Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

Phần I: Canh tân trong Chúa Thánh Thần và phục vụ con người

Chương I: Đối diện với Chúa

Chương II: Phục vụ con người

Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Chương IV: Giữa đời

Phần II : Canh tân và Quyền lực tối tăm

Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương II : Kiểm Thảo

Chương III : Trên bình diện mục vụ

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội
Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

7. Những nỗ lực hòa hợp cần thiết

Đã đến lúc kết hợp chương II của phần nầy vào chương I, nghĩa là đưa Canh tân hiệp nhất sâu xa với mầu nhiệm của Giáo hội, và nêu rõ những mấu chốt cần thiết. Cần tránh lối nhìn đối nghịch giữa một bên là một Giáo hội đoàn sủng và bên kia là một Giáo hội định chế. Gần đây, trong một bài thuyết trình mà chay tại Nhà thờ Đức Bà Paris, hồng y Etchegaray nói:

“Giáo hội là một mầu nhiệm không phải để dạo quanh đứng ngoài nhìn vào; phải đi vào trong, tắm mình mình vào trong đó.”

Đó là nội dung của chương III nầy.

HÒA HỢP CẦN THIẾT TỰ CĂN CƠ

Ta không thể tạo đối nghịch giữa hàng giáo phẩm và đoàn sủng cũng như không thể có đối nghịch giữa công việc của Chúa Con nhập thể với tác động Chúa Thánh Thần đang linh hoạt và làm cho việc của Chúa Con tồn tục. Giáo hội là một thực thể nhất thống: chiều kích định chế hữu hình và bí tích luôn gắn bó làm một với chiều kích vô hình với những đoàn sủng khác biệt nhau của Chúa Thánh Thần.

Cha Rahner, s.j., đã viết rất đúng về vấn đề nầy khi nói đến Truyền Thống: “Yếu tố đoàn sủng thuộc về yếu tính của Giáo hội một cách cần thiết và trường cửu y như thừa tác vụ định chế và các bí tích.”

Thực thể đoàn sủng là thành tố cơ bản làm nên cơ cấu của chính Giáo hội; nó không phải là một cái gì thêm vào, làm như Giáo hội định chế đã có sẳn nay cần ‘một phần hồn phụ thêm vào’ và một năng lực để tiến tới.

Thánh Thần Chúa phải được khám phá ra ngay trong các thừa tác vụ được thụ phong của Giáo hội.

Khi tôi nhận chức phó tế, giám mục chủ phong nói với tôi: “Hãy nhận Chúa Thánh Thần để Ngài trở thành sức mạnh của con và giúp con chống trả quỉ ma và những cám dỗ của nó”. Câu nói lạ lùng đối với tâm thức ngày hôm nay! Nhưng nó là như thế …

Khi tôi nhận chức linh mục, giám mục nói với tôi: “Con hãy nhận Chúa Thánh Thần, những tôi lỗi sẽ được tha cho người nào con tha.”

Và ngày tôi nhận chức giám mục, giám mục chủ phong nói thẳng với tôi: “Con hãy nhận Chúa Thánh Thần”.

Chúng tôi những phó tế, linh mục, giám mục là những người thừa kế của một lời hứa duy nhất của Chúa Giêsu, chúng tôi đều là những người được xức dầu của Chúa Thánh Thần, mỗi người bổ sung cho kẻ khác nhưng có phận vụ riêng.

Sự khác biệt với những người nhận và thực thi các đoàn sủng do Thánh Thần hốt nhiên ban cho là tính cách không thường trực của những ngưởi nầy. Có những đoàn sủng thừa tác làm nên cơ cấu Giáo hội để toàn thể Giáo hội có thể triển nở trong Chúa Thánh Thần.

Hẳn nhiên, trên bình diện con người, những căng thẳng có thể xảy ra giữa hai khuôn mặt ấy của cùng một Giáo hội, vì chúng nhập xác nơi con người; và tất cả chúng ta mang những kho tàng ấy trong những bình dòn mỏng của thân phận con người. Nhưng, trong tiến trình của Canh tân của Giáo hội, chúng ta có thể chứng kiến được một bước rất xa, nếu tất cả chúng ta biết ý thức về sự bổ sung cần thiết và linh hoạt nầy.

Nên không thể nào mà tưởng tượng được một tác vụ mục vụ về ‘giải cứu’ cũng như giáo huấn về quỉ ma mà có thể tự định vị bên lề của Giáo phẩm, và phát triển song song được.

Không một tín hữu nào có thể khước từ nguyên lý đó, nhưng cần phải làm sao để nguyên lý ấy được thực thi. Muốn như thế thì phía những người hữu trách của Canh tân cần cởi mở và tin tưởng, phía giáo quyền có phận vụ nối kết mọi người phải biết đón tiếp và lắng nghe.

Với lòng khiêm tốn, tôi xin mạnh dạn có lời nầy nói với những anh em tôi trong hàng giám mục và linh mục:

“ Đừng phớt lờ ơn sủng nơi Canh tân để rồi bỏ qua ý nghĩa và những kho tàng phong phú cho chính anh em và cho sứ vụ của anh em.  Chúa Thánh Thần tác động bằng nhiều cách, và không ai dành độc quyền về hành động của Ngài. Nhưng, cùng với giáo hoàng Phaolô VI phải nhận rằng Canh tân ‘là một sự may mắn cho Giáo hội’, và cùng với giáo hoàng Gioan Phaolô II, sau nhiều năm Canh tân sinh hoạt đã cho rằng ‘đó là một sự may mắn đang thực hiện trước mắt chúng ta.”

Ước gì những thiếu sót của con người đừng che lấp không cho chúng ta thấy tầm mức sâu rộng của ân sủng mang lại sự tự do cho chúng ta. Mối linh hoạt nầy của Thánh Thần đang đi vào trong nhiều lãnh vực mục vụ của chúng ta. Đừng xét sức sống ấy từ cái nhìn của kẻ đứng ngoài: chỉ thấu hiểu khi ta ở bên trong, và bằng kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi dám nói rằng khi chúng ta tự cảm nghiệm thì sẽ thấy đó là nguồn sinh lực mới của Chúa Thánh Thần đang đến.

Hãy mời những người đã sống biến cố hiện xuống của Chúa Thánh Thần nơi cá nhân họ làm chứng tá, họ sẽ nói cho anh em về ơn trở lại lần thứ hai tác động trên cuộc đời họ. Những người chứng ấy, anh em có thể tìm thấy ở bất cứ xứ nào, tầng lớp xã hội nào, giáo dân cũng như linh mục, tu sĩ hoặc giám mục. Tôi đã cố đưa ra lời chứng của cá nhân tôi trong chương XII của cuón sách Mùa hiện xuống mới?40. Tôi đã đánh dấu hỏi ở cuối tựa sách vì nó chỉ hết nghi vấn khi được anh em tiếp nhận và tích cực hỗ trợ.

PHÍA GIỚI HỮU TRÁCH CỦA CANH TÂN

Và nay tôi xin có vài lời với những người hữu trách của Canh tân. Tôi biết là trên bình diện con người và hoàn cảnh cụ thể, đối thoại với giáo quyền lắm lúc khó khăn cho cả đôi bên, nhưng chỉ có lối ra khi tin tưởng và thành tâm đón nhận mầu nhiệm Giáo hội được xây dựng trên các Tông đồ và những vị kế truyền.

