Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

GIỚI THIỆU

Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài”

Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu

Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới

Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

Chương 5: Nước Hằng Sống

Chương 6: Bánh Sự Sống

Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống

Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống

Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU

Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Thầy Dạy Khát Khao
Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

(Ga 20, 1-18) 

Đó là ngày thứ nhất trong tuần sau những sự kiện bi thảm của ngày thứ sáu tuần thánh. Từ buổi sáng vĩ đại ấy, khi mà trời vẫn còn tối, Maria Mađalêna trở lại ngôi mộ. Chị muốn mang một chứng cứ cuối cùng cho Đấng đã trân trọng chị, Đấng mà chị xem là Thầy và là Chúa mình. 

Nhưng làm sao không ngạc nhiên và đau khổ khi chị nhìn thấy ngôi mộ trống trơn! Tảng đá đã được nâng lên. Không để mất một giây, chị vội chạy về gặp Simon Phêrô và người môn đệ khác, người mà Đức Giêsu thương mến. Cả hai người cùng chạy đến và cùng thấy ngôi mộ trống, họ vào mộ và khám phá những khăn vải nằm trên đất, khăn liệm phủ mặt được cuộn lại một bên. Gioan “đã thấy và đã tin”, tác giả Tin Mừng nói. Nhưng cả ông và Simon Phêrô đều không thấy Chúa. Họ lại ra đi. Maria ở gần bên mộ, khóc, mắt gắn chặt cửa huyệt trống trơn. Sự ngạc nhiên đã nhường chỗ cho sự sầu não trong chị. Chị không cầm được những dòng lệ. 

Đức Giêsu, ánh sáng sự sống, Đấng đã giải thoát chị khi giúp chị khám phá sự sống đích thực và tình yêu chân thật. Với tất cả nồng nàn của một tâm hồn yêu mến, Maria Mađalêna đã theo Ngài đến cùng, tận chân thập giá và chị khổ đau khi thấy Ngài cam chịu cảnh bị bỏ rơi hoàn toàn. Rồi sau một ngày sabat, sáng nay, một ngày ảm đạm, chị nhanh chân đến mộ để tìm ở đó một chút hiện diện của Thầy bên cạnh thi hài. Nhưng kìa, mộ trống, không còn dấu vết gì của con người vĩ đại này. Vậy thì buộc Ngài chịu nạn chịu chết, phủ cho Ngài bao sỉ nhục trước mắt toàn dân chưa đủ sao nay lại còn phải cướp cả xác Ngài và xoá sạch Ngài hoàn toàn? Trong ánh mắt của Maria, trời cao đất thấp không còn lấy một chút ánh sáng. Chị trải qua một trong những thời khắc thất vọng ê chề nhất khi toàn bộ hữu thể của chị như nghẹn lịm bởi sự điên rồ của thế gian trước sự trống rỗng nơi mà niềm hy vọng, niềm tin và tình yêu của chị trở nên tăm tối.  

Chẳng một chút gì để có thể lưu luyến người Thầy dấu yêu đầy ngưỡng mộ; cũng không còn một dấu vết nào của Đấng đã mang ý nghĩa và tương lai cho đời mình, cho niềm khát khao sống của chị. Vậy thì từ nay sống để làm gì? 

Cúi nhìn phía bên trong ngôi mộ, thì kìa, chị nhìn thấy hai thiên thần áo trắng, hai con người ngời sáng ngồi ở nơi đặt xác Đức Giêsu, một vị đằng đầu, một vị đằng chân. Các thiên thần này bảo chị, “Hỡi chị, tại sao chị khóc? - Người ta đã lấy xác Thầy tôi, chị bảo, và tôi không biết người ta đặt Ngài ở đâu”. Sự có mặt của những con người ngời sáng này ở đây dường như không làm chị ngạc nhiên; chị cũng không tỏ ra điều đó. Nói đúng ra, dù bất thường đến đâu, sự hiện diện này cũng không làm chị bận tâm. Maria chỉ thấy một điều, người ta đã lấy xác Thầy. Ý tưởng về một cuộc phục sinh có thể xảy ra, thậm chí cũng không thoáng qua nơi chị. Nếu xác của Đức Giêsu không còn đó, là vì người ta đã lấy, đã cướp đi. Điều mà Maria đến tìm nơi ngôi mộ không phải là một người sống, mà là xác của một người Thầy và là Chúa, dấu chỉ cuối cùng của một sự hiện diện đầy kính tôn.  

