Xin kể câu chuyện để mua vui cùng quý bạn đọc nhân ngày Tình Yêu (ValentineỊs Day).
... Mươi ngày trước Đại Lễ Giáng Sinh vừa qua, tôi được một nam bạn đọc "sồn sồn" của báo Trái Tim Đức Mẹ gọi. Sau mấy lời chào thăm và chúc lễ, cậu cho biết:- Nói để chị mừng, bà xã em chịu các bài viết của chị lắm đấy! Vì chịu nên không những bả thích thực hiện mà còn rủ rê. Cụ thể là ba tháng trước, bà xã em hăng hái lập từng nhóm năm người để đọc kinh Kính Năm Sự Vui, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng và cả Năm Sự Sáng luôn. Nhất là với kinh Kính Năm Sự Vui bả kéo em vô, "làm trận làm thượng" bắt em phải đọc Sự Vui Thứ Nhất để muốn em luôn được "khiêm nhường" vâng phục ý của bả. Còn tháng này chuẩn bị mừng Đại Lễ Giáng Sinh thì bà xã quà trước cho em cuốn "Chúa Mặc Khải Mười Lăm Kinh Nguyện". Rồi cũng "làm trận làm thượng" muốn em phải đọc mỗi ngày cho biết "hủy mình ra không", để lại cũng chỉ có chiều theo và vâng phục ý của bả nữa thôi!
Tôi cười:
- Cậu bảo "nói để chị mừng" mà chị thì có cảm tưởng như đang bị cậu... mắng vốn về hai bài viết vậy! Bài "Chục Kinh Dâng Mẹ" đăng ở báo Mẹ số tháng Chín và Mười, với bài "Hủy Mình Ra Không" vừa đăng ở báo Mẹ số tháng Mười Hai này!
Giọng cậu cười vui:
- Nhưng em muốn biết là chị có mừng không?
- Mừng chứ! Mừng lắm nữa kìa.
Tôi đáp thế, cậu lại hỏi tiếp:
- Tại sao chị mừng?
Ơ cái cậu này hỏi... thiệt tình... thừa! Tuy nhiên tôi vẫn đáp trong nỗi vui bằng thích:
- Vì chiều ý cậu: Cậu muốn chị mừng nên chị mừng cho cậu. Mà không mừng cho cậu sao được khi thấy cậu tốt phước quá đi! Cậu lấy được người vợ biết ham thích việc đọc kinh và muốn được chồng thương chiều cho nỗi ham thích này của mình. Chớ giả dụ cậu lấy phải cô vợ đèo bồng theo những cái muốn eo xèo, nhiêu khê khác của thường tình nhi nữ thì cậu vẫn phải thương chiều vậy, mới yên cửa yên nhà. Chẳng hạn như cái cảnh "Mười Thương" của ông chồng này phải chiều chuộng vợ mình mà đặc biệt trong đó...
Cái thương thứ nhất:
Một thương đôi má của nàng,
Xoa toàn mỹ phẩm, anh tàn tháng lương.
Đến thương thứ bảy:
Bảy thương cái mặt chằm dzằm,
Đòi mua được cái áo đầm mới dzui.
Rồi thương thứ mười:
Mười thương tính chẳng xa hoa,
Vòng vàng hổng thích, hạt xoàn thì mê.
Bởi vậy mà thân ông chồng này:
Đời trai sao quá ê chề,
Thương xong mười cái, chắc... dzề chăn trâu!
Tôi tưởng mình đáp vậy, cậu sẽ cười vui. Nào ngờ cậu đã tỉnh bơ còn thảng thốt kêu:
- Chị ơi chị nhầm rồi! Em đâu có muốn chị mừng cho em. Em muốn chị mừng là mừng cho chị kìa! Chị phải mừng, phải hãnh diện vì các bài viết của chị được các bà ủng hộ lắm!
