Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Hoàng Thị Đáo Tiệp
Bài Viết Của
Hoàng Thị Đáo Tiệp
LÀ GIẾT ĐỜI NHAU
CON NGOAN
MẤT NHÀ
Đường Lên THIÊN QUỐC
ĂN CHAY
VÀO THĂM NHỮNG GIAN MÁI ẤM
Yêu Chúa
Đi Xuống
Nợ Lòng
Sợ Chồng
Truyền Giáo
Ngôn Ngữ Của Bàn Tay
ĐỨC MẸ KHÔNG CÓ ĐEO NỮ TRANG
TĨNH TÂM TRONG CHÚA THÁNH THẦN
NGƯỜI ĐẠO ĐỨC
DÂNG NGÀY CHO CHÚA
ĐI LỄ
NẾU TÔI TRẺ LẠI
Khôn Khéo Với Khôn Ngoan
KHÔNG CÓ NƠI GỐI ĐẦU
CẦU NGUYỆN
CÁM ƠN ... TICKET
Bác Ái Đường Xa – Bác Ái Đường Gần
KHÔN KHÉO VỚI KHÔN NGOAN

 

Nghe mấy bà khách người Phi Luật Tân hay khen ngôi chợ thực phẩm "Seafood King" – của đồng bào họ ở vùng phía Nam thủ phủ Sacramento – có bán đủ loại hải sản nào tươi nào đông lạnh mà giá cả dễ mua..., sẵn dịp đi ngang, tôi ghé vào. Ngôi chợ quả hoành tráng thật! Nó lớn ngang ngửa với ngôi chợ lớn nhất của người Trung Hoa tại đây, và không thua gì các chợ thực phẩm Mỹ ở vùng này. Trong khi người Phi Luật Tân ở đây không nhiều bằng người Trung Hoa, người Việt (người Việt hiện không có ngôi chợ nào, dù nhỏ)... Tôi hiểu mấy bà nội trợ người Phi hãnh diện về ngôi chợ này của họ nên giới thiệu mãi với mình, để mình phải đến!

Vào chợ, nhìn lướt qua các quầy tính tiền, tôi vui mừng bắt gặp khuôn mặt quen quen của một chị với nụ cười và cái vẫy tay chào mình. Dù không nhớ tên chị, không nhớ mình đã quen chị trong trường hợp nào, tôi cũng vẫy vẫy tay và nhoẻn nụ cười chào lại chị; chào luôn chị nọ đứng cạnh chị mà tôi đoán có thể hai người cùng đi chợ với nhau và đã mua sắm xong, chờ tính tiền. Chỉ có thế, rồi tôi lo đẩy chiếc xe đi chọn các thứ để mua, vì cũng vội. Nhất là mua hải sản. Tôi muốn xem các thứ đồ biển có được tươi và rẻ hơn chợ của người Hoa, người Đại Hàn mình vẫn thường mua không? Vì tôi vốn thích ăn đồ biển. Nhưng bước có mấy bước thì chị nọ đã tiến đến bên tôi, xởi lởi chào:

- Ôi thì ra là chị! Lúc nãy thấy cô em bạn dâu tôi chào chị, rồi chị chào lại hai chúng tôi nên tôi hỏi cô ai vậy? Cô cho biết là chị Hoàng Thị Đáo Tiệp. Tôi mừng quá, nhờ cô đứng đấy, chờ họ tính tiền xong trả giùm và giao chiếc chìa khóa phụ nhờ cô cho các thứ tôi mua lên xe tôi giùm, rồi cô lo lái xe cô về sớm sủa kẻo nhỡ việc của cô. Vì tôi muốn gặp chị để hỏi một câu cho thỏa ý thì thôi. Không biết chị có vui lòng không?

