LÀM CHO NHỮNG YẾN BẠC SINH LỢI GẤP ĐÔI
Hôm nay trong
dụ ngôn những yến bạc, Chúa Giêsu thúc giục chúng ta hãy sẵn sàng đón ông chủ
trở lại. Chúa Giêsu là Ông Chủ đã thực hiện cuộc hành trình khi Ngài lên trời.
Sau một thời gian dài, Chúa Giêsu sẽ trở lại vào lúc chúng ta chết hoặc vào lúc
Ngài đến lần thứ hai. Bất cứ khi nào Ngài trở lại, chúng ta sẽ đứng trước Ngài với
những yến bạc Ngài đã giao cho chúng ta. Trong dụ ngôn, các yến bạc không được giao
cho mỗi người đầy tớ bằng nhau. Tại sao? Chúa Giêsu nói rằng mỗi đầy tớ được giao
số yến bạc “tuỳ khả năng riêng mỗi người”
(Mt 25: 15). Vì vậy, mỗi người đầy tớ chỉ
nhận được số lượng yến bạc phù hợp với khả năng của mình - không quá nhiều khiến
cho những yến bạc bị lãng phí, không sử dụng hết và không quá ít để người đầy tớ
không cảm thấy thất vọng vì mình không được đánh giá cao. Hai người đầy tớ đầu
tiên làm lợi số yến bạc khác nhau nhưng không có sự khác biệt trong lời khen của
người chủ dành cho họ. Ông chủ khen người đầy tớ đã sinh lợi năm yến bạc hoàn
toàn giống như người đã sinh lợi hai yến: “Khá
lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành,
thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt
25: 21, 23). Tại sao? Vì cả hai đều siêng năng như nhau tùy theo khả năng của
mình. Phần thưởng mà họ nhận được là như nhau vì họ đều tận tâm như nhau mặc dù
họ có những khả năng khác nhau.
Tiếc thay người
đầy tớ thứ ba không làm gì cả và phải gánh chịu hậu quả. Anh ấy cũng đã nhận được
một yến bạc tùy theo khả năng của mình. Ông chủ đã mong đợi anh ấy sinh lợi một
yến, một và chỉ một, theo khả năng của anh ta mà thôi. Nhưng anh ta không siêng
năng và không cố gắng gì, kể cả việc giao một yến bạc đó cho người khác sinh lợi
giùm mình, như ông chủ nói: “đáng lý anh
phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời
chứ” (Mt 25: 27). Anh ta hoàn toàn trái ngược với người vợ xứng đáng, có
giá trị vượt xa ngọc trai trong bài đọc thứ nhất theo sách Châm ngôn: “Tìm đâu ra một người vợ đảm đang? Nàng quý
giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu
chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.
Nàng tìm kiếm len và vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc… Nàng tra tay vào guồng
kéo sợi, và cầm chắc suốt chỉ trong tay. Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ và
đưa tay cứu kẻ khốn cùng… Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Người phụ
nữ kính sợ Chúa mới đáng cho người đời ca tụng. Hãy để cho nàng hưởng những
thành quả tay nàng làm ra. Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng
do những việc nàng làm” (Cn 31: 10-13, 19-20, 30-31). Bài đọc đưa ra danh
sách những việc làm tốt đẹp của người vợ. Người vợ ấy giống như một người đầy tớ
đã nhận được năm yến bạc và sinh lợi thêm năm yến bạc một cách “tài giỏi và trung thành”. Sự siêng năng
tùy theo khả năng của cô đã trở nên gương mẫu để hôm nay cô được đọc cùng với dụ
ngôn những nén bạc.
