Minh! Minh! Bà mẹ đứng ở cữa trước gọi đứa con bà 7 tuổi, đang chơi cách đó một khoảng khá xa. Không thấy trả lời, bà bách bộ đến tận nơi nó chơi. “Minh ơi, con không nghĩ rằng con nên mặc một chiếc áo lạnh sao? Sáng nay lạnh lắm con ơi!” “Không, không, mẹ! Con đủ ấm rồi.” “Mẹ nghĩ con nên mặc nó! Mẹ sẽ mang đến cho con.” Bà mẹ trở về nhà, lấy áo trở lại, và mặc cho nó.
Bà mẹ quá lo lắng bảo vệ cho con, có uy quyền quyết định khi nào thì con mình ấm, khi nào thì nó lạnh. Cậu bé chấp nhận quyết định của bà vì làm thế nó giữ được bà bận rộn với nó. Bà mẹ cung cấp những dịch vụ không cần thiết. Từ khi bà quyết định nó cần áo lạnh, nó vẫn ở mãi chỗ mà nó đã ở, nó không lớn lên nữa. Bằng sự thụ động, nó bắt buộc mẹ nó về nhà và trở lại. Bà mẹ thì hoàn toàn vô ý thức về hành động tương quan đó, nghĩ rằng tốt hơn cho bà là nên làm như vậy.
“Mẹ, con muốn vào gian hàng tạp hóa và mua một ít đồ. Con muốn mua một ít bánh và một bình nước chanh.” “Không, con, Bình ơi! Mẹ không thể để con đi một mình.” “Mẹ ơi, chỉ có cách một cây số thôi.” Cậu bé 7 tuổi nài nĩ nhưng bà mẹ vẫn không cho phép.
Bà mẹ sợ. Bà mẹ sợ có cái gì có thể xảy ra cho con bà nếu bà để nó đi khỏi tầm mắt của bà. Bà cố gắng bảo vệ con bà khỏi nguy hiểm. Điều đó là ước muốn tự nhiên và bình thường. Nhưng bà mẹ quá lo lắng. Bà mẹ nhìn thấy đủ mọi nguy hiểm thấp thoáng ở mọi nơi. Bà lo bảo vệ quá đáng.
Chúng ta không thể tách rời con cái chúng ta khỏi cuộc sống. Chúng ta bắt buộc giáo dục con cái trong sự can đảm và vững tin để đối diện với cuộc đời. Ước muốn bảo vệ con cái khỏi những tai hại có thể xảy ra, có thể tạo nên một kết quả làm con cái nhút nhát. Điều đó khiến con cái trở thành vô dụng và lệ thuộc vào bà. Và đây là một dấu chỉ cho thấy thái độ sai lầm của bà.
Với lý do là quan tâm cho lợi ích của con cái, chúng ta giữ con trẻ chúng ta lệ thuộc và vô dụng để chúng ta xem ra là vĩ đại và có quyền hành, và là kẻ bảo vệ dưới con mắt của con trẻ cũng như dưới con mắt của chúng ta. Nó đặt chúng ta vào vị thế thống trị trổi vượt và giữ con cái chúng ta luôn thuần phục. Tuy nhiên, con cái chúng ta ngày hôm nay sẽ không chấp nhận những cố gắng như thế và chúng sẽ nổi loạn.
Lý do thứ hai: đằng sau những cố gắng bảo vệ thái quá của chúng ta là nghĩ rằng chúng ta có khả năng giải quyết những vấn đề và ít tin tưởng vào khả năng của chúng để tự lo cho chúng.
Cách thế mà đứa trẻ đáp ứng với những cha mẹ quá bảo vệ đó thì tùy thuộc vào mục đích của đứa trẻ. Nó xem ra nguy hiểm, nhất là biến mình thành vô dụng. Nó có thể đầu hàng và mong đợi được bảo vệ mãi mãi khỏi những khó khăn của cuộc đời.
