Giờ phút chia tay, giây phút biệt ly, đó là giờ phút quan trọng nhất của một đời người và nhất là của một con người sắp phải vĩnh viễn ra đi. Vì thế, Chúa Giêsu cũng đã chuẩn bị cho giờ phút đó. Ngài đã sai Phêrô và Gioan từ Bethania đến Giêrusalem để chuẩn bị cho Ngài ngày lễ Tiệc Ly. Đó là đêm cuối cùng Ngài sống chung với các môn đệ và Ngài cũng muốn tâm sự nhiều điều với các môn đệ mình. Trước giờ phút tử biệt, Ngài cảm thấy thương các môn đệ, những con người đã từng sát cánh với Ngài cũng như đã từng chia xẻ với Ngài tất cả những vui buồn sướng khổ của cuộc đời, nên Ngài muốn để lại những lời trăn trối, những lời dặn dò, những lời di chúc của một người cha đối với con, của một người thầy đối với trò, của một người bạn đối với bạn như một kim chỉ nam để hướng dẫn đời họ khi Ngài khuất bóng. Đồng thời Ngài cũng muốn có thêm sự can đảm, sự an ủi và sức mạnh từ buổi hiện diện cuối cùng nầy với các bạn Ngài trước giờ phút lên đường chịu tử nạn. Nhưng quả thật, không may cho Ngài, và chính Ngài cũng không thể ngờ được điều đó lại có thể xảy ra là: trong bữa tiệc ly đó, một cuộc tranh cãi nổi lên giữa họ để xem ai là người lớn nhất trong số họ. Buổi tiệc mà Ngài đã chuẩn bị từ lâu lại bắt đầu bằng một cuộc cãi vã về một điều rất xa lạ với tinh thần của Ngài. Ngày cuối cùng của cuộc đời Ngài chung sống với họ, Ngài phải chứng kiến cảnh các môn đệ Ngài tranh nhau chỗ nhất, nên buổi chiều hôm đó là một buổi chiều thương đau và buồn chán nhất đối với Chúa Giêsu. Các môn đệ Ngài đã cho Ngài cảm giác nầy: cả cuộc đời của Ngài chỉ là một sự thất bại. Suốt bao nhiêu năm trời chung sống và thọ giáo với Chúa, các môn đệ Ngài cũng không có gì khác hơn những người khác. Thì ra, họ cũng chỉ theo Ngài để đi tìm một chỗ đứng quan trọng mà thôi. Ngài đã không hoàn thành được gì nơi họ và rồi ngày mai mọi ước vọng của họ đều sẽ tiêu tan, mọi sự thảy đều chấm dứt.
Với tâm trạng buồn sầu và chán nản đó, bấy giờ Chúa nói với các môn đệ Ngài rằng: Nếu các con muốn làm lớn hãy trở nên người rốt hết, trở nên người đầy tớ hầu hạ rửa chân cho các người khác. Và để nêu cao gương đó, Chúa Giêsu đã đi rửa chân cho các môn đệ và cũng rửa chân cho cả Giuđa nữa.
Sự hạ mình phục vụ là một phần của tình yêu Kitô giáo. Không phải khi chúng ta nói với người khác rằng tôi yêu anh hay tôi yêu chị, thế là người ta sẽ tin rằng mình thật sự yêu họ. Không phải thế. Nhưng chính khi chúng ta phục vụ họ, chúng ta biểu lộ bằng chính hành động, bằng chính những hy sinh của chúng ta, dẫu cho chúng ta không cần phải nói, họ cũng biết rằng mình thật sự yêu họ. Vì thế, tình yêu Kitô giáo hoàn toàn khác biệt với tất cả những loại tình yêu khác. Cái mà người ta gọi là tình yêu, hãy coi chừng, đó có thật sự là tình yêu hay
không, hay đó chỉ là một tham vọng muốn chiếm hữu hay lợi dụng người khác cho những nhu cầu ích kỷ của họ.
Tình yêu Kitô giáo luôn chứa đầy sự khiêm tốn tận căn bản. Vì thế, khi chúng ta phục vụ, chúng ta không hề có sự khoe khoang, cũng không hề có một hậu ý đi tìm cho chính mình một chỗ đứng quan trọng nào cả.. Nếu thiếu điều đó, tình yêu Kitô giáo sẽ chết đi hoặc sẽ không còn phải là tình yêu Kitô giáo thật sự nữa.
Một điểm quan trọng khác mà chúng ta cũng cần chú ý cách đặc biệt trong bữa Tiệc Ly, đó là Bí Tích Thánh Thể – Bí Tích của Tình Yêu.
Chúng ta biết rằng một món quà càng trở nên có giá trị hơn, càng khiến cho người ta quí mến hơn, khi người cho đặt hết tâm tình mình vào món quà đó. Do đó, chúng ta thường có câu: Cách cho thì quí hơn là của cho. Vì thế, những món quà của người nghèo dẫu nó không đắt tiền bằng những món quà của người giàu, nhưng nó quí giá bỡi họ đã đặt hết tâm tình vào trong đó. Đó cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu đã lên tiếng ca tụng món quà của bà góa dẫu chỉ một đồng xu thôi cũng đáng giá hơn ngàn lần những món quà kếch sù của những người giàu có trong phúc âm.
Trong những ngày đặc biệt, chúng ta thường trao tặng quà cho nhau. Món quà tự nó không phải là quí giá nhưng nó là biểu tượng của tình yêu chúng ta trao tặng cho họ. Nó nói lên một phần nào tâm tình quí mến, tâm tình biết ơn chúng ta muốn trao gởi cho họ. Chắc chắn người nhận sẽ cảm thấy vui thích nhiều không phải vì món quà cho bằng chính tâm tình chúng ta gói trọn vào đó.
Ở đây cũng vậy, trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một món quà vô giá chính là bí tích Thánh Thể, bí tích của Tình Yêu. Trong bí tích Thánh Thể, không những Ngài đã đặt hết tình yêu mà Ngài còn đặt trọn cả linh hồn và thân xác Ngài vào trong đó nữa. Ở đây món quà và người cho chỉ là một. Điều đó không ai có thể làm được ngoại trừ một mình Thiên Chúa.
Tình yêu đòi trở nên một, một xương, một thịt, một linh hồn, một thân xác, một hơi thở, một nhịp sống. Đó chính là lý do đã khiến Chúa Giêsu lập nên bí tích Thánh Thể, bí tích Tình Yêu để Ngài cũng được trở nên một với mỗi người chúng ta.
Tình yêu Kitô giáo là thế đấy. Tình yêu đó không còn biên giới, không còn khoảng cách giữa người với người nữa. Nó biến chúng ta trở nên một trong Đức Kitô. Vì thế, khi chúng ta sống và phục vụ cho những người anh em của chúng ta là chúng ta sống và phục vụ cho chính chúng ta vậy.
Lm. levanquang