Một trong những nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu được quí trọng. Mọi người đều muốn mình có giá trị. Điều đó không có nghĩa là mọi người muốn người khác khen mình là tuyệt vời. Đó cũng là một khát vọng nhưng không phải là điều mà chúng ta muốn nói ở đây. Chúng ta có thể nói rằng mọi người muốn mình được yêu. Nhưng nói như vậy xem ra có vẻ mơ hồ vì có nhiều loại tình yêu khác nhau giống như có nhiều loại hoa. Đối với một số người, tình yêu là một cái gì đam mê. Với số người khác, tình yêu là một cái gì lãng mạn. Nhưng với số người khác nữa, tình yêu là một cái gì liên quan đến tính dục. Tuy nhiên, có một tình yêu sâu xa hơn, chân thật hơn, đó là sự chấp nhận. Mọi người đều muốn mình được chấp nhận. Không có gì trong đời sống con người có một ảnh hưởng lớn lao và lâu dài cho bằng cái kinh nghiệm bị khước từ, không được người ta chấp nhận. Khi tôi không được chấp nhận, có một cái gì trong tôi bị đỗ vỡ. Một đứa bé sơ sinh không được chấp nhận sẽ bị tiêu hủy ngay từ lúc ban đầu. Một học sinh không được thầy cô chấp nhận sẽ không muốn đến trường. Một công nhân không được đồng bạn chấp nhận sẽ không muốn đến sở và cũng cảm thấy buồn chán khi ở nhà. Lịch sử các tù nhân cũng cho thấy rằng họ đã sống cuộc đời lang thang nay đây mai đó với đủ mọi hạng người và phạm đủ mọi thứ tội là vì không có ai thật sự đã chấp nhận họ. Cũng vậy, khi một tu sĩ cảm thấy mình không được chấp nhận bỡi cộng đoàn của họ, họ sẽ cảm thấy buồn chán và sẽ ly khai khỏi cộng đoàn. Một cuộc đời không có sự chấp nhận là một cuộc đời trong đó nhu cầu căn bản nhất của con người đã không được đáp trả.
Chấp nhận có nghĩa là những người mà tôi sống với, mang lại cho tôi một cảm giác kính trọng, một cảm giác là mình còn có giá trị chứ không phải là hoàn toàn vô dụng. Chấp nhận cũng có nghĩa là tôi được chào đón như tôi hiện là. Điều đó có nghĩa là dẫu cho mọi người đều ước muốn tôi trưởng thành hơn, đều muốn tôi nên tốt hơn, muốn tôi hoàn thiện hơn, nhưng tôi không bị bắt buộc. Tôi không bị bó buộc phải là người của khuôn mẫu mà họ muốn. Tôi cũng không bị đóng khung bỡi cái quá khứ hoặc hiện tại của tôi. Nhưng tôi luôn được cho một khoảng trống để tôi có thể lớn lên, để tôi có thể ra khỏi những sai lầm của quá khứ. Một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng chấp nhận là một sự vén màn. Mọi người được sinh ra với nhiều khả năng khác biệt. Nhưng ngoại trừ họ được lay động, được đánh thức, được khích lệ bỡi sự chấp nhận của người khác, họ sẽ mãi mãi nằm yên ngủ. Sự chấp nhận làm thức tỉnh những gì đang nằm yên nghỉ trong tôi. Chỉ khi tôi được yêu trong cảm giác sâu xa của sự chấp nhận hoàn toàn đó, tôi mới có thể trở nên chính con người đích thật của tôi. Tình yêu và sự chấp nhận của những người khác làm cho tôi trở thành một con người độc đáo đích thật của chính tôi. Khi một người được quí trọng bỡi công việc họ làm, họ không có cái gì đôc đáo, vì người khác cũng có thể làm được điều đó và có khi còn làm trổi vượt hơn họ. Nhưng, khi một người được yêu không phải bỡi công việc họ làm mà là bỡi chính họ, bấy giờ họ trở thành một cái gì cá biệt, độc đáo mà không ai có thể thay thế họ được. Và tôi cần một sự chấp nhận như thế để tôi trở thành cái tôi đích thật và cá biệt của tôi. Một người được chấp nhận là một người hạnh phúc, một người được giải thoát, một người có thể lớn lên với cái bản lĩnh độc đáo của mình.
