Chúng ta nói về Bí tích Thánh Thể theo hai
nghĩa: Thánh lễ và Bí tích. Nghĩa thứ nhất là việc tái dâng hiến hy tế của Chúa
Giêsu trên thập giá. Nghĩa thứ hai là Bí tích Thánh Thể, mà chúng ta tôn thờ
trong nhà tạm hoặc mặt nhật, và nhận được khi Rước lễ.
Thánh
Lễ
“Đang khi
ăn bữa Tiệc ly, trong đêm Người bị nộp, Đấng Cứu Độ chúng ta đã thiết lập Hy tế
Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy tế thập giá trường tồn qua các
thời đại, cho tới khi Người đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của
Người là Hội Thánh, việc tưởng nhớ sự Chết và Sống lại của Người: Đây là bí
tích tình yêu, là dấu chỉ sự hợp nhất, là mối dây bác ái, là bữa tiệc Vượt Qua,
nơi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và nhận được bảo
đảm cho vinh quang tương lai” (GLHTCG 1323).
Chúng ta nên suy ngẫm về những lời đọc trên hy lễ
khi chúng ta dâng Thánh lễ. Những lời này đặc biệt rõ ràng trong Kinh nguyện
Thánh Thể thứ ba:
“Vì vậy, lạy
Chúa, khi kính nhớ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ, sự sống lại và lên trời vinh
hiển của Con Chúa, đồng thời mong đợi Người lại đến, chúng con dâng lên Chúa hy lễ hằng sống và thánh thiện này để tạ
ơn Chúa.” “Thánh Thể” có nghĩa là tạ ơn trong tiếng Hy Lạp. Chúng con nài xin
Chúa đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh
dâng lên Chúa, và khi Chúa nhận đây chính là của lễ mà Chúa muốn hiến tế để
nguôi lòng Chúa, xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, và
được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần
trong Chúa Kitô...Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở nên của lễ muôn đời dâng tiến Chúa…” (được nhấn mạnh
thêm)
Từ dòng cuối cùng này, chúng ta thấy rằng trong
Thánh lễ, chúng ta phải dâng mình trên bàn thờ hy tế. Chúng ta cũng là của lễ cho
tội lỗi của thế gian. Khi chúng ta thưa “Amen”, chúng ta thừa nhận và đồng ý với
điều này. Giáo hội xác nhận điều này trong Huấn thị Eucharisticum Mysterium của Bộ Phụng tự, ngày 25/5/1967. “Giáo hội, hiền thê và thừa tác viên của Chúa
Kitô, cùng với Người thực hiện vai trò của tư tế và của lễ, dâng Người cho Chúa
Cha và đồng thời cùng với Người dâng hiến toàn bộ chính mình” (Đoạn c). Vì
vậy, các thành viên của chức tư tế thừa tác và chức tư tế phổ quát, tất cả
chúng ta được kêu gọi dâng mình vì tội lỗi của chúng ta và vì tội lỗi của thế
gian.
Bí tích Thánh Thể có mục đích biến đổi chúng ta:
“Việc thông phần vào Mình và Máu Chúa
Kitô không có hiệu quả nào khác ngoài việc hoàn thành sự biến đổi của chúng ta
thành điều chúng ta lãnh nhận” (Công đồng Vatican II, Lumen Gentium Const.
on Church, đoạn 26). Phép lạ vĩ đại của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bánh và
rượu trở thành Chúa Kitô, mà chúng ta còn trở thành những Chúa Kitô khác khi
lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, cho phép chúng ta bày tỏ với thế giới lòng nhân từ
và tình yêu của Chúa Kitô, thông
qua cá tính độc đáo của riêng mình .
Công đồng Trentô gọi Thánh lễ là “Lễ Vượt qua Mới”. Cũng như người Do Thái
đã dâng và dự phần vào Chiên Con không tì vết để cử hành Lễ Vượt qua của họ,
hành động cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập
để tiến về miền đất hứa, thì chúng ta cũng dâng và dự phần vào Chiên Con không
tì vết của Thiên Chúa để cử hành Lễ Vượt qua Mới, hành động cứu độ của Chúa
Kitô, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi để tiến về miền đất
hứa Thiên đàng.
