Khi đi làm những công tác mục vụ ở nhà thương hay ở giáo xứ với bệnh nhân hay với những thân nhân của họ, chúng ta cần phải hết sức ý tứ và tế nhị trong hành động cũng như lời nói. Nếu không, thay vì đem Chúa đến cho họ, thay vì đem sự an vui và yên ủi đến cho họ, ta lại mang đến một sự bất an, buồn phiền, giận dữ, làm cho họ ngày càng xa cách Thiên Chúa bỡi những vụng về, những lỗi lầm một cách đáng tiếc của chính chúng ta.
Tôi còn nhớ rõ: cách đây vài năm, một số sơ trẻ Việt Nam đang làm việc truyền giáo ở Đài Loan đã đến chia xẻ với tôi rằng họ đang làm việc mục vụ cho những bệnh nhân trong các nhà thương, nhưng họ không biết phải làm gì và nói gì trước những đau khổ quá lớn lao mà bệnh nhân đang phải chịu. Tôi nói với họ rằng: “Nếu không biết phải nói gì thì tốt hơn đừng nói gì cả, và hãy ngồi xuống nắm lấy tay họ như muốn nói rằng: Chúng tôi hiểu nỗi đau khổ của bạn. Chúng tôi hiểu những ưu tư của bạn. Chúng tôi hiểu những băn khoăn khắc khoải của bạn. Và chúng tôi muốn chia xẻ phần nào nỗi thương đau của bạn và của gia đình bạn đang phải sống.”
Thật vậy đứng trước đau khổ của người bệnh, chúng ta không nên lạnh lùng chuẩn bị một mớ hành trang giáo lý để rồi đến ban phát cho họ dường như chúng ta là những bậc thầy của họ mà trái tim không hề biết lay động trước nỗi đau khổ lớn lao của người đang đối diện.
Không, bệnh nhân không cần những lời chỉ giáo của chúng ta như học trò cần giáo sư hay như con trẻ cần sự chỉ dạy của bố mẹ. Điều họ đang cần là những tâm hồn biết rung động để cảm thông phần nào nỗi thương đau của họ và cùng nhau chia xẻ cũng như giúp họ làm nhẹ bớt cảnh thương đau mà họ và gia đình họ đang phải trải qua.
Vì thế, chúng ta hãy đến với họ với một tâm hồn luôn sẵn sàng dấn thân cho họ. Điều đó có nghĩa là: họ chính là đối tượng mà chúng ta đến để phục vụ chứ không phải chúng ta đến để bắt họ phục vụ nhu cầu thuyết giảng của chúng ta. Chúng ta hãy xem họ cần gì? Chúng ta hỏi họ muốn nói gì, muốn chia xẻ điều gì? Chúng ta hãy lắng nghe họ, hãy để họ chia xẻ, và bấy giờ chúng ta chia xẻ với họ một cách bột phát điều họ muốn đề cập đến.
Ngay cả khi chúng ta muốn cầu nguyện cho họ, chúng ta cũng hãy hỏi ý kiến họ. Nếu họ muốn cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện với họ. Nếu họ không muốn, chúng ta phải kính trọng họ, không nên cưỡng ép họ. Hãy nhớ rằng chúng ta đến là để phục vụ họ.
Cũng cần phải tế nhị rất nhiều khi chúng ta mở miệng nói những lời đạo đức rất quen thuộc với chúng ta nhưng rất nhạy cảm đối với bệnh nhân như: “Hãy chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, hay Hãy bằng lòng vác thánh giá theo chân Chúa.” Những câu nói nầy đối với những người đã sẵn sàng chấp nhận thì thật có ý nghĩa, nhưng đối với những người chưa sẵn sàng chấp nhận thì đó là một sự xúc phạm, có thể khiến họ giận dữ chúng ta và giận dữ ngay cả Thiên Chúa.
Làm sao có thể hiểu được thánh ý mầu nhiệm của Thiên Chúa khi lòng con người còn quá xao xuyến chưa được bình tâm? Làm sao chấp nhận được những đau khổ quá sức con người khi tâm hồn chúng ta chưa được chuẩn bị. Hãy cho họ những sự chuẩn bị chu đáo cần thiết trước khi chúng ta mở miệng nói những lời như thế.
Thật vậy, làm sao không đau khổ, làm sao chấp nhận khi một người mẹ còn quá trẻ bị bệnh ung thư đang đối diện với cái chết, và đứa con còn non dại chạy vào hỏi mẹ: “Mẹ ơi, nếu mẹ về với Chúa, ai sẽ nuôi con?” Người mẹ ôm con, đưa mắt nhìn chồng, sau đó nhìn lên thánh giá đôi mắt ướm lệ. Chính tôi đã chứng kiến tình cảnh thương đau đó, tim tôi đau nhói. Bấy giờ, tôi chỉ còn biết một tay nắm chặt lấy bàn tay người vợ trẻ, tay kia nắm chặt lấy bàn tay người chồng như muốn cảm thông với họ, lòng thầm nguyện cho họ tìm được sự bình yên, và đôi mắt không ngăn được giòng lệ.