Cách đây 2 tháng, cậu bé Đăng 6 tuổi được khám phá ra có bệnh đái đường. Nó được cho uống thuốc mỗi ngày mà mẹ nó gọi là vitamin. Cậu bé không được cho biết gì về tình trạng bệnh của nó. Bà mẹ nghĩ rằng bà không muốn cậu bé trở nên bất thường. Tấât cả mọi sự bàn tính với bác sĩ đều không có mặt của cậu bé. Bà lưu ý cậu bé mỗi ngày rằng nó chỉ được ăn cái mà bà cho để thuốc vitamin đó có hiệu quả. Sự quan tâm của bà mẹ có thể hiểu được.
Khi một đứa trẻ bị những khuyết tật thể lý, chúng ta cố gắng coi nó bình thường như có thể. Tuy nhiên, sự né tránh đối đầu và sự dối trá ít khi có hiệu quả trong trường hợp của cậu bé Đăng nầy. Bà mẹ quá bao bọc. Bà muốn điều khiển tình thế và mang lấy trách nhiệm cung cấp thức ăn cho nó. Rất có thể, nó sẽ biết tình trạng sức khoẻ của nó vì chính nó sẽ phải đối đầu với vấn đề bệnh tật ấy. Giả như cậu bé nổi sưởi, bà mẹ sẽ nói cho nó cái đó là gì và bà sẽ chăm sóc nó suốt thời gian đó. Khi bị sưởi, nó không nguy hiểm như bệnh đái đường, nhưng nó xem ra là một vấn đề có ảnh hưởng lâu dài. Nó khó cắt nghĩa hơn cho một đứa trẻ. Tuy nhiên, 6 tuổi, cậu bé đủ khôn lớn để hiểu rằng nó cần thuốc để giúp cơ thể làm việc. Một thái độ như thế ngay lúc đầu sẽ giúp cậu bé phát triển một thái độ lành mạnh về chính nó. “Có một tuyến hạch trong cơ thể con không làm việc cách thích hợp. Chúng ta phải dùng thuốc để giúp nó. Thuốc không thể giúp được gì nếu con bắt nó làm việc quá nhiều. Vì thế, chúng ta phải cẩn thận về việc ăn uống.” Cậu bé có thể dần dần ý thức rằng nó có một sự rối loạn cần nên lưu ý, nhưng nó có thể xếp đặt việc ăn uống và vẫn có cuộc sống bình thường. Đó là vấn đề của cậu bé. Nó cần sự giúp đỡ và khích lệ để đối phó với vấn đề đó. Khi nó lớn dần và học hỏi thêm về chức năng của cơ thể, sự hiểu biết về sự rối loạn của nó cũng được tăng dần. Những thử nghiệm nước tiểu có thể được cắt nghĩa. Đây là cách thế mà chúng ta có thể nói nếu hạch tuyến làm việc tốt đẹp hơn. Nếu bà mẹ cảm thấy thoải mái và hữu ích, bà nên cho cậu bé phương cách cần thiết để nhận biết vấn đề của nó. Bao lâu bà còn che dấu, bà chối từ cho nó quyền học cách đối phó với vấn đề.
Không có gì chán hơn là bị bắt buộc phải làm điều không thể làm. Chúng ta không thể sắp đặt được mọi sự và làm chủ được cuộc đời theo như ý ta muốn. Có những cố gắng trong tuyệt vọng để làm những điều ngoài khả năng chúng ta mà phần lớn là cho những cảnh khốn cùng chung quanh chúng ta. Con cái chúng ta học từ chúng ta cách chiến đấu chống lại những điều không thể tránh. Nhưng nếu chúng ta côù gắng bảo vệ chúng quá đáng khỏi những khó khăn và những phiền toái, đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng chúng ta nên tiếp tục làm như thế. Và kết quả là đưa đứa trẻ đến sự giận dữ và hận thù – không phải không bằng lòng cha mẹ mà thôi mà còn không bằng lòng với cuộc đời nữa vì đã không cho phép chúng xếp đặt mọi sự theo như ý chúng muốn. Đứa trẻ hư hỏng là đứa trẻ chóng giận dữ vì cuộc đời không dễ dàng theo ước muốn của nó. Nhưng đó là một đòi hỏi vô ích và đáng buồn cười. Một cách không may, đứa trẻ không mất bản tính trẻ con hư hỏng đó khi nó lớn lên. Và đó có thể là thái độ căn bản của nó đối với cuộc đời. Khi chúng ta cưng chìu và cố gắng bảo vệ con trẻ chúng ta khỏi những khó khăn của cuộc đời, đây là phần thưởng mà chúng ta trao tặng cho chúng: một sự giận dữ vô ích đối với một thế giới đầy bạo lực.
