Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

GIỚI THIỆU

Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài”

Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu

Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới

Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

Chương 5: Nước Hằng Sống

Chương 6: Bánh Sự Sống

Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống

Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống

Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU

Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Thầy Dạy Khát Khao
Chương 5: Nước Hằng Sống

(Ga 4, 1-42) 

Cuộc gặp gỡ giữa Nicôđêmô và Đức Giêsu xảy ra vào ban đêm, cuộc gặp gỡ giữa Ngài và người phụ nữ Samaria diễn ra giữa ban ngày. Nicôđêmô, một người vai vế trong xã hội Do Thái; phụ nữ Samaria, một người vô danh, xa lạ. Câu chuyện không ghi lại tên bà. Nicôđêmô muốn gặp Đức Giêsu; ông đã nghe nói về Ngài và ông đến ngay để gặp và chuyện trò với Ngài. Người phụ nữ Samaria thì trái lại, bà gặp Đức Giêsu và biết Ngài một cách hoàn toàn tình cờ. 

Tác giả Tin Mừng đặt cuộc gặp gỡ ấy trong những bước đầu đời sống công khai của Đức Giêsu. Ngài muốn trở lại Giuđê từ Galilê. Để thực hiện điều đó, Ngài cần băng qua vùng Samaria, vùng trung gian giữa Giuđê ở phía nam và Galilê ở phía bắc. 

Với người Do Thái, Samaria, một vùng nên tránh. Để đi từ nam lên bắc, họ thích trèo ngược trở lại thung lũng Giođan hơn. Vì thế, họ coi người Samaria như những kẻ ít có thể lui tới được. Trong mắt họ, những người Samaria là những người ly khai, lạc giáo và ly giáo. Như thế, người Samaria bị khai trừ ra khỏi cộng đồng Israel. Họ có nghi thức thờ phượng riêng, có đền thờ riêng trên núi Garizim, một đền thờ đối nghịch với đền thờ Giêrusalem, trong đó, bên cạnh Thiên Chúa họ còn thờ các thần khác. Tóm lại, với người Do Thái, họ còn tồi tệ hơn cả dân ngoại. Vì thế, cần tránh mọi quan hệ với hạng người đó. 

Đức Giêsu, phần Ngài, lại quyết định cách khác. Với nhóm tông đồ của mình, Ngài băng qua vùng quê bị nguyền rủa bằng cách mượn con đường vốn không xa Sychar. Vùng này được chế ngự bởi ngọn núi Garizim, trên đó, mọc lên cái đền thờ đối nghịch.  

Khoảng giờ thứ sáu (12 giờ trưa), đoàn lữ hành ít ỏi “đến một thành Samaria có tên là Sychar, gần vùng đất Giacóp cho con trai mình là Giuse, ở đó còn có giếng Giacóp”. Đức Giêsu thấm mệt vì đi đường, bình dị ngồi bên giếng; các môn đệ đi vào thành mua chút thức ăn.  

Giữa cái im ắng và cô tịch của vùng quê vào giờ ngọ này, không một  sức sống nào khác ngoài ánh sáng. Thế mà ở đây, một phụ nữ trong vùng đến kín nước. Chúng ta không biết gì về người phụ nữ này, Gioan cũng không giới thiệu bà. Hoàn cảnh xã hội của bà thế nào? Tuổi tác, diện mạo của bà ra sao? Chỉ có hai điều được kể: đó là một phụ nữ Samaria và bà đến để kín nước. Thật ra, ở đây, chỉ hai điều này là hệ trọng. 

Đức Giêsu, nghỉ bên giếng, lặng lẽ ngồi đó với sức nặng mệt mỏi của một con người. Chính từ khởi đầu của sức nặng nhập thể này mà cuộc gặp gỡ sẽ khơi mào. Ngài đang khát nhưng không có cái gì để múc nước. Thấy người phụ nữ tiến đến, Ngài xin bà, “Cho tôi uống với”. Lời yêu cầu thật vắn gọn, hoàn toàn tự nhiên; vậy mà lại gợi lên ngạc nhiên nơi người phụ nữ. Quả thế, người phụ nữ này tức khắc nhận xét rằng, bà đang có chuyện với một người Do Thái, vì lẽ hoặc là về giọng nói, hoặc là về cách ăn mặc của con người xa lạ này. “Sao!, bà ta hô lên. Ông là người Do Thái và xin tôi, một phụ nữ Samaria, uống nước sao!”. 

