Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

GIỚI THIỆU

Phần I: NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Chương 1: “Chúng Tôi Đã Gặp Ngài”

Chương 2: Nước Hóa Thành Rượu

Chương 3: Cuộc Sinh Hạ Mới

Chương 4: Cuộc Sinh Hạ Mới (tt)

Chương 5: Nước Hằng Sống

Chương 6: Bánh Sự Sống

Chương 7: Ánh Sáng Sự Sống

Chương 8: Sự Phục Sinh và Sự Sống

Chương 9: Đức Giêsu, Đấng Hằng Sống

Phần II: PHẦN ĐÀO SÂU

Chương 1: Sự Sống Này Là Gì?

Chương 2: Niềm Vui Còn Mãi

Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Thầy Dạy Khát Khao
Kết luận: “Lúc Khởi Đầu”

        “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Cũng thế, khởi đầu Tin Mừng Gioan. Quả là nghịch lý khi kết thúc tập sách của chúng ta bằng việc khởi đầu. Nhưng sự “khởi đầu” mà lời tựa biểu dương không thuộc về quá khứ; nó không đánh mất chính mình trong đêm tối của thời gian. Nó hiện diện ở trung tâm của lịch sử. Nó là nguồn mạch trào vọt sự sống được biểu lộ hôm nay trong định mệnh lịch sử của Đức Giêsu. 

Cho nên, chính trong con người và cuộc đời của Ngài mà vinh quang của sự khởi đầu toả rạng. Hạt mầm đã cho thấy sự đơm hoa kết trái trong quả chín mọng; nguồn suối tuôn chảy hết mức trong dòng thác. Cũng thế, sự sống ẩn giấu nơi Chúa Cha, “giờ đây” tỏ bày ánh huy hoàng trong sự thông ban hoàn toàn tặng không và vô biên mà Đức Giêsu mang lại cho thế gian. “Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha; xin ban cho con vinh quang mà con được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17, 5). Khi tự mặc khải như Người Con Duy Nhất được Chúa Cha sai đến để thông truyền cho nó sự sống mà Ngài đón nhận dư tràn, con người Giêsu làm toả rạng trong ngày hôm nay lịch sử vinh quang của sự khởi đầu, một vinh quang của Tình Yêu vĩnh cửu. Ngài giương rộng cánh buồm hướng đến sự sống bí mật và sung mãn của Thiên Chúa, đồng thời, làm cho chúng ta sinh ra trong Ngài, trong sự sống thần linh, tỏ cho chúng ta biết sự ra đời của Người Con vĩnh cửu, “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18).

 

Trong lời tựa, hẳn Gioan đã lấy lại một thánh thi nổi tiếng của những Kitô hữu thuộc các giáo đoàn mình. Từ thánh thi này, thánh sử tạo nên khúc nhạc dạo đầu cho Tin Mừng thứ tư. Lời tựa của Gioan không nhằm ca ngợi việc hiện hữu từ trước của Ngôi Lời, nhưng để công bố chủ đề căn bản của tác phẩm: Con người Giêsu là Ngôi Lời sự sống; Ngài đến thế gian hoàn tất công trình sáng tạo bằng cách ban cho con người khả năng được sinh ra trong sự sống của Thiên Chúa.

 

Điều Gioan quan tâm nhất, điều mà theo cái nhìn của Gioan là đối tượng của Tin Mừng, đó quả là việc hạ sinh nhân loại trong sự sống sung mãn nhờ việc Con Một, Ngôi Lời sống động của Chúa Cha đến trong xác phàm của con người.

 

“Sẽ không đủ nếu chỉ sinh ra từ xác thịt, cần có lời nữa” (Bobin). Điều đó đúng cho mọi đời sống con người. Đứa trẻ trong dạ mẹ đã là một con người, nhưng vẫn chưa được sinh ta trong chính nó. Một khi được đặt vào thế gian, nó cần có thời gian trước khi ý thức về chính mình và về một sự sống con người toàn vẹn. Quả thực, để được như thế, nó cần có lời. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”, Gioan viết. Ngôi Lời luôn ở lúc khởi đầu. Lúc khởi đầu Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa. Ngôi Lời cũng ở lúc khởi đầu nơi con người.

