Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

Chương I: Mục đích của tôi trên trần gian

Chương II: Tình bằng hữu với Thiên Chúa

Chương III: Các thành viên trong gia đình của Thiên Chúa

Chương IV: Nên giống Đức Kitô

Chương V: Tôi tớ của Thiên Chúa

Chương VI: Mang sứ điệp đến cho người khác

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích
Chương VI: Mang sứ điệp đến cho người khác

(Rick Warren, STĐMĐ, Mục đích # 5

“Bạn Được Tạo Dựng Cho Một Sứ Mệnh” Ngày 36-40) 

 

Phần lớn người Công giáo chúng ta không thấy có sự bất đồng nào với phần cuối của Mục sư Rick Warren khi ông nói đến sứ mệnh đem sứ điệp Tin Mừng Đức Giêsu đến cho người khác. Tuy nhiên, họ cảm thấy khá xa lạ với những lời lẽ có phần cường điệu của ông, thậm chí, cách nào đó làm họ khó chịu. 

 

Những Khác Biệt và Những Minh Định 

 

Khi định nghĩa và mô tả từ “sứ mệnh”, Rick Warren coi sứ vụ là việc phục vụ những người tin, và sứ mệnh là việc phục vụ những người chưa tin (Ngày 36). 

Hai thuật ngữ này nhằm mô tả những người vừa tin vào Đức Giêsu vừa đem sứ điệp của Ngài đến cho người khác: môn đệ và tông đồ.

 

Môn đệ là những người lắng nghe và đi theo Đức Giê-su; tông đồ là những người được Ngài sai đi loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới. 

Nơi rửa tội lâu đời của Nhà thờ Chánh Toà Syracuse còn lưu giữ một bức khảm hiếm hoi đầy tính sáng tạo và hấp dẫn trên cả hai bức tường với một trích dẫn Kinh Thánh trên lối vào. 

Một bức hình Chúa Kitô Phục Sinh đứng thẳng, bao quanh Ngài là hai cây trĩu nặng quả cùng với rất nhiều chim và bướm - biểu trưng sự sống. 

Ở bức đối diện, mười một tông đồ đứng trong trạng thái ngỡ ngàng với con chim bồ câu, bồn nước rửa tội và hình con cá ở tâm của bức khảm. 

Trên lối vào, câu Tin Mừng Matthêu nói đến sứ vụ của các môn đệ: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mt 28,16-20). 

Lưu ý, chỉ có mười một tông đồ. Đây là lần hiện ra của Chúa Kitô sau biến cố Phục Sinh; Giuđa đã tự vẫn, các tông đồ chưa chọn ra người thay thế. Cho nên, sẽ là mười một thay vì mười hai. 

Giờ đây, các tông đồ này lại được sai đi, được uỷ thác, được lệnh truyền thi hành sứ mệnh. 

Như mục sư Warren đã lưu ý, từ ngữ sứ mệnh truy nguyên từ một động từ Latin “Mitto… missum” có nghĩa là sai đi, đang sai đi, đã sai đi. 

Câu Latin giải tán cuối Thánh lễ “Ite missa est” hiện thời được dịch là “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. 

Vậy thì, thuật ngữ sứ mệnh đâu có xa lạ với những người Công giáo. Chúng ta thường áp dụng từ ngữ này cho những hoạt động chẳng hạn như các dự án truyền giáo, việc phục vụ giáo xứ và quyên góp cho việc truyền giáo. 

Rick Warren thuật lại câu chuyện cảm động của cha mình, một nhà giảng thuyết đã hơn năm mươi năm mà hầu hết là ở những xứ nhỏ, với niềm đam mê của ông là xây những ngôi nhà thờ nhỏ trong các vùng “truyền giáo” hải ngoại. Cho dù, suốt cả chuỗi đời, ông đã chứng kiến được 150 ngôi nhà thờ, vậy mà vào những ngày cuối cùng trước khi từ biệt bởi chứng ung thư, ông không ngừng lặp lại rằng, “Thêm một nữa cho Chúa Giêsu”. Liệu ông muốn nói thêm một linh hồn hay một ngôi nhà thờ, điều đó không thấy xác định.  

Nhưng rồi, vào những khoảnh khắc cuối đời, ông đặt tay trên đầu con trai và lặp lại câu đó. 

Rõ ràng, Mục sư Cộng Đoàn Saddleback này đã theo kịp lòng nhiệt tâm truyền giáo của người cha giảng thuyết. 

Đang khi một Linh mục Công giáo hay một giáo dân điển hình nào đó có thể không tỏ cho thấy một tinh thần truyền giáo mạnh mẽ tương tự, thì nhìn chung, một cách đặc biệt, Hội Thánh và các cộng đoàn giáo xứ địa phương rất ủng hộ những nỗ lực truyền giáo.

 

·        Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin luôn hướng dẫn, động viên và ủng hộ các nhà truyền giáo trên thế giới.

·        Hằng năm, vào mùa thu, mọi giáo xứ ở Mỹ dành cuộc quyên góp đặc biệt hay bổ sung giúp cho quỹ truyền giáo.

·        Chắc hẳn tất cả các giáo phận trên nước Mỹ đều tham gia “Chương Trình Hợp Tác Truyền Giáo”, qua đó, mỗi năm Chương Trình này gửi đến mỗi giáo xứ một thuyết trình viên nói đến công cuộc truyền giáo vào một dịp đặc biệt cuối tuần.

·        Các uỷ ban truyền giáo Mỹ, như Maryknoll, gởi các giáo sĩ và tông đồ giáo dân đến nhiều nơi trên toàn thế giới hầu Tin Mừng đến được những nơi xa xôi.

·        Con số các giáo phận và giáo xứ đỡ đầu các cộng đoàn giáo phận, giáo xứ trong các nước nghèo đang gia tăng. Qua đó họ giúp đỡ tài chánh, vật dụng và nhân sự cho các cộng đoàn này.

 

Những nỗ lực này trở nên mờ nhạt khi đem sánh với kế hoạch của Mục sư Rick Warren khi ông có 500 nhóm nhỏ thuộc Cộng Đoàn Saddleback đỡ đầu cho những ngôi làng ở Rwanda. Phần lớn những người Công giáo đó không có được một bầu nhiệt huyết truyền giáo như Rick Warren, tuy nhiên, họ cũng đảm nhiệm nhiều hoạt động thuộc môi trường truyền giáo, dẫu ở đó vẫn còn nhiều giới hạn trong việc lớn lên và phát triển.

 

* Ngày Tận Thế

 

          Như chúng ta biết, Hội Thánh Công Giáo rất nghi ngờ những điềm gỡ mà nhiều nhà tiên tri báo trước cuộc giáng lâm gần kề của Đức Kitô và ngày tận thế.

