Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

GIỚI THIỆU

Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài”

Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu

Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới

Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

Chương 5: Nước Hằng Sống

Chương 6: Bánh Sự Sống

Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống

Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống

Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU

Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Thầy Dạy Khát Khao
Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

 Xuyên suốt Tin Mừng Gioan và đặc biệt hơn trong các cuộc gặp gỡ chúng ta đã phân tích, Đức Giêsu tỏ ra như Đấng Chúa Cha sai đến với con người để mặc khải và thông ban cho họ sự sống thần linh, sự sống đời đời. Chính Ngài đã thu tóm sứ vụ của mình trong câu nói, “Tôi đến để cho thế gian được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10b). 

Đức Giêsu tuyên bố, với tư cách là Con, Ngài sở hữu sự sống thần linh ấy cách dồi dào, “Như Cha có sự sống trong chính mình, cũng thế, Người ban cho Người Con có sự sống trong chính mình…” (Ga 5, 26). Như thế, sự sống ấy nên một với hữu thể Ngài cách mật thiết nhất. Sự sống ấy toả sáng từ con người của Ngài trong chừng mực người ta đón nhận nó bằng cách đón nhận chính Ngài trong một hành vi đức tin không dè giữ. Trước quà tặng của Thiên Chúa, Đức Giêsu chỉ đòi hỏi chúng ta một điều: tin vào con người của Ngài, tin vào tư cách của Người Con được Chúa Cha sai đến. Tin vào Ngài, là đón nhận quà tặng của Thiên Chúa, là đón nhận sự sống của Thiên Chúa. Ai tin vào Ngài thì được sinh ra trong sự sống từ trên cao. Ngài nói, “Ai tin vào tôi, thì không phải vào tôi mà là tin vào Đấng đã sai tôi…” (Ga 12, 44). “Và đây là ý muốn của Cha tôi, rằng ai thấy Người Con và tin vào Người Con thì có sự sống đời đời…” (Ga 6, 40).

 

Qua đó, Đức Giêsu không đưa ra một lời hứa đơn thuần nào về cuộc sống mai ngày. Chính ở đây và lúc này, sự sống thần linh được trao ban cho con người. Kể từ hôm nay, trong thế giới này, con người được mời gọi sống sự sống thần linh. Điều gì con người không biết nắm bắt trong hiện tại, muôn đời sẽ không có nó.

 

Vậy thì sự sống Đức Giêsu nói với chúng ta và muốn thông ban cho chúng ta là gì? Chính xác, sự sống ấy cốt tại điều gì? Chúng ta có thể nói gì về nó? Làm sao để nêu lên những đặc tính của sự sống ấy? Nó mang gì đến cho sự sống con người? Nếu chiếu theo những khẳng định của Đức Giêsu, những câu hỏi đó càng được nêu lên thì sự sống này càng là điều thiết yếu tuyệt đối, dẫu cho nó hoàn toàn tặng không. Không có sự sống này, sẽ không có sự hoàn tất thực sự của con người. Từ chối sự sống này, là phó mình cho bóng tối và sự chết, là đánh mất chính mình trong tư cách là người. 

Rất thường khi, sự sống thần linh ấy được trình bày như một quà tặng từ bên ngoài thêm vào sự sống con người; một con người vốn có sự hoàn hảo riêng và tự mình lấy làm đủ khi coi quà tặng đó như một thứ trang sức tuỳ thích, có cũng được, không cũng được. Nếu quả vậy thì không lạ gì khi con người hiện đại hôm nay chẳng tha thiết gì với một tặng phẩm như thế. Thật vậy, trong thời đại hôm nay, điều con người muốn trước hết là làm người. Đề nghị nó chấp nhận một sự sống cao hơn chính nhân tính của nó cách không tự nhiên như thế thì liệu điều đó có còn ý nghĩa không? Con người muốn trở nên một con người thuần túy và toàn bộ; nó phải được ở trong một thế giới người nhất có thể. Có phải đó là ý nghĩa của mọi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cũng như mọi cuộc đấu tranh cho một nền công lý lớn lao hơn và sự tôn trọng các quyền con người? 

Nhưng, thế là trốn chạy theo một cách thức siêu nhân tính? Điều đó khác biệt với những gì Đức Giêsu đề cập. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta sự sống thần linh mà Ngài có sứ mệnh thông truyền. Ngược lại hoàn toàn với những gì đặt ra trên đây, khi đặt sự sống đó trực tiếp với khát vọng căn bản của con người, khát vọng sống của nó, Đức Giêsu cho con người thấy rằng, sự sống thần linh nó được mời gọi sống không xa lạ với sự sống của nó và bí quyết hoàn thiện chính mình lại ở trong sự sống thần linh đó. 

