Tiến trình mô tả trên giả thiết rằng ta phải có cả can đảm và quan tâm. Nói nôm na là: “Tôi không muốn làm phương hại bạn. Tôi biết rằng mình có thể đạt được hay không đạt được điều mình mong muốn. Nhưng tôi sẽ không thinh lặng, tôi có quyền nói ra cho bạn biết điều mà tôi cho là quan trọng đối với tôi.”
Nhiều người, nhất là các nữ tu, thường nghĩ rằng họ không có can đảm. Nhưng tất cả chúng ta đều đã được sinh ra có can đảm. Hồi còn bé, chúng ta bộc lộ sự không vừa ý của mình và kêu khóc để đòi cho được điều mình muốn. Đó là can đảm. Khi lớn lên, nhiều người trong chúng ta lại tin rằng mình không có can đảm hay không có quyết đoán, do bởi những hạn chế trong cách mà cha mẹ dạy mình, và do bởi những điều cấm kỵ của xã hội và tôn giáo. Sự thực là tất cả chúng ta đều có can đảm.
Chúng ta cũng có quan tâm. Khi loài vật gặp sự nguy hiểm, chúng có hai sự chọn lựa: hoặc chiến đấu hoặc bỏ chạy. Chúng sẽ đương đầu với kẻ thù hoặc chạy tránh khỏi kẻ thù. Còn con người chúng ta thì sao? Ngoài khả năng chiến đấu hay bỏ chạy, chúng ta còn có lương tâm, trí khôn, sự hiểu biết về mình, và khả năng ngôn ngữ. Chúng ta có thể sử dụng tất cả những cái đó để tìm ra xem cái gì phù hợp nhất và có triển vọng nhất trong một tình huống cụ thể. Đây chính là quan tâm, hay khả năng nhận ra quan điểm của người khác và tôn trọng nó.
Một dấu hỏi lớn là: Làm sao để có được khả năng tự kiểm soát mình, nhờ đó có thể đương đầu với người khác một cách tử tế? Nếu người kia hồ đồ khiêu khích ta, liệu ta có nổi nóng và ‘độp’ lại không? Vâng, nhiều khi thực tế xảy ra như vậy. Nhưng đó không phải là cách đúng đắn. Tất cả chúng ta, không trừ ai, đều có khả năng tự kiểm soát. Bởi đâu mà chị quản gia kia không nổi nóng và trả miếng ngay cả khi chị bị bà chủ nhà la mắng cách bất công? Bởi đâu mà tập sinh kia không mất kiểm soát và không to tiếng với vị giám tập, mặc dù em bị giám tập hồ đồ mắng oan? Bởi đâu mà bạn có thể kiềm chế và không lên gân cãi lại cô nhân viên Phòng Thuế Vụ khi bạn đến lo việc giấy tờ và bị cô ấy hạch sách vô cớ? Vâng, tất cả chúng ta đều có khả năng tự chế khi chúng ta biết rằng nếu mình không tự chế thì chính mình phải trả giá đắt. Ước gì mọi người chúng ta đều nhìn nhận sự thật này.
Chúng ta cần ngẫm suy nhiều ngày nhiều tháng và cần thinh lặng cầu nguyện để nhận ra rằng chúng ta phản ứng kiểu ào ào trả đũa là bởi vì chúng ta biết rằng cách đó tỏ ra ‘được việc’ trong một số trường hợp. Anh chồng bị khiển trách nhè nhẹ ở sở làm có thể về nhà trút cơn thịnh nộ lên vợ con. Chúng ta không suy ngẫm cho đủ về sự thô lỗ của tình trạng mình mất kiểm soát. Và chúng ta không sẵn sàng trả giá để loại trừ thói xấu ấy của mình. Chẳng hạn, nếu chúng ta thành thật xin lỗi sau mỗi lần mình nổi nóng và gây tổn thương người khác, thì chúng ta sẽ dần tự kiểm soát mình dễ dàng hơn.
Phương pháp này để giải quyết xung đột không nhất thiết luôn luôn kiến hiệu. Nó có thể thất bại lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba. Người kia có thể đã từng bị tổn thương trầm trọng hồi thơ ấu hay trong giai đoạn lớn lên, đến nỗi bây giờ bản ngã của người ấy rất nhạy và rất dễ tổn thương. Vì thế chúng ta cần học chữ nhẫn. Nhiều người từng học tập phương pháp này đã phản hồi rằng họ thành công từng bước từng bước. Những điều Đức Giêsu nói trong Matthêu 5,39-41 về việc chìa luôn má kia, đi thêm một dặm, đấy chính là phương pháp ‘được-được’ mà chúng ta đang nói ở đây – miễn là bạn “chìa má kia” và “đi thêm một dặm” không phải trong tâm trạng của một nạn nhân. Vâng, thật quan trọng việc làm những điều đó mà không coi mình là nạn nhân! Nhất thời, có vẻ như đó là thất bại; nhưng về lâu dài thường là thành công.
THIÊN PHONG
dịch từ “Authority: Its Use and Abuse” của C.P. Varkey
(còn tiếp)