Vì thiếu sự tiếp xúc hoặc tin tưởng mà việc thực thi ‘giải cứu’ đã len vào nhiều nơi mà không có được những chỉ dẫn và những bảo đảm cần thiết của Giáo hội.

Đối với người tín hữu, Giáo hội là tác nhân duy nhất có thẩm quyền tối hậu để suy xét về đường lối và việc làm của Chúa Thánh Thần. Khi Phaolô gặp Chúa Giêsu trên đường Damas trong một thị kiến chói lòa, Chúa không trực tiếp đưa ra những chỉ thị, nhưng ra lệnh cho ông ấy đi tìm Anania để Anania chỉ cho Phaolô ý muốn của Thầy.

Hôm nay, với bất cứ một tín hữu nào, với bất cứ một thị kiến hoặc mạc khải cá nhân nào, Anania có tên là giám mục của giáo hội địa phương, liên kết và hiệp thông với giám mục Rôma, đấng canh giữ sự hợp nhất. Ta có thể định nghĩa giám mục là “kẻ có đoàn sủng để suy xét mọi đoàn sủng’. Hẳn nhiên việc đó giả thiết là giám mục phải được thông tri đầy đủ, và có trong tay những yếu tố liên quan đến điều phải suy xét, nhưng vai trò của vị ấy có tính cách sinh tử, nếu không thì Canh tân sớm biến thành giáo phái và mặc thị bùa phép mặc sức biến thành qui luật.41

Lối tổ chức mật và kín tối đa các buổi ‘giải cứu’, dẫu có thiện ý đi nữa, đã tạo một bầu khí không lành mạnh; và đáng tiếc là nó mãi tồn tục.

Phải vượt qua mối lo là giám mục sẽ cấm cản mà không suy xét trước hoặc đối thoại cho đầy đủ, và phải mời giám mục đến xác nhận hoặc sai người kiểm tra những gì xảy ra trong những buổi giải cứu.

Chính tôi, tôi đã có mặt như một người quan sát có thiện cảm và chăm chú tìm hiểu trong những buổi như thế để có thể lượng định. Tôi rất xúc động về lòng thương xót của những người ‘trừ quỉ’ và tình thương của họ dành cho người cần được cứu, nhưng tôi khó chịu trước những cạm bẫy mà người ta khó tránh, như tôi đã trình bày ở chương trước.

Lên án Canh tân lẻn đi vào vùng ‘cấm địa, dành riêng’, vì trên nguyên tắc không được phiêu lưu trong lãnh vực trừ quỉ ‘trọng thể’, có thể là bất công, vì kỳ thực làn ranh phân cách còn là một vấn đề như chúng ta đã thấy.

Khẩn cấp phải vạch rõ đường phân cách: chỉ có giáo quyền mới có thẩm quyền làm việc nầy nhằm giúp cho tín hữu đang chờ đợi Giáo hội phán định, hướng dẫn, và đưa ra những điều khoản bảo toàn.

Tín hữu cũng cần biết rằng khi họ lưu ý đến những quyền lực tối tăm của sự dữ, thì họ đang đi đúng con đường của Giáo hội.

Với tất cả lòng chân thành và thân hữu, tôi muốn nói với những người lãnh đạo Canh tân những lời nầy:

“Đừng ngại việc các giám mục hướng dẫn mình, hãy chia sẻ kinh nghiệm với họ đồng thời ý thức rằng những kinh nghiệm của mình không phải là chuẩn mực tối thượng nhưng cần được soi dọi bởi ánh sáng đước tin và truyền thống Giáo hội. Cố nói tiếng nói của Giáo hội – đó là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình – và nói cùng nhịp với ngôn ngữ ấy. Câu châm ngôn: ‘sentire cum Ecclesia’ (đồng cảm với Giáo hội) có tầm quan trọng. Cần có giọng nói ‘quê mẹ của mình’ và đừng nói những thành ngữ xa lạ.

Hãy tránh mọi hình thức đứng bên lề, mọi lối ma thuật huyền bí, mọi lối tùy nghi suy diễn của những chủ chăn không được Giáo hội uỷ nhiệm tự nghĩ là có thể nói cho anh chị tin ‘nhân danh kinh nghiệm của họ’. Hãy đọc kỷ lại những gì chúng ta đã tìm hiểu về hạn chế hiểu biết cuả chúng ta liên quan đến những gì thuộc thế giới đen tối - một giới hạn không thể tránh, nhưng cần thiết - và tránh đừng quả quyết hấp tấp và hồ đồ. Đối thoại với giám mục thật sự sẽ mang lại ích nếu nếu các ngài  thấy anh chị em chân thành và biết lắng nghe.

Kinh nghiệm của anh chị em về việc cầu nguyện hướng đến việc chữa lành, đặc biệt là sự chữa lành nội tâm, rất quí giá, phục hoạt lại một đoàn sủng quen thuộc của Giáo hội thời nguyên thủy và làm phong phú gia sản kitô giáo chúng ta.

Anh chị em cần cho và cần nhận vì lợi ích to lớn chung của Giáo hội.”      

PHÍA GIỚI HỮU TRÁCH CỦA GIÁO HỘI

Không những Canh tân đặt ra cho chúng ta một vấn đề mục vụ lớn, mà những hiện tượng tiêu cực liên quan xa gần đến lãnh vực đen tối của quỉ ma đang bộc phát trong xã hội đương thời đáng làm cho chúng ta suy nghĩ: nào là hình thức thờ ma quỉ, huyền bí học, bói toán, ma thuật, thần thông học, tâm linh tâm lý học…

Có hai thái độ đáng ngại: một mặt là ám ảnh và đề cao quỉ ma và mặt khác là thái độ duy lý cực đoan, cao ngạo và tự mãn xem vấn đề nầy không đáng đề cập.

Tôi chỉ xin nêu lên đây một vài điểm mà có lẽ chúng ta nên lưu ý.

a/ Cần thiết phải có một giáo huấn đầy đủ

Như đức giáo hoàng Phaolô VI đã từng nói, Giáo huấn của Giáo hội, ở các cấp, có phận vụ nhắc nhở rõ ràng cho người kitô hữu ngày hôm nay biết rằng quỉ ma và ảnh hưởng âm hiểm và đa dạng của nó không phải là chuyện hoang đường, và chúng ta không có quyền hạ tầm ý nghĩa của Phúc Am, xuyên tạc nó cho hợp với mốt suy nghĩ của thời thế.

Giáo huấn đó cũng cần soi dọi cộng đồng kitô hữu về cuộc chiến siêu nhiên, trong chúng ta và chung quanh chúng ta, chống lại những thế lực của sự ác. Để chống kẻ thù, chúng ta biết những trọng điểm và những cuộc chiến mà nó thường thích sử dụng. Người ta thường thường nhắc lại lời của thánh Piô X: ‘sức mạnh của sự ác ở nơi sự liệt nhược của những người tốt’.