Trentô cũng dạy rằng Thánh lễ là “lễ vật hiến tế được báo trước bởi nhiều loại
hy lễ khác nhau theo chế độ của tự nhiên và của Lề luật. Vì nó bao gồm tất cả
những điều tốt lành được biểu thị bởi những hy lễ trước đó; đó là sự hoàn thành
và hoàn thiện những hy lễ đó.” Vì vậy, tất cả các hy lễ trong Cựu Ước - chiên con, vật tế thần, và tất cả các con vật
bị giết để làm lễ vật chuộc tội - chỉ là hình ảnh báo trước về một hy lễ hoàn hảo
của Chúa Kitô trên thập tự giá, như được trình bày lại trong Thánh lễ. Hơn nữa,
việc giết các con vật tự nó không thể mang lại sự tha thứ tội lỗi, mà chỉ là
hình ảnh báo trước về hy lễ của Chúa Giêsu.
Công đồng Vatican II đã dạy:
*Từ Bí
tích Thánh Thể, ân sủng được đổ xuống trên chúng ta như từ một nguồn suối, và sự
thánh hóa con người trong Chúa Kitô và sự tôn vinh Thiên Chúa mà mọi hoạt động
khác của Giáo hội hướng đến, như hướng tới mục đích của chúng, đều đạt được hiệu
quả tối đa (Sắc lệnh về Phụng vụ, số 10).
Từ đó, chúng ta có thể thấy tại sao Thánh lễ được
mô tả trong Công đồng Vatican II là “nguồn
mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (LG 11). Liệu có thể có một lễ vật
nào mạnh mẽ hơn lễ tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không? Việc
Thánh lễ làm cho hy lễ duy nhất cứu chuộc chúng ta trở
nên hiện thực còn là điều mạnh mẽ hơn nữa. Đó không phải là một hy lễ mới mỗi lần được dâng lên,
như những người chỉ trích chúng ta đề ra, mà là hy lễ duy nhất của Chúa Kitô trở
nên hiện thực và được chúng ta dâng lại.
Thánh Gioan Vianney đã dạy rằng: “Nếu chúng ta thực sự hiểu Thánh lễ, chúng ta
sẽ chết vì vui sướng… Mọi việc lành cộng lại không thể có giá trị bằng một
Thánh lễ, vì những việc lành là công trình của con người, trong khi Thánh lễ là
công trình của Thiên Chúa.”
Không gì có thể mang lại cho chúng ta nhiều ân sủng
hơn, không gì có thể chuẩn bị cho chúng ta tốt hơn để sống với Chúa trong Nước
của Ngài, không gì có thể xóa bỏ hình phạt luyện ngục hơn việc chúng ta tham dự
Thánh lễ trong tinh thần cầu nguyện. Đây là lý do tại sao tất cả chúng ta nên
cân nhắc việc tham dự Thánh lễ hằng ngày, biết được chiều sâu của tình yêu mà
Chúa mong đợi ở chúng ta, yêu Ngài hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, để
bước vào Nước Trời.
Thánh Joseph Cottolengo đã khuyên mọi người nên
tham dự Thánh lễ hằng ngày và ngài nói rằng những ai không tham dự Thánh lễ hằng
ngày là những người “quản lý thời gian
kém”. Ngay cả khi chúng ta thấy khó có thể tham dự Thánh lễ hằng ngày vì lịch
trình làm việc, hay bất cứ lý do gì, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện đơn giản: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn con tham dự Thánh lễ
hằng ngày, xin hãy sắp xếp cuộc sống của con để con có thể tham dự .” Tôi
đã thấy Chúa trả lời lời cầu nguyện này trong rất nhiều cuộc đời, kể cả cuộc đời
của tôi.
Lâu trước khi tôi vào chủng viện, tôi đã nghĩ đến
việc tham dự Thánh lễ hàng ngày trong nhiều năm. Nhìn lại, tôi không biết tại
sao tôi lại do dự vì tôi thường tham dự Thánh lễ hàng ngày trong Mùa Chay. Một
đêm nọ, tôi chợt nghĩ. “Ngày mai tôi sẽ bắt đầu và tham dự Thánh lễ hàng ngày trong
ba tháng. Nếu những lần đầu không giết chết tôi, tôi sẽ tiếp tục tham dự suốt đời.”
