Câu
hỏi ấy vốn là đầu đề một bài hát được cất lên vào giây phút tĩnh lặng sau khi
rước Chúa trong Thánh Lễ : “Giờ này – đối
với tôi – Đức Ki-tô là AI rồi ?”
– sáng tác của tác giả Phao-lô Kim…
Người
viết thích hát, nhưng không có giọng và không đủ khả năng để xướng âm cho đúng
dấu – dân “ngoại đạo” với các thứ cung và bậc mà ! – nên các “Dì” không “phát”
sách cho mà hát…Tuy nhiên hễ bài hát nào lõm bõm đôi ba câu…thì cũng ngâm nga
nho nhỏ…Bài nào không biết…thì lắng nghe…
Hôm
ấy là sự lắng nghe về câu hỏi…mà ông nhạc sĩ Phao-lô Kim nào đó nêu lên và nó
có vẻ “ray rứt” ngay cả với kẻ “ngoại đạo” này !!!
“Ray
rứt” ở cái chữ “rồi” ! – “Giờ này – với tôi – Đức Ki-tô là AI rồi ?”
– nghĩa là câu chuyện về mối giao cảm giữa Đức Ki-tô và tôi…đã là chuyện dài,
lâu năm, lâu tháng…và giờ này, lúc này – Người là AI rồi – đối với tôi – một
cái “tôi” dày đặc những “vui – buồn –
ghen – hờn – yêu” ở từng ngày sống cùng với “thành công – thất vọng” trải qua…và nối kết những “lầm than – thanh nhàn”…để làm nên một cuộc đời với câu hỏi nhức nhối ấy : Giờ này – đối với tôi – Đức Ki-tô là AI rồi
???
“Chuyện
mỗi tuần” tuần XV/TN/A vừa qua, người viết loay hoay với câu chuyện về chủ đề
“Giáo Xứ và các Đoàn Thể đồng hành với Giới Trẻ” của tờ bản tin HĐGM – tờ Hiệp
Thông số 119 (tháng 7 & 8)…
Nếu
bảo rằng “chuyện đồng hành” cần được khai triển qua các phương tiện truyền
thông và mạng…thì có lẽ các Giáo Xứ không thể sánh được với các Dòng – nơi mà
nhân sự và phương tiện vừa chuyên nghiệp vừa dồi dào…Vả lại hầu như Giáo Phận
nào cũng có một Trung Tâm Mục Vụ to đùng của Giáo Phận – dù có nơi thì sử dụng
hết công suất để phục vụ và được trang bị khá là hiện đại với cả một đội ngũ những
người có chuyên môn về mọi lãnh vực con người – nhất là người giáo dân – cần,
có nơi thì “phòng không nhà trống”…với nhiều lý do, nhiều nguyên nhân – dù kinh
phí xây cất nên Trung Tâm thì cũng là từ lòng hảo tâm của bà con giáo dân…Vì thế
nên mới manh nha nỗi thắc mắc khi Trung Tâm Mục Vụ không đón tiếp các chương trình
huấn luyện các đoàn thể Tông Đồ Giáo Dân vẫn được tổ chức hằng năm : vậy thì
xây để làm gì ??? Mới đây người viết đọc thấy trên trang Công Giáo 24h về bản
tin Giáo Phận Phát Diệm tổ chức thi phim
tài liệu về “Giáo Xứ Quê Tôi” nhân dịp kỷ
niệm 125 năm thành lập Giáo Phận (năm 2026) và 400 năm Tin Mừng được rao giảng tại Phát Diệm (năm 2027)…Nghĩa là
Giáo Phận sẽ phải có một dự án lớn cho việc thực hiện cuộc thi cũng như bảo quản
tài liệu sau thi – một công trình tốn kém cả tiền bạc lẫn công sức…Thế nhưng dù
sao cũng là một sáng kiến có thể nói là “thức thời” vừa để khích lệ giới trẻ
trong chuyên môn tại các Giáo Xứ, vừa giúp gìn giữ những tài liệu…
Nêu
lên một vài nét như thế để mà an ủi nhau rằng : thôi thì Giáo Xứ trở về lại với
“căn tính” của mình giữa lòng cộng đồng giáo dân quen thuộc…như đã và vẫn từng
là NHÀ của mọi giới – và dĩ nhiên là của Giới Trẻ - dù Giới Trẻ ngày càng ít mặn
mà với Gia Đình của mình – gia đình huyết tộc cũng như gia đình tinh thần…
Cha
James H. Kroeger , MM có một tập sách nho nhỏ nhan đề “ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
và thưa tác vụ Linh Mục – Pope Francis and Priesthood” – trong đó ngài gom góp
10 vấn đề về tác vụ Linh Mục được Đức Giáo Hoàng huấn dụ dịp này dịp khác…Mười
vấn đề ấy là : 1 – Thả neo đời Linh Mục trong tương quan với Đức Kitô ; 2 – Như
một mục tử nhân lành, hãy gần gũi với dân chúng; 3 – Tìm sống một lối sống giản
dị và luôn sẵn sàng; 4 – Chấp nhận những giới hạn cá nhân và trở thành mẫu
