Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

GIỚI THIỆU

Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài”

Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu

Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới

Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

Chương 5: Nước Hằng Sống

Chương 6: Bánh Sự Sống

Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống

Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống

Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU

Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Thầy Dạy Khát Khao
Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

             Ước gì niềm vui của Thầy

ở trong anh em” (Ga 15, 11). 

Không ai có thể sống nếu không có niềm vui. Sống có là gì nếu không có niềm vui? Khi đem sự sống cho trần gian, sự sống mà Ngài giữ bí quyết, Đức Giêsu còn muốn thông ban cho thế gian niềm vui, niềm vui của Ngài, niềm vui sống thần linh: niềm vui sống trong sự hiệp thông với Chúa Cha. “Và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được”, Đức Giêsu nói với các môn đệ (Ga 16, 22). Như thế, Tin Mừng Gioan, nhất thiết là Tin Mừng sự sống cũng là Tin Mừng của niềm vui, một niềm vui còn mãi. 

Khởi đi từ niềm khát vọng sống nơi tâm hồn con người, Đức Giêsu mặc khải cho thính giả của mình một sự sống sung mãn vượt trên sự mong chờ tức thời nhưng đó cũng là sự sống duy nhất có thể mang lại cho họ niềm vui còn mãi: niềm vui của sự hiệp thông luôn được trao ban và luôn mới mẻ, “Thầy đã nói với anh em điều đó để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em trở nên trọn vẹn” (Ga 15, 11). “Mọi niềm vui đều ước mong vĩnh cửu”, Nietzsche viết. Đức Giêsu đến thoả mãn ước mơ này. 

Cách tự nhiên, niềm vui được sinh ra cùng sự lớn lên của một đời sống. “Nó luôn công bố rằng, cuộc sống đã thành đạt, nó đã chiếm hữu đất đai, nó đã giành được chiến thắng: mọi niềm vui lớn lao đều có một âm vang khải hoàn… Ở đâu có niềm vui, ở đó có sáng tạo: sáng tạo càng phong phú, niềm vui càng sâu sắc” (H. Bergson). Đó là niềm vui của người công nhân, của người thợ thủ công hay của người chủ doanh nghiệp trước thành công của một công việc. Đó là niềm vui của nhà nghiên cứu đã làm thăng tiến sự hiểu biết, của người nghệ sĩ đã tạo ra vẻ đẹp. Niềm vui của việc mời gọi một cái gì đó đi vào tồn tại, đi vào sự sống.

 

Đó cũng là niềm vui của người môn đệ Đức Giêsu, kẻ được biếu không một quà tặng thần linh. Vì, nhờ quà tặng này, cả con người được nâng lên một cấp độ sống cao hơn. Được sinh ra trong sự sống thần linh, con người đạt tới mọi tầm vóc của mình. Đức Giêsu không ngần ngại so sánh niềm vui mang lại kết quả ấy với niềm vui của một người mẹ vừa sinh con, “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan của mình nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người được sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16, 21-22). Ngài nhấn mạnh niềm vui của một hữu thể mới mẻ, cao cả hơn, xinh đẹp hơn, sống động hơn, “Đối với những ai đón nhận Ngài, thì Ngài cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Ga 1, 12). Quyền được sinh ra trong sự sống thần linh, trong sự hiệp thông Ba Ngôi. 

Trong cuốn tiểu thuyết Ước Gì Niềm Vui Của Tôi Còn Mãi, J. Giono kể lại một cuộc tìm kiếm niềm vui: một cuộc tìm kiếm niềm vui còn mãi hoàn toàn nhân loại và, nói đúng ra, hoàn toàn ngoại giáo. Tựa đề cuốn sách này lấy lại những lời đầu tiên một bản hợp xướng của Bach, “Giêsu, ước gì niềm vui của tôi còn mãi”, nhưng bằng cách loại bỏ từ ngữ đầu tiên, Giêsu. Tại sao tác giả bỏ chữ Giêsu mở đầu này, chữ quan trọng nhất của toàn bộ lời cầu xin, tên của Đấng người ta kêu khấn, tên duy nhất mà cho đến hôm nay, thật quan trọng trong việc tìm kiếm niềm vui như chính tác giả thừa nhận trong tác phẩm Những Sự Phong Phú Đích Thực? “Tôi đã bỏ đi chữ Giêsu, Giono giải thích, vì Giêsu là một sự từ bỏ. Theo Giono, không được từ bỏ gì hết. Quả dễ dàng để có được niềm vui nội tâm bằng cách từ bỏ thân xác mình. Tôi nghĩ, sẽ lương thiện hơn khi tìm kiếm một niềm vui toàn diện”. Giono cũng trách cứ niềm vui của Đức Giêsu vì nó hoàn toàn cá nhân, “…Giờ đây và mãi mãi, Đức Giêsu sống trong niềm vui, nhưng chỉ một mình”. Nhà tiểu thuyết đặt đối diện niềm vui này với một niềm vui hoảng hốt, niềm vui của sự đắm chìm trong cái toàn vẹn của vũ trụ, niềm vui của hỗn hợp con người với thiên nhiên. 

