Tất cả chúng ta đều biết câu chuyện Bữa Tiệc Ly. Tuy nhiên, điều cần lưu
ý ở đây là Chúa Giêsu không nói: bánh này tượng trưng cho Mình Thầy và rượu này
tượng trưng cho máu Thầy; nhưng Ngài nói rõ ràng: “Đây là mình Thầy” (Mc 14:22) và “Đây là máu Thầy” (Mc 14:24). Công thức này rất quan trọng, khẳng định
sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong bánh và rượu của phép Thánh Thể.
1. Tái khám
phá tình yêu và sự sống mà Bí tích Thánh Thể trao ban.
Trong thời đại này, chúng ta dễ có khuynh hướng muốn coi mọi suy nghĩ,
triết lý và cả niềm tin tôn giáo đều có giá trị ngang nhau để làm hài lòng mọi
người và tỏ ra đoàn kết trong một khuôn khổ thống nhất, mà quên đi điều quan trọng
là chúng ta phải biết cách giữ vững đức tin của mình. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi
một cách rõ ràng: đối với chúng ta, ngày nay, Bí tích Thánh Thể là gì? Chúng ta
có thực sự nhận ra sự hiện diện sống động thực sự của Chúa Giêsu nơi hình bánh
và rượu không? Chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể với tâm tình và thái độ nào?
Chúng ta có đón nhận Chúa Giêsu trong hình bánh và rượu một cách có ý thức khi
chúng ta rước lễ không? Khi rước lễ, chúng ta có khao khát kết hợp và dâng hiến
trọn vẹn chính mình cho Chúa Giêsu như Chúa đã hiến dâng chính mình Ngài cho
chúng ta không? Phải chăng chúng ta đã quá quen trình tự của Thánh lễ đến độ
nhàm chán và thậm chí nhiều khi tự nhốt mình trong các nghi thức bề ngoài khiến
chúng ta không thể kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể thực sự bằng tất cả trái
tim?
Thật là đáng tiếc khi vẫn còn thấy những người đi lễ ăn mặc không đoan
trang, đứng đắn, đôi khi còn hở da, hở thịt, như thể họ đang đi dự tiệc tùng,
vui chơi, du lịch chứ không phải đến với Chúa. Thật là đáng tiếc khi vẫn còn thấy
các Kitô hữu đi lễ chỉ tranh thủ selfie tự sướng, chụp hình hết chỗ này, chỗ
kia, ngắm xem ai xinh đẹp, dễ thương, ai sang trọng, chứ không phải cầm lòng cầm
trí hướng về Chúa Thánh Thể. Thật là đáng tiếc khi vẫn còn thấy các Kitô hữu lên
rước lễ với cặp mắt ngó quanh hoặc bàn tay không sạch sẽ, vẫn còn nắm chặt thứ
này vật nọ, không ý thức về tình trạng của bản thân, có sống trong ân sủng, có
sạch tội hay không, mà cứ lên rước Chúa, và khi trở về chỗ của mình, họ lại bị
phân tâm hoặc quan tâm để ý đến những gì đang xảy ra chung quanh mình, lòng
không kết hiệp với Chúa và yêu mến Ngài đang ngự trong lòng mình. Thật đáng buồn
khi còn thấy các Kitô hữu rước lễ và chỉ tập trung xin Chúa thỏa mãn những nhu
cầu vật chất mà họ muốn có, như thể Chúa Giêsu là chủ ngân hàng hay người giúp
việc của họ, thay vì tạ ơn Thiên Chúa ngự vào trong con người của họ. Thật là
đáng tiếc khi vẫn còn thấy một số Kitô hữu khi đến phần rước lễ đã mau mau cúi
cúi, chào chào, rồi vội vã ra lấy xe đi về, bỏ ngang thánh lễ, không ý thức rằng
mình cũng là thành viên của cộng đoàn tín hữu đang cùng dự Tiệc Thánh!
Chúa Giêsu, Đấng trao hiến sự sống và tình yêu, vẫn phải chịu đựng những
tâm trí và thái độ hời hợt này. Ngài vẫn phải chịu khổ hình vì sự thiếu nhận biết,
thiếu tôn kính, thiếu tình yêu này! Nhưng làm sao chúng ta có thể lớn lên trong
sự tôn thờ này, trong sự nhận biết tình yêu thương này, nếu chúng ta không hiểu
đủ mà cũng không muốn tìm hiểu Bí tích Tình yêu này. Chúng ta cần phải tái khám
phá tình yêu và sự sống mà Bí tích Thánh Thể trao ban cho chúng ta; đã đến lúc
phải học lại cách sống cụ thể và thánh thiện từ việc Rước lễ.
