Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Hoàng Thị Đáo Tiệp
Bài Viết Của
Hoàng Thị Đáo Tiệp
LÀ GIẾT ĐỜI NHAU
CON NGOAN
MẤT NHÀ
Đường Lên THIÊN QUỐC
ĂN CHAY
VÀO THĂM NHỮNG GIAN MÁI ẤM
Yêu Chúa
Đi Xuống
Nợ Lòng
Sợ Chồng
Truyền Giáo
Ngôn Ngữ Của Bàn Tay
ĐỨC MẸ KHÔNG CÓ ĐEO NỮ TRANG
TĨNH TÂM TRONG CHÚA THÁNH THẦN
NGƯỜI ĐẠO ĐỨC
DÂNG NGÀY CHO CHÚA
ĐI LỄ
NẾU TÔI TRẺ LẠI
Khôn Khéo Với Khôn Ngoan
KHÔNG CÓ NƠI GỐI ĐẦU
CẦU NGUYỆN
CÁM ƠN ... TICKET
Bác Ái Đường Xa – Bác Ái Đường Gần
BÁC ÁI ĐƯỜNG XA – BÁC ÁI ĐƯỜNG GẦN

Thường thì có những năm – như năm Mậu Tý 2008 nầy – dịp lễ Tết cổ truyền của người Việt Nam mình được rơi đúng với lúc mà Giáo Hội Chúa: mời gọi các tín hữu cùng tiến vào hành trình của Mùa Chay.

Mùa Chay là mùa của trở về, sám hối, tha thứ, cầu nguyện, thực hành bác ái...

Lễ Tết là mùa của dâng lời cầu chúc để mừng tuổi cho nhau (Tết đến gần xa. Mừng tuổi ông bà. Chúc cha chúc mẹ. Mạnh khỏe sống lâu...); dâng biếu quà tặng, cho tiền lì xì... để tỏ tấm lòng yêu thương nhớ nghĩ đến nhau muốn cho nhau cùng được vui vẻ, may mắn... Nhất là người Việt tha hương vốn nặng tình cảm với "đất nhà quê tổ" nên dù giáo dù lương, lễ Tết vẫn luôn là dịp để hướng về bên quê nhà: không chỉ cho người thân mình vui Tết mà còn cho bao "kẻ lạ người xa" đang lâm phải cảnh thiếu thốn, hoạn nạn, ốm đau, tật bệnh... cũng cùng được vui Tết. Đặc biệt không chỉ hướng về thôi, lễ Tết còn là dịp để người Việt tha hương trở về sum họp với gia đình cũng như với những người mình thương yêu. Và dĩ nhiên trong mọi cuộc trở về để được đoàn tụ nhau vui ngày Tết (thì dù cho có ở cùng thành phố cùng tiểu bang hay xa tít mãi bên quê nhà) là mình luôn phải có sự thu xếp (công ăn việc làm) với sự hy sinh (giờ giấc, tiền bạc, sức óc sức lòng)...

Tôi tuy chưa một lần trở về đúng dịp Tết để được đoàn tụ với quý người thân ở tiểu bang Wisonsin (nơi có gia đình người anh chồng bảo lãnh cho chúng tôi qua Mỹ, có ngôi mộ của bố mẹ chồng, chị chồng...) hay ở bên Việt Nam. Nhưng, trong tâm tình của người Kitô hữu hưởng ứng lời mời gọi thực hành bác ái trong Mùa Chay thì quả thật tôi đang có được sự trở về. Trở về với lòng sám hối, ăn năn, thống thiết ân hận vì đã trót lỗi phạm ở ngay chính sự việc đầy ý nghĩa mình tha thiết được làm là thực hành bác ái trong Mùa Chay. Bởi chốt điểm của Mùa Chay là sự "trở về" như lời Chúa dạy: "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, thống thiết than van. Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng" (Giô en 2,12-13). Cho nên tôi tự "xé lòng" tôi, thỏ thẻ cùng quý bạn đọc: việc mình được "trở về" quanh vấn đề thực hành bái ái ấy...

