Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

A.  Viển Ảnh Chức Linh Mục Áp Dụng Vào Việc Đào Tạo Thiêng Liêng

Đâu là mẫu linh mục mà người ta nhắm đào tạo cho Hội Thánh và cho thế giới ngày nay? Chủng sinh được uốn nắn theo mẫu nào? Câu trả lời phải vừa thực tiễn, vừa lý tưởng, vì linh mục phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô, như là Đầu và Mục Tử của Hội Thánh,133 kiểu mẫu duy nhất của các linh mục, đáp ứng với thực tế đa dạng của Hội Thánh và thế giới, hôm nay và ngày mai.

Kiểu mẫu lý thuyết là nền tảng cho khoa sư phạm hiện nay về việc đào tạo linh mục, nhằm làm cho chủng sinh trở thành Thầy Dạy Lời Chúa, Thừa Tác Viên Bí Tích, và Lãnh Đạo Cộng Đoàn,134 như Huấn Quyền Hội Thánh gợi hứng và trình bày: một con người vừa thấm nhuần thiêng liêng vừa thấm nhuần nhân bản, và kiên quyết dấn thân trong ơn gọi linh mục, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Ta có thể tóm lược những quan điểm của Công Đồng Vaticanô II về chức linh mục: Liên hệ với Giám Mục như  người cộng sự, linh mục phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu và làm chứng cho Lời. Đời sống thiêng liêng của linh mục chính là chu toàn thừa tác vụ của mình, như là người phục vụ, chứ không phải dùng quyền mà thống trị trên cộng đoàn. Ngài hành động nhân danh và con người của Chúa Kitô để xây dựng và đảm bảo nguồn gốc tông truyền của Cộng Đoàn Kitô giáo, như là mục tử và người chủ toạ cộng đoàn.

Các linh mục hôm nay phải nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá, việc đồng trách nhiệm và các đặc sủng của giáo dân trong tinh thần bình đẳng, tương trợ, hài hoà và liên đới với giáo dân, để họ tự do trong lĩnh vực và vai trò riêng của họ. Cuối cùng, vì sự thống nhất và hoà giải của cộng đoàn tín hữu, linh mục không nên trực tiếp tham gia các tổ chức và đảng phái chính trị.135 Mẫu linh mục toàn diện như thế phải được đào tạo một cách hài hoà cùng với việc tích cực tự đào tạo của mỗi ứng viên.

      1.    Linh Mục, Người Được Chúa Thánh Thần Thánh Hiến, Chiếm Hữu và Hướng Dẫn

Trước hết, linh mục phải tự để cho Chúa Thánh Thần chiếm hữu (Lc 1,15.41.67; 4,18-19; Is 61,1-2; Cv 2,4; 4,8) và hướng dẫn (Mt 4,1; Mc 1,12; Lc 4,1.11). Vì Chúa Thánh Thần là Đấng mà linh mục đã nhận lãnh từ khi chịu phép rửa tội và trở thành đền thờ của Ngài (Mc 1,8; Lc 3,16; Ga 1,33;3,5; Cv 1,5), đặc biệt từ khi chịu chức thánh với quyền tha tội (Ga 20,22), bằng cách hành động nhân danh và con người của Chúa Kitô.

Được Chúa Cha và Chúa Giêsu sai đến, Thần Khí Sự Thật sẽ dạy linh mục mọi điều và nhắc nhở ngài tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói (Ga 14,26). Cũng chính Thần Khí đó sẽ dạy linh mục điều ngài phải nói (lc 12,12) và sẽ nói thay cho ngài (Mt 10,20; Mc13,11). Nghĩa là linh mục không chỉ chu toàn đời sống riêng mình, nhưng còn thừa tác vụ linh mục, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua bảy ơn136 của Ngài (khôn ngoan, trí hiểu, thông biết, can đảm, tư vấn, đạo đức và kính sợ Chúa). Cách ứng xử thích đáng của linh mục là luôn trung thành và “nghe theo những linh hứng của Chúa Thánh Thần,”137 để sinh hoa trái và mang hoa trái của Chúa Thánh Thần đến cho người khác (bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, quảng đại, dịu dàng, trung tín, khiêm nhường, tiết độ và trong trắng). Chúa Thánh Thần luôn họat động trong công trình sáng tạo và trong lịch sử nhân loại, trong cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, trong Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Kitô, đặc biệt là trong Hội Thánh tại Á Châu.138

      2.    Linh Mục, Con Người Đạo Đức và Cầu Nguyện

Linh mục phải thực sự là một con người có đời sống cầu nguyện và thiêng liêng sâu xa, nghĩa là có mối hiệp thông cá nhân sâu xa với Chúa Cha qua Chúa Con, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.139 Điều này được diễn tả trong mối tương quan với người khác, linh mục nhìn bằng ánh mắt của Chúa và yêu thương bằng trái tim của Chúa.140

Đời sống cầu nguyện của linh mục khiến ngài có khả năng nhận thức được chính mình và sự tuỳ thuộc của ngài, thậm chí cả chức linh mục của ngài, vào Chúa (Dt 5,4-6); nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa và công trình của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống hằng ngày nhờ sự tự hiến và phó dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa, theo gương Chúa Giêsu Kitô.

Lời cầu nguyện của linh mục là lời cầu nguyện trong lòng Hội Thánh, đặc biệt là lời cầu nguyện thuộc Hội Thánh và mang tính bí tích trong Phụng Vụ, mà suối nguồn và chóp đỉnh là Thánh Thể.141 Lời cầu nguyện này của linh mục được lồng vào trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: Linh mục cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu và cầu nguyện với Chúa Giêsu và cầu nguyện lên Chúa Giêsu.