A... ra vậy! Tôi nói:
- Thì chị viết thay cho các bà, làm sao các bà không ủng hộ chứ?! Còn việc mừng cho chị mà theo kiểu... phải hãnh diện như cậu muốn... thì chị không dám đâu! Nói thật để cậu hiểu cho. Được diễm phúc cộng tác thường xuyên trên báo Mẹ, chị xem mình như người thư ký: ghi chép các sự việc cùng ý nghĩ và xúc cảm Chúa ban cho mình hoặc ban cho người khác. Chớ nào có phải là ý nghĩ, xúc cảm gì của tự chị sáng tạo ra đâu! Lại trong sự ghi chép này, quý cha ở tòa báo vẫn cứ phải chỉnh văn chương câu cú luôn cho chị đó!
- Thôi được rồi! Chị nói vậy thì em tôn trọng ý của chị. Còn ý của em là em vẫn tha thiết muốn rằng: Chị nên thấy các bài viết của chị được các bà chịu đọc và ủng hộ. Cho nên xin chị hãy "nhất hô" để các bà "bá ứng" giùm cho một việc thôi, là sẽ "cứu khổ cứu nạn" cho bọn đàn ông chúng em lắm đấy!
Ngạc nhiên lẫn hào hứng, tôi cười vui:
- Gì mà "nhất hô bá ứng" với "cứu khổ cứu nạn" toàn chuyện "dao to búa lớn" nghe... hấp dẫn quá vậy cậu?! Nào! Cậu muốn chị "xách động" việc chi cho phái yếu đấy?
Lúc này tôi mới được nghe tiếng cậu cười vui:
- Dễ thôi chị ạ! Chỉ cần trong một bài viết nào đó chị đổi đề tài bàn về cái chuyện "Sợ Chồng" cho các bà nghe ra. Rồi biết đâu các bà sẽ rủ nhau thực hiện là đỡ khổ cho bọn đàn ông chúng em vô cùng. Chị thừa biết xứ Mỹ này là xứ của "lady first", kế đến thì trẻ con, rồi tới chó, mèo, kiểng, cảnh và hầm bà lằng các thứ, còn đàn ông chúng em thuộc hạng sau rốt! Bởi vậy, chị bàn được cái chuyện "sợ chồng" mà các bà chịu nghe là chị làm cuộc "cách mạng vĩ đại" cho giới đàn ông chúng em nhờ.
Tưởng cậu xúi việc chi chớ việc đó tôi thấy... không khá! Phụ nữ nào chẳng thích được chồng thương chồng chiều. Dại chi tôi bàn cái chuyện phải "sợ chồng" để đụng chạm... quá lắm đến quyền lợi của chị em phụ nữ chúng tôi chứ?! Hơn nữa nếu đúng như lời cậu nói là tôi được chị em phụ nữ ủng hộ thì tôi lại càng không có dại mà "xúi bậy" để cho mình bị... tuột đài, bị tẩy chay... Nghĩ vậy, nhưng tôi chưa vội trả lời vì ngại làm cậu thất vọng. Hơn nữa, do sự hiểu lầm về việc "mừng" khi nãy, thành ra biết đâu chuyện "sợ chồng" mà cậu muốn đề cập đến, lại khác với quan niệm "sợ chồng" như tôi nghĩ chăng?
- Sao chị làm thinh vậy? Chị do dự gì thế?
Cậu lên tiếng hỏi, tôi đáp:
- Thì... cậu nói rõ hơn: Lý do tại sao cậu muốn là vợ phải "sợ chồng"?