Con người khi tâm hồn tràn ngập những buồn sầu đau khổ, họ dễ bị khủng hoảng. Trong lúc khủng hoảng họ dễ thốt lên những lời nói bột phát ngoài sự kiểm soát của họ. Đó có thể là những lời than vãn, những lời oán trách, những lời mỉa mai, những lời châm chích, những lời bất mãn, hay những lời thất vọng.
Và đó cũng là lý do dễ hiểu nếu chúng ta gặp rất nhiều bệnh nhân hoặc những người già đạo đức, vì quá đau khổ nên đã nói với chúng ta rằng: “Thưa cha, hoặc thưa sơ! con không muốn sống nữa. Con muốn chết cho xong.” Trong những trường hợp như thế chúng ta phải hiểu và xử trí như thế nào?
Chắc chắn có một số người nghĩ lầm rằng họ muốn tự tử nên sẽ rầy rà họ. Một số khác sẽ thuyết giảng cho họ. Nhưng điều cần làm là chúng ta không nên rầy rà họ. Chúng ta cũng không cần thuyết giáo họ, chúng ta chỉ cần tìm hiểu xem: nguyên do nào khiến họ lại nói như thế?
- Đó có thể là vì căn bệnh đã khiến cho thân xác họ đau khổ quá, họ không thể chịu đựng được nữa, bấy giờ chúng ta hãy nói với bác sĩ để họ có thể thêm thuốc giảm cơn đau.
- Hay có thể là vì họ cảm thấy quá cô đơn, họ thật sự đơn thân độc mã, không có một thân nhân, không một bạn bè giúp đỡ. Chúng ta hãy tìm cách để nhờ những hội đoàn giáo xứ viếng thăm, giúp đỡ.
- Đó cũng có thể là một nỗi buồn lớn lao do sự bất hòa của những người trong gia đình. Họ cô đơn không phải vì không có thân nhân, nhưng vì những tranh chấp quyền lợi khiến họ khước từ nhau, xa cách nhau. Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu và tìm phương cách giúp họ hòa giải, cũng như tìm cách hàn gắn vết thương lòng của họ. Nếu không, khi người thân của họ ra đi, họ sẽ phải đau khổ và hối hận suốt đời.
- Hay đó cũng có thể là vì họ rơi vào tình trạng quá nghèo khổ, túng quẫn, không còn cách nào để sống, chúng ta hãy giúp họ tìm đến những cơ quan chính quyền chuyên giúp đỡ những người cùng khổ.
- Hay cũng có thể họ muốn chết sớm hơn để dành lại một ít tiền cho người thân yêu của họ như một món quà quí giá họ muốn để lại trước khi ra đi. Chúng ta hãy an ủi họ bình tâm chuẩn bị tâm hồn đi về với Thiên Chúa, còn những sự khác Ngài sẽ lo cho.
Khi con người quá buồn sầu đau khổ, họ có thể có những cử chỉ, những lời nói xem ra khó hiểu hoặc vô nghĩa đối với chúng ta, nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh của họ, tâm trạng của họ, chúng ta có thể hiểu được những điều họ muốn nói.
Điều sau cùng tôi muốn nói với các bạn là: để giúp đỡ bệnh nhân một cách hữu hiệu, chúng ta không nên quên gia đình họ. Hãy nhớ rằng gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh sẵn sàng lên đường ra đi bình an. Vì thế, công việc thiết yếu của chúng ta là phải chuẩn bị những người trong gia đình biết chấp nhận thực tại và sẵn sàng đón nhận người bệnh về nhà để cùng sống với gia đình những ngày tháng cuối cùng của đời họ thể theo lời đề nghị của bác sĩ, vì chỉ có môi trường gia đình, người bệnh mới cảm thấy được yêu thương và yên ủi lớn lao mà họ cần có trong lúc nầy, để nhờ đó tâm hồn họ được thanh thản chấp nhận sự ra đi mà số phận đã dành cho họ.
Hy vọng cuốn CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG sẽ mang lại cho các bạn những kiến thức tối cần mà các bạn đang thao thức tìm kiếm cho công việc mục vụ bệnh nhân của các bạn.
Chúc các bạn thành công trong công việc Mục Vụ cho những con người mà các bạn đang dấn thân.
Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý.
(Trích trong cuốn CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG của linh mục Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý. Sách đã phát hành và có bán tại các nhà sách công giáo.)