Cu Thịnh, 9 tuổi, bán mộ viên đá quí trong bộ sưu tập đá của nó cho một trong những đứa bạn của nó. Khi ông bố khám phá ra điều đó, ông rất giận dữ. Trước nhất vì bạn nó, 14 tuổi, lớn hơn nó nên biết nhiều về giá trị của viên đá. Thứ hai là vì cậu bé trước khi bán viên đá quí đó đã không chịu hỏi ý kiến ông bố. Vì thế, khi biết được, ông bố đã giận dữ và quở mắng cậu bé một trận, khiến cho tình bạn giữa những đứa trẻ bị ảnh hưởng và làm cho bé Thịnh cảm thấy xấu hổ và mặc cảm.
Quyết định bán hay không là quyền của cậu bé. Quyết định nầy cần phải được kính trọng. Tình hình có thể được giải quyết một cách khéo léo để tỏ ra kính trọng cậu bé và cũng cho phép nó tự kính trọng chính mình. Khi cậu bé tỏ cho bố thấy đó là một viên đá quí, ông bố cũng có thể cho thấy ông có cùng sự thích thú và bỏ qua vấn đề. Vào một ngày nào đó, ông bố có thể giúp cậu bé khám phá ra giá trị tương đối của những viên đá đó mà không lưu ý đến việc buôn bán. Cậu bé sẽ thấy rằng nó đã bị lầm lẫn để mất viên đá quí mà không cảm thấy nhục nhã. Khi ông bố la mắng, ông muốn ám chỉ rằng cậu bé lẽ ra nên biết nhiều hơn, tại sao lại quá khờ khạo như vậy, và rằng điều mà nó đã làm là một chuyện sai lầm. Tuy nhiên, một đứa bé chưa có kinh nghiệm về điều đó, làm sao nó có thể biết được? Ông bố mong đợi quá nhiều nơi cậu bé. Lẽ ra, cậu bé phải được cho thấy rằng sau khi đã làm một quyết định, đó là một vinh dự cần được duy trì. Trong cách thế đó, tình trạng xung khắc biến thành tình trạng giáo dục và tình thân thiện được bảo vệ.
Một ngày nọï, cả gia đình ra công viên chơi, cu Chinh 11 tuổi, kèo nài mẹ cho nó tiền để ngồi trên những chiếc xe hơi. Nhưng hai cô bé, Thoa 9 tuổi và Thủy 7 tuổi, muốn đi vào xem trò chơi trong khi cu Chinh vẫn cứ đòi lái xe. Bà mẹ từ chối. Mỗi khi cậu bé cảm thấy hồi hộp, giọng nói “cà lâm” của nó càng gia tăng và âm thanh nghe như một đứa trẻ thơ mới học bập bẹ. Cuối cùng, mẹ nó quay lại nhái giọng nó và đùa với nó. Bé Thoa và Thủy phát cười còn cu Thịnh bấm chặt môi lại, chống lại những giọt nước mắt đang tuôn trào và lê bước đàng sau họ.
Chế giễu đứa trẻ vì bất cứ lý do gì đều cho thấy sự thiếu kính trọng và chắc chắn không phải là một cách thế giáo dục. Sự việc cậu bé càng nói “cà lâm” khi nó lo lắng hồi hộp, cho thấy đó là một căn bệnh đáng buồn cho nó. Sự đùa giỡn, trêu chọc càng củng cố cảm thức bệnh tật của nó rằng nó không có cách nào để đối đầu với địch thủ và rằng không có hy vọng gì cho nó. Sự kính trọng cậu bé có thể được chứng tỏ bằng cách từ khước chấp nhận sự đánh giá sai lầm của nó về chính nó. Bà có thể nói: “Chúng ta đi về phía trò chơi con ạ!”, một câu nói ngắn gọn cũng đủ để giải quyết vấn đề của cậu bé mà không phải làm cho nó thêm mặc cảm về chính nó.
Một sự bất đồng ở công viên là một sự thường thấy. Nó có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Trước khi gia đình ra đi, một sự quyết định rõ ràng dứt khoát được thõa thuận như mỗi đứa được chi dùng bao nhiêu. Những giới hạn vì lý do an toàn như cỡi xe cũng phải được cắt nghĩa rõ ràng trước khi ra khỏi nhà. Nếu bố mẹ kính trọng sự cứng rắn của họ, việc ra ngoài có thể có được sự vui vẻ và thích thú. Bấy giờ trẻ con được tự do quyết định chọn lấy điều chúng thích phù hợp với những qui định đã được thõa thuận. Trong cách thế đó, chúng học lấy cách chi tiêu tiền bạc cũng như thời giờ để mua lấy sự thích thú kéo dài cho một ngày vui của chúng. Nếu không, cuộc đời sẽ biến thành tình trạng xung khắc, cãi vả, và chán nản cho hết mọi người.
Kính trọng con trẻ có nghĩa là chúng ta coi chúng như một con người với tất cả những quyền căn bản như chúng ta. Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là trẻ con có thể làm bất cứ gì như người lớn. Mỗi người trong gia đình đều có vai trò khác biệt để hoàn thành và mỗi người có quyền được kính trọng trong vai trò của mình.
lm.lêvănquảng.