Do đó, giáo huấn của chúng ta không thể thinh lặng không nói gì đến tác động cụ thể của Chúa Thánh Thần, đặc biệt là các đoàn sủng. Vaticanô II đã đem lại ơn ích khi sớm nhắc lại rằng các đoàn sủng không phải chỉ dành cho Giáo hội thời nguyên thủy, nhưng hôm nay cũng như mai sau, các ơn nầy vốn là gia sản của kitô giáo chúng ta. Và trong các đoàn sủng, có ơn khai sinh ra tác vụ chữa lành – nhất là nội tâm-. Ơn ấy nhất thiết cần đến một sự lý liệu suy xét về mặt tín lý và mục vụ một cách tinh tế. Như thế, ‘tác vụ chữa lành’ cũng sẽ nhờ đó mà được soi dẫn một cách đứng đắn.

b/ Cần thiết phải xét duyệt lại những chuẩn mực của Nghi lễ Rôma

Một phận vụ thứ hai, hạn chế hơn, nhưng cũng rất cấp thiết, buộc chúng ta không được nín thinh về mặt mục vụ liên quan đến những việc giải cứu như người ta đang áp dụng bấy lâu trước mắt chúng ta. Vì lợi ích của Giáo hội cũng như tạo sự tin tưởng cho Canh tân trên thế giới, cần phải thiết định những con đường phải theo, đặt đèn xanh đèn đỏ để bảo đảm an toàn. Người chạy xe không tự mình thiết định luật đi đường, cũng không tự cấp bằng lái hoặc tự buộc mình thắt giây an toàn. Các giám mục là những nhà hữu trách của Giáo hội phải phục vụ kitô hữu trong lãnh vực nầy.

Trong viễn tượng nầy, cần xét lại những chuẩn mực Nghi lễ Rôma – có nguồn gốc từ năm 1614 -, ít nhất trong những mục liên quan đến những gì cho phép nhận ra một trường hợp nào đó là trường hợp quỉ nhập. Ngày nay, những chuẩn mực nầy còn khiếm khuyết và cần được phân định và đối chứng với những hiện tượng tâm linh tâm lý học trên bình diện khoa học tự nhiên – như vấn đề thần giao cách cảm chẳng hạn -, những hiện tượng không có gì là quỉ ma, nhưng chỉ là những sự kiện lạ lùng 42.

Không ai mà không biết đến những gì khoa học mang lại cho chúng ta trong các sự kiện tâm lý học, tâm linh tâm lý học và các sự kiện bên ngoài kinh nghiệm ngũ quan của chúng ta. Việc đào sâu địa hạt vô thức cũng như tiến bộ y khoa đã đưa ra ánh sáng những khía cạnh về cuộc sống tâm lý con người mà trước dây ta không hề biết đến. Và người ta còn dự kiến rằng tương lai còn có nhiều khám phá đem lại tiến bộ cho khoa học về con người và việc làm chủ các hành vi thái độ của mình.

Đường ranh phân cách giữa lãnh vực tự nhiên và lãnh vực ngoại-nhiên 43 càng ngày càng thu hẹp. Điều đó không có nghĩa là nó sẽ mất tiêu luôn, nhưng nó sẽ được dặt ra một cách khác và ở vào một lãnh vực khác.

Trước những hiện tượng lạ lùng, có thể có ba thái độ khác nhau:      

- Thái độ thứ nhất là ghép toàn bộ vào những hiện tượng thuộc trật tự tâm lý, tâm linh tâm lý học hoặc xẵ hội-văn hóa, và loại trừ mọi lối giải thích khác. Đó là thái độ cổ điển hiện nay của giới duy khoa học, và không may là nhiều kitô hữu chọn con đường nầy.

- Thái độ thứ hai xem những hiện tượng nầy như những xuất hiện đương nhiên của quỉ ma, phát xuất từ những triệu chứng mà người ta tin là có thể xem như một minh chứng hiển nhiên hoặc mặc khải nội tâm cho hay.

- Nhưng cũng có thể có thái độ thứ ba nhìn nhận rằng có những trường hợp được xem như là ‘bị ám nhập’ thuộc trật tự tâm lý, tâm linh hoặc tâm bịnh, nhưng đồng thời giả thiết rằng cũng có những ảnh hưởng xấu xa thuộc trật tự siêu nhiên có thể đóng một vai trò (hoăc có liên quan với hiện tượng xảy ra hoặc không dính líu gì với chúng), và xen vào những hiện tượng nầy với những tác phong bịnh hoạn.

Không phải bởi vì một hiện tượng có thể giải thích được dựa trên những phạm trù khoa học của chúng ta là ta có thể loại trừ việc có thể giải thích nó ở một trật tự khác, ở một cấp độ khác.

Nhà khoa học kitô hữu cần nhớ rằng có những thực tại và những chiều kích vượt qua sự kiểm chứng của kinh nghiệm, và hơn nữa sự khách quan khoa học không cho phép mình độc quyền giải thích các hiện tượng.

Và người kitô hữu không chịu cập nhật những dữ kiện và những tiến bộ khoa học, họ cần nhớ là ‘tinh thần kiểm thảo cũng là một ân huệ của Chúa, và khờ khạo ngu ngơ không phải là một nhân đức đồng hóa với đức tin’.

Chỉ còn cách là phải xét lại Nghi lễ Rôma mới có thể giúp chúng ta tránh được lối phê phán quá vội dựa trên những tiêu chuẩn ngày nay không còn thích hợp. Việc làm nầy còn khẩn trương hơn nữa, khi một số những người áp dụng lối ‘cứu chữa’ hiện nay, vì dựa trên những tiêu chuẩn không thích hợp ấy, có thể nhân tăng một cách không đúng cách những trường hợp mà họ cảm thấy cần phải giúp đỡ vì lòng bác ái. Phải giúp họ tránh được lối luận cứ của những người chủ trương ôn hòa và dè dặt nghĩ rằng mình đường đường theo đúng con đường chính thống, nhưng kỳ thực khi họ thực hành theo lối suy nghĩ của họ, thì họ có thể tự đưa mình vào con đường dị giáo và duy tự nhiên.

c/ Cần có một đường lối mục vụ mới về việc trừ quỉ

Điều khẩn thiết thứ ba đặt ra, đó là việc thiết định một đường lối mục vụ mới về việc trừ quỉ, dù việc nầy được gọi tên bằng lối nói nào đi nữa. Khi trực tiếp can thiệp vào quỉ hoặc những tà ma quỉ quái, truy cứu hoặc tìm cách xua đuổi chúng, thì Giáo hội phải vạch ra những qui luật thích hợp cần phải tuân giữ. Giáo luật đã dành trường hợp bị quỉ ám thuộc quyền lý liệu của giám mục, nhưng những gì ‘không nhất thiết như thế’ thì còn mơ hồ.  Ngoài ra, như chúng ta đã nói qua, chúng ta còn thiếu một sự nhất thống về từ ngữ.

Để công việc chỉnh đốn mang lại lợi ích, một trong những điều phải làm là xác định từ ngữ và phân biệt rõ ràng giữa việc cầu nguyện xin được giải cứu và hành vi trừ quỉ khi can thiệp trực tiếp đến quỉ ma.

