Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

I. Giêsu

II. Giêsu khởi từ Giêsu

III. Giêsu hay là Giêsu-Kitô ?

IV. Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta

Từ vựng

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Giêsu-Kitô
I. Giêsu

     Đã từ lâu nhiều Kitô-hữu có cảm tưởng là khi nói mình tin Thiên Chúa tức là đã diễn tả được điều thiết yếu về đức tin của mình. Nhưng sự thể đã thay đổi.

Hẳn nhiên Kitô-hữu luôn luôn tin vào Thiên Chúa! Nhưng một nền giáo lý trực tiếp dựa vào Kinh Thánh hơn, cũng như lối nói thông dụng trong lễ nghi cử hành Thánh Thể  .v.v. đã lưu ý đến một Đấng có vị thế rất quan trọng trong đức tin, bên cạnh « Thiên Chúa » (và « Giáo hội ») : đó là Đức Giêsu.

Như thế phải chăng trong quá khứ người ta đã quên Ngài rồi chăng? Hẳn nhiên là không. Nhưng, nói cho đúng, người ta không phân biệt giữa Ngài và « Thiên Chúa ». Chẳng hạn không phải là người ta từng nói « trao Mình Thánh Chúa »[1] để chỉ việc « hiệp lễ, trao mình Đức Kitô »[2] ?...

Còn về nhân tính của Đức Giêsu thì sao ? Người ta cũng không hờ hững bỏ qua đâu. Người ta vẫn luôn nhắc đến sinh nhật Đức Giêsu "trong máng cỏ " vào mùa Giáng sinh, cái chết của Ngài trên thánh giá " ngày thứ sáu tuần thánh ", và giữa hai sự kiện nầy còn có những lời giảng dạy, các dụ ngôn, các phép lạ .v.v. Nhưng tất cả những điều đó đều được bao bọc và cuốn hút vào « một cảnh vực thần linh » dường như là thế giới riêng của Đức Giêsu. Rốt cục, nếu có một khía cạnh nhân loại nơi Đức Giêsu, thì đó là một nhân tính hết sức đặc biệt. Người ta đã thấy nhân tính đó « được thần hóa», đậm nét thần thiêng đến độ không còn có thể xuất hiện giống như nhân tính chúng ta. Người ta có nghĩ rằng những khổ đau và cái chết của Ngài trên thánh giá có thể nào đúng là những khổ đau thật sự của con người, là một cái chết thật sự của con người không ?

Về điểm nầy,  giáo lý và các lối giảng dạy về đạo đã bắt đầu tu sửa.  Người ta đã trả lại cho Đức Giêsu,  con người Giêsu, vị trí trung thực, vị thế trung tâm trong đức tin Kitô giáo. Thật vậy, kinh Tin-kính không phải đã nói rằng : « Tôi tin Thiên Chúa (...) và Chúa Giêsu-Kitô con một Thiên Chúa Chúa chúng tôi, (...) đã nhập thể bởi Trinh Nữ Maria và đã làm người » hay sao?

Nói tóm, Kitô hữu không những tin Thiên Chúa, nhưng còn tin Đức Giêsu-Kitô : Họ tuyên xưng rằng, nếu Đức Giêsu-Kitô thật sự là Thiên Chúa, thì đồng thời Ngài thật sự là con người.

 

Tại sao lại là Giêsu ?

Như vậy thì hẳn tốt đẹp rồi. Nhưng lại còn một câu hỏi nền tảng nầy đặt ra : xét cho cùng, lối tin tưởng như vậy không tạo quá nhiều điều phiền toái hay sao ?

Tin Thiên Chúa thôi  thì không phải là dễ, nhưng dường như cũng nhờ tin có Ngài mà hiểu được nhiều chuyện xảy ra trong cuộc sống. Vì thế người ta có thể quyết tâm tin vào Ngài : quyền năng vô tận và sự thiện hảo vô biên của Ngài có thể mang lại cho con người chúng ta hy vọng và can đảm sống. Nhưng làm sao tin được một con người như chúng ta, Ông Giêsu ấy, lại là Thiên Chúa ?  Làm sao quan niệm được một việc như thế ?

Nếu Đức Giêsu là một đấng siêu phàm, thì chỉ tin  rằng chính Ngài đã tin vào Thiên Chúa, đã nói đến Thiên Chúa và đã sống cho Thiên Chúa một cách hết sức gương mẫu, nhưng trên một bình diện thuần túy con người mà thôi, như vậy không đủ hay sao ? Hơn nữa, tại  sao lại muốn biệt đãi Đức Giêsu so với tất cả những vị tiên tri lỗi lạc mà lịch sử đã chứng kiến như Maisen, Đức Phật, Đức Mahomet v.v.?  Tại sao đặt Đức Giêsu lên một tầm quan trọng quá như thế, trong khi biết bao nhiêu người thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa, và có thể đã tin, nhưng không hề biết đến Ngài, Đức Giêsu nầy, và có lẽ sẽ không bao giờ biết Ngài ? Và cuối cùng tại sao nói rằng Ngài là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ,  khi người ta thấy bước đi của thế giới tương đối cũng chả thay đổi được bao nhiêu, nhất là ngay cả nơi những người tuyên dương Ngài : những Kitô-hữu ?

