Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

Phần I: Canh tân trong Chúa Thánh Thần và phục vụ con người

Chương I: Đối diện với Chúa

Chương II: Phục vụ con người

Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Chương IV: Giữa đời

Phần II : Canh tân và Quyền lực tối tăm

Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương II : Kiểm Thảo

Chương III : Trên bình diện mục vụ

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội
Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương I

MÔ TẢ SỰ KIỆN

 

1. Vấn đề của cuộc tranh luận

Tài liệu Malines số 6 nầy dành đề cập đến môt hiện tượng mơ hồ và gây tranh cãi, dưới những tên gọi khác nhau – chúng ta sẽ có dịp bàn đến -, như ‘ngây ngất trong Thánh Thần’ hoặc ‘té xỉu trong Thánh Thần’.

Trước khi xem xét hiện tượng nầy, chúng ta cần phải nói ‘phong trào đoàn sủng’ là gì để định vị rõ hơn điều ta muốn đề cập trong những trang nầy và nằm vững bối cảnh của vấn đề đang tranh luận.

Canh tân, ‘một sự may mắn cần nắm bắt’

CÁI KHÔNG PHẢI LÀ CANH TÂN

Tuy nghịch lý, nhưng phương cách hay nhất để biết về lý lịch của Canh tân là nói lên cái không phải là ‘phong trào đoàn sủng’.

Người ta sẽ đi ra ngoài ân huệ riêng của Giáo hội qua ‘phong trào Canh tân’ khi xem đây như một ‘phong trào’ bên cạnh những phong trào thiêng liêng khác.

Kỳ thực, đây không phải là một phong trào theo nghĩa xã hội học mà người ta thường biết đến: phong trào đặc loại nầy không có người sáng lập, không có những nhà lãnh đạo được định chế hóa, hoặc được Giáo hội nhìn nhận tư cách liên hệ. Nó không phải là một toàn khối đồng bộ, nhưng có những khuôn mặt sinh hoạt khác nhau, và không đặt ra những bó buộc nhất định nào.

Đây là ‘một luồng ân sủng’, ‘một ân sủng đang tác động’, nói theo từ ngữ thần học thì đây là một tác năng hoặc một sinh khí của Thánh Thần ban cho mọi kitô hữu, bất cứ người ấy ở ‘phong trào’ nào, người ấy là giáo dân, tu sĩ, linh mục hay giám mục. Người ta sẽ lạc đề khi đặt câu hỏi đại loại thế nầy: có thể cùng một lúc là thành viên của một tổ chức hoặc một cộng đoàn nào đó đồng thời là thành viên của Canh tân hay không? Phải dùng lại châm ngôn xưa của kinh viện để trả lời là: ‘Nego suppositum’ (Tôi chống lại giả định ấy của câu hỏi).

Ta ‘không gia nhập’ vào Canh tân: chính Canh tân đến trong chúng ta nếu chúng ta đón nhận ân sủng canh tân của Thánh Thần. Người ta không thể vừa là tu sĩ dòng Phanxicô và đồng thời là tu sĩ dòng Tên, nhưng có thể là tu sĩ dòng Phanxicô mở lòng đón nhận Canh tân, là tu sĩ dòng Tên trong ‘phong trào đoàn sủng’, mà không ra khỏi dòng mình.

Ngoài ra phải nói là thành ngữ ‘đoàn sủng’ đặt cạnh chữ ‘phong trào’ cũng không chỉnh: nó rất mơ hồ.

Trước hết vì thành ngữ nầy tự nó không mang ý nghĩa xác định riêng một tổ chức, một sinh hoạt nào nhất định: toàn thể Giáo hội là đoàn sủng; mỗi kitô hữu là đoàn sủng nhờ vào sinh lực của phép rửa và phép thêm sức, dù người ấy có ý thức hay không ý thức cũng vậy.

Thành ngữ nầy làm cho người ngoài khó chịu một cách vô ích; và bên trong, nhiều nhóm tự mang cho mình danh hiệu nầy thì thường lại không hiểu ý nghĩa của nó. Người ta dễ dàng cho rằng những đoàn sủng, hẳn nhiên do Chúa ban, nhưng là những ơn mình sở đắc; và mình là người nắm giữ kho tàng riêng ấy. Kevin Ranaghan, một trong những người tiên phong của Canh tân ở Hoa kỳ gần đây đã mạnh mẽ chống lại lối giải thích ‘xem đoàn sủng như một vật gì mình nắm sẳn trong tay’.

Khi quá nhấn mạnh đến đoàn sủng, dẫu là những ơn hiện thực, người ta thường quên rằng ơn thứ nhất của Chúa Thánh Thần đó chính là Ngài, và ân sủng ưu hạng đó là ơn đối thần làm cho chúng ta lớn lên trong đức tin, đức trông cậy và đức bác ái; và đức bác ái là thước đo tối hậu của cuộc sống kitô giáo chân thực.

Và cuối cùng, người ta thường hay chú mục đến các đoàn sủng được xem là lạ thường – những đoàn sủng đáp ứng thị hiếu dư luận báo chí – mà không biết đến những đoàn sủng ‘nền tảng thông thường’, là bánh nuôi dưỡng cuộc sống hằng ngày trong Giáo hội.

Ta nên đọc những kỷ bài huấn từ của giáo hoàng Gioan-Phaolô II đọc trước các giám mục Bỉ, trong đó tuy ngài không dùng thành ngữ đoàn sủng, nhưng nêu lên một chuỗi những đoàn sủng thông thường nhưng thiết yếu cho sinh lực của Giáo hội44. Tại Công đồng, trong đường hướng nầy, tôi từng nêu lên vị thế của các đoàn sủng thông thường của cuộc sống Giáo hội.45

Khi quá nhấn mạnh đến vai trò và vị thế của các đoàn sủng bất thường và ‘nhất thời’, người ta có nguy cơ quên đi những đoàn sủng trường kỳ, gắn liền với Giáo hội ‘định chế’. Tôi nghĩ đến việc xức dầu của Thánh Thần trên các giám mục, các linh mục, các phó tế: đó là một đoàn sủng gắn liền với chính cơ cấu bí tích của Giáo hội.

Ta biết là thành ngữ ‘đặc sủng’mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong Kinh Thánh. Tự nó, nó có nghĩa là ‘món quà, là ân huệ’, và những món quà của Chúa thì nhiều vô cùng và đa dạng. Trong các thánh thư, thánh Phaolô dùng thành ngữ nầy rất thoải mái. Do đó cần phải thận trọng trong lối giải thích.

Như thế thì cần chọn thành ngữ nào đây? Để nắm bắt thực thể hàm ngụ trong tên gọi, tôi cho rằng thành ngữ thích ứng hơn cả đó là: Canh tân lễ Hiện Xuống. Với thành ngữ nầy, ta sẽ lưu ý đến điểm chính yếu:  đó là một sự canh tân cuộc sống thiêng liêng nối dài đặc sủng ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Các môn đệ đầu tiên đã sống biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, biến cố nguyên thủy và thành lập Giáo hội:

- như một ơn trở lại,

- như một ơn khám phá Đức Kitô hằng sống,

- như một ơn mở rộng lòng đón nhận Chúa Thánh Thần, các ơn huệ và sức mạnh của Ngài.

‘Canh tân lễ Hiện Xuống’ bao hàm toàn bộ tác động của Chúa Thánh Thần, mang lại sinh lực cho Giáo hội trong mọi mặt; nhờ vậy, thành ngữ nầy hướng tất cả về việc đón nhận Chúa Thánh Thần trong mục tiêu năng động của nó. “Thầy gửi Thánh Thần của Thầy cho anh em … và anh em sẽ làm chứng về Thầy…”

Nó mời gọi chúng ta nối dài các công vụ của các tông đồ đến trong lịch sử ngày hôm nay. Ta từng biết là giáo hoàng Gioan XXIII đã yêu cầu các giám mục đọc lại Sách Tông Đồ Công Vụ nhằm chuẩn bị cho Công đồng.

Vaticanô II đã là một ơn Thánh Thần Hiện xuống ở cấp các giám mục trên thế giới. Tôi tin rằng Canh tân lễ Hiện Xuống nằm trong khuôn khổ nối dài cuộc sống thiêng liêng của Công đồng nầy, và nó được cống hiến cho mỗi kitô hữu như một ơn tái linh hoạt cuộc sống thiêng liêng của mình, trong đưòng hướng của biến cố Thánh Thần Hiện xuống. Và đó là điều mà giáo hoàng Phaolô VI đã hiểu khi đón tiếp cuộc hành hương của gần mười ngàn ‘ đoàn viên đoàn sủng’ tại Công trường thánh Phêrô. Bài diễn từ của Ngài luôn là hiến chương cho Canh tân mà Ngài gọi là ‘một may mắn cho Giáo hội’

MỘT MAY MẮN CÓ NHỮNG HIỂM NGUY

Một sự may mắn cần nắm bắt, một ơn đặc biệt không nên bỏ qua, cần nhận ra những dấu chỉ của Chúa.

Một sự may mắn cần nắm bắt: điều đó còn nhắc thêm là ở đâu Chúa Thánh Thần tác động, thì ở đó cũng có thần Ác rình rập để xuyên tạc, làm xáo động, phá hủy.

Tại Công đồng, vào một thời điểm có những căng thẳng, người bạn tôi, Dom Helder Câmara, nói với tôi: “Nếu quỉ mà không rình rập chúng ta ở trong Công đồng, thì đúng là ngu”. Việc đó cũng tương tự xảy ra chung quanh Canh tân. Đừng nên ngạc nhiên nếu quỉ bày ra đủ trò làm giả Canh tân chân thực hoặc cố lèo lái một công việc của Chúa qua một hướng khác. Cần có sự lý liệu tối hậu của các giám mục được Chúa ủy thác để chọn lọc và nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa xuyên qua sự yếu đuối hoặc bất trí của con người.

Một sự may mắn cần nắm bắt: điều đó cũng có nghĩa là một may mắn không được làm hư hỏng đi vì việc du nhập vào những ‘đoàn sủng’ không được chứng thực.

Và nguy cơ đó dẫn chúng ta trực tiếp đến việc truy xét hiện tượng bên lề được mệnh danh là: ‘ngây ngất trong Thánh Thần’, một hiện tượng lan tràn nhanh hơn dự tưởng.

Các giám mục tại chỗ thường không hay biết, hoặc vì người ta tránh né không nói cho các ngài biết để các ngài lý liệu, hoặc giáo quyền chỉ nghe người ta đồn xa đồn gần mà thôi.

Dân chúng thì bị lôi cuốn muốn chứng kiến việc khác thường xảy ra, nào là thị kiến, quỉ thần xuất hiện, phép lạ chữa lành bịnh…

Cần phải hết sức cẩn trọng để tránh nguy cơ đánh mất ngay cả uy tín của Canh tân.

Trong cuộc tranh luận giữa hai lối hiểu đối kháng nhau về hiện tượng nầy, có hai cách nhìn các tương quan giữa luật tự nhiên và ân sủng (tránh đụng đến những nguyên nhân thứ yếu khác). Chúng ta sẽ có dịp trở lại điểm nầy. Nhưng trước hết, chúng ta cần mô tả xem thực ra hiện tượng đó là gì qua những lời trình bày của các nhân chứng.

2.  ‘Ngây ngất trong Thánh Thần’?

Người ta hiểu ‘ngây ngất trong Thánh Thần’ như thế nào? Trước hết chúng ta sẽ ghi lại những gì người ta đã tường thuật qua các kinh nghiệm của họ.

