Giải thích của Đức Thánh Cha về tính hợp thời của thần học luân lý Thánh Tôma
Vatican, 16.6.2010 – Đức Bênêđictô XVI tuyên bố rằng thần học luân lý của Thánh Tôma hợp thời ngay cả hôm nay, cách riêng trong sự nhấn mạnh của thánh nhân về luật tự nhiên.
Đức Thánh Cha nói về giáo huấn của Thánh Tôma, khi ngài tiếp tục bài giáo lý về văn hóa Kitô giáo thời Trung Cổ, sau mấy tuần lễ phải gián đoạn vì các đề tài khác.
“Thánh Tôma đã chỉ rõ sự độc lập của triết học và thần học, và đồng thời cũng cho thấy tính hữu lý hỗ tương giữa hai bên.” Đức Thánh Cha lưu ý.
“Sự nhấn mạnh của Thánh Tôma đối với phẩm giá của lý trí con người có mối liên lạc mật thiết với giáo huấn của thánh nhân về tự nhiên và ân sủng” - Đức Thánh Cha giải thích, đồng thời ghi nhận rằng lý trí, tự nó, có hàm chứa cái khả năng quan trọng là “biện phân luật luân lý tự nhiên.”
“Lý trí có thể nhận ra luật luân lý tự nhiên khi nó cân nhắc điều tốt để làm và điều xấu để tránh, nhằm đạt được hạnh phúc trong lòng mỗi con người. Niềm hạnh phúc này vốn cũng đặt con người vào trách nhiệm đối với người khác, nghĩa là trách nhiệm mưu cầu công ích. Nói cách khác, các nhân đức của con người, nhân đức thần học và nhân đức luân lý, đều bắt rễ trong bản tính con người.”
“Ân sủng của Chúa nâng đỡ, hỗ trợ và dẫn dắt các bổn phận đạo đức. Nhưng theo Thánh Tôma thì chính con người - mọi người, dù tin hay không tin - đều được mời gọi nhận ra những đòi buộc của bản tính con người biểu lộ nơi luật tự nhiên, và được mời gọi nhận cảm hứng từ đó để đề ra pháp luật, tức những bản luật ban hành do các quyền bính dân sự, nhằm bảo đảm trật tự cho cuộc sống chung.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của luật tự nhiên và các trách nhiệm bao hàm trong đó. Ngài nói rằng khi người ta phủ nhận những luật này, thì “một cách đầy bi kịch, họ sẽ mở đường cho chủ nghĩa đạo đức tương đối xét trên bình diện cá nhân, và cho thể chế toàn trị của chính phủ xét trên bình diện chính trị xã hội.”
Đức Thánh Cha dẫn lại lời khẳng định của vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan Phaolô II: “Vì tương lai của xã hội, và để phát triển một nền dân chủ lành mạnh, thật khẩn thiết phải khám phá lại những giá trị luân lý và nhân bản cố hữu và cốt yếu, những giá trị vừa bắt nguồn từ chính sự thật về hữu thể con người vừa diễn tả và bảo vệ phẩm giá của nhân vị. Đó là những giá trị mà không một cá nhân nào, một đa số nào, hay một chính phủ nào có thể tạo ra, sửa đổi hay phá hủy chúng, mà nhất thiết phải ý thức, tôn trọng và cổ võ chúng.”
Ý niệm về lý trí con người đề ra bởi Thánh Tôma thật “đáng tin cậy,” Đức Thánh Cha khẳng định, “vì lý trí con người - nếu biết chấp nhận những cảm hứng từ đức tin Kitô giáo - thì trước hết đó sẽ là nhân tố cổ võ một nền văn minh nhìn nhận phẩm giá nhân vị, nhìn nhận tính bất khả xâm phạm của các quyền của nhân vị, và nhìn nhận sức thúc bách của các nghĩa vụ của nhân vị.”
Đức Thánh Cha nói rằng ta không ngạc nhiên khi thấy giáo thuyết về phẩm giá nhân vị “phát triển dồi dào trong các địa hạt suy tư đặt nền trên di sản của Thánh Tôma Aquinô, một con người đã có ý niệm rất minh trí về nhân vị.”
Và để kết luận, vị Giám Mục Rôma lưu ý rằng tư tưởng và giáo thuyết thâm sâu của Thánh Tôma cắm rễ trong chính đức tin sống động và trong lòng đạo nhiệt thành của thánh nhân. Tôma Aquinô là một nhà tư tưởng và là một vị thánh, một con người đã cầu nguyện với Thiên Chúa như sau:
“Lạy Chúa,
xin ban cho con một ý chí để tìm kiếm Chúa,
một sự khôn ngoan để gặp Chúa,
một đời sống đẹp lòng Chúa,
một lòng kiên trung để chờ đợi Chúa trong niềm tin,
và một niềm tin, để cuối cùng con sẽ chiếm được Chúa. Amen”
THIÊN PHONG
dịch từ “POPE EXPLAINS WHY SOCIETY NEEDS AQUINAS,” trong Zenit.org ngày 16.6.2010