KIÊN NHẪN GIEO TRỒNG ĐIỀU THIỆN HẢO ĐỂ CÓ MÙA BỘI THU
Chuyên mục:
TÔI TIN, CHÚNG TÔI TIN
Phêrô Phạm Văn Trung
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bitly.li/8tF5
Chúa
Giêsu nói về triều đại của Thiên Chúa bằng các dụ ngôn, dựa trên đời sống hàng
ngày của người làm nghề nông, vốn là nghề của nhiều người Do Thái thời đó. Bằng
dụ ngôn, Chúa Giêsu loan báo về Nước Thiên Chúa: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây?
Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?” (Mc 4:30).
1. Nước Thiên Chúa như hạt lúa âm thầm tăng
trưởng.
Với
dụ ngôn về người gieo hạt giống, Chúa Giêsu cho thấy nhiều sự thật khác nhau về Nước Thiên Chúa. Buổi ban đầu, lời rao giảng của Chúa Giêsu không
được nhiều người nghe để tâm tiếp nhận. Dẫu vậy, Lời
Chúa vẫn hoạt động để mở rộng Nước Thiên Chúa trong cõi lòng của mỗi người bằng
sức mạnh tâm linh vô hình giống như hạt lúa âm thầm tăng trưởng.
Chính sức mạnh thần thiêng không thể cưỡng lại này làm cho hạt giống nảy mầm và
lớn lên: “Đất
tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau
cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt” (Mc 4:28) cho đến khi thu
hoạch: “Lúa
vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc
4:29). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự phát triển
huyền nhiệm, không thể thấy được, của Nước Thiên Chúa theo ý định tốt lành của
Thiên Chúa và sự chờ đợi kiên nhẫn của những tôi tớ trung thành gieo vãi hạt
giống như Ngài đã định.
Dụ
ngôn muốn làm sáng tỏ rằng Nước Thiên Chúa là
công trình của Thiên Chúa và luôn luôn phát triển, dù người ta có thích hay
không, có thấy hay không. Người
gieo hạt ở đây chính là Thiên Chúa, hạt gieo
chính là Nước Thiên Chúa. Khi hạt đã được gieo vào mảnh đất, sức sống của nó
không ai có thể cưỡng lại được; Ngày đêm, sự sống tự động nảy mầm và
phát triển. Hạt giống đầu tiên sẽ trở thành đòng đòng, sẽ cho bông. Lúc đầu hạt
còn thưa thớt, dần dần bông sẽ sinh nhiều hạt và ngày thu hoạch, cây sẽ trĩu
hạt (Mc 4:28).
Vào
thời Thánh Máccô viết sách Tin Mừng, những Kitô hữu đang tự hỏi một câu hỏi
lớn. Chúa đã phán rằng thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi Ngài trở lại để
thiết lập triều đại của Ngài: “Thầy bảo
thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra” (Mc
13:30). Vương quốc được kỳ vọng sẽ chiến thắng, nhanh chóng, ngoạn mục. Vậy tại
sao Ngài lại trì hoãn, đặc biệt lúc đó đang có làn sóng bách hại tàn bạo chống
lại các Kitô hữu, như thể quyền lực của sự dữ đang thống trị. Liệu Nước Trời có phải là một ảo ảnh không? Rõ ràng không
có gì xảy ra: Thiên Chúa dường như ở rất xa và không hoạt động, Giáo hội của
Chúa như thể bị chôn vùi. Câu trả lời nằm trong dụ ngôn: chúng ta
phải kiên nhẫn chờ đợi đến mùa thu hoạch, đến ngày phán xét cuối cùng, như
người nông dân biết chờ đợi sự luân chuyển của các mùa, tin tưởng vào quy luật
của trời đất. Sẽ có một vụ thu hoạch, nhưng đúng vào thời điểm của nó. Nước Trời cũng có thời điểm của mình. Vội vã chẳng ích
gì. Cần chờ đợi mùa màng bội thu mà không tuyệt vọng, bất chấp những gì xảy ra bên ngoài, vì chúng ta
đang đứng trước một quyền năng nhiệm mầu, khó nhận thấy nhưng luôn hoạt động và
hiệu quả, luôn đạt được mục tiêu của mình. Chúng
ta cần nên giống Chúa Giêsu: lạc quan không nao núng, bất chấp những cơn gió
ngược, những cơn suy thoái. Nước Trời là một thực tại vẫn đang trong
giai đoạn tăng trưởng, hòa lẫn với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hãy kiên
nhẫn và tin tưởng. Nước Trời tự phát triển và lớn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh
nào. Chúa Giêsu trả lời thật rõ ràng: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều
có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay ở kia kìa! vì
này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:20-21)
2. Nước Thiên Chúa như hạt
cải nhỏ bé đang dần lớn lên.
