Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Thiên Phong
Bài Viết Của
Thiên Phong
KHỔ HẠNH KITÔ GIÁO: PHÁ VỠ GỌNG KÌM TAI ÁC CỦA CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ (2)
KHỔ HẠNH KITÔ GIÁO: PHÁ VỠ GỌNG KÌM TAI ÁC CỦA CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ (1)
LINH ĐẠO THỜI NAY (2)
LINH ĐẠO THỜI NAY (1)
LỜI CẦU NGUYỆN CHO LINH MỤC
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI TRONG THÁNH LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II
MẦU NHIỆM THẬP GIÁ
LẠY CHÚA, CON SAI RỒI!
ÔN CỐ TRI TÂN: Thần Học Ảnh Hưởng Đến Linh Đạo Như Thế Nào Ở Tây Phương Thời Trung Cổ?
CÓ CÒN Ý NGHĨA GÌ CHO NHỮNG SỰ SỐNG ẤY KHÔNG?
Cha François-Marie Léthel, OCD., vị giảng thuyết của Đức Thánh Cha và Giáo Triều trong kỳ tĩnh tâm Mùa Chay năm nay
NẾU BẠN LÀ NGƯỜI TRUNG GIAN
CAN ĐẢM VÀ QUAN TÂM
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý
CÁCH GIẢI QUYẾT THỰC SỰ
NHỮNG CÁCH GIẢI QUYẾT KHÔNG KIẾN HIỆU
GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT
KHỬ THIÊNG QUYỀN BÍNH
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI Giảng Lễ Chúa Giáng Sinh (đêm 24.12.2010 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô)
KINH MÂN CÔI DẪN TRỰC TIẾP ĐẾN CHÚA GIÊSU
Giải Nobel Hòa Bình Được Trao Cho Liu Xiaobo, Một Nhà Hoạt Động Đã Chọn Trở Thành Kitô Hữu
Đức Bênêđictô XVI tại Palermo: Khiêm nhường là chìa khóa để nhận được ơn Chúa
Người Kitô hữu sống trong cuộc đối thoại biệt vị với Lời Chúa
Mối thân tình với Chúa được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và Thánh Lễ
Đức Thánh Cha gặp gỡ các em mẫu giáo: Cha cũng bắt đầu cắp sách đến trường cách đây ... 77 năm!
Một Cô Gái Qua Đời Hồi Năm 1990 Sẽ Được Phong Chân Phước Vào Thứ Bảy Này: CHIARA BADANO, THÀNH VIÊN CỦA PHONG TRÀO FOCOLARE
Xây Dựng Mối Hiệp Thông Giáo Hội Là Chìa Khóa Của Sứ Mạng
“GIÁO HỘI THUỘC VỀ CÁC CON!”
THẾ NÀO LÀ MỘT GIÁO HỘI SỐNG ĐỘNG?
NHỮNG LÁ THƯ CỦA KẺ THUA CUỘC: minh giáo cho thế hệ Facebook!
ĐỨC GIÊSU MỞ RA CHIỀU KÍCH MỚI CỦA TỰ DO
VÌ MỘT NỀN VĂN HÓA SỰ SỐNG
TẠI SAO XÃ HỘI CẦN THÁNH TÔMA?
AI LÀ NHÀ THỪA SAI HÔM NAY?
ĐIỀU GÌ ĐANG LÀM CHO NHIỀU NGƯỜI CÔNG GIÁO TRỞ VỀ ĐẾN THẾ? (Phần II)
ĐIỀU GÌ ĐANG LÀM CHO NHIỀU NGƯỜI CÔNG GIÁO TRỞ VỀ ĐẾN THẾ?
THẬP GIÁ, BIỂU TƯỢNG CỦA “NIỀM HY VỌNG BẤT TUYỆT” (1)
Y HỌC VÀ CÁC PHÉP LẠ
Hồng Y Ouellette bị một nhóm phụ nữ tấn công thô bạo
MẦU NHIỆM THẬP GIÁ

