Trần Mỹ Duyệt
Trong đời sống chung, thường ngày chúng ta vẫn nghe những câu nói của người này, người khác về chồng hoặc vợ của họ. Đôi lúc cũng có thể là những tâm tư của chính chúng ta. Đại khái: “Tôi thù ghét ông ấy. Tôi hối hận vì đã lấy ông ấy!” Hoặc: “Nếu biết trước, tôi đã không để mình rơi vào cuộc hôn nhân này. Nếu được phép chọn lựa và quyết định lại, tôi sẽ không bao giờ!”
Dĩ nhiên, ai cũng có lý do để biện minh cho sự “thù ghét” và “hối hận” của mình. Nhưng vì sao nhiều cuộc tình bắt đầu đẹp như mơ lại dẫn đến một kết quả chua chát, đắng đót và đau khổ đến thế!? Hẳn là phải có những nguyên nhân hoặc rõ ràng (explicit) hoặc tiềm ẩn (implicit). Không ai tự nhiên ghét hoặc thù nghịch với người trong mộng, vu vơ và không có thật. Có chăng chỉ là những bệnh nhân tâm thần, những người bị ảnh hưởng bởi ảo tưởng, ảo giác, những người nghe những tiếng nói trong đầu bảo ghét, hoặc giận hờn một ai đó.
LÝ DO GIẬN HỜN, BỰC TỨC
Khi giận hờn, bực bội, ghét bỏ ai, bao giờ cũng phải có lý do. Lý do tiềm ẩn hoặc lý do rõ ràng. Sau đây là một số trong những lý do thường tạo nên những giận hờn, bực bội, khó chịu và ghét nhau trong đời sống chung:
- Sợ hãi và làm quan trọng vấn đề:
Phát xuất từ cảm giác không an toàn về một số việc nhỏ mọn. Những việc nhỏ nhặt này đa số phát sinh từ mặc cảm tự ty, rồi thổi phồng lên những khuyết điểm của người khác, sau đó đưa đến tranh cãi, giận hờn, bực bội.
- Không ghét người ấy, nhưng ghét những cảm tình và sự khác biệt nẩy sinh giữa người ấy:
Đây là lối giải thích nhằm bao che cho những bực bội, khó chịu trong lòng khi đem đổ những khó chịu, phiền hà trên người của nhau, mong chạy trốn những xúc cảm bất ổn của chính mình.
- Xung khắc về những giá trị:
Gần đây tôi bỗng nhận ra người đó có những lời nói, cử chỉ tỏ ra khó chịu, gây gỗ với tôi. Tại sao? Tại vì tôi hay giúp người nghèo trên đường phố và việc làm này không hợp với quan điểm đạo đức của người ấy. Người ấy cho rằng cho những người ăn xin tiền, họ càng lười và ỷ lại không muốn cố gắng, đó là chưa kể họ dùng tiền xin được để say sưa, nghiện hút, đĩ điếm. Và theo quan điểm của người ấy thì nên dành sự giúp đỡ cho những trẻ em thiếu may mắn, những nạn nhân xấu số của thiên tai, bão lụt… Đó là lý do nẩy sinh những mâu thuẫn, tranh cãi, khó chịu và giận dỗi.
- Những khác biệt tiềm ẩn bên trong:
Khác biệt về niềm tin, về những ảnh hưởng giáo dục, về tuổi thơ, về văn hóa, về tôn giáo... Những thứ đã ảnh hưởng sâu đậm trên suy nghĩ, thái độ, và hành động của mỗi người. Chính nó là những căn bản làm nên cá tính riêng của mỗi người.
Còn theo Keay Nigel, trong 15 lý do tại sao người khác ghét bạn (15 Reasons Why Your Haters Hate You), tiềm ẩn những lý do:
- Vì không muốn mất bạn.
- Vì không vượt qua được quá khứ.
- Vì muốn sự chú ý của bạn.
- Vì thuộc loại người qúa cuồng tín.
- Vì luôn nghĩ mình thánh thiện, đạo đức.
- Vì quá ghen tương.
- Vì có tâm lý muốn chà đạp bạn người khác để có được cảm giác khá hơn.