 

“Ai được sinh ra từ xác thịt thì thuộc về xác thịt”, Đức Giêsu nói (Ga 3, 6). Con người trước hết là một hữu thể của xác thịt. “Xác thịt”, đó là sự sống trong hữu thể đầu tiên của nó. Con người vẫn đóng kín trong chính nó, trong khát vọng sống và tính hung hãn của mình. Ở giai đoạn này, con người xuất hiện như một mảnh của thiên nhiên: một mớ những xung năng và đam mê. Tuy nhiên, trong thực tế, nó bị tác động sâu xa bởi một khát vọng sống vốn đi xa hơn sự thoả mãn những nhu cầu thiết yếu. Nó bị xâm chiếm bởi một năng lực khát khao vốn tìm kiếm con đường đưa đến ánh sáng cho mình. Đó là niềm hy vọng của con người trong việc tìm về Đất Hứa. 

Để niềm khát khao có thể thức tỉnh trong con người theo chiều kích nhân loại của mình, cần phải có lời. Nhưng không phải bất cứ lời nào mà là một lời mang lại cho nó một gương mặt, một giọng nói, một cái tên. Một lời sinh ra con người trong một sự sống thật sự cá vị, bằng cách dẫn đưa nó vào ánh sáng của thần khí. Một lời như thế thì luôn độc nhất. Nó tạo ra một cái “tôi” trong cái “chúng ta”. Lời này chỉ có thể là lời của tình yêu. 

Chỉ lời của tình yêu mới có thể mở được tâm hồn con người trước sự sống của thần khí; trong thần khí, lời sẽ tỏ cho con người những chân trời tặng không và phổ quát. Nhưng lời này sẽ đến từ đâu? Ai sẽ làm cho con người nghe được lời này? Lời này có thể được nói bởi những người chung quanh, cha mẹ, những nhà giáo dục, những người bạn… Một cử chỉ thân ái, một nhận định đầy tôn trọng, một sự chú ý toàn vẹn, một cái nhìn chăm chú có thể là những sứ giả của lời. Nhưng chúng sẽ mãi chỉ là những vang vọng yếu ớt và thoáng qua của một Lời khác, một Lời đến từ một nơi xa xôi hơn nhiều, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1, 1. 3-4). 

Mục đích sâu xa của việc sáng tạo không phải là vật chất nhưng là Lời đầu tiên và siêu việt này. Lời sự sống và ánh sáng, ở đó, Tình Yêu sáng tạo và thần hoá lên tiếng. Lời ấy tự mở một con đường để đến với chúng ta ngang qua tất cả những gì hiện hữu. Chính Lời dẫn dắt cuộc tiến hóa của thế giới. Chính Lời mời gọi chúng ta đến với sự sống sung mãn trong hành động hay trong cách nhìn vốn chỉ cho chúng ta một tình yêu vô vị lợi. Chính Lời đã nói với chúng ta trong khát vọng sống, một khát vọng sống hoạt động trong tâm hồn mỗi người. 

Ai nghe Lời này trong cuộc sống mình, không nhất thiết phải gọi tên Thiên Chúa, tâm hồn họ đã mở ra trước một chiều kích sâu xa của sự hiện hữu mới. Với ai không bao giờ lắng nghe Lời bằng cách này hay cách khác, việc gọi tên Thiên Chúa đối với họ thật không dễ. Đó là tấn kịch của lịch sử chúng ta. Bỏ mặc chính mình, con người bị chộp lấy bởi bạo lực dã man của khát vọng trong cái tôi sở hữu và hiếu chiến của mình. Như vậy, lữ khách cuộc đời không còn là một hành khất trong đêm. Trong một câu ngắn gọn, Gioan mô tả số phận bi đát của một người không nghe Lời hay không muốn nghe Lời nữa, một người bám víu cuộc sống cách vô vọng, “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra, lúc đó trời đã tối” (Ga 13, 30).

Vậy, ai sẽ làm cho chúng ta có thể nghe Lời cứu độ trong đêm đen của mình? Trời đầy sao có thể rực sáng, nhưng nó vẫn xa cách, mênh mang và lạnh lùng. 

