Bài Phúc âm hôm nay nói về Nước Trời trong ba dụ ngôn : Cỏ lùng, Hạt cải và Men bột.(Mt 13, 24-23,CN 16 Thường niên Năm A) .
Nước Trời là gì? Nước Trời không phải là một nước ơ trần gian . Nước Trời là vương quyền của Thiên Chúa trong thời cánh chung do Chúa Kitô đến rao giảng, và sau khi Chúa Kitô đã chết và sống lại, Nước Trời là vương quyền của Chúa Kitô. Vương quyền là quyền làm chủ, quyền điều khiển, cai trị trên công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và cứu chuộc của Chúa Kitô. Hội Thánh phục vụ Nước Trời , biểu lộ vương quyền Nước Trời , rao giảng Nước Trời . Nước Trời được biểu lộ bằng ba cách (xin theo thứ tự trong Tin Mừng ) :
- Lúa tốt với cỏ lùng ?
- Hạt cải mọc lớn thành cây cải ?
- Men trong bột ?
Dụ ngôn Cò lùng mô tả quyền lực Nước Trời được thực hiện trong ngày tận thế. Ngày đó, cỏ lùng bị thiêu đốt và lúa được cất vào kho lẫm. Dụ ngôn này còn mở ra một chân trời mới đối với dân Israen và các người theo Chúa. Theo quan niệm của Israen và các tín hữu, tội lỗi không thể sống lẫn lộn với thánh thiện, ác không thể sống lẫn lộn với lành, và một khi Chúa xây dựng nước Trời ngay ở trần nầy thì tội lỗi, kẻ ác sẽ bị tiêu diệt. Dụ ngôn đã đi ngược lại : Nước Trời thành lập ngay từ trần gian, nhưng không tiêu diệt tội lỗi, kẻ ác tồn tại cho tới ngày tận thế. Thời gian đang trôi dần tới tận thế là thời gian Chúa chờ đợi, Chúa tha thứ cho người tội lỗi. Ngoài ra, dụ ngôn cũng xác định rõ ràng : lúa tốt không bị cỏ lùng làm hại, và tội lỗi cũng không bị thánh thiên đè bẹp nên ta đửng sợ đến với người tội lỗi , không phải để xỉ vả ,lên án người tội lỗi nhưng để cứu giúp họ trong thái độ khiêm nhường, nhịn nhục .
Đối với ta, ta không thể phân biệt đúng ai là thánh ai là tội, phải để cho tới ngày tận thế, các thiên thần sẽ phân biệt. Ta cũng không thể nhổ cỏ lùng vì sẽ hại đến lúa nghĩa là ta chỉ có thể vun xới, bón phân cho lúa tốt, việc xét xử là do Chúa.
Trong dụ ngôn Hạt cải, sức mạnh của Nước Trời được mô tả lúc ban đầu là nhỏ bé và cuối cùng triển nở ra hết sức to lớn. Đối với ta , Hạt cải nhỏ bé mọc lên thành một cây rau thôi, còn dụ ngôn nhấn mạnh thành cây lớn (chứ không phải là rau lớn) đến nỗi chim trời tới trú ngụ được. So sánh một thứ nhỏ bé như Hạt cải với một cây lớn nói lên sức mạnh của Nước Trời, của ơn Chúa biến đổi và hoàn thành công trình cứu độ :”ai có lòng tin bằng hạt cải thôi , bảo núi nầy dời qua bên kia, nó cũng sẽ qua “( Mt 17. 20)
Trong dụ ngôn Men bột, sức mạnh Nước Trời được mô tả một cách âm thầm phát triển và cuối cùng đạt tới tầm vóc lớn lao phi thường : từ một nhúm men làm cho ba đấu bột (mấy chục kitô) thành cơm rượu. Dụ ngôn nầy giúp ta hiểu : ta không thấy được hoạt động Nước Trời vì Nước Trời hoạt động trong âm thầm, khiêm tốn, nhưng ta thấy được sức mạnh của Nước Trời khi nhìn đến kết quả. Kết quả nầy là thành quả của ơn cứu độ Chúa ban phát cho nhiều người. Ta không biết những ai được cứu rỗi, nhưng dụ ngôn tiên đoán rất nhiều người được rỗi.
Điều quan trọng là ta đừng xét đoán ai là cỏ lùng, trái lại, ta phải trở nên men trong bột. Không có men, bột sẽ hư thối. Nhờ men, bột không hư, trái lại còn trở nên thơm tho, hữu ích. Nhưng nếu men để riêng, không trộn vào trong bột, men không hoạt động được.
Người Công giáo không sống với xã hội, không sống với người khác thì không thể đóng vai trò men. Nếu sợ nhuốm tội, sợ môi trường sống lôi cuốn, không chịu sống giữa đời với đời, với mọi người tức là trốn chức năng làm men của mình. Nhưng muốn là men, tôi phải trở thành là men trước đã. Một người tội lỗi không thể lôi kéo người khác đến cùng Chúa được, phải trở về với Chúa trước đã, phải sống thực sự theo Chúa trước đã mới có thể lôi kéo người khác tới Chúa. Thí dụ : kẻ ăn cắp dạy người ta đừng ăn cắp, kẻ sống bê tha dạy người ta sống tốt đẹp, lời dạy sẽ không có tác dụng gì hết.
Người ta luôn luôn nhìn vào con người chúng ta để đánh giá lời khuyên. Đạo Chúa không thể dùng phương pháp tuyên truyền mà phải dùng phương pháp “chứng nhân” (làm chứng cho Chúa). Tôi sống không tốt, chưa sống tốt, tôi không thể làm chứng cho Chúa, nếu tôi cố gắng giảng Đạo, người ta sẽ không nghe. Tuy nhiên, người ta theo Đạo không phải hoàn toàn do chúng ta, trái lại luôn luôn là do ơn Chúa. Chúa dùng chúng ta làm dụng cụ lôi kéo người ta đến với Chúa. Dụng cụ tốt mới kéo được cũng như xe tốt mới chuyện chở được, xe xấu chỉ làm hại công việc, có khi còn gây tai nạn.
Đức hoàng Phaolo VI đã nòi rõ ;” Người thời nay sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là những thầy daỵ . Nếu họ nghe lời thầy dạy thì bởi vì chính lời thầy dạy cũng lá nhân chứng “(Tông huấn Evangelii nuntiandi , số 41 ). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo 11 nói :” Chứng tá Tin Mừng mà thế giới cảm nhận được chính là thái độ lưu tâm đến con người và về lòng bác ái với người nghèo, những người nhỏ bé, những người đau khổ “ (Tông huấn Redemptoris missio, số 42 ).
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh