Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

Chương I: Mục đích của tôi trên trần gian

Chương II: Tình bằng hữu với Thiên Chúa

Chương III: Các thành viên trong gia đình của Thiên Chúa

Chương IV: Nên giống Đức Kitô

Chương V: Tôi tớ của Thiên Chúa

Chương VI: Mang sứ điệp đến cho người khác

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích
Chương I: Mục đích của tôi trên trần gian

(Rick Warren, STĐMĐ., “Một Hành Trình Có Mục Đích” trang 15-19;

“Tôi Sống Ở Đời Này Để Làm Gì?” Ngày 1-7)

 

Giáo huấn và thực hành của Hội Thánh Công Giáo trùng khớp với một vài phần trong thông điệp của Rick Warren ở cuốn sách Sống Theo Đúng Mục Đích của ông, đồng thời cũng có vài điểm va chạm. Tuy nhiên, tương đồng thì nhiều hơn bất đồng.

 

Chương này và những chương kế tiếp sẽ đưa ra một cái nhìn của Hội Thánh Công Giáo trên ấn bản của Rick Warren. Nó sẽ xác nhận và phong phú hoá những phần mà cả hai phía xem ra trùng khớp. Nó cũng sẽ giải thích và làm sáng tỏ những điểm mà xem ra hai bên có vẻ va chạm.

 

Những Khác Biệt và Những Minh Định

 

* Quan phòng và Tự do

 

            Trong cuốn sách của mình, Mục sư Rick Warren nhấn mạnh rằng, Thiên Chúa có một kế hoạch chính xác cho mỗi người chúng ta, “Thiên Chúa đã vạch vẽ từng chi tiết cho thân thể bạn”. Ông nói, Thiên Chúa định liệu cho ngày sinh, ngày tử, nơi sinh, nơi sống của chúng ta. Ông cho rằng, mọi yếu tố trong cuộc đời chúng ta là cái làm nên kế hoạch và mục đích của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tuy nhiên, ông nhận thức rất rõ rằng, Đấng Tạo Thành đã tính trước những sai phạm và tội lỗi của con người (Ngày 2).

 

            Mặt khác, người Công giáo, vật lộn để quân bình niềm tin của mình vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa và vào tự do, quà tặng Ngài ban cho con người. Chúng ta đón lấy thách đố đó như một mầu nhiệm, như một khía cạnh thần thiêng vốn không bao giờ hiểu được trọn vẹn trong cuộc đời này.

            Làm sao một Thiên Chúa siêu việt hằng ở với chúng ta, dẫn dắt, bảo vệ chúng ta lại có thể lùi bước, dung túng và trân trọng tự do của chúng ta để rồi đặt ra bao lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc đời này?

            Sự hòa quyện nhiệm mầu giữa quan phòng và tự do trở nên khó hiểu nhất vào thời điểm khi các tai hoạ xảy ra - khi một đứa bé bất chợt rơi xuống từ một toà nhà năm tầng và chết đi, khi một người phải thương vong vì một anh tài xế say rượu, khi những tay khủng bố đâm hai chiếc máy bay vào Toà Nhà Tháp Đôi của thành phố New York.

            Cuộc tấn công ngày 11.9 làm cho người Mỹ càng chăm chú hơn vào vấn đề gai góc này. Một số người kêu lên, “Làm sao Thiên Chúa có thể làm điều ấy? Sao Thiên Chúa lại để cho điều ấy xảy ra?” Cha mẹ của đứa trẻ xấu số và gia đình của nạn nhân chết vì tai nạn xe cũng như bao người khác phải sững sờ bởi những biến cố đen tối tương tự có thể đặt ra cũng những câu hỏi đó.

            Câu trả lời khi cho đây là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa; hoặc một Thiên Chúa nhân lành đang triệu hồi con người về hầu như chẳng an ủi chút nào những ai đang u buồn và xem ra nó cũng không chính xác về mặt thần học.

           

Có lẽ sẽ đúng hơn khi tưởng tượng Thiên Chúa đang nói rằng:

            “Tai hoạ 11.9 không dính dự gì trong chương trình của Ta. Lẽ ra Ta có thể ngăn chận thảm hoạ này, nhưng khi làm vậy, Ta đã lấy mất tự do nơi con người, lấy mất khả năng yêu thương hay thù ghét để nó chọn lựa giữa điều thiện và điều ác. Vậy mà, một khi con người đã chọn lựa và biến cố đã xảy ra, Ta sẽ rút điều lành từ điều dữ, lấy ánh sáng từ bóng tối. Và Ta ở gần những con tim tan vỡ, những ai đang cạn kiệt tinh thần, hầu ban cho họ sức mạnh, can đảm và an ủi”.