Nỗi ngạc nhiên và ý nghĩ của người phụ nữ này ném chúng ta vào cái nhiễu nhương của các mối tương quan giữa con người với con người cùng tất cả những xung đột nó mang theo. Bao nhiêu ẩn ý trong câu nói thốt ra của người phụ nữ! Ngoài quan hệ “nam nữ”, ở đây còn có quan hệ “Do Thái, ngoài Do Thái” cũng như quan hệ “tin và không tin”. Sự ngạc nhiên của người phụ nữ trước yêu cầu của Đức Giêsu cho thấy một khoảng cách thăm thẳm vốn phân cách hai con người; một vực ngăn ngày càng sâu bởi lịch sử, văn hóa và niềm tin. Hai con người thuộc hai dân tộc láng giềng, nhưng ghét cay ghét đắng lẫn nhau; hai dân tộc đối nghịch nhau như ngày với đêm. Không gì định trước cho Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria có thể gặp nhau cách đích thực. Trong nhận định của người phụ nữ, người ta cảm nhận toàn bộ sức nặng sự miệt thị của tổ tiên mà những người Do Thái đổ trên những người Samaria, “Sao! Ông là người Do Thái mà lại dám xin tôi nước uống!”, như thể bà ta nói với Đức Giêsu, “Ông dám hạ mình đến thế sao! Ông không sợ ô uế sao?”. 

Suy nghĩ của người phụ nữ đưa Đức Giêsu về lại bao gốc gác nhân loại của Ngài. Nó cắm sâu Ngài trong một dân tộc, một nền văn hóa, một lịch sử với tất cả những gì biểu thị cách riêng biệt, giới hạn và cố chấp, “Ông, ông là người Do Thái!”. Ở đây, chúng ta dừng lại ngay tâm điểm của cuộc gặp gỡ giữa con người với con người cùng mọi xung đột của nó.

Nhưng Đức Giêsu không đóng kín trong những phạm trù này. Không từ chối một điều gì thuộc bản sắc Do Thái của mình; lập tức, Ngài đặt mình cao hơn, ở một lãnh địa khác, lãnh địa sứ vụ, “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với chị ‘cho tôi chút nước uống’ thì hẳn chị đã xin và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.  

Dù làm gì, ở đâu, Đức Giêsu vẫn không bao giờ đánh mất tầm nhìn sứ vụ Chúa Cha uỷ thác cho Ngài khi được sai đến trần gian. Trước hết, Ngài là sứ giả của ân huệ Thiên Chúa và ân huệ này là sự sống, sự sống sung mãn. Đó là nước hằng sống vốn chỉ có thể làm dịu cơn khát cháy bỏng của toàn thể hữu thể nhân loại: cơn khát sự sống đầy tràn, hạnh phúc và bền vững. 

Ân huệ tuyệt hảo này được Đức Giêsu nói đến như một cái gì gắn liền với con người Ngài. Người ta không thể hiểu biết đích thực ân huệ này nếu cùng lúc không biết Ngài, “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với chị ‘cho tôi chút nước’ thì hẳn chị đã xin và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Người phụ nữ Samaria tin rằng, chị đã nhận ra người lạ mặt bằng cách đặt người ấy trong dân tộc của y, “Ông là người Do Thái!”. Này đây, chị khám phá một người đàn ông không giai cấp, một nhà thơ hay một ngôn sứ, người mà bên bờ giếng, bắt đầu nói cho chị nghe về ân huệ của Thiên Chúa và về một thứ nước hằng sống mà Ngài đang giữ bí mật về nó. 

Trong trường hợp ấy, Đức Giêsu đã đổi vai, vì trước đó không lâu, chính Ngài xin người phụ nữ đến múc nước chút nước để uống; vậy mà bây giờ, Ngài mời chị xin Ngài nguồn nước mang lại sự sống. Khi cho thấy thấp thoáng thứ nước hằng sống, Đức Giêsu không chỉ gợi lên tính hiếu kỳ nơi người phụ nữ, nhưng trước hết, Ngài muốn khơi dậy trong bà niềm khát khao sâu xa sự sống, một niềm khát khao ở ngay trong lòng mọi người. 