gương của sự toàn vẹn; 5 – Biểu lộ niềm vui trong sứ vụ “nhận và trao ban niềm
cảm mến”; 6 – Tận tâm lo việc giảng dạy tốt; 7 – Cẩn thận giám sát bất cứ “bất
cứ vị trí và quyền lực giáo sĩ” nào anh em sở hữu; 8 - Chú trọng “lòng đạo đức
bình dân” của các kitô hữu; 9 – Hãy thực sự nhạy cảm với những người ở các
“vùng ven” và “bên lề”; 10 – Trong tất cả mọi sự, hãy là “một môn đệ truyền
giáo” chân chính…Do giới hạn của bài viết ngắn nói chuyện mỗi tuần…nên người viết
chi ghi lại cách tổng quát về 15 căn bệnh Đức Giáo Hoàng nhìn thấy nơi cuộc sống
của các nhà làm mục vụ nằm ở vấn đề thư VII, đấy là :
1
– bệnh “suy nghĩ chúng ta là bất tử” , “miễn nhiễm” hoặc “hoàn toàn không thể
thiếu được” – nó là “bệnh” của người tự cho rằng mình là lãnh chúa và thầy dạy,
nghĩa là nghĩ rằng mình luôn luôn “ở trên” những người khác chứ không phải là để
phục vụ họ…Căn bệnh phát xuất từ khát vọng quyền lực và sự tự tôn…
2
- bệnh “làm việc thái quá của Matta” :
luôn tìm cách để “ôm” vào mình mọi thứ…để rồi than thở về sự bận rộn của mình…
3
– bệnh về sự “cứng cỏi” – “hóa đá” nơi những con người mục tử đã “hóa đá trái
tim” và đánh mất những “tâm tình của Chúa Giê-su”…
4
– bệnh “kế hoạch thái quá và duy hiệu năng”…
5
– bệnh “kém hợp tác”…và “mất hiệp thông” với anh em khác…
6
– bệnh “suy thoái não bộ tâm linh” – quên đi lịch sử cứu độ, lịch sử quá khứ giữa
mình với Chúa, đánh mất ký ức về cuộc gặp gỡ giữa bản thân với Chúa…
7
– bệnh của “cạnh tranh và háo danh”…với khá nhiều những tước hiệu nhằm “đánh
bóng”…
8
– bệnh “tâm thần phân liệt hiện sinh” – căn bệnh của những người sống “một cuộc
sống nhưng có hai hay nhiều mặt”…
9
– bệnh “ngồi lê đôi mách, thích lẩm bẩm và hay nói hành hoặc tung tin đồn…”
10
– bệnh”thần thánh hóa giới lãnh đạo…với hy vọng bản thân được nương nhờ” – đây
là căn bệnh của những người theo chủ nghĩa nghề nghiệp và chủ nghĩa cơ hội…
11
– bệnh “dửng dưng với người khác” – căn bệnh làm mất đi sự chân thành và ấm áp
của các mối liên hệ nhân sinh…
12
– bệnh của “ một khuôn mặt đưa đám” – căn bệnh của những người cau có với một
khuôn mặt lúc nào cũng có vẻ nghiêm trọng đưa đến tình trạng luôn có những thái
độ nghiêm khắc, cộc cằn và cứng cỏi…với mọi người quanh mình…
13
– bệnh “tích trữ” – căn bệnh của người tìm cách lấp đầy con tim bằng việc tích
lũy của cải vật chất, không phải vì nhu cầu mà chỉ để hưởng cảm giác an toàn…
14
– bệnh của “những nhóm khép kín” chỉ lo củng cố “nhóm” mình – dĩ nhiên cả nhóm
tinh thần lẫn những liên hệ địa phương này, địa phương kia…
15
– bệnh “tim kiếm lợi lộc trần gian và phô trương” – căn bệnh của một Tông Đồ biến
sự phục vụ của mình thành quyền lực…và biến quyền lực thành hàng hóa nhằm đạt lợi
lộc hay thứ quyền lực lớn hơn…
Danh
sách những căn bệnh được liệt kê như một bản xét mình với những điểm nhấn gợi ý
để vị mục tử - hiện thân của Đức Giê-su trong ngôi nhà Giáo Xứ, nơi mục tử ăn, nói và làm với nỗ lực giúp những người
trong NHÀ Giáo Xứ nhìn thấy Chúa khi tiếp cận cha - có thể hằng ngày đặt mình
trước Chúa để mà nghiền gẫm, bởi chính Đức Phanxicô cũng đã từng chia sẻ : “
Không phải những sáng tạo mục vụ, hoặc các cuộc họp hay các kế hoạch có thể đảm
bảo hoa trái của chúng ta, nhưng chính sự
trung thành của chúng ta với Chúa Giê-su, Đấng đã lập đi lập lại: “Hãy ở lại trong Thầy và Thầy cư ngụ trong
anh em.” (Gio 15 , 9 – 17)…
Và
đấy cũng là nguyên nhân của câu hát nhiều ray rứt ấy : Giờ này – đối với tôi - Đức Kitô
là AI rồi ???
Lm
Giuse Ngô Mạnh Điệp.