Thánh Phaolô viết cho Timôtê rằng trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu Kitô “đã trao chứng từ tốt đẹp của Ngài” (1Tm 6,13). Chúng ta tự hỏi: chứng từ về điều gì thế? Không phải về sự thật đời sống hay về chính nghĩa của Chúa Giêsu. Nhiều người đã chết, và rất nhiều người vẫn đang chết hôm nay, cho một “chính nghĩa” sai lầm, nhưng họ tin rằng họ đúng đắn. Cuộc Phục Sinh mới chính là chứng từ về sự thật của Đức Kitô: “Thiên Chúa đã làm chứng với mọi người về Đức Giêsu, qua việc phục sinh Người từ cõi chết”, như vị Tông Đồ lên tiếng tại hội đồng Aêrôpagô (Cv 17,31).

Không phải cái chết, mà tình yêu của Đức Kitô mới là cái làm chứng cho sự thật. Thật vậy, tình yêu ấy là bằng chứng tột đỉnh: “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Người ta có thể phản đối rằng có một tình yêu còn lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mạng mình vì bạn hữu, đó là tình yêu của người hiến mạng cho những kẻ thù ghét mình. Nhưng đây chính là điều Đức Giêsu đã làm. Như vị Tông Đồ viết cho các tín hữu Rôma: “Đức Giêsu đã chết cho những kẻ độc ác. Thật khó có ai sẵn sàng chết cho lẽ phải, họa chăng có người chết cho một người lương thiện. Nhưng Thiên Chúa cho thấy tình yêu của Ngài đối với chúng ta qua thực tế rằng  ngay khi chúng ta còn là tội nhân, thì Đức Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5,6-8). “Ngài đã yêu chúng ta ngay khi chúng ta là những kẻ phản nghịch, để làm cho chúng ta trở thành bạn hữu” (Th. Augustin, Chú giải Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan, 9,9).

Một “thần học thập giá” phiến diện nào đó có thể làm ta quên mất điều cốt yếu. Thập giá không chỉ là sự phán quyết của Thiên Chúa về thế giới, không chỉ là việc Thiên Chúa bác bỏ sự khôn ngoan của thế gian và mạc khải cho thấy tội lỗi của thế gian. Thập giá không phải là sự bác bỏ của Thiên Chúa đối với thế gian, nhưng là sự chấp nhận đầy yêu thương của Ngài. Như Đức Thánh Cha đã viết trong quyển sách mới nhất của ngài về Chúa Giêsu: “Người ta không thể đơn giản phớt lơ không cần biết tới những sự bất công, sự dữ đang diễn ra trong thực tế, nhưng phải truy khảo chúng và thắng vượt chúng. Đây chính là tình thương đích thực. Và vì con người không đủ khả năng, chính Thiên Chúa đã ra tay thực hiện – đây là lòng từ tâm vô điều kiện của Thiên Chúa” (xem J. Ratzinger – Benedetto XVI, Gesù Nazaret II, NXB Vaticana, 2011, tr. 151).    

Nhưng liệu chúng ta có thể mạnh dạn nói về tình yêu của Thiên Chúa, trong khi trước mắt ta là bao con người đang điêu linh khốn khổ, như trong thảm họa ập xuống trên nước Nhật, hay như những bi kịch trong đó bao con người bị nuốt chửng trên biển trong những tuần lễ vừa qua? Phải chăng ta đừng nên nhắc gì đến những thảm cảnh ấy? Nhưng nếu hoàn toàn làm thinh thì đó sẽ là phản bội niềm tin và là phớt lơ ý nghĩa mầu nhiệm mà chúng ta đang cử hành.

Có một sự thật cần phải được công bố cách hùng hồn trong ngày Thứ Sáu Thánh. Đấng mà chúng ta chiêm ngắm trên Thập Giá chính là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt. Vâng, đây là con người Giêsu Nadarét, nhưng đây cũng chính là người Con của Cha hằng hữu. Nếu chúng ta không nhận ra và không nghiêm chỉnh lưu ý đến tín điều nền tảng của các Kitô hữu – tín điều thứ nhất được xác định ở Công Đồng Nixêa – đó là Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, cùng bản tính với Cha, thì nỗi thống khổ của nhân loại vẫn còn chưa nhận được câu trả lời.