Người phụ nữ Samaria lưu ý Đức Giêsu, Ngài không có gì để múc và giếng thì sâu, “Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?”. Rõ ràng tính tò mò của bà bị kích thích bởi thứ nước này và bởi con người đang đứng trước mặt, “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này và chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. Qua đó, người phụ nữ Samaria không ít tự hào khi gợi lại cho gã Do Thái này biết rằng, bà cũng là hậu duệ của dòng dõi tổ phụ Giacóp. 

“Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?”. Câu hỏi này dẫn Đức Giêsu đến chỗ giải thích một thứ nước huyền nhiệm, “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

 Cách quyết đoán, Đức Giêsu dẫn người phụ nữ này đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những lời đề xuất hết sức lạ thường của Ngài đưa người phụ nữ vào trong thế giới của những mộng mơ. Bà thích thú vì điều đó. Rốt cuộc, bà được phép mơ mộng trong phút chốc, “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi đến đây lấy nước”. Thực tế và ước mơ hoà chung trong lời cầu xin này. Thực tế, đó là cuộc sống thường nhật với những công việc lặp đi lặp lại của bà, những bổn phận nhàm chán, đơn điệu khi sự hăm hở của cuộc sống tưởng chừng như dừng lại, đờ ra. Có thể còn tệ hơn cả cái chết, đó là việc khép mình trong những gì lặp đi lặp lại; chân trời hoàn toàn khép lại, khát khao nhường chỗ cho cam phận, cuộc sống trở nên máy móc. Ước mơ, chính là diệu cảm một cuộc sống được giải thoát khỏi những đống hỗn tạp này, một đống hỗn tạp xoay quanh chính nó và sẽ nghiền nát chúng ta dần dần. Đó là việc tìm đến với sự mới mẻ, sáng tạo, vẻ đẹp và niềm vui; đến với một cuộc sống tự do, hạnh phúc, một cuộc sống sẽ không giảm xuống thành những lao dịch thường ngày. Chúng ta hiểu được lời cầu xin của người phụ nữ này, “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi đến đây lấy nước”. 

Ngang qua lời cầu xin có thể vẫn còn rất vật chất ấy, một khát vọng sống sâu xa biểu lộ. Lời Đức Giêsu đã chạm đến điểm nhạy cảm nơi người phụ nữ. Nỗi khát khao có thể đang bị kìm hãm và che giấu bởi một tảng đá nặng trịch; nhưng bất chấp tất cả, nó vẫn sống động, sẵn sàng vọt lên như dòng nước dưới chiếc đũa thần của người đi tìm mạch. Đức Giêsu nhận ra niềm khát khao sự sống và hạnh phúc khôn nguôi lộ ra qua lời nài xin của người phụ nữ. Trong mắt Ngài, điều đó như một kẽ hở vừa hé ra trong cuộc đời bà. Từ đó, Ngài có thể trực tiếp nói chuyện với bà, không cần dựa vào những hình ảnh hay biểu tượng, “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. Trước lời đó, người phụ nữ đáp, “Tôi không có chồng”. Đức Giêsu bảo, “Chị nói, ‘tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã có năm đời chồng và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị; chị đã nói đúng”. 

Mặc khải choáng ngợp. Người phụ nữ không ngờ tới. Con người xa lạ bà chưa bao giờ gặp này dường như biết bà tận căn. Làm sao ông ấy có thể biết hết những điều đó? Người ấy vừa gợi lên nơi bà thảm kịch đời mình. Cho đến lúc này, bà thấy vui vui khi nghe người đàn ông Do Thái này, người đã nói cho bà về một thứ nước kỳ diệu. Bà đã bông đùa, nhưng ở đây, bỗng dưng toàn bộ tình cảm của bà bị vạch trần, lộ ra… với những giông tố, những vết thương lòng cũng như sa mạc hoang vu của nó. Ở đó, giếng sâu cuộc đời, giếng sâu của những cuộc tình liên tiếp, của những hy vọng đắng cay, những thất bại của bà được mở toang; giếng của niềm khát khao, nơi không còn rỉ ra một thứ nước làm cho vui sống; một cái giếng há hốc, trống rỗng hoàn toàn cạn kiệt như “mảnh đất hoang khô cằn không giọt nước”. 

“Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm”, người phụ nữ, sau đó, sẽ nói với những người đồng hương của mình như thế. Khi phơi bày cuộc đời giông bão của bà, Đức Giêsu không muốn trùm kín nó bằng sự tiếc xót; đúng hơn, Ngài làm cho bà cảm nhận rằng, dưới bề mặt phẳng phiu đời mình, tận nơi sâu thẳm tâm hồn bà, còn có một niềm khát khao cháy bỏng, nỗi khát khao hạnh phúc khôn nguôi, một tình yêu đích thực và sự thờ phượng. Một nỗi khát khao tuyệt đối vốn không mối tương quan nhân loại nào có thể kìm hãm lại cho đến ngày hôm đó, nỗi khát khao nguồn nước hằng sống. Người phụ nữ này đã tin vào cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; bà chạy theo chúng. Bà đã yêu và tin rằng, mình được yêu. Bà đã hiến tặng cả thân xác lẫn tâm hồn. Mỗi lần như thế, cái còn lại chỉ là thất vọng đắng cay và vỡ mộng. Bấy giờ vẫn chỉ là những nhiệm vụ hằng ngày, những cử chỉ lặp đi lặp lại và cam chịu. Tắt một lời, một cuộc sống không có niềm vui sống; và ít nữa, đó cũng là điều bà tin, vì vẫn có một khoảnh khắc vui thú nào đó. Nhưng lời của vị ngôn sứ này vừa đánh thức nơi bà niềm khát khao mãnh liệt một cuộc sống tràn đầy, hạnh phúc và một niềm vui thần linh.

 Người phụ nữ vốn có năm tấm chồng này nằm trong số những con người tổn thương mà trước tiên cho họ, Đức Giêsu được sai đến. Cái nhìn Ngài dành cho bà chỉ làm một với cái nhìn xót thương của Chúa Cha. Chỉ vì bà mà Đức Giêsu chọn con đường này, chính bà là người mà Ngài mong mỏi bên giếng Giacóp. Chính vì bà mà Ngài đã đến trần gian, để gặp, để mặc khải cho bà sự dịu hiền của Chúa Cha, để nói với bà rằng, bà cũng được Chúa Cha thương mến, từ đời đời; đồng thời, để đánh thức nơi bà niềm khát khao sự sống mà bí mật của nó ở nơi Ngài. Không chút khiển trách, nhưng từ chốn thăm thẳm nhất của thất vọng và khát khao của bà, Ngài chỉ muốn nối kết con người ấy với cõi tâm cuộc sống của bà, để nói với bà rằng, “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa!”.

 

Bấy giờ, mắt người phụ nữ dần mở ra. Với bà, đó vẫn chưa phải là ngày, nhưng đã là rạng sáng kín đáo của bình minh. Việc vén mở cuộc sống thâm sâu của bà bởi con người xa lạ này đã làm bà đảo lộn. Bà không còn nghĩ về nước bà đến kiếm tìm, bà quên đi việc ngày ngày phải đến đây. Trước người đàn ông hấp dẫn bằng xương bằng thịt này, một người tưởng như biết bà từ lâu mà không xét đoán bà, bà cảm nhận những chiều kích sâu thẳm dâng lên trong tâm hồn mình như một niềm khát khao ánh sáng, một cơn khát vô biên. Khi những cội rễ tăm tối mò mẫm tìm ra một con đường dẫn đến ánh sáng, cuộc sinh hạ mới bắt đầu. Đó là giờ khi chính thân xác chấp cánh bay lên tận những chiều kích cao cả. Thế rồi người phụ nữ Samaria nói, “Thưa Ngài, tôi thấy Ngài thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. 