Cám ơn và niềm nở chào chị, tôi nói:

- Không chỉ vui! Hân hạnh nữa là khác, dù biết có thể sẽ làm chị thất vọng to! Vì chị đã mong mỏi gặp tôi để hỏi, nhưng chắc chi tôi trả lời được đúng yêu cầu của chị cho chị được "thỏa ý thì thôi"!

Chị nở nụ cười thân thiện:

- Chị đã mở lòng như vậy thì tôi cũng không giấu chị: Tôi đạo thờ cúng ông bà. Cũng thú thật với chị, ở bên Việt Nam tôi làm cô giáo dạy văn học, qua Mỹ đến nay đã hơn mười năm mà tôi chỉ đi làm thợ! Khởi đầu làm thợ phụ bếp, hiện nay thì đang làm thợ "Nail" nên coi như đời đi làm thợ của tôi cũng đã có được tăng cấp. Vì làm thợ "Nail" là phải có đến trường đến lớp để học hành thi cử, mà thi cử phải đỗ đạt mới lấy được cái "license" hành nghề. Chớ làm phụ bếp thì đâu cần bằng cấp. Tôi được biết chị do mấy chị làm chung hay đem cuốn báo TRÁI TIM ĐỨC MẸ vô đọc, nên thỉnh thoảng tôi có đọc ké và ước ao gặp chị để hỏi một câu thôi. Hỏi rằng đạo Chúa dạy cho người phụ nữ chúng mình khôn khéo hay khôn ngoan?

Bất ngờ được chị hỏi như thế, tôi hơi giật mình vì chưa bao giờ tôi để ý phân biệt giữa khôn khéo với khôn ngoan! Tuy nhiên tôi biết chắc chắn 100% là phải khôn ngoan vì nhớ trong Kinh Thánh Cựu Ước có cuốn sách tên là "SÁCH KHÔN NGOAN". Thêm nữa, cách đây mấy hôm tôi có đọc trong Phúc Âm Thánh Matthêu, không nhớ chương mấy câu mấy, nhưng nhớ ở đoạn nói về sự vâng phục Thiên Chúa không chỉ bằng môi miệng, bằng ý nghĩ, mà còn bằng hành động của mình. Đoạn đó đại khái như thế này "... ai nghe những lời Thầy nói và đem thực hành thì giống như người KHÔN NGOAN xây nhà mình trên đá nên mưa đổ xuống, gió bão nổi lên, nước lũ tràn vào thì nhà vẫn vững...". Mà lời Chúa thì nhiều lắm: Cả pho Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Chúa dạy đủ mọi vấn đề để mình sống tốt sống hay. Cho nên muốn sống KHÔN NGOAN là phải can đảm từ bỏ cái tôi ích kỷ, tham lam, gian dối... Còn muốn sống "khôn khéo" thì không cần can đảm bỏ ý riêng, chỉ cần tính toán sao để được lợi cho mình... Tôi nhìn sâu vào mắt chị thấy vẻ thành khẩn muốn tìm hiểu cũng có, mà nỗi muộn phiền ngao ngán cũng có, nên thương và quý chị tận đáy lòng! Tôi dùng một phút hướng lòng trí mình lên CÁC ĐẤNG MÌNH YÊU, xin giúp mình trả lời tốt câu hỏi, rồi tôi khẽ nói:

- Câu hỏi hay! Cám ơn chị hỏi để tôi được dịp nhìn lại chính mình và quyết phải sống tốt hơn.

Tôi mới chỉ nói có vậy mà mắt chị đã long lanh ngấn lệ làm tôi bối rối quá đi! Tôi muốn tìm lời xin lỗi chị mà lúng túng không biết phải nói chi, thì bàn tay chị vịn khẽ lên vai tôi:

- Cám ơn chị, tôi mừng lắm! Đúng như tôi mong ước: Có thể chị sẽ không làm tôi bị khổ tâm!

Ra thế! Tôi thở nhẹ, nhoẻn nụ cười hạnh phúc:

- Vâng! Tôi cũng mong được vậy!

