Trần Mỹ Duyệt
Giáo dục là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì cần học hỏi, tìm cầu, và cố gắng. Trong lãnh vực giáo dục con cái, không phải hễ là cha mẹ thì tự động biết về giáo dục, cũng như tự động biết phải hướng dẫn các con như thế nào để giúp con cái hướng về tương lai, sống thành tài, thành đạt, nhưng nhất là thành nhân. Sau đây là 6 điểm giúp các phụ huynh đạt được thành quả tốt trong việc giáo dục con cái rút ra từ những khảo cứu của Đại Học Harvard. Những hướng dẫn gợi ý này mục đích chính là hướng vào việc giáo dục và huấn luyện một đứa trẻ tốt, đứa trẻ thành nhân. Kết quả tiếp theo, dĩ nhiên, đứa trẻ với những săn sóc, yêu thương, và giáo dục như vậy cũng sẽ là đứa trẻ thành công trên đường đời sau này khi khôn lớn.
1. Thời giờ dành cho con
Đây là một đòi hỏi căn bản và cần thiết. Phụ huynh phải thường xuyên dành thời giờ với con cái, chơi đùa với chúng cũng như ở bên chúng mỗi khi chúng gặp những khó khăn cần giúp đỡ. Đặc biệt là lắng nghe con cái để hiểu xem chúng đang cần gì, muốn gì. Phụ huynh không chỉ đòi hỏi phải quan tâm đến từng cá tính mỗi đứa con, mà còn phải hướng dẫn chúng bằng hành động của mình: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Con cái luôn nhìn lên cha mẹ như những mẫu gương để chúng noi theo và bắt chước. Qua việc gần gũi của cha mẹ, con cái sẽ hiểu ra mình quan tâm và lo lắng cho chúng như thế nào.
2. Cho con biết em mang ý nghĩa gì đối với bạn
Theo khảo sát của các nhà tâm lý, nhiều trẻ em không hiểu rằng chúng là người rất quan trọng đối với cha mẹ cũng như đối với mọi người. Các em cần biết và nghe những lời nói ấy của các bậc làm cha mẹ. Cha mẹ đừng quên thường xuyên nhắc lại những điều này để con em mình cảm thấy được an toàn, được yêu thương, và có giá trị.
3. Dậy con tự giải quyết những khó khăn thay vì bỏ cuộc
“Đời là một bãi chiến trường”. Ai sinh ra vào đời cũng cần phải có ý chí, can đảm, và bền bỉ để vượt thắng những khó khăn, thử thách. Cách tốt nhất để huấn luyện cho con biết đối diện và giải quyết những thử thách là hỏi con mình lý do gì mà bỏ cuộc, nhượng bộ khó khăn, và liệu mình có thể giúp được gì. Sau cùng, nếu em nhất định bỏ cuộc, thì hãy đưa ra một hướng đi khác giúp em thăng tiến trong tương lai. Điều này có nghĩa là dậy cho con biết chuyển hướng những quyết định của mình chứ không bỏ cuộc. Thua keo này, ta bày keo khác như ca dao đã từng nói: “Thất bại là mẹ thành công”.
4. Dậy con phụ giúp mình trong những việc thường ngày, và cảm ơn vì sự cộng tác, đóng góp của các em
Theo kết quả của khảo sát, những người biết diễn tả lòng biết ơn thường dễ thông cảm và có lòng xót thương đối với những người khác. Họ cũng dễ quảng đại, thích giúp đỡ người khác. Do đó, trong đời sống thường nhật, phụ huynh hãy tập và khuyến khích con cái làm việc nhà, giúp đỡ cha mẹ. Tập quán tốt này sẽ rất hữu ích cho các em sau khi chúng khôn lớn, trưởng thành và có đời sống tự lập. Các nhà tâm lý cũng nhấn mạnh đến việc phụ huynh cần nhận thức và tỏ ra biết ơn những việc mà các con đã làm cho mình.
5. Giúp con giải quyết những cảm tình tiêu cực của chúng
Các nhà tâm lý đều đồng ý rằng khả năng để giúp đỡ người khác là phải biết thắng lướt những cảm tình tiêu cực như nóng nẩy, giận hờn, xấu hổ, hoặc ghen tỵ của chính mình. Để giúp con cái biết kiềm chế những cảm tình tiêu cực ấy, phụ huynh nên biết và giúp các em giải quyết những xung khắc nội tâm của các em. Thí dụ, tính tình nóng nẩy, giận hờn, ghen tỵ, ích kỷ đối với anh chị em trong gia đình, hoặc bạn bè. Giúp con biết nhận xét và tự kiểm thảo để các em trở thành những người biết cảm thông, lo lắng, và quan tâm đến người khác. Hãy giúp các em phát triển những tiềm năng tâm lý này.
6. Cho con biết rằng thế giới này rộng lớn và phức tạp, cũng như có nhiều điều kỳ diệu hơn các em có thể nghĩ
Theo tâm lý chung, đa số trẻ em chỉ thích thú, hài lòng quanh quẩn với thế giới gia đình và bạn bè. Do đó, các em cần biết thêm những điều khác từ nhiều người, từ những biến cố quanh cuộc sống để nhận ra những khác biệt của xã hội, văn hóa, và địa dư. “Sự thật và mặt trái cuộc đời rất phức tạp.” Phụ huynh có thể giúp các em ở điểm này bằng cách biết nhẫn nại lắng nghe. Tập tự đặt mình vào vai trò và cuộc sống của người khác để hiểu họ. Nhất là đừng bao giờ hài lòng khi so sánh mình với người khác qua những thành công ít ỏi của mình.
Nguồn: 6 tips from harvard psychologists who studied what it takes to raise ’good’ kids. Based on materials from upworthy.com
(Muốn tham khảo thêm những bài vở giá trị, mời vào thăm trang nhà www.giadinhnazareth.org)