 

* Ai sẽ được cứu độ?

 

Có lẽ khác biệt sâu sắc nhất giữa những gì Rick Warren nêu ra trong cuốn sách của ông và những gì Hội Thánh Công Giáo dạy là vấn đề ơn cứu rỗi. Ai sẽ được cứu rỗi? Ai sẽ lên thiên đàng?

            Tác giả hứa hẹn, “Trên thiên quốc, chúng ta sẽ được sum họp với những người thân yêu là các tín hữu”. Như tôi đã chỉ ra trong phần Dẫn Nhập, “Ở lời quả quyết ấy, tôi đọc thấy một sự chấp nhận điều mà các nhà giảng thuyết Tin Lành nói chung xem ra vẫn tin và dạy: chỉ những ai minh nhiên nhận Đức Giêsu làm Đấng Cứu Thế mới được nhận lãnh phần thưởng thiên đàng” (Ngày 4).

            Giáo huấn chính thức hiện hành của Hội Thánh Công Giáo đi theo một lối khác.

            Khoảng nửa thế kỷ trước, Cha Leonard Feeney, một Linh mục trở lại từ Tân Anh giáo cho rằng, chỉ những ai thực sự là chi thể của Hội Thánh Công Giáo mới được cứu rỗi và vào thiên đàng. Câu Latin “Extra ecclesiam nulla salus”, “Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu rỗi” tóm tắt lập trường của ngài. Ngài mạnh mẽ biện hộ và giảng dạy ý tưởng đó và được nhiều người ủng hộ. Cuối cùng, Toà Thánh bác bỏ quan điểm của ngài và ra lệnh ngài rút lại cũng như ngưng giảng dạy điều ấy.

            Bản toát yếu hiện hành nhất về giáo huấn chính thức của Hội Thánh là sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Vang vọng giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II bốn mươi năm về trước, một đoạn vắn gọn đã tóm kết lập trường hiện nay của Hội Thánh về vấn đề “Ai sẽ được cứu rỗi?”. Đang khi không phủ nhận tầm quan trọng và giá trị việc thừa nhận Hội Thánh và Đức Giêsu là Chúa, Hội Thánh vẫn cho rằng, cửa thiên đàng rộng mở cho tất cả mọi người, đó là những ai trung thành bước theo ánh sáng mà Thiên Chúa đã soi chiếu tâm hồn họ.

            Vì Đức Giêsu đã chết cho mọi người, và vì mọi người thực ra, được kêu gọi nên một và có cùng một định mệnh, định mệnh thần linh, thì chúng ta phải xác tín rằng, chính Thánh Thần trao tặng cho tất cả mọi người khả năng đồng hành trên con đường đến với Thiên Chúa, nghĩa là cùng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh. Những ai không biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Hội Thánh của Ngài nhưng lại tìm kiếm chân lý và thi hành ý muốn của Thiên Chúa theo cách thức họ hiểu biết về thánh ý Ngài vẫn có thể được cứu rỗi. Điều đó có thể giả thiết rằng, những người đó ước ao lãnh nhận Bí tích Rửa tội một cách rõ ràng nếu họ biết trước sự cần thiết của nó (Mục 1260).

 

Xác nhận và Phong phú hoá

 

* Bốn mươi ngày thánh

 

            Mục sư Rick Warren thường trích dẫn những ví dụ lấy từ Kinh Thánh, qua đó, những cá nhân hoặc những nhóm người được biến đổi nhằm chuẩn bị cho một biến cố thánh thiêng độc đáo nào đó trong chương “Một Hành Trình Có Mục Đích”.

            Như Mục sư cộng đoàn Saddleback nhận xét, 40 ngày có một ý nghĩa đặc biệt trong Kinh Thánh. Noe trải qua 40 ngày trong tàu và Môisen 40 ngày trên núi Sinai; Thiên Chúa cho Ninivê 40 ngày để thay đổi; Đức Giêsu chuẩn bị cho sứ vụ công khai của Ngài bằng 40 ngày cầu nguyện và ăn chay trong hoang địa; và sau phục sinh, Ngài tiếp tục biến đổi môn đệ của Ngài trong 40 ngày cho đến lúc Ngài về trời cùng Chúa Cha.