Chấp nhận một người không có nghĩa là tôi chối từ những khuyết điểm của họ, cũng không có nghĩa là tôi cắt nghĩa một cách sai lệch, hoặc cắt nghĩa một cách qua loa những khiếm khuyết đó. Chấp nhận cũng không có nghĩa là xem mọi sự họ làm đều tốt đẹp. Nhưng ngược lại thì đúng hơn. Khi tôi chối từ những khuyết điểm của một người là tôi không chấp nhận họ. Tôi đã không chạm đến chiều sâu của con người đó. Chỉ khi nào tôi chấp nhận những khuyết điểm của họ, tôi mới thật sự là chấp nhận họ.
Nếu nói trong cách tiêu cực thì sự chấp nhận có nghĩa là tôi không bao giờ cho một người nào cái cảm giác rằng họ không có một giá trị nào cả. Không mong đợi một cái gì nơi một người là giết họ, là làm họ chết khô vì họ không còn chút sinh lực nào để tồn tại và tăng trưởng. Và đây là những triệu chứng của những con người không đuợc chấp nhận:
* Ngạo đời: Trong một trạng thái bất cần đời họ tự gán cho mình những lời ca tụng mà họ luôn ước muốn.
* Cứng nhắc: Thiếu sự chấp nhận gây nên thiếu sự an toàn trong cuộc sống. Vì thế, khi phải giải quyết vấn đề họ luôn cứng nhắc, thiếu uyển chuyển.
* Mặc cảm tự ty.
* Thủ dâm: Tận đáy lòng họ cảm thấy thiếu thốn mọi sự đến nỗi họ ước muốn có bất cứ cái gì họ có thể lấy được từ cuộc sống trong một cách thế dễ dàng nhất.
* Sợ hãi: Họ muốn được để ý một cách thái quá vì cảm thấy mình bị đe dọa. Có khuynh hướng khuếch đại. Hay nghi ngờ người khác.
CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ GIÚP HỌ?
Chúng ta phải giúp họ nhận thức được điều nầy là: “Cho dẫu mọi người đều khước từ, bỏ rơi, không chấp nhận tôi, tôi vẫn được chấp nhận bỡi Thiên Chúa “như tôi hiẹn là” mà không có một đòi hỏi nào cả. Thiên Chúa không ra điều kiện: Ngài sẽ yêu, khi tôi trở nên một con người tốt. Không, “Cái tôi sẽ là” là một cái gì chưa có thật, một cái gì còn trống rỗng, và có thể tôi sẽ chẳng bao giờ trở nên được như vậy. Tôi biết rằng trong thực tế, tôi không đi con đường ngay chính. Có nhiều khúc quanh, có nhiều ngã rẽ cộng với những yếu hèn và quyết định sai lầm của tôi đã đưa tôi đến chỗ mà bây giờ tôi đang đứng. Nhưng kinh thánh cũng đã nói cho tôi rằng: “Chỗ mà tôi đang đứng là đất thánh” (Ex 3:5). Và cũng hãy nhớ rằng “Thiên Chúa biết tên tôi. Ngài đã viết tên tôi vào lòng bàn tay của Ngài. Ngài không bao giờ nhìn vào bàn tay Ngài mà không nhìn thấy tên tôi”(Is 49:16). Và tên tôi chính là tôi. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa luôn biết rõ tôi.
Thánh Augustinô nói:” Một người bạn thật là một người biết rõ mọi sự về bạn mà vẫn chấp nhận bạn”. Đó là điều ước mơ của con người. Con người mơ ước: Một ngày nào đó mình hy vọng gặp được một người mà mình có thể chia xẻ được, người đó thật sự hiểu mình, hiểu được những lời mình nói, người đó biết để ý, biết lắng nghe và còn nghe rõ những điều mà mình không thể nói lên được. Và Thiên Chúa chính là điều mà mình đang mơ ước đó. Ngài yêu tôi với tất cả cái cao đẹp cũng như với những yếu hèn của tôi. Ngài yêu tất cả: từ những ước mộng không thành của tôi, đến những hy sinh nhọc nhằn cay đắng của đời tôi, những niềm vui nho nhỏ của thành công cũng như những thất bại đáng cay ê chề của cuộc đời tôi nữa. Vì thế, với tôi chỉ có một điều cần biết là: tôi đã được chấp nhận và yêu thương bỡi tình yêu sâu xa của Thiên Chúa. Thật ra chưa đủ: nếu chúng ta chỉ biết tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, mà chúng ta còn phải cảm nghiệm, phải chạm đến tình yêu đó nữa. Cuộc sống của chúng ta cần phải xây trên tình yêu đó.