MÔ TẢ SỰ KIỆN

Thành ngữ nầy một cách chung muốn nói đến một hiện tượng tự nhiên, đó là hiện tượng té xỉu, thường là té ngửa, hay xảy ra trong một cuộc cầu nguyện chữa lành hoặc trong một buổi cầu nguyện thường. Nhìn từ bên ngoài, sự việc thấy được xảy ra nơi thân xác được mô tả qua nhiều tên gọi như: té, ngất, xỉu, trượt chân, ngây ngất, nằm yên một cách thư thái, lắc lư, cứng người lại.

Những thành ngữ cổ điển do Phái Ngũ Tuần đặt ra và thường được các nhóm đoàn sủng sử dụng là:

- ‘Slain in the Spirit’ (đột nhiên được tiếp cận với Thánh Thần)

- ‘Overpowering of the Spirit’ (được sức mạnh Thánh Thần đột nhập)

- ‘Resting in the Spirit’ (ngây ngất trong Thánh Thần)

- ‘The Blessing’ (được chúc lành)

Tất cả những thành ngữ nầy, nhìn từ bên trong, muốn nói lên rằng hiện tượng ấy liên quan đến một tác động đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Chính lối giải thích nầy tạo ra vấn đề và là đối tượng của việc tranh luận, nên câu hỏi đầu tiên phải được đặt ra trước khi phân tích phê phán đầy đủ và định hướng cho mục vụ, là ta phải hiểu thế nào về chính các từ ngữ nầy.

TỪ NGỮ

Một thừa tác viên Anh giáo, J. Richard, đã gợi ý là khởi đầu ta nên dùng một thành ngữ nằm ở cấp độ thuần túy có tính cách mô tả và đừng có tiền kiến gì về nội dung siêu nhiên và các lối giải thích liên hệ. Vị ấy đề nghị thành ngữ ‘falling phenomenon’ (hiện tượng té xỉu) và không nói thêm là ‘ngây ngất trong Thánh Thần’, vì vai trò Chúa Thánh Thần trong hiện tượng nầy chính là đề tài tranh cãi. Té xỉu là hiện tượng thấy được, hiện tượng tự nhiên; việc té xỉu được nhìn như là hiệu quả của tác động của Chúa Thánh Thần, - nếu được giải minh đúng là như thế- thì đó là lãnh vực của trât tự các thực tại siêu nhiên.

Hai bình diện ấy cần phân biệt. Một lối từ ngữ ‘không tiền kiến’ như thế sẽ giúp ta nghiên cứu và thảo luận một cách thư thái. Tôi thấy có tác giả Hoa kỳ, có tác giả Đức đã đồng ý về gợi ý của J. Richard, nên tôi cũng áp dụng lối nói nầy. Và để cho nhanh gọn, tôi sẽ dùng chữ ‘falling’, chữ ‘té xỉu’.

Ở nhiều cấp độ khác nhau, hiện tượng nầy thường thấy nơi các kitô hữu thuộc các Giáo hội lớn về mặt lịch sử – trong các môi trường công giáo, Anh giáo, Luthêrô – khi họ được tiếp cận với những người trong ‘Canh tân’ trước đây hoặc với Phái Ngũ Tuần xuất hiện vào đầu thế kỷ nầy. Nhưng, nhất là sau thế chiến 1940-1945, hiện tượng ấy phát sinh trong những môi trường quan trọng của kitô giáo; và gần đây hơn, nó đã đi vào Giáo hội công giáo.

Việc mô tả hiện tượng nầy ở tình trạng uyên nguyên rất khó, vì có nhiều dạng thức khác nhau, nhưng chúng tôi cố tìm ra một hình thức làm mẫu số chung.

GHI LẠI LỜI CÁC NHÂN CHỨNG

Như có lần tôi đã đề cập về việc kêu gọi đến I.C.C.R.O.46 để xin người ta gửi đến những chứng tá của mình, có rất nhiều những lời chứng từ những lục địa khác nhau đã gửi cho tôi. Họ làm chứng về đủ mọi khía cạnh của hiện tượng nầy, và những gì họ nói đáng được nghiên cứu và lưu tâm.

Để tránh phải lặp đi lặp lại, tôi tổng kết các câu trả lời nhận được theo những câu hỏi chính yếu được đặt ra.

Ở giai đoạn nầy tôi tránh không đưa ra những nhận định hoặc phê bình để nhường lời cho các nhân chứng nói về kinh nghiệm của mình, đôi khi có kèm những lời giải thích, những diễn dịch hoặc minh giải riêng của chính họ.    

1. Ai té xỉu?

2. Hiện tượng ấy xảy đến như thế nào?

3. Nó xảy đến trong bối cảnh nào?

4. Người ta cảm thấy cái gì ngay khi té xỉu?

5. Người ta có cưỡng lại được không?

6. Trong lúc té xỉu thì người ta kinh nghiệm được gì?

7. Người ta giúp gì cho người té xỉu?

8. Sau khi té xỉu người ta cảm nhận điều gì?

9. Những thành quả nào được người ta tin là đã chứng thực?

 

1. Ai té xỉu?

Trước hết, tôi tổng kết thấy có nhiều nhóm người khác nhau; nhưng thường người ta ghi lại là phái nữ:      

- đa số là nữ giới;

- những người tinh thần trầm uất và gặp những khó khăn về mặt tâm lý;

- những người mang nặng những thù hận đối với kẻ khác;

- những người gặp những hoàn cảnh khó khăn trong đời sống, như những cặp vợ chồng đang tranh chấp căng thẳng;

- những người không màng đến điều gì và cũng không cần biết đến điều sẽ xảy ra cho họ.

- Đôi khi, và hiếm hoi hơn, còn có những trẻ em;

- Những người cần được chữa lành về mặt thiêng liêng, cảm tính, hơn là những người đau yếu về mặt thể xác.

2.  Hiện tượng ấy xảy đến như thế nào?

Câu hỏi đương nhiên nảy ra trong tâm trí chúng ta.