Ba tuần sau khi áp dụng cách làm mới, tôi thực sự cảm thấy tốt lành hơn! Tôi
quyết tâm không bao giờ dừng lại, và thực tế tôi đã không bao giờ dừng lại. Tất
nhiên, bây giờ tôi có thể tham dự Thánh lễ hàng ngày dễ dàng hơn nhiều so với
trước khi tôi được thụ phong!
Chúng tôi, những linh mục, được phép cử hành ba
Thánh lễ hai ngày trong năm, ngay cả khi không có nhu cầu mục vụ: Ngày lễ Các
Linh hồn và Ngày lễ Giáng sinh. Biết được tầm quan trọng của những Thánh lễ này
đối với các linh hồn trong Luyện ngục, tôi thường phải di dời cả những quả núi
để cử hành được những Thánh lễ này vào những ngày đó.
Sự
hiện diện thực sự
Có vẻ như chúng ta cần phải thuyết phục lại người
Công giáo về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Đã có
126 phép lạ Thánh Thể được Giáo hội chấp thuận trong lịch sử của Giáo hội, cho
thấy sự hiện diện thực sự của
Chúa Giêsu, bao gồm ba phép lạ kể từ năm 2000. Lần này đến lần khác, Bánh Thánh
trong Thánh lễ biến thành thịt người, máu Thánh Thể biến thành máu người.
Một phép lạ như vậy liên quan đến một tu sĩ ở
Lanciano, Ý, vào thế kỷ thứ tám, đã nghi ngờ Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô
khi một ngày nọ ông cử hành Thánh Lễ. Rồi thì, ngay sau khi truyền phép, vị tu
sĩ nhận thấy rằng bánh thánh đã biến thành một miếng thịt tròn và rượu đã biến
thành máu rõ rệt. Khi ông bắt đầu khóc vì vui mừng, ông đã thông báo với cộng
đoàn:
*Ôi
những chứng nhân may mắn mà Thiên Chúa đã muốn bày tỏ chính Ngài cho chúng ta
thấy để đánh tan sự hoài nghi của tôi! Hỡi anh em, hãy
đến và kinh ngạc trước Chúa của chúng ta, rất gần chúng ta. Hãy nhìn xem xác thể
và máu của Chúa Kitô yêu dấu nhất của chúng ta.
[1]
Cộng đoàn nhanh chóng tiến lên để ngắm xem phép
lạ, và sau Thánh lễ họ ra về loan truyền tin này. Thịt vẫn còn nguyên vẹn và
máu đông lại thành năm phần không bằng nhau. Năm phần cộng lại được phát hiện
có trọng lượng bằng nhau như từng phần riêng lẻ. Các thánh tích được lưu giữ
trong nhà thờ trong vài trăm năm tiếp theo.
Năm 1970, Tổng giám mục Lanciano, cùng với Giám
tỉnh Dòng Phanxicô tại Abruzzo, với sự cho phép của Vatican, đã ủy quyền cho Tiến
sĩ Edward Linoli, giám đốc bệnh viện tại Arezzo và là giáo sư giải phẫu, mô học,
hóa học và kính hiển vi lâm sàng, thực hiện một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng các
thánh tích. Ông đã trình bày báo cáo của mình vào ngày 4 tháng 3 năm 1971. Tóm tắt
các kết quả bao gồm những điều sau:
1. “Thịt
kỳ diệu” là thịt thật bao gồm các mô cơ vân của tim.
2. “Máu
kỳ diệu” thực sự là máu. Phân tích sắc ký chỉ ra điều này với sự chắc chắn tuyệt
đối và không thể chối cãi.
3. Nghiên
cứu miễn dịch học cho thấy chắc chắn rằng thịt và máu là của con người, và xét
nghiệm miễn dịch huyết học cho phép chúng ta khẳng định một cách hoàn toàn
khách quan và chắc chắn rằng cả hai đều thuộc cùng nhóm máu AB - giống như nhóm
máu của các phép lạ Thánh Thể khác và là nhóm máu đặc trưng nhất của sắc dân
Trung Đông. [2]
Báo cáo của Tiến sĩ Linoli được công bố trên
“Quaderni Sclavo di Diagnostica Clinica e di Laboratori” số 3 năm 1971. Nó đã
thu hút rất nhiều chú ý, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO đã chỉ định
một nhóm khoa học để xác nhận kết quả của Linoli. Nhóm khoa học đã theo đuổi nỗ
lực này trong 15 tháng và thực hiện 500 cuộc thử nghiệm. Họ phát hiện ra rằng mảnh
thịt là sống vì nó phản ứng với các cuộc thử nghiệm của họ như một sinh vật sống.
Kết quả của họ hoàn toàn phù hợp với phát hiện của Linoli. Họ đã công bố kết quả
của mình vào năm 1976 tại New York và Geneva. Kết luận của họ là gì? “Khoa học,
nhận thức được những hạn chế của mình, đã dừng lại, đối mặt với sự bất khả thi
của việc đưa ra lời giải thích.” [3]
Những thánh tích kỳ diệu này vẫn có thể được
nhìn thấy trong nhà thờ hiện dành riêng cho Thánh Phanxicô thành Assisi ở
Lanciano, Ý. [4]
Một phép lạ khác đã xảy ra vào đầu thế kỷ thứ mười
ba tại Santarem, Bồ Đào Nha (35 dặm về phía nam Fatima). Một người phụ nữ lo lắng
về sự không chung thủy của chồng mình đã tìm đến sự giúp đỡ của một phù thủy để
kiềm chế chồng bà. Phù thủy đồng ý giúp người phụ nữ nếu bà mang cho phù thủy một
Mình Thánh đã được truyền phép từ một Thánh lễ Công giáo. Người phụ nữ đã do dự
khi làm điều đó nhưng cuối cùng bà đã đồng ý. Bà đã tham dự Thánh lễ tại nhà thờ
Thánh Stêphanô, và sau khi rước Mình Thánh, bà đã lấy Mình Thánh ra khỏi miệng
và quấn vào khăn quàng cổ. Khi bà rời khỏi nhà thờ, Mình Thánh bắt đầu chảy máu
và máu bắt đầu chảy ra từ tay bà. Những người nhìn thấy điều này tỏ ra lo lắng
vì có vẻ như bà đang chảy máu. Khi bà nhìn xuống và thấy máu, bà đã hoảng sợ.
Bà vội vã về nhà và giấu chiếc khăn quàng cổ có Mình Thánh vào ngăn dưới cùng của
một chiếc rương trong nhà mình.
Đêm đó khi bà và chồng đang ngủ, họ bị đánh thức
bởi một luồng sáng rực rỡ phát ra từ chiếc rương. Sau đó, họ thấy một loạt các
thiên thần đang thờ lạy Bánh Thánh đang chảy máu. Người phụ nữ thừa nhận hành
vi phạm thánh của mình là ăn cắp Bánh Thánh từ nhà thờ. Cả hai quỳ xuống trước
Bánh Thánh kỳ diệu để thống hối tội lỗi của
người phụ nữ.
Sáng hôm sau, họ kể lại với vị linh mục. Linh mục
đến nhà và mang Mình Thánh trở về ngay sau đó với một cuộc rước kiệu cùng với sự
tham gia của nhiều linh mục và giáo dân. Mình Thánh chảy máu thêm ba ngày nữa.
Họ quyết định bọc Mình Thánh trong một hộp đựng thánh tích bằng sáp ong. Mình
Thánh vẫn ở đó cho đến khi một phép lạ thứ hai xảy ra.
Khoảng một trăm năm sau, một linh mục mở nhà tạm
và nhận thấy hộp đựng thánh tích bằng sáp ong đã vỡ thành từng mảnh nhỏ. Mình
Thánh Chúa được đựng trong hộp đựng thánh tích bằng thủy tinh cùng với sáp ong.
Trong những thế kỷ sau đó, Mình Thánh Chúa thường chảy máu trở lại và đôi khi
người ta nhìn thấy hình ảnh Chúa trong đó. Cho đến ngày nay, hằng năm vào Chủ
Nhật thứ hai của tháng 4, Mình Thánh Chúa kỳ diệu được rước kiệu từ ngôi nhà
nơi xảy ra phép lạ - nay là nhà nguyện - đến nhà thờ hiện được gọi là Nhà thờ
Phép lạ.
