Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

Ý THỨC. Thao luyện 1: Sự Phong Phú Của Thinh Lặng

TL 2: Những Cảm Giác Từ Thân Xác

TL 3: Những Cảm Giác Từ Thân Xác. Kiểm Soát Tư Tưởng

TL 4: Kiểm Soát Tư Tưởng

TL 5: Những Cảm Nhận Từ Việc Hít Thở

Ý THỨC và CHIÊM NIỆM. TL6: Thiên Chúa Ở Trong Hơi Thở Của Tôi

TL7: Thông Hiệp Với Thiên Chúa Qua Hơi Thở

TL8: Tĩnh Lặng

TL9: Thân Xác Cầu Nguyện

TL10: Tiếp Xúc Với Thiên Chúa

TL11: Những Âm Thanh

TL12: Tập Trung

TL13: Tìm Kiếm Thiên Chúa Trong Mọi Sự

TL14: Ý Thức Tha Nhân

TƯỞNG TƯỢNG. TL15: Ở Đó và Ở Đây

TL16: Chỗ Cầu Nguyện

TL17: Trở Lại Galilê

TL18: Những Mầu Nhiệm Hân Hoan Của Đời Bạn

TL19: Những Mầu Nhiệm Thương Đau

TL20: Giải Tỏa Oán Hờn

TL21: Chiếc Ghế Trống

TL22: Chiêm Niệm Theo Thánh Inhaxiô

TL23: Những Tưởng Tượng Mang Tính Biểu Tượng

TL24: Chữa Lành Vết Thương Của Ký Ức

TL25: Giá Trị Cuộc Sống

TL26: Thấy Trước Viễn Ảnh Cuộc Sống

TL27: Nói Lời Từ Biệt Với Thân Xác

TL28: Đám Tang Của Bạn

TL29: Tưởng Tượng Về Tử Thi

TL30: Ý Thức Về Quá Khứ

TL31:Ý Thức Về Tương Lai

TL32:Ý Thức Về Con Người

LÒNG SÙNG KÍNH. TL33: Phương Pháp “Biển Đức”

TL34:Cầu Nguyện Bằng Lời

TL35:Niệm Tên Chúa Giêsu

TL36: Thiên Chúa Với Ngàn Tên Gọi

TL37: Thấy Chúa Đang Nhìn Bạn

TL38:Thánh Tâm Chúa Kitô

TL39: Tên Giêsu, Như Là Hiện Diện

TL40: Cầu Thay Nguyện Giúp

TL41: Lời Cầu Khẩn

TL42: Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ

TL43:Những Câu Tin Mừng

TL44: Những Ước Vọng Thánh

TL45: Quy Hướng Về Thiên Chúa

TL46: Lửa Yêu Mến Sống Động

TL47: Lời Nguyện Ngợi Khen

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)
TL22: Chiêm Niệm Theo Thánh Inhaxiô

Đây là hình thức cầu nguyện dùng trí tưởng tượng được thánh Inhaxiô Loyola khuyến khích trong cuốn Những Bài Tập Linh Thao của ngài vốn được nhiều vị thánh sử dụng thường xuyên. Nó cốt ở chỗ, lấy một trình thuật trong cuộc đời Chúa Giêsu, làm sống lại nó, tham dự vào trình thuật đó như thể nó đang thực sự xảy ra, và bạn là người tham dự vào sự kiện đó. Cách tốt nhất để giải thích cho bạn làm thế nào thực hiện được điều này, là nhờ chính bạn thực hiện điều đó. Tôi sẽ chọn cho thao luyện mẫu này một đoạn trích từ Tin Mừng thánh Gioan:   “Sau đó, nhân dịp lễ của người Do Thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hippri gọi là Bethesda. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt nằm ở đó… (Chờ cho nước động, vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi). Ở đó có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giêsu thấy anh nằm đó và biết anh sống trong tình trạng này đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?”. Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó thì đã có người khác xuống trước mất rồi!”.

 

 

Đức Giêsu bảo: “Anh hãy chỗi dậy vác chõng mà đi!”. Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được” (Ga 5, 1-9).

