ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI GIẢNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH (ĐÊM 24.12.2010 TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ)
Anh Chị Em thân mến, “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con” – bằng câu Thánh Vịnh 2 này, Hội Thánh bắt đầu Phụng Vụ của đêm thánh. Hội Thánh biết rằng nguyên thủy câu này là một phần trong nghi thức đăng quang của các vua Itraen. Một vị vua, vốn là một con người như mọi người, trở thành “Con của Thiên Chúa” nhờ được gọi và được trao vương quyền. Ví như Thiên Chúa nhận vị này làm con nuôi, một hành động có tính quyết định qua đó Ngài ban cho con người này một hiện hữu mới, đưa người ấy vào trong hiện hữu của chính Ngài. Bài Đọc từ Sách Tiên Tri Isaia mà chúng ta vừa nghe trình bày cùng một tiến trình ấy, thậm chí rõ rệt hơn, trong một hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm của Ítraen: “Một người con được sinh ra cho chúng ta, một người con được ban tặng cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ đặt trên vai Người” (Is 9,6).
Việc nhận vương quyền cũng giống như một cuộc sinh hạ mới. Trong tư cách là một người mới được sinh ra do sự tuyển chọn đích danh của Thiên Chúa, trong tư cách là người con sinh bởi Thiên Chúa, vị vua cưu mang nơi mình niềm hy vọng. Tương lai nằm trên vai vị vua. Vị vua là người mang lời hứa hòa bình. Đêm ấy ở Bêlem lời tiên tri này ứng nghiệm theo một cách thế mà thời của Isaia không thể tưởng tượng được. Thật vậy, giờ đây thực sự là một người Con nhận quyền cai trị trên vai mình. Nơi Ngài Thiên Chúa thiết lập vương quyền mới trong thế giới. Người Con này thực sự sinh bởi Thiên Chúa. Đó là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa kết hiệp nhân tính với thần tính. Các tước hiệu danh dự thuộc về Ngài, các tước hiệu mà bài ca đăng quang của Isaia gán cho Ngài: “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng Mãnh, Người Cha Muôn Thuở, Hoàng Tử Hòa Bình” (Is 9,6). Vâng, vị vua này không cần các cố vấn tuyển trạch từ các bậc thức giả của thế giới. Ngài mang nơi chính mình sự khôn ngoan của Thiên Chúa và lời dạy bảo của Thiên Chúa. Trong dáng dấp yếu đuối của một trẻ thơ, Ngài là Thần Linh Dũng Mãnh và Ngài cho chúng ta thấy sức mạnh của Thiên Chúa trái ngược với những quyền lực khẳng định chính mình của thế giới này. Thật ra, những lời trong nghi thức đăng quang của Ítraen chỉ hướng niềm hy vọng về phía trước, tới một tương lai còn xa mà Thiên Chúa sẽ ban cho. Không có vị vua nào nhận được những lời này đã sống trọn được nội dung của nó. Nơi tất cả các vị, điều mà những lời này nói đến: về tư cách con Thiên Chúa, về việc thừa kế các dân tộc, về chủ quyền trên tất cả mặt đất này (Tv 2,8) chỉ là những hướng chỉ về một điều sẽ xảy đến – như những dấu hiệu niềm hy vọng trong tương lai mà vào chính thời điểm đó vẫn còn vượt quá sự nhận hiểu. Vì thế sự ứng nghiệm lời tiên tri, bắt đầu với đêm ấy ở Bêlem, vừa vô cùng lớn hơn lại vừa nhỏ hơn lời tiên tri ấy chiếu theo cách nghĩ phàm trần. Sự ứng nghiệm này lớn hơn theo nghĩa rằng người Con này thực sự là Con Thiên Chúa, thực sự là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha”. Khoảng