Đời sống cầu nguyện của linh mục giúp ngài tìm được Chúa Giêsu nơi người khác, đặc biệt là người đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, bị loại trừ, bị áp bức và bất lực, để yêu thương họ và phục vụ họ như Chúa Giêsu đã dạy và đã thực hành. “Người ta mong chờ điều này nơi linh mục: Họ thật sự nhìn ngài như là một người của Thiên Chúa, một người có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Một điều người ta mong muốn linh mục phải làm là dạy họ cách cầu nguyện.”142     

         3.    Linh Mục, Con Người của Linh Thánh

Linh mục tương lai phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu và được kêu gọi tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu, Đấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến thế gian (Ga 10,36); Đấng được Chúa Thánh Thần xức dầu, thánh hiến và chiếm hữu (Lc 4,18-19). Do vậy, được kêu gọi nên thánh thiện,143 ứng viên linh mục phải được đào tạo và tự đào tạo để trở thành con người cua linh thánh, vì linh mục là người của Thiên Chúa, “là người thuộc về Thiên Chúa và làm cho con người nghĩ đến Thiên Chúa, là một người sẽ giúp con người hướng về Thiên Chúa, đi lên với Thiên Chúa.”144 Nhân tố “linh thánh” trong các tôn giáo truyền thống Á Châu là rất quan trọng và khả tín đối với sứ mệnh của Hội Thánh tại Việt Nam. Cùng một đường hướng với Pastores Dabo Vobis, Ecclesia in Asia dạy rằng con người Á Châu cần thấy hàng giáo sĩ như là “những người mà lòng trí luôn đặt để trong những thực tại sâu xa thuộc Thần Khí.”145

Các tăng ni Phật giáo và Lão giáo có một kỷ luật tinh thần, nghiêng về chiêm niệm hơn là hoạt động, nhấn mạnh đến việc tự chế, quên mình và siêu thoát khỏi thế giới, nhằm chống lại những cám dỗ và say mê tìm sự giải thoát. Thực tế này “thách thức các linh mục Công giáo đào sâu đời sống thiêng liêng của mình; nếu không, chứng từ của họ trong xã hội Việt Nam sẽ thiếu thuyết phục.”146

Chúng ta nên học tập họ và tăng cường đời sống nội tâm mang tính truyền giáo của mình. Thực ra, các linh mục có thể học hỏi cách sống của các tôn giáo đó như là cánh cửa dẫn tới Thần Linh và là một phương tiện hiệp thông với Đấng Thánh Thiêng.147 Nếu các ngài hân hoan và trung thành sống lối sống và các nhân đức Tin Mừng (vâng phục, nghèo khó và trong sạch), chứng từ và sứ vụ của họ sẽ rất hữu hiệu. “Điều này là xác thực trong bối cảnh Á Châu, nơi mà con người thường bị thuyết phục bởi đời sống thánh thiện hơn là lý lẽ trí thức.”148 Trong Hội Thánh, linh mục có mọi phương tiện thích hợp,149 cả tự nhiên lẫn siêu nhiên, để trở thành một con người linh thánh. Điều quan trọng nhất là thực hành các phương tiện ấy trong đời sống hằng ngày.     

      4. Linh Mục, Người Có Nền Tảng Thánh Kinh Vững Chắc

Linh mục sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian, mà thuộc về Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài. Linh mục được “kêu gọi để biến đổi trần gian, chứ không để bị trần gian biến đổi.”150 Thế nên linh mục phải là một con người của Đức Tin với một nền tảng Thánh Kinh vững chắc cho cuộc sống và sứ vụ của mình.151

Mọi khủng hoảng đều do thiếu đức tin. Quả thế, linh mục cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhân tố văn hoá và tâm thức xã hội do những cơ cấu chính trị và tôn giáo tạo nên. Ví dụ, chịu ảnh hưởng từ Khổng giáo, chế độ phong kiến, thực dân, các cơ cấu gia trưởng và phẩm trật trong Hội Thánh thời tiền Vaticanô II, linh mục Việt Nam đôi khi phải chịu đựng những thử thách và đấu tranh trong việc vâng phục với ba loại tùng phục (quyền phục, lý phục, và tâm phục).

Nhưng với đức tin mạnh mẽ ăn rễ sâu trên nền tảng Thánh Kinh vững chắc đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, nơi Tin Mừng, và nơi Hội Thánh, với lời cầu nguyện và sự biện phân, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ngài sẽ tự nguyện vâng phục một cách siêu nhiên những vị lãnh đạo và các cơ cấu Hội Thánh, không phải với tư cách là cơ cấu hay hữu thể con người, nhưng là ý Chúa nơi và qua những cơ cấu hay con người đó.

Việc đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh Việt Nam cần để tâm tới những ảnh hưởng về văn hoá và những yếu đuối của con người: Siêu nhiên ở trong tự nhiên để nâng lên và hoàn thiện tự nhiên. Nhưng ta cũng phải nhẫn nại lưu ý tới trình độ trưởng thành thiêng liêng và nhân bản của các chủng sinh: “Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn cứng, vì anh em chưa chịu nổi. Ngay bây giờ anh em cũng vẫn còn chưa chịu nổi” (1 Cr 3,2).

      5. Linh Mục, Người Mở Ra cho Tình Hiệp Thông

Ta không thể định nghĩa căn tính và sứ vụ linh mục bên ngoài mối hiệp thông bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi và nơi Chúa Ba Ngôi. Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng”việc đào tạo cần giúp chủng sinh sống sự hiệp nhất liên lỉ và mật thiết với Thiên Chúa Cha qua Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và trong Chúa Thánh Thần.”152

Linh mục phải là người của Hội Thánh, là người sẽ sống mối hiệp thông trọn vẹn của Hội Thánh qua mối hiệp thông phẩm trật với Đức Giáo Hoàng, với hàng Giám Mục, đặc biệt là với Giám Mục Bản Quyền của mình trong tâm tình vâng phục hiếu thảo;153 tăng triển trong và cùng với hàng linh mục trong tình hiệp nhất với Giám Mục của mình,154 với giáo dân và mọi người sống đời thánh hiến, nghĩa là với toàn thể Dân Chúa, để xây dựng toàn bộ Nhiệm Thể Chúa Kitô (Ep 4,12).