Lời cầu nguyện trực tiếp kêu cầu đến Chúa không có gì khác các lối cầu nguyện thông thường. Lời cầu nguyện cuối cùng trong kinh ‘Lạy Cha’: ‘xin cứu chúng con khỏi sự dữ’ là lời cầu nguyện giải thoát tuyệt hảo. Lời kinh ấy ai cũng thực hiện và là gia sản thiêng liêng chung của chúng ta. Cần linh hoạt và am tường lời cầu xin cuối cùng nầy trong Kinh Lạy Cha trong mọi chiều kích và ý nghĩa của nó ngay nơi  thực tại con người chúng ta.

Trái lại, việc giải thoát trừ quỉ đặt ra một vấn đề hệ trọng. Giáo hội đã làm luật qui định về những gì liên quan đến những trường hợp bị quỉ ám và dành những trường hợp nầy cho giám mục lý liệu. Nhưng cho đến nay Giáo hội không thiết định làn ranh phân cách những hình thức trừ quỉ được cho là ‘ở ngoài’ tình trạng ‘quỉ ám’.

Tôi biết là trong nhiều xứ các giám mục hoặc hội đồng giám mục đã lo ngại về vấn đề nầy; nhiều vị còn xin diên trì cho đến khi xác định được một đường lối rõ rệt. Chúng ta hiểu rằng, trên căn bản chung của những định hướng mục vụ, có thể có những nét riêng phát sinh từ một bối cảnh dị biệt. Đó là trường hợp ở những nơi mà vấn đề quá phức tạp vì những tin tưởng dân gian về quỉ thần thiên địa, hoặc trong những xứ mà dân chúng còn đặt nặng vai trò của hồn ma kẻ chết, phù thủy…

Nghi thức rửa tội mới cũng từng tiên liệu một lối tuyên hứa từ bỏ dành cho những tân tòng đến từ ngoại giáo (Huấn thị 65 § 2).

Trước mắt, vì khẩn cấp phải ngăn ngừa những kitô hữu đi vào lãnh vực nầy, tôi nghĩ là giáo quyền ở địa phương cũng như hoàn vũ nên chỉ rõ những giới hạn mà việc thực hành các lối ‘giải cứu’ không được vượt qua.

d/ Trách nhiệm riêng của giám mục

Theo tôi, trong lãnh vực nầy mọi hình thức trừ quỉ nhằm nhận diện, nói với quỉ xuyên qua việc trực tiếp ra lệnh cho chúng, xua đuổi, trừ khử chúng phải dành riêng cho giám mục hoặc người được vị nầy ủy nhiệm.

Hình thức trừ quỉ như thế nên dành riêng cho sự suy xét định liệu của giám mục và đừng bao giờ thực hiện mà không có sự đồng ý của vị nầy.

Việc dành riêng nầy nằm trong đường lối của truyền thống, ngay cả đối với linh mục cũng không có quyền.

Khi một tân linh mục sẽ được thụ phong với việc trao chức ‘trừ quỉ’ – vào thời mà chức trừ quỉ là một chức nhỏ - , thì người ấy nhận được quyền trừ quỉ, nhưng việc thực thi quyền ấy được giới hạn.

Tôi cũng nhận thấy rằng, nếu chức trừ quỉ không còn giữ như một chức nhỏ nữa, thì cũng không có gì ngăn cấm một hội đồng giám mục xin Rôma tái lập. Tôi không biết việc đó có nên làm hay không, nhưng ít nhất có thể xét xem, và trong trường hợp đó có thể trao cho những giáo dân ở mức nào đó hay không.

Nhưng về điểm nầy, tôi vẫn cho rằng giám mục phải được thông tri, và mang trách nhiệm tối hậu khi trao công tác mục vụ liên hệ cho những linh mục được chọn lựa và những giáo dân có tư cách.

Nhiều nơi trên thế giới, trách nhiệm đó đã từng được các giám mục đặc biệt lưu ý. Chẳng hạn ở tổng giáo phận Florence, hồng y tổng giám mục Benelli, vì thấy có nhiều vụ quá lạm, (không liên quan gì với Canh tân), đã công khai rút quyền trừ quỉ đối với những linh mục đã thực hiện công việc ấy dưới nhiều hình thức khác nhau, và chỉ dành riêng quyền trừ quỉ cho hai linh mục được ủy nhiệm.

Khi đề nghị dành riêng không những các trường hợp quỉ ám theo giáo luật cũ, mà còn nới rộng trong những trường hợp hoài nghi là bị ảnh hưởng của quỉ ma, cho giám mục, tôi không hề đặt lại vấn đề vai trò của người giáo dân trong Giáo hội. Thực ra, không có gì bất thường khi phải phân biệt quyền liên quan đến tất cả mọi kitô hữu và việc hành xử quyền ấy phải tùy thuộc vào các vị hữu trách của Giáo hội.

Đây không phải là một vấn đề thần học về vai trò của người giáo dân, nhưng là tìm một giải pháp đứng đắn tùy thuộc vào những hoàn cảnh trước mắt.

Mỗi kitô hữu đều có quyền rửa tội, nhưng Giáo hội dành việc thực thi quyền ấy trong những trường hợp ngặt nghèo tối đa, và yêu cầu là nếu trường hợp như vậy xảy ra thì phải thông báo để sự việc được ổn định trong nhịp sinh hoạt bình thường cộng đồng.

Mỗi kitô hữu đều sám hối tội lỗi mình trước mặt Chúa và thành khẩn ăn năn trở lại với Ngài thì được tha thứ, nhưng vẫn cần đến linh mục và phải xưng tội dựa vào sứ vụ đặc biệt của vị ấy.

Mỗi cặp nam nữ đã chịu phép rửa lập hôn phối, cùng tuyên hứa đồng thuận để thực hiện bí tích hôn nhân: nhưng Giáo hội luôn vì những lý do mục vụ đã thiết lập những luật lệ không những để cho hợp pháp mà thôi mà còn để cho bí tích thành sự. Linh mục hiện diện để bảo chứng hôn nhân công giáo đi vào mầu nhiệm của Giáo hội.

Tôi nêu lên một vài thí dụ như thế để cho thấy việc áp dụng vào trường hợp ‘trừ quỉ’ mà tôi nói ở đây. Mỗi người đã chịu phép rửa trên nguyên tắc có quyền nầy dựa vào lời hứa và sự hiện diện của Chúa nơi người ấy, nhưng theo lẽ thường và để mang lại lợi ích thiết thực, việc hành xử quyền ấy phải được qui định bởi những mục tử của Giáo hội tùy nhu cầu và sự cần thiết của sinh hoạt mục vụ thích hợp.

Ở dây không có gì là chủ trương đề cao giáo sĩ, nhưng chỉ là tuân theo một trật tự được chính Chúa đặt ra,  khi Ngài thiết lập luật lệ và chức năng của các mục tử Giáo hội.

Cuối cùng, ở điểm nầy còn có một điểm đặc biệt. Người ta có khi biện minh cho việc trực tiếp trừ quỉ nại lý do là có bản văn phổ biến cho rằng theo Giáo hoàng Lêô XIII giáo dân cũng như giáo sĩ đều được phép.