cách vô hạn giữa Thiên Chúa và con người đã được vượt qua. Thiên Chúa không chỉ cúi xuống, như chúng ta đọc trong các Thánh Vịnh; mà Ngài thật sự “bước xuống,” Ngài đi vào trong thế giới, Ngài trở thành một người giữa chúng ta, để kéo tất cả chúng ta về với Ngài. Người Con này thật sự là Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Vương quốc của Ngài thực sự trải rộng đến tận cùng trái đất. Ngài thực sự xây dựng các vùng hòa bình trên thế giới, bất cứ ở đâu có Thánh Lễ. Thật vậy, nơi nào Thánh Lễ được cử hành, ở đó xuất hiện sự bình an, sự bình an của Chúa. Người Con này đã thắp lên ánh sáng thiện hảo nơi người ta và đã trao cho họ sức mạnh để vượt qua quyền lực bạo ngược. Người Con này xây dựng vương quốc của mình từ bên trong, từ trong trái tim của mọi thế hệ . Nhưng thực tế cũng cho thấy rằng “ngọn roi của kẻ áp bức” vẫn chưa bị bẻ gãy, “gót giày lính vẫn còn nện xuống” và vẫn còn đó những “áo choàng đẫm máu” (Is 9,4 tt). Vì thế đêm nay trước hết là đêm của niềm vui được ở gần Chúa. Chúng ta tạ ơn vì Thiên Chúa tự đặt chính Ngài vào trong tay chúng ta, trong hình hài một trẻ thơ. Ngài van xin tình yêu của chúng ta, gieo trồng hòa bình của Ngài vào con tim chúng ta. Niềm vui này cũng đồng thời là một lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành lời hứa của Ngài. Xin hãy bẻ gãy ngọn roi của kẻ áp bức. Xin hãy thiêu hủy những gót giày chiến binh. Xin hãy chấm dứt cái thời áo choàng đẫm máu. Xin hãy hoàn thành lời tiên tri về “một nền hòa bình trường cửu” (Is 9,7). Chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa tốt lành, nhưng chúng con cũng xin Chúa biểu dương sức mạnh của Chúa. Xin hãy ngự trị thế giới bằng chân lý và tình yêu của Ngài – để thế giới trở thành “vương quốc công chính, yêu thương và an bình.” “Maria sinh con đầu lòng” (Lc 2,7). Thánh Luca kể lại cách đơn sơ như thế về biến cố vĩ đại mà các lời tiên tri trong lịch sử của Ítraen báo trước. Luca gọi đây là “con đầu lòng”. Theo ngôn ngữ của Thánh Kinh Cựu Ước, “con đầu lòng” không có nghĩa là đứa con đầu tiên trong nhiều đứa con. Từ “con đầu lòng” là một tước hiệu danh dự, hoàn toàn không liên quan đến vấn đề có hay không có những người con khác. Cũng như trong Sách Xuất Hành (4,22), Chúa nói về Ítraen là “con đầu lòng của Ta”, và kiểu nói này diễn tả việc Ítraen được tuyển chọn, diễn tả phẩm giá đặc biệt của Ítraen, và diễn tả tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa là Cha. Hội Thánh sơ khai biết rằng nơi Chúa Giêsu kiểu nói này đã đạt được một chiều sâu mới, rằng các lời hứa với Ítraen được thu họp nơi Ngài. Vì thế Thư gửi tín hữu Do Thái gọi Chúa Giêsu là “con đầu lòng”, chỉ trong ý nghĩa rằng Ngài là người Con được Thiên Chúa sai vào thế giới (cf. 1,5-7) sau khi đã được chuẩn bị bởi các lời tiên tri Cựu Ước. Người con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa theo cách đặc biệt – và do đó người con ấy đã phải được dâng cho Thiên Chúa theo cách đặc biệt – như cũng thấy trong nhiều tôn giáo – và người con ấy phải được chuộc lại bằng hy lễ đền thay, như Thánh Luca tường thuật trong đoạn kể việc Dâng Chúa Trong Đền Thờ. Người