Chị liền nhoẻn nụ cười dù lệ vẫn long lanh trong mắt. Rồi chị giãi lòng:

- Không giấu chị, tôi đã hỏi câu hỏi đó với nhiều chị em phụ nữ có cùng đạo Chúa với chị và ngày ngày chạm mặt ở chỗ làm. Nhưng, cái cách chị trả lời làm tôi thấy được an ủi lắm! Còn những chị em kia dù là cô chủ, chị chủ tiệm ăn, tiệm "Nail" hay là bạn cùng làm, hễ tôi hỏi họ như thế, hầu như nếu họ không thờ ơ, phớt tỉnh, giả điếc... cũng bực bội, bất mãn, đốp chát lại tôi: rằng thì là đã biết còn khéo hỏi để mỉa mai, để sửa lưng, để dạy đời... Họ làm tôi ngay lúc ấy thấy đau lòng lắm! Sau đó còn cảm thấy bị hất hủi, bị ghét bỏ!

Nghe chị giãi lòng mà thêm thương cảm, đồng thời cũng thấy hiểu vấn đề hơn nên tôi nêu ý kiến để mong hiểu thêm tâm sự chị, hầu có thể kết hợp mà trả lời cho chị "thỏa ý thì thôi":

- Chị à, biết hỏi thế họ sẽ không thích và làm chị bị khổ tâm, lẽ ra chị đừng nên tiếp tục đặt câu hỏi như thế với họ nữa?!

Một bà nội trợ người Phi phốp pháp đẩy chiếc xe chọn hàng đang đi tới, muốn chúng tôi tránh lối. Cả chị và tôi mới "giật mình" trước cảnh "giữa đường giữa chợ" say chuyện của nhau! Chúng tôi lo tránh lối và "biết thân" không đứng dừng lại để mặt đối mặt chuyện trò, mà vừa khẽ đẩy chiếc xe cùng đi, vừa chuyện vãn. Tôi cũng nhớ mình đã tính về vội, nhưng bây giờ thấy không cần thiết phải vội về cho lắm. Hơn nữa chị này ắt cũng vội về vậy, mà vì gặp mình...

Quả nhiên, chị lại giãi lòng:

- Vâng, đúng ra là vậy! Nhưng chị ơi đầu đuôi do tôi có cái nỗi khổ tâm này, nên tôi mới phải thế! Không giấu chị, thì cũng do tôi bây giờ làm thợ nên cứ ray rứt nhớ về nỗi niềm của người thợ cấy lúa – trong mấy câu thơ đậm đà ý nhị của nền văn học dân gian mình – mà tâm đắc! Mấy câu thơ rằng:

Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng, đá mềm

Trời yên, biển lặng mới an tấm lòng.

Đấy! Người thợ cấy lúa không chỉ với tâm trạng của người làm công để được hưởng đồng lương, mà còn có tình người, tình yêu trong công việc làm nên lo lắng cho thành quả, cho sự an vui của nhau và còn có biết bao kỳ vọng cho tiền đồ của nhau, với bao thao thức, bao nỗi đau đời... Tôi làm thợ phụ bếp hay thợ "Nail" thì cũng không nhất thiết chỉ vì kiếm đồng lương thôi, nhất là trong cảnh sống tạm dung ở xứ người, tôi càng có biết bao thao thức! Rồi thêm thấy cảnh chị em phụ nữ đã chung màu da chủng tộc, thêm chung nhau làm lụng trong cùng một tiệm ăn, tiệm "Nail" dù cho kẻ là chủ, người thì thợ, mà cứ tranh ăn, giành sống, đố kỵ, tị hiềm, dối gian, tráo trở, tham lam, lừa đảo, nói hành nhau... nên tôi càng trĩu nặng nỗi đau đời! Nhất là đời làm thợ của tôi tha hồ thay chỗ đổi tiệm, vẫn cứ luôn làm chung với chị em phụ nữ có đạo Chúa, nhưng xấu tánh xấu lòng lắm! Miệng đọc kinh, tay lần hạt, báo đạo, sách kinh cứ đọc suốt, mà như chỉ có để làm cảnh thôi! Chớ xử sự thì nhỏ nhen, lươn lẹo, chụp giựt, tham lam, vô trách nhiệm... cứ xảy ra như cơm bữa! Dù theo đạo ông bà nhưng tôi vốn biết đạo Chúa là đạo chánh chớ đạo Phật thì chưa. Có liên lỉ làm chung với những chị em phụ nữ cả bên đạo Phật lẫn bên đạo Chúa, tôi thấy quý người bên đạo Phật hơn vì họ biết sợ luân hồi, quả báo nên dễ sống hiền lương. Còn người bên đạo Chúa cứ tha hồ làm các sự dữ miễn được lợi cho mình, rồi có gì thì đi xưng tội là được tha.