Và đây là những câu trả lời mà tôi nhận đuợc:      

- do những nhân vật rất nổi tiếng, những người phải được xem là chuyên gia về việc nầy và lôi kéo được quần chúng;

- do những người thường cầu nguyện cho người ta, một ngày nào đó nhận thấy có những người té xỉu, nhưng chính họ lại không chứng thực kinh nghiệm đó nơi chính họ;

- trong ngay cùng một buổi hội, có những người có thể té xỉu dưới hành động của một người nào đó nhất định, và không té xỉu do hành động của ai  khác ngoài người nầy;

- có những người làm chứng rằng họ không biết cái gì đã làm cho hiện tượng ấy xảy ra trên một số người trong lúc họ cầu nguyện: họ chỉ nhận thấy có sự việc đó, ngoài ra không biết gì hơn.

3.  Nó xảy đến trong bối cảnh nào?

Dựa vào những câu trả lời thì các bối cảnh rất đa dạng:    

- có khi xảy ra ở  một cuộc tập họp đông đúc có đến từng ngàn người, trong một bầu khí dễ gây xúc động được điều hành bởi những người giáo dân cũng như những linh mục chuyên nghiệp;

- cũng có khi xảy ra trong một nhóm cầu nguyện ít người mà trước đến nay chưa từng có người té xỉu;

- thông thường thì trong những cuộc hội mà người ta tiên liệu xảy ra và có ngay cả một toán người chuẩn bị sẳn để lo cho những người té xỉu. Đặc biệt là trong những cuộc họp cầu nguyện chữa lành.

- Có khi hiện tượng xảy ra trong các nhóm sau khi có một người ‘chuyên nghiệp’ ghé qua;  rồi sau đó một thời gian không còn thấy hiện tượng đó nữa, và những người có trách nhiệm trong các nhóm cũng không biết tại sao;

- Có khi xảy ra lúc cầu nguyện, không có cử chỉ đụng chạm nào, cũng có lúc hiện tượng ấy xảy đến mà không có việc cầu nguyện cũng không có cử chỉ nào cả;

- Cũng có khi hiện tượng nầy nằm trong bối cảnh của một cuộc cử hành Thánh Thể.

4. Người ta cảm thấy cái gì ngay khi té xỉu?

Người ta cho biết có nhiều kinh nghiệm khác nhau:

- cảm giác bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, một sức ép ở trán, ngực và duới chân;

- thấy mình bị yếu đi từ từ, cho đến khi không cưỡng được nữa và té xuống đất;

- có một số người thì thấy mình nằm dưới đất mà không biết chuyện gì xảy ra;

- thông thường thì cảm thấy thoải mái, ‘lâng lâng’;

- có người lại thấy chân mình được nâng lên trước khi té xỉu xuống đất;

- dẫu có một số người té rất nặng, nhưng hiếm có người bị tổn thương;

- thời gian của hiện tượng kéo dài từ vài phút đến vài giờ;

- thường thì té ngửa;

- những người cầu nguyện thường đặt tay trên đầu người té xỉu, đôi khi dí nhẹ hoặc xức dầu trên trán;

- đôi khi người ta té xỉu mà không do ai sờ đụng gì đến mình hoặc không ai ở gần mình;

- cũng có lúc hiện tượng ấy xảy ra mà không có ai làm chứng;

- một số người thì run rẩy, chao đảo, nhưng không té, nhưng có những cảm giác y như những người té;

- có người thì tuyên bố rằng khi họ té, họ không thấy mình bị bất tỉnh nhưng là mất sự kiểm soát không còn làm chủ được mình.      

5. Người ta có cưỡng lại được không?

Tiếp câu hỏi của tôi, phần lớn người trả lời rằng có, nếu người ta muốn. Tuy nhiên, đôi lúc hiện tượng xảy ra mặc dầu người té xỉu mang tâm trạng nghi ngờ, kháng cự và dè dặt.

Nhưng tôi xin trích lời người ta khuyên là đừng nên kháng cự, hãy để ‘cho Chúa tác động khi người té xỉu nằm dưới đất trong một tư thế an nghỉ thoải mái’.

Nhưng người ta cũng nói thêm: ‘Nếu người ấy ở trong một môi trường mà người ta không chấp nhận hoặc không hiểu kinh nghiệm đó, thì đừng nên phô trương.’           

6. Trong lúc té xỉu thì người ta kinh nghiệm được gì?

Câu hỏi nầy được nhiều người lưu ý, vì các câu trả lời rất nhiều và đa dạng.

Tôi không sắp xếp thứ tự nhưng ghi lại đây một số nhận xét của các chứng nhân:

- người ta cảm thấy có một sự hiện diện đặc biệt của Chúa, một tình cảm ngây ngất, an bình;

- “chúng tôi vẫn còn ý thức nhưng, khi mắt nhắm lại chúng tôi nghe được điều người ta nói chung quanh chúng tôi, mặc dầu đôi khi những âm thanh tưởng chừng như rất xa xôi”;

- Một số người thì bất tỉnh hoặc sau đó chỉ còn nhớ lại như một kỷ niệm mơ hồ về những gì đã xảy ra cho họ;

- Phần lớn thì thấy có khả năng đứng dậy nhưng không muốn. Có người thì lại không có khả năng tự đứng lên;

- Một số lại có những kinh nghiệm về cảm giác thuộc giác quan như một hương thơm nhè nhẹ hoặc như nghe tiếng hát của ca đoàn;

- Nhiều người có những hình ảnh thuộc tâm trí hoặc ‘những thị kiến’ làm cho họ ‘tiếp cận với Chúa và thế giới siêu nhiên’;

- Một số nghe được ‘những tiếng nói’ và nhận ra được ‘những sứ điệp của Chúa’ để khích lệ và hướng dẫn họ;

- Trong một vài trường hợp, người ta òa lên khóc, cười hoặc la hét một cách không thể kềm chế được. 

7. Người ta giúp gì cho người té xỉu?

Câu hỏi hướng vào lãnh vực mục vụ khi có hiện tượng ấy xảy ra. Ta sẽ lưu ý về chi tiết liên quan đến những sắp xếp trong việc tổ chức.     

- Cần báo cho người đứng đằng sau những ông bà té xỉu để giảm nhẹ thế rơi xuống đất và chận không cho người ta té trên người bên cạnh đã té trước đó.