Hôm nay khi long trọng cử hành sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Kitô, chúng
ta lắng nghe lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khơi dậy trong tâm hồn
mình “sự kinh ngạc về Thánh Thể.” Ngài nói: “Thánh Thể là quà tặng mà Chúa Giêsu Kitô tự mình thực hiện, qua đó mạc
khải cho chúng ta tình yêu vô hạn của Thiên Chúa dành cho mọi người nam nữ. Bí
tích kỳ diệu này biểu lộ tình yêu “cao cả hơn” đã khiến Ngài “hy sinh tính mạng
vì bạn hữu” (Ga 15:13). Chúa Giêsu thực sự đã yêu thương họ “đến cùng” (Ga
13:1). Bằng những lời đó, thánh sử Gioan giới thiệu hành động vô cùng khiêm nhường
của Chúa Kitô: trước khi chết vì chúng ta trên Thập giá, Ngài đã quấn khăn
quanh mình và rửa chân cho các môn đệ. Tương tự như vậy, trong bí tích Thánh Thể,
Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương chúng ta “đến cùng”, thậm chí đến hiến dâng cho
chúng ta Mình và Máu của Ngài. Các Tông Đồ hẳn phải kinh ngạc biết bao khi chứng
kiến những gì Chúa đã làm và đã nói trong Bữa Tiệc Ly đó! Mầu nhiệm Thánh Thể
cũng phải khơi dậy trong tâm hồn chúng ta điều kinh ngạc đó!” (Tông huấn hậu
Thượng Hội đồng về Bí tích Thánh Thể như nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và
sứ mệnh của Giáo hội, Sacramentum Caritatis, 22 tháng 2 năm 2007).
2. Trong Bí
Tích Thánh Thể, Máu Chúa Giêsu Kitô trở thành máu giao ước vĩnh cửu Thiên Chúa
xác lập với nhân loại.
Bài đọc thứ nhất trích Sách Xuất hành thuật lại: “Ông Môsê xuống núi thuật lại cho dân mọi lời của Chúa và mọi điều luật.
Toàn dân đồng thanh đáp: Mọi lời Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành. Ông Môsê
chép lại mọi lời của Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân
núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các thanh
niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Thiên
Chúa. Ông Môsê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy
lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những
gì Thiên Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo. Bấy giờ, ông Môsê lấy
máu rảy lên dân và nói: Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã lập với anh em, dựa
trên những lời này” (Xh 24:1-8).
Trong thế giới cổ xưa, kể cả thời kỳ được mô tả trong Cựu Ước, hiến tế
là cách người ta ký kết một giao ước. Giao ước không chỉ là một “hợp đồng” hay
một “thỏa thuận”. Đó là một cam kết trọn đời giữa hai bên. Ký kết một giao ước
là thực hiện một nghĩa vụ quan trọng nhất mà các bên đã đánh cược mạng sống của
mình.
Các giao ước được hình thành bằng máu bởi vì, đối với hầu hết con người
thời cổ đại, máu là nền tảng của sự sống. Nếu máu của bạn đổ ra, bạn sẽ trở nên
yếu đi. Nếu đổ quá nhiều, bạn đã chết. Đó là lý do tại sao động vật được hiến tế:
máu của chúng tượng trưng cho máu của những người lập giao ước với nhau. Các
giao ước có thể là giữa những người bình đẳng, nhưng thường là giữa những người
không ngang cấp, giữa cấp trên và cấp dưới. Một vị vua bại trận giờ trở thành
chư hầu của kẻ chinh phục mình và bị ràng buộc bởi giao ước.
Và khi Thiên Chúa lập các giao ước - với Abraham, với Môsê, với Israel -
đó là những giao ước chắc chắn nhất giữa những người không ngang cấp. Các đối
tác trong giao ước tự ràng buộc bằng mạng sống của mình để làm hoặc không làm điều
gì đó đối với người kia. Một chư hầu tự buộc mình không được phản bội nhà vua
và phải bảo vệ nhà vua. Israel tự buộc mình phải tuân giữ Lề luật của Thiên
Chúa, và Thiên Chúa tự buộc mình là Chúa của họ và họ là dân của Ngài.
Giao ước đầu tiên của Thiên Chúa là sự sáng tạo: Thiên Chúa gắn kết
chính mình với con người một cách đặc biệt bằng cách tạo dựng con người theo “theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”
(Stk 1:26). Con người đã phá vỡ giao ước đó bằng cách muốn mình không phải là
hình ảnh giống Thiên Chúa, mà là “như Thiên Chúa”, tự mình quyết định điều gì
là tốt và điều gì là xấu. Isael đã phá vỡ giao ước của Thiên Chúa bằng cách
liên tục suy thoái về mặt tôn giáo.