- Đơn giản thôi chị ạ vì em được lớn lên trong đại gia đình nhà ngoại. Nhà ngoại chớ không phải nhà nội chị nhé. Mà nhà ngoại em có truyền thống bao đời từ ông cố ngoại, rồi ông ngoại... cứ mỗi lần gả chồng cho con gái, cháu gái đều căn dặn duy nhất một lời: "Dù chồng đúng chồng sai cũng phải nghe lời chồng và vâng phục ý chồng để gia đình được êm ấm thì ông mới vui". Cho nên đám đàn bà con gái phía nhà ngoại em lấy chồng đều răm rắp nghe lời ông. Cho dù chồng mình có "hư đốn" thế nào cũng chiều chuộng, nể nang, vâng ý. Tỷ như ba em đấy, thôi thì hồi trẻ ổng bồ bịch lăng nhăng, thậm chí có cả con rơi nữa! Má em chẳng cãi cọ gì ba, cũng chẳng đánh ghen, còn cho tiền để bà ấy nuôi con và mối mai người tốt để bà được lấy làm chồng.
A... tôi hiểu! Tôi hỏi:
- Hẳn cậu cũng đang... tập tành như ba hồi trẻ nên bị vợ "kỳ đà cản mũi" chớ gì?
- Không dám tập tành đâu chị, vì em đang sống trong luật pháp của xứ Mỹ mà! Lạng quạng để có con rơi con rớt cho tháng tháng bị khấu trừ gần hết cả nửa số lương nuôi mẹ con họ à, em đâu có dại. Chỉ có điều tánh em hào hoa phong nhã mà làm nghề địa ốc là luôn đưa các bà các cô đi xem nhà để mua. Vợ em cứ "a thần phù" ghen ẩu suốt, làm em bị mất khách hàng và mất mặt em lắm! Thêm em còn có cái tánh ham vui văn nghệ văn gừng, karaoke, bao bạn bè ăn nhậu nên cũng tiêu hoang... vì trẻ mà chị. Nhưng, vợ cứ "xiết hầu bao" với càm ràm muốn em phải sống như một ông già hoặc một thầy tu không bằng! Cho nên em muốn chị...
- Được rồi! Em không phải mất thời giờ "năn nỉ" chị nữa! Chị sẵn sàng và tự nguyện "xách động" cái chuyện "sợ chồng" mà em đang thiết tha nhờ chị.
Tôi ngắt lời cậu và xác định cách quả quyết như thế. Cậu vui lắm:
- Chị nói thật? Sao lúc nãy chị do dự?
- Chớ dối cậu để làm chi? Lúc nãy chị do dự vì chưa thật sự hiểu vấn đề. Bây giờ thì chị hiểu rồi! Chị còn phải cám ơn cậu gợi ý để chị viết được bài "Sợ Chồng" nữa là. Vì điều mà vợ cậu nên phải "sợ chồng" đấy, thật ra cũng đã được ghi nhận sẵn sàng đâu đó rồi, trong một bài thơ tạm coi như là... tuyên ngôn "Sợ Vợ" của quý ông.
Lúc này tôi nghe cậu đổi giọng cự mình:
- Chị nhầm nữa! Sao lại có chuyện "sợ vợ" vô đây? Em muốn chị viết cái chuyện "Sợ Chồng" kia mà!
- Bậy! Cậu đừng có nóng! Cứ bình tĩnh nghe chị đọc bài thơ "Sợ Vợ" của thi nhân này xem đã nào!
Và tôi đọc cho cậu nghe:
Sợ Vợ
Dù không sinh đẻ ra ta,
Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao.
Khi ta đau ốm xanh xao,
Vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay.
Sợ ta đi trật đường rầy,
Vợ liền theo dõi kéo ngay về nhà
Khi ta tán tỉnh ba hoa
Vợ liền "quát nạt" để mà răn đe.
Lời vợ dạy phải lắng nghe,
Mai sau khôn lớn mà khoe mọi người.
Nói ra xin hãy chớ cười,
Vợ ta ta sợ, vợ người... còn lâu.