Tương tự, Rick Warren phủ nhận những lời tiên báo này và trích dẫn hai đoạn Kinh Thánh để bảo vệ cho lập trường của ông (STĐMĐ., tr. 360-361).

          Trong sách Công Vụ Tông Đồ, ngay trước lúc Chúa Giêsu về trời, các môn đệ hỏi rằng, “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”, Ngài đáp, “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1, 6-7).

          Trong Tin Mừng Mathêu, Đức Giêsu bảo, “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24, 36).

          Như Barclay, một học giả Kinh Thánh Tin Lành nổi tiếng nhận xét, nếu Đức Kitô tự Ngài đã không biết ngày đó, giờ đó, hà cớ sao loài người hay chết chúng ta lại mong biết điều ấy.

          Hẳn Hội Thánh Công Giáo hưởng ứng lối giải thích này. Tuy nhiên, Rick Warren lại đi quá xa khi nhấn mạnh Đức Giêsu sẽ không trở lại cho đến khi Tin Mừng được loan báo thấu tới tất cả mọi dân tộc. “Khi đó ngày tận cùng sẽ đến” (Mt 24, 14).

          Theo Mục sư Warren, việc chờ mong lệch lạc về một ngày tận thế gần kề nào đó không nên được vận dụng như một lý do hầu tránh né những nỗ lực truyền giáo. Ngoài ra, những lời của Đức Kitô về thời khắc sẽ đến của ngày tận thế sẽ là động cơ thúc đẩy các tín hữu đi đến những nỗ lực truyền giáo lớn lao hơn.

 

Đồng ý và Khẳng định

 

* Những Chứng Từ Cá Biệt

 

     Hiểu được sức mạnh của những chứng từ của từng cá nhân trong việc thuyết phục và tác động người khác, Rick Warren là người ủng hộ mạnh mẽ chúng. Ông cũng đưa ra một bảng hướng dẫn rõ ràng để giúp người khác suy nghĩ và khai triển những câu chuyện vốn đã trở thành riêng tư của người đó (Ngày 37).

     Đây là khung đề nghị của ông cho một chứng từ:

1.    Trước khi gặp Đức Giêsu, cuộc sống của tôi thể nào?

2.    Làm sao tôi biết tôi cần Đức Giêsu?

3.    Tôi cam kết đời tôi với Đức Giêsu thế nào?

4.    Đức Giêsu đã thực hiện biến đổi nào trong đời tôi?

     Sau đó Rick Warren đưa ra một số câu hỏi gợi ý nhằm kích thích trí nhớ người đọc, đồng thời giúp họ bắt đầu phát triển hình thành những chứng từ:

·        Chúa dạy tôi điều gì từ thất bại?

·        Chúa dạy tôi điều gì từ việc thiếu hụt tiền bạc?

·        Chúa dạy tôi điều gì từ đau khổ, u buồn và chán nản?

·        Chúa dạy tôi điều gì từ việc phải đợi chờ?

·        Chúa dạy tôi điều gì từ bệnh tật?

·        Chúa dạy tôi điều gì từ thất vọng?

·        Tôi học được điều gì từ gia đình, cộng đoàn, các mối tương quan, nhóm nhỏ của tôi và từ những người phê phán tôi?

    

Với giới Công giáo chúng ta, việc sử dụng những chứng từ cá nhân cũng đang phát triển dần tại các dịp lễ hoặc các sự kiện.

·        Phần cốt lõi của việc biểu lộ “Tâm Tình Tạ Ơn Thiên Chúa về Những Hồng Ân Ngài ban” là một chứng từ của anh chị em giáo dân, những người bước từng bước trong đức tin, bắt đầu bằng việc bỏ tiền oi và như kết quả cho thấy, họ cảm nhận bình an và niềm vui.

·        Vào những buổi cử hành Nghi Thức Khai Tâm Cho Người Trưởng Thành, mỗi lớp luôn luôn có phần chia sẻ chứng từ của một người đã trở lại đạo nhiều năm trước đó.

·        Ở các nhóm Tự Nguyện, Đội Bảo Vệ hay Truyền Giáo Cuối Tuần, các giáo xứ thường yêu cầu đương sự nói lên lý do tại sao họ tham gia công việc này, hoặc công tác này đã ảnh hưởng trên họ một cách tích cực như thế nào.

·        Những người thuộc các nhóm Canh tân Đặc sủng Công giáo lắng nghe và hưởng ứng chứng từ của các thành viên về những hành trình thiêng liêng của họ.

·        Những người thuộc các nhóm Mười Hai Bước đón nhận những chứng từ của những người đang cai nghiện.

·        Một đời sống thiêng liêng thấm nhuần ý tưởng mang tính thần học, “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy lòng nhân hậu của Chúa để chúng con được ơn cứu sống” khuyến khích những người tham dự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày. Tiến trình đó đến lượt lại tạo nên những chất liệu cho các chứng từ cá nhân về sau.

 

 

* Đẳng Cấp Thế Giới / Tầm Nhìn Thế Giới

 

Thật hiển nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới, một xã hội mang tính thị trường toàn cầu. Đến thăm thành phố New York, thử coi nơi sản xuất các mặt hàng và thử liếc nhìn kênh truyền hình CNN với những tường trình trực tiếp tại chỗ… cho thấy thế giới hôm nay là một ngôi nhà chung.

          Rick Warren vận dụng thực tế thời sự đó khi ông nhấn mạnh về những nỗ lực truyền giáo đẳng cấp thế giới (Ngày 38).

          Như tôi đã đề cập, ước ao của ông là liên kết những nhóm nhỏ của Cộng Đoàn Saddleback để đỡ đầu những cộng đoàn nhỏ ở Rwanda. Thế nhưng, kế hoạch của ông lớn lao hơn nhiều. Ông đang nghĩ đến một nỗ lực tình nguyện quy mô mang tính toàn cầu, Dự Án Hoà Bình, “biến 400,000 nhà thờ ở 47 quốc gia thành những trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho những người nghèo, và thậm chí biến họ thành những doanh nhân” (Time, ngày 22/8/2005, tr. 59).

          Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã và đang có những nỗ lực như thế để trợ giúp những cọng đoàn ở các nước đang phát triển trong nhiều thập niên qua, mặc dầu ở một mức độ ít quy mô hơn.

* Hiệp Hội Thế Giới Truyền Giáo (thuộc Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin) đã từng phát hành một tràng chuỗi mân côi nhiều màu và gợi ý cho những ai lần chuỗi hãy dâng mỗi mười kinh để cầu nguyện cho một lục địa nào đó.