Trong năm phục hưng Thánh Thể này, có vẻ như
giáo dân của chúng ta nên được diễm phúc nghe chúng ta kể về một hoặc nhiều
phép lạ này. Để biết danh sách đầy đủ các phép lạ Thánh Thể, hãy truy cập www.carloacutis.com.
Thờ
lạy Thánh Thể
Thánh Tôma Aquinô đã viết, “Bí tích Thánh Thể là bí tích lớn lao nhất trong tất cả các bí tích… vì bí
tích đó chứa đựng chính bản tính của Chúa Kitô: trong khi các bí tích khác chứa
đựng một quyền năng nhất định giống như công cụ, vốn là một phần quyền năng của
Chúa Kitô” (Summa, III, q 65, a3). Thánh Catarina thành Genoa đã nói, “Thời gian tôi dành trước nhà tạm là thời
gian được sử dụng tốt nhất trong cuộc đời tôi.”
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết vào năm
1980 (Bữa tối Chúa nhật, số 3):
*Sự khích
lệ và đào sâu việc tôn thờ Thánh Thể là bằng chứng của sự đổi mới đích thực mà
công đồng tự đặt ra làm mục tiêu và là trọng tâm của công đồng. Và anh em đáng
kính và thân mến, điều này đáng được suy ngẫm riêng. Giáo hội và thế giới rất cần
việc tôn thờ Thánh Thể. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu
này. Chúng ta hãy quảng đại dành thời gian để đến gặp Ngài trong việc tôn thờ
và chiêm niệm đầy đức tin và sẵn sàng đền bù cho những lỗi lầm và tội ác lớn
lao của thế giới. Xin cho việc tôn thờ của chúng ta không bao giờ ngừng lại.
Thật quan trọng biết bao khi chúng ta tận dụng mọi
cơ hội để cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa trong nhà tạm hoặc trong bình đựng
Mình Thánh. Thật là một ân huệ quý giá!
Đức Tổng Giám mục Sheen đã nói một cách hào hứng
về giờ thánh hằng ngày của ngài trước Mình Thánh Chúa, mà ngài đã thực hiện
trong gần 60 năm. Một bà mẹ của sáu đứa con, sau khi nghe theo Đức Tổng Giám mục
Sheen, cũng đã thực hiện giờ thánh hằng ngày trong hơn 30 năm. Điều đó đã thay
đổi cuộc đời bà một cách ngoạn mục và cứu vãn cuộc hôn nhân của bà. Bà đã chuyển
từ chứng rối loạn thần kinh sang trạng thái thanh thản bình an thông qua giờ
thánh. Là một linh mục, tôi đã noi gương họ, thực hiện giờ thánh hằng ngày, và
đó là sức mạnh của cuộc đời tôi trong hơn 40 năm. Nhiều linh mục - và giáo dân
- cũng làm như vậy.
*Đức Gioan
Phaolô II đã viết, “Chúng ta hãy dành thời gian quỳ gối trước Chúa Giêsu hiện
diện trong Bí tích Thánh Thể để đền bù bằng đức tin và tình yêu của chúng ta
cho những hành vi lãnh đạm và chểnh mảng, thậm chí cả những sự sỉ nhục mà Đấng
Cứu Thế của chúng ta phải chịu đựng ở nhiều nơi trên thế giới.” [5]
Nhận
lãnh Thánh Thể
Việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể vừa là triều
thiên vừa là nguồn mạch. Đó là triều thiên để cam kết tình yêu vô điều kiện
dành cho Chúa Giêsu Kitô và đức tin vào giáo huấn của Ngài khi đức tin vào giáo
huấn đó đến với chúng ta thông qua Giáo hội của Ngài. Đó là nguồn ân sủng giúp
chúng ta giữ vững cam kết đó.