Đọc xong, tôi nói:
- Đấy! Cậu thấy! Tiếng là "sợ vợ" nhưng kỳ thật lại là vợ "sợ chồng"! Nào "sợ chồng" đau ốm xanh xao mất sức khỏe, "sợ chồng" ăn chơi phóng đãng đi hoang, "sợ chồng" thả dê tán tỉnh nọ kia... Nói chung là những cái "sợ chồng" chỉ vì muốn hay muốn tốt cho chồng và cho chung đời sống lứa đôi. "Sợ Chồng" như vậy thật đáng trân quý vô cùng!
- Ơi... cái chị này! Sao chị lại "chơi" kiểu "gậy ông đập lưng ông" thế?! Em đâu có muốn chị bàn cái chuyện "sợ chồng" theo kiểu ấy?!
Nghe mà... thương đứt ruột! Tôi hình dung ra vẻ mặt cậu chắc cũng... nhăn nhó và khổ sở lắm, nên an ủi:
- Thế cậu muốn chị bàn kiểu nào? Đã nói chị chỉ là người thư ký thôi! Cậu nhờ chị mà cậu lại là đàn ông nên hữu lý nhất: chị đem ý tưởng của các ông ra để trình bày chứ! Nhưng thôi, nếu cậu chưa vừa ý, chị sẽ đọc cậu nghe tiếp bài thơ khác: bài "Định Nghĩa Vợ". (Cũng xin thưa: bài "Định Nghĩa Vợ", "Sợ Vợ", "Mười Thương" tôi không được rõ ai là tác giả. Vì do một anh bạn của ông xã chịu khó sưu tầm, lấy đâu trên "net" rồi gửi cho nhau cùng... thưởng thức nên tôi được... đọc ké. Xin hoan hô và cám ơn tác giả với anh bạn lắm ạ.)
Bên kia đầu dây cậu làm thinh. Tôi cũng làm thinh vì đâu biết cậu có thích nghe không?! Sốt ruột sao đấy cậu lại giục:
- Chị đọc đi chứ!
Vâng, tôi vui vẻ đọc:
Định Nghĩa Vợ
Vợ là mẹ các con ta,
Thường kêu bà xã, hiệu là phu nhân.
Vợ là tổng hợp "bạn thân,
Thủ trưởng, bảo mẫu, tình nhân, mẹ hiền.
Vợ là ngân khố, kho tiền,
Gởi vô nhanh gọn, hơi phiền rút ra!
Vợ là biển cả bao la,
Đôi khi nổi sóng khiến ta chìm phà.
Vợ là âm nhạc, thi ca,
Vừa là cô giáo, vừa là luật sư.
Cả gan đấu khẩu vợ ư?
Cá ươn không muối, chồng hư cãi bà!
Chồng ơi đừng có dại khờ,
Không vợ đố biết cậy nhờ tay ai.
Vợ là Phước, Lộc, Thọ, Tài,
Thuộc trăm định nghĩa trả bài vợ khen.
Đọc xong tôi nói thêm:
- Chắc em cũng đã biết là trong sách Sáng Thế có chép lời Thiên Chúa phán: "Đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó". Và Thiên Chúa đã chờ cho Adam ngủ say, mới lấy một cái xương sườn của Adam ra, để tạo thành người phụ nữ cho Adam làm vợ. Vì ý Chúa đã vậy và Ngài tạo dựng người vợ nguyên thủy cho người chồng cách như vậy, chị thiết nghĩ việc "định nghĩa vợ" như trên cũng là hữu lý lắm thay!
Tôi nghe giọng cậu có pha chút... não nề:
- Thì vâng... hữu lý! Thôi nhé chị! Coi như em không có nhờ chị "khui" ra cái chuyện "Sợ Chồng" để bàn bạc trên báo Mẹ nhen.
Tôi cười thông cảm:
- Thì vâng... em muốn sao chị chiều vậy. Nhưng, như chị đã nói: Chị chỉ làm bổn phận của người thư ký... thành ra sự việc được ghi chép cả rồi...
California 27/12/2005
(Trích NS. Trái Tim Đức Mẹ, số 338, tháng 2-2006, trang 51-53)