            Với người Công giáo, mùa Chay cũng có tầm mức như thế. Chúng ta có được con số 40 khởi đầu Thứ Tư Lễ Tro đến Lễ Phục Sinh, trừ ra những ngày Chúa Nhật. Ngày Chúa Nhật mang ý nghĩa cử hành hân hoan biến cố Phục Sinh hơn là việc thanh luyện linh hồn mang tính thống hối. Quả vậy, một vài đấng bậc đề nghị chúng ta tạm ngưng những việc hy sinh mùa Chay vào những ngày Chúa Nhật rồi lại giữ chúng vào các ngày thứ Hai. Bằng cách đó, mỗi tuần, chúng ta gợi lại cho mình cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên tội lỗi và sự chết, và rồi, khởi sự lại, bắt đầu một tuần mới cho việc thực hành thống hối.

            Mục đích chung của việc cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái trong mùa Chay gồm hai phần: trước hết, nhằm chuẩn bị nghi thức nhập đạo để lãnh nhận Bí tích Rửa tội (cho người trưởng thành gia nhập Hội Thánh) hoặc làm mới lại những lời hứa của Bí tích này (cho những người đã là chi thể của Hội Thánh); thứ đến, để đi vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô cách sâu xa hơn. Phần đầu của mùa Chay tập trung vào những khía cạnh của Bí tích Rửa tội; phần sau của mùa này tập trung vào sự đau khổ của Đức Giêsu.

 

* Các Hội Thánh Tin Lành lớn hay đa năng

 

            Charles Truehart, một phóng viên phái Giám Lý, dành một năm để nghiên cứu một vài “Hội Thánh Tin Lành có thể phục vụ số tín đồ hơn 2,000 người về mọi mặt” ở Mỹ. Bài tiểu luận ông viết cho nguyệt báo Atlantic Monthly đã mô tả một vài yếu tố chung cho tất cả những cộng đoàn này: bãi đậu xe rộng lớn, quang cảnh hấp dẫn, tầm nhìn rõ ràng, các phòng tắm sáng sủa, hiếu khách, thánh ca quen thuộc, giảng dạy thực tế và rất nhiều nhóm giúp chữa trị các vấn đề thực tế cho thành viên chẳng hạn như những người nghiện ngập hoặc những thách đố hôn nhân.

            Không nghi ngờ, cộng đoàn Saddleback bao hàm những tố chất này; nhưng Mục sư Rick Warren đã phát động và phát triển cộng đoàn tín hữu đông đảo của mình (22,000 thành viên) qua các nhóm nhỏ khi họ gặp nhau mỗi tuần để cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa và thảo luận.

            Một chiều kích ấn tượng của cộng đoàn Saddleback và kế hoạch của Rick Warren là sự quan tâm đến những người đang gặp khó khăn tại cộng đoàn này và cả ở ngoại quốc. Chẳng hạn, nhân sự và những khoản tiền cứu trợ lớn đã và đang được trao tặng để giúp đỡ những nạn nhân của cơn bão Katrina và nạn nghèo đói ở Phi châu.

            Một vài giáo xứ Công giáo nhìn xa trông rộng cũng đã thực hiện một số phương pháp mục vụ thành công này dẫu gặp rất nhiều giới hạn bởi những lý do thực tế. Đối với những cộng đoàn lớn thì cộng đoàn nào mới lập, rộng rãi, ở vùng ngoại ô sẽ có nhiều cơ may hơn để áp dụng một số phương pháp này. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các linh mục khiến các giáo xứ gắn bó với nhau hơn, từ đó dẫn đến việc xây dựng một cộng đoàn đông đảo biết chăm sóc cho những đơn vị nhỏ hơn. Nhìn vào kiểu mẫu của những cộng đoàn đa năng anh em, những người lập kế hoạch đó hy vọng rằng, các cộng đoàn Công giáo cũng làm được như thế. Chúng ta còn phải chờ xem liệu những thử nghiệm đó có thành công hay không.

            Nói chung, giới lãnh đạo Công giáo thán phục với cả lòng kinh ngạc lẫn nghi ngại về sự lớn mạnh và sức sống đáng chú ý của những cộng đoàn lớn như Saddleback, vì biết rõ một số thành viên của cộng đoàn này trước đây là người Công giáo.

