“Việc trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà hoạt động Trung Quốc Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) là một tin thật tốt lành.” Đó là khẳng định của Gerolamo Fazzini, Tổng Biên Tập tờ Mondo e Missione, tạp chí ra hằng tháng của PIME (Hội Sứ Mạng Nước Ngoài Thuộc Giáo Hoàng).
Liu Xiaobo, người được trao giải Nobel, là một trong những chiến sĩ kỳ cựu của cuộc phản kháng Thiên An Môn hồi năm 1989 và hiện đang chịu án phạt 11 năm tù bởi “tội kích động lật đổ chính quyền,” mà cáo trạng nêu là ông thuộc nhóm cổ động Hiến Chương 08, một tài liệu được ký tên bởi hơn 2000 công dân Trung Quốc có nội dung yêu cầu thiết lập tại nước này một thể chế dân chủ.
Trong số các lý do trao giải Nobel Hòa Bình này, người ta ghi nhận rằng Liu đã chọn “đấu tranh bền bỉ và phi bạo lực cho các quyền căn bản của con người ở Trung Quốc.”
Fazzini cho rằng tin này cần phải được nêu bật, “nhất là vì nó cho thấy người ta đã nhìn nhận kích thước luân lý nơi một con người đã đích thân trả giá cao nhất – bằng sự tù đày khắc nghiệt nhất – cho lý tưởng dân chủ, công bằng xã hội và tự do của mình.”
Điểm thứ hai là với việc trao giải thưởng này cho Liu, cuối cùng thì “vạn lý trường thành” của luật thinh lặng đã sụp đổ - sự thinh lặng mà phương Tây đã níu giữ trong ngần ấy năm trước tình trạng nghiêm trọng về nhân quyền ở Trung Quốc. Hồi năm 2008 đã có sự đề nghị ứng viên Hu Jia; và năm nay tên của Cheng Guancheng cũng xuất hiện trong danh sách – cả hai đều là những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc được nhiều người biết đến ở nước ngoài. Nhưng rồi chẳng tới đâu cả, vì người ta sợ làm tổn thương các mối quan hệ giữa phương Tây với Bắc Kinh.
Fazzini nhận định thêm rằng Liu Xiaobo “không đấu tranh đơn thân độc mã, mà ông là mũi nhọn của một phong trào gồm các nhà hoạt động, trí thức, các cựu viên chức của đảng đang cố gắng thay đổi Trung Quốc từ nền móng. Nhưng cũng chính vì lý do đó mà những con người ấy bị Bắc Kinh ngược đãi, đến mức hồi cuối tháng hai vừa qua người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã xác định rằng quả là một ‘động thái sai lầm’ khi trao giải Nobel Hòa Bình cho Liu.”
Một điều đáng nói nữa là Liu Xiaobo, “cùng với những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng khác như Gao Zhisheng, Han Dongfang và Hu Jia, thuộc số những người đã quyết định trở thành Kitô hữu, và họ đã khám phá ra rằng đức tin Kitô giáo là nền tảng các giá trị tuyệt đối của con người và là sức mạnh cho cuộc dấn thân của họ trong công cuộc bảo vệ nhân quyền.”
THIÊN PHONG
theo Nobel per la pace a Liu, l'attivista convertitosi al cristianesimo trong zenit.org, 08-10-2010