Chúng ta hoặc
là những đầy tớ tài giỏi và trung thành
hoặc là những đầy tớ tồi tệ, biếng nhác
và vô dụng. Thiên Chúa mong đợi chúng ta siêng năng sử dụng những ân huệ mà
chúng ta đã nhận được. Thiên Chúa không mong
đợi chúng ta đạt được những kết quả giống như người hàng xóm của mình, hoặc giống
như những vị đại thánh khác; điều Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta là cố gắng “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”
(Mt 22: 27) sinh ra hoa trái cho Nước Trời ngay bây giờ. Chúng ta đừng chần chừ,
lãng phí thời gian tìm xem khi nào Chúa Giêsu sẽ đến lần thứ hai, rồi mới vội
vã đi mua dầu. Lúc đó mọi sự đã trở nên quá trễ: “Người ta đóng cửa lại” rồi! (Mt 25: 10). Vì thế Thánh Phaolô nhắc
nhở giáo đoàn Tessalônica trong bài đọc thứ hai: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết
cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban
đêm. Khi người ta nói: ‘Bình an biết bao, yên ổn biết bao!’, thì lúc ấy tai hoạ
sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai,
và sẽ chẳng có ai trốn thoát được. Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối,
để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng,
con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối”
(1 Tx 5:1-5). Tuy nhiên, không biết khi nào Chúa Giêsu sẽ trở lại không phải là
một cái cớ để ngần ngại không làm gì cả, như Thánh Phaolô khuyên bảo: “Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người
khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (câu 6). Hiện tại là một thời
gian chờ đợi thấp thỏm nhưng cũng đầy cơ hội lý thú. Thiên Chúa đã ban cho
chúng ta những khả năng. Ngài tin tưởng và giao phó cho chúng ta sử dụng những
khả năng ấy tùy theo cách chúng ta chọn lựa. Chúng ta phải tìm ra và quyết định
cách tốt nhất để sử dụng khả năng của mình cho Nước Trời.
Dụ ngôn cũng
muốn chúng ta biết rằng những gì chúng ta nhận được từ Thiên Chúa không phải là
ít ỏi nhưng vô cùng lớn lao. Một yến bạc,
vừa là đơn vị đo trọng lượng, vừa là tiền tệ và giá trị của nó bằng khoảng
6.000 ngày lao động, hai mươi năm lương công nhật. Cứ tạm tính theo thời giá hiện
nay ở Việt Nam, một ngày công lao động khoảng 200 ngàn đồng; vậy một yến bạc bằng
khoảng một tỉ hai trăm triệu đồng. Rõ ràng ông chủ đang giao cho những người đầy
tớ một số tiền rất lớn. Những người đầy tớ nhận được một điều rất lớn lao vào
thời của họ. Những gì Chúa ban cho chúng ta đều lớn lao và vô giá. Chúng ta đã
nhận được rất nhiều từ Chúa, nhưng rất thường khi chúng ta coi đó là điều tất
nhiên, không cần phải tỏ lòng biết ơn hay làm gì để đáp lại. Đức Thánh Cha Phanxicô
nói rằng các yến bạc chính là ân sủng: sự sống, vẻ đẹp, các đức tính tốt trong
tâm hồn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta: “Mọi
sự đều bắt đầu bằng ân sủng của Thiên Chúa – mọi sự luôn bắt đầu bằng ân sủng
chứ không phải bằng nỗ lực của chúng ta – với ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là
Cha và đã ban cho chúng ta rất nhiều điều tốt lành, ủy thác những tài năng khác
nhau cho mỗi người chúng ta. Chúng ta sở hữu một khối tài sản lớn không phụ thuộc
vào những gì chúng ta sở hữu mà phụ thuộc vào con người chúng ta: cuộc sống
chúng ta đã nhận được, những điều tốt đẹp bên trong chúng ta, vẻ đẹp không thể
xóa nhòa mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi tạo dựng chúng ta theo hình ảnh
Ngài… Tất cả những điều này làm nên mỗi người chúng ta quý giá trong mắt Ngài,
mỗi người chúng ta đều vô giá và độc nhất trong lịch sử! Đây là cách Chúa nhìn
chúng ta, cách Chúa cảm thấy chúng ta như thế nào” (Thánh lễ Chúa nhật 15
tháng 11 năm 2020, tại Vương cung thánh đường Thánh Phê rô). Chính vì thế “Nếu lòng tốt không được đầu tư thì nó sẽ bị
mất, và sự vĩ đại của cuộc đời chúng ta không được đo bằng số tiền chúng ta tiết
kiệm được mà bằng thành quả chúng ta sinh ra. Biết bao người dành cả đời chỉ để
tích lũy của cải, chỉ quan tâm đến cuộc sống thoải mái chứ không quan tâm đến
những điều tốt đẹp họ có thể làm. Tuy nhiên, thật trống rỗng biết bao khi một
cuộc sống tập trung vào nhu cầu của chúng ta và mù quáng trước nhu cầu của người
khác! Những ân huệ này nên được sử dụng
để làm điều tốt lành ở đời này, phục vụ Thiên Chúa và anh chị em chúng ta”
(đã dẫn).