Maria hầu như không trông mong gì nhiều vào việc tìm lại người sống là Chúa của chị đến nỗi khi quay lại trước sự hiện diện của Thầy, chị không nhận ra. Tuy nhiên, chính Ngài ở trước mặt chị và là người, đến lượt mình, hỏi chị, “Hỡi chị, tại sao chị khóc? Chị tìm ai?”. Nhưng Maria, mắt nhoà lệ, hoàn toàn bị ám ảnh bởi việc tìm lại thi thể cứng đơ của Thầy, không nhận ra Ngài, thậm chí không thấy Ngài. Nghĩ rằng, cần nói chuyện với người làm vườn, chị hỏi ông, “Thưa ông, nếu ông đã lấy xác Ngài, xin nói cho tôi hay, ông đã đặt Ngài ở đâu và tôi sẽ tìm Ngài”. 

Bấy giờ Đức Giêsu gọi chị, “Maria”. Tên gọi đơn sơ này được thốt lên với một cung giọng riêng của Thầy và với tình cảm Ngài gói ghém trong đó lập tức tác động chị cách kỳ diệu. Maria như được đánh thức, được lôi ra khỏi những gì đang ám ảnh mình. Mắt chị mở ra, cả con người chị run lên. Chính Ngài đây, là Thầy và là Chúa của chị! “Lạy Thầy”, chị reo lên. Trong nỗi vui vô bờ, chị muốn chạm Thầy, ôm Thầy và giữ Thầy lại… như thể sợ Thầy chạy trốn lần nữa và biến mất. Không, đó không phải là mơ, cũng không phải ảo giác. Chị chạm Thầy; Thầy cản lại. “Đừng chạm Thầy, đừng giữ Thầy lại, Đức Giêsu bảo chị, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi tìm anh em Thầy và bảo họ, Thầy lên với Cha Thầy và Cha của anh em, lên với Chúa của Thầy và Chúa của anh em”. Ngạc nhiên làm sao, nhiệm mầu nhường nào những lời Thầy vừa nói nhưng chúng lại mang bao ý nghĩa. Chúng chứa đựng toàn bộ thông điệp phục sinh. Đó là thông điệp sự sống.

Maria, trong niềm vui vô bờ, tin rằng mình đã gặp lại Giêsu, Đấng chị biết trước đây, là Thầy, là Rabbi mà chị đã đi theo trên những con đường xứ Galilê. Chị đã vồn vã đặt Ngài lại trong những sinh hoạt quen thuộc; chị đã gặp lại Ngài trong cái không gian này, một không gian được biết đến với những chuyến đi liên miên, những cuộc dừng lại, những cuộc gặp gỡ như là ân huệ của Thiên Chúa. Quả thế, chính Ngài, Đấng chị gặp lại, Ngài hằng sống. Thế nhưng, cũng kể từ đó, Đấng hằng sống ấy đã mang một chiều kích khác. Ngài không còn là người Thầy mà chị tận tụy với niềm kính tôn khôn xiết. Đấng hằng sống này không còn để mình bị đóng khung trong một không gian quen thuộc và giới hạn. Ngài là Chúa của những kẻ sống. Đó là điều Đức Giêsu muốn làm cho chị hiểu mà không thúc bách chị. Cách dịu dàng, Ngài mở mắt chị mà không làm chị chói loà choáng ngợp bởi ánh sáng của Ngài, không làm tâm hồn chị phải dập nát bởi vẻ uy nghiêm của Ngài.  

Thật vậy, những điều Đức Giêsu nói với chị là một lời mời gọi gặp gỡ Ngài tại nơi, mà kể từ đó, Ngài ở; một nơi mà Ngài sống sự sống sung mãn: quy về Chúa Cha. Đây là lời mời gọi khám phá Ngài trong chuyển động sâu nhiệm của hữu thể Ngài, trong sự vươn lên của Ngài hướng về Chúa Cha, “Thầy lên với Cha Thầy cũng là Cha của anh em…”. Những lời này cần được lắng nghe như tiếng ầm ầm của một thác nước vọng dội lên tận suối nguồn. Từ đây, Đức Giêsu sống hoàn toàn trong chuyển động này, nhưng Ngài không đơn độc. Ngài lên cùng Cha với tất cả “anh em” của Ngài. Đó chính là toàn thể nhân loại được Ngài lôi kéo đến với ánh sáng. Trong Ngài, khát vọng bao ngày vươn tới nguồn sống sung mãn, “Khi tôi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”, Ngài đã công bố (Ga 12, 32). Maria Mađalêna muốn giữ Đức Giêsu lại; còn Ngài, Ngài mời chị theo Ngài trong chuyển động hướng thượng của Ngài cùng với “anh em” mình. Đó là lời mời gọi bước vào niềm vui phục sinh lớn lao: niềm vui của sự hiệp thông với Chúa Cha, “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ vui mừng vì Thầy đến với Chúa Cha…” (Ga 14, 28). Niềm vui này, Đức Giêsu muốn nó trở thành niềm vui của chúng ta vì Ngài đã mở đường cho chúng ta. Ngài đã mang chúng ta cùng Ngài đi vào cung lòng Chúa Cha trong sức mạnh quyền năng và chiến thắng của Ngài. 