- Nếu không có những người thủ thế sẳn (catchers) để giúp người ta té, thì người cầu nguyện nên để bàn tay mình đằng sau lưng hoặc ở cổ người mà mình nhắm cầu nguyện cho y, để sẳn sàng giúp y trong trường hợp y ‘được Thánh Thần làm cho té xỉu’.

- Nếu có ai té bất chừng ‘do sức mạnh Thánh Thần’, thì xem chừng trường hợp cần phải kéo đôi chân người ấy cho thẳng sợ rằng chúng có thể bị cả thân hình đè quẹp lên.

- Không cần phải cầu nguyện cho những ai đã té xỉu ‘ngất ngây trong Thánh Thần’, vì “Chúa đã tác động trong những người ấy”.

- Để tránh cho phụ nữ khỏi khó xử, người ta còn nói rõ là nên  lưu ý đắp một cái chăn trên chân các bà khi cần, để giữ cho buổi họp được nghiêm túc.

Liên quan đến câu hỏi nầy, tôi nhận thấy một số những người bênh vực cho  hiện tượng té xỉu nầy (‘falling phenomenon’) tin rằng có thể loại bỏ những lời chống đối bằng việc chủ trương thế ngồi nhằm tránh được việc té xuống đất rất bất tiện.

Nhưng điều lạ là trong một cuốn chỉ nam có sự chuẩn nhận của giáo quyền, được xuất bản dưới sự bảo trợ của tổng giám mục Hartford tại Hoa kỳ, tôi thấy nói đến việc một số người ao ước được ‘Chúa Thánh Thần đụng đến’ không muốn vị thế ngồi, vì theo họ, làm như thế là chận đứng tác động Chúa Thánh Thần. Trước quan niệm như thế, cuốn sách đã trả lời một cách đứng đắn rằng Chúa Thánh Thần không để cho ai ngăn chặn công việc của Ngài bằng cách đó đâu.

8. Sau khi té xỉu người ta cảm nhận điều gì?

Đây là những câu trả lời tôi nhận được:

- Đa số nói là họ cảm thấy được sảng khoái về mặt siêu nhiên, tâm tình, và thể xác. Một tình cảm thanh thoát, an vui kéo dài hằng giờ hoặc đến vài ngày. Và thường có sự ham muốn ca tụng Chúa.

- Nếu đứng dậy sớm trước khi trở lại trạng thái bình thường, thì người ta thấy đuối sức và chóng mặt, và muốn ngồi hoặc nằm cho đến khi sức lực được phục hồi.

- Có đôi khi người thì cảm thấy lo sợ và hoang mang; người ta tin là hiện tượng đó thường hay xảy ra khi ‘Chúa’ làm cho những mối lo sợ, những căng thẳng hoặc thù hận chôn kín trong tiềm thức trào ra bên ngoài; người ta cho đó là dấu chỉ giúp cho người ấy tìm đến những lời khuyên răn và những cuộc cầu nguyện chữa lành.     

9. Những thành quả nào được người ta tin là đã chứng thực?

Những thành quả thường được nêu lên trong các thư trả lời là:

- những rối loạn tâm lý thuyên giảm;

- chữa lành hẳn khỏi những rối loạn tâm lý sâu kín;

- chữa lành những vết thương nội tâm, những thù hận;

- chữa lành trong lãnh vực tương quan (gia đình, hôn nhân v. v.);

- có được những cảm giác an bình;

- có khả năng tha thứ, hối lỗi;

- thích cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, gặp gỡ thân mật Chúa Giêsu;

- một vài sự kiện chữa lành thân xác (hiếm hoi)

      

3. Những hiện tượng xảy ra trước đây và những lối suy diễn 

TRONG CÁC MÔI TRƯỜNG KITÔ-GIÁO

Hiện tượng chúng ta đang bàn thảo không phải là một điều gì hoàn toàn mới lạ mà quá khứ chưa từng biết đến. Giáo hội thường gặp những vấn đề liên quan đến những hình thức biểu lộ của thân xác ít nhiều tương tự như thế.

Linh mục Georges A. Maloney, s.j., vị sáng lập Viện nghiên cứu về các linh đạo đông phương tên gọi là Viện Gioan XXIII, nay sát nhập vào Đại học Fordham (Hoa kỳ) đã viết thế nầy trong một biên khảo tựa đề là ‘Slain in Spirit’:

“Đối với nhiều người trong Canh tân công giáo, hiện tượng được những người theo Phái Ngũ Tuần gọi là ‘slaying in the Spirit’ xem như mới mẻ đối với thế hệ chúng ta. Kỳ thực, đây là một hiện tượng đã xảy ra trong lịch sử, những nhóm được gọi là ‘nhiệt tâm’thường biết đến, đặc biệt là trong những nhóm canh tân của vùng Tân-Anh và vùng Miền Tây (Hoa kỳ) trong các thế kỷ 17 và 19”.

Chúng ta thử lướt  qua.

Ngài R. A. Knox đã từng viết một cuốn sách có tính cách cổ điển về đề tài nầy với tựa đề Enthusiasm (Oxford Ed. 1973). Phụ đề cuốn sách nói rõ là công trình nghiên cứu chuyên về lịch sử của các hiện tượng liên hệ vào các thế kỷ 17 và 18.

Cuốn sách ấy được James Hitchcock, giáo sư sử Đại học Saint-Louis (Hoa kỳ) cập nhật với một tựa đề khá khiêu khích: The new Enthusiasts and What they are doing to the Catholic Church47.

Để ta có một ý niệm, tôi trích ra đây một vài dòng trong nhật ký của John Wesley, vị sáng lập Phái Méthodiste. Vị nầy đã tường thuật kinh nghiệm của mình trong ngày mồng  một tháng giêng năm1739:

“Khoảng ba giờ sáng, khi chúng tôi đang tiếp tục cầu nguyện, thì Quyền năng của Chúa xuống trên chúng tôi một cách quá mạnh mẻ đến độ nhiều người đã hét lên vì quá hớn hở, và nhiều người té xuống đất”.