Về phía người phụ nữ, bà có thể lảng tránh vấn đề hoặc tế nhị chuyển đề tài cuộc đối thoại về đời tư của mình ra khỏi chủ đề nóng bỏng… bởi chuyện chẳng liên quan gì đến người đàn ông ấy. Ngược lại, ở đây, người phụ nữ Samaria kín đáo bày tỏ tận đáy lòng chính con người mình: một con người khát khao thờ phượng đích thực và tình yêu tuyệt đối. Đâu là nơi phải dành cho việc thờ phượng? Vấn đề ở đây rõ ràng là vấn đề thờ phượng đích thực, cả khi nó vẫn còn bị đặt sai chỗ vì quá chú trọng địa điểm. Nó có thể được trình bày chính xác hơn bằng một cách khác: Ở đâu và bằng cách nào con người được phép tiếp cận Đấng Đáng Tôn Thờ, gặp được Người và mở lòng ra đón nhận ánh sáng và sự sống của Người? Câu hỏi của người phụ nữ đã thổ lộ cơn khát Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Một niềm khát khao sự sống và ánh sáng. 

Đó chính là điều Đức Giêsu hiểu bà. Giờ đây, con đường đã được mở ra cho một cuộc đối thoại đích thực, một cuộc gặp gỡ đích thực. Ngài bảo người phụ nữ:

 

“Này chị, hãy tin tôi,

đã đến giờ các người

sẽ thờ phượng Chúa Cha

không phải trên núi này

hay tại Giêrusalem.

Các người thờ Đấng các người không biết;

còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết,

vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái.

Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây -

giờ những người thờ phượng đích thực

sẽ thờ phượng Chúa Cha

trong thần khí và sự thật,

vì Chúa Cha tìm kiếm

những ai thờ phượng Người như thế.

Thiên Chúa là thần khí,

và những kẻ thờ phượng Người 

phải thờ phượng

trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 21-24).

 

Ở đây, chúng ta đang đứng trên một chóp đỉnh. Chúng ta hít lấy làn khí sự sống rạng ngời của các đỉnh cao. Luồng khí trong lành này đánh thức khát vọng, làm cho khát vọng lớn lên và cất tiếng hát thật thanh cao, thật mạnh mẽ đến nỗi bão tố trần gian cũng phải chùng xuống và im tiếng để lắng nghe. Những lời Đức Giêsu ngỏ với người phụ nữ Samaria thật mênh mông để không bao giờ một ai đó có thể hiểu hết. Chúng ta sẽ bị cám dỗ nói rằng, đứng bên người phụ nữ xa lạ này, một phụ nữ mà Israel loại trừ, Đức Giêsu bay bổng, Ngài thật trổi vượt.  

Trong tác phẩm Cuộc Đời Đức Giêsu, Renan nhấn mạnh sự trổi vượt này, ông viết, “Ngày mà Ngài công bố lời này, Đức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa. Lần đầu tiên Ngài nói một lời, trên lời đó, toà nhà tôn giáo vĩnh cửu toạ lạc. Ngài thiết lập một sự phượng thờ tinh tuyền, không ngày tháng, không tổ quốc, một sự phượng thờ mà những tâm hồn thức tỉnh sẽ thực hành cho đến cùng tận thời gian. Vào ngày ấy, tôn giáo của Ngài không chỉ là tôn giáo tốt lành của con người nhưng còn là tôn giáo tuyệt đối; và nếu các hành tinh khác có những cư dân được phú bẩm lý trí và luân lý, thì tôn giáo của họ có thể cũng không khác với tôn giáo mà Đức Giêsu đã công bố bên bờ giếng Giacóp”. 

Sự trổi vượt Renan mô tả sẽ cuốn hút những tâm hồn thanh cao. Thờ phượng trong thần khí và sự thật, một thờ phượng vượt trên mọi tính riêng biệt, vượt trên mọi rào cản lịch sử đã dựng nên; một thờ phượng vốn từ chối đóng khung Thiên Chúa trong một nơi, trong một quốc gia, một truyền thống hay trong một giáo điều. Một sự thờ phượng mà ở đó là đỉnh cao, nơi con người khám phá ra rằng, cái làm cho nó thành nơi thờ phượng đích thực chính là Thần Khí. Đỉnh cao ấy không cần phải được nhân loại tìm kiếm nơi này, nơi kia. “Ngọn đồi cảm hứng”, nơi Thần Khí thổi, chính là tâm hồn con người. Quả thực, những lời của Đức Giêsu về sự thờ phượng đích thực đủ để tạo ra, từ đó, một trong những tôn giáo mẫu mực nguyên tuyền nhất của tôn giáo Thần Khí. 