Người ta không thể nói rằng “vấn nạn của ông Gióp vẫn còn sừng sững,” rằng đức tin Kitô giáo cũng chẳng trả lời được cho bao thống khổ của con người. Vấn đề là người đừng tiên thiên phủ nhận sự thực rằng có một câu trả lời. Người ta làm gì để bảo đảm cho một ai đó rằng trong ly nước này không chứa chất độc? Người ta đích thân uống nó trước mặt mọi người! Đây chính là điều Thiên Chúa đã làm. Ngài đã uống cạn chén đắng khổ nạn. Đau khổ của con người, vì thế, không thể bị đánh thuốc độc; nó không thể chỉ mang ý nghĩa tiêu cực, mất mát, vô lý, vì chính Thiên Chúa đã chọn nếm trải nó. Rốt cục thì chén đắng ấy là viên ngọc cho chúng ta.  

Chúng ta gọi tên viên ngọc này là viên ngọc Phục Sinh! “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta” (Rm 8,18), và “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21,4).

Nếu sự sống kết thúc trên cõi thế này, người ta sẽ thật sự thất vọng khi nghĩ đến hàng triệu hay có lẽ hàng tỉ con người phải sống đời bất hạnh, phải dính chặt với tình trạng nghèo khổ và kém phát triển cho tới chết, trong khi một số ít người khác có mọi thứ xa xỉ và họ không biết làm sao hưởng thụ cho hết những gì họ đã kiếm được.

Nhưng câu chuyện không phải thế. Cái chết không chỉ xếp đặt lại các sự khác biệt, mà xếp đặt lại cả phần số nữa. “Anh nghèo chết và được các thiên thần đưa vào lòng Abraham – người phú hộ cũng chết và được đưa vào âm phủ” (cf. Lc 16,22,23). Chúng ta không thể áp dụng cách đơn giản hóa lược đồ này cho thực tế xã hội, nhưng điều quan trọng là ở đây chúng ta được cảnh báo rằng đức tin của mình vào sự phục sinh không cho phép ta bỏ mặc ai cứ thoải mái sống theo thói thường của họ. Chúng ta được nhắc nhở rằng đừng bao giờ để cho khẩu hiệu “cứ sống như vẫn sống” biến thành “cứ sống như vẫn chết”.

Câu trả lời của thập giá không chỉ dành cho ta là những Kitô hữu, mà là cho mọi người, vì Con Thiên Chúa đã chết cho mọi người. Trong mầu nhiệm cứu độ có một khía cạnh khách quan và một khía cạnh chủ quan; bản thân mầu nhiệm này là một sự kiện, nó nói với lương tâm người ta và thôi thúc câu trả lời của đức tin trước mầu nhiệm. Khía cạnh thứ nhất mở ra khía cạnh thứ hai. Như Công Đồng Vatican II xác nhận: “Chúa Thánh Thần, bằng cách thế chỉ có Thiên Chúa biết, cung ứng cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua” (Gaudium et spes, 22).

Một trong những cách để tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua chính là đi qua đau khổ. “Đau khổ có nghĩa là trở nên nhạy cảm cách đặc biệt, nhất là nhạy cảm với hành động cứu độ quyết liệt của Thiên Chúa được ban cho con người trong Đức Kitô” - như Đức Gioan Phaolô II đã viết sau khi ngài bị tấn công và phải nằm viện lâu ngày sau đó (x. Salvifici doloris, 23). Đau khổ, hết mọi đau khổ, nhưng cách riêng là những đau khổ của người vô tội, có sự nối kết với thập giá của Đức Kitô bằng một cách mầu nhiệm mà “chỉ mình Thiên Chúa biết”.