con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa cách đặc biệt, và theo đó được dành để làm hy lễ. Trong hy lễ của Chúa Giêsu trên thập giá, vai trò này của người con đầu lòng được hoàn thành một cách độc đáo. Nơi chính mình Ngài, Ngài mang nhân loại đến với Thiên Chúa và hiệp nhất con người với Thiên Chúa đến mức Thiên Chúa trở thành mọi sự cho mọi người. Thánh Phaolô nhấn mạnh và đào sâu ý nghĩa Chúa Giêsu là Con đầu lòng trong các Thư gửi tín hữu Côlôsê và Êphêsô. Chúng ta đọc thấy trong các Thư này rằng Chúa Giêsu là Con đầu lòng giữa mọi loài thụ tạo – là khuôn mẫu đích thực của con người, theo cách mà Thiên Chúa đã dựng nên con người. Con người có thể là hình ảnh của Thiên Chúa bởi vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ngài là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Hơn nữa, các Thư này còn nói với chúng ta rằng Ngài là Con đầu lòng từ trong những kẻ chết. Trong cuộc phục sinh, Ngài đã phá đổ bức tường sự chết cho tất cả chúng ta. Ngài đã mở ra cho con người chiều kích sự sống vĩnh cửu trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta được biết rằng Ngài là Con đầu lòng giữa nhiều người em. Vâng, thật vậy, giờ đây Ngài là anh cả giữa nhiều anh chị em: anh cả, nghĩa là Ngài mở ra cho chúng ta khả năng thông hiệp với Thiên Chúa. Ngài tạo ra tình anh em đích thực – không phải tình anh em bị tội lỗi làm nhơ bẩn như trường hợp của Cain và Abel, hay như câu chuyện giữa Romulus và Remus, nhưng là tình anh em mới mẻ trong đó chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Gia đình mới này của Thiên Chúa bắt đầu với khoảnh khắc Maria bọc người Con đầu lòng trong tã và đặt nằm trong máng cỏ. Chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã muốn chào đời trong tư cách người Con đầu lòng giữa nhiều anh chị em, xin ban cho chúng con tình anh chị em đích thực. Xin giúp chúng con nên giống Chúa. Xin giúp chúng con nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những người cần đến sự trợ giúp của chúng con, nơi những người đau khổ và bị bỏ rơi, nơi tất cả mọi người. Xin giúp chúng con sống với Chúa như anh chị em, để trở thành một gia đình, gia đình của Chúa. Ở cuối bài Tin Mừng Giáng Sinh, chúng ta nghe kể rằng đạo binh các thiên thần chúc tụng Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương!” (Lc 2,14). Hội Thánh đã khai triển bài ca chúc tụng này, vốn do các thiên thần hát lên trong đêm thánh, thành một khúc hoan ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa – “chúng con chúc tụng Chúa vì vinh quang của Chúa”. Chúng con chúc tụng Chúa vì vẻ đẹp, vì sự cao cả, và vì sự tốt lành của Chúa đã trở thành hữu hình cho chúng con đêm nay. Sự xuất hiện của vẻ đẹp này làm cho ta vui mừng mà ta không cần phải hỏi vẻ đẹp như thế để làm gì. Vinh quang Thiên Chúa, là nguồn của mọi vẻ đẹp, làm cho chúng ta bất chợt vỡ òa niềm vui. Bất cứ ai thoáng cảm nghiệm được Thiên Chúa thì cũng cảm nghiệm được niềm vui, và trong đêm nay chúng ta nhìn thấy phần nào đó ánh sáng của Ngài. Nhưng thông điệp của các thiên sứ trong đêm thánh này cũng còn nói về con người nữa “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Bản dịch La ngữ của bài ca thiên