* Nhiều cộng đoàn khác đề nghị mỗi chục kinh mân côi được dành để cầu nguyện cho mỗi nước khác nhau.

          + Việc quyên góp hằng năm vào Mùa Chay, trong đó phần Bát Gạo Người Nghèo dành cho tổ chức Cứu Tế Công Giáo đã tạo nên những ngân quỹ đáng kể giúp cho những người thiếu thốn trong các nước nghèo có thể tự lực cánh sinh. Bát Gạo Người Nghèo còn kết hợp với lời cầu nguyện, ăn chay, các công việc bác ái cùng việc giáo dục nhắm đến những con người và những địa danh bên ngoài quốc gia.

          + Một số giáo xứ trích mười phần trăm tiền oi hằng tuần để góp vào quỹ, quỹ này sẽ được phân phát đồng đều mỗi tam cá nguyệt cho các nhóm có nhu cầu ngoài giáo xứ, giáo phận và quốc gia. Các giáo xứ đó cũng khuyến khích người nhận phản hồi bằng những thông tin hay hình ảnh niêm yết trên Bảng Thế Giới Truyền Giáo ở các lối vào nhà thờ.

          + Những buổi Cầu Nguyện Chung cuối tuần hay Lời Nguyện Tín Hữu trong Thánh lễ đã nhắc đến hoặc cần lưu ý nói lên mối quan tâm đến các cộng đoàn Hội Thánh trên toàn cầu một cách sao cho phù hợp.

 

* Những Nhóm Nhỏ và Việc Viết Nhật Ký

 

Trong Ngày 39, giữa những cách thức khác nhau để quân bình cuộc sống, Mục sư Rick Warren khuyến khích việc tham gia vào một nhóm nhỏ và viết nhật ký thiêng liêng.

          Ông nói, cách tốt nhất để thấm nhuần các nguyên tắc của Sống Theo Đúng Mục Đích là thảo luận chúng với những người khác trong mô hình một nhóm nhỏ. Bằng cách ấy, họ có thể cho và nhận ý kiến phản hồi, thảo luận những mẫu gương trong đời thường, cầu nguyện, động viên và nâng đỡ nhau khi họ sống cho những nguyên tắc này (STĐMĐ., tr. 387-388).

          Đối với những người Công giáo, khái niệm các nhóm nhỏ đã bắt đầu trong thời gian gần đây ở miền trung và miền nam nước Mỹ. Ít lâu sau, nó xuất hiện với một hình thức thích ứng hơn ngang qua tiến trình CANH TÂN. Giáo Hội tiểu bang New Jersey đã sớm dựa vào tổ chức đó để đem những kinh nghiệm nhóm nhỏ này đến nhiều giáo xứ và giáo phận Hoa Kỳ, cũng như giờ đây, ở nước ngoài. Sau khi tiến trình CANH TÂN chấm dứt, hệ thống nhóm nhỏ vẫn được duy trì trong các giáo xứ, nhưng không ở một cấp độ rộng lớn.

          Tuy vậy, nhiều vị lãnh đạo Hội Thánh Công Giáo ngày nay xem tiến trình nhóm nhỏ này như một chìa khoá để làm sống lại đời sống giáo xứ khắp đất nước Mỹ.

          Rick Warren cũng mạnh mẽ khuyến khích việc duy trì nhật ký thiêng liêng. Tiến trình đó củng cố bước tiến triển của chúng ta, ghi lại những bài học cuộc sống mà chúng ta không muốn quên, giúp chúng ta nhớ lại những thấu hiểu giá trị, khai sáng những suy nghĩ và củng cố những quyết tâm (STĐMĐ., tr. 390-391).

          Một người bạn của tôi, như là kẻ thừa hưởng kinh nghiệm hướng dẫn Cuộc Đọ Sức Trong Hôn Nhân của Rick Warren, đã không ngừng ghi lại nhật ký thiêng liêng của mình trong vòng ít nữa 20 năm. Anh ấy trung thành dành ra khoảng mười phút mỗi ngày ghi lại những ý tưởng thiêng liêng của mình. Việc thực hành đều đặn không nghi ngại đó cho thấy những kết quả tích cực mà Rick Waren đã tiên báo.

 

         

Tiến Tới

 

Hành trình 40 ngày đến đây đã kết thúc, nhưng trong một ý nghĩa nào đó, nó chỉ mới bắt đầu. Với việc đọc, suy ngắm và có thể là việc chia sẻ nhóm, có lẽ các bạn nhận ra một vài biến đổi thiêng liêng bên trong vốn đang hướng đến tương lai. Một lối sống mới đang vẫy gọi. Tuy nhiên, bản tính con người vốn yếu hèn, chúng ta có thể dễ dàng vấp ngã, sa sẩy, thậm chí trượt lùi lại vào những khuôn mẫu cũ xưa.

Dĩ nhiên, lý tưởng là hằng giữ Chúa ở trung tâm đời mình. Khi làm điều ấy, chúng ta thờ phượng; khi không làm vậy, chúng ta lo âu (Ngày 40, STĐMĐ., tr. 398).

Kết thúc tập sách, để giúp chúng ta luôn giữ Chúa ở trung tâm đời mình, tôi xin lấy lại lời của bốn nhân vật nổi tiếng, trong đó có cả Rick Warren.

 

Á thánh, Mẹ Têrêxa Calcutta. Khi được hỏi làm sao Mẹ đã có thể chôn cất 40,000 người trong đời mình. Người phụ nữ thánh thiện ấy trả lời cách đơn sơ: “Từng người một. Tôi nhặt một thi thể ở trên đường phố, sau đó là một người khác, và tiếp theo là một người khác nữa. Từng người một”.

Có phải Mẹ từng cảm thấy quá tải bởi những thách đố lớn lao trước mắt - những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người mắc bệnh AIDS, những người già cả yếu ớt? Mẹ đáp lại rằng: “Bạn chỉ có thể làm những gì bạn có thể”.

Phải chăng đây là chìa khoá cho một cuộc sống đúng đắn? “Không quan trọng điều bạn làm, nhưng quan trọng bạn yêu mến ngần nào khi làm điều ấy”.

 

Jean Valjean. Nhân vật chính anh hùng giống Đức Giêsu trong nhạc phim “Những Người Khốn Khổ” (Les Miserables), sau một đời gian truân với những việc bác ái đáng kể, đã quỳ gối trước những chân nến bằng bạc và tượng chuộc tội mà một vị Giám mục đã cho anh. Biết rằng cái chết đang đến gần, anh cầu xin Chúa trên cao đón lấy anh và đưa anh vào nhà Ngài.

Nhạc phim kết thúc với hình ảnh một ca đoàn áo trắng đang chào đón Jean Valjean vào thiên đàng trong lời ca, “yêu thương tha nhân là nhìn thấy thánh nhan Thiên Chúa”.