Vì muốn biết ý kiến chính thức của Giáo hội về vấn đề trừ quỉ nầy của đức Lêô XIII, tôi đã xin Thánh Bộ đức tin là cần phải giải thích như thế nào. Trước khi mất, hồng y Seper đã trả lời cho tôi thư ngày 18 tháng 11 năm 1981 rằng việc trừ quỉ của giáo hoàng Lêô XIII được đua vào Nghi lễ Rôma năm 1925, với lời giáo huấn như sau: “Việc trừ quỉ nầy có thể được các giám mục và các linh mục được các giám mục cho phép thi hành.”

Ngài còn nói thêm là năm 1944, giám mục của Citta della Peve đã từng hỏi Thánh Bộ là mọi tín hữu có thể đọc lời trừ quỉ theo như bản văn đã được phổ biến dưới triều của giáo hoàng Lêô XIII không. Và Thánh Bộ đã trả lời là không, “ vì lý do có lối suy nghĩ dị đoan khi người ta thực hiện việc nầy và cũng vì Giáo hội đã thường dành công việc trừ quỉ cho những thừa tác viên có thẩm quyền.”

Như thế, tôi không biết tại sao dựa vào một bản văn có imprimatur người ta phổ biến rằng mọi tín hữu có thể thực hiện việc trừ quỉ. Tình trạng bất thường ấy là một chỉ dẫn cho thấy trong lãnh vực nầy có vấn đề mục vụ chung cần phải xét lại và phải soi rọi một cách thấu đáo.

LỜI NGUYỆN

Khi kêu mời chúng ta ăn chay, Giáo hội muốn chúng ta trang bị để bước vào cuộc chiến thiêng liêng. Cùng với Giáo hội, chúng ta cầu xin:      

Lạy Chúa, xin cho chúng con

biết dùng ngày chay nầy

để bắt đầu bước vào cuộc chiến thiêng liêng

một cách thánh thiện:

xin cho việc ăn chay của chúng con làm cho chúng con sức mạnh đề chiến đấu chống lại sự dữ.

 

Lời nguyện ngày thứ tư lễ tro

 

2.  Hướng về cùng đích

A. ĐI VÀO BỐI CẢNH CỦA PHỤC SINH

Phục Sinh, tâm điểm của đức tin Kitô giáo không thể tách rời mầu nhiệm Phục Sinh.

Chúng ta đánh cuộc đời sống hiện tại và tương lai chúng ta trên thực tại nền tảng nầy của đức tin. Đây là vấn đề sống chết của chúng ta, theo nghĩa mạnh và rõ ràng của câu nói nầy.

Kitô hữu không phải là kẻ sống với ám ảnh hoặc kinh sợ ma quỉ; kitô hữu tin vào sự phục sinh của Chúa, sự toàn thắng của sự sống trên cõi chết, của tình yêu trên hận thù, của sự thật trên dối trá, của ánh sáng trên bóng tối. Giáo hoàng Giaon-Phaolô II đã nói với dân cư da đen ở Harlem rằng: “Chúng ta là dân phục sinh và bài ca của chúng ta là Allêluia”.

Kitô hữu không tách riêng từng mảnh những giai đoạn trong mầu nhiệm cứu độ: đối với người kitô hữu, ngày thứ sáu Tuần Thánh là giá của Phục sinh, cũng như Phục sinh là cánh cửa mở ra ngày Thánh Thần Hiện xuống. Họ sống ba mầu nhiệm ấy trong toàn bộ không phân ly.

Cái nhìn của kitô hữu không hướng về quỉ ma như bối cảnh duy nhất và nỗi bật bày ra trước mắt. Thánh Têrêxa Avila nói rằng: “Tôi không hiểu tại sao phải sợ để la lên: quỉ, ma!, khi chúng ta có thề gọi tên: Lạy Chúa, lạy Chúa!”

Cuộc chiến của Chúa Kitô chống lại ‘kẻ thù’ đã toàn thắng. Sự phục sinh của Ngài từ nay rực sáng lên chói lòa ngập tràn bầu trời. Nếu như sự dữ chưa hoàn toàn bị khử trừ, và ta còn phải cảnh giác, thì chúng ta biết rằng Nước Chúa ở giữa chúng ta.

Tôi tin một Chúa Cha đầy tình thương mến; Chúa Giêsu Đấng cứu chuộc chúng tôi, trong Ngài chúng tôi đã được làm con thừa tự Nước Trời; Chúa Thánh Thần hiện diện để ban cho chúng tôi ‘niềm vui và an bình mà không ai có thể giật mất’. Lời tuyên xưng đức tin của tôi đưa tôi qua bên kia bờ của một tôn giáo đầy lo âu sợ hãi bị không chế bởi quyền lực u ám của sự dữ.

Ta không thể quên là Phục Sinh đánh dấu sự chiến thắng trên quỉ dữ, đến độ ta không thể rập khuôn điều tôi gọi là mục vụ của chính Chúa Giêsu trong những năm tháng ngài sống nơi trần gian với cuộc sống vinh quang của Ngài ngày hôm nay.

Đức Kitô tác động và khai triển công việc của Ngài một cách khác và đặc biệt là xuyên qua các bí tích, tất cả được qui về phép Thánh Thể, như những máng thông ơn. Và ở cấp độ thế giới chứ không còn trong khung hạn chế của vùng đất Palestine và trong bối cảnh của phong tục tập quán đương thời của Ngài lúc ấy. Ta không thể lập lại y nguyên việc làm chống quỉ ma của Chúa Giêsu trước Phục Sinh để làm khuôn cho tác động luôn tồn tục của Ngài ngày hôm nay qua Chúa Thánh Thần trong sức mạnh và năng lực của sự sống lại.

Nhận xét nầy giúp tránh được mối nguy hiểm của một lối đọc Thánh Kinh theo lối bảo căn và những lối rập khuôn không đúng cách. Ta không hề chối bỏ sự hiện hữu thực tế của những lần Chúa Giêsu chữa lành và trừ quỉ: ta định vị những thực tại ấy vào trong khuôn khổ thời gian và không gian với ý thức rằng chúng ta đang sống hôm nay dưới dấu chỉ của một cuộc chiến thắng đã được thực hiện rồi và trong sự mới mẻ của Thánh Thần.

Quỉ ma học không phải là trung tâm của đức tin chúng ta, nhưng là Chúa Kitô trong năng lực của Thánh Thần. Mọi hình thái đề cao quá mức về thế giới quỉ ma, quyền lực tối tăm đều làm tổn hại gia trọng sự quân bình của kitô giáo chúng ta và đi ngược lại Phúc Am là Tin Mừng và là sứ điệp giải thoát. Mưu chước ma mãnh nhất của Quỉ dữ là lôi kéo chúng ta tập chú vào chính nó và những việc nó làm, chứ không nhìn vào chính Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc thế gian. Chúng ta là con của Anh Sáng và phải luôn mải như thế.