Lúc này chúng tôi đã xuống tới gian hàng hải sản. Chị toan nói tiếp, mà tôi thì thấy phải ngắt lời chị thôi:

- Xin phép chị, tôi có một tí thắc mắc! Tại sao chị biết đạo Chúa là đạo chánh, chớ đạo Phật thì chưa?

Chị vui vẻ giải thích:

- Tại vì đại bộ phận nhân loại là người nghèo và nghe nói Chúa là con ông Trời, bỏ trời xuống thế làm người để sinh ra trong cảnh nghèo, chịu đủ mọi khốn cùng và bị bức hiếp, bị ngược đãi như đa số người nghèo phải chịu: để dạy bài học yêu thương. Còn đạo Phật là do vị hoàng tử đại diện cho thiểu số nhân loại quyền quý, giàu sang, giác ngộ lẽ đời sắc không, kiếp người phù du: để dạy khuyên diệt dục, từ bi hỉ xả.

Tôi thấy ý chị cũng độc đáo nên khen và xin được đính chính ý này:

- Còn việc chị nghĩ về đạo Chúa như vừa rồi là chị nhầm đấy! Chỉ có cái tội được tha nhưng các vạ thì phải đền! Và cũng xin chị đừng nhầm tưởng là đạo Chúa dễ dãi cho người đi đạo được tha hồ phạm tội! Đạo Chúa không truyền dạy là có kiếp luân hồi, mà chỉ duy nhất một kiếp sống này, nên sống sai sống lỗi, chết đi sẽ không có cơ hội làm lại. Nếu kiếp sống này phạm tội trọng, chết đi linh hồn sẽ vô hỏa ngục đền tội đời đời cho đến ngày tận thế! Nhưng nếu phạm tội nhẹ, chết đi linh hồn sẽ vô luyện tội, đền tội có thời hạn và thời hạn ấy nhiều khi lại dài hơn cả kiếp sống mình! Tỷ như sống có ba mươi tuổi mà đền tội phải năm mươi năm!

- Vâng, tôi hiểu nhầm điều đó, cám ơn chị giải thích. Nhưng, việc tôi nhận xét về các chị em phụ nữ có đạo Chúa ở những chỗ tôi làm, chẳng lẽ cũng nhầm nữa sao?

Nghe chị nói và trông cái cách cởi mở, tự nhiên, thành thật của chị, tôi thấy chị đáng yêu đáng mến lắm! Tôi nghĩ mình tìm hiểu chị đến đây cũng đủ và có giải đáp thế nào chị cũng sẽ không bị xốc, lại rất có thể chị được "thỏa ý thì thôi". Cho nên tôi rủ chị đi lui ra khỏi gian hàng hải sản để sẽ cùng nhau đứng ở cái góc rộng rộng xéo phía bên kia mà trò chuyện.