 

Mục sư Rick Warren. Tờ “Good News Paper” được xuất bản bởi Son Light Ministries, một tổ chức phi lợi nhuận, đã phân phát miễn phí 25,000 bản mỗi tháng trong khu vực Central New York. Gây quỹ chủ yếu bằng của hảo tâm, tờ báo này có mặt tại nhiều siêu thị và ở những địa điểm tương tự khác trong vòng 9 năm. Số tháng 5/2006 có đăng một bài phỏng vấn Mục sư Rick Warren. Sau đây là đoạn trích từ “Những tư tưởng của Rick Warren”.

Năm qua là năm trọng đại nhất của đời tôi, cũng là năm khó khăn nhất đối với Kay, vợ tôi - cô ấy bị ung thư.

Tôi từng nghĩ, cuộc sống là những gò nổng và lũng sâu, bạn trải qua những giờ phút tăm tối, rồi đi lên đỉnh núi và trở đi trở lại như vậy. Tôi không tin điều đó nữa.

Thay vì là những đồi cao hay lũng sâu, tôi tin cuộc sống tựa hồ hai đường xe lửa, mà ở mọi thời khắc, bạn luôn luôn có những điều tốt cũng như những điều không may trong đời mình.

Cuộc đời dẫu xuôi may đến đâu, vẫn luôn có đó điều xúi quẩy mà bạn phải đương đầu.

Và cuộc đời dẫu tồi tệ đến mấy, vẫn luôn có đó một cái gì tốt lành để bạn có thể cám ơn Chúa.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, Mục sư Warren đưa ra 5 điểm thực hành:

Những lúc hạnh phúc, HÃY NGỢI KHEN CHÚA.

Những lúc khó khăn, HÃY TÌM KIẾM CHÚA.

Những lúc tĩnh lặng, HÃY THỜ LẠY CHÚA.

Những lúc khổ đau, HÃY TIN CẬY CHÚA.

Trong mọi lúc, HÃY TẠ ƠN CHÚA.

 

Á thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ở tuổi 76, phần lớn người ta nghỉ hưu hay dự liệu điều đó cho những ngày gần kề. Nhưng điều ấy lại không là trường hợp của Angelo Roncalli, Giám mục thành Venise, một người thấp bé và tròn trịa nhưng rất vui tính và khôn ngoan. Thật ngạc nhiên, ngày 28/10/1958, ngài được chọn làm Giáo Hoàng của Hội Thánh Công Giáo và lấy một tên mới cho mình là Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Ngài nổi tiếng bởi những câu nói ngắn gọn, đôi lúc mang chút hài hước. Khi được hỏi, “Thưa Đức Thánh Cha, có bao nhiêu người làm việc tại Vatican?”. Ngài trả lời, “Khoảng một nửa số đó”.

Tuy nhiên, ngài có một tầm nhìn đáng kinh ngạc; có lần ngài nói: “Sống trên trần gian, chúng ta không như những người bảo vệ bảo tàng viện, nhưng là để vun trồng mảnh vườn màu mỡ của sự sống và để chuẩn bị cho một tương lai rạng ngời”(Thomas Cahill, Pope John XXIII, tr. 158).

Con người tuổi tác này triệu tập Công Đồng Vaticanô II, nhóm họp 4 năm những Giám mục trên toàn thế giới, vốn đã thay đổi tận căn Hội Thánh Công Giáo trong nửa thế kỷ sau đó.

Giáo Hoàng Gioan XXIII còn là một con người cầu nguyện với niềm tín thác sâu sắc vào Thiên Chúa.

Người ta nói về ngài rằng, ban đêm trước lúc đi nghỉ, ngài lẻn vào nhà nguyện và cầu nguyện. Người ta đoán rằng, với tuổi tác và nhiều gánh nặng, việc chiêm ngắm mỗi khi có thể này kéo đã dài trong một thời gian dài.

Không phải vậy sao.

Ngước nhìn lên bàn thờ, Giáo Hoàng này hẳn đã nói cách đơn sơ, “Lạy Chúa, đó là Hội Thánh của Chúa. Con đi ngủ đây”.

Những mẫu gương đó như mẫu mực cho chúng ta noi theo khi chúng ta tạm biệt Rick Warren với 40 ngày gợi hứng của ông để bắt đầu đi vào những ngày sắp tới bằng cách áp dụng những bài đã học đó vào cuộc sống riêng tư của mình.

 

 

PHỤ LỤC

 

Đời Sống Thiêng Liêng và Sự Căng Thẳng

 

          Trong phần dẫn nhập tập sách này, tôi đã đề cập đến 2 khóa tĩnh tâm, một là vào mùa thu năm 2005, và một vào mùa xuân năm 2006 với đề tài “Phát Huy Một Cuộc Sống Theo Đúng Mục Đích và Giải Toả Căng Thẳng”.

Các nhóm (một nhóm 40, nhóm kia 100) đã gặp mặt 6 lần, mỗi tuần một lần trong vòng 90 phút dành cho việc suy niệm Lời Chúa, chia sẻ nhóm và những suy tư tôi khai triển về cả hai cuốn Sống Theo Đúng Mục Đích và tập sách nhỏ Slow Down (Giảm Tốc) của tôi. Những bảng đánh giá sau mỗi lần gặp gỡ cho thấy những ý kiến rất tích cực.

Phần chính của ấn bản “Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích” gồm một phần mở rộng về những khác biệt và những minh định cùng với những nhận xét các điểm tương đồng và phong phú hoá chúng vốn được trình bày trong những buổi gặp gỡ đó.

Cùng lúc đó, tôi đưa ra những đề nghị cho việc loại bỏ căng thẳng trong cuộc sống mỗi người. Chúng dựa trên tập sách Slown Down, một biên soạn gồm những bài chiêm niệm giúp đạt được mục đích đó.

Hơn 4 năm về trước, tôi đã bắt đầu phát thanh những sáu mươi giây thư giãn trên Clear Chanel, một đài truyền thanh địa phương. Để chuẩn bị, tôi đã gặp những chuyên viên quảng cáo và những người sản xuất chương trình để thảo luận về những thông điệp ngắn ngủi được dự định. Họ khuyến khích tôi chọn một cái gì vừa tinh thần, vừa đạo đức; vừa không dán nhãn lại vừa đại kết mà trọng tâm là những gì thách đố nhất cho con người trong thế giới hôm nay - chẳng hạn đối đầu với stress, căng thẳng.