Cũng thế, với người phụ nữ Samaria bên giếng Giacóp, Đức Giêsu mặc khải nước hằng sống vốn có thể thoả mãn nỗi khát sâu xa của bà; đồng thời, ban cho cuộc sống nhân loại của bà một sức bật mới mẻ đầy sáng tạo. Với Nicôđêmô, người khát khao tìm lại sự tươi trẻ, Ngài mặc khải cho ông bí mật về một cuộc sinh hạ mới và một sự sống vốn không già nua. Với đám đông đã no nê với bánh Ngài ban, Ngài đề xuất một của ăn không hư nát, một loại bánh hằng sống sẽ cho họ không bao giờ đói nữa. Với hai chị em Matta và Maria, quá ưu sầu trước sự mất mát cậu em Lazarô, những ước mơ một sự sống khi các tương quan mật thiết nhất sẽ không bao giờ bị cắt đứt, Đức Giêsu giúp họ nhận ra rằng, trong Ngài, có một sức sống vốn có thể vượt qua cái chết và sức huỷ diệt của nó. Tắt một lời, sự sống mà Ngài nắm giữ bí mật được Ngài trình bày như một sự viên mãn đầy sức sống giúp con người kiện toàn chính mình một cách không tưởng bằng cách làm cho nó thông dự vào niềm vui sống sự sống thần linh. 

Vậy, sự viên mãn này là gì? Làm sao định rõ tính chất của nó? Chúng ta biết gì về chủ đề này trong Tin Mừng Gioan? “Sự sống đã được tỏ bày… sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha…” (1Ga 1, 2). Cần chú tâm xem xét mặc khải này xuyên suốt Tin Mừng Gioan, trong đó ông kể lại. Hãy dừng lại cách đặc biệt hơn ở những điểm sau:

 

- Sự sống thần linh và khát vọng của con người. 

- Mặc khải bữa tiệc Agapê. 

- “Chúng tôi đã chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài”. 

- Một trải nghiệm niềm hiệp thông. 

 

Sự sống thần linh và khát vọng của con người

 

Chúng ta đã nêu lên rằng: Để mở tâm hồn những người nghe trước quà tặng sự sống thần linh, Đức Giêsu dựa trên khát vọng sống sâu xa trong mỗi người. Ngài khởi đi từ việc muốn sống, từ khát vọng sống này. Không hề bóp nghẹt, Ngài khơi gợi và cỗ võ nó! “Hỡi những ai đang khát, hãy đến cùng tôi, và hãy uống…” (Ga 7, 37). Có điều cần lưu ý ở đây: Đức Giêsu không nói với những người hiểu biết, những đầu óc thuần khiết, nhưng nói với những người sống, những người ước ao sống một sự sống sung mãn hơn, cao cả hơn. Chính ở chiều sâu này mà Đức Giêsu liên kết với con người. Tin Mừng Gioan giúp chúng ta chứng kiến một cuộc gặp gỡ đáng ngạc nhiên: sự sống ẩn giấu, sự sống siêu việt của Thiên Chúa tương giao với sự sống xác thịt và ước muốn của con người. Nhờ sự tỏ mình của sự sống này, con người nhận biết và khát khao sự sống ấy. 

Chính bởi Ngài mà sự kiện này được tỏ rõ, một sự kiện đáng cho chúng ta dừng lại. Sự sống thần linh Đức Giêsu đến mặc khải và đề nghị chắc chắn trổi vượt trên mọi khả năng của con người: nó chỉ có thể được trao ban theo một cách thức tặng không. Tuy nhiên, cần phải nhìn thấy ở đó, nghĩa là giữa khát vọng sống trong tâm hồn của mọi người và quà tặng sự sống thần linh, một mối tương quan ẩn giấu, sâu sắc, một sự tiếp tay trước nhất. Tốt hơn nữa là: một liên minh.

 

Theo Gioan, sự liên minh này tìm lên lại nơi khởi đầu. Liên minh ăn rễ trong động thái tạo dựng. Sự sống đang hoạt động trong Ngôi Lời tác tạo đã là “ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1, 4b). Được tạo thành vì sự sống này, con người được định liệu để sống sự sống thần linh. Như thế, sứ vụ lịch sử của Đức Giêsu được tỏ rõ. Ngôi Lời mặc lấy xác phàm để thông ban cho chúng ta sự sống thần linh chính là Ngôi Lời tác tạo, Ngôi Lời sự sống, “Nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1, 4). Ngài đến trong thế gian này để hoàn tất công trình của Ngài, hoàn thành ý định tác tạo lớn lao của Ngài, một ý định thiết yếu là trao ban sự sống.

 

Từ lúc khởi đầu, con người được tiền định để sống sự sống thần linh, trong đó, nó tìm thấy việc kiện toàn chính mình. Ngay từ đầu, nhân tính của con người hướng đến sự sống sung mãn này đang khi chờ đợi vẻ huy hoàng của ngày thứ bảy. Điều này giải thích chiều sâu khát vọng sống trong con người. Trong niềm khát khao này, có một sức bật, một sự thôi thúc phát xuất từ hành vi sáng tạo mà không gì có thể làm nguôi ngoai; sức bật này luôn đẩy con người đi xa hơn, cao hơn khi tìm kiếm khát vọng sống cũng là khi được no đầy ánh sáng. Thánh Augustinô viết, “Chúa dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con thổn thức cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. 

Sứ vụ của Ngôi Lời nhập thể là mang cho con người sự sống sung mãn này, một sự sống mà vì nó, con người được tiền định từ đời đời. Khi thực hiện điều này, Ngài mặc khải cho con người điều làm nó nên người cách trọn vẹn và nên người cách thực sự. Ngài giúp con người khám phá chiều sâu của hữu thể mình. Qua việc đến thế gian, “Ngài là ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9). 

