Trần Mỹ Duyệt
Biên Hòa ,
ngày 26 tháng 10 năm 2016
Con chào
Bác.
Bác vẫn khỏe
chứ ạ ? Giờ này, có lẽ thời tiết cũng bắt đầu trở lạnh rồi, bác nhỉ?
Bác ơi, bản
thân con đang gặp phải những vấn đề về đời sống tâm hồn và cuộc sống đời thường
nữa. Bác chỉ cho con phải làm gì nha .
Về đời sống
tâm hồn: con cảm thấy nặng nề lắm. Thời gian gần đây, con ít gặp Chúa lắm, con
ít đến nhà thờ, những giờ đọc kinh của con cũng không nhiều và con không tập
trung vào được. Con cảm nhận được khoảng cách giữa con và Chúa đang dần xa đi,
con thật sự muốn được gần Chúa, con muốn bản thân mình cảm nhận được sự hiện
diện của Chúa trong cuộc sống, con muốn con yêu Chúa cách thật sự. Nhưng cuộc
sống cứ kéo con đi, con đến trường, đến chỗ học thêm. Con không đi dự lễ chiều
mỗi ngày vì phải học thêm. Lễ sáng là vào lúc con đang ngủ, có những hôm con
dậy được, nhưng cũng có những ngày mệt quá nên con cũng không đi. Thật sự con
cảm thấy bất an và nặng nề lắm. Những khi gặp những điều không hay, con lại
nghĩ rằng con đã làm điều gì xấu và đó giống như quả báo với con vậy.
Về cuộc sống
của con: Con gặp những chuyện không vui trong học tập và trong cả những mối
quan hệ xã hội của con. Con gặp điểm xấu trong học tập, điều này khiến con
buồn, chán nản và không muốn đến trường nữa. Con cảm thấy bế tắc trong suy
nghĩ, con cứ loay hoay mãi mà không biết mình phải làm gì? Sống như thế nào?
Đâu là con đường con phải đi? Và đâu mới thực sự là con ?
Bác ơi, con
đang gặp những vấn đề như vậy. Bác hãy giúp con với.
Con cảm ơn
Bác
GÓP Ý
Chào người
“không tên”.
Chính ra người
hỏi nên cho biết tên để tiện xưng hô, nhưng thôi, thông cảm cho là vì có nhiều
chuyện bối rối nên quên tên. Và vì vậy tạm gọi là “Người không tên”.
Đọc xong lá thư
mà cứ tưởng “người không tên” là “ma sơ”. Nào là yêu Chúa, gần Chúa. Nào là đi
lễ, đọc kinh. Lại thêm cái tội bối rối là cứ nghĩ mình làm điều gì xấu nên bị
Chúa phạt. Nhưng cũng có thể là một cô gái đang trong độ tuổi dậy thì, thầm
yêu, trộm nhớ. Tương tư người yêu đến nỗi không còn chỗ cho việc học hành, việc
nhà thờ, nhà thánh. Kết quả là phần đạo đức sa sút, học lực càng ngày càng đi
xuống, tâm tính mặc cảm, chán nản, và buông xuôi.
Vậy thì làm sao
bây giờ? Thôi cứ dựa vào những điểm đang làm cho “người không tên” thấy bế tắc,
thấy bối rối mà góp vài ý tưởng vậy:
-Con muốn
con yêu Chúa cách thật sự: Thế nào là yêu Chúa thật sự và không thật sự? Điều này chỉ
có thể căn cứ vào lời Chúa giải thích về những ai muốn yêu mến Ngài: “Ai yêu
mến Ta thì hãy vâng giữ lời Ta” (Gio 14:23). Mà lời ấy dậy gì? Một cách đơn
giản, Chúa muốn ta kính mến Ngài, và yêu thương anh chị em mình. Đơn giản chỉ
có thế.
-Con không
đi dự lễ chiều mỗi ngày vì phải học thêm: Chúa nào lại buồn vì một đứa con bận
phải đi học thêm mà không thể đến nhà thờ dự lễ chiều.