Chính đây là Tin Mừng Gioan muốn chuyển tải cho chúng ta: Lời từ lúc khởi đầu và Lời là khởi đầu của chúng ta đã trở nên hoàn toàn gần gũi; Lời đã đi vào lịch sử chúng ta, “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm”. Ánh sáng của Lời đã rọi chiếu trong đêm tối của chúng ta. “Khi đi vào thế gian, Lời đã là ánh sáng thật chiếu soi mọi người”. Trong lời tựa, câu này bộc phát như tiếng reo lên vì vui sướng. Trong Lời, niềm hạnh phúc lớn lao biểu lộ, một niềm vui trước ánh sáng. Ai nhận ra Lời sáng tạo và đón nhận Lời trong Đức Giêsu khi vừa chợt nhận ra, thì lập tức, những mảng sáng sẽ mở ra cho người ấy. Người ấy học biết con người là gì: một sự huy hoàng! Sự sống mà vì đó, con người được dựng nên; mọi năng lực sống động của nó hướng về sự sống đó cách mò mẫm, thì nay con người được chính sự sống biểu lộ và ban tặng. Đó là khởi đầu của nó, sự chào đời của nó: nguồn cội nhân tính của nó. Trong Lời, con người hít thở một luồng sinh khí kiến tạo sự sống. Cũng trong Lời, con người cảm nhận việc kiện toàn chính mình, sự viên mãn của mình. Lời thực sự là chìa khoá của hữu thể nó, là ánh sáng sự sống của nó. Con người tự nhận ra mình cách sâu xa trong ánh sáng của Ngôi Lời sự sống đã đến trong xác phàm của mình. 

Ở đây, lời của tác giả Thánh Vịnh được minh xác, “Trong ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36, 20). Sau khi đã suy nghĩ cân nhắc, con người từ chối ánh sáng này và giả vờ tự cho mình làm đủ, “Không phải họ từ chối một giáo điều nào đó… nhưng họ tự cắt đứt mình ra khỏi nguồn cội, ra khỏi chiều kích sâu thẳm tạo thành của mình, và như thế, ra khỏi nguồn cội nhân tính đích thực của mình”[1]. Chúng ta được tạo dựng cho sự sống thần linh trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa; vì thế, chối từ sự hoàn tất này là tự kết án để làm một hữu thể bất toàn, biến dạng và hơn thế nữa, xa lạ với chính mình. Một hữu thể chìm trong bóng tối. 

Như thế, lời tựa trao cho chúng ta một cảm hứng xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng Gioan, đồng thời, chứa đựng bí mật của sự sinh hạ mới. Để được sinh ra trong sự sống thần linh, một cuộc sinh hạ đã được tiền định, con người cần có Lời để mở trí mở lòng, vượt trên những gì mà xác thịt của nó mong ước. Lời này có từ lúc khởi đầu, với Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa. Lời là sự biểu lộ sống động và trọn vẹn ý tưởng và sự sống của con người. Lời chứa đựng vận mệnh lớn lao của con người. Nhờ Lời, mọi sự được tác thành: vũ trụ và con người trong vũ trụ. Chính Lời, trong khi tác thành con người, muốn cho con người sống sự sống thần linh. Nhưng Lời này vẫn bị che khuất nơi cung lòng Chúa Cha, vô hình và không thể tiếp cận một hữu thể xác thịt. 

Để dẫn đưa tâm hồn con người đến với sự sống thần linh, Lời cần tỏ mình cho con người như là sự sống, ánh sáng, sự viên mãn và kiện toàn của nó. Sự sống thần linh mà Lời mời gọi con người sống phải xuất hiện trước con người như một sự sống đáng ước ao khôn cùng; Lời phải nói với trái tim bằng thịt của con người, với khát vọng sống của nó; và Lời phải mặc cho khát vọng này toàn bộ ý nghĩa và chiều kích của nó. 

