Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem như một vị vua quang lâm đến thăm dân chúng, như một Đức Kytô mà các Tiên tri (ngôn sứ) xưa đã loan báo :
- Tiên tri Giacaria nói “Này đây vua ngươi đến với ngươi. Ngài công minh ,vinh thắng, khiêm tốn và cỡi trên một con lừa”(Giacaria 9,9).
- Dân chúng tung hô : Hosanna, Con Vua David. Tiếng tung hô này phát xuất từ Cựu ước (TV 118 , Sáng thế 49, 10-11) mừng con vua David.
Như vậy, Chúa Giêsu vào thành và được dân chúng tung hô Ngài là Đấng Kytô, Đấng Cứu Tinh nhân loại, Đấng mà dân Israel đã mong chờ suốt bao nhiêu thế kỷ , mong Ngài đến để giải thoát Israel .
Vào thành thánh có những nét tỏ ra Ngài là Vua, là Kytô. Tin Mừng còn nói Ngài đã dùng quyền Kytô để thanh tẩy đền thờ : Ngài dùng dây bện lại thành roi đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ , đúng ý nghĩa “đền thờ là nhà cầu nguyện” .
Và sau cùng Ngài đã đưa ý nghĩa đền thờ lên cao nhất, là chính con người của Ngài , nơi dâng lễ vật tôn thờ Chúa Cha.
Tại vườn Ghếtsêmani , Chúa Kytô cầu nguyền trong một trạng thai hết sức căng thẳng đến mức ứa máu ra , đúng ra là một cuộc vật lộn với chính bản thân minh để đi đến quyết định : chọn cái chết
Người ta dễ dàng nói Chúa Kytô chết vì nhóm Tư tế, Ký lục, Biệt phái ra lệnh bắt Ngài nộp cho quan Philatô kết án, nhưng nội dung cái chết là làm trọn Thánh Ý Chúa Cha, vì những mục đích :
1. Để chứng minh Giáo lý Ngài rao giảng là thật và đến từ Chúa Cha nếu Ngài trốn đi thì chẳng ai tin nữa .Những kẻ chống đối viện cớ sợ chết của Ngài dễ lung lac kẻ đã tin Ngài
2. Ngài chết vì vâng lời Chúa Cha trọn vẹn vì Chúa Cha sai Ngài đến trần gian để rao giảng Chúa Cha, đưa chiên lạc về, sợ chết bỏ đi là trốn tránh nhiệm vụ, là đào ngũ .
3. Để tố cáo tội lỗi loài người hiện diện trong tội lỗi của nhóm âm mưu giết Ngài là tiêu biểu cho tội ác đến nỗi giết Con Thiên Chúa một cách tàn ác man rợ .
4- Để biểu lộ tinh thương của Chúa Cha thương nhân loại trong khi nhân loại còn phản nghịch , chống lại tình thương của Thiên Chúa, bời lẽ không có tinh yêu nào cao quý và mạnh liệt bằng tinh yêu sẵn sàng phó mạng sống mình vì người yêu, người yêu phản bội .
Cái chết đó có tác dụng biến đổi lòng người , giúp người ta quay về với Thiên Chúa. Vì cái chết đó vừa cho biết tội lỗi của chúng ta xấu xa, tàn ác tới mức độ ghê sợ, vừa chứng minh Thiên Chúa thương yêu loài người vô cùng. Suy nghĩ sự thương khó của Chúa Kytô , chúng ta hối hận vì tội lỗi ta đã phạm và nhìn lên tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha do Chúa Con làm người chịu chết trên thập giá, tự nhiên ta xúc động, cái xúc động này rất có ích cho ta vì giúp ta tin tưởng , trông cậy và sám hối . Tiếp đến nhờ sự Phục sinh của Chúa Kytô cho chúng ta một bảo đảm chắc chắn , ta bước sang một đời sống mới, một hy vọng không bao giờ tàn, ta cố gắng theo giáo lý của Chúa Kytô để được sống lại với Chúa Kytô.
Khi nhìn đến người khác, ta có một tự hào. Ước gì tự hào trong khiêm tốn nghĩa là không chê trách người ta. Thí dụ chê trách người buôn bán trong đền thờ về tội tục hóa nơi Chúa ngự, chê dân Israel tráo trở : hôm nay hoan hô Chúa ngày mai xin đóng đinh Chúa , chê biệt phái tàn ác, chê Philatô hèn nhát . Lý do là khinh chê dễ rơi vào chủ quan mà không tránh cái xấu mình phải tránh . Thực tế không tránh đời sống cũ của mình thì giống như kẻ cướp chửi người khác ăn cướp của mình đã cướp .
Cái chết của Chúa Kytô vẫn tố cáo tội lỗi của chúng ta luôn. Chính ánh sáng của Lời Chúa, việc làm của Chúa soi sáng đời sống ta vừa tố cáo tội lỗi chúng ta vừa mở tay đón người tội lỗi trở lại .
Chúa luôn luôn mong con người có tội trở lại và ta phải thành tâm thưa với Chúa rẳng trong đó có con . Hễ bao nhiêu lần người ta sống trong tội lỗi là bấy nhiêu lần người ta giết Chúa trong khi ta vẫn nói người Do thái giết Chúa !?
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh