Nói đến hôn nhân là nói đến gia đình. Khi Thiên Chúa muốn kết hôn với con người, Thiên Chúa cũng đã sinh ra trong một gia đình. Gia đình chính là nền tảng của giáo hội. Vậy gia đình là gì ?
Gia đình là một cái gì sâu xa hơn là tổng số những cá nhân cộng lại. Đó là một hệ thống khác biệt với những hệ thống xã hội khác. Đối với những tổ chức xã hội, khi cần thiết, chúng ta có thể xin gia nhập hoặc ra đi một cách dễ dàng, và một khi chúng ta ra đi, những người khác có thể đến thay thế chỗ chúng ta. Nhưng trong hệ thống gia đình, chúng ta không thể gia nhập một cách dễ dàng ngoại trừ con đường được sinh ra, kết hôn, hay được nhận làm con nuôi. Vì thế, những phần tử trong gia đình không thể được người khác thay thế, bỡi lẽ các phần tử của gia đình được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương đặt biệt mà người nầy được liên kết với người khác một cách chặt chẽ và mật thiết với nhau. Cho dẫu khi chúng ta phải xa cách gia đình như vì công ăn việc làm hay vì hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta vẫn có một mối liên hệ đặc biệt sâu xa với gia đình. Ngay khi có người trong gia đình ra đi vĩnh viễn như chết chẳng hạn, giữa người sống và người chết vẫn còn một cái gì đậm tình thắm thiết được nối kết qua những nén hương, những đóa hoa…mà dẫu có người được thêm vào như một đứa bé khác được sinh ra chẳng hạn, cũng không thể nào có thể thay thế đứa trước đã chết đi. Thật vậy, gia đình là một cái gì thiêng liêng cao quí mà chúng ta có bổn phận phải bảo vệ và vun trồng dẫu chúng ta còn ở hay đi xa.
Riêng đối với người Việt Nam, gia đình còn mang một mầu sắc đa diện đáng yêu và đáng quí hơn nữa. Gia đình Việt Nam có thể nói được là một tiểu cộng đồng, nơi đó các phần tử trong đại gia đình cùng về chung sống với nhau và nương tựa vào nhau; là nhà giữ trẻ, nơi đó tất cả mọi con cái, cháu chắt đều được trông coi, nuôi dưỡng, và chăm sóc một cách tận tình như một người mẹ trong gia đình; là học đường, ở đó mọi đứa trẻ trong gia tộc được hướng dẫn và giáo hóa một cách chu đáo và lễ độ; là toà án, ở đó mọi xung đột giữa những người thân yêu trong gia đình đều được giải quyết và giải hòa để có thể bảo vệ được hòa khí của gia đình; là hội đồng cố vấn, nơi đó tất cả mọi quyết định quan trọng có liên quan đến những người trong gia đình như vấn đề hôn nhân, làm ăn, buôn bán, dời chỗ… đều được bàn hỏi trước khi đi đến quyết định để cùng giúp nhau thực hiện; là cơ quan trợ cấp xã hội, nơi đó họ có thể tìm được những nguồn trợ giúp cho đời sống an sinh xã hội của họ từ những người thân yêu trong gia đình; là ngân hàng, ở đó trong những trường hợp cần thiết họ có thể mượn tiền từ những thân nhân họ một cách dễ dàng để đầu tư vào những công việc làm ăn lớn mà mọi người trong gia đình thấy có hy vọng; là bệnh xá, ở đó khi ốm đau họ có thể tìm được sự chăm nom, săn sóc một cách tận tình bỡi những phần tử của đại gia đình; là viện an dưỡng, nơi đó bố mẹ khi về già có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi trong sự an bình và hạnh phúc bên đàn con cháu trong bầu không khí ấm cúng gia đình; là nơi an nghỉ cuối cùng, ở đó khi họ được Chúa gọi về, họ được mọi phần tử trong đại gia đình từ các nơi tuốn về quây quần chung quanh để cùng nhau cầu nguyện và nhìn mặt họ lần cuối trước khi tiễn đưa họ đến phần mộ cuối cùng; sau hết, gia đình Việt nam cũng chính là nơi thờ tự, ở đó bàn thờ tổ tiên được dựng lên để tôn kính ông bà cha me, những người đã về bên kia thế giới nhưng hương hồn của họ vẫn còn ở lại để hộ phù những người còn đang sống. Vì thế, gia đình chính là một báu vật cao quí mà tất cả chúng ta có bổn phận phải giữ gìn nếu chúng ta muốn có một đời sống an vui và hạnh phúc.