Vậy thì chẳng có gì là nhân tạo khi lời mời gọi của Đức Giêsu chạm tới khát vọng sống trong tâm hồn mỗi người. Lời mời gọi này ngỏ lời với điều căn bản nhất, tận căn nhất nơi con người.

 

 

Mặc khải bữa tiệc Agapê

 

Cùng lúc khám phá nơi con người chiều kích sâu xa của hữu thể, Ngôi Lời nhập thể mặc khải cho nó mầu nhiệm sâu kín của Thiên Chúa. Việc Con Thiên Chúa đến trong xác phàm của chúng ta vén mở bí mật của Ngài: nó biểu lộ sự sống ẩn giấu trong cung lòng Chúa Cha.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu tỏ ra như Người Con được Chúa Cha sai đến thế gian để thông truyền cho con người sự sống thần linh. Chính Ngài là quà tặng của Thiên Chúa. Trong Ngài, Thiên Chúa tự hiến sự sống sung mãn. Như thế, việc Con Thiên Chúa đến thế gian mặc khải một tình yêu siêu việt, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con  Một…” (Ga 3, 16). “Tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện ở điều này: Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế gian để nhờ Ngài mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). Tình yêu này ở tận cội nguồn mọi sự. Không gì vượt trước nó, không gì hối thúc nó. Nó tuyệt đối đầu tiên và tuyệt đối cho không. Tình yêu đó đã có ngay từ đầu. Chính nhờ nó mà có một khởi đầu. Từ tình yêu này vọt ra ý định sự sống lớn lao của Chúa Cha.

 

Nhưng đây là đỉnh cao của mặc khải: cùng lúc tình yêu khởi nguyên của Thiên Chúa tỏ ra cho con người, thì Chúa Con, quà tặng cho trần gian lại dẫn chúng ta vào chính cốt lõi đời sống nghĩa thiết của Thiên Chúa. Vì thế, việc nhập thể không hiến dâng cho Thiên Chúa một Người Con, nhưng là mặc khải cho thế gian Người Con vĩnh cửu. Việc nhập thể giúp con người nhận ra Thiên Chúa có một đời sống tương quan: một thông hiệp sự sống, thiết yếu, vĩnh cửu và vô cùng. Vì thế, Thiên Chúa là mầu nhiệm tình yêu trong chính mình, không chỉ đối với chúng ta, nhưng còn trong sự tuyệt đối của Người. Tình yêu là chính hữu thể của Người, đời sống, vinh quang của Người. Tất cả ý định của Thiên Chúa khi sai Con mình đến thế gian, là để ban cho con người khả năng đi vào mầu nhiệm tình yêu của riêng Người, để con người cũng cảm nếm niềm vui sống thần linh lớn lao.

 

Gioan đã kể lại mặc khải lạ lùng này xuyên suốt Tin Mừng của mình. Gioan giúp chúng ta nhận ra mặc khải trong quá trình sống của Đức Giêsu: những lần gặp gỡ, những cuộc chuyện trò và những hành động của Ngài. Sự sống đời đời, ẩn giấu nơi Chúa Cha, được biểu lộ trên mảnh đất của chúng ta trong nhân tính Con Thiên Chúa và hoàn toàn đặc biệt trong quà tặng mà Con Thiên Chúa đã làm từ cuộc sống nhân loại của riêng Ngài. Bằng cách tự hiến, Đức Giêsu mặc khải cho thế gian quà tặng của Thiên Chúa trong sự viên mãn của Ngài.

 

Cho nên, với cái nhìn của Gioan, chính trong cái chết của Đức Giêsu mà việc mặc khải sự sống thần linh lên đến cực điểm. Chính trên thập giá, Gioan nhìn thấy sự mặc khải đó chiếu toả tất cả vẻ rạng ngời của nó, “Không có tình yêu nào cao trọng hơn tình yêu của việc hiến dâng mạng sống vì bạn hữu của mình”, Đức Giêsu nói (Ga 15, 13). Theo Gioan, Đức Giêsu không chịu đựng cuộc thương khó và cái chết của mình. Những đau khổ này không được áp đặt cho Ngài từ bên ngoài cách thuần tuý và đơn giản như một điều gì đó không thể tránh khỏi. Không ai tước đoạt mạng sống Ngài được. Ngài tự do hiến mạng sống mình. Đó là một hành vi hoàn toàn thuộc sáng kiến của Ngài, Ngài nói, “Chúa Cha yêu mến tôi, vì tôi hiến mạng sống mình để rồi lấy lại. Không ai lấy mạng sống của tôi được, nhưng tôi trao ban mạng sống đó từ chính mình. Tôi có quyền cho đi và có quyền lấy lại…” (Ga 10, 17-18). Sự kiện Đức Giêsu có thể lấy lại mạng sống mình bằng cách sống lại cho thấy tự do tối thượng mà Ngài đã sử dụng cũng như hiến trao. 

Trong bốn tác giả Tin Mừng, chắc chắn Gioan là người đã làm nổi bật hơn hết sự tự do của Đức Giêsu trong việc trao ban mạng sống. Sự tự do này được khẳng định nhiều lần, “Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51); “Mục tử nhân lành hiến dâng mạng sống vì đoàn chiên của mình… Tôi là mục tử nhân lành và tôi hiến dâng mạng sống vì đoàn chiên của tôi…” (Ga 10, 11-15). 

Khi hiến dâng mạng sống mình cách tự do và quảng đại, Đức Giêsu mặc khải cho thế gian sự sống sung mãn Chúa Cha đã thông ban cho Ngài và Ngài có sứ mạng thông truyền sự sống đó cho thế gian. Cả mạng sống được trao ban của Ngài trở nên dấu chỉ hữu hình của quà tặng vô hình, sự sống thần linh. Trong dấu chỉ này, vinh quang Thiên Chúa tỏ rạng không khác gì một mầu nhiệm tình yêu. Sự sống của Thiên Chúa thì hoàn toàn là Agapê: thông ban chính mình, cho đi chính mình.

 

Từ đó, không gì phải ngạc nhiên khi trong Tin Mừng Gioan, từ các lời nguyện của mình, Đức Giêsu gọi giờ Con Người được tôn vinh cũng là giờ Chúa Cha được tôn vinh trong Ngài (Ga 12, 23; 17, 1). Không phải Đức Giêsu vô cảm trước sự ghê rợn của nhục hình đang chờ đợi mình, nhưng vượt trên sự rối loạn gây ra cho Ngài, Ngài nhìn thấy trong cái chết của mình đỉnh cao sự sống và sứ vụ của Ngài, “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha…” (Ga 12, 27-28). Vì thế, giờ này là giờ khi Đức Giêsu, hiến trao chính mình, biểu lộ bí mật sự sống thần linh và làm cho nó toả chiếu trong vẻ huy hoàng toàn vẹn của nó. Bí mật này, vẻ huy hoàng này, là Agapê.

 

Cuộc phục sinh của Đức Giêsu sẽ đóng một dấu ấn xác thực cho mặc khải này. Nó chứng thực rằng, sự sống trao ban trên thập giá quả là sự sống thần linh được thông truyền cho thế gian: một sự sống mạnh mẽ hơn cả quyền lực sự chết. Phục sinh, trong ánh sáng này, là sự hiến tế Agapê, như vinh quang thiết yếu của Thiên Chúa và bí mật của sự sống thần linh.

 

 

“Chúng tôi đã chiêm ngưỡng vinh quang Ngài”.

 

Một khi chúng ta đến gần mầu nhiệm Đức Giêsu trong tương quan với khát vọng sống của mình, Gioan mời gọi mỗi người dừng lại một lúc để chiêm ngắm. Gioan thực hiện điều đó bằng cách thuật cho chúng ta một sự kiện mà chỉ mình ông lưu ý. Gioan nói đến một nhát giáo. Rất nhiều giải thích và chi tiết mà ông đưa ra cho thấy tầm quan trọng tác giả gán cho sự kiện này và ý nghĩa sâu xa ông nhìn thấy. 

Đức Giêsu, bị đóng đinh với hai tử tội khác vừa mới trút hơi thở, “Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabat, mà ngày sabat đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân những người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 31-34).

 

Sự kiện là thế. Gioan thêm vào, “Người xem thấy việc này làm chứng, và chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Thánh Kinh: không một khúc xương nào của Ngài sẽ bị đánh giập. Lại có lời Thánh Kinh khác: họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 35-37).

 

Kết thúc trình thuật của mình bằng việc trích dẫn Thánh Kinh, Gioan mời người đọc chiêm ngưỡng ở đây Đấng trao ban chính mình là quà tặng sung mãn. Vì chính Ngài là Chiên vượt qua được viết trong sách Xuất Hành, “Anh em sẽ không đánh vỡ khúc xương nào của chiên” (Xh 12, 46). Việc chiêm ngưỡng Gioan mời gọi ở đây không phải là chiêm ngưỡng quân lính công bố cách đơn giản cái chết của Đức Giêsu; Gioan nhìn sự việc hoàn toàn khác, một sự bay bổng hoàn toàn khác biệt. Thật vậy, ở đây, Gioan cho thấy một cách nhìn riêng, một cái nhìn phục sinh. Đó là cái nhìn của người môn đệ thấy và tin. “Kẻ đã thấy làm chứng… để anh em cũng tin”. Ông đề cập một “cái nhìn” mở ra trong “niềm tin”. Điều Gioan thấy trong sự kiện này trổi vượt sự kiện thuần tuý. Việc nhìn thấy này được biến đổi trong đức tin vượt quá thời gian. Đó là sự chiêm ngắm, nơi mà niềm khát khao bao ngày vén mở lịch sử nhân loại; một niềm khát khao nay học biết cách thốt lên: “Ngày hôm nay”. 

Như thế, ở đây, chúng ta đang ở ngọn nguồn sự sống. Lưỡi đòng hoàn tất việc làm vọt ra những nguồn sống vô cùng lớn lao. Giờ đây, chỉ cần nhìn Đấng mà họ đâm thâu; ở đó, bí mật sự sống thần linh được vén mở để khám phá. Có thể nói, trời mở ra. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu không chỉ là bằng chứng sinh học không thể bàn cãi về cái chết của Đức Giêsu; với Gioan, chúng có một ý nghĩa khác. Chúng tượng trưng cho sự sống thần linh vốn không gì giữ lại hay che giấu được nữa. Chúng xác nhận rõ ràng rằng, Đức Giêsu đã trao ban sự sống của mình khi trút Thần Khí. Ngài không chỉ trả lại hơi thở sau cùng nhưng còn thông truyền cho thế gian Thần Khí là sự sống và làm cho sống, Thần Khí Chúa Cha đã ban cho Ngài cách vô lượng. 

