LÀM SAO ĐỂ LỜI CHÚA KHÔNG BỊ NHÀM CHÁN?
Khi chọn các câu in nghiêng của Bài
Tin Mừng khác nhau, thì các Nhà Phụng Vụ cũng đã chọn các bài đọc khác nhau,
cho phù hợp với chủ đề, mà họ muốn nhắm đến, ấy thế mà, chúng ta lại bất chấp
bối cảnh phụng vụ của ngày hôm đó, để tái sử dụng cùng một bài
suy niệm, khiến cho Lời Chúa mất sức sống, trở nên tẻ nhạt, và nhàm
chán. Chẳng hạn, Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay: Trình thuật Đức Giêsu “ăn
chay 40 ngày và chịu cám dỗ”, ở Năm A, câu in nghiêng là: Đức
Giêsu đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ; ở Năm B, câu
in nghiêng là: Đức Giêsu chịu Xatan cám dỗ, và các thiên sứ hầu hạ
Người; ở Năm C, câu in nghiêng là: Đức Giêsu được Thánh
Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ.
Năm A: Bài đọc một, trích sách Sáng
Thế: Thiên Chúa dựng nên hai Ông Bà Nguyên Tổ. Ông Bà đã phạm tội;
Bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50: Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng
con đắc tội với Ngài; Bài đọc hai, trích thư Rôma: Ở đâu tội
lỗi ngập tràn, thì ở đó, ân sủng càng chứa chan gấp bội; Bài Tin Mừng,
trích Tin Mừng Mátthêu: Đức Giêsu đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu
cám dỗ. Qua các bản văn Phụng Vụ, các Nhà Phụng Vụ muốn chúng ta chiêm ngắm
Thiên Chúa là Cha sáng tạo muôn loài, và con người đã phạm tội: phá hỏng
công trình tốt đẹp ấy, nhưng, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót: ở
đâu tội lỗi ngập tràn, thì ở đó, ân sủng của Người càng chứa chan
gấp bội. Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế, và Người đã thực hiện lời
hứa, khi ban Con Một là Đức Giêsu, Đấng Mêsia, Đức Vua, mà người Dothái hằng
trông đợi: đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ áp bức. Đức Giêsu đã khởi
đầu sứ mạng của mình, bằng việc ăn chay bốn mươi ngày và Người đã
chiến thắng cám dỗ, bằng cách luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha,
chiến thắng này báo hiệu chiến thắng rạng ngời nơi Mầu Nhiệm Thập Giá, để
giải thoát toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Năm B: Bài đọc một, trích sách Sáng
Thế: Sau hồng thủy, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nôê; Bài
Đáp Ca, Thánh Vịnh 24: Lạy Chúa, đường lối Chúa, tất cả là yêu
thương và thành tín, đối với ai giữ giao ước của Ngài; Bài đọc
hai, trích thư thứ nhất Phêrô: Nước ấy là phép rửa nay cứu
thoát anh em; Bài Tin Mừng, trích Tin Mừng Máccô: Đức Giêsu
chịu Xatan cám dỗ, và các thiên sứ hầu hạ Người. Qua các bản
văn Phụng Vụ, các Nhà Phụng Vụ muốn chúng ta chiêm ngắm Vị Trung Gian của
giao ước mới, giao ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi: tất cả đường
lối Chúa, tất cả những gì Chúa cho phép xảy đến, đều nhằm để thanh luyện
chúng ta, cứ vững tin vào Chúa: theo Chúa trong đau khổ, chắc chắn, sẽ
được ở với Chúa trong vinh quang. Vị Trung Gian của giao ước mới
đã chiến thắng cám dỗ, và các thiên sứ hầu hạ Người. Cùng chiến
đấu với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng chiến thắng với Người, như
trong bài đọc hai của Giờ Kinh Sách của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh: chúng ta sẽ được
đồng hiển trị với Đức Kitô, chúng ta sẽ được ngồi trên ngai, và các
Kêrubim sẽ thờ lạy chúng ta như một vì thiên chúa.
Năm C: Bài đọc một, trích sách Đệ
Nhị Luật: Lời tuyên xưng đức tin của Dân được tuyển chọn; Bài
Đáp Ca, Thánh Vịnh 90: Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề
bên; Bài đọc hai, trích thư Rôma: Người tín hữu tuyên xưng đức
tin vào Đức Kitô; Bài Tin Mừng, trích Tin Mừng Luca: Đức
Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ. Qua các bản
văn Phụng Vụ, các Nhà Phụng Vụ muốn chúng ta quy hướng về Chúa Thánh Thần,
Đấng đã hướng dẫn Đức Giêsu vào hoang địa. Chúa Thánh Thần luôn ở
gần để soi sáng, dẫn đường cho chúng ta: Khi kêu đến Người, Người liền
đáp lại; lúc ngặt nghèo có Người ở kề bên. Tuy nhiên, chúng ta phải thận trọng
phân định Thần Khí, không phải Thần Khí nào cũng tin, Thần Khí nào tuyên
xưng Đức Kitô là Chúa, và giúp ta quy hướng về thập giá của Đức
Kitô, thì đó mới là Thần Khí đến từ Chúa Thánh Thần. Chúng ta muốn chiến
thắng cám dỗ như Đức Giêsu, chúng ta phải vâng theo sự hướng dẫn
của Chúa Thánh Thần.
Tác giả:
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
|