-Nhưng cũng
có những ngày mệt quá nên con cũng không đi (lễ sáng): Cũng không Chúa nào
lại phiền trách đứa con mình vì “mệt quá” nên không tham dự thánh lễ buổi sáng
được. Mệt thì ở nhà mà ngủ. Ngủ trong tình yêu mến cũng làm Chúa vui rồi. Chúa
muốn ta ngủ cho khỏe để có sức mà làm mọi việc bổn phận cần phải làm một cách
tốt đẹp, đầy đủ, và trách nhiệm chứ không muốn ta đến nhà thờ ngủ gà, ngủ gật,
ngáp lên, ngáp xuống, rồi học hành sa sút, việc phải làm cũng bỏ giở, hoặc làm
một cách chiếu lệ. Nhưng nếu lười mà không tham dự thánh lễ thì phải xét lại,
nhất là bỏ lễ Chúa Nhật, lễ trọng và lễ buộc là không được.
-Con đã làm
điều gì xấu và đó giống như quả báo với con vậy: Làm điều gì xấu thì
chỉ có Chúa biết, mình biết, và quỉ nó biết. Chúa biết ta làm xấu để chờ đợi ta
ăn năn trở lại và tha thứ. Ta biết mình làm xấu để sửa sai, quay trở về với
những việc làm đạo đức tốt lành. Và thằng quỉ nó biết để nếu ta không ăn năn
trở lại, nó sẽ dùng tất cả những việc làm xấu ấy mà tố cáo ta trước tòa Chúa.
Vậy mỗi người cần hồi tâm và suy xét về hành động của mình tốt hay xấu mà tự
sửa.
-Con gặp
những chuyện không vui trong học tập: Dĩ nhiên khi tâm hồn bất an, yêu thương lẩm cẩm, buồn giận
vu vơ, lo lắng và phân tâm thì việc học bị chi phối và lực học bị giảm sút. Đây
là định luật tự nhiên. Nếu biết như thế thì người chữa ta khỏi, và nâng thang
điểm của ta lên không ai ngoài chính ta. Hãy bắt đầu lại và tự nhủ: “No pain,
no gain”. Không hy sinh, không đổ máu thì không có chiến thắng, vinh quang.
-Và trong cả
những mối quan hệ xã hội của con: Thông thường khi một người làm điều gì tội lỗi hoặc không
tốt thì hay xa tránh bạn bè, xa tránh người thân. Nhưng như một phản ứng nghịch
là càng cố tránh né, càng muốn che dấu mình, cô lập mình với bạn bè, ta lại
càng thấy mình trống trải, sơ hở và mất bình an. Vậy tốt nhất là hãy cứ đến với
anh chị em, bạn bè với tâm lý tích cực. Hãy tự nhủ: “Mình có lỗi thì sửa lỗi.
Trên đời ai không có lúc phạm lỗi này, lỗi khác”, ăn thua là ở chỗ có biết nhận
lỗi và sửa lỗi hay không. Tự cô lập mình, xa tránh bạn bè, sợ hãi, tránh né là
phản ứng tiêu cực, nó không giúp gì cho ta để thăng hoa cuộc đời.
Nhưng như đã
nói ở trên là còn một điểm nữa, đó là cái tuổi mới lớn, cái tuổi mới bước vào
tình yêu, và cái tuổi mà buồn chán vu vơ là nghề của nàng hay chàng. Đấy cũng
là điều mà khiến cho “người không tên” gặp phải nhiều chuyện vớ vẩn, nhiều
chuyện bế tắc như vậy. Hãy coi đây như là triệu chứng của tuổi dậy thì và cần
một linh mục để nhờ hướng dẫn về đời sống tâm linh. Một người lớn hiểu biết,
hoặc cha mẹ để tâm sự, để nhờ hướng dẫn về những kinh nghiệm của đời thường.
Nhưng đừng tìm đến bạn bè, hoặc vào youtube, google hay ông hoặc bà thầy bói mà
nhờ cố vấn là “rách chuyện”, vì những thứ cố vấn, cố rác này phần lớn là dẫn ta
đến đường cùng, theo kiểu: “Mù dẫn mù” thì cả hai đều lăn xuống hố.
Tóm lại, ở tuổi
17 mà tí buồn, tí vui, tí yêu, tí giận hờn, tí chán nản, tí lười là chuyện bình
thường. Điều cần là phải biết phấn đấu, biết nhìn về phía trước, và can đảm
vượt thắng những chướng ngại. Để làm chuyện này, dĩ nhiên là ta cần Chúa giúp
và cũng cần người hiểu biết để chia sẻ và học hỏi.
Trần Mỹ Duyệt
Nov. 1, 2016