Khi chúng ta nói: Tôi đi về nhà thì nhà đó không phải là một ngôi nhà trống không, mà ở nơi đó chúng ta có những con người muốn đón nhận và yêu thương chúng ta bằng một tình yêu gia đình thắm thiết. Rất có thể, nhiều lúc chúng ta có những kinh nghiệm đớn đau về gia đình, nhưng dẫu sao gia đình cũng vẫn là tổ ấm, là nơi yên ủi cuối cùng mà chúng ta có thể tìm về khi mọi người ruồng bỏ và xa lánh chúng ta như câu chuyện người con lãng tử trong phúc âm.
Thật vậy, gia đình có một sức mạnh thiêng liêng nối kết chúng ta, khiến chúng ta có thể quên đi tất cả những kinh nghiêm thương đau của quá khứ để yêu thương, nâng đỡ, và vỗ về những người thân yêu đang gặp hoạn nạn mà nếu không có tình yêu gia đình họ không thể nào sống sót được. Vậy thì, khi gặp những trục trặc, những khủng hoảng trong đời sống gia đình, chúng ta phải làm thế nào để bảo vệ được tình yêu gia đình ?
Thông thường, khi gặp những khó khăn, những khủng hoảng trong gia đình, chúng ta thường hay có phản ứng tự nhiên nầy là: chống cự, tố cáo,và lên án người khác để bảo vệ chính mình. Chúng ta chỉ muốn giáo dục và thay đổi người khác chứ không muốn thay đổi chính con người mình. Chúng ta thường nói rằng nếu anh ấy hay chị ấy thay đổi tôi bằng lòng cũng sẽ thay đổi. Nhưng hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể thay đổi người khác bằng cách thay đổi chính con người chúng ta mà thôi. Chúng ta cần nhận thức sự thật nầy là: nếu tôi thay đổi thái độ của tôi chắc chắn người khác cũng sẽ thay đổi thái độ của họ. Dẫu cho chỉ một chút thay đổi trong thái độ của chúng ta chắc chắn cũng sẽ có ảnh hưởng tức khắc đến thái độ của người khác.
Thật bất hạnh cho chúng ta là chúng ta biết quá nhiều về cách thế để làm hại nhau, mưu sát nhau hơn là cách thế để sống trong yêu thương và phục vụ. Vì thế, chúng ta yêu thích chiến tranh hơn là hòa bình. Chúng ta thường mất nhiều thời giờ đi tìm những mưu mô, thủ đoạn bất chính để lên án, tố cáo người khác.
Nhưng nên biết rõ điều nầy là không ai hoàn toàn xấu cũng không ai hoàn toàn tốt cả. Khả năng trở nên tốt hoặc xấu đều hiện hữu trong mỗi con người chúng ta. Chính người nầy có thể giúp cái tốt hoặc cái xấu của người khác phát triển. Nhưng thường họ biết gì về người khác ngay cả người bạn đời của họ ?
Dẫu cho họ sống chung với nhau trong cùng một căn phòng, ăn cùng một bàn, ngủ cùng một giường, nhưng họ biết gì về nhau ? Cứ sự thường, họ chỉ biết về những thói xấu của nhau như thích nắm quyền, thích tiêu tiền , thích uống rượu, không thích làm việc…nhưng họ không biết được nguyên nhân tại sao bạn mình đã có thái độ sống như vậy. Và một khi họ cảm thấy chán, họ chỉ muốn loại bỏ những thói hư tật xấu đó ra khỏi người bạn mình mà không muốn thoã mãn những nhu cầu tâm linh cần thiết của bạn mình để giúp họ xa lánh những thói xấu đó. Vì thế, đôi khi họ cũng cần phải sống xa cách nhau vì một lý do nào đó chẳng hạn, họ mới có thể hiểu nhau và yêu nhau nhiều hơn trước.
Thật ra, chính những tranh quyền tranh lợi đã làm cho đầu óc họ ra tối tăm và đã tạo nên cho họ một bầu khí bất hòa. Và trong những lúc như vậy, họ cố gắng đổ lỗi cho người khác để bào chữa cho chính mình. Điều mà họ nói về người khác thì thường là đúng dầu những tường thuật giữa họ xem ra là mâu thuẫn với nhau. Nhưng điều quan trọng không phải là ai sai ai đúng vì mỗi người đều đúng dưới cái nhìn riêng của mình nhưng sai dưới cái nhìn của đối phương. Nếu chúng ta yêu người nào, chúng ta sẽ không hỏi người đó đúng hay sai. Hãy nhớ rằng đối với sự hạnh phúc của chúng ta, câu hỏi sai hay đúng không phải là quan trọng, nhưng chính việc biết chấp nhận cái xấu cũng như cái tốt của người bạn mình mới là quan trọng.