Thật vậy, đối với tác giả Tin Mừng, máu và nước ít chứng thực cái chết của Đức Giêsu hơn là sự sống Ngài thông ban cho thế gian. Chúng biểu lộ sức mạnh của một sự sống được khẳng định vọt ra trong chính sự chết. Một sức mạnh còn mạnh mẽ hơn cả sự chết và trong sự chết, vinh quang của Con Người tỏ rạng. 

“Chúng tôi đã chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài”, Gioan viết trong lời tựa. Chính dưới chân thập giá, việc chiêm ngắm này được thực hiện. Giờ chết của Đức Giêsu, giờ Ngài trút Thần Khí, giờ máu và nước chảy ra từ cạnh sườn cũng là giờ vinh quang Thiên Chúa được trao ban để con người chiêm ngắm những chiều kích sâu thẳm của nó. Ở đây, sự sống chỉ nên một với sức mạnh của một tình yêu hiến trao không dè giữ. Ai không bao giờ phóng tầm nhìn vào vực thẳm này không thể biết Thiên Chúa là ai. “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; Con Một, nơi cung lòng Chúa Cha, làm cho họ nhận biết Ngài” bằng cách trao ban chính mình. 

Giờ này quả thực là giờ Đức Giêsu đã công bố cho Nathanael và các môn đệ đầu tiên, “Anh em sẽ thấy tầng trời mở ra và các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người” (Ga 1, 51). “Khi các người treo Con Người lên, lúc ấy các người sẽ biết Tôi Hằng Hữu” (Ga 8, 28). 

Đó là giờ hoàn tất điều Đức Giêsu để cho Nicôđêmô thoáng thấy, “Như Môisen đã treo con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng phải treo lên như vậy để ai tin vào Ngài thì nhờ Ngài mà có sự sống đời đời” (Ga 3, 14-15). 

Đó là giờ Đức Giêsu hứa với người phụ nữ Samaria, “Giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 23). Vì việc thờ phượng đích thực chỉ có ở nơi Thần Khí được trao ban. Duy Thần Khí là chân lý, chỉ Thần Khí mới dạy chúng ta thưa lên “Abba, Cha ơi”. 

Đó là giờ thực hiện lời hứa ban nước hằng sống, “Ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa, và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 14). “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến và uống! Như Thánh Kinh đã nói: từ lòng Ngài, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 37-38). Gioan nói rõ, “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 39). Nhưng nay giờ đã điểm: Thần Khí được trao ban và Con Người được tôn vinh trong năng lực sự sống vọt ra từ sự chết của Ngài. 

Đó là giờ nước hoá thành rượu lai láng say ngất tuôn chảy thành dòng cho niềm vui của những ai được mời tham dự tiệc cưới Con Chiên, Con Chiên không gãy gập một chiếc xương nào.  

Đó cũng là giờ hạt lúa mì rơi xuống đất không trơ trọi một mình, nhưng trổ sinh nhiều hoa trái. Giờ của hoa trái mong đợi mà niềm khát khao xa xưa của con người đã từng ước mơ, “Ngày mà các ngươi ăn thứ trái này, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên giống các thần linh” (St 3, 5). 

Quả thực, đó là giờ mà mắt của người mù từ lúc mới sinh mở ra, thấy và tin; lúc mắt phải loá lên vì ánh sáng. Giờ mà sự sống chiếu toả toàn bộ ánh sáng. Vâng, đó đúng là giờ mà niềm khát khao bao ngày học cách thốt lên, “Ngày hôm nay!”. 

Vinh quang của Thiên Chúa chiếu toả trong sự sống này, một sự sống không biết dành riêng cho chính mình vì nó trao ban và thông truyền hoàn toàn. Tắt một lời, nó là Agapê. Vinh quang Thiên Chúa không gì khác hơn là sự rạng rỡ của Agapê. Gioan đã thấy, đã chiêm ngưỡng ánh huy hoàng này trong cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, và ông đã choáng ngợp vì nó. Ông đã thấy ánh sáng loé lên trong bóng tối. Sự sống từ lúc khởi đầu quy hướng về Chúa Cha được mặc khải vào giờ đó. Sự sống này quả thực là “ánh sáng cho nhân loại”.