Thánh Thể toàn thắng

Mải tập chú vào việc nhắc đến ma và trực tiếp tìm cách trừ quỉ, chúng ta có nguy cơ quên rằng kitô hữu có những nơi nương tựa khác. Chúng ta đã có dịp đề cập về Giáo hội như là bí tích cứu độ, nay ta còn phải nhớ rằng trong cuộc chiến chống trả với các quyền lực của bóng tối, bất cứ kitô hữu nào cũng có sẳn năng lực của việc cầu nguyện trực tiếp với Chúa và hưởng được nguồn sinh lực từ sự chiến thắng phục sinh của Chúa. Khi dạy chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã cho chúng ta mẫu mực tuyệt vời về việc cầu nguyện xin giải thoát khỏi mọi sự dữ. Đó là lời cầu nguyện ưu tiên mà Thầy đã dạy cho các môn đệ của Thầy trong mọi thời đại.

Nhưng ta cũng không thể quên một năng lực giải thoát phát sinh từ các bí tích, và đặc biệt trong mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể nếu chúng ta hiểu được giá trị và ý nghĩa. Toàn bộ lời kinh Gloria in excelcis trong phụng vụ được giải minh từ ánh sáng nầy. Mỗi chữ trong kinh ‘vinh danh’ dạy cho chúng ta biết về những mục đích của Thánh Thể, là lời cầu nguyện thờ lạy, tôn vinh, cầu xin, cảm tạ, và đồng thời nhắc nhở cuộc chiến thắng các thế lực của sự dữ đang ngăn cản những mục đích đó. Thờ lạy và tôn vinh Chúa, thì đó đã là đưa ta thoát khỏi cạm bẫy của sự dữ, của mọi hình thức tôn thờ thần tượng đang rình rập và khống chế chúng ta. Hướng mắt nhìn về Chúa là đã khước từ bóng tối rồi.

Và khi việc nguyện cầu của chúng ta biết thấm nhập vào Thánh Thể đang cử hành, thì sức mạnh cứu thoát sẽ triển khai năng lực tối đa. Ta không ngạc nhiên là những hình thái quá lạm về quan niệm và áp dụng giải trừ quỉ ma thường phát sinh trong những môi trường không biết đến Thánh Thể.

Các giáo phụ đã từng lưu ý đến mối liên hệ giữa việc thờ lạy và tạ ơn đi kèm với sự rút lui tan tác của kẻ thù.   Vào thế kỷ thứ hai, thánh Inhaxiô Antiôkia viết thư gửi tín hữu Ephêsô thế nầy: “Anh chị em hãy cố gắng họp nhau để tạ ơn Chúa và tôn vinh Ngài. Khi anh chị em gặp gỡ nhau như thế, thì các quyền lực Sa-tăng sẽ lung lay và mưu đồ của nó sẽ tan biến trước đức tin nhất tâm của anh chị em”(Ep 13, 18).

Tên gọi toàn thắng của Chúa Giêsu

Ý thức phục sinh nầy thể hiện trong mỗi trang của cuốn Tông Đồ Công Vụ. Ngay từ phép lạ chữa lành đầu tiên, Phêrô nói với người bị bại ngồi ở ngưỡng cửa Đền Thờ như sau: “Tôi không có vàng bạc, nhưng tôi có thể cho anh điều nầy: nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hãy đứng dậy và bước đi.”

Ngay tên gọi Giêsu là danh hiệu toàn thắng. Khi thiên thần hiện ra cùng Giuse, thiên thần nói với ngài là Maria sẽ sinh một người con trai, và nói thêm: “Ông hãy đặt tên cho đứa trẻ là Giêsu, vì chính Đấng ấy sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi.”

Gọi Tên Ngài, thì đã được che chở khỏi sự dữ tấn công, đó là chính quyền năng và sức mạnh của phục sinh mà ta nương tựa. Xưa Chúa Giêsu đã nói với phụ nữ đụng đến gấu áo Ngài: “Một sức mạnh toát ra từ nơi ta”. Một nguồn sinh lực, chữa lành, tăng cường gan dạ cũng sẽ trào dâng từ danh Chúa Giêsu nếu ta gọi tên ấy với lòng tin của mình.

Trước đây người ta tôn vinh danh hiệu nầy. Tôi lấy làm tiếc là kinh cầu Tên Thánh Chúa Giêsu, - với ý nghĩa hết sức phong phú -, nay không còn được tín hữu kitô giáo Tây Phương đọc nữa. Nhưng chúng ta không thể không vui mừng khi nhận thấy rằng ‘kinh cầu Chúa Giêsu’ thường được kitô giáo Đông Phương đọc đang mang lại cho chúng ta một sinh lực mới. Lời ‘cầu nguyện từ đáy lòng’ đưa nhịp tim của chúng ta hòa với danh thánh Chúa Giêsu, làm cho chúng ta sống trong một bầu khí phục sinh liên lĩ, thúc giục chúng ta tuyên xưng sự thật nền tảng của đức tin chúng ta: “không có sự cứu độ ở Tên gọi nào khác, vì không một Tên gọi nào dưới bầu trời nầy đã được ban cho con người nhờ đó mà chúng ta được cứu độ.” (TĐCV 4, 12).

Một lối phản ứng khác hơn

Ngược lại, nếu ta cứ khư khư tiếp tục chọn lối suy nghĩ thấy đâu đâu cũng quỉ và ma, thì ngày ngày nơm nớp tìm cách phản ứng lại và không biết rồi phải dừng ở đâu.

Nếu cho rằng quỉ là nguyên nhân các thứ bịnh hoạn, trở chứng, những yếu hèn và hung hăng, những nỗi chán chường của chúng ta, thì hẳn trong mỗi biến cố chúng ta đều phải lo thủ thế; quan niệm như vậy, thì tại sao mỗi lúc, mỗi ngày ta không lo mà làm những buổi cầu nguyện giải thoát hoặc ‘gọi ma quỉ’ để đuổi trừ? Và nếu là như thế, thì xưa nay người ta hẳn đã đưa việc nầy vào giáo lý, mục vụ, vào các cơ chế tổ chức những dòng tu, và phải thực hiện những cuộc trừ tà trước khi cho nhập vào nhà tập hoặc vào học viện. Và tại sao lại không đưa luôn vào bất cứ mỗi cuộc gặp gỡ, họp hội nào của chúng ta?

Tôi không cần phải nói thêm: với lối suy nghĩ về quỉ ma đó, người ta nên lưu ý là ở đằng sau lại có một ‘lối nhìn thần học’ không thích đáng. Trong truyền thống Giáo hội, không bao giờ có bầu khí nầy, không bao giờ có một tâm trạng bị ám ảnh bởi quỉ ma trong cuộc sống thiêng liêng và trong phụng vụ. Bầu khí u ám ấy, Giáo hội công giáo cho rằng không thể hít thở được để sống; và những lối hiểu bí truyền tùy hứng, những lối áp dụng quá lạm như vậy có nguy cơ đẩy các nhóm Canh tân ra bên lề của cuộc sống chung của Giáo hội, tách lìa với hơi thở sống động nuôi dưỡng Giáo hội chúng ta.

B. ĐI VÀO BỐI CẢNH GIÁO HỘI CHUNG TOÀN

Để đối đầu với các quyền lực của tối tăm, chúng ta có thể và chúng ta phải thấm nhập vào sự toàn thắng của Chúa Kitô. Nhưng cuộc toàn thắng ấy không phải chỉ là cuộc toàn thắng của Chúa Giêsu Kitô, là đầu của Giáo hội: ngay bây giờ, nó đang bung nở trong thân thể Ngài: các thánh trên trời.