Để chuẩn bị cho buổi chiêm niệm, bạn hãy lặng yên chính mình trong chốc lát qua việc thực hành một trong những thao luyện ý thức…

 

 

Bây giờ, hãy tưởng tượng hồ nước được gọi là Bethesda… năm hành lang… hồ nước… quang cảnh chung quanh… Hãy dành thời giờ tưởng tượng toàn bối cảnh, sống động ngần nào có thể… để tự mình hình dung, ngắm nhìn nơi chốn… Nơi đó như thế nào? Sạch sẽ hay nhơ bẩn? Rộng rãi hay nhỏ hẹp?… Hãy lưu ý đến kiến trúc… Lưu ý đến thời tiết…

 

 

Sau khi đã chuẩn bị cảnh trí, giờ đây, bạn hãy để toàn bộ quang cảnh trở nên sinh động. Hãy nhìn những người ở gần hồ nước… Ở đó có bao nhiêu người?… Họ thuộc hạng người nào?… Họ ăn mặc làm sao?… Họ   mắc những chứng bệnh nào?… Họ đang nói gì?… Họ đang làm gì?…

 

 

Sẽ không đủ cho bạn khi quan sát toàn cảnh từ bên ngoài như thể đó là một đoạn phim trên màn ảnh. Bạn phải tham dự vào đó… Bạn đang làm gì ở đó?… Bạn đến nơi này để làm gì?... Bạn đang cảm nhận những gì khi xem xét quang cảnh và quan sát những người này?.. Bạn đang làm gì?… Bạn có nói chuyện với người nào không?... Với ai?…

 

 

Giờ đây, hãy chú ý đến người bệnh mà đoạn Tin Mừng nói đến… Anh ta đang ở đâu trong đám đông?… Anh ta ăn mặc thế nào?… Có ai ở đó với anh ta không?… Hãy đi đến gần và nói với anh ta… Bạn sẽ nói hoặc sẽ hỏi anh ta những gì?… Anh ta trả lời làm sao?… Hãy dành một lúc để biết thêm nhiều ngần nào có thể những chi tiết về cuộc sống và con người của anh ta… Anh ta để lại ấn tượng nào nơi bạn?… Đâu là những cảm nhận của bạn khi trò chuyện với anh ta?...

 

Khi đang nói chuyện với anh ta, bạn thoáng thấy Đức Giêsu đi vào nơi ấy…

 

Hãy theo dõi tất cả hành động và sự di chuyển của Người… Người đi đâu?… Người hành động thế nào?… Theo bạn nghĩ, thì Người đang cảm nhận những gì?… Giờ đây, Người đang đi về phía bạn và người bệnh… Bạn đang cảm nhận những gì lúc này?… Bạn bước sang một bên khi biết Người muốn nói với người bệnh… Đức Giêsu đang nói gì với người đàn ông ấy?… Người ấy trả lời thế nào?… Hãy lắng nghe toàn bộ cuộc đối thoại - lắng nghe cả những chi tiết mà Tin Mừng không phác hoạ đủ.

 

 

Hãy dừng lại cách riêng ở câu hỏi của Đức Giêsu, “Anh có muốn khỏi bệnh không?”… Bây giờ, hãy lắng   nghe mệnh lệnh của Đức Giêsu khi Người bảo người đàn ông đó chỗi dậy và bước đi… phản ứng đầu tiên của người bệnh… cố gắng của anh ta để đứng dậy… phép lạ xảy ra! Hãy chú ý những phản ứng của người đàn ông… chú ý những phản ứng của Đức Giêsu… và của bạn nữa…

 

Giờ đây Đức Giêsu quay qua bạn… Người đưa bạn vào cuộc đối thoại… Hãy nói với Người về phép lạ vừa mới xảy ra…

 

Bạn có mắc chứng bệnh nào không?… Thể lý, tình cảm, thiêng liêng?… Hãy nói cùng Đức Giêsu về nó… Đức Giêsu phải nói những gì?… Hãy nghe những lời Người nói với bạn, “Con có muốn khỏi bệnh không?”. Bạn có thật sự muốn nói những gì phải nói khi xin chữa lành không?… Bạn có sẵn sàng đón nhận tất cả hậu quả của một phương thức điều trị không?... Giờ đây, bạn đang đạt đến khoảnh khắc của ân sủng… Bạn có tin Đức Giêsu có thể chữa lành bạn và muốn chữa lành bạn không?… Bạn có thật sự tin rằng, điều này sẽ xảy ra như một kết quả của lòng tin nơi tất cả những người đang có mặt ở đây không?… Đoạn, bạn hãy lắng nghe lời quyền năng của Đức Giêsu khi Người công bố những lời chữa lành trên bạn và đặt tay trên bạn… Bạn đang cảm nhận những gì?…

 

 Bạn có chắc lời bạn vừa nghe sắp tác động trên bạn, và quả thực, chúng vừa tác động trên bạn, dẫu bạn có thể biết không gì xác thực ngay lúc này?… Giờ đây, bạn hãy dành một lúc, âm thầm cầu nguyện chung với Chúa Giêsu…

 

Khi thực hành loại hình chiêm niệm này, bạn đừng nản lòng nếu những nỗ lực đầu tiên của bạn gặp thất bại hay   không làm thoả mãn bạn nhiều như bạn mong ước. Chắc chắn bạn sẽ tiến bộ hơn trong những lần tới. Khi tôi hướng dẫn hình thức chiêm niệm đặc biệt này cho một nhóm nào đó, tôi mời những người tham dự chia sẻ những gì họ cảm nghiệm. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn đặt tay trên người này, người kia và cầu nguyện cho họ nhân danh Chúa Giêsu.

