Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Hoàng Thị Đáo Tiệp
Bài Viết Của
Hoàng Thị Đáo Tiệp
LÀ GIẾT ĐỜI NHAU
CON NGOAN
MẤT NHÀ
Đường Lên THIÊN QUỐC
ĂN CHAY
VÀO THĂM NHỮNG GIAN MÁI ẤM
Yêu Chúa
Đi Xuống
Nợ Lòng
Sợ Chồng
Truyền Giáo
Ngôn Ngữ Của Bàn Tay
ĐỨC MẸ KHÔNG CÓ ĐEO NỮ TRANG
TĨNH TÂM TRONG CHÚA THÁNH THẦN
NGƯỜI ĐẠO ĐỨC
DÂNG NGÀY CHO CHÚA
ĐI LỄ
NẾU TÔI TRẺ LẠI
Khôn Khéo Với Khôn Ngoan
KHÔNG CÓ NƠI GỐI ĐẦU
CẦU NGUYỆN
CÁM ƠN ... TICKET
Bác Ái Đường Xa – Bác Ái Đường Gần
ĂN CHAY

 

Thành ngữ Việt Nam mình có câu: "Học ăn học nói học gói học mở" để khẳng định tầm quan trọng của việc phải cần học hỏi: dù ngay với cả những hành vi hoặc công việc làm rất đổi bình thường và quen thuộc trong cuộc sống thường nhật của mỗi người như ăn, nói, gói mở...

Suy nghĩ về lời dạy nầy, tôi thấy thật chí lý và càng suy nghĩ thì càng tâm đắc.

Tôi tâm đắc trước hết ở sự việc: cái học đầu tiên là "Học Ăn"! Vâng, "học ăn" phải được đặt lên hàng đầu và là ưu tiên số một cho mọi sự học hỏi của con người để con người mới có sự sống mà tồn tại. Vì hãy quan sát một trẻ mới sinh xem? Trẻ mới sinh thì đâu thể nói (nên chưa có nhu cầu "học nói"), cũng đâu thể làm (nên càng chưa có nhu cầu "học gói học mở", nhưng cần phải được ăn để sống (nên bé có nhu cầu "học ăn". Do đó phải tập cho bé biết ngậm vú mẹ, rồi biết nút vú mẹ để bú lấy sữa mà sống; hoặc ngậm vú cao su với bú be sữa để bé được sống, được lớn dần lên thì càng phải được tiếp tục "học ăn" vì đời người không phải chỉ có "sống để ăn" mà là "ăn để sống" và sống sao cho nên hay nên tốt. Do đó cần phải "ăn coi nồi ngồi coi hướng" (tức biết ý tứ trông trước ngó sau mà ăn cho ra người có tư cách, có lòng vị tha, biết giữ sĩ diện, biết nghĩ đến người khác chớ không là tham lam ham hố chỉ biết có mình và ăn cho mình được thỏa thì thôi), phải "liệu cơm gắp mắm" (nên tùy gia cảnh mà lo liệu và biết kềm hãm, để đừng bị tán gia bại sản hoặc mang công mắc nợ chỉ tại bởi... ăn!); phải biết tiết độ vì "tham thực cực thân" (ăn lắm vào sẽ dễ đổ ra lắm bệnh làm hại xác thân, hại luôn cả nhân phẩm và làm u tối tâm hồn mình) với vì "ăn nhiều ị lớn đống" (nên sẽ thối hoảng ra chớ tốt lành chi đó...)

Kế đến tôi tâm đắc ở mối liên hệ nối kết của ba sự việc "ăn, nói, làm" trong cuộc sống của mỗi đời người mà then chốt vẫn là vấn đề "ăn" (nên ông bà xưa mới sắp xếp cho câu thành ngữ trên theo thứ tự đó, chớ không là thứ tự nào khác). Vì nếu "ăn" mà chẳng có nên hay nên tốt thì "nói" với "làm" sẽ lôi thôi ra và sẽ kéo theo sự sống của cá nhân đó, tập thể đó thành tệ hại cho mình, hiểm họa cho người! Bởi lẽ "ăn tục nói phét", "ăn gian nói dối", "ăn dơ ở bẩn", "đói ăn vụng túng làm liều", "miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu"... thành thử nhân phẩm, đạo lý, tình người đâu còn nên sự tàn hại nhau với chiến tranh, chết chóc là điều không thể tránh...

Nói chung do bởi vậy mà ông bà xưa đã có cái nhìn đúc kết là "ăn dơ ở bẩn, ăn ngay ở lành" và tôn giáo thì đặc biệt hướng con người ta "Ăn Chay" để hãm mình, tu tâm sửa tánh, thanh tẩy tâm hồn, canh tân đời sống...

Việc ăn chay có sự khác nhau ít nhiều giữa các tôn giáo. Với đạo thờ cúng ông bà và đạo Phật thì ăn chay tức là không ăn thịt, tôm, cá trứng mà ăn rau quả và các thức làm từ các loại đậu (như nước tương, tương, chao, đậu hủ... làm từ đậu nành)... Ngày ăn chay có thể theo định kỳ mồng một ngày rằm mỗi tháng, hoặc một thời gian nào đó hay suốt đời (nên gọi là "ăn chay trường"). Còn với đạo Chúa, ăn chay là vừa kiêng thịt (nhưng ăn tôm, cá, trứng) với vừa ăn ít đi (tức chỉ ăn hai bữa trong ngày là bữa trưa và bữa tối. Nếu bữa trưa ăn no thì bữa tối ăn lưng lửng bụng và ngược lại. Giữa hai bữa, tuyệt đối không ăn vặt). Tuy nhiên nếu đau yếu hoặc già lão hay dưới 14 tuổi thì không nhất thiết phải giữ luật. Ngày ăn chay thì một năm chỉ ăn có hai ngày là thứ Tư Lễ Tro (ngày mở đầu mùa Chay) và thứ Sáu Tuần Thánh (kỷ niệm ngày Chúa Giêsu chịu khổ nạn, chịu chết trên Thánh Giá).

Hễ "ăn" là phải có "học", nên "ăn chay" lại càng phải "học" vì đây là lối "ăn" đòi hỏi có sự khổ chế, khổ hạnh, lội ngược dòng... để kềm lòng, luyện chí, tự kiểm soát bản thân đừng bị "miếng ăn là miếng tồi tàn" với luôn cả "danh, lợi, thú" điều khiển...

Xin chia sẻ việc tôi ăn chay...

Tuổi con gái mới lớn 12, 13 tôi đã từng ăn chay. Không nhớ tôi học ở đâu cách ăn chay mà tôi ăn chay như thế nầy... Lúc khởi đầu, cứ hôm nào tôi có vái ông Địa để xin điều chi đó thì tôi luôn cúng ông Địa nải chuối xiêm và chỉ ăn chay một ngày hôm đó thôi. Không bao giờ tôi ăn chay mà không có kèm theo vái ông Địa cúng nải chuối để cầu xin một điều gì. Lại ăn chay mà tôi vẫn luôn có sát sanh (như bẫy chuột khoét dừa, tát ao bắt cá... vì nhà ngoại tôi vườn tược mênh mông, nhiều mương, nhiều ao nước cạn đầy tôm cá...) bởi quanh tôi, người ta ăn chay vẫn hay làm thế... Lớn dần lên, có khi tôi ăn chay liên tiếp ba ngày hoặc ngày rằm mồng một mỗi tháng và vẫn luôn phải có van vái, cầu xin điều chi đó với Phật, với Trời, các luôn cả ông Địa chứng nhận cho mình (giờ nghĩ lại, đúng là tôi ăn chay để... hối lộ, để xin ơn... mà cả đạo thờ cúng ông bà và đạo Phật đều đâu có dạy thế!!!)

Lập gia đình được theo đạo Công Giáo, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có vái cúng ông Địa nải chuối và ăn chay! Chẳng hiểu sau ông xã tôi, bố mẹ chồng tôi chẳng có rầy dạy chi việc nầy (qua đến Mỹ, tôi vẫn "ngựa quen đường cũ", thỉnh thoảng vẫn có vái cúng, nhất là cho việc làm ăn trong tiệm vì cứ được các bạn làm bên lương "xúi" vái cúng. Lại các bạn làm nầy lớn tuổi hơn nên tôi cũng muốn chìu lòng! May được linh mục Giuse Phan Ngọc Tuyến của xứ Đồng Phát - Đồng Nai chỉ bảo rằng: làm vậy mắc tội trọng vì phạm đến Chúa Thánh Thần, nên tôi chừa hẳn). Suốt gần bốn năm sống với nhà chồng, tôi nhớ có những ngày ăn kiêng thịt, chớ tôi không có ăn chay (bố mẹ chồng tôi đạo đức lắm! Có thể cụ thấy tôi gầy gò đau yếu quanh năm, vừa đi học vừa có con nhỏ... nên thương, không dạy tôi giữ luật Chay chăng?). Khi tôi ra ở riêng và lúc đi dạy, có một lần (không nhớ chính xác năm 1978 hay 1979) tôi được em nữ sinh lớp mình chủ nhiệm cũ, nhủ khẽ:

- Cô ơi ngày mai là thứ Tư Lễ Tro khởi đầu mùa Chay Thánh, luật đạo buộc ăn chay, cô nhớ ăn chay nhen.

