Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

GIỚI THIỆU

Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài”

Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu

Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới

Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

Chương 5: Nước Hằng Sống

Chương 6: Bánh Sự Sống

Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống

Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống

Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU

Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Thầy Dạy Khát Khao
Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

 (tiếp theo) 

(Ga 3, 13-21) 

Chúng ta đang bước vào chu kỳ thứ hai trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với Nicôđêmô. Nói đúng ra, cuộc đối thoại đã kết thúc. Hãy bắt đầu với một lời độc thoại, trong đó, Vị Thầy mặc khải cho Nicôđêmô bí mật lớn lao của cuộc sinh hạ mới. 

Đêm chùng xuống, im ắng mênh mang ngự trị. Đang khi lắng nghe Đức Giêsu, Nicôđêmô có thể nhớ lại điều được viết trong sách Khôn Ngoan:

 

“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng,

lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,

thì từ trời cao thẳm,

lời toàn năng của Người  

đã rời bỏ ngôi báu

tựa người chiến sĩ can trường

xông vào giữa miền đất bị tru diệt,

mang theo bản án không thể huỷ của Người  

như lưỡi gươm sắc bén” (Kn 18, 14-15).

 

Nhưng chính vào đêm mà bên Đức Giêsu, Nicôđêmô hít thở một nguồn lực tươi trẻ và vĩnh cửu cảm nhận mình được tái sinh, thì Lời đã không rời bỏ trời cao như “người chiến sĩ can trường”, như đêm ra khỏi Ai Cập đáng nhớ khi mọi con đầu lòng của nước này bị sát hại. Lời không đánh, cũng không giết. Lời đến với nhân loại qua gương mặt của một con người. Lời ở bên quý vị và đó chính là Lời ban sự sống. Lời mang theo sự tươi mới và hương thơm của bình minh sinh nở. 

Và Lời đã nói gì? Những gì thiết yếu mà lý trí con người không nắm được; tuy nhiên, cũng là lời nói với tâm trí con người từ bên trong. Lời nói rằng:

 

“Không ai đã lên trời

ngoại trừ Con Người,

Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 13).

 

“Không ai đã lên trời…”, “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả” (Ga 1, 18). Không ai đã vượt qua ngưỡng cửa vinh quang của Người vì Người ngự trong “ánh sáng siêu phàm” (1Tm 6, 16). Tuy nhiên, tận bên trong, con người luôn có một niềm khát khao tuyệt đối, niềm khát khao sự sống và ánh sáng; không gì hữu hạn có thể làm nó thoả mãn. Vậy con người là một “đam mê vô dụng” sao? Một hữu thể những hoài mong tiếp cận Thiên Chúa và nó đã thất bại? 

Thế nhưng, nếu con người không thể tự mình vươn tới Thiên Chúa, thì Thiên Chúa, Người có thể đến với con người. Có “Đấng từ trời xuống”, đến từ Thiên Chúa, Đấng đó biết Thiên Chúa, có thể mặc khải Thiên Chúa. Vì sống sự sống của Thiên Chúa, Đấng đó có thể làm cho con người được sinh ra trong sự sống thần linh bằng cách chia sẻ cho nó sự sung mãn của Ngài.

Ở đây, bí mật lớn lao được mặc khải: con người được sinh ra trong sự sống thần linh qua Đấng đã đến trong nhục thể chúng ta; Ngài đến từ sự sống ẩn giấu nơi cung lòng Chúa Cha, đến bằng việc Nhập thể của Con Thiên Chúa. Việc được sinh ra từ trên của chúng ta được nối kết với việc Thiên Chúa sinh ra trong kiếp người. Việc hạ mình làm người của Người Con khởi đầu việc nâng con người lên. Con đường của những đỉnh cao được mở ra cho nhân loại. 