Tất nhiên việc tôi được "trở về" nầy, tôi hiểu do CÁC ĐẤNG YÊU TÔI thấy là đã đến lúc phải "lôi đầu" tôi lại, để đi cho "đúng đường đúng lối" nên mới tạo cơ hội và hoàn cảnh khiến tôi được mở mắt, mở tai, mở lòng, mở trí...

Câu chuyện bắt đầu vào mùa Tết năm 2006 (tức vào tháng 2-2007 và mùa Tết xong mới đến Mùa Chay).

...Tôi đi xuống chỗ gửi tiền về Việt Nam thì gặp chị bạn (chị đạo thờ cúng ông bà). Gặp ở bãi đậu xe vì chị từ trong chỗ gửi tiền đi ra, còn tôi mới cho xe vô bãi đậu và đang bước xuống. Sau vài câu chào hỏi, chị "khoe" tôi tấm giấy biên nhận chị vừa mới gửi số tiền "đáng nể" về để làm việc thiện và mỉm miệng cười trước vẻ thán phục của tôi:

- Làm ơn đừng hiểu lầm bây giờ mình giàu sụ! Đây là tiền mình đòi được nợ nên thanh thản cho đi để chia sẻ niềm vui. Vì mình có nỗi buồn, niềm hận mình dại, nhẹ dạ cho người bà con mượn vốn làm ăn và đã ăn nên làm ra mà toan quỵt. Mình tức lắm, quyết phải đòi được bằng mọi giá, rồi thà bố thí cho kẻ ăn mày, người cùi hủi. Do đó mình đòi lại được bằng ấy nợ thì gởi hết về cho bà chị ruột, nhờ chị chia ra biếu các trại cùi, nhà nuôi trẻ mồ côi tàn tật, nuôi người già lão vô gia cư và những ai nghèo khổ trong xóm trong làng được bộ đồ mới, đòn bánh tét, nồi thịt kho ăn Tết...

Thú thật tôi bị cái ý của chị là đòi được nợ thì làm việc thiện "bỏ bùa mê" mình! Thành thử chia tay với chị, vào gửi tiền xong và đi chợ Việt Nam cũng xong, tôi về tiệm lôi ra mấy chi phiếu của khách trả cho, mà mình "cash" không được vì trong trương mục họ không có tiền. Trước đây tôi đã "tha" cho họ, bây giờ muốn phải đòi, chớ không thể dại như thế. Tôi gọi đến từng nhà "bank" của mỗi tấm chi phiếu ấy thì có cái đã khóa sổ trương mục, có cái chưa nên hỏi xem trong trương mục họ đang có tiền đấy không? Ôi là vui! Tôi được trả lời có một tấm chi phiếu, trương mục hiện đang có tiền nên lao đi lãnh. Rồi cứ thế, vài ba hôm tôi lại gọi thăm chừng. Hễ được báo trong trương mục có tiền là lao đi lãnh. Cũng chẳng được bao, khi mười mấy đô, khi hăm mấy đô... và chờ mãi sốt ruột, tôi bù thêm cho đủ một trăm đô để kịp gửi về biếu một xứ đạo nghèo bên Việt Nam mà ở vùng bị bão lụt, kính nhờ cha xứ kiếm chút quà Tết chi đó cho những ai quá khổ. Và thôi tôi vứt luôn mấy chi phiếu còn lại ra thùng rác vì thấy không đáng cho mình đã mất thời giờ gọi, với phải bỏ công chạy quãng đường dài kiếm nhà "bank" họ để lãnh. Nhất là có hôm vì đi kiếm nhà "bank" họ để lãnh, tôi đã suýt bị tông xe! Tôi tự hứa kể từ nay hễ có bị chi phiếu không tiền bảo chứng thì cũng sẽ không quá bận tâm như thế nữa, mà hãy xử sự như trước đây: gọi báo hoặc gửi thư cho khách biết và hễ họ im lặng thì thôi.