sứ mà chúng ta dùng trong Phụng Vụ lấy từ Thánh Giêrôm thì hơi khác một chút: “bình an cho người thiện tâm”. Thành ngữ “người thiện tâm” đã chiếm một chỗ quan trọng trong ngữ vựng của Giáo Hội mấy thập niên gần đây. Nhưng đâu là cách dịch thích đáng? Chúng ta phải đọc cả hai bản văn; và chỉ bằng cách này chúng ta mới thực sự hiểu bài ca của các thiên sứ. Hẳn sẽ có nguy cơ giải thích sai nếu ta xem đây duy chỉ là hành động của Thiên Chúa mà thôi, như thể Ngài không kêu gọi nơi con người một sự tự nguyện đáp trả trong tình yêu. Nhưng ta cũng sẽ nhầm nếu cho rằng con người có thể cứu lấy mình bằng thiện tâm hay thiện chí của mình. Cả hai yếu tố thuộc về nhau: ân sủng và tự do, Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nếu chẳng vậy thì chúng ta không thể yêu mến Ngài, và không thể đáp trả điều Ngài chờ đợi nơi ta, sự đáp trả mà Ngài yêu cầu ta cách rõ ràng nơi cuộc sinh hạ của Con Ngài. Chúng ta không thể chia tách ân sủng và tự do thành những thực thể biệt lập nhau, cũng không thể chia tách tính hỗ tương giữa tiếng gọi và sự đáp trả. Hai đàng đan kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, thông điệp của các thiên sứ ở đây đồng thời vừa là lời hứa vừa là tiếng gọi. Thiên Chúa đã dự liệu trước cho chúng ta quà tặng là chính Con của Ngài. Thiên Chúa không ngừng dự liệu trước cho chúng ta trong những cách thế không ngờ. Ngài không ngừng tìm kiếm chúng ta, không ngừng nâng chúng ta dậy. Ngài không bỏ con chiên lạc ngoài đồng hoang. Thiên Chúa không nổi đóa dù chúng ta tội lỗi. Ngài không ngừng bắt đầu lại với chúng ta. Nhưng Ngài vẫn đợi chờ chúng ta đến với Ngài trong tình yêu. Ngài yêu chúng ta, để chúng ta cũng trở thành một dân biết yêu thương, để hòa bình có thể ngự trị trên cõi đời này. Thánh Luca không bảo rằng các thiên sứ ca hát. Vị Thánh sử chỉ nói đơn sơ: “Đạo binh thiên sứ chúc tụng Thiên Chúa rằng: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời’” (Lc 2,13tt). Nhưng con người từ lâu vẫn luôn biết rằng lời của các thiên sứ thì khác với lời của con người, và rằng cách riêng trong đêm vỡ òa niềm vui này vinh quang Thiên Chúa chỉ có thể được chúc tụng bằng ca hát thôi. Vì thế ngay từ xa xưa bài ca của các thiên sứ đã được nhận hiểu là khúc nhạc xuất phát từ chính Thiên Chúa, như một lời mời gọi mọi người hợp xướng bằng cả con tim chan hòa niềm vui bởi biết rằng thực sự mình được Thiên Chúa yêu thương. Thánh Augustinô nói: “Cantare amantis est” – ai yêu thương thì ca hát! Chính vì thế, dọc suốt bao thế kỷ, bài ca của các thiên sứ luôn là bài ca của yêu thương và của niềm vui, một bài ca của những con người biết yêu thương. Giờ đây, với tâm tình tạ ơn dạt dào, chúng ta hòa với lời ca của bao thế kỷ, lời ca nối đất với trời, nối thiên thần với loài người. Vâng, chúng con chúc tụng Chúa vì vinh quang của Chúa. Chúng con chúc tụng Chúa vì tình yêu của Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết đến với Chúa trong lòng yêu mến ngày càng hơn, và nhờ đó chúng con có thể trở thành một dân tộc hòa bình. Amen. THIÊN PHONG dịch từ bản tiếng Anh “HOMILY OF HIS HOLINESS BENEDICT XVI – Saint Peter's Basilica, Friday, 24 December 2010”.
Tác giả:
Thiên Phong
|