báo. Tại má cháu mà cháu ra nông nỗi này! Cháu thù hận bả.

Tôi nhỏ nhẹ:

- Coi kìa! Đừng có vậy! Cháu đã học tới lớp mười một. Con gái càng lớn lẽ ra càng biết thương và thông cảm với mẹ mình hơn chứ! Đây nhé, cháu nghe cô đọc bài thơ của một em nữ sinh mới lớp mười, tức dưới cháu một lớp. Em vốn là học trò của cô, vì bên Việt Nam cô đi dạy. Bài thơ em làm để tặng mẹ mình: bày tỏ lòng yêu mẹ, đặc biệt bàn tay mẹ. Em viết:

"Mẹ ơi trên cõi đời này,

Con yêu quý nhất bàn tay mẹ hiền.

Chính bàn tay mẹ tay tiên,

Bồng con suốt mấy năm liền mẹ ơi!

Chở che những lúc trở trời,

Lo cơm áo ấm đồ chơi đồ dùng..."

- Đủ rồi cô ơi, cháu không thích nghe nữa đâu!

Ngắt lời tôi cô nói như vậy. Rồi cô nói tiếp với giọng cứng rắn, không còn khóc nữa:

- Vì càng nghe cháu càng thêm hận bàn tay của má cháu! Cô biết không? Tại đôi bàn tay của má cháu quăng đồ đuổi cháu đi nên đời cháu mới phải như thế này! Bàn tay mẹ người ta thì cho con tình yêu thương chớ đâu như bàn tay của má cháu! Cháu mà làm được thơ cháu sẽ làm bài thơ tả nỗi thù hận bàn tay má cháu.

Mừng vì được cô bực dọc nói ra như thế, tôi hỏi:

- Cháu có thể cho cô biêt tại sao má cháu quăng đồ đuổi cháu đi?

- Tại má cháu không có hiểu cháu. Cái tánh của cháu học hành thì phải có vui chơi giải trí, mà ba má ngày nào cũng ôm cái tiệm làm đến tối mịt mới về. Khi về tới nhà thì má hay chửi cháu, bảo cháu không biết dọn dẹp ngăn nắp. Vì cháu là chị cả, hai thằng em cháu lớn rồi, chúng nó bướng như gì và suốt ngày bày biện, cháu dọn đâu có xuể. Sự việc xảy ra cách nay hơn hai tháng, tụi bạn rủ đi xem phim, cháu xin, cả ba má cháu đều không cho. Cháu đi đại vì sẵn lúc bực hai thằng em cãi nhau ném lung tung đồ đạc nên cháu không muốn ở nhà làm đầy tớ dọn dẹp không công cho chúng. Đi về hơi khuya, vừa bước vô cửa, ba la mắng cháu, còn má quăng đồ đuổi đi, bảo cháu bồ bịch với thằng nào rồi mê nó, được nó rủ là nghe, không còn coi lời cha mẹ ra chi nữa! Má đuổi thì cháu đi, và nghi là cháu mê trai thì cháu đến nhà thằng bạn này ở cho vừa bụng bả, chớ cháu đâu có yêu thương gì nó và nó cũng vậy. Tụi cháu chỉ là bạn cùng học, cùng vui chơi cả nhóm với nhau thôi.

Tôi nén tiếng thở dài:

- Thế ba má không đi kiếm cháu về à?