Khởi đầu Tin Mừng Gioan, các môn đệ đầu tiên đã hỏi Đức Giêsu: “Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38), và Ngài trả lời họ, “Hãy đến và xem”. Trong suốt Tin Mừng, Ngài làm cho họ thấy chỗ ở đích thực của mình. Chỗ ở đó là tương quan của Ngài với Chúa Cha, trong sự thông hiệp yêu thương với Chúa Cha, một sự hiệp thông mà chính chúng ta được liên kết. 

“Thầy đi thì có lợi cho anh em”, Đức Giêsu nói với các môn đệ trong cuộc trò chuyện cuối cùng của Ngài trước khi chết. “Nếu Thầy không đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến. Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ gửi Đấng đó đến với anh em” (Ga 16, 7). “Khi Đấng ấy đến, Ngài, Thánh Thần chân lý sẽ dẫn anh em vào sự thật toàn vẹn” (16, 13). “Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14, 19-20). 

Khi Đức Giêsu rảo khắp đất nước, dạy dỗ đám đông, bàn luận với các luật sĩ và Biệt Phái... thì các môn đệ đi theo Ngài, thấy Ngài, thấy rất rõ. Nhưng họ thấy gì? Một con người siêu phàm, không nghi ngờ gì nữa, Ngài đã gợi lên sự hăng nhiệt nơi dân chúng bằng năng quyền của những phép lạ và uy quyền trong giáo huấn. Một người mà họ xem như sứ giả của Thiên Chúa, như Đấng Thiên Sai. Nhưng một người, một người đặc biệt, với diện mạo riêng, những đường nét, âm sắc của giọng nói, trong sáng khi nhìn, những cử chỉ quen thuộc và cách thức dạy dỗ của Ngài… Nhiều tính cách riêng của Ngài phân biệt Ngài với hàng ngàn người khác. Các môn đệ gắn bó với cái nhân cách toả sáng này. Sự gần gũi thể lý, sự thân tình cùng với vẻ quyền uy trầm lắng và tối cao của Thầy đã gây ấn tượng và cuốn hút họ.  

Thế nhưng, cùng lúc đó, hình ảnh này lại phủ lấp một điều mà Đức Giêsu muốn mặc khải cho họ: sự sống sâu xa mà Ngài nắm giữ bí quyết, nơi ở thiết thân và không giới hạn của Ngài. Có thể chúng ta sẽ không thấy một điều gì đó khi gần gũi một người nào đó; cũng thế, việc cận kề Ngài không tránh khỏi điều ấy, “Thầy đã ở với anh lâu thế mà anh không biết Thầy sao?”, Đức Giêsu hỏi Philipphê. Philipphê và các môn đệ khác tin chắc rằng mình biết Ngài; kỳ thực, họ chỉ biết Ngài bên ngoài. Việc quen biết Thầy lại nhấn mạnh khía cạnh con người, quá con người trong cái nhìn của mình khiến họ chỉ dừng lại nơi con người khả giác của Đức Giêsu. 

Đó là lý do tại sao Ngài đã bảo, “Thầy đi thì có lợi cho anh em…” (Ga 16, 7). Đức Giêsu cần xa họ, cất khỏi họ sự hiện diện khả giác, thể chất để rồi Thánh Thần có thể đến, mở mắt họ hầu họ có thể nhận ra sự hiện diện thần linh của Ngài. Hình tượng quá hấp dẫn, quá con người... cần biến mất để Hình Tượng Chúa Cha được tỏ hiện. Đức Giêsu bảo, “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng, Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14, 20). “Anh em sẽ thấy rằng, Thầy sống và anh em cũng vậy, anh em cũng sẽ sống” (Ga 14, 19). 

Cũng thế, Maria Mađalêna cũng dừng lại ở một nhãn quan quá nhân loại về Thầy mình. Nhưng ở đây, mắt chị mở ra trước ánh sáng phục sinh, “Tôi đã thấy Chúa”, chị sẽ nói. Chị đã thấy và đã tin. Trong Đức Giêsu phục sinh, chị có thể chiêm ngắm Sự Sống vĩnh cửu này, một sự sống quy về Chúa Cha nay xuất hiện, lôi kéo toàn thể nhân loại vươn lên trong tình yêu thương và thông hiệp của Ngài với Chúa Cha; một sự vươn lên được sửa lại như mới. “Hãy đi nói với anh em Thầy rằng: Thầy lên với Cha Thầy cũng là Cha của anh em, lên với Chúa của Thầy cũng là Chúa của anh em”: đó là bài ca của cuộc khởi nguyên mới. “Vì thế, từ đây, chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Ngài như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5, 16-17).



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!