Chúa
Giêsu cũng nói rằng Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, “loại hạt nhỏ nhất trên
mặt đất” (Mc 4:31). Trong văn hóa
thời đó, hạt cải thường được dùng để chỉ những điều nhỏ bé nhất. Chúa Giêsu áp
dụng cách dùng đó trong dụ ngôn này: sự khởi đầu
của Nước Thiên Chúa rất nhỏ đến mức dường như không đáng kể. Giống như không ai chú ý đến hạt cải thì hầu như
không ai để ý đến sự khởi đầu của Nước Thiên Chúa.
Tuy
nhiên, sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa không hệ
tại nguồn gốc khiêm tốn của nó, gần
như không ai thấy. Vì giống như hạt cải mọc lên thành loại cây lớn
nhất trong vườn, Nước Thiên Chúa cuối cùng cũng phát triển đến mức không ai có
thể bỏ qua: “Nhưng
khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi
chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4:32). Lịch sử chứng minh
sự thật trong lời dạy của Chúa Giêsu. Ngài bắt
đầu với mười hai con người không có gì xuất sắc, được Ngài chọn làm Tông đồ, và
một số môn đệ khác. Ngài đã sống và qua đời ở nơi được coi là một
tỉnh hẻo lánh của Đế quốc La Mã, và Ngài chỉ được các
nguồn lịch sử thế tục thời đó nói lướt qua. Nhưng kể từ khi Chúa Giêsu đi rao giảng Lời Thiên Chúa, chữa lành các
bệnh tật, trừ quỷ, rồi sau đó chịu khổ hình, chết, phục sinh và lên trời, thì
Nước Thiên Chúa đã phát triển lớn mạnh: “Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và
Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính
sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Chúa Thánh Thần nâng đỡ” (Cv
9:31). Ngày nay Hội thánh Chúa có mặt trên khắp thế giới và phát triển ngay cả
ở những vùng đất bị coi là thù nghịch nhất. Hạt cải nhỏ bé đang trở thành cây
cải to lớn.
Sự
tương phản được làm nổi bật giữa lúc khởi đầu
khiêm tốn và quy mô ấn tượng vào ngày cuối: giống như nhóm người ít ỏi tụ tập
tại Phòng Tiệc Ly vào Lễ Ngũ Tuần xưa kia và Giáo Hội ngày nay lan rộng khắp
trái đất. Đây là sự kỳ diệu, là
quyền năng thực sự của Thiên Chúa: Lời được gieo
trồng trong sự nghèo khó và khiêm nhường, dần dần trở thành một cây
to lớn đủ rộng để che chở cho toàn thể nhân loại, mọi tôn giáo, mọi nền văn
hóa, mọi quốc gia. Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa chọn kẻ yếu, kẻ nhỏ để làm
hổ thẹn kẻ mạnh, chọn kẻ ngu để làm xấu hổ kẻ khôn: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên
Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1 Cr 1:27).
Đức
Thánh Cha Phanxicô nói: “Nước Trời tựa
hạt giống được gieo xuống, phát triển từ bên trong, phát
triển âm thầm trong chúng ta và giữa chúng ta… Thế nhưng ai làm cho
hạt giống lớn lên, ai làm cho cây mọc lên? Đó là
Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong chúng ta. Chúa Thánh Thần là thần
khí của sự dịu hiền, của khiêm nhường, của tinh thần vâng phục, của sự đơn sơ
giản dị. Chính Chúa Thánh Thần là
Đấng làm cho Nước Trời lớn lên từ bên trong. Chúa
Thánh Thần là tác nhân, chứ không phải các kế hoạch mục vụ, không phải những
điều to tát… Không, không phải những điều ấy, mà chính Chúa Thánh Thần âm thầm
hoạt động. Ngài hoạt động làm cho hạt giống nảy mầm, cây mọc lên, và
sinh hoa kết trái… Thế đó, trong Nước Thiên Chúa
luôn luôn có sự ngạc nhiên, bởi vì đó chính là quà tặng đến từ Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa không đến để thu hút sự thị hiếu
của người ta, càng không phải theo kiểu những cuộc quảng cáo. Nước Trời không
đến như một điều có thể quan sát được, và người ta sẽ không nói: Ở đây này, hay
ở kia kìa. Nước Trời không phải là cuộc trình diễn, hay tệ hơn nữa, nhiền lần
người ta nghĩ Nước Trời tựa như lễ hội” (Thánh lễ tại nhà
nguyện Marta 16-11-2017).