Đây là lời cầu nguyện tha thiết của Đức Gioan Phaolô II cho những thừa tác viên chức thánh thuộc Hội Thánh tại Á Châu: “sống và làm việc trong tinh thần hiệp thông và hợp tác với hàng Giám Mục và mọi tín hữu, để làm chứng cho tình yêu.”155 Với tư cách là con người của hiệp thông, linh mục phải sống và xây dựng mối hiệp thông của toàn thể nhân loại và thế giới được tạo thành. Thế giới được tạo thành vẫn đang đợi chờ Nước Thiên Chúa và tha thiết trông mong ngày giải thoát toàn thể vũ trụ (Rm 8,18-23). “Mối hiệp thông và sứ vụ luôn đi đôi với nhau”156 và kết nối với nhau không thể tách lìa.

      6. Linh Mục, Người Dấn Thân Truyền Giáo157

Công Đồng Vaticanô II giúp Hội Thánh tái khám phá ra căn tính truyền giáo của mình. Quả thế, Truyền giáo thuộc về chính bản chất của Hội Thánh,158 là cảm thức và ý nghĩa, là nguồn gốc và mục đích của Hội Thánh.159 Bởi thế, tự bản chất linh mục là nhà thừa sai và phải luôn luôn thiết tha với việc truyền giáo. Nếu không, ngài không còn là một linh mục nữa và đánh mất căn tính của mình là thừa tác viên của Lời Chúa.

Linh mục phải coi việc loan báo Tin Mừng là ưu tiên số một, thậm chí còn hơn cả việc thờ phượng mang tính bí tích và việc chăm sóc mục vụ:160 “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Đấng Cứu Độ đã được sinh ra ở Á Châu, nhưng Kitô giáo ngày nay lại là nhóm thiểu số tuyệt đối nơi lục địa lớn nhất trái đất với gần hai phần ba dân số nhân loại.161 Vì vậy, linh mục phải rất lưu tâm đến lời kêu gọi khẩn thiết phải tiếp tục công việc truyền giáo của Chúa Giêsu cho đồng bào mình, với lòng khát khao cháy bỏng là làm cho mọi người biết và yêu mến Chúa Kitô.

Vaticanô II mở rộng nhãn quan chúng ta về Nước Thiên Chúa và thôi thúc chúng ta sống sứ mệnh Truyền giáo, với lòng tin tưởng Chúa Thánh Thần đã “khơi dậy một tinh thần truyền giáo thực sự trong lòng nhiều linh mục và tín hữu.”162 Và Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt của Á Châu và Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu chỉ ra con đường mới mẻ trong sự hiện diện của Hội Thánh với ba chiều kích đối thoại. Những hoạt động của Hội Thánh địa phương tại Việt Nam trong dịp cử hành 470 năm loan báo Tin Mừng (1533-2004) là lời nhắc nhở quí giá và lời mời gọi khẩn thiết đối với việc truyền giáo: việc truyền giáo của người Châu Á cho người Châu Á.     

      7. Linh Mục, Người của Đối Thoại

Con đường đối thoại163 bắt nguồn và khởi đầu từ Thiên Chúa, Đấng luôn duy trì cuộc đối thoại với con người, đặc biệt với người nghèo, người bị áp bức, và người bị ruồng bỏ. Với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa và thừa tác viên của Hội Thánh, linh mục phải là con người của đối thoại.

Đối với Á Châu, cái nôi của nhiều truyền thống văn hoá, những tôn giáo lớn và đa số người nghèo trên thế giới, sứ mệnh này lại càng khẩn thiết và thích hợp hơn. Vì thế, các chủng sinh phải được huấn luyện kỹ càng về các kỹnăng đối thoại. Chúng ta không chỉ cần ba cuộc đối thoại mà Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã chỉ ra như là cách thế hiện diện và thi hành sứ mệnh truyền giáo (đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người nghèo), mà trong bối cảnh riêng biệt ở Việt Nam, chúng ta còn cần cuộc đối thoại thứ tư, đối thoại với người cộng sản.164 Nhưng không được xao nhãng cuộc đối thoại đại kết trong lòng Hội Thánh.165

      8. Linh Mục, Người của Truyền Thông Xã Hội

Ngày nay, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng và ảnh hưởng ghê gớm của phương tiện truyền thông đại chúng, những ích lợi và tác động tai hại của nó trong đời sống con người, “cách riêng thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị lệ thuộc vào phương tiện thông tin đại chúng.”166

Linh mục phải hiểu cách sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội hiện đại như là những dụng cụ hiệu quả để sống hiệp thông bằng lòng và trí với toàn thể Hội Thánh, để cập nhật kiến thức thần học và mục vụ của mình, cũng như giáo huấn luân lý và xã hội của Hội Thánh, để thông truyền sứ điệp Tin Mừng và gia tăng đời sống thiêng liêng. Ở thời đại chúng ta, linh mục phải học cách sử dụng đúng đắn phương tiện truyền thông, dĩ nhiên không phải như là chuyên gia và chuyên nghiệp trong lãnh vực này, để sử dụng và hướng dẫn người khác cách sử dụng phương tiện thông tin một cách đúng đắn trong đời sống hằng ngày.