Như vậy thì giờ đây, đã có một sự thay đổi giữa Thiên Chúa và con người: từ nay, sự sống thần linh chạm tới tận bí mật sâu kín nhất của xác phàm; sự sống này đập trong một trái tim bằng thịt như tim chúng ta. Một trái tim biết đến xúc động, khát khao, đam mê, ý tưởng, tình yêu và hoạt động… Sự sống vĩnh cửu ở nơi cung lòng Chúa Cha từ ban đầu, này đây, đã trở nên sự sống phàm nhân, nói bằng ngôn ngữ phàm nhân, tỏ mình trong một hữu thể phàm nhân. Thư thứ nhất của thánh Gioan viết, “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1, 1-3). 

Vì thế, việc sinh ra từ trên của chúng ta gắn liền với sự hiện hữu của Con Người. Vì trong Ngài, cuộc sinh hạ mới của nhân loại và việc nhân loại được nâng lên tận sự sống sung mãn đã hoàn tất. Từ đây, con người không phải tìm kiếm sự sống thần linh ở một thế giới vĩnh hằng và bất khả cập nào nữa vì sự sống được trao ban ngay giữa thế gian, trong điều kiện của con người. Chính ở đây và lúc này, chúng ta được sinh ra trong chính sự sống của Thiên Chúa. Ở đây, câu nói của Schiller mang trọn ý nghĩa của nó, “Điều gì chúng ta không biết nắm bắt trong hiện tại, muôn đời sẽ không có nó”. 

“Con Người”, đường Thiên Chúa đến với chúng ta cũng là lối, trên đó, chúng ta đến với Người. Sự sống của Người sẽ là một sự nâng cao, nâng chúng ta lên đến tất cả. Đức Giêsu để cho Nicôđêmô nghe rõ điều đó:

 

“Như ông Môisen

đã giương cao con rắn trong sa mạc,

Con Người cũng sẽ phải

được giương cao như vậy,

để ai tin vào Ngài,

thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15).

 

Trong sa mạc, Môisen đã giương cao con rắn đồng trên đỉnh cột theo điều Thiên Chúa truyền dạy. Tất cả những ai ngước nhìn lên hình tượng này đều được chữa lành khỏi vết rắn cắn bỏng và chết người. Đức Giêsu gợi lại sự kiện này ở đây khi trình bày nó như một hình ảnh báo trước việc được nâng cao của Ngài trên thập giá. 

Theo Tin Mừng Gioan, toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu là một cuộc tiến lên vinh quang Thiên Chúa. Cuộc tiến lên này đạt tới chóp đỉnh trong cái chết và sự phục sinh của Ngài. Cuộc thương khó tự nó không được xem như một thất bại, như một sỉ nhục nhưng đó là sự nâng lên, tôn lên. Nói đúng hơn, cuộc thương khó là thời khắc cao điểm của việc nâng Con Người lên. Đó là “Giờ” mà qua “giờ đó”, toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu hướng đến, “Giờ” của vinh quang Ngài. 

Cho nên, chính lúc Đức Giêsu tắt thở, sự sống thần linh toả chiếu trong Ngài với vẻ huy hoàng rạng ngời nhất. Qua việc toàn hiến, Con Người tỏ lộ ánh quang rực rỡ sự sống của Thiên Chúa; Ngài tỏ lộ sự sống đó khi thông ban chính nó. Một cách thiết yếu, Ngài tỏ cho thấy sự sống đó là một Hồng Ân, một Quà Tặng, một Tình Yêu vô hạn. Vì trong quà tặng Con Người, chính Thiên Chúa tự mình trao ban:

 

Vâng, “Thiên Chúa yêu thế gian

đến nỗi đã ban Con Một,

để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,

nhưng được sống muôn đời.

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người

đến thế gian,

không phải để lên án thế gian,

nhưng để thế gian nhờ Con của Người

mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17). 