Tuy nhiên, liệu bài giảng ấy có đề cập đủ thông điệp Đức Giêsu mang đến cho người phụ nữ Samaria không? Ở đây, đã hẳn có một sự trổi vượt nhưng trổi vượt này không chỉ là điều Renan ca tụng. Đức Giêsu không tỏ mình chỉ như một tiên tri của đời sống nội tâm hay như sứ giả của một tôn giáo vĩnh cửu, hoàn toàn thiêng liêng, “không ngày tháng, không tổ quốc”. Ở đây còn có nhiều hơn thế. 

Thiên Chúa của việc thờ phượng “trong thần khí và sự thật” Đức Giêsu nghĩ đến khác với Thiên Chúa của niềm tin nơi dân Ngài, Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacóp. Ngài công bố, “Chúng tôi, chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái”. Qua đó, Ngài tỏ rõ rằng, từ đâu Ngài đang nói. Rõ ràng chính trong tư cách là người con đích thực của Israel mà Ngài suy nghĩ và bày tỏ, trong tư cách người thừa kế của các ngôn sứ. Tôn giáo của Đức Giêsu cắm rễ trong một lịch sử. 

Như thế, khi khẳng định “Thiên Chúa là Thần Khí”, Đức Giêsu không đơn thuần công bố tính cách phi vật chất và vĩnh cửu của thần tính như bất kỳ một triết gia duy linh nào đó có thể công bố; đồng thời, khi huấn dụ con người thờ phượng trong thần khí và sự thật, Ngài cũng không xem thờ phượng chỉ là việc nhận biết Thiên Chúa trong tâm hồn hay trong lương tâm, độc lập với mọi quy chiếu lịch sử. Điều này sẽ đi trệch ra ngoài sứ điệp của Ngài nếu coi Đức Giêsu là ngôn sứ của Đấng Thiên Chúa vốn đã hiện hữu ở đó, nơi mọi người. Những Lời của Ngài mang một tầm vóc khác. 

Cho nên, điều Đức Giêsu mặc khải cho người phụ nữ Samaria liên kết với biến cố sắp diễn ra ở đây và lúc này trong lịch sử nhân loại là, “Giờ đến, Ngài nói, và đó chính là lúc này”. Cũng như mọi biến cố, biến cố này được ghi rõ ngày tháng, địa điểm; tuy nhiên, nó vượt trên mọi ranh giới và làm cho mọi ranh giới mở toang. Biến cố này liên quan đến toàn thể nhân loại, nâng cao toàn thể nhân loại và mở ra cho nhân loại một thời đại mới. Đúng hơn, biến cố này mở ra một kỷ nguyên mới trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với chính mình và với đồng loại. Nó vừa là một khởi đầu vừa là một hoàn tất.

 

Người phụ nữ Samaria nắm rõ đặc tính lịch sử đặc thù của việc thờ phượng trong thần khí và sự thật mà Đức Giêsu loan báo. Với bà, không nghi ngờ gì nữa: thờ phượng đích thực, gặp gỡ Thiên Chúa là gặp gỡ Thần Khí được nối kết với một biến cố; chính xác hơn, đạt tới một tình trạng cao hơn. Người phụ nữ nói, “Tôi biết Đấng Messia, gọi là Đức Kitô sẽ đến. Ngài sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Thờ phượng trong thần khí và sự thật không gắn liền với một nơi chốn địa lý hay một đền thờ bằng đá, cũng không phải là một cái gì vượt thời gian nhưng được nối kết với việc đến của một con người sống động trong lịch sử chúng ta, với sự có mặt của “Đấng Messia, Đấng sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. 

Đức Giêsu đã dẫn cuộc trò chuyện đến yếu tố quyết định này, ở đó, người phụ nữ Samaria bộc lộ sự chờ đợi của mình. Một sự chờ đợi lớn lao mà bà chia sẻ với dân tộc mình vốn đợi chờ Đấng Thiên Sai qua hàng thế kỷ. Một sự đợi chờ, qua đó, nỗi khát khao sâu xa của con người thể hiện: khát khao một sự sống ngập tràn ánh sáng và hạnh phúc, khát khao một niềm vui còn mãi. 