 

 

* Nhiều Bản dịch Kinh Thánh

 

Xuyên suốt cuốn sách của mình, Rick Waren trích dẫn Kinh Thánh từ khoảng 15 bản dịch Kinh Thánh khác nhau. Học giả hiện đại ngày nay dịch Kinh Thánh từ những cổ ngữ. Một số bản dịch được người Công giáo chấp nhận và sử dụng. Bản phổ thông nhất là “The New American Bible” được dịch từ những cổ ngữ với việc sử dụng có cân nhắc tất cả những nguồn tài liệu cổ”, và được các Giám mục Hoa Kỳ chấp nhận.

            Tuy nhiên, các buổi thờ phượng của người Công giáo, cách riêng là Phụng vụ Thánh Thể hoặc Thánh lễ, lại phải dùng một bản dịch riêng cho các bài đọc trong Sách Các Bài Đọc đã được các Giám Mục Hoa Kỳ và thẩm quyền của Toà Thánh phê chuẩn. Đang khi người Công giáo tự do sử dụng các bản dịch khác cho việc đọc hoặc nghiên cứu Kinh Thánh riêng, thì tuần này sang tuần khác, theo một chu kỳ ba năm, họ lắng nghe các trích đoạn Kinh Thánh trong Sách Các Bài Đọc.

            Trong thập niên qua, vẫn có nhiều tranh luận khá mạnh mẽ trong Hội Thánh Công Giáo về lối dịch thuật của Sách Các Bài Đọc chính thức. Những tranh luận ấy, một mặt, xoay quanh việc sử dụng ngôn ngữ bao quát sao cho dễ hiểu hơn; mặt khác, là giá trị tương đối của việc dịch từ chương bản gốc tiếng Latin theo câu chữ chứ không dịch theo ngôn ngữ mang tính đương đại hơn.

 

* Sản phẩm chứ không phải là tù nhân của quá khứ.

 

Rick Warren nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa thành thạo trong việc cho con người làm lại một khởi đầu tươi mới” hoàn toàn trùng khớp giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về lòng thương xót của Đức Giêsu như Đấng Cứu Độ và là lời hứa của Thiên Chúa quan tâm đến những gì cần thiết mai ngày cho chúng ta (Ngày 3). Nhiều vị linh hướng thường đưa ra lời khuyên thực tế này cho những ai đến với mình: “Hãy đặt quá khứ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy đặt tương lai vào sự quan phòng của Ngài và hãy sống giây phút hiện tại một cách tràn đầy”.

 

Tội lỗi

 

            Như Rick Warren nói rõ, chúng ta là những sản phẩm, chứ không phải là những tù nhân của quá khứ.

            Hơn ba mươi năm qua, tôi tổ chức những cuộc tĩnh tâm hay truyền giáo hằng năm cho các cộng đoàn giáo xứ đó đây trong nước. Họ bắt đầu với một bài giảng trong tất cả các Thánh lễ cuối tuần và theo sau là ba buổi tối gặp gỡ. Sứ điệp tối thứ Bảy và sáng Chúa Nhật tập trung vào đề tài “Không đau thương thì không gặt hái”: Tội lỗi và Sai phạm, Tha thứ và Bình an”. Sau khi chứng minh sự cần thiết và bản chất có ý nghĩa lành mạnh của tội lỗi bằng rất nhiều ví dụ, tôi mô tả tội thật và tội giả, minh hoạ nỗi đau sâu xa mà tội gây nên cùng với sự cần thiết tất yếu được Thiên Chúa tha thứ và chữa lành. Tiếp đến, bài giảng tìm cách xây dựng một hình ảnh yêu thương nơi Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, Đấng thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót vốn có thể vừa tha thứ tội lỗi vừa chữa lành tâm hồn chúng ta qua lời nói và việc làm của Ngài. Bài giảng cũng trình bày Bí tích thống hối, hoà giải hoặc xưng thú của Hội Thánh Công Giáo như một lời mời gọi.

            Sứ điệp nói đến hiện tại, nhưng với một số ít những ai đang mang lấy gánh nặng tội lỗi và sai phạm, đôi khi trong nhiều năm, nó lại tác động một cách đặc biệt. Những phản ứng tích cực cho lối trình bày này thật đáng khích lệ.