- Có chớ! Sau lúc cháu lao đi, ổng bả lao theo. Sắp đuổi kịp thì cháu ra giữa đường nói là đứng cho xe cán nếu tiếp tục đi theo, hoặc cắn lưỡi tự tử nếu gọi cảnh sát. Cho nên ổng bả phải đi về, và kể từ đấy hễ thấy số phone ổng bả gọi, cháu không trả lời. ổng bả đến trường, cháu nói đến quấy rầy bêu xấu cháu với thầy cô bè bạn: cháu sẽ tự tử chết. Cho nên cũng không còn thấy ổng bả đến trường tìm cháu nữa. Mà cháu muốn như vậy. Đã đuổi cháu đi thì coi như hết. Nhất là không chỉ chửi đuổi bằng miệng, còn bằng đôi tay tàn nhẫn quăng ném quần áo cháu ra sân. Từ nay đường cháu cháu đi, đời cháu cháu lo. Cháu có bầu thì cháu phá thai vì đứa bé đâu đã thành người. Còn hơn để nuôi nó lớn, thế nào cũng có lúc cháu sẽ làm như má cháu là quăng đồ đuổi nó đi, cho nó lại thù hận cháu nữa sao?!

Tôi hỏi:

- Cháu đang dùng phone nào nói chuyện với cô vậy?

- Cô lo cháu dùng phone nhà bạn bị má bạn nghe lén chớ gì? Không có đâu, má của bạn cháu tốt lắm, thương cháu như con gái vì bà bị chồng bỏ và chỉ có mình bạn cháu là con; vả lại bà là người Lào đâu có hiểu tiếng Việt. Nhưng cháu đang dùng "cell phone" của cháu. Cô ơi, thử thấy có bầu, bạn cháu bảo sớm lo phá thai, kẻo má nó biết được thì chết. Cháu cũng nghĩ như vậy. Nhưng cháu thấy khổ trong lòng lắm, nên trùm mền nằm khóc và gọi cho cô. Chớ cháu không dám nói với má bạn cháu, vì cháu biết bà không thông cảm đâu! Bà đuổi cháu đi ngay lập tức đấy! Bà bảo đang lúc cháu còn giận má cháu quá như vậy, nên bà phải mở vòng tay, vì nhà có dư phòng. Bà giao hẹn với cháu không được lạng quạng với con bà; phòng ai người nấy ở. Cháu tưởng hứa với bà thì giữ được, nhưng đâu có ngờ! Nhất là những lúc nhớ lại cảnh má cháu miệng chửi cháu mê trai, tay quăng đồ cháu đuổi đi chẳng "care" gì đến cháu, nên cháu cũng chẳng "care" gì thân xác cháu nữa!

Tôi lại hỏi:

- Thế cái "cell phone" của cháu ai mua và ai trả tiền hằng tháng vậy?

Cô xẳng giọng với tôi:

- Sao cô cứ việc cái phone hỏi cháu hoài vậy?

Nhưng cô lại lập tức giải thích:

- Thì má cháu mua má cháu trả tiền. Má mua cho hồi cháu sinh nhật mười sáu tuổi.

Tôi cười để cháu hiểu tôi chẳng có trách chi cháu hết:

- Nghe cô nói đây. Tại cháu đổ lỗi má cháu không hiểu cháu, không "care" chi cho cháu, và cháu thù hận bàn tay của má cháu, nên cô mới hỏi về cái phone tay của cháu để muốn cháu nhìn lại vấn đề hơn. Má cháu hiểu rằng cháu rất cần cái phone tay và luôn "care" cho nhu cầu này của cháu đấy! Cho nên bàn tay má cháu đang bị cháu thù hận đó, cũng chính là bàn tay tháng tháng ký chi phiếu thanh toán hóa đơn tiền cái phone tay cho cháu dùng. Do đó việc cháu trách má không hiểu cháu, theo cô chính cháu mới là không hiểu má mình! Tất nhiên cô không đồng ý việc má mắng mỏ rằng cháu mê trai và quăng đồ đuổi cháu đi; nhưng cô thông cảm hành động má cháu lúc đó vì cô đã có lâm cảnh ấy! Hồi con gái cô còn học lớp mười, lớp mười một cũng có theo bè theo bạn đi xem phim đến hai ba giờ sáng mới về. Suốt ngày cô ôm cái tiệm làm đã mệt, về nhà khuya lơ khuya lắc còn bắc ghế ngồi ngủ gục tại cửa chờ con. Thấy con về, mừng quá sức nhưng cũng giận điên lên, nên đã quăng đồ đuổi đi vì nghĩ làm như vậy con sợ, không dám đi chơi khuya nữa. Nhưng, cái may của cô là con biết sợ và không dám hận mẹ, từ đó hết đi chơi đêm, chú tâm học hành.