- Vì, một cách tổng quát, là người thua cuộc.
Khi những người trong cuộc, hoặc người chồng hay người vợ có sẵn những lý do tiềm ẩn trên, thì tương quan xã hội, tương quan vợ chồng trở nên nặng nề, gò bó, và buồn tẻ. Chỉ cần một sơ ý rất nhỏ cũng đủ để cho tình cảm, tình yêu, tình bạn bị sứt mẻ, gia đình trở nên bất ổn, vợ chồng cãi lẫy, giận hờn. Thí dụ, bạn sẽ rất mệt mỏi khi phải luôn luôn quan tâm đến một người mà họ ỳ ra không muốn cố gắng, không muốn làm gì để thay đổi cuộc sống. Trong trường hợp ấy dù bạn là người hiền hậu, nhẫn nhịn và chịu đựng mấy đi nữa thì cũng có lúc thái độ sống của người đó khiến bạn chán nản, khó chịu. Sự chán nản, mệt mỏi này nếu được lập đi, lập lại chính là lý do khiến bạn không những chỉ khó chịu, bực bội mà còn thấy ghét người đó nữa.
NHỮNG BIỂU HIỆN
Trong bài “Những Điều Bạn Làm Chứng Tỏ Bạn Đang Khinh Thường Chồng Bạn”, tác giả đã đưa ra những lý do biểu hiện sự coi thường chồng từ phía phụ nữ. Những biểu hiện này nếu nhìn từ hai phía cũng là những lý do khiến vợ chồng trở nên coi thường, khinh bỉ, và dẫn đến ghét bỏ nhau:
- Sửa lỗi, la lối nhau giữa nơi công chúng:
Điểm tâm lý này rất dễ gây mặc cảm và tức giận từ phía nam giới.
- Lập đi lặp lại những lỗi lầm quá khứ:
Điều này phụ nữ thường vướng phải.
- Coi thường nhau vì không bằng mình:
Mặc cảm của vợ về người chồng có cá tính nhu nhược, buông xuôi, không cầu tiến. Nhưng lại là lý do dẫn đến tự ái bị va chạm của người chồng.
- Xem nhau kém hơn những người bạn của mình:
Một hình thức đánh giá, so sánh người phối ngẫu với những bạn bè của mình.
- Đòi hỏi nhau phải đọc được ý muốn mình:
Phụ nữ thường kỳ vọng bạn trai, chồng mình đọc được ý muốn của mình. Nhưng đây là một việc mà hầu như không người đàn ông nào có thể làm được một cách hoàn hảo. Sigmund Freud, cha đẻ ngành phân tâm học cũng không biết đàn bà muốn gì khi có người hỏi ông!
- Đối xử với nhau như đối xử với con cái:
Vợ chồng có thể coi nhau như bạn bè, nhưng không thể nhìn nhau như con cái mình.
- Đợi khi vào giường mới cãi vã:
Cái giường là cái nôi êm ái, là nơi chốn thiêng liêng của vợ chồng. Thời gian bên nhau là những thời khắc hiếm quí và hạnh phúc cần phải trân quí, vì, không gì bảo đảm rằng ngày mai sau một giấc ngủ ta còn có thể gặp lại chồng hoặc vợ mình!
- So sánh nhau với người này, người khác:
Dù là chồng hay vợ khi phạm phải lỗi lầm này cũng đều mang lại những khó chịu cho người phối ngẫu. Không ai muốn mình bị so sánh với người này, người khác.
- Đối xử với nhau bằng thái độ câm mín:
Câm nín sẽ làm đau khổ cho cả hai người, nhưng trên thực tế, người giữ sự câm nín sẽ là người đau khổ hơn.
- Dùng sinh lý làm khí giới:
Khi sinh lý được dùng làm khí giới, thì đàn ông ngoại tình, đàn bà giam hãm và lạnh nhạt với chồng. Cả hai phía đều bất lợi và tạo cơ hội đổ vỡ hôn nhân.