Tuy nhiên chỉ một tuần sau đó, tôi lại bị một chi phiếu không tiền bảo chứng, mà tới bảy mươi đô và nhà "bank" của họ thì khá gần. Tôi lại bị cái ý của chị bạn "bỏ bùa mê" nữa, nên ngoài việc báo với khách, tôi vẫn cứ gọi đến "bank" của khách để canh chừng! Chỉ hơn một tháng sau thì tôi "cash" được bảy mươi đô ấy. Tôi lại bù thêm cho chẳn một trăm đô, rồi cũng lại lo gửi về Việt Nam nhờ vị nữ tu giúp cho người khổ. Thời điểm nầy cũng là lúc bước vào Mùa Chay của năm 2007 nên tôi có những thao thức, kiểm điểm (để "xé lòng" ra mà "trở về" với Chúa nhất là với luật yêu thương Chúa dạy). Tôi thấy mình có hướng về Việt Nam làm được chút việc tạm gọi là "bác ái đường xa" những mà... hỏng!!! Vì Chúa dạy "Tha kẻ có nợ chúng con" (Kinh Lạy Cha) mà tôi đã không tha còn quyết đòi để... bác ái đường xa! Cho nên thà tôi đừng làm "bác ái đường xa" để không phải lỗi luật yêu thương Chúa dạy, hoặc có chút nào làm chút nấy may ra còn được điểm... Thêm nữa với lời Chúa dạy "Hãy yêu thương người lân cận như chính mình" tức việc "bái ái đường gần" nhất là với các người khách của mình thì tôi càng... hỏng nặng!!!

Biết là hỏng, tôi phải quyết tâm làm lại. Nhờ vậy mắt tôi được mở ra, lòng cũng mở... Và nếu như trước giờ tôi hay lấy việc "bác ái đường xa" làm ý nghĩa cho kiếp sống tha hương, thì nay tôi cảm nhận được tỏ tường chính việc "bác ái đường gần" mới càng ý nghĩa lắm và lại là bổn phận thiêng liêng của người Kitô hữu nữa! Thật không có dại dột, mỉa mai và tội lỗi cho đời sống của người Kitô hữu mãi lo làm chuyện bác ái với những người những việc ở tận đâu đâu, trong khi ngay bên cạnh mình có biết bao người bao việc cần mình an ủi xẻ chia mà mình nếu không nhắm vào đây để rút rỉa, kiếm chác thì cũng bôi bác hoặc dửng dưng... 

* * * 

Bây giờ đang là cuối tháng 12-2007. Hôm tuần vừa qua nhân xuống chỗ gửi tiền về Việt Nam, tôi gặp một bác trước đây vẫn hay đi nhà thờ Việt Nam mà bẳng đi một thời gian không thấy. Tôi hỏi "Sao không thấy bác đi nhà thờ Việt Nam?!". Bác cho biết: "Tiền đâu để đóng mà đi nhà thờ Việt Nam?!" Nhưng tôi lại thấy bác gửi số tiền cũng "đáng nể" về bên quê nhà và bảo: "Tiền già người ta cho, tôi dành giụm mãi, rồi xin thêm các con. Bà con bổn đạo xứ quê tôi ước ao một chuyến viếng Thánh Địa La Vang nên tôi ráng giúp họ". Tôi nói khẽ với bác: "Cháu nhớ Chúa có lời dạy "Những gì các con nhận được nhưng không hãy cho lại nhưng không". Bác ơi giúp ai cũng là giúp! Cha xứ đang làm nhà thờ bị thiếu tiền nên ngài mới khẩn thiết kêu gọi các giáo dân. Giá như bác cứ lo giúp cha xứ trước đi, thì bác đâu có phải khổ thân tránh né việc đi nhà thờ Việt Nam. Hơn nữa đâu cứ phải giúp tiền, cha rất cần bác giúp những ngày công, giúp lời cầu nguyện..."