Nhưng liệu niềm vui hốt hoảng này, đối tượng của tác phẩm ông, có phải là niềm vui mang lại cho khát vọng của con người ý nghĩa và tương lai? Đó có phải thực sự là một niềm vui còn mãi? Cách rất chân thành, Giono cho thấy những ngõ cụt và thảm kịch của cuộc tìm kiếm. Một sự phân tích ngắn gọn tác phẩm của ông có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn niềm vui mà Đức Giêsu mặc khải cho thế gian, tiếc là do ông đã phản ứng quá mạnh.  

Chuyện xảy ra trên một cao nguyên heo hút và cô lập của xứ Haute Provence, nơi đất cằn cỗi, đời sống khó khăn, rất khó khăn, không chút niềm vui. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, trong tâm hồn của một người nông dân, có tên là Jourdan, một niềm hy vọng nảy mầm: 

“Từ lâu, anh ngóng trông một người đến. Anh không biết đó là ai… Anh không biết người ấy từ đâu đến, cũng không biết người ấy có đến không. Anh chỉ ước ao... và niềm ước ao đó là một ngọn lửa… và tất cả bừng cháy trong ngọn lửa này”. 

Anh biết, có những con người với “những đôi tay săn sóc”, những người cống hiến đời mình để chăm lo những người phong cùi. Điều đó thôi thúc anh hy vọng, “Tôi, tôi tin rằng, người ấy sẽ đến”, anh tự nhủ. 

Thế rồi, vào một đêm rạng rỡ mùa đông, một đêm phi thường rực sáng và đẹp đẽ khi niềm khát khao thôi thúc anh cày xới ruộng vườn, Jourdan thấy xuất hiện một người đàn ông mà anh chờ đợi... nhưng anh không biết người đó, một người mà “tâm hồn xanh rì tựa thảo nguyên”. Một người đến từ nơi khác, một anh chàng phiêu bạt kỳ hồ. Anh tên là Bobi. Anh ấy thấy và làm cho người khác thấy những sự vật một cách khác. Rồi, ngước nhìn trời đêm, Bobi nói, “Chòm sao Orion giống một đoá hoa củ cải đỏ”. Jourdan, người không thấy chòm sao Cày kia đã khám phá trên trời đầy sao “đóa hoa của cải đỏ”, kinh ngạc thán phục, tự nhủ, “Có lẽ đó không phải là một người chăm sóc kẻ phong cùi, nhưng cũng có những con người được sai đến như tiền định. Có lẽ chỉ cần cho anh ấy thấy người bệnh để thức tỉnh sở thích chăm sóc trong anh ấy là đủ”. 

Thế mà vùng đất này lại tồi tệ, quá tồi tệ. Jourdan nhận xét như thế vào một ngày chợ phiên, trong cái nhìn của những người mà anh gặp tại một quán trọ, “… Họ có cùng một nỗi lo trong ánh mắt. Nhiều hơn cả nỗi lo, sự sợ hãi. Nhiều hơn cả nỗi sợ hãi, không có gì cả. Một nơi không còn lo lắng cũng chẳng còn sợ hãi; những con bò với những chiếc ách nặng nề”.

 

Vả lại, con người này đã đến, anh ấy nhận xét ngay rằng, ở đây thật buồn, trên cao nguyên này. “Chính anh, chắc chắn là anh ta”, Jourdan nghĩ. “Mỗi khi người đàn ông này nói, những người khác cần im lặng sau đó…”. 

Được Jourdan mời nghỉ trên cao nguyên, Bobi bắt đầu làm cho tâm hồn của những người sống và lao động trên mảnh đất hẻo lánh này vui lên bằng cách dẫn họ vào những nguồn mạch ban đầu của sự sống. 