Lúc đầu, Wesley hân hoan về hiện tượng ấy và xem như một dấu chỉ của Chúa. Nhưng về sau, trong nhật ký (ngày 4 tháng sáu năm 1772) vị nầy cho hay rằng những hiện tượng trước đây là thường xuyên thì nay chỉ là chuyện hiếm hoi bất thường.

Những hiện tượng như thế cũng từng xảy ra trong các buổi lúc ban đầu của Đạo quân Cứu độ (Armée du Salut) [do W. Booth thành lập năm 1878]; người ta gọi chúng là ‘Having a holy fit’ (‘bị té xỉu thánh’).

Vào thời kỳ có cuộc đại canh tân tôn giáo và cuối thế kỷ 19, nhiều giáo phái – trong đó có một giáo phái đã từng mệnh danh là những người lắc lư (‘shakers’)- từng cảm nhận có hiện tượng nầy ở cấp độ quan trọng và ngoạn mục như bất tỉnh, co giật v.v.

Gần đây hơn, ông Grorge Jeffreys, một tín đồ giáo phái Evangéliste và là nhà sáng lập Phái Elim Fourquare Gospel (1915), - từng gây ảnh hưởng mạnh trên phong trào Ngũ Tuần từ năm 1925 đến năm 1953 – lưu ý và nghiên cứu hiện tượng nầy. Ong nhìn nhận là phía những người theo canh tân thời 1859 và 1904 đã có những lối biểu lộ thân xác cách nầy hay cách khác một cách quá lạm, nhưng ông cho rằng tình trạng quá lạm đó là do một số người kháng cự lại Thánh Thần, và họ bị vật vã như vậy là do việc họ từ chối tác động của Ngài.

Ngày nay, hẳn nhiên ‘hiện tượng té xỉu’ thường không đi đến tình trạng quá lạm về ‘co giật’ và ‘ngất ngây’ như thế, nhưng vấn đề đặt ra là hiện tượng nầy có nằm trong khuôn khổ chung đó hay không.

BÊN NGOÀI KITÔ-GIÁO

Ngoài môi trường kitô giáo, chúng ta cũng chứng kiến những hiện tượng biểu lộ nơi thân xác, rất tương tự.

Những hiện tượng nầy xảy ra trong một số kinh nghiệm tôn giáo đưa người ta vào một tình trạng mới nơi tâm hồn mình, và được xem là một sự tiếp cận huyền bí với cạnh vực thần linh, đem lại một tâm tư an lạc, như lạc bước vào cõi bên kia. Chúng có thể đi kèm việc té xỉu xuống đất và bất tỉnh hoặc, không có những sự kiện ấy.

Trong trường hợp như thế, người ta cho đó là ‘xuất thần’ (transe), ‘nhập định’ (extase), ‘ngây ngất’ (ravissement). Thành ngữ ‘xuất thần’ nói đến tình trạng đổi dời từ một tình trạng tâm linh qua một tình trạng khác. Thành ngữ ‘nhập định’ nói đến việc vượt lên không gian và thời gian. Có lẽ đây là hiện tượng mà một số tín đồ các tôn giáo nói về kinh nghiệm của Đức Phật và Đức Mahomet.

Và cũng lưu ý là hiện tượng như vậy thường được nói đến nhiều trong các giáo phái Đông phương. Mircea Eliade đã nghiên cứu chu đáo trong tác phẩm nhan đề là Shamanism 48.

Các công trình nghiên cứu về những ‘hiện tượng xuất thần, đồng cốt’ nơi các bộ lạc sơ nguyên Phi châu và Nam Mỹ cũng sẽ cống hiến rất nhiều dữ kiện khoa học về lãnh vực nầy.

Và cuối cùng, nếu nghiên cứu cho thấu đáo thì ta cũng không quên những hiện tượng ‘hầu như tương tự’ hoàn toàn đứng ngoài khung cảnh tôn giáo. Chẳng hạn những phản ứng lạ lùng của đám đông – kể cả có lúc té xỉu – trong những dịp đại nhạc hội hoặc những lần trình diễn nhạc rock and roll.

Những điều chúng ta vừa đề cập không phải để bác khước lối giải thích nào đó về các hiện tượng mà chúng ta đang bàn, nhưng cũng không thể không lưu ý đến những biểu lộ tương tự rất có ích cho việc nghiên cứu của chúng ta. Lưu ý đến những sự kiện như vậy sẽ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang đứng trên một vùng đất lung lay; ở đây, kitô hữu phải hết sức thận trọng trong lối suy xét của mình nếu muốn trung thành với truyền thống chân thực của Giáo hội.

4.  Hiện tượng xảy ra ở cấp độ các cuộc tập họp đông người

KATHERINE KUHLMAN

Hiện tượng ‘té xỉu’ đột nhiên được dư luận tại Hoa kỳ biết đến khi một tín đồ tôn giáo baptiste thực hiện những cuộc chữa lành một cách ngoạn mục, nhân vật ấy là bà Katheine Kuhlman (mất năm 1976).

Bà nổi danh qua hình thức ngoạn mục của những lần chữa lành, và trong những lần như thế ‘hiện tượng té xỉu’ chiếm một chỗ quan trọng. Báo chí truyền thông ở Hoa ky, Canada và khắp nơi nhắc đến tên bà. Hàng ngàn người đến tham dự các buổi hội của bà. Công việc chữa lành của bà được một dàn nhạc lớn và một đội ngũ những ‘cathchers’ (người sẳn sàng lo bảo về cho người té xỉu) hỗ trợ.

Nhiều sách viết về bà, hoặc để tán tụng công đức, hoặc để chống lại con người và việc chữa lành của bà. Chúng ta không dừng lại điểm nầy, và chỉ muốn mô tả sự việc.