Rồi tôi đến khu chợ Việt Nam thì gặp chị bạn đã gặp cách đây ngót năm và cái ý của chị đã "bỏ bùa mê" mình! Tôi hỏi chị chắc đã đổi nhà nên đổi số phone vì tôi gọi hoài không được? Chị nói với vẻ buồn thảm: "Mình vẫn ở nhà cũ, nhưng đổi số phone, vì sợ bên nhà cứ gọi qua đòi nợ suốt!". Biết chị có nỗi đau, tôi không dám hỏi tới. Lặng đi một thoáng, chị kể:

- Số tiền mình đòi được nợ ở bên nầy, gửi về bên ấy dạo trước đấy, để nhờ bà chị ruột... thì thay vì thực hiện các việc bác ái như mình muốn, chị lại đi mua chiếc xe gắn máy thật xịn cho cậu con út, mà việc kia chỉ làm nhỏ giọt! Đám em cháu đâu biết rõ chuyện, cứ tưởng mình quý thằng cháu Út con chị, gọi qua phân bì đến khổ! Đã vậy thằng Út chở chị đi bị tai nạn phải nằm nhà thương hết cả hai má con. Mình lại phải lo tiền chạy chữa. Về được nhà rồi, vẫn cứ réo qua...

Kể xong, chị than:

- Từ nay, cứ mỗi lần nghĩ đến việc bác ái bên quê nhà mà ngán ngẫm! Nhất là phải nhờ qua người khác chớ không phải đích thân mình làm. Thú thật mình có mua cái bảo hiểm nhân thọ với tâm nguyện sẽ làm di chúc dặn các con phải dâng cho việc bác ái, mà như thế nầy thì không dám nữa! Kể ra buồn thiệt!

Tôi khuyên chị đừng buồn nản quá thể. Tôi có được đọc câu chuyện về ông Nguyễn Đức Quynh chắc cũng cùng đạo thờ cúng ông bà với chị sao đấy. Ông đã làm bác ái mà gặp phải buồn phiền nên tìm ra lối giải. Ông qua đời, để lại di chúc dâng số tiền cho việc bác ái cũng ý nghĩa lắm! Nếu chị muốn, tôi sẽ photocopy câu chuyện ấy gửi chị.

Chị tỏ ý muốn và tôi đã lo gửi cho chị, hy vọng chị đọc sẽ thấy ra đôi điều chị nên thấy, vì đâu cứ phải hướng về tận bên quê nhà mới là làm bác ái, hay phải nhờ qua người thân để làm bác ái, hoặc phải đích thân mình làm...

Và đây, câu chuyện về ông Nguyễn Đức Quynh:

"Ơi Quê hương!

(Kính tặng Cậu Đoàn Bính)

Một ngọn nến lay lắt, phía trên đầu một ông già tóc bạc phơ...

Người nằm đó là ông Nguyễn Đức Quynh. Một người Anh gốc Việt. Cách đây 70 năm anh trai làng Thời, Huyện Quốc Oai tỉnh Hà Đông, đăng lính khố đỏ (còn gọi là lính chào mào vì cái mũ dạ giống chào mào). Ở 2e RIC (trung đoàn bộ binh thuộc địa số 2) được vài năm thì theo cuộc vận động "Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc", anh cai Quynh lên đường sang Pháp. Anh là lính ONS (lính thợ không chuyên nghiệp) nên cũng chưa phải chường mặt ra chốn hòn tên mũi đạn. Năm 1946 anh được giải ngũ. Sống ở Montreuil-sur-Mer được hơn 1 năm thì anh chuyển sang cư trú ở Anh rồi lấy một bà ở Brighton. Bốn mươi năm sau, năm 1987 vợ chồng ông Quynh về thăm quê lần đầu. Một năm sau, năm 1988 ông về thăm quê lần thứ hai, rồi từ đó đến nay, ông không về lại nữa. Có phải cái tuổi 84 khiến ông ngại đi lại, hay vì lý do nào nữa thì vì ông không nói ra nên không ai biết cả.

1987 ông kính tặng quê nội một cái giếng khoan nước sạch vì con sông quê ông bị ô nhiễm nặng, nước không ai dám dùng nữa.

Ông xin quê ngoại cho phép ông xây lại cái cổng làng. Gọi là chút kỷ niệm của người xa quê. Một chút góp thêm vào việc xây trường cấp hai của quê nội. Các cháu ông mỗi đứa cũng được ông cho ít nhiều để sửa nhà sửa cửa. Nhà thờ họ Nguyễn Đức cũng được ông cúng một khoản đủ xây lại cho khang trang hơn. Mồ mả, những ngôi còn lại đều được quy tụ và tu sửa chu đáo. Số tiền ông chi cũng ngót hai chục ngàn Bảng, phải hai ba lần rút tiền ở Ngân Hàng mới đủ tiền chi.