Thế mà điều đó xảy đến không phải bởi hiệu quả của Lề Luật, nhưng vì ân sủng nguyên tuyền đã được trao ban. “Vì Lề Luật được lập bởi Môisen, còn ân sủng và chân lý thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà đến” (Ga 1, 17). Trong Đức Giêsu, Lời ẩn giấu nơi Thiên Chúa mang lấy xác phàm của chúng ta; Lời mang lấy con người cách tràn đầy ân sủng và toàn vẹn. Lời đã tự biểu lộ bằng ngôn ngữ của con người, ngôn ngữ của khát khao. Lời đã gợi lên sự sống thần linh bằng những từ ngữ thường ngày của chúng ta, cũng là những từ ngữ của các thi nhân, những từ ngữ của khát khao. Sự sống không thể đến gần được, không thể nhìn thấy được của Thiên Chúa nay trở nên cho chúng ta “nguồn nước”, “bánh sự sống”, “ánh sáng ban ngày”, “tiếng của gió”… 

Và không chỉ bằng từ ngữ của chúng ta mà Lời tự biểu lộ, nhưng còn bằng hành động nữa. Vì Lời là sự sống và thông truyền sự sống. Lời toả lan như một thứ rượu quảng đại vào ngày cưới. Chính Lời tự trao ban. Không khi nào Lời là “xác phàm” giống hệt chúng ta cho bằng vào ngày khi Lời phó mình cho những kẻ muốn dập tắt Lời. Cũng không khi nào Lời là Lời Thiên Chúa đến mức như thế, vì ngang qua thịt trao nộp và máu đổ ra của Con Người, vinh quang Thiên Chúa tự tỏ lộ trong toàn bộ sự rạng rỡ của mình; nhờ đó, con người có thể thấy được ánh huy hoàng của một sự sống vốn hoàn toàn là tình yêu. Cũng thế, “Lời đã chiếu sáng bóng tối và bóng tối đã không triệt được ánh sáng”. Trong ánh sáng này, một con người sống động, một con người kiện toàn chiếu tỏa sự sống sung mãn đã xuất hiện. Sự sống đời đời được tỏ hiện như sự kiện toàn chính mình của con người trong niềm hiệp thông bữa tiệc Agapê của Thiên Chúa.

 

Lời tựa của Gioan đã diễn tả sự đạt đến ân sủng này trong những lời bất hủ:

 

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta,

và chúng tôi được nhìn thấy

vinh quang của Ngài, vinh quang mà

Chúa Cha ban cho Ngài,

là Con Một đầy tràn ân sủng

và sự thật…” (Ga 1, 14).

 

“Vâng, từ nguồn sung mãn của Ngài, chúng ta đã lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác…” (Ga 1, 16).

 

“Còn những ai đón nhận Ngài,

thì Ngài cho họ quyền

trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12). 

Vậy, mỗi người có thể lấy lại tùy thích lời mà Đức Giêsu đã thưa lên với Cha Ngài; hãy nói cách chân thực: “Lạy Cha, […] Cha đã yêu thương con trước khi tác thành thế giới” (Ga 17, 24b). Sự sống Thiên Chúa chính là Tình Yêu vĩnh cửu đầu tiên này, một tình yêu mà mọi vinh quang và niềm vui của nó cốt yếu là thông truyền cho nhau. Nhất thiết là sự hiến trao chính mình, sự sống này được biểu lộ bằng việc tự hiến. Sự sống này trao ban bằng cách yêu thương như đã yêu thương. Cũng thế, con người sẽ kiện toàn chính mình bằng cách mở lòng ra trước tình yêu của Thiên Chúa, trước chính sự hiệp thông Ba Ngôi để được dẫn dắt, được khơi gợi bởi tình yêu và sự hiệp thông này trong mọi tương quan nhân loại của mình.  

“Lời mặc lấy xác phàm” là mầu nhiệm của một cuộc gặp gỡ: gặp gỡ giữa sự sống siêu việt của Thiên Chúa và sự sống đầy khát vọng của con người. Toàn bộ Tin Mừng Gioan là trình thuật của cuộc gặp gỡ này, nơi vinh quang của các khởi đầu được biểu lộ. Sự sống siêu việt của Thiên Chúa được biểu lộ ở đây như một sự sống sung mãn, một sự thông ban triệt để, hoàn toàn cho không; và sự sống đầy khát vọng của con người trong nỗ lực vươn lên ban đầu của mình dường như tất cả đã hướng đến sự sung mãn thần linh này. 