Một khẳng định hàng đầu. Chúng ta đang ở đỉnh điểm của cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô. Ở nguồn cội mọi sự, có một Thiên Chúa yêu thương thế gian. Thiên Chúa và tình yêu của Người, Người chính là tình yêu, là thực tại sáng tạo và tuyệt đối. Tất cả đều phát xuất từ tình yêu đầu tiên này. Từ đó, nảy sinh việc sai Người Con đến thế gian; từ đó, phát xuất sứ vụ ban sự sống của Người. Không gì đi trước tình yêu này, không gì từ bên ngoài tác động tình yêu này. Tình yêu này không dựa trên một điều gì cả. Nó là nguồn mạch của chính mình. Tuyệt đối đầu tiên và tuyệt đối cho không. “Ánh quang trinh nguyên bên trên những cuộc khởi đầu[1]”. 

Thiên Chúa, Đấng yêu thương thế gian, muốn thông ban cho con người sự sống riêng của Người; vì thế, sự sống sung mãn ấy được ban tặng cho thế gian trong Người Con duy nhất. Sự sống được tặng không và cho tất cả. Không một loại trừ nào, không một điều kiện tiên thiên nào, cũng không đòi phải có một công trình đáng giá nào vì sự sống này vượt trên những gì mà chúng ta gọi là đạo đức hay luân lý. Trước khi là một đòi hỏi, mời gọi, đó là một sự cho đi nguyên tuyền[2]. 

Tuy nhiên, việc đón nhận hay từ chối sự sống đó thuộc về con người. Nó không áp đặt nhưng trao ban. Việc tự do đón nhận này có một cái tên: niềm tin. Đức tin tác động để tin vào Người Con được sai đến thế gian, mang cho nó sự sống thần linh. Để thông phần vào sự sống này, chỉ một việc mà thôi là tin vào Người Con duy nhất:

 

“Ai tin vào Con của Người,

thì không bị lên án;

Nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi,

Vì đã không tin vào danh

Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 18). 

Niềm tin con người được mời gọi đến không phải là sự đeo bám mù quáng vào một chân lý ngoại tại vốn áp đặt cho chúng ta một cái gì đó nặng quyền thế, giáo điều và hoàn toàn không thể kiểm soát. Tin vào Người Con duy nhất, là tin vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương thế gian; là tin rằng, tình yêu này là thực tại đầu tiên và tuyệt đối. Đó là mở rộng chính mình trước tình yêu đó, đón nhận nó trong chính mình để nó thẩm thấu và tạo hứng cho mình. Chính vì thế, tình yêu chứng tỏ năng lực sáng tạo và mang lại sự sống. Ai tin vào tình yêu ấy sẽ cảm nghiệm nó như nhựa sống của cuộc sống mình, như sự thôi thúc vốn đến từ chốn thâm sâu nhất của hữu thể mình và làm cho hữu thể đó lớn lên. 

Quả thực, sự sống thần linh được ban tặng chúng ta trong Con Một không rơi xuống một mảnh đất lạ lẫm. Sự sống này gắn liền với chúng ta trong khát vọng sống sâu xa của mình. Tin vào tình yêu Thiên Chúa biểu lộ trong Con Một là mở lòng ra tự bên trong hầu đón nhận một thực tại siêu vượt, nhưng đó là thực tại đặt chúng ta trong chuyển động dẫn đến hữu thể đích thực của mình. Như vậy, trong tình yêu đầu tiên này, niềm tin cảm nhận được nối kết với việc khai mở bí mật của hữu thể chúng ta. Trong niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa, việc sinh lại trong sự sống của Người song hành với việc chúng ta được sinh ra trong sự sung mãn nhân tính của mình. Công việc của mỗi người là chứng thực rằng, chân lý Đức Giêsu mặc khải cho tôi cũng là chân lý làm cho tôi sống cách dồi dào. 