Vì thế, Đức Gioan Phaolô II khuyên nhủ rằng giáo dục về truyền thông cần phải là một mảng ngày càng gia tăng trong việc đào tạo linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên, các giáo dân chuyên nghiệp, sinh viên…, theo chỉ dẫn của Huấn Thị Mục Vụ Aetatis Novae, với sự chú ý thích hợp đối với những cảnh huống đang phổ biến ở Á Châu.”167

      9. Linh Mục, Người Nhạy Bén với Đổi Thay Xã Hội

Mọi thứ đang đổi thay và tiếp tục đổi thay nhanh chóng. Linh mục phải là con người liên kết cách hài hoà với những hoàn cảnh thay đổi hiện tại trên thế giới. Ngài phải luôn sẵn sàng nhậy cảm đọc được những dấu chỉ thời đại, đón nhận những đổi thay mới mẻ và tự thích ứng bằng lòng can đảm và sự khôn ngoan sáng suốt với những dấu vết của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới mọi sự (Kh 21,5).

Vì thế, Công Đồng Vaticanô II khích lệ các linh mục hoàn thiện một cách phù hợp và không gián đoạn kiến thức về những sự thánh và những công việc của con người để có thể trao đổi đàm luận với những người đương thời cho đúng lúc đúng chỗ hơn.168 Sự nhậy bén sẽ giúp linh mục hiểu rõ ràng hơn những nhu cầu của con người, nhận thức được những vấn nạn không thành lời của họ, đáp lại những yêu cầu của họ, chia sẻ những niềm hy vọng, mong đợi, niềm vui và gánh nặng của họ.169

Sự nhậy bén này cũng gợi lên và hướng dẫn những đổi thay của trí não và con tim hướng tới sự hoán cải liên tục về với Thiên Chúa và người khác, bằng cách “để mọi việc cứ qua đi và để Chúa lo liệu.” Thiên Chúa luôn canh tân lời kêu gọi của Ngài qua Tin Mừng, qua các dấu chỉ thời đại, qua những con người, những biến cố và những thăng trầm của đời sống hằng ngày, thì linh mục và tất cả những ai theo Chúa Giêsu cũng đều phải luôn canh tân lời đáp trả cho phù hợp. Theo nghĩa này, linh mục trở nên một người khiêm tốn phục vụ bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào và theo bất cứ cách nào mà con người cần ngài.

      10.   Linh Mục, Người Của Tác Vụ Ngôn Sứ

Sau hết, linh mục bị buộc phải sống tác vụ ngôn sứ. Quả thực, “Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” và Con Một Ngài, Chúa Giêsu Nadarét là mặc khải liên tục của tình yêu tha thiết Thiên Chúa dành cho con người. Để thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình, Chúa Giêsu rao giảng Bát Phúc, người con  hoang đàng, người Samaria Tốt Lành; Ngài đến với những người tội lỗi, gái điếm, ngoại tình, bị ruồng bỏ, những người nghèo, những người ngoài lề xã hội và bị loại bỏ; dù Ngài bị phê phán là kẻ điên rồ và phản động.

Nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, linh mục phải thực thi tác vụ ngôn sứ của mình, với hết tấm lòng, hết linh hồn và hết sức lực mình, trong hai nhiệm vụ quan trọng này:

* Loan báo và sống tình yêu đam mê hai mặt của Chúa Giêsu: đam mê Thiên Chúa và Nước Thiên Chúa, và đam mê con người;170

* Tố cáo thói giả hình, bất công, áp bức, v.v… dù phải trả giá bằng thập giá và cái chết (Đức Cha Oscar Romero và mục sư Martin Luther King là những nhân chứng thời hiện đại).

Vâng, ở đây và bây giờ, linh mục có cơ hội để tuyên bố và giới thiệu cho thế giới và Dân Chúa sứ điệp yêu thương của Ngài. Đồng thời, linh mục phải nhắc nhở con người dấn thân vào mối tương quan giao ước với Thiên Chúa. Hơn nữa, dù đó là nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, ngài cũng phải đóng vai trò chỉnh sửa trong Giáo Hội cũng như trong Xã Hội, bất cứ khi nào có quá nhiều áp bức trong các hệ thống xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo.171

 

B. Linh Đạo và Thần Học về Chức Linh Mục

       1. Linh Đạo về Chức Linh Mục

Trước hết, nhấn mạnh đến phẩm chất của thừa tác vụ linh mục là đòi hỏi tính trung thực và trưởng thành của linh đạo của đời sống linh mục, qua căn tính, sự thân mật, tính siêu việt và tính toàn diện của linh mục. Linh đạo qui về kinh nghiệm nhân loại liên kết với cái tuyệt đối, trong cả hai, vừa thực tại vừa mầu nhiệm. Linh đạo vén mở cuộc sống của đương sự như là mối tương quan trong ân sủng với Thiên Chúa và người khác trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.

Có mối liên hệ qua lại và tuỳ thuộc lẫn nhau giữa tác vụ và đời sống của linh mục: cả hai, cầu nguyện và rao giảng đều là nền tảng của linh đạo linh mục giáo phận. Chúng là hình thức và cơ cấu của đời sống linh mục trong ân sủng, bám rễ sâu trong đời sống đức tin / cầu nguyện và sự luyện tập thừa tác vụ linh mục, như là tôi tớ của Dân Chúa và Nước Thiên Chúa.