Vì thế, những phút phát sóng đó được gọi như là “Những Gợi Ý Tinh Thần Giải Toả Căng Thẳng Trong Ngày Sống Của Bạn”. Điệp khúc được lặp đi lặp lại cuối mỗi thông điệp này là “Có thể bạn đã thử với mọi chuyện, sao không thử với Thiên Chúa?”. 

Sau cùng, nhà xuất bản Ave Maria đã triển khai tiềm năng những thông điệp đó trong một tập sách nhỏ có tính cầu nguyện và gợi hứng. “Slown Down” có cả 100 thông điệp của những lần phát sóng đó với phần bổ sung là một gợi ý thiêng liêng và một câu Lời Chúa cho 5 phút suy niệm mỗi ngày. Một sưu tập gồm 100 thông điệp tương tự, nhưng có phần khác về kích cỡ cũng vừa được Ave Maria phát hành với tựa đề: “Hãy Dành 5 Phút: 100 Suy Niệm Cho Việc Giải Toả Căng Thẳng Trong Ngày Sống Của Bạn”.

Như tôi đã nói, những gợi ý tại các khoá tĩnh tâm và những gợi ý mô tả dưới đây được rút ra từ tập sách Slown Down. Với sự đồng ý của Stephen R. Covey và tác phẩm rất thành công “Bảy Thói Quen Của Những Người Có Ảnh Hưởng Lớn” của ông, tôi đã đưa các bài này vào cuốn “”Bảy Gợi Ý Thiêng Liêng Để Giải Toả Căng Thẳng Ngày Sống Của Bạn”.

 

Gợi Ý 1

 

Hãy Lặng Thinh

 

Toạ lạc ở phía nam Buffalo, nhìn ra hồ Erie là Trung Tâm Tĩnh Tâm và Hội Nghị Columban, Derby, với hàng loạt biểu ngữ treo dọc đường xe chạy dẫn đến toà nhà chính. Câu Thánh Vịnh “Hãy lặng thinh và biết rằng Ta là Thiên Chúa” là lời chào những người đến thăm khi họ vừa đặt chân đến khu vực này.

Những người tĩnh tâm đến đây dành một buổi chiều, một ngày, một kỳ nghỉ cuối tuần hay cả tuần cho việc thinh lặng, đọc sách, cầu nguyện và suy tư.

Rời trung tâm, khởi đầu một hành trình mới, mặt sau của những biểu ngữ đó tiễn đưa những người tĩnh tâm với lời chúc “Chúa ở cùng bạn dù bạn đi đâu”.

Bước quan trọng để giải toả những căng thẳng trong cuộc sống bận rộn là dành ít phút mỗi ngày, có lẽ chỉ cần 5 phút để bình tâm và nghỉ ngơi trong Chúa.

Đức Giêsu đã làm điều này, qua bao thế kỷ những người theo Chúa trung thành cũng đã làm vậy; một nghiên cứu khoa học đương đại khẳng đinh giá trị của những cuộc tĩnh tâm hay những buổi chiêm niệm trong việc làm giảm những triệu chứng căng thẳng.

Tin Mừng theo thánh Luca đã chứng minh Chúa Giêsu là một con người hoạt động và cầu nguyện như thế nào, một người chữa lành kẻ khác nhưng lại thường xuyên lui về nơi hoang vắng để cầu nguyện.

Chẳng hạn, Ngài đã chữa lành một người mắc bệnh phong cùi và cả đám đông dân chúng khi nghe đồn về phép lạ đó cũng đến xin Ngài chữa lành. Nhưng rồi, trình thuật kết thúc “Ngài rút về nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Lc 5, 12-16). Ngay trong chương tiếp theo, đầy tính hiếu kỳ, Luca lại dùng đúng số thứ tự các câu khi viết: “Ngài lên núi cầu nguyện và đã thức suốt đêm để cầu nguyện với Thiên Chúa”. Sau lần cầu nguyện lâu giờ đó, Đức Giêsu xuống núi, chọn nhóm Mười Hai, tiếp tục đi xuống và chữa lành tất cả những ai vây quanh Ngài (Lc 6, 12-19).

Với nhóm 12, những lần trở về phấn khởi với bao thành công khi rao giảng và chữa lành bệnh tật nhân danh Ngài, Ngài lại bảo các ông, “Chính anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 30-32).

Thánh Phanxicô Assisi thường xuyên rút khỏi công việc giảng dạy, chữa lành bận rộn của mình để dành một tháng trong cô tịch mà cầu nguyện và tái kết hợp với Thiên Chúa.

Mẹ Á thánh Têrêxa Calculta luôn yêu cầu các Nữ Tữ Bác Ái của mình bắt đầu và kết thúc ngày làm việc với những người nghèo nhất của những người nghèo bằng một giờ chiêm niệm và cầu nguyện vào ban sáng và ban chiều.

Tác giả và nhà giảng thuyết danh tiếng về đời sống thiêng liêng, cha Henri Nouven khi còn sống, tin và dạy rằng, trừ phi bạn có một khoảng thời gian dành riêng mỗi ngày cho Chúa và chỉ cho một mình Ngài, bạn sẽ không thể biến đổi cuộc sống bận rộn của bạn thành một ý thức liên lỉ về sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong đời mình.

 Một nghiên cứu y khoa của một bác sĩ tim mạch đại học Havard, Dr. Herbert Benson cho thấy rằng, những ai thực hành một vài hình thức cầu nguyện một hoặc hai lần mỗi ngày sẽ cảm nhận giảm thiểu đáng kể về những triệu chứng của căng thẳng (nhịp tim, áp huyết, chu kỳ giấc ngủ).

Slowdown Hãy Dành Năm Phút cung cấp một vài gợi ý để lặng thinh trong một vài phút mỗi ngày và để cảm nghiệm được làm sao cái bước đơn giản ấy lại có thể loại trừ căng thẳng trong cuộc sống. Dưới đây là bài đọc cho Ngày 26 (Hãy Dành Năm Phút, Nhà xuất bản Ave Maria, tr. 39).

Hãy Là Chính Mình

Trên chuyến xe lửa Amtrak đến Tôrôntô, từ trên cao, chúng tôi đi qua một con sông khá lớn hay là một con kênh. Từ cửa sổ toa tàu, tôi thấy một vài người đang ngồi trên một bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận cạnh dòng nước. Họ thật sự không làm một điều gì. Họ không ăn uống quanh một chiếc bàn dã ngoại, không chơi bài, cũng không để mắt đến một đám trẻ. Họ chỉ ngồi đó, có lẽ để chiêm ngắm một ngày đẹp trời, để thưởng thức cái thanh thản mà dòng sông lững lờ có thể trao tặng cho nơi sâu kín của mỗi người và để tận hưởng niềm vui có nhau.