Tôi được đọc và nghe nhiều nhân chứng, và muốn nêu lên ở đây một bản tường trình của một linh mục người Hoa kỳ gửi cho tôi, vì tôi thấy đây là một nhân chứng điển hình và súc tích. Lời chứng của linh mục nầy đặc biệt làm ta lưu ý vì chính ngài ở trong một nhóm linh mục chuyên về việc thực hành chữa lành, trong đó có cả hiện tượng ‘té xỉu’, tuy không ngoạn mục cho lắm, nhưng cũng trong đường hướng ấy. Ngài kể lại cho tôi thế nầy:

“Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ‘Slain in Spirit’ xảy ra vào năm 1972: tôi dự một cuộc chữa lành của bà Katherine Kuhlman tại thành phố New York, trong một phòng nhảy của khách sạn Americana. Có mấy ngàn người dự đứng chật nứt cả phòng lớn: đám đông ở các phòng kế cận được micrô  nối liền để cùng tham dự. Rõ ràng là mọi người đang sống trong một bầu khí tin tưởng ‘nôn nóng đợi chờ’. Một vài xướng ngôn viên nói vài lời dẫn nhập ngắn, nhiều bài hát cất lên chuẩn bị cho bà Katherine Kuhlman nghiêm trang và trịnh trọng đi vào.

Bà mỉm cười bước tới trong chiếc áo dài tha thướt. Tiếp liền, bà hướng dẫn đám đông đọc kinh cầu nguyện và ca hát. Sai đó, bà giảng giải độ hai mươi lăm phút, cũng không hùng hồn hay sâu sắc gì cho lắm, nhưng sự thành khẩn của bà tác động lòng tin. Bà nhắc lại nhiều lần là chỉ vì vinh quang của Chúa mới có được những thành công mà đã bà gặt hái. Bấy giờ trước mắt tôi bà xuất hiện như một người yêu mến Chúa và muốn loan báo về Chúa Giêsu Kitô. Sau khi bà nói xong, thì bà nghỉ ngơi một lát như muốn lắng nghe gì đó, tiếp đến bà loan tin là trong đám người tham dự có một ai đã được chữa lành về một căn bịnh rõ rệt, bà còn chỉ cho biết xác xuất về vị trí  mà có hiện tượng chữa lành xảy ra cũng như những chi tiết áo quần để dễ nhận diện.

Toán phục vụ cho việc chữa lành được tổ chức đâu vào đó: nhiều ‘trợ tá’ phục vụ đợi hai bên hông của căn phòng để dìu những bịnh nhân được chữa lành, hoặc tự nghĩ là như thế, đến trên bục. Khi họ đến trên bục, đèn pha chiếu vào mục tiêu, bà Katherine Kuhlman hỏi họ về căn bịnh và về việc họ được chữa lành. Mỗi lần như vậy là cử tọa lại vỗ tay và vang lên lời cầu nguyện cảm tạ Chúa.”

Linh mục nầy còn cho hay một trong những bổn đạo đi theo ngài tuyên bố là mình được chữa lành bịnh ung thư, và ai nấy nghe tin đều hứng khởi. Chính ngài cũng đến gặp bà Katherine Kuhlman, và bà đặt tay trên đầu của ngài. Ngài nói ngài có ý định muốn chống cự lại ‘ngưồn sinh lực’ mà ngài cảm thấy lúc đó, nhưng cuối cùng chính ngài cũng để cho mình té ngửa trong vòng tay của một người trợ tá của đội phục vụ. Nhưng ngài tự đứng dậy ngay và không thấy một tác dụng nào khác lạ. Buổi hội kéo dài từ ba đến bốn giờ.

Sau đó, ngài còn đi dự thêm một lần hội họp như thế của bà Katherine Kuhlman tại một thánh đường thuộc phái Ngũ Tuần tại Pittsburg tiểu bang Pensylvania. Trong lần nầy, một vài người trong nhóm của Katherine Kuhlman đến gần  và nói cho ngài hay là chính ngài cũng có thể làm cho người ta ‘té xỉu trong Thánh Thần’. Những người nầy yêu cầu ngài thực hành ơn huyện bí đó, ngay trên người của họ; và họ lại té xuống đất trước mặt ngài.

Kinh nghiệm nầy làm cho ngài quyết định thực hiện phương pháp chữa lành rất lạ lùng như thế trong vài năm. Nhưng sau nhiều kinh nghiệm qua năm tháng, ngài tự ngưng lối chữa trị nầy vì ngài nhận ra những nguy hiểm dần hồi phát hiện. Lời chứng mà ngài gửi cho tôi kết luận với những suy tư mà tôi xin cô đọng lại như thế nầy:    

- Hiện tượng đó hôm nay đối với ngài là một kinh nghiệm thuộc trật tự tự nhiên, đôi khi ơn sủng cũng có thể dùng đến nhưng trường hợp ấy một cách hết sức ngoại lệ, nhưng nó không thể được xếp vào khuôn khổ những đoàn sủng siêu nhiên.

- Ngài xem đây là một mối nguy hiểm làm xuyên tạc ý nghĩa của Canh tân đoàn sủng công giáo.

- Và nhân tiện ngài cũng cho hay người bổn đạo đi theo ngài và tuyên bố là được chữa lành ung thư đã chết vài tháng sau đó.

- Cuối cùng ngài lên tiếng tha thiết yêu cầu các giám mục và những người hữu trách Canh tân đừng làm thinh, nhưng lên tiếng và đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng về hiện tượng nầy.

HIỆN ĐANG LAN RỘNG TRONG CÁC MÔI TRƯỜNG CÔNG GIÁO

a/ Bầu  khí đại kết

Trong các môi trường công giáo, hiện tượng nầy lan tràn một phần là do bầu khí cởi mở đại kết sau Công đồng, đôi khi chỉ được hiểu đơn giản là một loại đại kết qui tụ các kitô hữu – chứ không phải các Giáo hội kitô giáo – dựa trên căn bản của một mẫu số tối thiểu, và dựa vào Chúa Thánh Thần. Việc nhấn mạnh một chiều vai trò Chúa Thánh Thần, và không lưu ý gì đến những trung gian của cuộc sống tự nhiên con người, hẳn đã tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận hình thức ‘đoàn sủng’ loại đặc biệt nầy.