 

 

Một trải nghiệm hiệp thông

 

Đức Giêsu đã hoàn tất sứ vụ của mình. Thần Khí, Hơi Thở sự sống, được trao ban. Tất cả được hoàn tất. Tuy nhiên, mọi sự lại bắt đầu. Với Thần Khí, sự sống tuôn trào. Sự sống đầy quyền năng và sáng tạo trong Đức Kitô phục sinh, Đấng sống lại đầu tiên hoàn toàn bị xâm chiếm và biến đổi như mới bởi Thần Khí. Sự sống Đức Giêsu có sứ vụ thông truyền, được trao ban và tuôn trào ở đây, trong sự viên mãn mạnh mẽ trẻ trung của nó. Từ đây, mọi người có thể cảm nghiệm sự sống vĩnh cửu trong cuộc sống hiện tại của mình. Một cách thiết yếu, đó là một cảm nghiệm về sự hiệp thông. Sau khi cho thấy sự sống thần linh hoàn toàn là việc trao ban chính mình, Agapê, Tin Mừng Gioan cũng chỉ cho thấy sự sống này căn bản là một sự hiệp thông. Hiệp thông trong tình yêu. 

Trong Tin Mừng Gioan, trải nghiệm hiệp thông này phần lớn hướng đến cuộc trò chuyện cuối cùng giữa Đức Giêsu và các môn đệ; nó cũng là trọng tâm của lời khẩn nguyện mà Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha trước khi Ngài rời bỏ thế gian. 

Trong suốt cuộc trò chuyện cuối cùng, Đức Giêsu dùng lại thuật phúng dụ thánh kinh về vườn nho, nhấn mạnh mối tương quan sống động phải có giữa Ngài và các môn đệ, để sự sống Thiên Chúa trổ sinh hoa trái trong họ. Hoa trái này không gì khác hơn là hiệp thông với Chúa Cha, một sự hiệp thông vốn phải kéo theo sự hiệp nhất tuyệt hảo chính giữa các môn đệ. 

Trong Thánh Kinh, hình ảnh vườn nho được sử dụng để gợi lên những mối tương quan ưu tiên của Thiên Chúa với dân Ngài, “Vườn nho Thiên Chúa là nhà Israel” (Is 5, 7). Đức Giêsu lấy lại hình ảnh này theo ý mình, “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15, 1). Vườn nho là gia sản của Chúa Cha, là công trình của Người. Chính Người đã ươm trồng nó. Nó là mục tiêu chăm sóc của Người. Người cắt tỉa, chăm bón vì Người chờ đợi hoa trái của nó.

 

“Cành nào gắn liền với Thầy

mà không sinh hoa trái,

thì Người chặt đi;

còn cành nào sinh hoa trái,

thì Người cắt tỉa

cho nó sinh nhiều hoa trái hơn…” (Ga 15, 2).

 

Trong hoạt động này, toàn bộ công trình sáng tạo được gợi lên ở đây. Hình ảnh Chúa Cha canh tác vườn nho của mình vang vọng ngay từ đầu lời tựa; hình ảnh này cho thấy toàn bộ sáng tạo đều hướng đến việc thông truyền và mặc khải sự sống Thiên Chúa. Phép phúng dụ về vườn nho vì thế, sẽ minh hoạ mở đầu của lời tựa:

 

“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Ngài,

thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều được tạo thành nơi Ngài là sự sống,

và sự sống

là ánh sáng cho nhân loại…” (Ga 1, 3-4).

 

Công trình sáng tạo tuân theo ý định sự sống vốn được diễn đạt trọn vẹn trong Đấng ví mình như là cây nho của Chúa Cha. Sự sống Thiên Chúa cư ngụ tràn đầy và chiếu toả trong nhân tính của Ngài. Ngài là hoa trái xinh đẹp nhất đầu tiên của toàn bộ công trình tạo dựng. Thánh Phanxicô thành Sales viết, chính “vì hoa trái đáng mong đợi này, mà vườn nho của cả vũ trụ được ươm trồng”[1] 

Nếu hình ảnh cây nho được đặt trong ánh sáng tương quan mật thiết, sống động liên kết Đức Giêsu với Chúa Cha trong ý định sự sống của Người, thì đồng thời, cũng làm nổi bật sự cần thiết tuyệt đối trong việc người môn đệ kết hợp mật thiết với Thầy mình. Như thế, chính Đức Giêsu đón nhận trực tiếp từ Chúa Cha sự sống thần linh sung mãn. Chính từ Ngài, và từ chỉ mình Ngài, dòng chảy sự sống có thể được thông chuyển. Đó là lý do tại sao Ngài luôn đòi hỏi các môn đệ liên kết với Ngài và sống trong mối hiệp thông thiết thân với Ngài:

 

“Hãy ở lại trong Thầy

như Thầy ở lại trong anh em.

Cũng như cành nho không thể

tự mình sinh hoa trái,

nếu không gắn liền với cây nho;

anh em cũng thế,

nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành.

Ai ở lại trong Thầy

và Thầy ở lại trong người ấy,

thì người ấy sinh nhiều hoa trái,

và không có Thầy,

anh em chẳng làm gì được.

Ai không ở lại trong Thầy,

thì bị quăng ra ngoài như cành nho

và sẽ khô héo.

Người ta nhặt lấy,

quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15, 4-6).