Trong một xã hội và nền văn hóa của chúng ta ngày nay, nguyên việc trở nên chính mình, chỉ ngồi và hút lấy vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của các mối tương quan thôi cũng là điều không dễ. Có một thôi thúc tâm lý mạnh mẽ khiến tất cả chúng ta dường như bị ám ảnh chỉ phải hành động, phải làm một điều gì đó. Nhưng Kinh Thánh nói, “Hãy lặng thinh và biết rằng Ta là Thiên Chúa”. Nhóm người kia đang ngồi bên bờ sông, ít nữa với cái nhìn hy vọng của tôi, xem ra đang làm theo chỉ thị thần thiêng đó.

Gợi ý thiêng liêng:

Có những lúc mà sự tĩnh tại trong khoảnh khắc và cưỡng lại cái nhu cầu làm một điều gì đó mà bề ngoài xem ra được việc, cũng có lợi cho chúng ta.

Ý tưởng Kinh Thánh:

“Đức Maria hằng ghi nhớ mọi sự và suy niệm trong lòng”

Câu chuyện Kinh Thánh:

Các mục đồng viếng thăm Đức Maria và Hài Nhi trong Tin Mừng Luca 2, 15-20.

 

Gợi Ý 2

 

Luyện Tập Đều Đặn

 

Những nghiên cứu trước đây cũng như hiện nay nhấn mạnh rằng, sự luyện tập đều đặn mang lại nhiều lợi ích. Chúng ta cảm thấy khoẻ hơn, ngủ ngon hơn, suy nghĩ sáng suốt hơn; chúng ta có thể xả những mối căng thẳng, lấy lại sự ngon miệng, giảm vòng eo; chúng ta nhận được sự tán thành của bác sĩ, cảm thấy thoải mái khi kỷ luật cá nhân đòi hỏi, hưởng nhận hạnh phúc mà những liều thuốc kích thích bí mật này cung cấp.

Nói tóm lại, chúng ta cảm thấy khoẻ mạnh hơn về mặt thể lý, tâm lý và cảm xúc. Hơn nữa, sự luyện tập cũng có ích cho mặt thiêng liêng, bởi xem ra chúng ta cầu nguyện có hiệu quả hơn, ý thức hơn về sự chăm sóc cơ thể mà Chúa đã ban.

Khi còn là thiếu niên, tôi sống cạnh một trong những cái hồ tuyệt đẹp và đầy sức sống thuộc chuỗi hồ Finger Lakes của bang New York; ở đó, lòng yêu thích môn bơi lội của tôi đã phát huy. Là sinh viên cao đẳng trường Notre Dame, tôi học và chơi môn bóng ném hấp dẫn. Hơn ba mươi năm trôi qua, tôi được giới thiệu đến với môn đi bộ, cuối cùng, một cuộc chạy marathon tại bang Ottawa ở tuổi năm mươi.

Sau khi thoả lòng với việc hoàn thành hai mươi sáu dặm marathon, tôi đi đến hai kết luận: Thứ nhất, không bao giờ chạy marathon nữa! Thứ hai, dành một giờ thể dục năm ngày trong tuần là mục tiêu ao ước của tôi. Hầu như tôi không chu toàn được lý tưởng đó, nhưng vẫn bị thuyết phục bởi giá trị của nó.

Thông thường, khi cảm thấy mệt mỏi về mặt trí óc hay tình cảm, thì dường như việc bơi xa, một trận bóng ném ngắn, hay chạy một vài dặm làm cho tôi trẻ lại.

Tất cả những điều đó còn mạnh hơn cả một liều thuốc tăng lực, dù cho giờ đây, ở tuổi 76, tôi áp dụng chúng kém mạnh mẽ hơn trước. Đối với nhiều người, có lẽ đại đa số, việc rèn luyện đều đặn của họ cách nào đó có thể gọi là kém tích cực như việc lao động đơn điệu mỗi ngày, đạp xe tại chỗ, tản bộ trong siêu thị hay chơi một ván golf, tập yoga hay bơi hàng chục vòng ở một bể bơi lớn.

Trong khi loại hình hoạt động dù không thực sự mang tính quyết định, thì sự thật của vấn đề vẫn cho thấy rằng, việc rèn luyện vài lần mỗi tuần dựa trên một nền tảng vững chắc sẽ giúp giảm bớt căng thẳng.

 

Gợi Ý 3

 

Hãy Thường Mỉm Cười và Cười Luôn

 

Bộ tứ Larry Brennan và ba nam y tá khác mở một tiệm hớt tóc và thường có cả giờ đồng hồ để giới thiệu đề tài “Sức Khỏe Tốt Hơn Nhờ Hài Hước và Hoà Hợp”. Cả bốn người tin vào chân lý này và ủng hộ nó với những dữ liệu y khoa. Như những bài thể dục chúng ta vừa mô tả, những nụ cười và tiếng cười, những liều thuốc kích thích bí mật đó cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc dù chỉ tạm thời

Một vài lần, tôi chứng kiến Larry và bộ tứ của anh trình bày, hai lần trước một nhóm hỗ trợ những người hoặc những gia đình đang chiến đấu với bệnh ung thư. Trong mọi dịp, những kết quả giống hệt nhau. Người ta mỉm cười hoặc cười lớn tiếng và cảm thấy khỏe hơn với một tinh thần được nâng cao khi ra về.

Cùng với những y tá này, kinh nghiệm đã cho tôi một lời giải thích vừa có tính y học, vừa lý thuyết mà cũng vừa có tính vật lý về một cái gì đó mà tôi đã cảm nhận trong cả chục năm qua. Đến dự một buổi thuyết trình tại giảng đường, một buổi thuyết trình nhóm hay một bài giảng trong nhà thờ, thính giả sẽ tương tác tốt hơn, tích cực hơn khi có một chút hài hước ở những điểm đáng lưu ý.

Tương tự, tôi thấy rằng, một nụ cười có thể đưa tôi hay những người khác ra khỏi tâm trạng trầm ngâm, nghiêm trọng. Thậm chí khi gặp một người lạ lơ đãng trên đường, trong văn phòng của một tòa nhà hay một siêu thị, đôi khi, việc lặng lẽ mỉm cười với họ cũng có thể được trao tặng lại một nụ cười.

Có lẽ chúng ta phải cố gắng vượt qua lo lắng để mỉm cười với người khác. Chính khi làm điều này, tâm hồn chúng ta càng rực sáng cả khi không có một chút phản hồi tích cực.

Larry Barren và nhóm của anh đưa ra một nền tảng có cơ sở khoa học vững chắc về tác dụng của nụ cười cho gợi ý số 3 này.

 

 

Gợi Ý 4

 

Thực Hành Trao Ban Chính Mình

 

          Trong phần đầu tập sách này, chúng tôi đã trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rằng, trái tim con người sẽ không nghỉ ngơi trừ phi nó biết trao ban.