Cô hỏi với giọng khó chịu:

- ý cô muốn chửi xéo là má cháu vô phúc nên có đứa con như cháu chớ gì?

- Đấy là cháu nói chớ cô không dám có ý đó. Do được cháu quý mến, tâm sự với cô, thì cô cũng tâm sự để cháu hiểu đời làm mẹ: cô cũng đã xử sự thật đáng trách với con mình chớ chẳng tài giỏi chi hết!

Giọng cô đổi sang nũng nịu:

- Nói chuyện với cô, cháu thấy bị nhức đầu! Sao cô không để cháu được sống yên với nỗi hận má cháu?!

Tôi cười:

- Cô nói thêm điều này nữa cho cháu được nhức đầu luôn một lần trong đêm nay để rồi thôi nhé! Bàn tay má cháu chỉ có quăng đồ đuổi cháu đi mà cháu hận má đến vậy! Thử hỏi nếu bàn tay cháu giết con của cháu thì nó sẽ hận cháu đến đâu? Cháu đừng tưởng khi còn là bào thai thì đâu đã thành người. Cô nói cho cháu biết: bắt đầu thụ thai tức là có sự sống thì cũng có luôn linh hồn của con người rồi, nên cũng biết thế nào là yêu thương, cám ơn, kêu cứu... Nếu cháu không tin thì hôm nào cô sẽ chứng minh. Thôi, cô xin phép. Cháu ngủ mai đi học. Cô cũng ngủ mai đi làm. Cô mong được cháu gọi luôn để cô cháu mình cùng tâm sự.

Cháu "dạ" cách nhỏ nhẹ và cũng nhỏ nhẹ nói "Cháu cám ơn cô".

Sáng sớm hôm sau đang lúc tôi nấu bếp để chuẩn bị đi làm thì cô gọi, cho biết:

- Má cháu vừa gọi, và lần này cháu chịu nghe điện thoại vì mỗi sáng má thường hay gọi. Má khóc, kêu cháu về, muốn gì má cũng chiều, lầm lỡ gì má cũng tha. Má năn nỉ cháu cho má đến để cám ơn và tiền nong sòng phẳng với má của bạn cháu, vì má dò biết bà nghèo, một mình nuôi con, hơn hai tháng nay còn nuôi thêm cháu tốn kém. Cháu để mặc má nói má khóc, cháu chỉ nghe, không trả lời.

- Cháu không trả lời, má tưởng cháu đồng ý, má sẽ đến đấy!

Nghe tôi nói thế, cô kêu hoảng:

- Vậy sao cô?! Cháu phải gọi má!

Cô cúp phone. Tôi trở lại với việc nấu bếp trong niềm vui khôn tả! Nhưng vui quá thành... đãng trí: lấy muối nêm canh mà bỏ nhầm vô nồi chè!

Tối hôm đó không thấy cô gọi. Tối hôm sau cô mới gọi:

- Cháu nói chuyện với má cả thảy năm lần, với ba hai lần. Hồi sáng ba má đến trường gặp cháu cho tiền, bảo đừng đi làm, để sức mà học nên cháu đã xin nghỉ làm. Mới lúc nãy ba má vừa đến gặp má bạn cháu đưa tiền, bà không nhận, bảo thương cháu như con gái. Cô ơi, cháu bây giờ rất muốn về với gia đình và tiếp tục học hành cho đến nơi đến chốn mà kẹt cái bầu! Cháu đâu biết làm sao phá nó! Lại đâu dám nói với ai, chỉ nói với cô nhưng ý cô đã vậy chắc cháu chỉ còn cách lao ra đường cho xe cán. Cháu thấy cô thương cháu nhưng sao việc này cô không giúp?!