 

Toàn bộ khai triển này nhấn mạnh đặc biệt tính cách nổi bật của mối tương quan liên kết các môn đệ với con người sống động của Đức Giêsu. Tương quan này càng chặt chẽ, sự sống thần linh sung mãn trong Đức Giêsu càng được thông ban dẫy đầy cho người môn đệ như nhựa sống từ gốc chuyển lên ngọn ngành để trổ sinh hoa trái. Đó là hoa trái, qua phẩm chất và sự dồi dào của nó, thể hiện sự phong nhiêu của sự sống. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nói thêm rằng, “Vinh quang của Cha Thầy thể hiện ở chỗ anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8). “Vinh quang Thiên Chúa, thánh Irênê viết, là con người sống”: con người sống sự sống của chính Thiên Chúa, trong đó, sự sống Thiên Chúa được biểu lộ bằng việc con người sinh hoa trái.  

Và hoa trái này là gì? Bỏ lửng dụ ngôn cây nho, Đức Giêsu tiếp tục diễn từ của mình bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng, sự sống Ngài nhận từ Chúa Cha hoàn toàn là tình yêu; hoa trái của sự sống này chỉ có thể là hiệp thông trong tình yêu:

 

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,

Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.

Anh em hãy ở lại

trong tình thương của Thầy.

Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy,

anh em sẽ ở lại

trong tình thương của Thầy,

như Thầy đã giữ các điều răn

của Cha Thầy và ở lại

trong tình thương của Ngài” (Ga 15, 9-10).

[…]

“Đây là điều răn của Thầy,

anh em hãy yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em…” (Ga 15, 12). 

Như thế, hoa trái sự sống thần linh được thông ban cho con người trong Đức Giêsu là sự hiệp thông trong tình yêu. Sự sống đến từ Chúa Cha qua Đức Giêsu được thể hiện nơi các môn đệ bằng cách xây dựng giữa họ một sự hiệp thông giống với sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa thông ban cho chúng ta sự sống của Người bằng cách làm cho chúng ta yêu mến như Người yêu mến. M. Bellet viết, “Trong tình yêu đối với chúng ta, Thiên Chúa không thêm gì vào đó cả, Người tỏ mình ở đó”[2]. 

“Người tỏ mình ở đó”. Quả thế, trong sự hiệp thông này, lời hứa của Đức Giêsu được thực hiện:

 

“Ai có và giữ các điều răn của Thầy,

người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.

Mà ai yêu mến Thầy,

thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.

Thầy sẽ yêu mến người ấy,

và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21).

 

“… Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy.

Cha của Thầy và Thầy sẽ đến

và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). 

Thật ra, sự hiệp thông của các môn đệ trong tình yêu hỗ tương không gì khác hơn chính là sự hiệp thông Ba Ngôi mở ra cho họ và thể hiện trong họ. Điều này được sáng tỏ trong lời cầu nguyện Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha trước khi từ giã cõi đời. Ước mong thiết tha nhất, cháy bỏng nhất của Ngài là mối hiệp nhất tồn tại giữa Chúa Cha và Ngài được hun đúc giữa tất cả các môn đệ:

 

“Con không chỉ cầu xin

cho những người này,

nhưng còn cho những ai

nhờ lời họ mà tin vào con,

để tất cả nên một.

Như vậy, lạy Cha,

Cha ở trong con và con ở trong Cha

để họ ở trong chúng ta.

Như vậy, thế gian sẽ tin rằng

Cha đã sai con” (Ga 17, 20-21). 

Như vậy, Đức Giêsu cầu xin Chúa Cha cho chúng ta sống trong hiệp nhất. Nhưng không phải trong bất kỳ sự hiệp nhất nào, Ngài nói đến sự hiệp nhất theo hình ảnh hiệp nhất tồn tại giữa Ngài và Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Sự sống thần linh là sự hiệp thông hoàn toàn chỉ có thể được thông truyền bằng cách kiến tạo giữa chúng ta một sự hiệp thông theo khuôn mẫu hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Thực ra, cả hai chỉ là một. Chúng ta được mời gọi đi vào sự hiệp thông Ba Ngôi duy nhất, từ đó, tạo nên cộng đồng các môn đệ và sự hiệp nhất trong cộng đoàn đó. Vâng, trong tình yêu đối với chúng ta, Thiên Chúa không thêm gì vào, Người chỉ tỏ mình trong đó. 

Như vậy, để hiện thực hóa và biểu lộ sự hiệp thông ấy, mỗi người chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi trong mọi tương quan nhân loại của mình. Sống sự sống thần linh là sống trong chính cung lòng sự hiệp thông Ba Ngôi. Hiệp nhất với Thiên Chúa, chúng ta sống kinh nghiệm hiệp thông này khi mở lòng ra với mọi anh chị em. 

Một ý tưởng lớn cũng là ý tưởng chủ lực của toàn bộ Tin Mừng Gioan nảy sinh ở đây: sự sống từ ban đầu nơi cung lòng Chúa Cha được biểu lộ trong lịch sử của chúng ta; sự sống đó biểu lộ bằng cách tự thông truyền trong Người Con yêu dấu đã đến trong xác phàm của chúng ta; sự sống đó tỏ hiện chính trong nội tại của Ngài như một sự thông hiệp trong tình yêu. 