Vaticanô II đã từng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang sống dưới thế nầy, làm nên Giáo hội lữ hành với những hành trang của bất chắc, mệt mỏi và nhiều gánh nặng. Nhưng đồng thời, Vaticanô II cũng đã nhấn mạnh rằng chúng ta đang liên đới với Giáo hội khải hoàn, luôn kết nối với chúng ta trong mối hiệp thông bí nhiệm và đầy hân hoan của các thánh. (LG số 8).

Chúng ta cần nhớ là trong cuộc chiến chống lại các thần khí tối tăm, chúng ta không bị bỏ mặc: chúng ta sống hiệp nhất thâm sâu với Giáo hội trên trời.

Như thế chúng ta sẽ tìm lại được cái nhìn cao đẹp của Kinh Thánh nối kết Chúa Kitô và tất cả những ai đã được Ngài cứu chuộc luôn được ở bên Ngài trong vinh quang của Nước Trời. Trong Chúa Kitô, họ luôn sống và gần chúng ta. Và chính họ là những bậc ‘thần’, những siêu-sinh.

Mẹ Maria và các thánh

Mẹ Maria có một tước vị riêng, duy nhất, Mẹ là ‘hình ảnh chung toàn của Giáo hội’, và cùng với Mẹ có các thiên thần và các thánh. Sinh hoạt duy nhất của Giáo hội khải hoàn, đối với chúng ta, chính là để cầu bàu cho chúng ta cho đến khi hoàn thành lịch sử cứu độ. Thánh Phaolô trình bày lịch sử ấy như một ‘cuộc chiến’ chống trả lại các quyện lực đối nghịch và như một sự cầu bàu ( 1 Cr 15, 24-28; Rm 8, 34; và Do thái 7, 25; 9, 24; 10, 13-14). Trong cuốn ‘Linh Thao’, thánh Inhaxiô yêu cầu người tĩnh tâm đối diện với Chúa Kitô và cả triều thần trên trời đang cầu bàu cùng Chúa cho mình. Đó là cái nhìn toàn bích mà chúng ta thường hay quên, hoặc ít nghĩ đến trong cung cách của con người hôm nay.

Truyền thống Giáo hội và lòng sùng mộ của tín hữu luôn nhìn nhận vai trò và vị thế của Mẹ Maria trong mối hiệp thông cần bàu cho chúng ta và giúp chúng ta chiến đấu được toàn thắng.

Cuộc chiến giữa Thần khí sự dữ đã khởi đầu ngay từ buổi ban đầu của thế giới, nơi sự đối nghịch căn đế mà Chúa thiết lập giữa người nữ và con rắn. Giáo hội đã nhận ra nơi người đàn bà trong sách Sáng Thế là Mẹ Maria, một Evà mới, mẹ của những người được có sự sống của Chúa. Kitô hữu trong mọi thời đại nương nhờ vào sự chở che nầy.

Mẹ luôn kết hợp với Con của Mẹ trong mầu nhiệm cứu chuộc, nên Mẹ luôn liên quan đến việc làm cho mầu nhiệm đó đâm hoa kết trái, và luôn gìn giữ khi có những cản trở chống lại chương trình nầy.

Kitô-hữu cảm nhận theo bản năng của mình là Mẹ Maria là một thành trì chống lại thần lực sự Ac, và khi hiệp thông sâu xa với Mẹ, thì sẽ tìm được nguồn sức mạnh chống trả những cám dỗ và tất cả những gì đe dọa cuộc sống Chúa Giêsu trong chúng ta. Khi hiệp lòng với Mẹ Maria, và đọc ra bằng lời và tâm niệm trong lòng “Danh Chúa Giêsu, Danh hiệu trên mọi danh hiệu, để mọi sự trên trời, dưới thế và nơi địa ngục, nhân Danh nầy, phải quì phục” (Ph 2, 10), kitô hữu đưa sự toàn thắng của  Chúa Giêsu Kitô tác động một cách khác thường. Đối với chúng ta, những người con trung thành của Giáo hội, hiệp thông với Mẹ Maria là một phương thế an toàn giúp chúng ta miễn nhiễm và được giải cứu trong cuộc chiến thiêng liêng mà chúng ta phải đương đầu nơi trần gian trong lúc chờ đợi sẽ được gặp gỡ vào thời chung mãn trong vinh quang của Thiên Chúa.

Chúng ta nhìn nhận Mẹ Maria của chúng ta trên Trời, Mẹ là Nữ hoàng của các thánh và các thiên thần.

Các thiên thần

Cũng phải nhắc lại cho kitô hữu ngày nay biết rằng chúng ta ở trong trần gian nầy đang hiệp thông với các thiên thần trên Trời. Sứ mệnh của các thiên thần cũng là trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến thiêng liêng. Thinh lặng không nhắc gì đến các thiên thần tạo sự mất quân bình khi ta chỉ nói đến các thiên thần bị sa đọa; và việc quên sót ấy bóp méo cái nhìn toàn cục. Cái nhìn toàn cục của Giáo hội tin rằng thế giới thần thánh là một thực tại sinh động và các thiên thần đóng một vai trò rất bí nhiệm nhưng gần gũi chúng ta.

Giáo hội dạy chúng ta biết về mối hiệp thông thân mật gần gũi với thế giới vô hình của các thiên thần và với thiên thần được xem là thủ lãnh: thánh Micae. Giáo hội nhắc đến họ trong phụng vụ bằng những lời nầy:

“Lạy Chúa, trong sự khôn ngoan lạ lùng của Chúa, Chúa đã trao cho các thiên thần và con người ta những chức năng riêng; xin Chúa làm cho chúng con được bảo vệ ở nơi trần gian nầy bởi những vị đang phục vụ trước Nhan Chúa ở trên Trời” (Lời nguyện ngày lễ các thánh tổng lãnh thiên thần, 29 thánh 9).

Truyền thống Giáo hội gọi thánh Micae là thiên thần của ánh sáng, đối thủ số một của Sa-tăng; Ngài là kẻ bảo vệ vị thế ưu tiên của thiên Chúa: ‘Ai bằng Thiên Chúa?’.

Trước đây, chúng ta thường nhắc đến Ngài sau mỗi Thánh lễ: “Kính thánh tổng lãnh thiên thần Micae, xin hãy bảo vệ chúng con trong lúc chúng con phải chiến đấu: xin hỗ trợ chúng con chống lại sự gian ác và những mưu kế của quỉ dữ. Chúng con van xin Chúa tỏ cho quỉ ma thấy sức mạnh của Ngài; và Ngài là tổng lãnh đạo binh thiên quốc, xin Ngài dùng sức mạnh của Chúa xua đuổi quỉ dữ và các ác thần vào hỏa ngục …”

Chúng ta có thêm sức mạnh khi có đồng minh và biết nương tựa vào họ. Bossuet từng nhắc nhở người đương thời rằng: “Anh chị em chỉ dựa vào sức người làm đồng minh, và chỉ biết làm vui lòng thiên hạ, làm như các thiên thần không liên quan gì đến mình. Kitô hữu, anh chị em lầm rồi, có một dân vô hình - các thiên thần- dân ấy kết hợp với anh em bằng đức bác ái.”