 

 

Về mặt lý thuyết, hình thức chiêm niệm này cho thấy một vài khó khăn đối với một số người. Họ cảm thấy khó khi dìm mình vào một thao luyện mà họ biết hoàn toàn không thực; họ thấy khó khăn cách riêng với một đoạn văn như đoạn Tin Mừng tôi vừa chọn, hoặc với những trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Họ không nhận ra giá trị mang tính biểu tượng sâu sắc (không có nghĩa là không thực) của những bài chiêm niệm này. Họ quá mê say sự thật lịch sử đến nỗi đánh mất sự thật của mầu nhiệm. Sự thật, đối với họ, chỉ liên quan đến lịch sử, chứ không liên quan đến mầu nhiệm.

 

 

Khi thánh Phanxicô Assisi trìu mến hạ Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá, thánh nhân biết chắc, Người không còn chết nữa, cũng không còn bị treo trên Thập Giá và cuộc đóng đinh là một sự kiện lịch sử đã qua. Khi thánh Antôn Pađua ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay và thích thú với Người, thì chắc chắn vị tiến sĩ Hội Thánh ý thức rằng, Chúa Giêsu không còn là một bé thơ để có thể được bồng ẵm trong đôi cánh tay của một ai đó. Vậy mà những vị thánh thời danh ấy cũng như bao vị thánh khác đã thực hành lối chiêm niệm này. Dưới những hình ảnh và tưởng tượng mà họ đã sống, một điều gì đó thật thẳm sâu và bí nhiệm đang xảy ra bên trong tâm hồn họ và họ trở nên hiệp nhất với Thiên Chúa trong Đức Kitô một cách sâu sắc.

 

 

Mẹ thánh Têrêxa Avila cũng tuyên bố, lối chiêm niệm ưa thích của ngài là hiện diện với Chúa Giêsu khi Người hấp hối trong vườn Cây Dầu. Và thánh Inhaxiô Loyola cũng sẽ mời gọi những ai thực hành linh thao của ngài trở nên một người tôi tớ nhỏ bé cùng đi theo Mẹ Maria và thánh Giuse một cách trìu mến trên đường các ngài về Bêlem, phục vụ các ngài, chuyện trò với các ngài và rút ra ích lợi từ việc cư xử của mình với các ngài theo cách thức người tôi tớ nhỏ bé. Thánh Inhaxiô chẳng thích thú gì với sự chính xác địa lý; cho nên, dù đã viếng Đất Thánh và có thể mô tả chính xác Bêlem, Nazareth, ngài vẫn mời gọi mỗi người thực hành linh thao kiến tạo một Bêlem, một Nazareth riêng cho mình, cả con đường đến Bêlem và chiếc hầm, nơi Chúa Giêsu sinh ra, v.v. Hiển nhiên, ngài không quan tâm nhiều đến tính chính xác lịch sử theo ý nghĩa mà ngày nay chúng ta hiểu. Và chắc hẳn, ngài cũng không chùn bước trước cách chiêm niệm này bởi lối phê bình thể loại và những tài liệu phát hiện của công trình nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại.

 

 

Những bài chiêm niệm này phải được cam kết thực hành với một thái độ của lòng tin, một thái độ được miêu tả tuyệt vời trong câu chuyện được nhà thần nghiệm Ấn Giáo thánh thiện Ramakrishna và đệ tử Vivekananda của ngài ưa thích. Đây là câu chuyện về một cậu bé nghèo ở làng quê vốn phải đến trường tận một ngôi làng kế cận. Cậu sẽ đi sớm vào rạng đông khi trời chưa sáng và trở về vào buổi chiều khi trời đã tối mịt. Này đây, cậu phải băng qua một cánh rừng để đến trường và lo sợ phải đi một mình, cậu xin người mẹ goá của mình cho cậu một người giúp việc đi cùng. Nhưng mẹ cậu bảo, “Này con, chúng ta rất nghèo, làm sao trang trải nổi cho một người giúp việc. Hãy xin ngài Krishna   của con đưa đón con, ngài là Chúa Tể Rừng Xanh. Chắc chắn, ngài sẽ đến với con nếu con xin ngài”. Cậu bé đã làm y như vậy. Hôm sau, cậu lớn tiếng gọi ngài Krishna, và khi ngài Krishna xuất hiện thì ông đã biết cậu muốn gì; ngài đồng ý theo yêu cầu của cậu. Và cứ thế, mọi sự trôi qua tốt đẹp trong một thời gian.