Chúng ta thường được nói rằng: yêu Chúa là điều quan trọng đối với chúng ta và điều đó là đúng. Nhưng điều nầy còn quan trọng hơn: đó là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa đến sau. Thánh Gioan đã nhấn mạnh đến tình yêu đó: “Đây là tình yêu, tôi muốn nói, không phải tình yêu chúng ta dành cho Thiên chúa, mà là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1John 4:10). Karl Rahner đã một lần ghi nhận rằng chúng ta đang sống trong một thời đại có rất nhiều sự cải tổ trong giáo hội. Đây có thể là một dấu chỉ của niềm tin sâu xa. Nhưng cũng có thể là dấu chỉ của sự thiếu niền tin. Và đâu là niềm tin? Niềm tin căn bản của chúng ta là: tôi biết mình được chấp nhận và yêu thương bỡi Thiên Chúa. “Chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta”(1John 4:16 ). Và đây cũng là nội dung của toàn thể bản kinh Tin Kính của các Tông Đồ. Nội dung đó không có gì khác hơn là sự xác tín được lập đi lập lại của các Tông Đồ về niềm tin vào tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
Một niềm tin như thế, theo Tillich, phải có sự can đảm để chấp nhận. Chúng ta thì nghĩ rằng niềm tin như thế không có gì là khó. Trái lại, nó xem ra nghe rất ngọt ngào và dễ dàng. Nhưng thật ra, nó đòi hỏi một sự can đảm lớn lao. Tại sao nó phải cần đến một sự can đảm lớn lao như vậy?
Trước nhất, khi những tai họa xảy ra cho chúng ta, chúng ta thường hay phàn nàn trách móc: Tại sao Thiên Chúa lại cho phép những điều như thế xảy ra? Và chúng ta bắt đầu nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, cần can đảm để tin vào tình yêu của Thiên Chúa nhất là khi có những điều không may xảy ra cho cuộc đời chúng ta. Một niềm tin như thế ngoài cảm nghiệm cá nhân của chúng ta. Bấy giờ chính niềm tin là một sự cắt nghĩa về cuộc sống mà tôi chấp nhận.
Thứ đến, tình yêu của Thiên Chúa thì vô hạn. Chúng ta không bao giờ có thể chộp lấy được, nắm giữ được, hay điều khiển được. Một điều chúng ta có thể làm là như một đứa trẻ không cần biết đắn đo suy nghĩ, chỉ còn biết phó thác vào vòng tay của bố mẹ khi nó liều mình nhảy từ trên cao xuống, nhưng chúng ta lại không thích làm như vậy. Sven Stolpe đã ví đức tin giống như một người leo lên tháp cao, và từ trên chóp đỉnh người đó được phán bảo: “Hãy nhảy xuống và tôi sẽ chụp lấy anh”. Người dám nhảy là người có đức tin.
Lý do thứ ba xem ra tế nhị hơn. Đó là dễ tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta một cách tổng quát nhưng rất khó để tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta một cách cá biệt. Chính vì thế, rất ít người bằng lòng với chính mình để rồi sẵn sàng chấp nhận cách thức mà tình yêu Thiên Chúa dành riêng cho họ. Thật vậy, rất ít khi chúng ta gặp được một người có thể đối phó với những khủng hoảng, những thử thách xảy ra cho cuộc đời họ.
Đến đây, có thể nói được là quá đủ để chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao đức tin đòi hỏi một sự can đảm để chấp nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và một khi chúng ta dám xác tín rằng cho dẫu chúng ta bất xứng nhưng Thiên Chúa vẫn chấp nhận và yêu thương chúng ta, bấy giờ chúng ta sẽ không còn lo lắng, sợ hãi gì nữa: không còn phải lo cô đơn, không còn phải sợ khước từ, không còn phải lo gian nan, không còn phải sợ thử thách vì chính niềm tin mang lại cho chúng ta một sự giải thoát khỏi tất cả những lo lắng, sợ hãi đó. Chỉ với niềm tin, con người mới có thể tìm lại được sự an bình và hạnh phúc đã bị đánh mất bỡi sự ngược đãi của cuộc đời. Và cũng chỉ với niềm tin, những vết thương đau của lòng người mới có thể được hàn gắn và chữa lành một cách hoàn hảo.
Thật vậy, một khi con người đã đi vào hố sâu của tuyệt vọng thì chỉ có niềm tin mới có sức mạnh chữa lành một cách kỳ diệu những vết thương lòng sâu xa của con người, và cũng chỉ có niềm tin mới mang lại cho đời sống tâm linh của con người một sự an bình và thanh thản một cách sung mãn.
Lm. Lêvănquảng.