Điều đó có nghĩa là tác vụ của linh mục mang tính  cộng đồng hơn, trong một Hội Thánh như là một cộng đoàn lấy con người làm trung tâm, và cộng đoàn ấy làm cho đời sống thiêng liêng của linh mục được lớn lên: khi linh mục giảng dạy, ngài được dạy dỗ; khi khuyên bảo, ngài được khuyên bảo; khi thăm viếng người bệnh, con bệnh là chính ngài được nâng dậy; khi an ủi người đau buồn, ngài tìm thấy sự an ủi; khi phục vụ người nghèo, sự nghèo nàn trong linh hồn ngài tìm được sự nâng đỡ; khi hướng dẫn người khác, ngài tìm được sự hướng dẫn và chỉ đạo; khi chủ toạ Thánh Thể, tinh thần ngài được biến đổi và canh tân; khi cầu nguyện, ngài tiếp xúc với những hoạt động kín đáo của ân sủng.172

Theo nghĩa này, linh đạo của linh mục giáo phận có bốn chiều hướng:

* Chiều hướng Hội Thánh: bao gồm cảm thức Hội Thánh và sự dấn thân cho việc tăng trưởng cộng đoàn, với nhiều dạng canh tân (chia sẻ niềm tin, nhân chứng bác ái chia sẻ cho nhau, cầu nguyện và các nhóm đặc sủng, đồng trách nhiệm, liên đới, đối thoại, hiểu biết lẫn nhau);

* Chiều hướng nhập thể: đối thoại và thúc đẩy một nhận thức tích cực về thế giới và một sự phối hợp cái thiêng liêng và cái trần tục, để biến đổi và thánh hiến thế giới cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô;

* Chiều hướng nhắm đến phục vụ trần gian: xem việc phục vụ trần gian như một phần không thể thiếu của linh đạo, và định hướng phục vụ trở nên cam kết sâu sắc hơn trong chiều kích nhập thể của Hội Thánh phục vụ;173

* Chiều hướng giải phóng: liên kết với việc phục vụ trần gian và đáp lại tiếng kêu xin cuộc sống dồi dào, trong viễn cảnh sinh thái học. Chiều hướng này lại tự biểu lộ qua ba cách:

* qua việc chữa lành bằng một thái độ và lối sống chia sẻ đời sống để giúp người thiếu thốn;

* qua một cuộc chiến mang tính ngôn sứ chống lại những bất công của cơ cấu xã hội, dù là dân sự hay thuộc về giáo hội;

* qua việc phát triển những thái độ mới có tính sáng tạo và hy vọng nhằm đưa ra những giải pháp mới mẻ và sáng tạo.174

      2. Thần Học về Chức Linh Mục

            1) Theo thư gửi tín hữu Do Thái, Chúa Kitô là căn nguyên của mọi chức linh mục. Linh mục nhận được quyền hành trực tiếp từ Chúa Kitô và phải trung thành với Chúa Kitô, chứ không phải với cơ chế;

            2) Chức linh mục của Chúa Giêsu được chia sẻ trong toàn thể Hội Thánh, với chức linh mục cộng đồng, được lãnh nhận khi chịu phép rửa của mọi tín hữu. Tác vụ có chức thánh xuất phát từ cộng đoàn nguyên thuỷ gồm mười hai môn đệ của Chúa Giêsu, nơi mà cả Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần cùng trực tiếp hoạt động. Vậy có sự trao đổi qua lại giữa cộng đoàn và thừa tác vụ: Không có thừa tác vụ nào tồn tại bên ngoài cộng đoàn;

            3) Chức linh mục là để cho cộng đoàn: Chúa Giêsu lập chức linh mục không chỉ trong Bữa Tiệc Ly, nhưng trải qua suốt cuộc đời công khai của Ngài. Ngài kêu gọi các môn đệ và mong muốn họ tiếp nối công việc và sứ vụ của Ngài;

            4) Hội Thánh không bao giờ được hoàn thành hay được xây dựng đầy đủ, nhưng luôn được Chúa Thánh Thần uốn nắn thành một mối hiệp thông của những con người. Sự tràn đầy Thần Khí được biểu lộ trong mọi ân huệ mà các thành viên nhận được;

            5) Tác vụ linh mục là một lời kêu gọi và lời đáp trả lại lời mời gọi này. Việc chấp nhận ý Chúa thiết lập nên tác vụ và mối tương quan cá nhân của linh mục với Chúa Giêsu;

            6) Thừa tác vụ linh mục là thừa tác vụ ngôn sứ và có thể nói linh mục được kêu gọi để điều khiển một cộng đoàn ngôn sứ, với hai vai trò chính là rao giảng Lời Chúa và cử hành Thánh Thể; và cau cùng

            7) Phận vụ của linh mục là đại diện và hành động nhân danh Chúa Giêsu, và linh mục phải luôn là người đại diện của Ngài: không phải để được phục vụ nhưng phục vụ và hiến trao mạng sống mình cho người khác.175

 

C.    Hình Ảnh và Căn Tính của Linh Mục

Việc Đào Tạo Thiêng Liêng “đòi hỏi toàn bộ con người phải dấn thân”176 và làm cho người trẻ sẵn lòng trở thành linh mục nên “một hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô.”177 Nghĩa là, chủng sinh sẽ càng ngày càng được đào tạo nhiều hơn để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục và Mục Tử Nhân Lành178 đối với Dân Chúa.

Vậy việc đào tạo thiêng liêng cung cấp cho linh mục tương lai năm yếu tố:

* một sự hiệp thông sâu sắc với Chúa Giêsu Kitô;

* một sự tuân phục hoàn toàn theo Chúa Thánh Thần;

* một thái độ hiếu thảo đối với Chúa Cha;

* một lòng gắn bó tin tưởng với Hội Thánh;

* và một lối sống ăn rễ sâu từ kinh nghiệm về Thập Giá.