Càng đặt vấn đề, câu hỏi càng dồn dập. Vâng, tại sao lại là Đức Giêsu, ít nhất tại sao lại là Đức Giêsu như người ta trình bày cho chúng ta? Một Giêsu huynh đệ với mọi người, đối đầu với mọi bất công, trung kiên với lý tưởng của mình cho đến chết, vâng ! như thế thì  không có gì thắc mắc ;  rồi người ta lại nói: một Giêsu không những là một con người gương mẫu nhưng còn là một vị tiên tri duy nhất đối với chúng ta ; trong bối cảnh những người Tây Phương, đến đây còn quan niệm được!  Nhưng Giêsu là người là Thiên Chúa, người-Chúa, Con duy nhất của Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ duy nhất cho mọi người : làm thế nào điều nầy xảy ra được ? Tại sao lại Đấng Giêsu nầy ? tại sao lại một vị Giêsu như thế ?

 

Giêsu, bởi vì...

Đến đây, người ta có thể trả lời: Tại sao Đức Giêsu ấy ư ?  Vì toàn bộ Truyền thống Giáo hội trình bày Ngài cho chúng tôi như thế ! Và có thể nói thêm là : vì hôm nay những người có sứ mệnh, thẩm quyền trong Giáo hội : giáo hoàng và các giám mục  luôn truyền đạt cho chúng tôi cũng một giáo huấn y như thế.

Hẳn nhiên, không tín đồ Công giáo nào không biết điều đó. Nhưng đừng vội qua trang nhanh quá, vì vấn đề không đơn giản tí nào đối với mọi người, và cũng có thể có một lối khác hay hơn để khởi đầu.

Bây giờ, tạm quên các « chứng lý quyền uy » để chỉ nói thế nầy : Tại sao Đức Giêsu ư ? Thưa rằng trước hết vì Ngài đã và đang chiếm một vị thế lớn lao trong lịch sử, lịch sử của chúng ta cũng như lịch sử toàn nhân loại : do đó, truy cứu để hiểu tại sao lại như thế không phải là điều nên làm hay sao ?

Và vì những gì chúng ta biết được về Ngài không thể cho phép chúng ta dửng dưng : ai đã từng nói về thương yêu như Ngài ; ai đã nối kết tin Thiên Chúa và phục vụ tất cả người anh em trong gia đình nhân loại vàøo tình thương yêu ấy ; ai đã bênh đỡ thân phận người nhỏ bé, yếu đuối, nghèo nàn, bịnh tật trăm đường như Ngài ; ai luôn nhắc nhở con người về những khát khao và những ràng buộc đạo đức trường cửu của thân phận con người trên dương thế như Ngài ; và ai khai mở cho con người nơi trần gian nầy niềm hy vọng vào cuộc sống có thể vượt thắng dứt khoát sự chết  như Ngài ?

Và cuối cùng, Ngài đã không chỉ nói, nhưng đã là người đầu tiên làm chứng lời nói bằng cuộc sống của mình. Và một chuỗi dài những khuôn mặt sáng chói của nhân loại nối gót Ngài : từ thánh Phaolô đến thánh Augustinô và từ thánh Irénée đến thánh Catarina thành Siênna ;  Phanxicô Assisi và Têrêxa Avila, Charles de Foucauld và Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Gioan XXIII và Martin Luther King, dom Helder Camara và mẹ Têrêxa. 

Toàn bộ dữ kiện đó không thể dẫn lối cuộc sống  chúng ta hay sao ? Không nhắc nhở chúng ta cần  làm điều gì, cần trông đợi điều gì hay sao ? Kỳ cùng, dường như  ít có nhân vật nào đã đề xướng và mãi đem đến cho lịch sử toàn thể nhân loại một nội dung và một tầm vóc ý nghĩa như vậy !

Đó là những lý do mà đối với Giêsu ta không thể chỉ dừng lại ở mức nầy thôi.

Đó là thắc mắc thúc đẩy ta truy cứu thêm và tự hỏi : Làm thế nào mà Đức Giêsu có thể nói và làm được những việc ấy, và tại sao ngày hôm nay Ngài còn giữ một tầm quan trọng như thế trong cuộc sống biết bao nhiều người ? Cái gì đã giúp Ngài làm được ? Nói tóm lại: « Vậy, ông ấy là ai ? » (Mc 4,41.)

... Và đến đây vào khúc cuối của chương dẫn nhập ngắn nầy, chúng tôi có thể gỡ rối được thắc mắc đã nêu lên : « Giêsu ư ? ». Chúng tôi xin trả lời : Vâng, Giêsu !


 

[1] Donner le Bon Dieu 

[2]  Donner la communion, donner le corps du Christ 



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!