Vậy, hãy bắt đầu tìm kiếm niềm vui, một cuộc tìm kiếm lâu dài với những khoảnh khắc tuyệt diệu, những giây phút ân phúc khi mà niềm vui tưởng chừng được đặt trên cao nguyên này như một chú chim của thiên đường, dưới cái nhìn choáng ngợp của những con người có tâm hồn thật bình dị. Đó là những khoảnh khắc Bobi dạy cho họ sự biếu không, “niềm đam mê những gì thật tầm thường”, người đàn ông ấy bảo, “phải trồng những cây đào gai, trồng chúng quanh những ngôi nhà và những góc ruộng của cánh đồng… Các bạn dùng quá nhiều đất cho việc đồng án. Hãy để lại một ít… Cây đào gai thì vô ích… Vâng”, nhưng, “nhờ những cây đào gai mà có những chú chim. Phải!”. Bobi mời Jourdan gieo hạt những bông hoa: những ruộng hoa thủy tiên và dừa cọ… Người ta tin rằng, Phanxicô Assisi đã khuyên anh em mình đừng trồng trọt toàn bộ đất đai, nhưng để một dải đất trống cho những cánh hoa đồng nội. 

Rồi Bobi cho Jourdan biết “thói xấu của tiền bạc”. Lúa mì được dùng làm của ăn, không nên tích trữ hay biến nó thành những tấm ngân phiếu. Vào một sáng mùa đông băng giá, Bobi quét sân nông trại và làm đổ giữa sân một túi lúa mạch. Lập tức, một đàn chim đủ thứ sắc màu tung cánh nhanh nhẹn bay đến. Từ trong nhà, Marthe, vợ Jourdan, nhìn đàn chim, chợt nảy ra trong tâm hồn mình những sự êm ái mới mẻ. Dường như đó là cái run rẩy đầu tiên vì vui sướng trên cao nguyên này. 

Bobi cũng tìm cách đưa Jourdan ra khỏi nỗi cô độc của mình. Họ cùng nhau đi thăm những cư dân khác trên cao nguyên. Dần dần, những mối tương quan mới mẻ được thiết lập. Họ tương giao với nhau. Dòng chảy quý mến này biểu lộ cách trọn vẹn và tự do trong một bữa ăn chung tại Jourdane, nông trại của Jourdan. Đó là một bữa tiệc mùa xuân với niềm vui được sum vầy bên nhau, đồng thời, cũng đánh thức máu huyết trong niềm hiệp thông với sự sống của đất trời cùng vũ hoàn. 

Con hươu đực mà Bobi dẫn đến cao nguyên đã sống tự do hoàn toàn trong sự gần gũi với con người trở nên hình ảnh biểu tượng cho cuộc sống mới, một cuộc sống tự do, hòa hợp với thiên nhiên. “Nó bước vào ao nước và khi cái lạnh chạm đến bụng, nó rống lên vì vui sướng… Bấy giờ, con hươu cảm nhận dưới bụng mình tất cả độ sâu của ao nước… độ sâu của thế gian… nó tung tăng lội lên lội xuống cái ao hơn hai mươi lần… và mỗi lần như thế, nó lại rống lên. Mỗi khi làm vậy, thế giới bao la đáp lại nó…”. 

Dần dần, cư dân của cao nguyên cũng ra khỏi những giới hạn của hữu thể mình. Chờ đợi Bobi trở lại, Jourdan và Marthe đã ở giữa rừng vào một đêm xuân, cùng nhau chứng kiến cảnh thức giấc thần tiên của sự sống trong cái nảy nở lạ thường của những chồi non. Họ thấy “những chiều kích sâu thẳm diệu kỳ của ngôi nhà thế giới mở ra”. Bobi đã khuyến khích tất cả mọi người hoà mình vào thế giới, hoà hợp với mọi sự, và cảm nhận cùng một dòng chảy sự sống đang lưu chuyển giữa mọi hữu thể. Cảm nhận cách phổ quát! Anh cũng muốn rựt họ ra khỏi nỗi đau của cô đơn và cái chết. Khi làm cho họ tham gia vào khúc ca của thế giới, Bobi hy vọng mở ra cho họ một niềm vui còn mãi, vượt quá những giới hạn hẹp hòi của cuộc sống tư riêng: niềm vui phỡ lỡ, niềm vui của toàn thể vũ trụ bao la. 