          Cũng như việc cố gắng mỉm cười khi chúng ta xem ra quá bận rộn và cảm thấy căng thẳng có thể giảm bớt ức chế, thì việc thực hành trao ban chính mình cách ý thức cũng có thể đưa chúng ta ra khỏi tâm trạng tiêu cực đó.

          Caroline Kennedy, trong cuốn “A Patriot’s Handbook”, đã trích dẫn câu chuyện anh hùng về sự quên mình mà Thượng nghị sĩ John McCain kể về Mike Christian (tr. 16-17).

          Christian lớn lên gần Selma, bang Alabama, chưa bao giờ có được một đôi giày cho đến khi cậu ấy 13 tuổi; nhưng vừa tốt nghiệp trung học ở tuổi 17, cậu đã gia nhập vào lực lượng Hải Quân. Mike đã trở thành phi công, bị bắn hạ ở chiến trường Việt Nam và đã trải qua 6 năm ở trong một nhà tù khắc nghiệt.

          Trong thời gian đó, anh đã may một lá cờ Mỹ thô thiển từ chiếc áo tù màu xanh của mình và hai món khác được gia đình gởi đến - một chiếc khăn tay và một khăn quàng cổ màu đỏ. Mỗi buổi chiều vào lúc 4 giờ, anh và những tù nhân khác, kể cả John McCain buộc lá cờ đó ở một bức tường và đọc lời thề trung thành với tổ quốc.

          Sau một thời gian, những quản giáo đã phát hiện lá cờ, tịch thu nó, và như một bài học cho tất cả, họ đã đánh đập anh một cách tàn nhẫn vào tối hôm đó, sau cùng tống anh trở lại ngục cùng với những tù nhân khác.

          Sau khi an ủi Christian hết sức có thể, mọi người đi ngủ. Nhưng từ trên giường, trước khi thiu thiu ngủ, McCain nhìn về phía góc phòng và thấy ở đó, dưới bóng đèn trần, Christian với một mảnh vải trắng và một mảnh vải đỏ, chiếc sơ mi xanh của mình và một kim khâu bằng tre. Dù đôi mắt của anh gần như sụp xuống sau trận đòn, anh vẫn tiếp tục làm lá cờ Mỹ thứ 2, với anh, biểu tượng đó quan trọng biết bao cho mình và các bạn tù.

 Những câu chuyện về sự cho đi bản thân anh hùng đó không giúp gì nhưng ít ra nó có thể khích lệ chúng ta làm như vậy, dẫu chỉ ở một mức độ ít hơn.

 

 

Gợi Ý 5

 

Hãy Ngửi Những Đóa Hồng

 

Trong Angels and Demons - Thiên Thần và Ác Quỷ của Dan Brown, Robert Langdon, giáo sư biểu tượng học tại đại học Harvard nổi tiếng hơn bởi cuốn tiểu thuyết và phim truyện The Da Vinci Code. Langdon nhớ lại khi ông còn là một cậu bé, cậu nghe mẹ van nài bố rằng, “Anh cần thời gian để dừng lại và thưởng thức những đóa hồng”. Dường như bố của Langdon không lưu tâm đến lời khuyên của bà, và ông đã qua đời 6 năm sau đó do “bệnh tim” và “trầm cảm” (tr. 53).

Thomas Moore, trong tác phẩm best-seller Care of The Soul - Chăm Sóc Linh Hồn của mình, lý giải rằng, cái đẹp đang cuốn hút. Nó chặn đường chúng ta, buộc chúng ta ra khỏi những công việc thường ngày và dẫn chúng ta đến với sự siêu việt. Cái đẹp có thể đưa chúng ta “ra khỏi cái hối hả của cuộc sống thực tế để chiêm ngưỡng những thực tại vĩnh hằng và vô tận” (tr. 278).

Trong một chuyến bay tháng từ Albuquerque đến Santa Fe, viên phi công nhắc chúng tôi rằng, chuyến bay ngắn ngủi 30 phút sẽ lướt qua những thắng cảnh đẹp đặc biệt với cảnh mặt trời lặn, những dãy đá hoặc những vách núi nhiều màu. Có ba hạng hành khách trên chiếc máy bay nhỏ này. Một hạng không bao giờ chú ý đến cảnh vật tráng lệ (không có thời giờ thưởng thức những đóa hồng); hạng thứ hai la lên, “ôi tuyệt vời!”; hạng thứ ba thì cầu nguyện, “Ngợi khen Chúa, nguồn mạch mọi ân phúc”.

Cũng một thực tế, nhưng có người thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy nó, người thứ hai thấy; người thứ ba thì đi xa hơn vẻ đẹp để tới tận Thiên Chúa, Đấng tác tạo mọi sự.

Một ngày mùa thu, tôi buộc phải mất 30 lái xe phút về miền quê. Một vài xung khắc, thách đố khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và bồn chồn. Tuy vậy, những tán lá quanh tôi vẫn đẹp một cách lạ thường và tôi cảm thấy chúng cuốn đi những băn khoăn và căng thẳng của mình. Cuối cùng, tôi thư giãn, mặc cho vẻ đẹp và Đấng tạo thành chạm đến mình. Trầm cảm nhanh chóng biến đâu mất.

Để khám phá được vẻ đẹp vốn dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và sự bình an, mỗi người trước hết phải dành thời giờ để ngửi những đóa hồng.

 

Gợi Ý 6

 

Hãy Nhìn “Nửa Có”, Đừng Nhìn “Nửa Không” Của Cái Ly

 

Gợi ý này không nói đến thực tiễn, nhưng đề cập đến thái độ, chúng ta nhận thức hay nhìn xem hiện trạng của mình thế nào - như “nửa phần có” của chiếc ly hay là “nửa không” của nó.

·        Vụ khủng bố kinh hoàng 11/9 ở thành phố New York, ở Ngũ Giác Đài hay ở Pensylvania làm ví dụ cho nguyên tắc này.

·        Nếu nhìn ở “nửa không”, sự kiện đó chỉ là chết chóc, đau xót của bao nhiêu người và là một cú sốc tổn thương cho tất cả người Mỹ và bao nhiêu người khác trên thế giới về việc lên ngôi của sự căng thẳng toàn cầu. Nếu nhìn từ “nửa có”, sự kiện này lại là điều lành mà Thiên Chúa rút ra từ điều dữ, ánh sáng được rút ra từ giữa bóng tối lạnh lùng. Sự hưởng ứng lớn lao của bao nhiêu người trong và sau thảm hoạ đó là một lời giải thích tích cực về sự kiện 11/9. Mặt khác, có lẽ còn có ý nghĩa hơn, là phản ứng tức thời của hầu hết người Mỹ là việc xem xét lại đâu là ưu tiên mà họ dành cho các mối quan hệ của mình. Ngay khi vừa nghe cuộc tấn công khủng bố, hầu như ngay lập tức, họ điện thoại cho những người gần gũi nhất: vợ chồng, con cái, cha mẹ, bà con và bạn bè. Và, ít nữa trong một khoảnh thời gian, người Mỹ đã nâng các mối quan hệ lên một cấp độ mới.