Ai tin thì mở rộng lòng cho Mặc Khải, một mặc khải vốn không chỉ biểu hiện trong ý nghĩa cuộc sống mà còn mang lại cho sự sống ý nghĩa toàn vẹn của nó. Ai không tin thì đóng kín lại trước ánh sáng này, vì người ấy thích bóng tối hơn; người ấy cho mình hiểu biết mọi ý nghĩa và bảo thủ lý do hiện hữu của họ. Đó là “việc xấu xa” ở mức cao nhất; việc của Sự Dữ; con người ấy đã bị xét xử. Điều xét xử họ, chính là định hướng sống của đương sự:

 

“Và đây là bản án:

Ánh sáng đã đến thế gian,

nhưng người ta đã chuộng

bóng tối hơn ánh sáng,

vì các việc họ làm đều xấu xa.

Quả thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng,

và không đến cùng ánh sáng,

để các việc họ làm khỏi bị chê trách.

Nhưng kẻ sống theo sự thật,

thì đến cùng ánh sáng,

để thiên hạ thấy rõ:

các việc của người ấy được thực hiện

trong Thiên Chúa” (Ga 3, 19-21).

 

Nhưng rồi trong tất cả những điều đó, Nicôđêmô đã đi đến đâu? Ở đây không còn câu hỏi nào nữa. Chúng ta cũng không rõ phản ứng cuối cùng của ông thế nào trước những công bố của Đức Giêsu. Rõ ràng mối quan tâm thực sự của cuộc gặp gỡ ấy vượt quá số phận đặc biệt của Nicôđêmô. Đó là cuộc gặp gỡ giữa con người vĩnh cửu với mầu nhiệm Giêsu, gặp gỡ giữa định mệnh con người với Đấng quyền năng vốn có thể làm cho chúng ta được sinh lại trong sự sống sung mãn.

 

Mọi sự được trình bày như thể đối với Gioan, cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô là một bàn đạp cho phép Gioan diễn tả cuộc gặp gỡ riêng của mình và của mọi người với mặc khải Đức Giêsu mang đến. Rõ ràng, đó là những cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm sự sống. 

Từ ấn tượng này, chúng ta cảm nhận bản văn của Gioan. Dẫu sứ điệp từ trời thật siêu việt, nhưng chúng ta vẫn không quên cuộc sống của cõi đất thấp. Chúng ta bước vào một nẻo đường, ở đó, sự sống vừa toả sáng vừa tỏ lộ sự sung mãn của mình. Đức Giêsu ở đó, trước mặt chúng ta, không phải trong cung cách giữ kẽ trang trọng; đúng hơn, cách “ngang hàng”. Chúng ta có thể tiếp cận Ngài. Mối liên kết được thiết lập giữa Ngài và chúng ta chính là sự sống: một nguồn sống tuôn chảy từ Ngài đến với chúng ta, trong đó, sự sống thần linh và sự sống con người tương ngộ; ánh sáng tinh tuyền của trời cao cùng nỗi khát khao cháy bỏng trần tục của đất thấp giao duyên. 

Nicôđêmô lại ra đi, có lẽ trước lúc hừng đông, kín đáo như khi đến. Trầm mặc lại bao trùm trên ông. Với ông, sẽ không còn câu hỏi nào nữa trong Tin Mừng Gioan cho đến ngày ông tái xuất hiện để bào chữa cho vụ kiện Giêsu bên cạnh các đồng sự (Ga 7, 50-52). Sau đó, vào ngày thứ sáu tuần thánh, khi mọi sự sắp hoàn tất, Nicôđêmô sẽ đến, mang bình nhũ hương trộn lẫn lô hội khoảng 100 cân để tẩm liệm Đức Giêsu. Ngày hôm ấy, khi xem xác của người bị nhục hình được hạ xuống từ thập giá, chắc chắn ông sẽ nhớ lại lời của Thầy, “Như ông Môisen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài, thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15).
 


[1] Maurice Bellet, Incipit ou le commencement, p. 12, Desclée de Brouwer.
[2] Cf. Maurice Bellet, ibid., p.13



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!