Giao ước cuối cùng và dứt khoát, được thực hiện bằng “Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”
(Mc 14: 24) với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, không phải được thực hiện bằng “máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu
của mình” (Dt 9: 12), của một con người đồng thời là Thiên Chúa. Là con người
hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa; là Thiên Chúa, lễ vật của Ngài thật hoàn hảo.
Chúa Giêsu đã làm điều cần phải làm mà chúng ta không thể làm. Ngài đã hiến
mình trên Thập Giá cho đến chết. Chúa Giêsu nói rõ ràng về Bí tích Thánh Thể là
Mình và Máu của Ngài. Chúng không “đại diện” hay “tượng trưng” cho thân xác và
dòng máu của Ngài; đó chính là Thân mình và Máu Ngài, “Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được
tha tội.” (Kinh Tạ ơn II). Hành động tuyệt đối tuân phục thánh ý Chúa Cha
cho đến đổ máu ra và chết của Chúa Giêsu được tái hiện trong mỗi Thánh Lễ.
Chúa Giêsu rõ ràng muốn Thánh Thể là một phần của lễ của Ngài trên thập
giá. Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói rằng Bí tích Thánh Thể làm cho hy tế của
Chúa Kitô hiện diện: “Hy tế thánh, bởi vì
hy tế duy nhất của Đức Kitô Đấng Cứu Độ được hiện tại hoá và bao gồm cả lễ vật
của Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể còn được gọi là Hy tế Thánh lễ, “lễ tế ngợi
khen” (Dt 13,15) , lễ tế thiêng liêng, hy tế tinh tuyền và thánh thiện, bởi vì bí tích này hoàn tất
và vượt trên mọi hy tế của Giao Ước cũ” (GLHTCG, số 1330).
3. Thánh Thể,
mầu nhiệm tình yêu cần được công bố.
Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô hiện diện và được công bố trong Bí tích
Thánh Thể qua việc tái hiện Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu trong phụng vụ. Như Chúa
Giêsu đã chúc phúc cho bánh và rượu rằng: “Anh
em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” và “Đây
là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14: 22,24)), những cử
chỉ và lời nói này vang vọng trong việc cử hành Thánh Thể.
Khi tham dự buổi cử hành Thánh lễ, các tín hữu cảm nghiệm thực tại huyền
nhiệm về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Hành vi rước lễ là
một cách công bố hy tế của Chúa Kitô và báo trước bữa tiệc vĩnh cửu trong Nước
Thiên Chúa. Các Tông đồ, trong bữa Tiệc ly, được rước lễ từ tay Chúa Giêsu như
thế nào thì ngày nay các tín hữu, khi tham dự Thánh lễ, cũng được rước lễ từ
tay của Chúa Giêsu như vậy, qua các thừa tác viên. Điều này giúp các tín hữu
đương thời hiểu rằng họ được hiệp nhất với cộng đoàn các tông đồ khi lần đầu
tiên các ngài cử hành Bí tích Thánh Thể với Chúa Kitô.
Trong Thánh lễ, chúng ta đến với nhau để sau khi dự bàn tiệc Lời Chúa, lắng
nghe những Lời giảng dạy của Chúa Giêsu, chúng ta tham dự vào Bàn tiệc Mình Máu
Thánh của Ngài. Chúng ta được nuôi dưỡng từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh
Thể, sau đó chúng ta ra đi và công bố Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể cho thế giới. Theo nghĩa đó, Giáo hội không
chỉ là một nguồn suối nơi mọi người đến để uống nước, mà còn là một hệ thống tưới
tiêu, nhờ những người đã đến uống nước ở nguồn đó, rồi đem nước đó đi tưới khắp
thế giới,: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến,
mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”
(1 Cr 11: 26).
Với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban cho chúng ta điều
răn yêu thương, và đặt vào trong chúng ta một lực đẩy mới. Với Bí tích Rửa tội,
chúng ta bắt đầu một cuộc sống mới vốn cần được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh
Thể. Lực đẩy mới của cuộc sống này đưa dẫn chúng ta đến việc ra đi công bố và
thực hành điều răn yêu thương này, đến mức hiến dâng sự sống của chúng ta, là
những Kitô hữu đích thực.
Chúa Kitô yêu thương ban cho chúng ta sự sống mà Ngài nhận được từ Chúa
Cha. Chúng ta cũng cần sống yêu thương, trước hết bằng cách đón nhận tình yêu
ban sự sống từ Chúa Cha, qua lương thực Thánh Thể là Chúa Giêsu, để rồi trao
ban tình thương và cuộc sống của chính mình cho những người chung quanh, bằng sức
mạnh của Chúa Thánh Thần. Đó là thực hiện Lời Chúa Giêsu truyền dạy: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”
(Lc 22:19).
Phêrô Phạm Văn Trung.