            Lá thư này là một minh hoạ khá xúc động:

                       

            Con cảm thấy buộc phải viết ra một đôi dòng để nói với cha về những đổi thay xảy đến trong đời con. Có thể cha không còn nhớ con, nhưng một vài tuần trước đây, sự cầu bầu của cha với Chúa đã thay đổi cuộc đời con. Con đã phải mang gánh nặng tội lỗi hơn năm mươi năm và tuần tĩnh tâm đã mang cho con sức mạnh và can đảm để lãnh nhận Bí tích Hoà giải. Con đã cầu nguyện rất rất nhiều để có thể làm điều đó, để cất đi nỗi đau và tội lỗi con cảm nhận - và Chúa đã dẫn con đến với cha và cuộc tĩnh tâm. Cuộc sống con đã thay đổi. Con cảm thấy bình an và gần Chúa hơn. Xin Chúa chúc lành cho cha và công việc tốt lành cha đang làm nhân danh Ngài. Cha mãi mãi ở trong lời cầu nguyện của con.

 

Giận hờn

 

            Tất cả chúng ta đều mang thương tích hoặc bị tổn thương trong quá khứ bởi lời nói, việc làm hoặc bị ai đó bỏ rơi. Điều đó có thể tạo nên giận hờn, hay tệ hơn, thù ghét. Chừng nào chưa giải tỏa những thái độ hay cảm xúc nội tâm này, chúng ta sẽ không bao giờ có được bình an sâu lắng. Hơn thế nữa, Rick Warren bảo rằng, bằng cách ấy, chúng ta có thể bị oán hờn hay giận dữ thúc đẩy.

            Thật không may, như một máy hát, tâm trí chúng ta có xu hướng mở lại những biến cố hay những cảm nghiệm đau lòng vốn làm tỉnh dậy những cảm nhận bên trong này. Tập trung vào giây phút hiện tại, và chủ động hướng tâm trí khỏi quá khứ có thể xua tan cái tiêu cực, giúp chúng ta có khả năng tiến về phía trước với sự thanh thản và có đích hướng.

 

Dứt bỏ

 

            Tại một khoá với hơn 100 người thảo luận cuốn Sống Theo Đúng Mục Đích, một vài người nói rằng, giáo huấn của cuốn sách nói đến việc ít ràng buộc với đời này, lúc này để tập trung nhiều hơn vào vĩnh cửu đời sau tạo nên một tác động tức thời trên cuộc sống của họ. Cách riêng, một người thấy rất hữu ích ở câu chuyện chiếc cúp quần vợt của James Dobson - vốn được trưng bày ở phòng chiến tích của nhà trường, nhưng vài năm sau đó, trong cuộc tái thiết trường, đơn giản là nó được dọn đi và ai đó đã ném vào sọt rác (STĐMĐ. tr.44).

 

* Tập trung vào vĩnh cửu

 

            Về nét tương tự thì việc vị Mục sư Saddleback này nhấn mạnh đến khát vọng bất tử của con người và dự định của Thiên Chúa cho tương lai trường cửu của chúng ta song song gần gũi với giáo huấn và thực hành của Hội Thánh Công Giáo (Ngày 4). Rick Warren nói, “Tự bẩm sinh, bạn đã có bản năng khao khát bất tử” tương phản với thời gian ngắn ngủi tương đối của chúng ta trên trần gian với niềm hy vọng chúng ta “sẽ sống mãi trong cõi đời đời”.

            Đức Ông Lorenzo Albacete, Linh mục, nhà giáo dục và người phụ trách chuyên mục tờ báo New York Times, trong cuốn sách “God at The Ritz”: Attraction to Infinity” của ngài, thường xuyên lưu ý rằng, trái tim con người khao khát cái muôn thuở, vĩnh cửu và bất tử. Hơn thế nữa, những lễ nghi của Hội Thánh Công Giáo từ phép Rửa tội cho đến lễ an táng và liên tục ở giữa hai biến cố đó đã không ngừng nói lên rằng, ân sủng cho phép chúng ta hưởng nếm trước thiên đàng và một lời hứa về sự sống đời đời sẽ đến.

            Chương này, nói đến phần thứ nhất của cuốn Sống Theo Đúng Mục Đích, cho thấy rằng, Hội Thánh Công Giáo hoàn toàn đồng ý với nhiều giáo huấn của Mục sư Rick Warren. Tuy nhiên, nó cũng trình bày khái quát cái nhu cầu hay ít nữa cho thấy cái lợi ích khi có một cái nhìn của Hội Thánh Công Giáo về một vài điểm trong cuốn sách của Rick Warren.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!