Cậu bé Kiên 4 tuổi mang giày lộn chân. Bà mẹ cảm thấy khó chịu, nên nói: “Khi nào thì con mới học mang giày đúng chân. Lại đây, mẹ giúp cho”. Đoạn bà mẹ bắt nó ngồi xuống và mang giày lại cho nó.
Bà mẹ tưởng nó làm sai mà không biết. Nhưng bà đã lầm. Cậu bé biết nó làm sai, nhưng cố ý muốn dùng cách thế đó để bắt mẹ phục vụ nó. Khi mẹ nó nói: “Khi nào thì con mới học được cách mang giày”, mẹ nó muốn ám chỉ rằng nó thì đần độn. Nhưng điều đó không đúng chút nào. Nếu có ai đần độn thì đó là một người nào khác chứ không phải nó. Bà mẹ không cần phải vướng vào những công việc như vậy bằng cách không nên quan tâm đến những chuyện không đáng quan tâm như thế. Bà không cần phải can thiệp. Cậu bé sẽ cảm thấy khó chịu nếu nó mang giày lộn chân và nó sẽ tự động đổi lại. Lần đầu tiên bà mẹ nhìn thấy những chiếc giày được mang đúng chân, bà mẹ có thể yên lặng biểu lộ sự thõa mãn rằng nó bây giờ đã biết cách mang giày thế nào. Chỉ như vậy cũng đủ rồi. Điều đó muốn cho cậu bé có một nhận thức về sự hoàn thành của nó và cũng để khuyến khích nó tiếp tục cố gắng.
Cu Thống 10 tuổi bỏ đồ chơi của nó ở ngoài sân chơi. Khi nó trở lại để lấy thì những món đồ chơi của nó đã mất tiêu rồi. Nó khóc quá chừng. Ông bố la mắng: “Đây là lần thứ 3 con làm mất chỉ trong vòng một mùa hè nầy. Con nghĩ rằng tiền nó tự mọc lên ở trên cây phải không?” Sau một hồi giảng thuyết về cách thế phải giữ những đồ thuộc về mình, ông bố muốn cậu bé phải hứa giữ những đồ chơi sắp mua. “Được rồi, bố sẽ mua cho con cái khác vào ngày mai. Nhưng hãy nhớ: đây là cái cuối cùng vào mùa hè nầy”.
Nhiều lần bố mẹ có cơ hội tốt để cho phép hậu quả của một hành động sai trái xảy ra, nhưng vì thấy tội nghiệp, vì muốn bảo vệ đứa trẻ, họ không nỡ cho phép hậu quả đó xảy ra, nhưng lại phạt nó theo cách thế của họ như la mắng hay thuyết giảng. Chẳng hạn, như trường hợp trên đây, ông bố có thể nói:
- Rất tiếc con đã làm mất đồ chơi của con.
Cậu bé sẽ giận dữ nói:
- Nhưng con muốn có đồ chơi đó.
- Con có tiền để mua cái mới không?
- Không, nhưng bố có thể cho con cái khác.
- Bố sẽ cho con như chương trình đã định là cứ 3 tháng sẽ cho con một lần.
- Lâu quá đi.
- Nhưng bố không có cách nào khác.
Ông bố phải giữ thái độ cương quyết nhưng thân thiện.
Sự dùng phương pháp đó có nghĩa là một sự tái hướng dẫn lối suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta phải biết rằng chúng ta không còn sống trong chế độ phong kiến nữa, trong đó người điều khiển người, nhưng chúng ta đang sống trong chế độ dân chủ, nên cần phải hướng dẫn con cái chúng ta. Chúng ta không còn có thể áp đặt ý muốn chúng ta lên con trẻ chúng ta. Chúng ta phải hướng dẫn, khích lệ chứ không thể ép buộc như ngày xưa nữa. Chỉ khi nào chúng ta làm quen với những phương pháp và kỷ thuật mới nầy, chúng ta mới cảm thấy thoải mái và vững dạ hơn. Nó đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và tập óc tưởng tượng. Thỉnh thoảng, hãy để cho hàng loạt những biến cố tự nhiên xảy ra mà không cần sự can thiệp của người lớn. Nó được gọi là những hậu quả đương nhiên. Chẳng hạn, nếu đứa trẻ ngủ quá giờ, nó đương nhiên sẽ đến trễ và sẽ phải đối diện với sự giận dữ của thầy cô. Thỉnh thoảng, chúng ta cần xếp đặt để những sự việc xảy ra một cách tất nhiên theo sau những hành động sai trái. Những hậu quả cố nhiên đó cho thấy bản chất nội tại của sự việc, mà không cần một hành động can thiệp đặc biệt nào của cha me,ï và xem ra chúng luôn luôn có hiệu quả. Trái lại, những hậu quả hữu lý do mình xếp đặt không thể được áp dụng trong những trường hợp xem ra có sự tranh chấp quyền hành, vì chúng thường được xem là những hành động phục thù. Vì lý do đó, hậu quả tự nhiên luôn có lợi, còn hậu quả do mình sắp xếp có khi có kết quả ngược lại.
Thật không hợp lý chút nào nếu bà mẹ không cho đứa trẻ coi chương trình truyền hình tốt đẹp mà nó thích chỉ vì nó không chịu đem đổ bịch rác. Nhưng trái lại, nếu đứa trẻ không chịu hoàn tất bài vở ngày thứ 7 vào lúc đội banh bắt đầu, thật hoàn toàn có lý là nó không thể nhập cuộc chơi cho tới khi nó hoàn tất bài vở của nó.
Sự áp dụng một cách chính xác về phương pháp nầy thường mang lại hậu quả tốt đẹp, nhất là trong sự hoà hợp của gia đình. Trẻ con thường rất nhạy cảm trong việc nhìn thấy những hậu quả xảy ra như thế là có lý và chúng dễ dàng chấp nhận mà không có sự chống đối. Bố mẹ càng ít nói về những hậu quả thì với chúng càng ít xem ra là những hình phạt. Thỉnh thoảng, vấn đề cũng có thể được giải quyết bằng cách thảo luận và xem chúng muốn giải quyết bằng phương cách nào.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ dấn thân vào cuộc tranh chấp quyền hành với đứa trẻ, họ sẽ có khuynh hướng dùng những cách thế đó như một hình phạt và như thế làm mất đi hiệu lực của phương pháp đó. Điều quan trọng là chúng ta phải coi chừng, đừng để rơi vào cạm bẩy đó. Chúng ta phải nhắc nhở chúng ta rằng: “Tôi không có quyền phạt bất cứ một ai cả, nhưng tôi có bổn phận phải hướng dẫn và chỉ dạy con tôi. Tôi không có quyền áp đặt ý muốn của tôi. Nhưng tôi có bổn phận không được nhường bước trước những đòi hỏi vô lý của nó”.
lm.lêvănquảng