 

 

Ngày kia, sinh nhật của thầy giáo làng và tất cả học sinh nô nức mang quà đến biếu thầy. Bà mẹ goá nói với con trai, “Này con, chúng ta nghèo quá, không mua nổi một món quà cho thầy của con đâu. Hãy xin ngài Krishna của con cho con một món quà để biếu thầy”. Đó chính là những gì ngài Krishna đã làm. Ngài trao cho cậu một bình đầy sữa mà cậu bé hãnh diện đặt dưới chân thầy cùng với nhiều quà tặng của những bạn học khác. Quả là thầy giáo không màng để ý đến món quà của cậu bé, nên một lúc sau, cậu bắt đầu lẩm bẩm, “Không ai thèm để ý đến quà của mình… Dường như không ai thích món quà của mình…”. Đoạn, thầy giáo nói với người giúp việc, “Này, hãy đổ sữa vào chậu và trả bình cho cậu bé cho yên chuyện!”.

 

 

Người giúp việc đổ sữa vào chậu và sắp trả lại chiếc bình thì anh ngạc nhiên đến sững sờ khi thấy chiếc bình lại đầy sữa. Anh đổ một lần nữa, và một lần nữa, nó lại tự động đầy tới miệng. Khi thầy giáo nghe biết việc, ông gọi cậu bé và hỏi cậu lấy bình sữa ấy từ đâu ra. Cậu trả lời, “Ngài Krishna trao nó cho em”. “Ngài Krishna? Ông ấy là ai?”. “Là Chúa Tể Rừng Xanh”, cậu bé nghiêm nghị đáp. “Ngài đi cùng em mỗi ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà”. “Tốt”, thầy giáo nói, nhưng tỏ vẻ không tin, “Chúng tôi muốn gặp ngài Krishna mà em nói. Hãy dẫn chúng tôi đến với ngài”.

 

 

Thế là cậu bé dẫn đầu một nhóm nhỏ trở lại rừng già - thầy giáo, người giúp việc, và những bạn học. Cậu sung sướng với viễn cảnh sẽ giới thiệu mọi người cho Chúa Tể Rừng Xanh tuyệt vời của cậu. Khi họ đến bìa rừng, nơi mỗi ngày cậu gặp ngài Krishna, cậu cất tiếng gọi, tin tưởng ngài sẽ đến như ngài đã luôn luôn đến… Thế nhưng, không một lời đáp. Cậu lại gọi lớn tiếng. Gọi nữa. Rồi gọi lớn hơn. Và lớn hơn nữa. Vẫn không có tiếng đáp lại… Những bạn học của cậu giờ đây phá lên cười và chế giễu cậu. Cậu rơm rớm nước mắt. Chuyện gì đã xảy ra?

 

 

“Ngài Krishna”, cậu cất tiếng trong nước mắt, “xin hãy đến”. “Nếu ngài không đến, họ sẽ nói con là đứa nói dối. Họ sẽ không tin con”. Im lặng một lúc, và sau đó, cậu nghe tiếng ngài Krishna nói với cậu rõ mồn một, “Hỡi con, ta không thể đến. Ngày nào mà thầy giáo của con có được sự trong trắng của tâm hồn con và niềm tin thơ ngây đơn sơ của con, ta sẽ đến”.

 

 

Điều đầu tiên đánh động tôi khi tôi nghe câu chuyện này là những cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh. Người chỉ hiện ra cho những ai đã tin vào Người. Người chỉ được nhìn thấy bởi những ai đã tin vào Người. Người nói, “Hãy tin, rồi anh sẽ thấy”. Chúng ta lại nói, “Nhưng, vậy thì điều gì sẽ chứng tỏ cho tôi rằng, lòng tin của tôi không ‘đưa đến’ việc nhìn thấy?”. Đó là một câu hỏi không thích hợp với Chúa Giêsu. Người không thích những “chứng cứ”. Hãy tin, rồi bạn sẽ biết. Cũng như nói với một ai đó, “Hãy yêu tôi, rồi bạn sẽ thấy vẻ đẹp của tôi!”.

 

 

Đây là tinh thần mà trong đó, chúng ta đi vào những bài chiêm niệm của thánh Inhaxiô. Khi lao mình vào những bài chiêm niệm này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, qua việc sử   dụng hồn nhiên thơ ngây trí tưởng tượng của mình, chúng ta đã đạt tới một sự thật vượt quá trí tưởng tượng, sự thật của mầu nhiệm, sự thật của các nhà thần nghiệm.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!