Công đồng Trentô đã dạy về Bí tích Thánh Thể:
*Chúa Kitô
muốn bí tích này được đón nhận như lương thực thiêng liêng của các linh hồn, nhờ
đó họ được nuôi dưỡng và củng cố, sống bằng sự sống của Đấng đã phán: “Ai ăn
Ta, thì cũng sẽ sống bởi Ta,” và như một phương thuốc giải độc để chúng ta được
giải thoát khỏi những lỗi lầm hằng ngày và được gìn giữ khỏi tội trọng. Hơn nữa,
Ngài muốn bí tích này là bảo chứng cho vinh quang tương lai và hạnh phúc vĩnh cửu
của chúng ta, và do đó là biểu tượng của một thân thể mà Ngài là đầu... (Sắc lệnh
về Bí tích Thánh Thể, Chương 2)
Không có thức ăn, thân xác sẽ chết; không có Bí
tích Thánh Thể, linh hồn sẽ chết trừ sự không hay biết bất khả kháng: “Amen, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không
ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi không có sự sống trong mình”
(Ga 6:53). Không có sự sống này, chúng ta không thể sống trong Nước Chúa.
Bí tích Thánh Thể có mục đích biến đổi chúng ta:
“Việc thông phần vào Mình và Máu Chúa
Kitô không có hiệu quả nào khác ngoài việc hoàn thành sự biến đổi của chúng ta
thành điều chúng ta lãnh nhận.” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen
Gentium về Giáo hội, đoạn 26)
Sau khi rước lễ, chúng ta nên dành trọn tâm trí
để cảm tạ Thiên Chúa vì món quà tuyệt vời này:
*Các tín hữu
được khuyến khích không nên bỏ qua việc tạ ơn xứng đáng sau khi Rước lễ. Họ có
thể làm điều này trong khi cử hành, với một khoảng thời gian thinh lặng, với một
bài thánh ca, Thánh vịnh hoặc bài hát ngợi khen khác, hoặc cũng có thể sau khi
cử hành, nếu có thể bằng cách ở lại để cầu nguyện trong một thời gian thích hợp.
(Inaestimabile donum 1980, đoạn 17)
Và thật quan trọng khi chúng ta tạ ơn Chúa thật
nhiều! Thánh Têrêsa thành Avila đã viết, “Sau
khi rước lễ, chúng ta hãy cẩn thận đừng để mất cơ hội đàm đạo tốt như vậy với Thiên
Chúa. Thiên Chúa không quen trả ít tiền cho nơi ăn chốn ở của mình, nếu Ngài gặp
được sự tiếp đón tốt lành.”
Chúng ta được khuyên nên nhắm mắt lại khi trở về
hàng ghế sau khi đón nhận Chúa. Điều này sẽ cho phép chúng ta tập trung vào
Chúa trong vài phút để cảm tạ Ngài vì món quà tuyệt vời này. Vì mục đích đó, mẹ
tôi thường lấy tay che mặt để gạt bỏ mọi sự chia trí sau khi đón nhận Chúa.
Thật là một kho tàng mà chúng ta có trong Bí
tích Thánh Thể, như trong Thánh lễ, nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu,
như đối tượng của sự tôn thờ tạ ơn của chúng ta, và như lương thực quý giá của
chúng ta, Bánh Sự Sống, biến đổi chúng ta thành hình ảnh của Chúa Kitô bằng một
“nụ hôn tình yêu” thắm thiết. Không có gì ngạc nhiên khi Thánh Augustinô đã viết
về Bí tích Thánh Thể, “Thiên Chúa trong quyền
năng vô biên của Ngài không thể ban tặng gì nhiều hơn nữa, trong sự khôn ngoan
của Ngài, Ngài không biết cách nào để ban tặng nhiều hơn nữa, trong sự giàu có
của Ngài, Ngài không có gì để ban tặng nhiều hơn là Bí tích Thánh Thể.”
Chú thích:
1. Joan Carroll Cruz, Phép lạ Thánh Thể
(Rockford, IL: Tan Books and Publishers, 1987), trang 3.↩
2. ZENIT Daily Dispatch, “Bác sĩ kể về phép lạ
Thánh Thể ở Lanciano,” ngày 5 tháng 5 năm 2005, Rome, Ý.
www.ewtn.com/catholicism/library/physician-tells-of-eucharistic-miracle-of-lanciano-1866.↩
3. ZENIT, “Bác sĩ kể về phép lạ Thánh Thể ở
Lanciano.”↩
4. ZENIT, “Bác sĩ kể về phép lạ Thánh Thể ở
Lanciano.”↩
5. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”, đoạn18,
ngày 7 tháng 10 năm 2004.
Tác giả: LM Thomas G. Morrow
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ https://www.hprweb.com/