Để tránh sai lầm đó, chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta không phải là Đấng Toàn Năng. Chúng ta có bổn phận giáo dục con cái chúng ta biết tìm ra những cách thế, những phương tiện, và những thái độ cần thiết để đối phó với cuộc đời theo công thức nầy: trước nhất chúng ta phải xem xét cái gì đang đối diện với chúng ta, và rồi chúng ta tìm câu trả lời cho câu hỏi: chúng ta có thể làm gì cho vấn đề đó? Ngay cả một đứa còn quá nhỏ cũng có thể được hướng dẫn đi vào sự phân tích một tình thế bất ổn bằng cách dùng những câu hỏi đơn giản.Trẻ con có bộ não rất năng động. Chúng ta hãy hướng dẫn chúng xử dụng.
“Mẹ ơi, bé Vinh xé sách con!” Cậu bé Vương thét lên một cách giận dữ đối với hành động của bé Vinh em nó. Cậu bé Vương tường thuật vấn đề khó khăn của nó và tỏ rõ phản ứng đối với vấn đề đó. Nó muốn bà mẹ giải quyết vấn đề cho nó và làm một cái gì về vấn đề đó. Đúng ra là muốn mẹ phạt em nó.
“Ô, cưng! Mẹ rất xin lỗi về việc em bé đã xé cuốn sách của con. Chúng ta không thể làm gì khác hơn về việc đó. Nhưng con có thể làm gì để em con không xé cuốn sách khác.” Cậu bé giận dữ la lên: “Con không biết.” “Con phải làm một cái gì để chận đứng nó.” Bà mẹ vẫn bình thản đối diện với cơn giận dữ của cậu bé. “Con nghĩ về điều con có thể làm và chúng ta sẽ nói chuyện với nhau về vấn đề đó sau. Con muốn làm một cái gì bây giờ?” Bà mẹ đi vào phóng tắm. Một lúc sau, khi cậu bé nguôi giận, bà mẹ mới gợi lại đề tài. Cậu bé vẫn còn nhớ sự bất công, thoạt đầu trả lời với sự thù hận nhưng bà mẹ nói vòng quanh: “Con ơi, chúng ta không thể chận đứng em con làm việc đó, con cũng biết điều đó. Chúng ta có thể làm được điều gì khác?” Bằng những câu hỏi liên tục, cuối cùng bà có thể làm cho cậu bé thấy được rằng nó có thể giữ những cuốn sách của nó ngoài tầm tay của nhóc tì em nó.
Cảm giác trổi vượt hơn những đứa con trẻ làm chúng ta nghĩ rằng chúng quá nhỏ để giải quyết vấn đề. Ấn tượng sai lầm nầy phải được ý thức và được thay thế bằng sự tín thác và tin tưởng vào khả năng của đứa bé cũng như sự ước muốn cung cấp việc hướng dẫn. Chắc chắn chúng ta không được bỏ lơ con trẻ mặc cho số phận, cũng không nên để đứa bé chịu quá nhiều ảnh hưởng của cuộc đời trong cùng một lúc. Chúng ta dùng đầu óc chúng ta. Chúng ta là những người đã có quá nhiều kinh nghiệm của cuộc đời. Chúng ta sẵn sàng đi trước dẫn lối cho con cái chúng ta để chúng biết được sức mạnh của chúng đối với cuộc đời đã được bao nhiêu. Và chúng ta tiến hành tiến trình giáo dục như thế ngay từ ngày nó được sinh ra. Từng bước, từng bước với sự chăm sóc và hướng dẫn, chúng ta dần dần mớm cho con trẻ chúng ta từng bước của cuộc đời với những gian lao thử thách cũng như với những thoải mái của cuộc sống.
Lm. Lê văn Quảng.