- Ôi! Có luật buộc vậy sao?! Cô đâu hay biết chi! Vâng, cô sẽ ăn chay nhưng em phải hướng dẫn cho cô được rõ vì cô mù tịt...

Thế là em chỉ cho tôi biết cách ăn chay và giải thích ý nghĩa. Em còn nói sẽ ăn chay thêm một ngày nữa vào Thứ Sáu Tuần Thánh và đến lúc ấy em sẽ nhắc. Tôi đã quyết tâm phải ăn chay hôm ngày Thứ Tư Lễ Tro đó và cũng có rủ được ông xã... Tôi nhớ rõ sáng hôm đó tôi nhịn đói để đi dạy (dạy từ 6 giờ 45 đến 12 giờ 45). Tôi định trưa về nhà thì ăn no và tối đến chỉ ăn lưng lửng bụng. Nhưng, hết tiết dạy thứ năm (tức tiết cuối) tôi đang bước xuống mấy bực thang lầu thì một em nữ sinh khác vốn mến thương tôi lắm (em hay đến chơi nhà tôi, có khi ở lại ngủ đêm và thầy trò ấp ủ chuyện... vượt biển), chạy theo giúi vào tay tôi mảnh giấy. Em viết chỉ vỏn vẹn có hai dòng.

Dòng thứ nhất:

"Cô ơi "Dân đói kêu trời xao xác nhạn..."

Dòng thứ hai:

"Cô ơi "Ăn mặn nói ngay ăn chay nói dối"

Tôi giật mình: hóa ra em cũng biết việc tôi ăn chay?! Và vâng, chỉ có hai dòng như thế, mà tôi khổ tâm lắm!

Dòng thứ nhất em trích câu thơ với kèm theo ba chấm tức còn nữa! Đó là bài thơ trước đấy tôi đã chứng dẫn để dạy cho các em về dòng văn học chống Pháp của phong trào Cần Vương:

"Dân đói kêu trời xao xác nhạn,

Quân gian chật đất rộn ràng ong!

Chín lần xa giá non sông cách

Bốn bể nhân dân nước lửa lòng"

(hiện nay tôi không nhớ được ai là tác giả, có thể tên bài thơ là "Tự Thán" và của cụ Phan Đình Phùng chăng?)

Tôi hiểu em muốn nhắc khéo mình, vì thực tế của những năm 1978-1979 đói kém lắm! Ăn gạo hẩm, bo bo, ăn độn mì! Xã hội thì đầy dẫy những bất công, tệ nạn... Trong khi sáng hôm đó tôi lại dạy về dòng văn học hiện thực của Xã Hội Chủ Nghĩa với con người mới phấn khởi lạc quan, chế độ mới tốt đẹp đang lên... Cho nên em trích tiếp theo câu thành ngữ "Ăn mặn nói ngay ăn chay nói dối" làm tôi thấy bị mỉa mai lắm! Như thể bị tạt gáo nước lạnh vào mặt cho việc mình ăn chay!... Bởi thế, tôi đã hủy bỏ việc ăn chay đầy ý nghĩa mà lần đầu tiên mình ý thức được và toan thực hiện trong đời!

Sau nầy sống ở Mỹ, tôi cũng vẫn mặc cảm mình có dối có gian chớ chẳng tốt lành gì (có ai hành nghề tự do mà "sạch" được hoàn toàn đâu, dù rằng chỉ có "ôm" cái tiệm húi tóc dũa móng tay!) nên cứ Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh hàng năm, tôi thiên về kiêng thịt hơn là ăn chay. Chỉ có kể từ mùa Chay năm 2006, tôi mới dứt khoát quyết định ăn chay hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh (tất nhiên mặc cảm mình chẳng tốt lành chi ở tôi vẫn còn, nhưng đã đến lúc tôi thấy phải ăn chay. Tôi ăn chay do lòng yêu mến Giáo Hội nên muốn làm theo lời dạy của Giáo Hội: bảo ăn chay hai ngày ấy trong Mùa Chay Thánh thì tôi cứ thanh thản vâng theo vậy. Như con cái vâng lời cha mẹ vì yêu thương kính trọng cha mẹ và cũng là để tỏ lòng hiếu thảo...). Sang đầu năm 2007, nhân đọc cuốn Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước" tôi bắt gặp lời nầy: Ngày ăn chay các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn (I - sai - a 58: 3, 4) nên thấy nhẹ cả lòng và thoát hẳn mặc cảm. Vì hiểu cái lỗi vấp phạm đáng tởm nhất trong ngày ăn chay để Chúa phải cảnh báo và quở trách: chung quy vẫn là lỗi đức Ái và sự Khiêm nhường! Chớ cái lỗi không có nói thật nói ngay mà làm như vô tâm không biết hoặc dối dối giấu giấu để mình được yên thân (như lúc còn ở Việt Nam đi dạy) và cho mình cho người cũng được yên thân (trong chuyện làm ăn sinh sống bên nầy) thì chưa thấy Chúa... lên danh sách! Cho nên tôi thấy được... lên tinh thần! Kể từ mùa Chay năm 2007 tôi hay có ăn chay thêm vào ngày thứ Sáu trong tuần và song song với việc ăn chay, tôi luôn cố gắng thực hành theo lời Chúa dạy:

"Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế nầy sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm. Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục? (I - sai - a 58 : 6, 7). Tức trong mọi chuyện, tôi gắng phải đặt đức Ái làm đầu để đừng lỗi luật yêu thương (không ỷ mình là mẹ để khó khăn, o ép con cái; là chủ để xử hiếp với thợ thầy; là người phục vụ để đập đổ khách hàng; biết chạnh thương trước những mảnh đời khốn khổ để nhường cơm xẻ áo làm ấm lòng nhau)... Bước qua năm 2008 tôi phấn đấu ăn chay mỗi thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần nếu có thể (tức nếu không bị ngăn trở bởi đám tiệc, khách khứa) và ăn chay theo lời Đức Mẹ Mễ Du dạy là ăn bánh mì với nước lả nếu có thể (tức chủ yếu là tấm lòng với ý thức hãm mình, nên nếu trong nhà hãy còn các đồ ăn thừa của những ngày hôm trước thì tôi vẫn ăn lại đồ thừa ấy, chứ không phí tiền mua bánh mì). Và tôi ăn chay thêm ngày như thế vì nhớ lời Chúa dạy cho các môn đệ. Khi các Ngài thấy Chúa trừ được quỷ cho em bé bị kinh phong. Các Ngài hỏi Chúa: "Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?" thì Chúa bảo: "Thứ quỷ ấy chỉ bị xua trừ bằng lời cầu nguyện và việc ăn chay" (Mt 17 : 19 - 20). Tôi tự biết mình có những thói tật khó chừa như thể là những "thần dữ" đã "đóng đô" dai dẳng ở trong mình cần phải xua trừ như thần chia trí (làm ăn, xem tivi, nghe nhạc là tôi chú tâm lắm! Nhưng tham dự Thánh Lễ, đọc kinh thì luôn bị chia trí!), thần nóng tánh, thần buồn chán bi quan (dù nhất thời, tùy việc tùy lúc chứ không luôn luôn)... nên ăn chay để mong đuổi được chúng xa khỏi mình... (và cũng để cầu nguyện, xua trừ cho chồng con nữa vì cảm biết chồng con cũng có bị "thần dữ" đóng đô...)

Trong việc ăn chay, tôi có cái kinh nghiệm là thật dễ bị cám dỗ! Nhất là ăn chay mỗi thứ Tư (để nhớ về Thứ Tư Lễ Tro, về kiếp người tro bụi, phù du hầu đừng tham "danh, lợi, thú" mà tham sống bác ái, sống cho đi...) với mỗi thứ Sáu hàng tuần (để nhớ về Thứ Sáu Tuần Thánh Chúa chịu nạn chịu chết cho kẻ có tội là mình, để mình dễ có sự khiêm nhường, tha thứ cho mọi người...) là hai ngày đầy ý nghĩa nên càng bị cám dỗ kinh khủng! Tánh tôi bình thường không hay thấy đói thấy thèm ăn và cũng không coi trọng vấn đề ăn uống. Nhưng, cứ hễ ngày ăn chay mà ngày thứ Tư là y như rằng tôi bị thấy đói, thấy thèm nên có hôm không nhịn được, sắp đến giờ đi Lễ vẫn phải kiếm cái chi bỏ vào miệng, khiến tôi dù đi lễ mà đâu thể lên rước Lễ! Tánh tôi bình thường cũng chẳng bắt lỗi ai hoặc để bụng chuyện gì. Nhưng, cứ ngày ăn chay mà thứ Sáu thì câu nói của chồng, của con, của bạn làm, của khách... chẳng hiểu sao lại làm tôi bực và nổi nóng lên... rồi cự, rồi gây! Cho nên nhiều hôm tôi phải xin với chồng, với bạn làm: nhớ giùm hôm nay tôi ăn chay đấy! Để tranh thủ lòng thương: đừng đem thức ăn "quyến rủ" mình hoặc nói năng "trên gan" mình... Cũng mừng là mỗi một lần bị cám dỗ và trót vấp vào thì tôi rút kinh nghiệm mà cảnh giác hơn, cảnh giác mãi và rút kinh nghiệm mãi... hy vọng với thời gian, tôi sẽ được tiến bộ hơn...