Con người là một hữu thể của khát khao, khát khao sự sống và hạnh phúc, vẻ đẹp và tình yêu. Con người muốn sống và cảm nhận niềm vui sống. “Khát khao là bản chất của tâm hồn” (Augustinô). Là một hữu thể của khát khao, con người lao mình vào thế giới, một thế giới bao la của những sự vật và những hữu thể. Nhưng, vượt trên thế giới và ngang qua thế giới, con người nhắm đến sự sống sung mãn. “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa” (Fecisti nos ad te), Augustinô viết. Con người là cả sự chuyển động này, là nỗi day dứt và là dòng thác này. Con người chỉ có thể là chính mình bằng cách mở lòng ra với Thiên Chúa. 

Khác với một số người khôn ngoan tìm thấy căn nguyên sự dữ trong niềm khát khao và họ tìm kiếm ơn cứu độ trong sự tuyệt chủng của mình, thì Ngôi Lời mặc lấy xác phàm lại liên kết con người với căn nguyên khát vọng của nó; Ngài thấy ở đó cái sức bật đầu tiên chính Đấng Tạo Hóa đã đóng ấn trên thọ tạo của mình, bằng cách mời gọi thọ tạo thông phần sự sống của Thiên Chúa. Không hề muốn giữ lại sức bật này, Ngài kết ước với nó ngay từ bên trong, giải thoát nó khỏi những ràng buộc cổ thời và dẫn nó vào ánh sáng sự sống thần linh. Ngài ban lại cho nó ý nghĩa và tương lai. “Hỡi người đang khát, hãy đến cùng tôi, và hãy uống…” (Ga 7, 37). Lời mời gọi của Đức Giêsu nhắm đến một cái gì căn bản hơn, phổ quát hơn nơi tâm hồn con người: niềm khát khao được sống. Đồng thời, lời mời gọi này khơi dậy khát vọng sâu xa của con người, mang cho nó chiều kích vĩnh cửu của sự sống: dẫn con người vào trong sự viên mãn bằng cách đưa nó đến sự viên mãn của Thiên Chúa. 

Con người ví tựa dòng sông. Ở nguồn phát sinh của mình, dòng sông chảy giữa đôi bờ siết chặt. Con người có thể tin mình được tạo thành cho đôi bờ quen thuộc và gần gũi này; nó cảm thấy ngang tầm với chúng. Thế nhưng, con sóng lớn lên từ những dòng chảy lại xô đẩy và luôn mang con người đi xa hơn. Giờ này qua giờ nọ, trong cánh đồng, đôi bờ mở dần ra như để con người có nhiều chỗ hơn. Con người lại tìm níu kéo đôi bờ một cách vô vọng. Đôi bờ tránh xa, đôi bờ chạy trốn con người; đến một lúc chúng biến mất hoàn toàn để mặc dòng sông đối diện với cái mênh mông của đại dương. Chẳng còn bờ, dòng sông chỉ còn nên một với đại dương, một đại dương đón nhận dòng sông vào cung lòng mình: sông đã hoá biển. Rồi, được nâng lên bởi những con sóng lớn, dòng sông nhảy múa với mặt trời. 

Trong ánh sáng của Ngôi Lời làm người, con người chính là hữu thể vô biên này, một hữu thể kiện toàn chính mình cách trọn vẹn trong sự hiệp thông với Đấng là nguồn sống sung mãn. Nhưng khác với dòng sông phải đánh mất chính mình trong đại dương, con người đạt được toàn bộ chiều kích cá vị của mình trong sự hiệp thông Ba Ngôi. Không rào cản nào, không luật lệ nào có thể ngăn chặn sức vươn mạnh của nỗi khát khao nơi con người; bởi lẽ, nó được tác thành để sống chính niềm vui sống thần linh. 
 


[1] J. Blank, Das Evangelium nach Johannes, vol. 1a, Düsseldorf, 1981, p. 110.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!