“Ngài sẽ đến…”. Đức Giêsu nói với người phụ nữ, “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Chúng ta có thể nghĩ rằng, đi trước lời công bố này là một khoảnh khắc im ắng, thời lượng của việc nhìn ngắm. Trước khi tỏ mình, Đức Giêsu đã nhìn người phụ nữ ấy như một mình Ngài biết nhìn các hữu thể. Một cái nhìn chứa đầy sự chú ý, một cái nhìn khiêm tốn từ đời đời vốn không dừng lại ở màu mắt, nhưng xuyên thấu con người toàn diện. Một cái nhìn như thế sẽ nói nhiều hơn mọi bài diễn văn. Đó là một cuộc gặp gỡ đích thực. Không còn nghi ngờ, lời tuyên bố của Đức Giêsu, theo bản văn của Gioan, chỉ là sự chuyển dịch cái nhìn sâu xa và trầm lắng này, ở đó, mọi điều đã được nói đến. 

Không một dấu lạ diệu kỳ nào kèm theo lời của Đức Giêsu, cũng không một tỏ mình sáng lạng nào đã gây ấn tượng hay tô điểm lời Ngài. Đó là một lời tuyên bố thật giản dị về cung cách của niềm tin. Ở đây, trời cao đánh mất mọi niềm kiêu hãnh, người được Thiên Chúa sai đến không có gì để trao ban hơn là hiện diện như một con người và trao ban lời nói của một con người. Thế nhưng, ngang qua sự hiện diện và lời này, một sự cận kề Thiên Chúa mới mẻ và diệu kỳ được công bố và mặc khải: một sự cận kề con người không thể đạt đến và không được trao ban cho đến lúc đó. Sự cận kề này khai mở một tương quan hoàn toàn mới mẻ giữa con người với Thiên Chúa tựa hồ một cuộc sinh hạ mới. 

Thờ phượng trong thần khí và sự thật nối kết với sự cận kề gần gũi và cuộc sinh hạ mới. Thờ phượng trong thần khí và sự thật, như thế, là thờ phượng trong Thần Chân Lý mà Đức Giêsu đã lãnh nhận cách vô hạn, đồng thời, có sứ vụ thông truyền cho mọi người. Thần Khí này đưa con người vào cuộc sống làm con của Đức Giêsu. Hẳn chúng ta đã nhận ra thần khí đó: những người thờ phượng đích thực thờ phượng Chúa Cha. Chính Thần Khí sự thật làm cho chúng ta nhận biết Chúa Cha như Đức Giêsu nhận biết Người; chính Thần Khí sự thật dạy chúng ta thưa lên “Abba, Cha ơi” như chỉ Con Một yêu dấu của Người thưa lên. Thần Khí sự thật dạy chúng ta điều đó bằng cách cho chúng ta được sinh ra trong sự sống làm con. 

Thần Khí là nước hằng sống đã trở nên nguồn suối vọt lên sự sống vĩnh cửu trong tâm hồn những ai lãnh nhận nước đó: một nguồn suối thì thầm “Abba, Cha ơi” rất đỗi hỷ hoan trong niềm vui của con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí này là Thần Khí Người Con. Chỉ Người Con mới có thể trao tặng Thần Khí đó khi thông ban cho chúng ta sự sống riêng của Ngài.  

Đó là sự mới mẻ lớn lao Đức Giêsu đến công bố. Đó là sự kiện trong đó, mỗi người có thể khám phá tương lai mình, một tương lai đặt dưới sự tuôn trào của Thần Khí. Ngày kia, Đức Giêsu sẽ công khai kêu lên, “Ai khát, hãy đến với tôi; ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Thánh Kinh đã nói: Từ lòng người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Gioan viết thêm, “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 37-39). 

Người phụ nữ Samaria không đủ thời gian để kịp công khai phản ứng trước công bố về Đấng Thiên Sai của Đức Giêsu. “Vừa lúc đó, các môn đệ trở về…”. Việc trở lại của những người đến sau ấy chấm dứt cuộc trò chuyện. “Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành…”. Người phụ nữ Samaria đã không nói gì, nhưng đã để lại chiếc vò của bà. Cử chỉ này được Gioan ghi lại mang nhiều ý nghĩa. Đức Giêsu đã nói, “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa…”. Bị bỏ lại, chiếc vò nói lên, không bằng lời, niềm tin của người phụ nữ Samaria vào lời hứa của Đức Giêsu[1]. 