Tôi hỏi cô có tin ở tôn giáo nào không? Cô nói đâu có đi đạo nào mà tin. Nhưng, cô thấy mến đạo Phật vì nhà cậu bạn có thờ ông Phật ngồi chắp tay hiền lành nên má cậu hiền lành, không mắng chửi cậu bao giờ. Tôi cho biết tôi đạo Chúa nên đề nghị trưa mai tan trường sẽ đón, hai cô cháu đi ăn rồi sẽ đưa nhau đến nhà thờ để trong khung cảnh tĩnh lặng, thiêng liêng của chốn giáo đường - nơi tôi hết lòng kính yêu - tôi mới giải thích lý do...

Nhà thờ Saint John Vianney vắng vẻ chẳng có ai. Tôi đưa cô đến chỗ tượng Đức Mẹ bế Chúa Hài Nhi, cô buộc miệng nói:

- Cháu hiểu rồi! Đạo Chúa của cô thờ bà mẹ bế con nên cô không chịu giúp cháu phá cái bầu!

Không ngờ cô có ý nghĩ như vậy, lại thấy cũng lý thú nên tôi chẳng nói chi, tiếp tục đưa cô đến trước tượng Chúa chịu nạn. Tôi quỳ bái Chúa rồi rủ cô cùng ngồi vào băng ghế và lấy trong túi xách hai điện thư với đầy đủ các ảnh có màu đã nhận được. Tôi nhắc:

- Cháu nhớ hôm nọ cô nói đứa bé dù còn là bào thai cũng đã là con người nên biết tỏ tình yêu thương, cám ơn, kêu cứu... thì hôm nay cô muốn chứng tỏ cho cháu thấy.

Trước hết, tôi đưa cô xem bức điện thư kể chuyện bác sĩ Bruner ở tiểu bang Tennessee hồi tháng 9-1999 đã mổ cứu bé Samuel đang còn là bào thai trong bụng mẹ mới được 21 tuần nhưng bị tật bẩm sinh ở cột sống. Lúc dao mổ của bác sĩ cắt màng bào thai ra thì bé thò bàn tay bé xíu ra nắm lấy ngón tay vị bác sĩ chữa trị cho mình. Nhiếp ảnh viên Michael Clancy của tờ USA Today đã chụp được tấm ảnh thật cảm động này... Cô xem, rồi ứa nước mắt:

- Bàn tay bé xíu của bé thấy thương quá! Tội nghiệp bé muốn sống nên thò nguyên bàn tay bé xíu ra nắm lấy ngón tay to lớn của bác sĩ để tỏ lòng cám ơn cứu mạng cho bé!

Tôi đưa cô xem tiếp một điện thư khác về việc "Ăn Thai Nhi" ở bên Trung Quốc. Vừa nhác thấy mấy tấm ảnh một thai nhi đỏ hỏn mới hơn 5 tháng tuổi bị đặt nằm trong thau rồi trên thớt... theo tiến trình của việc "làm thịt" để hầm thuốc bắc... Cô kinh hoàng thét lên:

- Trời ơi, sao lại làm thịt đứa con nít mà ăn?... Chẳng lẽ có thật vậy sao cô?... Không! Cháu không tin! Không ai nhẫn tâm ăn thịt đứa con nít hết! Cái này họ xạo mà cô tin được sao?!

Tôi nói:

- Thì cô đâu hẳn đã tin, và cho dù họ xạo cũng có lý nữa! Vì khi người mẹ dám nhẫn tâm phá thai để giết con mình, thì sao lại không có người dám ăn thịt thai nhi chứ ?!  Họ coi đấy như là thịt, ăn vô cho bổ.