Chúng ta có thể khai triển những cấu tố này của việc đào tạo thiêng liêng cho linh mục tương lai bằng cách sử dụng từ CHRIST theo kiểu lấy các chữ cái đầu 179 cho một nền linh đạo đặt Chúa Kitô làm trung tâm: 

       Cross (Thập Giá)

Cuộc sống và thừa tác vụ linh mục bắt nguồn nơi Thập Giá Chúa Giêsu, một con đường duy nhất để bước theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Mẹ Hội Thánh không bao giờ che giấu thập giá; Hội Thánh tán dương và suy tôn thập giá. Không thể xem thập giá như là một gánh nặng, nhưng đúng hơn như là cây gậy nâng đỡ. “Cuộc sống của linh mục càng cắm rễ sâu vào thập giá, thì càng sinh nhiều hoa quả.”180 Vì thế, chúng ta không bao giờ nên che chắn cho chủng sinh thoát khỏi bóng thập giá, thoát khỏi khía cạnh hy sinh trong cuộc sống và tác vụ của họ.

       Humanity (Nhân Tính)

Nhân tính của Chúa Giêsu gây kinh ngạc cho chúng ta, khi chúng ta đọc và suy niệm Tin Mừng (Mc 10,14; 6,35; 1,41; Lc 7,11; Ga 11,35). Ta nhìn thấy nhân tính của Chúa Giêsu cách rõ ràng nhất nơi lòng trắc ẩn của Ngài. Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu khiến Ngài liên kết với mọi người: người bệnh tật và đau khổ, người nghèo đói và bị áp bức, kẻ tội lỗi cũng như các thánh nhân (Mc 10,46; 5,30; Lc 21,2). Linh mục không thể vô cảm, miễn nhiễm hay lãnh đạm trước những nỗi đau buồn và những cuộc đấu tranh của những con người mà ngài săn sóc.181 Sống tác vụ với người bệnh tật và đau khổ, người nghèo đói và thiếu thốn cách nào đó làm chúng ta nên mềm mại và dịu dàng, khiến chúng ta trở nên nhân bản hơn và nên giống Chúa Kitô.182

        Reconciliation (Hoà Giải)

Chúa Kitô đến để hoà giải chúng ta với chính mình, với người khác, với Thiên Chúa và với tất cả thế giới được tạo thành. Ngài chữa lành những gì đã bị đổ vỡ, tập hợp những gì đã bị phân tán, hiệp nhất những gì đã bị chia rẽ (2 Cr 5,19; Ga 11,52; Dt 4,15; Mt 11,19; Lc 23,43).

Các nhà đào tạo là những thừa tác viên và sứ giả của sự hoà giải. Nhưng các ngài cũng cần nhận thức sâu xa nơi chính mình rằng các ngài vẫn mang những hạt giống tội lỗi và ích kỷ; rằng các ngài cần hoán cải và hoà giải trước tiên. Đồng thời, các ngài cần đào tạo và giúp các chủng sinh của mình nhận thức, một cách khiêm tốn và trung thực, sự dữ trong lòng họ, để họ phải được hoà giải với chính họ, với người khác, với tạo thành và với Thiên Chúa, và trở nên những sứ giả bình an và hoà hợp trong cộng đoàn chủng viện cũng như trong Hội Thánh và xã hội.183

       Interiority (Nội Tâm)

Các Tin Mừng miêu tả Chúa Giêsu như là một con người cầu nguyện trong mối hiệp thông sâu xa nhất với Chúa Cha (Mt 14,23; 26,36.42.44;27,46; Mc 6,46; 14,32; Lc 6,12; 9,18.28; 10,21; 11,1; 23,46). Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Ngài cầu nguyện bằng chính gương mẫu của Ngài. Lòng gắn bó của Ngài với con người cũng xuất phát dồi dào từ mối hiệp thông của Ngài với Chúa Cha.

Việc đào tạo thiêng liêng phải vun trồng đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện, chiêm niệm trong hành động, đặc biệt là đối với các linh mục giáo phận là những vị sống trong trần gian nhưng không thuộc về trần gian. Vậy việc đào tạo thiêng liêng phải giúp các chủng sinh tập và yêu mến cầu nguyện, dành ưu tiên cho việc cầu nguyện và hằng ngày dành thời gian tốt đẹp cho Chúa.184 Đời sống thiêng liêng đích thực là “sống trong tình hiệp nhất thân mật và liên lĩ với Chúa Cha, qua Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần”. Nhờ đó, “các ngài thủ đắc được tinh thần cầu nguyện, học cách bảo vệ và củng cố ơn gọi của mình, gia tăng các nhân đức khác và tăng trưởng trong lòng nhiệt thành đem mọi người về cho Chúa Kitô.”185

       Servanthood (Phục Vụ như Tôi Tớ)

Ở Á Châu, các linh mục vẫn còn được tôn trọng và kính phục; các ngài được hưởng một uy tín và quyền lực nào đó giữa người tín hữu, ngay cả xã hội cũng dành cho các ngài một qui chế.

Việc đào tạo thiêng liêng phải làm sáng tỏ, sửa lại và thay đổi nhãn quan của các chủng sinh về mặt này theo gương mẫu Chúa Giêsu, Đấng “đã đến không phải để được phục vụ nhưng là phục vụ và hiến ban mạng sống hầu cứu chuộc muôn người” (Mc 10,45; Mt 20,28). “Chúa Giêsu hiểu những yếu đuối của chúng ta, những thất bại của chúng ta, những cảm giác ngã lòng, lo sợ và cô đơn của chúng ta. Chính Ngài cũng đã trải nghiệm những khó khăn này.”186 Tinh thần phục vụ của một tôi tớ vô dụng, kẻ chỉ làm bổn phận mình (Lc 17,10) sẽ làm cho các chủng sinh vui vẻ chấp nhận và quảng đại dấn thân trong những nhiệm vụ được trao phó, với nhận thức rằng thầy sẽ không được phong chức để thống trị cộng đoàn Kitô hữu, nhưng để trao tặng cộng đoàn ấy tinh thần phục vụ vị tha của mình.187