Người đầy tớ
thứ ba đã hiểu sai về ông chủ: “Tôi biết
ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” (Mt 25: 24),
và vì thế có thái độ sai trái: “Tôi đâm sợ,
mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất” (Mt 25: 25). Anh ta không vô đạo
đức, không phạm phải một tội gì quá quắt; tội lỗi của anh ta là tội thiếu sót,
không làm những gì phải làm. Anh ta không phải là “Những người phục vụ tốt, vốn là những người chấp nhận rủi ro. Họ không
sợ hãi và quá thận trọng, họ không bám víu vào những gì mình sở hữu mà sử dụng
nó một cách có ích” (đã dẫn). Chúng ta có nên để cho sự sợ hãi và quá thận
trọng như vậy cản trở mục đích sống của mình không: làm cho tình yêu chúng ta
đã nhận được từ Thiên Chúa sinh hoa trái, là chứng tá rõ ràng cho tình yêu của
Thiên Chúa? Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục: “Chúa yêu cầu chúng ta hãy quảng đại, chiến thắng nỗi sợ hãi bằng lòng
can đảm của tình yêu, vượt qua sự thụ động trở thành đồng lõa. Ngày nay, trong
những thời điểm bất ổn này, chúng ta đừng lãng phí cuộc đời chỉ nghĩ đến bản
thân mình, thờ ơ với người khác hoặc tự lừa dối mình khi nghĩ: “Bình an biết
bao, yên ổn biết bao!” (1Tx 5:3)… Vậy thì chúng ta phục vụ như thế nào, thì mới
như Chúa muốn chúng ta phục vụ?” (đã dẫn). Giống như những người đầy tớ
trong dụ ngôn, không được bảo phải làm gì với các yến bạc của mình, Thiên Chúa
tôn trọng tự do và năng lực sáng tạo của mọi người, không ra lệnh buộc chúng ta
tuân theo một bản kế hoạch chi tiết cho từng giờ từng phút, nhưng Ngài mong muốn
chúng ta giống như Chúa Giêsu: “Con Người
đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng
sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20: 28).
Chúng ta đừng chôn
giấu bất cứ một khả năng nào của chúng ta. Nếu đã lỡ chôn giấu những yến bạc
nào thì bây giờ là lúc chúng ta cần phải đào chúng lên và làm cho chúng sinh
sôi nảy nở để có thể nghe Chúa phán với chúng ta: “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy vào mà hưởng niềm vui
của chủ anh!” (Mt 25: 21, 23). Chúng ta hãy nghe theo lời khuyên của Đức
Thánh Cha Phaxicô: “Thưa anh chị em, hãy
nhìn xem, người nghèo là trung tâm của Tin Mừng; chính Chúa Giêsu đã dạy chúng
ta nói chuyện với người nghèo; chính Chúa Giêsu đã đến vì người nghèo. Hãy đưa
tay ra giúp đỡ người nghèo. Bạn đã nhận được nhiều thứ rồi mà lại để anh chị em
mình chết đói sao?” (Kinh truyền tin, Chúa nhật 15 tháng 11 năm 2020, tại
quãng trường Thánh Phê rô).
Phêrô Phạm Văn
Trung.
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|