Để có một nhận xét tích cực trong mối tương quan vợ chồng, người vợ nên tâm niệm điều này:
“Trong lồng ngực của phụ nữ một trái tim rất tinh tế, rất nhậy cảm và rất dễ xúc động với mọi cảnh ngộ của cuộc sống, nhất là tình yêu. Hãy để trái tim ấy đập những nhịp đập yêu thương, và từ đó cảm biến, chuyển hóa trái tim người chồng của bạn. Thánh Augustine đã khuyên bạn: “hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”, như vậy nếu có tình yêu và sự tương kính thì lo gì mà bạn không có một người chồng tuyệt vời!”
NHỮNG HẬU QUẢ TIÊU CỰC
“Giận dữ chỉ phát sinh trong lồng ngực những kẻ ngu xuẩn.” (Albert Einstein) Ảnh hưởng tiêu cực của giận hờn, của ghét bỏ không chỉ tác dụng về tâm lý mà còn trực tiếp liên quan đến sức khỏa thể lý.
Ảnh hưởng tâm lý:
Mỗi khi giận nhau, ta thường nói: “tức chết đi được”. Xét về mặt tâm lý, câu nói này đồng nghĩa với việc ta đang dùng những liều thuốc độc nhẹ để tự sát. Đem lỗi lầm của người khác để trừng phạt chính mình.
Ca dao Việt Nam có câu: “Giận mất khôn”. Giận dỗi khiến ta mất đi sự bình tĩnh, không thể kiểm soát được lý trí, nên nhất thời, người giận dỗi dễ làm những việc hồ đồ, hại người hại mình.
Elizabeth H. Blackburn - giải Nobel sinh học năm 2009, thì ảnh hưởng Tâm Lý chiếm phần quan trọng trong đời sống và tuổi thọ con người. Một người nếu muốn sống đến 100 tuổi, thì:
- Ăn uống điều độ: 25%
- Những lý do khác: 25%
- Tâm Lý: 50%
Những kích thích tố độc hại tiết ra khi một người giận dữ, theo nhà khoa học này, chính là thủ phạm của các chứng ung thư, cứng động mạch, cao huyết áp, lở loét dạ dày, tiêu hóa bất thường, kinh nguyệt không đều. 65-90% triệu chứng có liên quan tới áp lực tâm lý.
Hiện nay theo thống kê của Bộ Y tế Thế giới, trên 90% bệnh đều có liên quan tới tinh thần.
Người có tinh thần thoải mái, sẽ ít bệnh, hoặc không hay ít mắc những chứng bệnh nghiêm trọng.
Ảnh hưởng thể lý:
Giận dữ, bực tức còn trực tiếp ảnh hưởng lên sức khỏe thể lý. Một người giận quá có thể chết vì đau tim (heart attack), hoặc đột tử.
Theo quan niệm Đông y, nóng giận (nộ) ảnh hưởng đến can (gan), là một trong những nguyên nhân gây bệnh trong số thất tình là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Hậu quả là thường thấy uất ức, tức ngực. Ngoài ra còn liên quan đến các nội tạng khác, gây ra chán ăn, đầy hơi, đầy bụng, đau bụng, mất ngủ. Phụ nữ hay tức giận có thể là nguyên nhân kinh nguyệt bất thường.
Bác sỹ Gate (Mỹ) trong kết quả khảo cứu về tức giận đã đưa đến kết luận: Đối với người bình thường, số lượng cặn bã trong hơi thở không đáng kể. Nhưng hơi thở của những người tức giận ngưng tụ lại thành chất cặn bã màu nâu nhạt. Nếu chất này được tiêm vào con vật thì nó sẽ bị gây co giật.
Khi bạn tức giận, tuyến thượng thận bị kích thích làm tim đập nhanh, tăng đường huyết, tàn phá cơ thể, gây tổn thương hầu hết các cấu trúc của cơ thể người, làm chết tế bào, và là thủ phạm của lão hóa. Nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy, chỉ cần nhớ lại những lần giận dữ trong quá khứ, thì nồng độ kháng thể IgA, đã bị sụt giảm. Ngoài ra, theo các nhà khoa học, viêm đường hô hấp cũng bắt nguồn từ nguyên nhân mỗi khi tức giận.