Ngoài ra, những cuộc gặp gỡ với các môi trường phái Ngũ Tuần và Free Church cũng ảnh hưởng không ít vào sự kiện ấy.

Lúc đầu một số nhà lãnh đạo không công giáo ngạc nhiên khi thấy Giáo hội Rôma đón nhận trào lưu Canh tân trong Thánh Thần. Ta còn nhớ sự ngạc nhiên của David Wilkerson – tác giả cuốn sách nổi tiếng Thánh giá và dao găm – khi ông nầy nói với người công giáo lời nói khó nghe thế nầy: “Hoặc quí ngài từ bỏ Giáo hội, hoặc Chúa Thánh Thần từ bỏ quí ngài”. Để trả lời, qua ngòi bút của Ralph Martin, người công giáo quả quyết là mình vừa trung thành với Giáo hội vừa trung thành với Chúa Thánh Thần. Nhưng đó chỉ là ngón đọ sức lúc mới gặp nhau.

Còn điểm chính xác mà chúng ta đang bàn ở đây, thì làm sao chúng ta quên được lời cảnh giác của David de Plessis (đại diện các Giáo hội Ngũ Tuần tại Công đồng Vaticanô II), khẩn khoản xin những người công giáo đừng mắc phải sai lầm của những tín đồ Ngũ Tuần trong quá khứ, khi du nhập ‘hiện tượng té xỉu’ vốn đã gây bao cay đắng cho chính họ.

b/ Tình trạng toàn cầu hóa

Trong những yếu tố làm lan tràn và thấm nhập hiện tượng nầy, tình hình càng ngày càng toàn cầu hóa của thế giới phải được xem là yếu tố quan trọng.

Hiện tượng ấy không hạn chế trong những vùng đất khai nguyên, nơi mà hình như nó đang suy giảm. Trong những năm gần đây, nó lại lan tràn ra các nước trên thế giới xuyên qua tình trạng toàn cầu hóa đang diễn ra.

Có những vị truyền giáo từng chứng kiến hiện tượng nầy, đặc biệt tại Hoa kỳ, đã phổ biến nó như là một cài gì được xem là đoàn sủng cho thời đại mới mà Chúa gửi đến cho Giáo hội Ngài. Người ta thấy xuất hiện những bà và những ông bắt chước Katherine Kuhlman nhằm lôi kéo và tụ tập quần chúng.

 Tôi chỉ đưa ra tên tuổi vài vị ở đây và không muốn nói đến họ về mặt cá nhân. Nhà truyền bá nổi danh hơn cả trong một thời là vị linh mục dòng Đa-minh xuất tu Mac Nutt (Hoa kỳ), có lối hành xử y như bà Katherine Kuhlman, và sách vở tài liệu truyền bá rộng rãi trong các môi trường công giáo; một số tài liệu liên quan được đón nhận không đắn đo và một số thì bị đặt thành vấn đề.

Chính tôi trước đây đã từng tham dự một cuộc hội luận do ông ấy tổ chức tại Florida, qui tụ những bác sĩ về tâm thần và những nhà luân lý. Tại đây tôi chứng kiến những buổi ‘té xỉu trong Thánh Thần’, người ta tuần tự ngã xuống đất thành hàng dài để được ông ấy đặt tay trên mình.

Những nhà quảng bá khác nữa cũng danh tiếng không ít, như linh mục Dòng Tên Grandis, hoặc linh mục Di Orio, người đã biết về cuộc đời chuyên chữa lành ‘ès guérios’ của mình dưới tựa đề khá kỳ lạ ‘A man behind the gift’. Trong các vùng ở Au Châu một số vị giảng phòng giúp tĩnh tâm cũng có một phần chuyên môn theo hướng nầy.

Tuyền thông báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến hiện tượng có tính cách giật gân nầy và  lôi kéo được quần chúng.

Tất cả những sự kiện như thế đã tạo nên một hiện tượng mới lạ.

Để kết luận, tôi nghĩ có thể nói rằng ‘hiện tượng té xỉu’ (falling phenomenon) gây nên một sự dè dặt ngỡ ngàng và đặt ra nhiều nghi vấn, trong các môi trường công giáo cũng như trong các Giáo hội kitô giáo khác.

Phải giải thích hiện tượng ấy như thế nào?

Chúng ta cần  nhắc lại rằng: phải chăng đây là một sự can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần, ‘một đoàn sủng cho thời đại mới’, hoặc phải chăng đây là một  hiện tượng tự nhiên, có thể mang lại lợi ích – giả thiết như thế - trong một số trường hợp và với một số điều kiện?

Đối tượng của một trong các chương kế tiếp là khai triển câu hỏi trên và giúp tìm một lối suy xét.

Nhưng trước khi đi vào việc kiểm thảo trực tiếp vấn đề, thiết nghĩ nên xét về tính hợp cách trong lối sử dụng Kinh Thánh và đọc các tài liệu thần bí mà các nhà truyền bá hiện tượng nầy nêu lên làm điểm tựa và điểm qui chiếu. Vì thế chương sau sẽ bàn đến những điểm qui chiếu nơi Thánh Kinh và trong các tài liệu thần bí mà người ta nại đến để giải thích các sự kiện siêu nhiên.

 

GHI CHÚ

44 La Documentation catholique, ngày 17 tháng 10 năm 1982, tr. 910

45 Card. SUENENS, La corresponsabilité dans l’Eglise d’aujourd’hui, tr. 209-211, Ed. Desclée de Brouwer, 1968.

46 Ngày nay gọi là ICCRS (International Catholic Charismatic Revewal Service).

47 J. HITCHCOCK, Những người mới của phái nhiệt tâm, Thomas More Press, Chicago, 1982.

48 Shamanism: Archaic Techniques of Ectasy, Princeton University Press, New Jersey, 1964.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!