LẦN ĐẦU PHÊRÔ CHỐI CHÚA
“Người ta nói Thầy là ai?”
(Mc 8:27). Câu hỏi của Chúa Giêsu về căn tính của Ngài như thách đố các môn đệ khi
xưa của Ngài, và cũng thách đố tất cả các Kitô hữu chúng ta ngày nay, mọi nơi,
mọi thời đại, phải trả lời. Câu trả lời chúng ta cần đưa ra không phải là lời nói
suông, không chỉ là một thứ tri thức thuần lý, dù giống như câu trả lời của
Simon Phêrô đến đâu đi nữa “Thầy là Đấng
Kitô” (Mc 8:29). Bởi vì con đường theo Chúa Giêsu là một hành trình sống,
theo cung cách sống của Ngài, là Đấng Kitô, Đấng đã đi con đường thương khó, chết
và sống lại. Ngài gánh chịu những đau khổ bởi tội lỗi của chúng ta. Ngài chăm
sóc những nỗi đau đớn của con người, chứ không tìm cách thống trị hay nô dịch
người khác. Tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai nhân
danh Chúa mà đến chính là đoan hứa học cách phục vụ mọi người cụ thể trong cuộc
sống mỗi ngày.
1. Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng không như người ta
mong đợi.
Câu chuyện xảy
ra ở “các làng xã vùng Xêdarê Philípphê”
(Mc 8:27). Chúa Giêsu kiểm tra các môn đệ một chút về bản thân Ngài. Câu hỏi rất
đơn giản và thẳng thắn: “Người ta nói Thầy
là ai?” (Mc 8:27). Người ta nói khá nhiều thứ mơ hồ về Ngài, nhưng rốt cuộc
người ta không biết chắc Ngài là ai. Họ chỉ có thể đoán non đoán già: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì
bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8:28).
Trước sự mơ hồ
này, Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy có một câu trả lời riêng của
chính các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?” (Mc 8:29). Phêrô là người trả lời. Đối với ông, Chúa Giêsu là Đấng
Kitô. Đây là một tuyên bố phi thường nhất mà người ta có thể tưởng tượng được
vào thời điểm đó: “Thầy là Đấng Kitô”
(Mc 8:29). Chúng ta ngạc nhiên trước phản ứng của Chúa Giêsu; Ngài không nói lời
nào tỏ ý bác bỏ danh xưng đó, nhưng ngay lập tức “cấm ngặt các ông không được nói với ai về Ngài” (Mc 8:30). Có lẽ
còn quá sớm để nói với mọi người rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, vì mọi người còn
hiểu danh xưng này quá khác biệt. Đây là điều Ngài sẽ cố gắng làm cho các môn đệ
hiểu: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều,
bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống
lại” (Mc 8:31).
Đối với các
môn đệ của Chúa Giêsu, và với người Do Thái thời đó nói chung, điều này hoàn
toàn vô lý: danh xưng Đấng Mêsia đồng nghĩa với từ ngữ Con Người. Cách nói này
xuất phát trực tiếp từ sách Đaniel: “Trong
những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa có ai như một Con Người đang ngự
giá mây trời mà đến. Ngài tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới
trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Ngài quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Ngài. Quyền
thống trị của Ngài là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của
Ngài sẽ chẳng hề suy vong” (Đaniel 7:13-14). Vài câu sau, Đaniel làm rõ rằng:
“Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh
nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời... Còn vương quốc với
quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được
trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh
cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy” (Đaniel 7:18,27).
Trong tất cả những điều này không có chuyện gì là đau khổ cả! Thật là một ý tưởng
kỳ cục! Phêrô nổi nóng có lẽ là đúng rồi. Giống
như nhiều người cùng thời, ông mong đợi một vị
Mêsia “thống trị, vinh quang và
vương vị” khải hoàn, quyền năng, một lần và mãi mãi đánh đuổi quân xâm lược
Rôma ra khỏi đất nước Do thái. Vì vậy những gì Chúa Giêsu công bố là không thể
chấp nhận được. Thiên Chúa toàn năng không thể để những chuyện như thế này xảy
ra: “Phêrô liền kéo riêng Ngài ra và bắt
đầu trách Ngài” (Mc 8:32).
Thánh sử Máccô
trình thuật rất rõ: “Ngài nói rõ điều đó,
không úp mở” (Mc 8:31). Như vậy, Chúa Giêsu thực sự là Đấng Mêsia mà dân Do
thái đang chờ đợi, nhưng không hề giống
những gì họ mong đợi về Ngài! Người
ta có thể coi trình thuật này như là lần đầu tiên Phêrô chối Chúa, từ chối bước
theo Đấng Mêsia trong đau khổ. Chúa Giêsu đối mặt với sự từ chối bộc phát này của
Phêrô vì đó là một cơn cám dỗ thực sự cho chính Ngài. Do vậy Ngài nói với ông một
cách nặng nề, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có lần nữa: “Satan! lui lại đàng sau Thầy!” (Mc
8:33). Từ đây, những ai tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Mêsia, Đấng
Thiên Sai nhân danh Chúa mà đến nhưng không chấp nhận “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh
sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” thì đều đáng bị gọi là
Satan, vì “Tư tưởng của anh không phải là
tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8:33).