Đó là một mặc khải mà tâm hồn con người không thể với tới, một mặc khải mà con người chưa bao giờ hoàn thành công việc dò thấu chiều kích sâu xa cũng như đo lường được năng lực sáng tạo của nó cho chính bản tính nhân loại của mình. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đấng Ngài gọi là Cha, không vì thế mà trở nên một Thiên Chúa đơn độc. Người là một mầu nhiệm hiệp thông trong tình yêu. Tình yêu luôn hướng đến một tình yêu khác, tương giao với tình yêu khác. Thiên Chúa sống tình yêu này cách sung mãn từ đời đời. Trước hết, Người là Cha. Người là Cha trong sự thông truyền vô cùng sự sống của mình cho Người Con vĩnh cửu, Ngôi Lời của Người. Mầu nhiệm vĩnh cửu này, Chúa Cha đã mặc khải cho chúng ta khi ban Con Một cho thế gian. Khi thực hiện điều này, Thiên Chúa cũng muốn chia sẻ cho chúng ta, Người muốn mọi thọ tạo thông phần sự sống của Người trong Người Con yêu dấu. Nói đúng ra, chính vì điều này mà Người đã tác tạo chúng ta. Sự sống thần linh này được trao ban cho chúng ta cách nhưng không như một hơi thở sáng tạo của sự hiệp thông giữa chúng ta với Thiên Chúa trong Người Con Một. Đức Giêsu có thể nói lên sự thật đó:

 

“Con đã ban cho họ vinh quang

mà Cha đã ban cho con,

để họ được nên một

như chúng ta là một:

Con ở trong họ và Cha ở trong con,

để họ được hoàn toàn nên một;

Như vậy, thế gian sẽ nhận biết

là chính Cha đã sai con

và đã yêu thương họ

như đã yêu thương con” (17, 22-23).

 

Xuyên suốt giáo huấn của Ngài và trong những cuộc gặp gỡ khác nhau, chúng ta thấy Đức Giêsu không ngừng trình bày sự sống thần linh mà Ngài có sứ mạng mặc khải như một thực tại vô cùng đáng ước mong. Phát xuất từ sự hiệp thông đích thực với Chúa Cha và hiệp thông giữa những con người, như thế, chỉ sự sống thần linh này mới có thể thoả mãn khát vọng sống sâu xa trong con người. Không hề áp đặt cuộc sống nhân loại của chúng ta, sự sống này nâng cao nó, thoả mãn và hoàn tất nó bằng cách ban cho nó một ý nghĩa và một tương lai. Theo cách nói của Gioan trong lời tựa, sự sống này đích thực là “ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1, 4). Ánh sáng soi dẫn cho con người biết mình là gì và làm thế nào để sống thiên chức đó. 

Được tác tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, con người thực ra cũng là một hữu thể tương quan như Thiên Chúa nên chỉ có thể kiện toàn chính mình, hoàn tất chính mình trong tương quan. Nhưng không phải trong bất kỳ tương quan nào. Rất thông thường, tương quan của con người mang tính chiếm hữu hoặc thống trị. Nó tìm cách sử dụng người khác, bắt người khác tùng phục quan điểm, tham vọng hay lợi ích của mình. Nó tìm cách chiêu dụ và thôn tính người khác. Một tương quan như thế sẽ không chấp nhận người khác là chính họ. Nó hủy diệt người khác. Từ đó, nó chỉ là nguồn mạch mọi xung đột và chia cắt. 

Con người chỉ có thể kiện toàn chính mình trong một tương quan vốn hướng đến việc nhận biết người khác, qua đó, đến với một sự hiệp thông đích thực theo hình ảnh của mối hiệp thông Ba Ngôi. Một sự hiệp thông mà ở đó, mỗi người được nhìn nhận, đón nhận, và chào đón trong sự hiệp nhất. Không hề phủ nhận tính cách riêng biệt của từng cá vị, sự hiệp thông này xây dựng và làm triển nở tất cả các cá vị trong sự thật của mỗi người bằng cách giúp họ mở lòng ra cho nhau. Một sự hiệp thông như thế luôn luôn mang tính sáng tạo của một cái tôi trong sự hiệp nhất với cái chúng ta. Đó mới thực sự là hiệp thông các cá vị, một hiệp thông cá vị hóa, “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ước gì họ nên một với chúng ta” (Ga 17, 21). 

Sự hiệp thông này kiện toàn con người bằng cách đưa nó vào trong sự hiệp thông Ba Ngôi. Hiệp thông này chỉ có thể là công trình của Chúa Thánh Thần, của hơi thở sự sống mà Đức Giêsu đã thông truyền cho thế gian qua sự chết và phục sinh của Ngài. 

Như thế, hiệp thông Ba Ngôi tỏ ra như một cực, một kim chỉ nam của ý định sự sống cao cả mà Đức Giêsu đến mặc khải và thực hiện trên thế gian này. Đó là hơi thở sự sống mà Đức Giêsu có sứ mạng thông truyền phải hướng đến. Sự hiệp thông này là chìa khóa mở ra sự sống đời đời Đức Giêsu trao ban cho chúng ta hôm nay trong lịch sử. Sự hiệp thông này là bí mật, cùng lúc, chiếu soi cuộc sống làm người của chúng ta cũng như mặc cho nó một ý nghĩa. Đó là sự sống viên mãn mà niềm khát khao của con người hướng đến ngay từ thuở hồng hoang.

 
[1] François de Sales, Traité de l’amour de Dieu, livre II, chap. 5.
[2] M. Bellet, Incipit ou le Commencement, Desclée de Brouwer, p. 55.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!