THA THỨ TRONG GIA ĐÌNH
Làm sao để có thể tha thứ trong gia đình? Đức Giám Mục Louis Nguyễn Anh Tuấn nhận định:
“Bị tổn thương ít nhiều là điều dường như không tránh khỏi trong hầu hết đời sống các đôi vợ chồng và gia đình. Dù những tổn thương có được bộc lộ ra qua những lời lẽ tức giận và phê phán đi nữa hoặc được dấu kín trong âm thầm và lặng lẽ rút lui, chúng cũng gây hậu quả là xói mòn tình cảm và sự tin tưởng.”
Và ngài đã đưa ra một áp dụng thực hành rất hữu ích để hàn hắn những vết thương tinh thần của đời sống chung gọi là “Tiến Trình Của Sự Tha Thứ” được diễn tả qua những bước sau:
1. Nhìn nhận mình bị xúc phạm và đau đớn.
2. Chấp nhận (quyết định) tha thứ.
3. Nhớ rằng tha thứ cần thời gian (là một tiến trình).
4. Nhớ rằng tha thứ là ta ‘chết đi một ít’, không dễ dàng cũng không vui thích gì.
5. Nếu thấy khó tha thứ cứ bước tới và nghĩ về gương tha thứ của các bậc thánh đức như Chúa Giêsu, Oscar Romero, Gioan Phaolô II, … để lấy thêm tinh thần.
6. Hãy biết tha thứ cho bản thân.
7. Tưởng nghĩ đến những điều bạn yêu nơi người bạn đời của bạn, và nhận ra mình còn cảm thấy yêu và cảm thương nàng/chàng.
8. Nhớ lại có lúc nào ai đó đã từng tha thứ cho bạn, và đã biết ơn biết bao vì người ấy đã ân cần với bạn tha thứ cho bạn.
9. Xét đến những hậu quả ngắn và dài hạn của sự việc chưa chấp nhận tha thứ.
10. Cầu nguyện xin Chúa ban cho sự can đảm và tình yêu đủ để tha thứ.
11. Ăn mừng việc hòa giải, và nhận biết ơn sủng ban cho mối quan hệ của bạn.
12. Khi bạn có nhớ đến nỗi đau của vết thương cũ, hãy nhắc đi nhắc lại sự giao hòa, tha thứ đã làm, tình yêu đã đổi mới.
Tóm lại,
- Chuyện hôm qua là chuyện đã qua. Cái gì đã qua thì không lấy lại được trừ thiện chí muốn sửa đổi và tấm lòng rộng mở của người phối ngẫu. Sống với những buồn phiền quá khứ sẽ làm cho lòng mình thêm buồn bã, đào sâu những hận thù và chia rẽ.
- Phần thưởng và hạnh phúc nhất khi tha cho người khác là chính mình cảm thấy hạnh phúc và bình an trước. “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ” (Thánh Phanxicô Assisi). Người được ta tha thứ chỉ là chia sẻ cái bình an của chính mình.
- “Sự buồn làm khô héo tâm hồn. Và buồn sầu là hoa trái của hỏa ngục”. Đó là tư tưởng của Thánh Kinh, của chân lý.
-Sau những giận hờn thì cái quí hóa nhất là nụ cười, và vòng tay mở rộng.
____________
Tài liệu tham khảo:
“Những Điều Bạn Làm Chứng Tỏ Bạn Đang Khinh Thường Chồng Bạn”, Trần Mỹ Duyệt. www.giadinhnazareth.org
“Làm sao để có thể tha thứ trong gia đình?” Đức Giám Mục Louis Nguyễn Anh Tuấn. fb Louis Tuan Nguyen, January 13, 2018
“Sống THỌ không phải do Ăn Uống hay Vận Động, mà là… thật đáng kinh ngạc”. vuisongtrendoi@gmail.com, Sat, Jan 13, 2018
“10 reasons why haters hate you… by Elizabeth-Marie. http://elizabeth-marie.com/, September 9, 2017
“15 Reasons Why Your Haters Hate You” by Keay Nigel.thoughtcatalog.com, July 12th 2013