Thánh Máccô
không kể lại các chi tiết về những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc như thánh
Mátthêu (4:1-11) và thánh Luca (4:1-13), nhưng rõ ràng ở đây ngài đang nói đến
một cơn cám dỗ, đặc biệt nghiêm trọng, gây ra phản ứng rất mạnh mẽ từ Chúa
Giêsu, Ngài thực sự phải hành động, phải tuyên chiến: “Satan! lui lại đàng sau Thầy” (Mc 8:33). Cách nhìn của Phêrô, và chúng
ta hôm nay, mang tính chất con người tự nhiên, còn gì có thể tự nhiên hơn! Cái
tự nhiên mang tính tự vệ, theo bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Nhưng chúng ta phải để
Chúa Thánh Thần biến đổi, thậm chí phá bỏ hoàn toàn cách nhìn đó, nếu chúng ta
muốn trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối
các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy”
(Isaia 55:9). Ngay sau sự việc này, “Chúa
Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Ngài nói với họ rằng: Ai muốn theo
tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8:34).
2. Thiên Chúa Cứu độ không bằng quyền lực.
Thánh Máccô kể
rất chi tiết: “Chúa Giêsu quay lại, nhìn
thấy các môn đệ, Ngài trách ông Phêrô” (Mc 8:33). Phải chăng chính vì sự có
mặt của các môn đệ khác mà Chúa Giêsu đã phản ứng như vậy? Phải chăng lỗi của Phêrô
sẽ nghiêm trọng hơn khi có nguy cơ ông lôi kéo người khác rơi vào sai lầm như
mình? Cách Chúa Giêsu gọi Phêrô là “Satan” cho thấy ở đó hiện diện một thứ quyền
lực đen tối lôi kéo người ta xa khỏi đường lối thiên Chúa. Giống như Người Tôi
Tớ của ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất, Chúa Giêsu quyết tâm “tìm nương tựa nơi Thiên Chúa” (Is 50:
10) để hoàn thành sứ mệnh mà Chúa Cha muốn, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với
việc phải gánh chịu những lời lăng mạ, khạc nhổ và đánh đập: “Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi,
tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh
đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ
nhổ” (Is 50:5-6).
Kế hoạch cứu độ
của Thiên Chúa không được thực hiện bởi một Đấng Mêsia thống trị áp đặt theo kiểu
hiếu chiến, nhưng phải như Thánh Phaolô nói: “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm
2:4). Con người cần khám phá ra Thiên Chúa dịu dàng và tha thứ, nhân hậu và
thương xót. Điều này sẽ không thể thực hiện được bằng những hành động quyền lực
nhưng bằng ân huệ tối thượng là mạng sống của Chúa Con: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh
tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Và Ngài mời gọi tất cả các môn đệ
của Ngài ở mọi thời đại bước đi theo Ngài trong cung cách yêu thương, hy sinh ấy.
Bằng cách phản đối Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, Phêrô đóng vai Satan, gợi ý rằng
Chúa Giêsu nên dùng quyền lực và các phép lạ để phục vụ lợi ích của chính bản
thân Ngài. Phêrô rời bỏ vị trí môn đệ của mình thay vì theo sau Thầy Giêsu, lại
cản bước Chúa Giêsu mà ông vừa tuyên xưng là Đấng Kitô. Theo Chúa Giêsu luôn có
nghĩa là theo một người bị đóng đinh, nhưng cũng là theo Ngài đến vinh quang.
Tuy nhiên, đừng
vì Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô mà hiểu lầm Thiên Chúa chỉ vui khi con người đau
khổ. Điều Thiên Chúa muốn là tình yêu, chứ không phải đau khổ. Đối với Chúa
Kitô, đau khổ là cách thế biểu lộ tình yêu huyền nhiệm. Chúng ta đang ở trong một
huyền nhiệm. Tại sao Thiên Chúa lại để cho Chúa Kitô đau khổ? Trong sâu thẳm mỗi
người tin theo Chúa, khi tình yêu dành cho Chúa và người khác càng lớn lao thì người
ấy càng gặp nhiều khó khăn, trắc trở và đau khổ, càng vấp phải những điều không
như phàm nhân thường mong đợi. Chấp nhận điều đó hay không là tùy vào mỗi chúng
ta, hoặc dừng lại ở những gì khả giác mà mình mong muốn kiểm soát được, hoặc buông
bỏ mọi thứ cảm xúc và lý luận nổi loạn để bước vào “cuộc hành trình tâm linh thanh lọc dần dần tâm hồn, vốn cần thiết để đạt
đến đỉnh cao của sự hoàn hảo Kitô giáo, được tượng trưng bởi đỉnh núi Carmel. Sự
thanh lọc này được đề xuất như một hành trình mà con người thực hiện, hợp tác với
hành động của Thiên Chúa, để giải thoát tâm hồn khỏi mọi ràng buộc hoặc tình cảm
trái ngược với ý muốn của Chúa” (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, buổi tiếp kiến
chung, hội trường khán giả Phaolô VI, thứ Tư, 16 tháng 2 năm 2011). Đối với mỗi
người chúng ta, đau khổ phải luôn được đặt trong tình yêu. Đau khổ không được
làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên đen tối hay dẫn tới sự thất vọng về con
người và về Thiên Chúa, nhưng cảm nghiệm được sự bình an, “được tắm mình trong tình yêu thiêng liêng và vui mừng trong tình yêu đó
mà không chút do dự” (đã dẫn trên).
Chúa Giêsu, Đấng
Kitô-Mêsia, không phải là một người giải phóng theo nghĩa chính trị. Ngài là Đấng
mà nếu bạn muốn bước theo sau thì bạn cần phải buông bỏ chính mình, sống và
hành động như Ngài, không dừng lại ở những câu nói ngoài môi miệng. Thánh Giacôbê,
trong bài đọc thứ hai hôm nay, cũng đã đặt ra các câu hỏi, nhưng không phải về
căn tính của Chúa Giêsu, mà về căn tính của những Kitô hữu chúng ta: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà
không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy
được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ
của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho
ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào
có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”
(Gc 2, 14-18).
Phêrô Phạm Văn Trung.
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|