3. Thiên Chúa luôn luôn
hoạt động trong cuộc đời của chúng ta.
Phải
chăng điều này có nghĩa là chúng ta không cần phải làm gì cả? Không phải thế.
Chúng ta được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa, nên chúng ta cần hết lòng hết
sức làm cho vườn nho ấy sinh nhiều hoa trái. Tuy nhiên, chúng ta không phải là những người hoàn toàn quyết định về năng
xuất của vụ thu hoạch. Chúng ta chỉ là người cộng tác nhỏ bé vào công trình vô
cùng lớn lao của Thiên Chúa. Sự đóng góp của chúng ta hoàn toàn không có gì
đáng kể: “Anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy
nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy
thôi” (Lc 17:10). Dẫu sao, đối với Chúa, chúng ta không phải là
những người vô ích vì Chúa muốn sự cộng tác của
chúng ta. Cho nên, dù chúng ta ngủ hay thức, chỉ có Chúa mới làm cho Nước Trời
lớn lên. Giáo hội bắt đầu với một số ít môn đệ ít học, không một xu
dính túi, không có thân thế “khủng”, không được đào tạo về tiếp thị hoặc bằng
cấp về truyền thông, với Phêrô là người lãnh đạo, vốn đã chối bỏ Thầy Giêsu của
mình. Nhưng Giáo Hội đó vẫn đứng vững trước gió và thủy triều, vẫn tồn tại mà
còn tiếp tục phát triển và lan rộng.
Đức
Thánh Cha Phanxicô nói: “Hôm nay Chúa
Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa, tức là sự hiện diện của Ngài ở trong lòng của
vạn vật và thế giới, với hạt cải là loại hạt nhỏ nhất: nó thật nhỏ bé. Tuy
nhiên, khi được gieo xuống đất, nó mọc lên cho đến khi trở thành cây cao nhất
(Mc 4: 31-32). Đó là những việc Chúa làm. Có
những lúc, sự huyên náo của thế gian, cùng với nhiều hoạt động lấp đầy trong
ngày của chúng ta, ngăn cản chúng ta không thể dừng lại và nhìn thấy cách Thiên
Chúa đang hướng dẫn lịch sử. Tuy
nhiên - Tin Mừng bảo đảm với chúng ta - rằng Thiên
Chúa luôn làm việc, giống như một hạt giống nhỏ bé tốt lành âm thầm và từ từ
nảy mầm. Và, dần dần nó trở thành một cây xanh tươi sum suê, mang
lại sự sống và sự thư thái cho mọi người. Hạt
giống của những việc tốt lành của chúng ta dường như cũng là một việc bé nhỏ,
nhưng tất cả những gì tốt đẹp đều thuộc về Thiên Chúa, và từ đó, nó từng bước
từng bước, khiêm nhường trổ sinh hoa trái. Chúng ta hãy nhớ rằng điều thiện hảo luôn
luôn phát triển trong con đường khiêm nhường, theo cách âm thầm, thường chẳng
ai nhìn thấy. Chúa Giêsu muốn truyền cho chúng ta sự vững tin. Quả
thật, trong rất nhiều hoàn cảnh của cuộc sống, chúng
ta có thể bị ngã lòng vì chúng ta thường nhìn thấy việc thiện hảo thì yếu thế
so với sức mạnh phô trương của sự dữ. Và chúng ta có thể để cho bản
thân bị tê liệt bởi sự hoài nghi khi chúng ta
thấy rằng chúng ta đang làm việc thật cần mẫn nhưng chẳng đạt được kết quả, và
mọi thứ dường như không bao giờ thay đổi. Tin Mừng yêu cầu chúng ta
hãy có cái nhìn mới về bản thân và thực tế, đòi hỏi chúng ta phải có đôi mắt mở to hơn để có thể nhìn xa hơn, đặc biệt là vượt
qua vẻ bề ngoài để khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn hoạt
động trong mảnh đất của cuộc đời chúng ta và của lịch sử với tình yêu khiêm
nhường. Đây là sự vững tin của chúng ta, đây là điều tiếp thêm sức
mạnh cho chúng ta để tiến bước mỗi ngày một cách kiên
trì, gieo cấy sự thiện hảo để rồi sẽ đơm hoa kết trái” (ĐTC Phanxicô trong buổi kinh Truyền tin,
ngày 13.6.2021).
Phêrô Phạm Văn Trung,
Hẹn gặp lại
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|