Buông chiếc xe đẩy ra, tay tôi nắm bàn tay chị và mặt đối mặt, tôi nhìn thẳng vào mắt chị, nói với tất cả sự chân tình:

- Chị ơi, tôi hoàn toàn không dám có ý vậy, vì tôi biết người xấu ở đâu cũng có. Ngay cả ở chính con người mình cũng vẫn có lúc hay lúc dở, lúc xấu lúc tốt, ngày được ngày không, và có thể mình xấu với người này nhưng lại tốt với người kia. Thành ra vấn đề là không nên chê trách ai, mà phải cảm thông và tha thứ chị ạ! Đạo Chúa của tôi được Chúa Giêsu dạy cho "Kinh Lạy Cha" để cầu nguyện mỗi ngày. Cầu nguyện rằng: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" tức là nhìn nhận con người mình có sai có lỗi để xin Chúa thứ tha các sai lỗi cho mình và hứa với Chúa: Mình cũng sẽ tha thứ mọi sai lỗi của bất kỳ ai dù chỉ có làm chướng mắt mình hay đã và đang làm đời mình phải buồn phiền, đau khổ! Cầu nguyện rằng: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ" để đời sống của mình là một chuỗi tạ ơn và khiêm hạ. Vì mình có được hay được tốt là nhờ ơn Chúa chở che, dìu dắt, thương ban. Chớ đừng ỷ vào đấy mà coi khinh kẻ khác... Chúa Giêsu cũng dạy bằng chính gương sống của Chúa, Ngài nói rằng: "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng". Học được sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa là vua trời đất mà lại hủy mình ra không để xuống thế làm người, chịu hất hủi, bắt bớ, đánh mắng, giết hại... thì cái lợi thiết thực nhất cho kiếp con người vốn "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh" và "nay lên voi, mai xuống chó" là lòng trí mình vừa không dễ bị khổ tâm, vừa luôn dễ có bình an và đặc biệt là giúp cho thế giới này dễ được có hòa bình. Vì...

- Đủ rồi chị ạ! Đúng là tôi đã được "thỏa ý thì thôi" rồi!

Chị ngắt lời tôi bằng những lời đó, rồi nói:

- Tôi thỏa mãn rồi chị ạ! Vậy là đạo Chúa dạy cho người phụ nữ "khôn ngoan" chớ không phải là "khôn khéo" như tôi đã hiểu sai! Dù rằng việc tôi hiểu sai cũng có lý do chính đáng lắm, để thuyết phục mình.

- Xin chị giải thích lý do chính đáng ấy cho, vì tôi cũng muốn được "thỏa ý thì thôi".

Tôi đề nghị như vậy, thì chị đưa tay gảy gảy lên tóc, miệng cười chữa thẹn:

- Tất nhiên chỉ chính đáng ở cái lúc tôi chưa học biết "hiền lành và khiêm nhượng" nhé! Vâng, không giấu chị, tôi có ít nhiều tự hào về vốn văn chương chữ nghĩa của mình và khổ tâm cho cảnh "lên voi xuống chó" của đời nhà giáo mà phải đi làm thợ... Về vốn văn chương thì tôi thuộc nằm lòng lời ông bà xưa dạy. Tỷ như: "Khôn khéo chẳng qua người có của" là ông bà mình có ý không thích về thói đời trọng phú khinh bần. Hoặc như: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" thì ông bà mình dạy cho cách sống hãy coi trọng huyết nhục tình thâm mà nhường nhịn yêu thương nhau. Thành thử tôi biết chắc chắn là mình phải khôn ngoan chớ không nên khôn khéo. Về chữ nghĩa thì tôi thấy cả hai từ ngữ "khôn khéo" và "khôn ngoan" đều có cùng chữ "khôn", nên vấn đề phải là cho hai chữ "khéo" và "ngoan" được ghép vào mới làm nên ý nghĩa hoặc tốt hoặc xấu cho mỗi từ ngữ. Do đó khi tìm hiểu về chữ "khéo", thấy chữ này đi liền với những chữ như: khéo nói hành, khéo dựng chuyện, khéo đổ thừa, khéo chạy tội, khéo giả vờ, khéo lươn lẹo, khéo lòn cúi, khéo moi tiền, khéo dụ khị, khéo gợi tình, khéo bẹo hình bẹo dạng... để diễn tả cái tánh người chẳng có thành thật, tử tế, tốt bụng... thì tôi thấy giống với cái tánh của hầu hết các chị em phụ nữ đạo Chúa làm chung với mình! Chỉ có điều tôi thật không ngờ là các chị em phụ nữ đó, đâu có chịu sống theo gương sống của Chúa và lời Chúa dạy, nên tôi cứ vì buồn phiền bất mãn họ, mà mất cảm tình với đạo Chúa, dù rằng tôi biết đạo Chúa là đạo chánh. Và khi tôi hỏi họ như vậy, có ý tìm hiểu học hỏi thì ít, mà để họ bị quê, bị đau, bị bỉ mặt là nhiều!