Đó là một ý tưởng rất quan thuộc ta thường gặp trong truyền thống các giáo phụ. Các vị cho rằng Chúa đã phó thác việc bảo vệ chúng ta cho các thiên thần hộ mệnh, và đó là một trong những dấu chỉ cụ thể của việc Chúa quan phòng.

Thế giới các thiên thần luôn hiện diện trong Truyền thống Giáo hội Đông phương, phía công giáo cũng như chính thống giáo. Thế giới ấy cần được phục hoạt trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta: nó rạng soi thế giới tăm tối của những quỉ thần gian ác mà chúng ta đang phải đối đầu khi chúng ta còn là Giáo hội trên đường lữ hành.

Mong sao Canh tân nhấn mạnh sự hiện diện ngời sáng của các thiên thần trong quan niệm của mình, một mặt vì cần nói lên sự thật, mặt khác là để quân bình lại những gì đã được nhắc đến quá nhiều và một chiều về các quyền lực của ma quỉ tối tăm.

Kết luận

Khi viết xong những trang nầy, tôi tự thú rằng chính tôi phải xét lại mình trong thời gian tôi làm mục vụ. Tôi không nhấn mạnh đúng mức thực tại của các quyền lực của sự Ac đang hoành hành trong thế giới hôm nay, và việc cần thiết phải dấn thân vào cuộc chiến thiêng liêng.

Khó mà lối ngược dòng và khó mà tránh khỏi việc rơi vào tinh thần của thế thường. Hơn nữa, trong một vấn đề tế nhị như thế nầy, phải chống vừa Charybe vừa Scylla, đi ngược lại cả thái độ bất cập nhưng cũng ngược lại cả thái độ quá lạm: vừa xác quyết có sự hiện diện của Sự Dữ, lại vừa tuyên xưng một đức tin phục sinh khải hoàn; vừa đề cao giá trị của mục vụ giải thoát nhưng cũng không thể đi vào những quá lạm cần tố giác.

Tất cả những điều ấy, đáng làm cho chúng ta xét mình (và trước hết đối với chính cá nhân tôi); nhưng đó cũng là cơ hội để, một mặt, chúng ta cố gắng nhận ra những thực tại sáng ngời của đức tin chúng ta, và, mặt khác, nhận ra mầu nhiệm về sự ác đang xuất lộ quá cụ thể nơi thế giới đang xuống cấp đạo đức một cách trầm trọng. Và hơn hết là cần phải lên tiếng dẫu có thể làm cho những ai nhất quyết chủ trương sự lương thiện ngây ngô tự nhiên của con người và huyền thoại về ‘Tiến Bộ’.

Tôi cũng mong cầu chúc những tín hữu, ở trong hay ngoài Canh tân, được ơn nhìn thấy và đi sâu hơn vào mầu nhiệm của Giáo hội. Chúng ta luôn bị cám dỗ giản lược Giáo hội với một định chế xã hội con người, tổ chức cách nầy hay cách khác cho hợp với ‘thời trang’. Và chúng ta không chịu ở ngay trong Giáo hội như một chi thể, thấm nhuần mầu nhiệm thâm sâu của Giáo hội để nhận ra rằng Giáo hội chúng ta là sự nối dài sứ mạng trên trần gian của Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta phải gặp Chúa Thánh Thần bên trong Giáo hội ấy, và trong cuộc sống  Giáo hội nầy Thánh Thần dẫn dắt chúng ta bước đi theo ý Chúa. Chính Ngài đã muốn như thế ngay từ bước ban đầu khi thành lập một Giáo hội thánh thiện và tông truyền. Các Tông đồ hôm nay là các giám mục mà Thánh Thần lập nên để hướng dẫn cộng đồng kitô hữu. Đối xử lịch sự với các Ngài chưa đủ: chúng ta không dừng lại ở mức độ giao tế hoặc ngoại giao, nhưng ở trong lãnh vực đức tin; và phải dùng đức tin để cảm nhận và huy động sự vâng phục phụ tử và đầy lòng tin tưởng.

Trong lúc chờ đợi những chỉ dẫn về lãnh vực ‘giải thoát, trừ quỉ’ – mà tôi hy vọng chắc sẽ sớm công bố- , tôi cũng chúc cho ủy ban thần học quốc tế có thể giúp khai quang vùng đất nầy, minh định từ ngữ tùy cảm hứng của mỗi tác giả, và vạch ra được một làn ranh rõ ràng hầu định hướng mục vụ.

Và còn mong ước gì hơn là xin đừng còn bày bán những sách báo hoặc băng đĩa, thu lại những cuộc hội họp, không phản ảnh ý tưởng trung thực của giáo huấn sinh động của Giáo hội, và cũng đừng quá dễ dàng hấp tấp khi kết luận về những hiệu quả được xem là tuyệt vời ‘it works’ rồi cho đó là hợp thức theo đúng nhu cầu tác vụ ‘giải thoát’, trong lúc đó việc cần thiết ưu tiên phải làm lại là việc phải đặt vấn đề về tình trạng hợp thức của chính việc áp dụng tác vụ nầy trong các trường hợp như thế.

Canh tân là một ơn đặc biệt Chúa ban cho Giáo hội, có thể hỗ trợ việc phục hoạt đời sống thiêng liêng mà thế giới đang cần. Không được để cho nó tự đóng khung hoặc đứng ra bên lề. Nhựa cây chỉ lưu chảy ở trong thân cây và, cây nầy, ngay với vỏ cứng của mình, lại có thể gìn giữ bảo vệ nhựa cây khỏi hư thúi.

Tôi đã báo trước là trên đường chúng ta đi cần phải tránh tối đa những cạm bẫy để khỏi sa vào những mưu mô quỉ quyệt của sự dữ, luôn tìm cách xuí giục kitô hữu chỉ biết nhìn tập chú vào nó mà quên nhìn khuôn mặt rạng ngời của Chúa cứu chuộc.

Cuốn sách nầy chỉ có thể đạt được mục đích khi chúng ta đưa lời cầu nguyện sau đây của tác giả thánh vịnh thấm nhập vào tâm tư và vào cuộc sống cụ thể của chúng ta:

“Khi tôi tìm Chúa,

Chúa trả lời tôi,

Chúa giải thoát tôi khỏi mọi sợ hãi.

Ai trông nhìn Chúa thì ngời sáng

Không còn tối tăm, dung nhan không còn u uẩn.

(Tv 33, 5-6)

 

GHI CHÚ

40 Cuốn I, trang 211.

41 Ta nên đọc cuốn sách của các linh mục Jacques CUSTEAU và Robert MICHEL Reconnaitre l’Esprit, Service du Renouveau charismatique catholique, Ed. Bellarmin, Montréal, 1974.

42 Ta có thể đọc về đề tài nầy trong Satan, mục : ‘L’Exorciste devant les manifestations diaboliques’ tr. 328-350, của F.X. MACQUART và linh mục P. DE TONQUEDEC.

43 (Préternaturel) Thành ngữ thần học chỉ những gì vượt lên trật tự tự nhiên (chú thích của nhà xb pháp ngữ)



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!