Thế nhưng, cái vũ trụ mà mọi người ước mơ hoà nhập trong niềm vui đó lại tiếp tục vận hành không tài nào cản được. Thiên nhiên không biết đến những cá tính. Hoà nhập vào nó là đánh mất chính mình. Bi kịch bắt đầu ở đây. Marthe lo sợ, cô cảm thấy thế giới của thiên nhiên với những sức mạnh đè bẹp của nó vượt quá sức người. Zulma, cô bé chăn cừu, một tâm hồn đơn sơ trong số những cư dân cao nguyên chắc chắn là người cảm thấy thoải mái nhất giữa vũ trụ bao la này, hòa hợp nhất với đời sống của đất trời, giữa những con cừu; nhưng cô bé cũng là người đánh mất tương giao với những người khác. Bà Hélène cảm thấy vô cùng cô đơn, “chúng tôi lẻ loi, chúng tôi đơn độc”. Nhưng chính Aurore, con gái bà, sẽ cảm nếm nỗi bất hạnh lớn lao nhất, tâm hồn cô chết nghẹt bởi một sự âu yếm không thoả mãn được. Đó không phải là bài ca của đất trời vốn có thể chữa lành cô khỏi nỗi tuyệt vọng. Vào một buổi chiều mùa hạ, trong cái nắng nóng cháy da, người ta nghe tiếng súng lục: cô Aurore nhỏ nhắn đã tìm cái chết như cha mình một vài năm trước đây. Toàn thể cao nguyên choáng váng trong hãi hùng. Hãi hùng trong một thế giới mà tất cả đều được lập lại, ở đó không có tương lai. Một thế giới mà định mệnh cổ xưa ngự trị.  

Bobi nhận ra sự thất bại của mình: không có niềm vui, không có niềm vui còn mãi. Anh quyết định ra đi. Bão tố thét gào, sấm chớp loé sáng cao nguyên. Một cơn giông cùng tận của thế giới gào lên sự quá đỗi của vũ trụ và sự vô nghĩa của phận người. Đó là sự buông lơi của những sức mạnh thế tục để lui về cảnh hỗn mang. Một lần nữa, trời đất quyện chặt nhau trong ghê sợ. Bobi chạy trốn mảnh đất trơ trọi đang phải phó mặc cho lửa trời. Anh bước đi không ngưng nghỉ, hổn hển, mệt nhoài, bị cắt nhỏ bởi những tia chớp lớn. Một cuộc đối thoại xúc động giữa Bobi và người anh em sinh đôi của anh. Người anh em sinh đôi ấy rất tỉnh táo, khiển trách tính ngây thơ, cứng nhắc, gian giảo và lo sợ của Bobi. Bobi kháng cự, từ chối và khước từ chước cám dỗ tuyệt vọng này. Nhưng người anh em sinh đôi của anh cứ theo anh, bám riết anh, gợi lại cho anh cái chân lý, chân lý lạnh lùng của anh:

 

- Không có niềm vui. 

- Không đúng. Nếu không có niềm vui, sẽ không có thế giới. Không có niềm vui thì không đúng… 

- Và điều đó nên tích sự gì ở một thế giới mà anh có thể được cứu hay bị đánh mất?... Anh đơn độc từ khi anh chào đời… Nếu niềm vui tồn tại, hỡi người anh tội nghiệp của tôi, nếu nó có thể đi vào thân xác anh để thêm một cái gì đó cho anh, anh đã rất vĩ đại, vĩ đại đến nỗi thế giới đã nổ tung thành tro bụi. Hãy ước ao. Đó là tất cả những gì anh có thể làm. Đó là một cách mà người ta cho anh để anh đốt cháy chính mình. Không gì còn mãi… Không có niềm vui.

 

- Không đúng. 

- Cái gì chứng minh cho anh điều đó? 

- Không gì cả. 

- Không có niềm vui. 

- Có. 

- Không có. 

- Không phải vậy. 

- Không có niềm vui. 

- Mày im đi. 

- Không có niềm vui. 

- Có! Tao thấy nó!

 

- Anh thấy chính mình… Sự bất hạnh và niềm vui của anh, đó là chính anh.

 Bobi bước đi, sủng ướt dưới mưa. Quanh anh, các tia chớp loé sáng với sức mạnh của một khu rừng bốc cháy. Bỗng nhiên, “một cú sét chớp trên vai anh”. Nhưng trước khi ngã quỵ, anh thốt ra những lời sau cùng này, “… Giờ đây, tôi biết. Tôi đã luôn là một đứa trẻ; nhưng tôi có lý”. 

Vâng, Bobi có lý khi tin vào niềm vui. Anh có lý khi nghĩ rằng, nếu niềm vui không tồn tại, thế giới cũng sẽ không tồn tại. Anh có lý khi khát khao niềm vui, tìm kiếm niềm vui. Nhưng anh đã tìm nó không đúng chỗ, ở đó niềm vui không thể trổ hoa. Anh hy vọng tìm thấy nó trong sự hòa hợp giữa con người và thế giới, trong cuộc trở về giữa lòng thiên nhiên, ở bên này của ý thức và của từng cá thể. 

Thế mà không gì có thể ngăn cản con người trở thành một cá thể. Tiếng kêu la của từng cá vị vốn sống đối mặt với sự vô chừng của thế gian bóp méo tính cách cao cả và thánh thiêng của nó, một ngôi vị sống động. Những khởi đầu vĩ đại không được tìm kiếm trong quá khứ, ở đằng sau, trong việc lui về cái dửng dưng hoàn toàn của thiên nhiên; nhưng ở đằng trước, trong lòng tạo vật, ở đó bản ngã ý thức và sống động xuất hiện theo hình ảnh của Thiên Chúa, sự chiêm ngắm thánh thiêng của ngày thứ bảy.  

Chính trong hướng đi này mà tác giả Tin Mừng Gioan định hướng tầm nhìn và niềm khát khao của con người. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ cùng Ngài đi vào một hiệp thông sự sống hoàn toàn cá nhân. Sự hiệp thông này không khác với sự hiệp thông giữa Ngài và Cha của Ngài, nguồn mạch sự sống. Chỉ sự hiệp thông này mới giải thoát con người khỏi nỗi cô đơn cùng cực của nó, dẫn con người đến sự sống vô biên mà không phá hủy bản sắc cá nhân. Đó là một sự hiệp thông cá vị hóa. Ở đó, mỗi người được nhận biết, được xác nhận là duy nhất và đời đời. Vì niềm vui ước muốn vĩnh cửu: sự vĩnh cửu của con người:

 

“Để tất cả nên một, 

như Cha ở trong con

và con ở trong Cha

để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21).

 

“Bây giờ con đến cùng Cha

và con nói những điều này

lúc còn ở thế gian,

để họ được hưởng trọn vẹn

niềm vui của con” (Ga 17, 13). 

Niềm vui sâu sắc của Đức Giêsu là niềm vui của sự hiệp thông trong tình con thảo với Chúa Cha: một sự hiệp thông hoà hợp bằng cách thực hiện viên mãn hai khát vọng lớn của con người, hai yếu tố cấu thành niềm khát khao của nó: một mặt, niềm khát khao sự sống sung mãn vốn lôi kéo mỗi cá nhân ra khỏi sự đơn độc và hữu hạn; mặt khác, nối kết với bản tính cá nhân, tính cách duy nhất của nó. Đó là bí mật của niềm vui nhân loại và niềm vui thần linh mà Đức Giêsu tiết lộ cho chúng ta. Ngài là người đầu tiên có được cương vị làm con Thiên Chúa; nhưng trong Ngài, mọi người được mời gọi nhận biết niềm vui của sự hiệp thông vô hạn này. 

Theo Gioan, nếu Giono nói niềm vui này là một sự từ bỏ, vậy là hiểu sai thông điệp đúng đắn của Đức Giêsu. Trước hết, Tin Mừng Gioan đặt chúng ta trước một nguồn sống sung mãn được trao ban cho mỗi người. Đối với chúng ta, điều quan trọng là đón nhận nguồn sống sung mãn ấy. Chắc chắn ở đây có một sự từ bỏ mang tính Tin Mừng. Nhưng đó là sự từ bỏ tất cả những gì tạo nên trong chúng ta một rào cản trước cơn sóng sự sống này, tất cả những gì cản ngăn niềm khát khao lớn lên và kéo lùi nó lại trong những hình thức chật hẹp và cổ thời. Ta thấy điều đó nơi các thánh: thoát khỏi mọi sự lắng mình xuống trên bản thân, các ngài như được nâng lên bởi một sự sống sung mãn, bởi một sức bật đầy sáng tạo ném họ vào những hấp lực mạnh mẽ nhất. Ngang qua họ, chính sự sống sáng tạo và thần linh của Thiên Chúa được biểu lộ và lan tràn.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!