- Thế thì khi chị hỏi tôi, hẳn cũng với ý đó chớ gì? Bởi tuy chưa có dịp làm chung nhưng ít nhiều chị vẫn nghe người này kẻ nọ chê trách tôi, vì tôi cũng nhiều sai lỗi như ai!

Chị xua tay, lắc đầu:

- Đừng nghĩ oan cho tôi nhen! Đồng ý tôi có nghe này nọ về chị, nhưng tôi vẫn dành cho chị một cảm tình đặc biệt. Tôi hỏi chị chỉ có ý được chị thông cảm, chấp nhận, chịu nghe tôi trình bày và chịu nói cho tôi nghe vì tôi cũng muốn được nghe, được học hỏi! Rồi nếu chị thấy là nên, xin chị hãy thỏ thẻ lại cho quý chị em phụ nữ bạn đọc của báo Mẹ.

Nói lời cám ơn hảo tâm, hảo ý của chị, tôi đề nghị:

- Chị nói chị muốn học hỏi lắm! Thế thì tôi tha thiết muốn giới thiệu một mẫu gương của người phụ nữ tuyệt vời khôn ngoan để chị được học hỏi, chị có vui lòng chăng?

Ôi! Vẻ chị mừng quýnh quáng:

- Thật hả?! Giới thiệu đi, làm ơn!

Tôi rủ chị đi ra ngoài. Chị la lên:

- Coi kìa! Chị chưa mua gì hết!

- Không sao! Chốc nữa tôi sẽ trở vào mua!

Thế là chị háo hức theo tôi ra cửa chợ, rồi tiến vô bãi đậu xe. Vừa đi chị vừa hỏi, những câu nghe thật thương, nhưng tôi cứ ậm ừ không đáp để chờ đến lúc mở cửa chiếc xe mình, lấy tấm ảnh nhỏ xíu của Đức Mẹ mình để trong cuốn Thánh Kinh, trang trọng biếu chị. Chị reo lên:

- Là Đức Mẹ Maria?! Tại sao?

Tôi đáp:

- Đúng vậy! Là Đức Mẹ Maria!

Và tôi đọc chị nghe đoạn Thánh Kinh theo Luca (1, 26-38) để giải đáp tại sao?! Tại vì Đức Mẹ ngay từ thời còn là một thiếu nữ mới lớn đã được phước Chúa ban: Không vấp phải một mảy may nào của sự khôn khéo thế gian, như hầu hết các thiếu nữ khác là mơ ước đến người nam, đến chuyện hôn nhân. Đức Mẹ còn thêm được phước cưu mang Chúa Cứu Thế, sống với Chúa Cứu Thế, Đồng Công cứu chuộc thế gian nên luôn sống trong ân sủng khôn ngoan tuyệt mỹ Chú ban...

California, 30/3/2008 

(Trích NS. Trái Tim Đức Mẹ, số 365, tháng 5-2008, trang 59-61)

Tác giả: Hoàng Thị Đáo Tiệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!