Khi người biệt phái mời Chúa Giêsu đến dự tiệc nơi nhà họ, có một người phụ nữ mang dầu thơm đến ngồi dưới chân Chúa khóc nức nở, lấy tóc lau khô và lấy thuốc thơm thoa chân Ngài. Bấy giờ, những người biệt phái nghĩ thầm rằng nếu ông nầy là môt tiên tri chắc phải biết người phụ nữ nầy là ai, là một cô gái điếm nổi tiếng vùng nầy. Chúa biết ý nghĩ của họ, nên nói với người chủ nhà:
Simon, Tôi có điều muốn nói với ông.
Người chủ nhà đáp:
Xin Ngài cứ nói.
Và Ngài đã nói:
Người kia có hai con nợ. Một người nợ nhiều và một người nợ ít. Cả hai không có gì để trả nên được chủ nợ tha cho. Vậy ai trong họ sẽ yêu người chủ hơn ?
Simon thưa:
Người được tha nhiều.
Chúa nói:
Ông nói đúng. Tôi đã đến đây, ông không lấy nước rửa chân Tôi, còn chị ta đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình lau khô. Ong đã không xức thuốc thơm trên đầu Tôi, còn chị ta đã đổ thuốc thơm trên chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội chị ta rất nhiều cũng đã được tha rồi, vì chị ta đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít thì yêu mến ít.
Rồi người bảo người phụ nữ ấy rằng:
Tội con đã được tha rồi. Hãy đi bình an ! (luk.7:36-8:2)
Điều quan trọng mà Chúa muốn nói ở đây là không phải chúng ta phán đoán người nầy tốt hay là xấu, người kia đúng hay là sai mà chính là chúng ta có yêu thương, có chấp nhận họ với tất cả con người họ hay không? Chính thái độ yêu thương, nhân từ đó mới có sức mạnh thuyết phục và hoán cải những con người chúng ta muốn thay đổi. Và cũng chỉ có thái độ rộng lượng đó mới có thể giúp người bạn mình có đủ can đảm trở về để làm lại cuộc đời.
Con người thì thường chú trọng quá khứ và dùng quá khứ như một bằng chứng mạnh mẽ để chối từ sự cộng tác. Nhưng Thiên Chúa thì khác hẳn. Ngài không chú trọng quá khứ nhưng nhìn chính hiện tại. Quá khứ chúng ta có thể tốt, nhưng hiện tại chúng ta có thể xấu hơn người khác. Quá khứ người ta có thể xấu, nhưng hiện tại họ có thể tốt như chúng ta và tương tai họ còn có thể tốt hơn chúng ta không chừng.
Hãy học với Chúa làm quen với những tiếng nói của im lặng nếu chúng ta muốn có được một đời sống gia đình an vui và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng khi người ta vui mừng, phấn khởi, người ta thích nói nhiều. Trái lại, khi buồn rầu đau khổ người ta sẽ không thích dùng lời để nói, vì lời nói không thể diễn tả hết những điều sâu thẳm đang được chứa chất trong tâm hồn họ, nhưng người ta chỉ muốn nói qua những khuôn mặt, những ánh mắt, những giòng lệ, những tiếng lòng thổn thức mà chỉ có những người bạn chân tình mới có thể hiểu được.
Thiên Chúa đã không lên án người phụ nữ bỡi lẽ Thiên Chúa đã nghe thấu rõ tiếng lòng thống hối của chị qua những giòng lệ thống hối ăn năn, cũng như tiếng lòng khoắc khoải của chị đang vọng lên từ đáy lòng sâu thẳm của chị dẫu chị ta không thốt lên một lời nào cả. Và Thiên Chúa đã đáp lại niềm khát mong đó, nên Ngài đã nói: Tội con đã được tha. Hãy đi về bình an.
Thật vậy, không phải là tố cáo và lên án mà chính là sự cảm thông và tha thứ mới có sức mạnh vô biên để mang lại cho con người niềm an vui và hạnh phúc trong tâm hồn. Xin cầu chúc mọi người luôn tìm được sự an bình và hạnh phúc trong đời sống hôn nhân và gia đình trong suốt cả cuộc đời.
lm.lêvănquảng