Cô hiểu ra, gật gật. Tôi khẽ bảo:

- Mấy ảnh đó thoạt trông kinh hãi thật. Nhưng, bình tâm mà xem thì sẽ thấy thương cảm nhất là tấm ảnh này.

Đôi mắt cô chờ đợi. Tôi cầm lên tấm ảnh chụp về giai đoạn cuối cùng của tiến trình trên là lúc sắp dọn ra ăn. Thai nhi sau khi đã chưng cách thủy với thuốc bắc trong cái tô suốt 8 giờ thì chín rục: đầu bé, đùi bé biến dạng vì xương thịt vỡ ra. Nhưng, một cánh tay của bé vẫn còn nguyên vẹn và bàn tay đưa lên khỏi mặt nước như cầu cứu... Cô lại ứa nước mắt:

- Bàn tay bé xíu của bé giơ lên cầu cứu thấy thương quá! Nhưng, bé cầu cứu với khoảng không cô ơi!

- Vâng, chính khoảng không ấy mới mãnh liệt mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng cứu các thai nhi kẻo sẽ ân hận lắm! Chẳng những người mẹ phá thai sẽ ân hận đã đành, mà người thấy chuyện biết việc lại làm ngơ cũng sẽ ân hận nữa!

Cô lập tức nói theo:

- Thôi cháu hiểu rồi! Cháu sẽ không bao giờ còn có ý định phá thai nữa đâu. Cám ơn cô đã cho cháu xem mấy tấm ảnh thai nhi để cháu biết thương, và biết tránh kẻo phải ân hận sau này nếu bây giờ mình phá thai. Cũng cám ơn cô đưa cháu vô đây để giải thích chuyện này, nhờ đó cháu có niềm tin: hễ mình mở lòng giữ cái bào thai là Chúa giúp, vì trên Thánh Giá có Chúa Giêsu đang dang rộng hai cánh tay ra kìa!

Mừng khi nghe cô nói thế, tôi hỏi:

- Cháu cũng biết Chúa Giêsu là ĐấNG Mở LòNG ư?

- Cháu biết chớ cô! Nhờ Chúa Giêsu nên mỗi năm có lễ Giáng Sinh để cháu được tặng quà và cho quà...

* * *

Quý bạn đọc kính yêu! Cho tôi được thưa thốt điều này, kẻo thấy chuyện biết việc mà im hơi lặng tiếng thì ân hận suốt đời. Hiện nay ở Việt Nam có nhiều nhóm tu sĩ lo việc "nuôi mẹ giữ con" để giúp các cô gái lỡ lầm, dở duyên... ngày càng nhiều, số bé sinh ra cũng càng nhiều nhưng phần đông là khuyết tật (do người ta dùng đủ mọi cách để phá thai nhưng không được) nên không gia đình nào nhận nuôi. Các nhóm tu sĩ lại nhận nuôi các trẻ em này, đồng thời rất cần chúng ta mở đôi bàn tay ra... Ngoài ra, có nhóm tu sĩ còn thu nhặt xác thai nhi bị quăng vô thùng rác ở các bệnh viện đem về chôn cất, nên cũng rất cần chúng ta mở đôi bàn tay giúp cho từng cái om nhỏ đựng xác... như Nhóm Anh Hài ở Huế hiện mỗi ngày chôn từ 10 đến 15 xác thai nhi... Xin ghi ra đây địa chỉ vị tu sĩ hiện lo việc bác ái này: 

Linh mục Đôminicô Trương Văn Tập

Tòa Giám Mục Huế

69 Phan Đình Phùng, Huế, Việt Nam

ĐT: (011) 849-1412-5882 (gọi từ Mỹ)

E-mail: domtap@pmail.vnn.vn

California 1/4/2005

(Trích NS. Trái Tim Đức Mẹ, số 329, tháng 5-2005, trang 62-65)

Tác giả: Hoàng Thị Đáo Tiệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!