Chiếc vò cũng cho thấy sự vội vã của người phụ nữ những nóng lòng loan báo cho người đồng hương Đấng đã tỏ mình cho bà là người được Thiên Chúa sai đến. Suối hằng sống đã vọt lên trong bà và suối đó chỉ chực đòi được toả lan. “Đến mà xem, bà nói, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”. Vì thế, những người Samaria ra khỏi thành và tìm về phía Đức Giêsu.  

Giữa lúc đó, Vị Thầy gặp lại các môn đệ. Những người ấy, đến phiên họ, thấy Đức Giêsu chuyện trò với một phụ nữ, đã ngạc nhiên. Tuy thế, không ai trong họ dám hỏi, “Thầy cần gì?” hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?”. Nhưng họ mời Ngài, “Thưa Thầy, xin mời Thầy dùng bữa”. Từ trong thành, họ đã mang về một cái gì đó để ăn. Nhưng, ngạc nhiên đến sững sờ khi Đức Giêsu đáp lại họ rằng, “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”. Các môn đệ mới hỏi nhau, “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?”. 

Bấy giờ, Đức Giêsu công bố với các môn đệ, “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người”. Khi nói điều ấy, Đức Giêsu dẫn các môn đệ đi vào sự thiết thân sâu sắc nhất trong khu vườn bí mật của Ngài; Ngài cho họ thoáng thấy mầu nhiệm sự sống của Ngài. Điều nuôi dưỡng nội tâm và làm cho sống chính là sứ vụ Ngài đã lãnh nhận. Sứ vụ này chính là lý do của sự hiện hữu, của sự sống và “lương thực” của Ngài. Ý muốn của Đấng đã sai Ngài không chỉ là một mệnh lệnh cần phải thi hành, nhưng hơn thế nhiều. Đó là công trình của Chúa Cha. Công trình này chính là sự sống: một sự sống để thông ban. Sự sống này, Đức Giêsu đã lãnh nhận sung mãn từ Chúa Cha. Càng kết hợp với sự sống đó, đến lượt mình, Ngài càng thông ban nó. Được đón nhận như một quà tặng, công trình của Chúa Cha đã trở thành cuộc sống của Ngài. Ngày kia, Ngài sẽ nói, “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (6, 40). “Và tôi biết, mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời” (12, 50). 

Nhưng ở đây, từ việc kết hợp mật thiết với Chúa Cha và được nuôi dưỡng bởi Người, Đức Giêsu chất vấn các môn đệ của mình. Họ cũng được sai đi vì công trình của Chúa Cha được giao phó cho Đức Giêsu cũng đòi hỏi sự hợp tác của họ. Họ phải ý thức điều đó và bắt tay vào việc vì giờ gặt đến gần:

 

“Nào anh em chẳng nói:

còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt?

Nhưng này, Thầy bảo anh em:

Ngước mắt lên mà xem,

đồng lúa đã chín vàng

đang chờ ngày gặt hái!

Ai gặt thì lãnh tiền công

và thu hoa lợi để được sống muôn đời,

và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt

đều hớn hở vui mừng.

Thật vậy, câu tục ngữ

“kẻ này gieo, người kia gặt”

quả là đúng!

Thầy sai anh em đi gặt

những gì chính anh em

đã không phải vất vả làm ra.

Người khác đã làm lụng vất vả;

còn anh em, anh em được vào hưởng

kết quả công lao của họ” (Ga 4, 35-38).

 

“Hãy nhìn xem! Đồng lúa đã chín vàng…”. Khi nói những điều ấy, Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy đám đông những người Samaria đến để gặp và nghe Ngài: hoa quả đầu mùa và hình ảnh tất cả dân ngoại tuôn đến và nhận biết Đức Giêsu là “Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 42).
 


[1] Cf. X. Léon-Dufour, Lecture de l’évangile selon Jean, t. l, p. 378, op. cit.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!