Theo chân Chúa Giêsu, những người đã “trao chứng từ tốt lành” và đã “uống chén đắng” là những vị tuẫn đạo! Câu chuyện về cái chết của các vị ấy ban đầu được gọi là “passio”, câu chuyện khổ nạn, như câu chuyện về những đau khổ của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe trong Bài Thương Khó. Thế giới Kitô giáo lại đang trải qua những chứng tá tuẫn đạo mà người ta cứ tưởng rằng đã chấm dứt với sự sụp đổ của các thể chế vô thần chuyên chế. Chúng ta không thể thinh lặng đi qua chứng từ của họ. Các Kitô hữu sơ khai đã tôn vinh các vị tuẫn đạo của mình. Những câu chuyện tuẫn đạo được đọc và được lan truyền giữa các cộng đoàn Giáo Hội với niềm kính ngưỡng sâu xa. Cách riêng hôm nay, ngày Thứ Sáu Thánh của năm 2011, tại một đất nước lớn của Á Châu, các Kitô hữu đã cầu nguyện và lặng lẽ bước đi trên các con đường của một số thành phố để cầu xin tránh được tai ương đang treo lơ lửng trên đầu mình.

Có một điều phân biệt những hành động tuẫn đạo đích thực với những truyền thuyết hình thành sau khi kết thúc cuộc bách hại. Trong những câu chuyện tuẫn đạo đích thực, hầu như không có dấu vết gì về việc khiêu khích đấu đá với những kẻ bách hại; tất cả sự chú ý đổ dồn vào tính cách anh hùng của các vị tuẫn đạo, chứ không hướng vào sự nghiệt ngã của các quan tòa hay các lý hình. Thánh Ciprianô thậm chí yêu cầu người của mình trao tặng 25 đồng vàng cho viên lý hình chặt đầu ngài. Các vị tuẫn đạo là môn đệ của Đấng đã thốt lên trong khi hấp hối: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Đức Thánh Cha nhắc chúng ta trong quyển sách mới nhất của ngài rằng “Máu của Chúa Giêsu nói một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của máu Abel (cf. Dt 12,24): Máu Chúa Giêsu không kêu đòi sự báo thù và trừng phạt, nhưng là sự hòa giải” (J. Ratzinger – Benedetto XVI, sđd., tr. 211).   

Thế giới hôm nay cũng đang nghiêng mình trước những chứng từ hiện đại của đức tin. Người ta giải thích như thế về sự thành công bất ngờ ở Pháp của bộ phim Des Hommes et Des Dieux, bộ phim kể lại câu chuyện bảy tu sĩ Xitô bị hành quyết ở Tibhirine vào tháng ba năm 1996. Và làm sao ta có thể không cảm kích trước những lời trong di chúc của Shahbaz Bhatti, một chính trị gia Công Giáo bị giết vì đức tin mới cách đây vài tháng? Di chúc ấy cũng trao cho chúng ta nữa, là anh chị em của con người ấy trong đức tin, và sẽ là vô ơn nếu ta để những lời ấy trôi vào quên lãng.

Shahbaz Bhatti viết: “Người ta hứa sẽ để tôi giữ chức vụ cao trong chính quyền, và người ta yêu cầu tôi bỏ cuộc tranh đấu của tôi, nhưng tôi luôn luôn từ chối, cho dù nguy hiểm đến chính tính mạng mình. Tôi không muốn nổi tiếng, cũng không muốn những địa vị đầy quyền lực. Tôi chỉ muốn một chỗ dưới chân Chúa Giêsu. Tôi muốn rằng cuộc sống của mình, tính cách và  các hành động của mình sẽ nói thay cho mình và làm chứng rằng tôi đang bước theo Đức Giêsu Kitô. Niềm mong ước này mạnh đến nỗi tôi cho rằng  trong nỗ lực và trong cuộc tranh đấu của tôi để giúp đỡ người nghèo, người túng thiếu, các Kitô hữu bị bách hại tại đất nước tôi, nếu Chúa Giêsu muốn nhận sự sống của tôi làm hy lễ, thì đấy sẽ là  ân huệ đặc biệt Chúa dành cho tôi.  Tôi muốn sống cho Đức Kitô và tôi muốn chết cho Ngài.’

Như thể chúng ta nghe lại những lời của Inhaxiô thành Antiôkia, vị giám mục tuẫn đạo, khi ngài đến Rôma để chịu hành hình. Nhưng thái độ thinh lặng của các nạn nhân không biện minh cho sự dửng dưng đáng trách của thế giới trước số phận của họ. Tiên Tri Isaia đã than phiền rằng “Người công chính tiêu vong, thế mà chẳng ai lưu tâm đến; người hiếu nghĩa bị cất đi mà chẳng ai hay” (Is 57,1)!