·        Sáng sớm một ngày Chúa Nhật, tôi mở cửa nhà thờ chỉ để thấy một đống vỡ vụn - bụi bặm và kính vụn ở trên và quanh bàn thờ chính. Một đèn chùm gắn trên trần cung thánh cao đến 100 feet đã lõng và rơi chà xuống mặt cẩm thạch phía dưới.

Tôi lằm bằm trước đống hỗn độn đó và lo lắng tự hỏi làm sao có thể dọn sạch chỗ này để sẵn sàng cho Thánh lễ trong vòng ba mươi phút. Rồi thì cách này cách khác, chúng tôi cũng phải làm. Sau đó, giữa chừng Thánh lễ, tôi chợt nghĩ: “Mình thật khờ! Nếu chùm đèn rơi xuống khi đang dâng lễ, hẳn mình có thể chết hay ít nữa cũng bị thương nặng cùng với những người khác. Sự việc xảy ra giữa đêm thực là phước.

·        Tôi bị đánh thức vào khoảng 3 giờ sáng ở nhà xứ bởi cái âm thanh đinh tai của chuông báo động cháy. Gần như tức khắc, điện thoại từ sở cứu hoả cho biết họ đang trên đường đến. Vài phút sau, họ có mặt. Tôi đứng đó trong bộ pyjama khi họ nhanh chóng tìm dấu hiệu cháy khắp toà nhà ba tầng 90 tuổi. Họ không thấy gì cả. Một lỗi hệ thống đưa đến báo động sai. Đó là phút chốc lúng túng; một sự gián đoạn phiền phức. Nhưng cũng có thể đó là một vụ cháy thảm khốc. Nửa mất, nửa còn.

·        Lần té vừa mới đây lúc 6 giờ 30 vào một sáng sớm mùa đông khi tôi ra hòm thư để lấy tờ nhật báo. Vừa bước xuống ba bậc cấp, đột nhiên tôi choáng váng và té ngửa khi tay trái xoài ra để cưỡng lại. Trên 70 năm, những lần gãy xương duy nhất của tôi là ở mũi và dập một vài ngón tay khi chúng “chạm nhẹ” những quả bóng ném. Nhưng giờ đây, tôi lo lắng và khiếp đảm khi cảm thấy một cái gì đó gãy dập ở cánh tay hay cổ tay mình. Vài giờ sau, một bác sĩ chỉnh hình tay xác định điều hiển nhiên một cách đau đớn: gãy cổ tay trái.

          Bởi thuận tay trái, vết thương đã tạo nên bao vấn đề khó khăn nghiêm trọng cho tôi cọng với việc bó bột trong 6 tuần và 2 tháng vật lý trị liệu. Tuy nhiên, sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu như - gãy chân, hông, vai, hay thậm chí một ca chấn thương nghiêm trọng ở đầu.

          Nghĩ đến bốn trường hợp trên như là “nửa có” hay “nửa không” chẳng thay đổi gì những sự cố đó, nhưng nó lại thay đổi thái độ của chúng ta, giúp chúng ta tìm phương cách giải quyết.

 

 

Gợi Ý 7

 

Không Lo Lắng, Cũng Không Sợ Hãi

          

           Mục sư Rick Warren nói rằng, nếu Chúa là trung tâm đời mình, chúng ta thờ phượng; bằng không, chúng ta lo lắng.

           Những gì ông nói đặt khuyến dụ về sự lo âu và sợ hãi của Chúa Giêsu trong một ngữ cảnh hiện đại.

           Trong các Tin Mừng, Đức Kitô nói đến sự tuỳ thuộc vào Thiên Chúa (Mt 6, 25-34; Lc 12, 21-31). Ngài nói với chúng ta, “Đừng lo cho mạng sống”; “Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được một vài gang không?”; “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.

           Đức Giêsu củng cố khuyến dụ của Ngài bằng việc kể ra cách thức Thiên Chúa chăm sóc muông chim trên trời và cỏ hoa đồng nội. Nếu Thiên Chúa chăm sóc chúng như thế, “…thì huống hồ anh em, ôi những kẻ kém tin!”.

           Lời kết của Đức Giêsu và lời của Warren trùng khớp nhau tự bản chất: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho anh em”.

           Chúa cũng nói với chúng ta, đừng sợ.

           Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiến ra ban công của đền thờ thánh Phêrô và đọc thông điệp đầu tiên của ngài cho toàn dân Chúa bên dưới và khán giả truyền hình trên khắp thế giới, lời mở đầu của Đức Thánh Cha là: “Đừng sợ”.

           Cũng thế, câu nói ấy đã khởi đầu câu chuyện Tin Mừng của Đức Giêsu, được lặp lại trong suốt sứ vụ rao giảng của Ngài và tóm kết giáo huấn Ngài ban sau biến cố Phục Sinh.

           Ngay từ đầu, một thiên sứ của Chúa đã nói với Zacaria, Đức Maria và các mục đồng cũng những lời đó, “ Đừng sợ…” (Lc 1,13; 1,30; 2,10).

           Đức Giêsu thường xuyên trấn an những kẻ nhát đảm đi theo Ngài trong suốt sứ vụ công khai của mình. Ví dụ, khi Ngài đi trên mặt biển giữa đêm khuya, các tông đồ “khiếp đảm” và “sợ hãi la lên”. Lập tức, Đức Giêsu nói với họ, “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14, 22-33).

           Mối sợ hãi và lo âu của chúng ta có thể tập trung vào cuộc sống hôm nay, lúc này và cả sau cái chết.

           Hãy để những bảo đảm của Kinh Thánh mà chúng ta vừa trích dẫn trên đây trấn an nỗi sợ hãi và lo lắng về cuộc sống của chúng ta trên trần gian này.

           Đức Giêsu cũng hứa rằng, những ai tin vào Ngài, những ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ được sống đời đời, sẽ sống lại trong ngày sau hết và sẽ hưởng kiến Thiên Chúa mặt đối mặt trên thiên đàng. Tương tự như thế, hãy để lời tiên báo và cam kết đó làm vơi đi những nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta về cuộc sống sau cái chết.

 

                                                            - Hết -



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!