      Teacher (Thầy Dạy)

Việc đào tạo thiêng liêng nhắm mục đích huấn luyện các chủng sinh nên Thầy Dạy Lời Chúa nhờ chính đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của họ: “Có mối tương quan thiết yếu giữa việc cầu nguyện cá nhân và việc rao giảng… Việc rao giảng hiệu quả là một hoa trái khác của việc cầu nguyện cá nhân.”188 Trước khi dạy dỗ và rao giảng, các linh mục phải có kinh nghiệm bản thân về Lời Chúa, như cô Maria đã ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe lời Ngài (Lc 10,38-42), hay người môn đệ học được từ nguồn kinh nghiệm cá nhân của thầy Guru. Các ngài không dạy dỗ hay rao giảng “về chính bản thân mình hay những ý kiến riêng mình, nhưng là một Tin Mừng mà các ngài là những thừa tác viên với lòng trung tín trọn vẹn.”189

 

D.  Nâng Đỡ và Nuôi Dưỡng Thiêng Liêng

Như trong cuộc sống con người, cha mẹ trao ban sự sống cho con cái và phải bảo vệ sự sống đó, nuôi dưỡng và chăm sóc cho con cái lớn lên tới lúc trưởng thành về mọi phương diện, để đến lượt mình, con cái lại tiếp tục trao ban sự sống cho thế hệ tiếp theo và như thế dòng chảy sự sống sẽ được tiếp nối. Cũng vậy, việc đào tạo phải nuôi nấng và tăng cường đời sống thiêng liêng cho các linh mục tương lai, những người cũng sẽ trở thành những thầy dậy cầu nguyện, những nhà đào tạo và linh hướng, những người sẽ giúp nhiều thế hệ tương lai trong đời sống thiêng liêng cho đến khi hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Theo chiều hướng này, người ta tìm được sự nâng đỡ và nuôi dưỡng trong giáo huấn của Hội Thánh.

Trước hết, về phương tiện siêu nhiên: Lời Chúa trong cả hai bàn tiệc Phụng vụ Lời và Phụng vụ Thánh Thể, bí tích Sám Hối được chuẩn bị nhờ việc xem xét lương tâm hằng ngày, việc đọc sách thiêng liêng để chuyên cần tìm kiếm những dấu chỉ của thánh ý Thiên Chúa và những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần nơi những sự kiện khác nhau trong cuộc sống, mẫu gương tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Maria, việc viếng thăm và sùng kính Bí Tích Thánh Thể, những cuộc tĩnh tâm và linh hướng, trí nguyện và khẩu nguyện.190

Thứ hai, về phương tiện tự nhiên: sự quan tâm của Giám Mục và cuộc sống huynh đệ giữa các linh mục, sự trợ giúp của các tín hữu giáo dân với tình bằng hữu, sự hiểu biết và hợp tác.191 Đức Gioan Phaolô II thúc giục các Giám Mục Việt Nam luôn gần gũi các linh mục, để nâng đỡ các linh mục trong những chương trình mục vụ, để chú tâm đến đời sống hằng ngày và đồng hành với các linh mục, đặc biệt khi họ gặp phải những khó khăn liên hệ đến thừa tác vụ của họ. Cũng cần phải dành sẵn cho họ những kỳ đào tạo thiêng liêng và tri thức thích ứng với những thách đố truyền giáo mà họ phải đối mặt.192

Thứ ba, lòng trung thành với thừa tác vụ cũng sẽ nâng đỡ và thánh hoá linh mục.193 Linh mục phải thánh thiện để cử hành những mầu nhiệm thánh, và những mầu nhiệm thánh được cử hành sẽ thánh hoá linh mục: nhờ các hành động thiêng thánh … các linh mục được dẫn tới sự trọn hảo trong đời sống và trong việc luyện tập đức ái mục tử, các ngài sẽ khám phá ra mối ràng buộc của sự trọn lành linh mục, trong khi đó sự thánh thiện cũng giúp nhiều cho linh mục sống một tác vụ sinh hoa kết trái. Linh mục thu lượm được của ăn thiêng liêng từ chính những hoạt động mà ngài dấn thân vào.

Thứ tư, việc đào tạo thường xuyên sẽ nâng cao đời sống linh mục và làm cho đời sống ấy sinh thêm nhiều hoa trái. Bởi vậy, Sắc Lệnh Đào Tạo Linh Mục (Optatam Totius) ước mong rằng việc huấn luyện linh mục phải được duy trì và kiện toàn, bằng những phương tiện phù hợp để từng bước đưa chủng sinh vào đời sống linh mục và hoạt động tông đồ một cách hiệu quả.194 Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục (Presbyterorum Ordinis) thúc giục các linh mục hoàn thiện, cách thích hợp và không gián đoạn, kiến thức của các ngài về những sự  thánh, cũng như những công việc của con người, hầu nuôi dưỡng và củng cố đời sống thiêng liêng của các ngài.195 Những Mục Tử Như Lòng Mong Ước (Pastores Dabo Vobis) xem việc thường huấn như là một bổn phận, và chỉ dẫn chi tiết nhiều hình thức và phương tiện cho việc đào tạo thường xuyên cho mọi linh mục thuộc mọi lứa tuổi và mọi điều kiện sống, đặc biệt là các linh mục trẻ.196

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã đáp lại sớm nhất với tài liệu nêu trên. Văn Phòng Giáo Dục và Tuyên Uý Sinh Viên được chỉ định chuẩn bị và điều hành chương trình đào tạo thường xuyên và nhấn mạnh những điểm sau:

* việc học tập của hàng giáo sĩ trẻ;

* thay đổi lại mô hình Giáo Hội học;

* hội nhập văn hoá và đối thoại giữa các niềm tin;

* phụng vụ và cuộc sống;

* lối tiếp cận trong linh hướng;

* đạo đức sinh học; và

* những quan tâm đến những mức độ và giai đoạn khác nhau của đời sống linh mục, và thời gian nghỉ phép.197

Tóm lại, trong mọi trạng huống của đời sống và thừa tác vụ, các linh mục luôn được nhắc nhở rằng không gì có thể tách các ngài ra khỏi tình yêu vĩnh cửu của Chúa Kitô và lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Không hề sợ hãi, các ngài nhìn vào sự canh tân và biến đổi trong cuộc sống và thừa tác vụ linh mục của mình, nhờ hoạt động quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đằng sau gương mặt luôn đổi thay của thế giới luôn tồn tại gương mặt cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hứa với các ngài “Thầy luôn ở cùng anh em!”