Chúng ta cũng thấy rõ rằng các vị tuẫn đạo Kitô giáo không phải là những người duy nhất chịu đau khổ và chịu chết ở xung quanh ta. Ngoài niềm xác tín của đức tin chúng ta rằng có một giá trị của sự đau khổ, ta còn có thể trao gì cho những người không tin? Chúng ta có thể đau khổ với người đau khổ, khóc với người khóc (Rm 12,15). Trước khi công bố về sự sống lại và sự sống, đứng trước nỗi đau thương của các chị Ladarô, Đức Giêsu đã “bật khóc” (Ga 11,35). Trong thời khắc này, thời khắc của đau khổ và nước mắt, cách riêng với những người dân Nhật Bản sống sót qua một trong những thiên tai kinh hoàng nhất của lịch sử, chúng ta cũng có thể nói với các anh chị em ấy rằng chúng ta kính trọng phẩm giá của họ và thán phục tấm gương bình tĩnh, tương trợ mà họ đã trao cho thế giới.      

Xu thế toàn cầu hóa có ít nhất hiệu ứng tích cực này: nỗi khổ của một dân tộc trở thành nỗi khổ của tất cả, nó khơi lên sự liên đới của mọi người. Nó cho chúng ta cơ hội để khám phá rằng chúng ta là một gia đình nhân loại duy nhất, gắn kết với nhau trong điều tốt cũng như điều xấu. Nó giúp chúng ta vượt qua những rào cản của chủng tộc, màu da, tôn giáo. Như một thi sĩ thời nay đã thốt lên: “Những con người, ôi bình an! Trên mặt đất chông chênh này ắp đầy mầu nhiệm” (G. Pascoli, I due fanciulli).

Tuy nhiên chúng ta cũng phải học lấy bài học trong các biến cố này. Động đất, bão lụt, và những tai ương khác đổ ập trên cả người tội lỗi lẫn người vô tội, đó không bao giờ là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Trái lại, nó làm tổn thương Thiên Chúa lẫn con người. Nhưng chúng là một cảnh báo: trong trường hợp này, đó là sự cảnh báo để chúng ta đừng ảo tưởng rằng chỉ cần khoa học và kỹ thuật là đủ để cứu chúng ta. Nếu chúng ta không biết tự vạch cho mình những giới hạn, thì khoa học và kỹ thuật có thể thực sự trở thành, như đã thấy, mối đe dọa khủng khiếp nhất cho mọi người.    

Cũng đã có một vụ động đất trong khoảnh khắc cái chết của Đức Kitô: “Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ðức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: ‘Quả thật ông này là Con Thiên Chúa’” (Mt 27,54). Nhưng còn có một cơn động đất khác lớn hơn, xung quanh khoảnh khắc Phục Sinh: “Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên” (Mt 28,2). Sự việc luôn luôn như thế. Mỗi cơn động đất của chết chóc sẽ dẫn đến một cơn động đất của sự sống lại và sự sống.

Có người đã thốt lên: “Đã tới lúc chỉ có Chúa mới có thể cứu được chúng ta” (Nur noch ein Gott kann uns retten, xem trong Antwort. Martin Heidegger im Gespräch, Pfullingen 1988). Và chúng ta được bảo đảm chắc chắn rằng Ngài sẽ cứu, bởi vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một của Ngài” (Ga 3,16). Vì thế, với niềm xác tín mới mẻ và niềm cảm kích tri ân, chúng ta sẵn sàng hát lên lời ca của phụng vụ: “Đây là gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian; ta hãy đến tôn thờ”. 

Bài giảng của Cha Raniero Cantalamessa, O.F.M., tại Đền Thờ Thánh Phêrô, chiều Thứ Sáu Thánh, 22-4-2011

 

THIÊN PHONG dịch từ bản tiếng Ý trong trang www.vatican.va

Tác giả: Thiên Phong

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!