Và đã "chay" thì gắng "tịnh". Thành thử những ngày ăn chay dù bận công việc làm, tôi vẫn tranh thủ thả bộ ra sân khi có giờ rảnh để vừa giữ được miệng mồm đỡ phải nói năng sanh sự, vừa lần chuỗi hướng lòng nên học được bao điều hay từ bao việc mình thấy trên những bước mình đi. Nhất là tôi học được đức Ái và lòng biết ơn... Vì thả bộ trong ngày ăn chay, tôi thích thả bộ phía mặt sau của khu thương mại nơi tiệm tôi (cho có sự hãm mình, bởi toàn những thùng rác!). Nhờ vậy, tôi phát hiện được khu vực thùng rác ở ngay đàng sau tiệm tôi: số người đêm về cư ngụ ngày một tăng (khu vực nầy có hai thùng rác thật to đặt trong vòng bờ tường xây kín ba mặt, mặt trước là hai cửa lớn có 4 cánh để mở ra đóng vào. Thoạt đầu, tôi phát hiện một nắp thùng rác được mở ra bắt qua bờ tường làm thành cái mái che mưa và bên dưới dọn sạch sẽ để đống chăn, gối! Dần dần tôi thấy nắp thùng rác còn lại cũng được mở ra bắt qua bờ tường làm mái và bên dưới có thêm đống chăn gối. Có lúc thấy có thêm cái lều ở khoảng trống bên trong giữa hai thùng rác với có luôn chăn gối trong đấy! Có những đêm mưa to, sáng sớm vô, tôi thấy các chăn mền đều bị ướt nhưng trên cái nẹp dọc bờ tường thấy để chai ketchup, chai mustard mới nguyên chắc mới khui ra ăn sáng... Trời đang mùa đông lạnh, cứ nghĩ cảnh đêm về mình rúc trong chăn ấm nệm êm có cả "heat" để sưởi mà còn thấy lạnh... nên tôi cảm đến thế nào cái giá rét những người nầy phải chịu! (chưa bao giờ tôi được gặp họ, vì có lẽ họ muốn tránh nên về ngủ quá khuya và ra đi từ lúc sáng sớm). Cũng như cảm thế nào lời Chúa dạy "Không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục..."! Vâng, họ là anh em cốt nhục mình vì cùng bằng xương, thịt con người biết run rét trước giá lạnh và hơn nữa còn cùng con chung của Cha trên trời... Tạ ơn Cha trên trời gìn giữ mình vẫn còn có được gian nhà để ở nên để đáp lại tình Cha, tôi khát khao phải chia sẻ và chia sẻ mãi... Buổi chiều trước lúc đóng cửa tiệm và về và tham dự Thánh Lễ Giáng Sinh, tôi với cô bạn làm đã xúc cảm mang quà ra để đấy mà cứ mong quà được giữ qua đêm chớ đừng mở vội (tức có nghĩa là đêm Giáng Sinh họ sẽ không về đấy, mà được về ngụ ở mái ấm nào...). Nhưng, sáng hôm sau tôi tạt qua, thấy hộp chocolate mình biếu được để lên cái nẹp dọc bờ tường, cái mền cô bạn biếu được xếp ngay ngắn đặt bên góc tường... nên tôi lại thấy mừng vì chắc đêm qua họ có cảm được đôi chút ấm lòng...

Bởi vậy đâu phải bên nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa mới có cảnh: "Dân đói kêu trời xao xác nhạn..." mà ngay cả ở xứ Mỹ tự do và giàu có nầy... Nếu mỗi người chúng ta dù cuộc sống chỉ tạm có đấp đổi qua ngày mà chịu hãm mình "Chay Tịnh" để chia sẻ cho nhau thì cũng được ấm lòng nhau ít nhiều vậy...

California 30-12-2008

Tác giả: Hoàng Thị Đáo Tiệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!