Ấy thế mà điều ong tiếng ve vẫn lọt vào tai ông, nào là:

"Ối dào ngày xưa đi lính khố đỏ, chắc cũng đàn áp cách mạng ra trò?" nào là:

"Đi chán đi chê, bây giờ về cậy có tiền lên mặt với bà con. Đồng tiền trong sạch hay là tiền đi cướp được, ai biết đấy vào đâu?" v.v...

Ông bỏ ngoài tai những lời đố kỵ ấy, nguyện biết với tâm mình là đủ, nhưng trong lòng vẫn phảng phất một nỗi xót xa. Đêm nằm không ngủ ông thường cật vấn lòng mình xem đã có lỗi gì với quê hương?

Lần thứ nhất ông về với tâm trạng háo hức bao nhiêu, thì lần thứ hai về chẵng những không còn tí háo hức nào mà còn tràn đầy dự cảm ngán ngẩm.

1988, ông về thăm quê một mình. Bên quê ngoại cái cổng bị một anh lái xe công nông say rượu húc đổ, người lái xe bị đống gạch đè chết. Xã dẹp luôn, không xây lại nữa.

Bên quê nội, giếng nước bị trộm khuân mất cái máy bơm, họ đang đợi ông về để chi tiền mua máy bơm khác, nên giếng bỏ không. Khoản tiền góp vào việc xây trường đã được xã tạm ứng vào việc hoàn thiện trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, nên trường vẫn chưa xong. Lũ con cháu suy bì đứa nhiều đứa ít, rồi lại tiếc của ông đóng góp cho làng cho xã mà cũng chẳng nên cơm cháo gì... Chúng chửi nhau loạn xạ, chán rồi lại lôi ông ra mà chửi là "đồ ngu si đần độn", máu mủ trong nhà chẳng bù trì mà dốc cho người dưng nước lã, cũng thành công cốc, đổ xuống sông xuống biển cả.

Sau này, có thằng cháu bên ngoại gọi ông bằng cậu, làm ở sứ quán ta tại Vương Quốc Anh. Thi thoảng nó vẫn đến thăm ông. Ông sống một mình vì bà đã mất, mà ông bà lại không có con. Nó vẫn khuyên ông về sống ở quê hương cho có con có cháu. Mỗi lần nghe khuyên thế ông đều thấy nhói trong lòng, ông rùng mình, và chỉ ừ hữ không ra nghe mà cũng chẳng ra không...

Với mọi người ông già 91 tuổi ấy chỉ nhắc đi nhắc lại mỗi một câu than thở: "Quê hương thì có, bản quán thì không!". Nhưng cũng có một người được ông tin cậy, dốc bầu tâm sự, người đó là ông luật sư, bạn vong niên của ông. Ông Luật sư hôm nay nhân danh pháp luật Vương Quốc và thừa ủy quyền của người quá cố, tuyên đọc di chúc của Mít-tơ Quynh, Nguyễn Đức trước mặt một nhóm thân hữu cả người Việt, lẫn người Anh. Trong phần thừa kế, mà chủ yếu người ta cũng chỉ quan tâm tới phần này. Mọi người đều bất ngờ khi bản liệt kê tài sản được tuyên đọc có giá trị lên đến trên năm triệu Bảng. Và điều bất ngờ hơn nữa: ngoài tiền chi phí tang lễ mà ông luật sư phải thực hiện tốn chừng chục ngàn bảng, còn lại bao nhiêu, Mít-tơ Quynh,Nguyễn Đức dành cho một số hội từ thiện ở Vương Quốc Anh. Đất nước mà ông đã kiếm ở đó ra những đồng tiền và bây giờ ông lại hoàn trả cho nó.

Trong buổi tang lễ cũng có người cháu họ ngoại gọi ông bằng Cậu, không biết khi nghe tuyên đọc di chúc ông ta đã nghĩ gì?" 

(Tôi không rõ tác giả là ai vì  không thấy đề)

California 30-12-2007

Tác giả: Hoàng Thị Đáo Tiệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!