GHI CHÚ

133 Đức Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 21.

134 Bộ Giáo Sĩ, The Priest and the Third Christian Millennium: Teacher of the Word, Minister of the Sacraments, and Leader of the Community (March 19, 1999).

135 Domingo Moraleda, “Lectures on Theology of the Forms of Christian Life in the Church”

136 Jose Cristo Rey Paredes, “Lectures on Holy Spirit in the Life and Mission of the Church and Consecrated Life”

137 Đức Bênêditô XVI, “A Church That Has No Fear of the Future”: Message to Cardinals (Vatican, April 20, 2005), Zenit.org/english, truy cập ngày 1-5-2005.

138 Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 15-18.

139 FABC, “Prayer-The Life of the Church in Asia,” in For All the People of Asia I…, ibid., tr. 41.

140 Ibid., tr. 42.

141 CCE, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis…, ibid., số 52.

142 Orlando B. Quevedo, “Pastoral Priorities of the Church in the Philippines and their Implications to Seminary Formation,” in Gathered Around Jesus (Manila, Philippines: University of Santo Tomas Central Seminary, 2004), tr. 43.

143 Đức Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, số 12.

144 Ibid., số 47.

145 Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 43.

146 “Formators call for Better Spiritual Formation of Seminarians”…, ibid.

147 FABC Paper No. 92d – 7th Plenary Assembly, Workshop Discussion, Appendix II: Spiritual Direction, Emphasis on an Asian Approach, Ucanews.com/archives, truy cập ngày 7-10-2004.

148 Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 42.

149 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, ibid., số 12.

150 Bruno Torpigliani, Forming our Future Priests (Manila: Philippines 1988), tr. 27.

151 Judette A. Gallares, “Lectures on Biblical Foundation of Consecrated Life”

152 Vaticanô II, Optatam Totius…, ibid., số 8.

153 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 28.

154 Ibid., số 74.

155 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 43.

156 Ecclesia in Asia…, ibid., số 24.

157 Domingo Moraleda, “Lectures on An Introduction to Missiology of Consecrated Life”

158 Vaticanô II, Ad Gentes: Decree on the Church’s Missionary Activity, số 2.

159 Synod of Bishops 1971, The Ministerial Priesthood, part two, 1: Priests in the Mission of Christ and the Church.

160 Ibid., số 29-30; Vaticanô II, Lumen Gentium: Dogmatic Constitution on the Church, số 25; Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, ibid., số 4. 

161 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 6.

162 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, ibid., số 22.

163 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 29.

164 Xem Cuộc Đối Thoại với Người Cộng Sản ở chương VII.

165 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 30.

166 Ibid., số 48.

167 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid.

168 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, ibid., số 19.

169 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 72; Vaticanô II, Gaudium et Spes…, ibid., số 1.

170 Domingo Moraleda, “Lectures on Religious Vows as Evangelical Charisms and Responsibility ‘Covenant Perspective’”

171 Judette Gallares, “Lectures on Biblical Spirituality”

172 Donald B. Cozzens, “The Spirituality of the Diocesan Priest,” in Donald J. Georgen, ed., Being a Priest Today (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1992), tr. 50-72.

173 Gaudium et Spes số 40-44.

174 Paul Bernier, Ministry in the Church: A Historical and Pastoral Approach (Connecticut: Twenty-Third Publications, 1992), tr. 264-268.

175 Paul Bernier, Ministry in the Church…, ibid., tr. 270-278.

176 Gioan Phalô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 45.

177 Ibid., số 43.

178 Gioan Phalô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 11.

179 Alex Rebello, “Spiritual Formation and Religious Traditions in Asia,” trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới, Đại Chủng Viện Huế (2000), tr. 140-183.

180 Ibid. tr. 152.

181 Vaticanô II, Gaudium et Spes…, ibid., số 1.

182 Alex Rebello, “Spiritual Formation and Religious Traditions in Asia” …, ibid., tr. 158.

183 Ibid., tr. 162.

184 Alex Rebello, “Spiritual Formation and Religious Traditions in Asia” …, ibid., tr. 163-164.

185 Vaticanô II, Optatam Totius…, ibid., số 8.

186 Lode Wostyn, Believing unto Discipleship: Jesus of Nazareth (Quezon City, Philippine: Claretian Publications, 2004), tr. 8.

187 Alex Rebello, “Spiritual Formation and Religious Traditions in Asia” …, ibid., tr. 168.

188 Bộ Giáo Sĩ, The Priest and the Third Christian Millennium…ibid., ch. II, số 1.

189 Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi: On Evangelization in the Modern World (December 8, 1975), số 15.

190 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, ibid., số 18.

191 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 50.

192 “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy”…, ibid.

193 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, ibid., số 12-14.

194 Vaticanô II, Optatam Totius..., ibid., số 22.

195 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, ibid., số 19.

196 Giaon Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 70-81.

197 FABC Paper No. 92e, Ucanews.com/archives, truy cập ngày 7-10-2004.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!